Góc Sân Và Khoảng Trời ❤️️ Tuyển Tập Thơ, Cảm Nhận ✅ Tìm Hiểu Chi Tiết Về Nội Dung, Số Lượng, Các Bài Thơ Hay Nhất Trong Tập Thơ.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Của Trần Đăng Khoa
Góc sân và khoảng trời là tập thơ xuất sắc nhất của Trần Đăng Khoa được xuất bản lần đầu tiên năm 1968. Thiên hướng văn chương của tác giả được bộc lộ sớm bởi khi đó ông chỉ mới 10 tuổi.
Tập thơ Góc sân và khoảng trời bao gồm những bài thơ lưu lại ký ức, nhật ký của tác giả trong những năm tháng ấu thơ đầy hồn nhiên và vui tươi của mình. Tập thơ này có số lượng bài lớn với 107 bài.
Nhờ được sáng tác khi tuổi đời của tác giả còn khá trẻ nên “Góc sân và Khoảng trời” tái hiện một góc nhìn trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ về một thế giới con người và sự vật mà trong đó con người nào cũng đều mang một dấu ấn tốt đẹp.
Với những quan sát tinh tế cùng sự liên tưởng phong phú và tài năng hiếm có; cỏ cây, loài vật, con người trong thơ Trần Đăng Khoa hiển lên thật gần gũi, thân thiện và dung dị. Tái hiện trong tuyển tập thơ là những sự vật giản dị của làng quê như con bướm vàng, cái sân, dòng sông Kinh Thầy, con chim, con gà, vườn cải, cây đa, con trâu, cây trầu… và nhất là ánh trăng của làng quê.
Trong đó, bài thơ “Hạt gạo làng ta” sáng tác năm 1969 là bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài Thơ này đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc năm 1971, bài hát được rất nhiều người yêu thích, nhất là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Xem thêm thông tin đầy đủ về🌿Thơ Trần Đăng Khoa 🌿Tuyển Tập Thơ
Nội Dung Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời
Tập thơ Góc sân và khoảng trời bao gồm 107 bài thơ về các chủ đề quen thuộc, gần gũi với cuộc sống hằng ngày dưới con mắt nhìn và quan sát của nhà thơ Trần Đăng Khoa – khi ấy là một đứa trẻ. Sau đây Thohay.vn xin chia sẻ cho bạn đọc nội dung những bài thơ nổi bật nhất nằm trong tập thơ Góc sân và khoảng trời, cùng đón đọc nhé!
Con Trâu Đen Lông Mượt
Con trâu đen lông mượt
Cái sừng nó vênh vênh
Nó cao lớn lênh khênh
Chân đi như đập đất
Trâu ơi ăn cỏ mật
Hay là ăn cỏ gà
Đừng ăn lúa đồng ta
(Lúa của mẹ của cha
Phải cấy cày vất vả)
Trâu ơi, uống nước nhá
Đây rồi nước mương trong
Có ánh mặt trời hồng
Có ánh mặt trăng tỏ
Bờ mương xanh mướt cỏ
Của trâu đấy, tha hồ
Trâu cứ chén cho no
Ngày mai cày cho khoẻ
Đừng lo đồng nứt nẻ
Ta có máy bơm rồi
Khó nhọc mấy mùa thôi
Sau thì trâu được nghỉ
Máy cày rồi có nhé
Trâu chỉ còn vui chơi
Hếch cái mũi, trâu cười
Nhe cả hàm răng sún…
Đánh Thức Trầu
Trẩu trẩu trầu trầu
Mày làm chúa tao
Tao làm chúa mày
Tao không hái ngày
Thì tao hái đêm
(Câu hát của bà em)
Đã ngủ rồi hả trầu
Tao đã đi ngủ đâu
Mà trầu mày đã ngủ
Bà tao vừa đến đó
Muốn xin mấy lá trầu
Tao không phải ai đâu
Đánh thức mày để hái!
Trầu ơi, hãy tỉnh lại
Mở mắt xanh ra nào
Lá nào muốn cho tao
Thì mày chìa ra nhé
Tay tao hái rất nhẹ
Không làm mày đau đâu…
Đã dậy chưa hả trầu?
Tao hái vài lá nhé
Cho bà và cho mẹ
Đừng lụi đi trầu ơi!
Sao Không Về Vàng Ơi?
Tao đi học về nhà
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi, rung râu
Rồi mày nhún chân sau
Chân trước chồm, mày bắt
Bắt tay tao rất chặt
Thế là mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà
Dù tao đi đâu xa
Cũng nhớ mày lắm đấy
Hôm nay tao bỗng thấy
Cái cổng rộng thế này!
Vì không thấy bóng mày
Nằm chờ tao trước cửa
Không nghe tiếng mày sủa
Như những buổi trưa nào
Không thấy mày đón tao
Cái đuôi vàng ngoáy tít
Cái mũi đen khịt khịt
Mày không bắt tay tao
Tay tao buồn làm sao!
Sao không về hả chó?
Nghe bom thằng Mỹ nổ
Mày bỏ chạy đi đâu?
Tao chờ mày đã lâu
Cơm phần mày để cửa
Sao không về hả chó?
Tao nhớ mày lắm đó
Vàng ơi là Vàng ơi!
Tiếng Võng Kêu
Kẽo cà kẽo kẹt
Kẽo cà kẽo kẹt
Tay em đưa đều
Ba gian nhà nhỏ
Đầy tiếng võng kêu
Kẽo cà kẽo kẹt
Mênh mang trưa hè
Chim co chân ngủ
Lim dim cành tre
Kẽo cà kẽo kẹt
Cây na thiu thiu
Mắt na hé mở
Nhìn trời trong veo
Kẽo cà kẽo kẹt
Võng em chao đều
Chim ngoài cửa sổ
Mổ tiếng võng kêu
Kẽo cà kẽo kẹt
Xưa mẹ ru em
Cũng tiếng võng này
Cánh cò trắng muốt
Bay – bay – bay – bay…
Kẽo cà kẽo kẹt
Bé Giang ngủ rồi
Tóc bay phơ phất
Vương vương nụ cười…
Trong giấc em mơ
Có gặp con cò
Lặn lội bờ sông
Có gặp cánh bướm
Mênh mông, mênh mông
Có gặp bóng mẹ
Lom khom trên đồng
Gặp chú pháo thủ
Canh trời nắng trong
Em ơi cứ ngủ
Tay anh đưa đều
Ba gian nhà nhỏ
Đầy tiếng võng kêu
Kẽo cà kẽo kẹt
Kẽo cà kẽo kẹt
Kẽo cà……kẽo kẹt
Thả Diều
Cánh diều no gió
Sáo nó thổi vang
Sao trời trôi qua
Diều thành trăng vàng
Cánh diều no gió
Tiếng nó trong ngần
Diều hay chiếc thuyền
Trôi trên sông Ngân
Cánh diều no gió
Tiếng nó chơi vơi
Diều là hạt cau
Phơi trên nong trời
Trời như cánh đồng
Xong mùa gặt hái
Diều em – lưỡi liềm
Ai quên bỏ lại
Cánh diều no gió
Nhạc trời réo vang
Tiếng diều xanh lúa
Uốn cong tre làng
Ơi chú hành quân
Cô lái máy cày
Có nghe phơi phới
Tiếng diều lượn bay?
Tiếng diều vàng nắng
Trời xanh cao hơn
Dây diều em cắm
Bên bờ hố bom…
Sương Muối
Bất ngờ trắng ngõ, móc sa
Lá tre bỗng đỏ như hoa rong giềng
Làng xa cuồn cuộn gió lên
Rập rờn dải lửa cháy bên chân trời…
Mưa
Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp
Gà con
Rối rít tìm nơi
Ẩn nấp
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay
Cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lốc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa
Mưa
Mưa
Ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp…
Rơi
Rơi…
Đất trời
Mù trắng nước
Mưa chéo mặt sân
Sủi bọt
Cóc nhảy chồm chồm
Chó sủa
Cây lá hả hê
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa…
Mẹ Ốm
Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan
Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào
Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo
Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…
Ò… ó… o…
Ò… ó… o…
Ò… ó… o…
Tiếng gà
Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe
Giục hàng tre
Đâm măng
Nhọn hoắt
Giục buồng chuối
Thơm lừng
Trứng cuốc
Giục hạt đậu
Nảy mầm
Giục bông lúa
Uốn câu
Giục con trâu
Ra đồng
Giục đàn sao
Trên trời
Chạy trốn
Gọi ông trời
Nhô lên
Rửa mặt
Ôi bốn bề
Bát ngát
Tiếng gà
Ò… ó… o…
Ò… ó… o…
Mùa Đông Và Cây Sầu Đông
Ngoài vườn mưa bụi lây rây
Cành xoan vươn những nhánh gầy khẳng khô
Quả vàng héo quắt, lưa thưa
Lặng dâng nỗi nhớ ngày xưa lên trời…
Khi Mùa Thu Sang
Mặt trời lặn xuống bờ ao
Ngọn khói xanh lên, lúng liếng
Vườn sau gió chẳng đuổi nhau
Lá vẫn bay vàng sân giếng
Xóm ngoài, nhà ai giã cốm
Làn sương lam mỏng, rung rinh
Em nhỏ cưỡi trâu về ngõ
Tự mình làm nên bức tranh
Rào thưa, tiếng ai cười gọi
Trông ra nào thấy đâu nào
Một khoảng trời trong leo lẻo
Thình lình hiện lên ngôi sao
Những muốn kêu to một tiếng
Thu sang rồi đấy! Thu sang!
Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến
Cõng cháu chạy rông khắp làng…
Mùa Xuân – Mùa Hè
Mùa xuân hoa nở đẹp tươi
Bướm con bướm mẹ ra chơi hoa hồng
Bướm mẹ hút mật đầu bông
Bướm con đùa với nụ hồng đỏ hoe
Vui sao khi chớm vào hè
Xôn xao tiếng sẻ tiếng ve báo mùa
Rộn ràng là một cơn mưa
Trên đồng bông lúa cũng vừa uốn câu.
Khi Mẹ Vắng Nhà
Kính tặng mẹ em
Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn
Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng
Sớm mẹ về, thấy khoai đã chín
Buổi mẹ về, gạo đã trắng tinh
Trưa mẹ về, cơm dẻo và ngon
Chiều mẹ về, cỏ đã quang vườn
Tối mẹ về, cổng nhà sạch sẽ
Mẹ bảo em: Dạo này ngoan thế!
– Không mẹ ơi! Con đã ngoan đâu
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
Con chưa ngoan, chưa ngoan!
Đêm Thu
Thu về lành lạnh trời mây
Bỗng nhiên thức giấc nào hay mấy giờ
Ánh trăng vừa thực vừa hư
Vườn sau gió nổi nghe như mưa rào.
Cây Xoan
Ngày nào xoan bé xíu
Giờ bỗng vút lưng trời
Dưới gốc cây xám mốc
Bao lá cành khô rơi…
Bà Và Cháu
Bà ngồi yên rất lâu
Bóng tạc lên vách đất
Dải khăn vuông đội đầu
Gió lọt vào phơ phất…
Ôm Hương, tay run run
Bỗng nhiên, bà chớp mắt
Nhớ ngày xưa đói nghèo
Thương ông, giặc Pháp bắt
Sục sạo tìm du kích
Giặc đốt hết xóm làng
Bố Hương vượt lửa đạn
Bơi qua Lục Đầu Giang
Ông đi, ông để lại
Cái vành tang cho bà
Vết nhăn hằn sâu mãi
Và hắt hiu tuổi già
Sau hòa bình, bố về
Xóm làng còn đủ cả
Chỉ vắng mẹ Hương thôi
Bố ngồi trơ như đá…
Rồi lạy bà, bố đi…
Hương mới sinh, bé choắt
Đất nước sao nhiều giặc
Đánh đến giờ chưa xong!…
Cái bao tượng của bà
Thắt bụng dần nhỏ lại
Cả một đời lo toan
Lưng bà giờ như gẫy
Bà vẫn vui công việc
Chả lúc nào ngơi tay
Khi bà thăm trận địa
Khi bà trồng hàng cây
Bà vẫn nuôi bộ đội
Suốt hăm mấy năm trời
Nhiều chú đeo súng lục
Cưỡi bình bịch về chơi
Thư các chú gửi về
Không tuần nào không có
Chú thì đóng Sơn La
Chú thì ra Cồn Cỏ
Chú thì giữ Hàm Rồng
Chú thì xa, xa nữa…
Thư đi mấy tháng đường
Nhiều bức nhòe một nửa
Lâu nay, Hương không thấy
Chú nào về thăm đây
Bà bảo: Các chú bận
Đánh Mỹ suốt đêm ngày
Những lúc sợ bà buồn
Hương lượn tròn, múa hát
Bóng chuối trùm nửa sân
Trăng ngời ngời như bạc…
Kể Cho Bé Nghe
Hay nói ầm ĩ
Là con vịt bầu
Hay hỏi đâu đâu
Là con chó vện
Hay chăng dây điện
Là con nhện con
Ăn no quay tròn
Là cối xay lúa
Mồm thở ra gió
Là cái quạt hòm
Không thèm cỏ non
Là con trâu sắt
Rồng phun nước bạc
Là chiếc máy bơm
Dùng miệng nấu cơm
Là cua, là cáy
Chẳng vui cũng nhảy
Là chú cào cào
Đêm ngồi đếm sao
Là ông cóc tía
Ríu ran cành khế
Là cậu chích choè
Hay múa xập xoè
Là cô chim trĩ…
Về Thăm Cô Bưởi
Về thăm cô Bưởi chiều nay
Lúa reo vàng đất, mây bay trắng trời
Sông Kinh bên lở bên bồi
Mái gianh nghiêng xuống bao đời vẫn xưa
Mẹ già, một nắng hai mưa
Rưng rưng mái tóc bạc phơ tháng ngày
Lá vàng còn ở trên cây
Nghe câu hát cũ dâng đầy hồn ta
Mẹ ơi, xin mẹ đừng già
Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi
Sông Kinh bên lở bên bồi
Một người ngã xuống, bao người nảy sinh
Mái gianh ơi hỡi mái gianh
Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương
Bóng cau vẫn ngả ngang vườn
Lá tre gió vẫn thổi vương ngõ ngoài
Cô đi mấy chục năm rồi
Bãi sống độ ấy, cát bồi đã xa
Đồng lầy dày lác cô qua
Mấy mùa lúa đã trổ hoa thơm lừng
Phi lao mát rượi bờ vùng
Máy cày xẻ đất, lật từng rãnh sâu
Chẳng ai nguôi nỗi xưa đau
Nỡ quên giọt máu thấm sâu đất này…
Bờ ao hoa bụt lắt lay
Hoa ơi có nhớ những ngày gian nan
Cầu ao oan khuất bắc ngang
Nơi đây gửi lại muôn vàn nhớ thương
Dù cô dừng lại giữa đường
Cuộc đời như lúa thơm hương giữa đồng
Cô như con sóng giữa sông
Phù sa giữa đất, trăng trong giữa trời
Bóng cô đi giữa triệu người
Hôm nay và cả muôn đời mai sau…
Đi Tàu Hỏa
Con tàu hoả rất dài
Bánh không săm không lốp
Chạy đều trên đường ray
Đêm ngày không bị trượt
Tàu giật mình đột ngột
Rồi dùng dằng rời ga
Dòng sông và con đường
Quay như cái com pa
Tiếng bành bạch rất xa
Tiếng bành bạch rất gần
Nghe ù ù ầm ầm
Đất trời đang xay lúa
Nắng bập bình cửa sổ
Mây bồng bềnh về đâu
Em ngồi trên giông bão
Đang chuyển dưới gầm tàu
Bên em chú bộ đội
Túi xách có nhiều quà
Em nhìn trong mắt chú
Long lanh phương trời xa
Chị thanh niên xung phong
Áo bạc màu nắng gió
Chị nhìn đi xa xăm
Hát bài gì không rõ
Bên em bạn thiếu nhi
Đeo huy hiệu Bác Hồ
Bạn làm “nghìn việc tốt”
Hôm nay về Thủ đô
Ngoài kia núi nhấp nhô
Ngang trời – như nổi sóng
Nhà máy nào vừa dựng
Khói bay trắng một miền
Con tàu như mũi tên
Đang lao về phía trước
Em muốn con tàu này
Đưa em đi khắp nước
Ơi Tổ Quốc! Tổ Quốc!
Em Gặp Bác Hồ
Có ai se sẽ ngồi xuống đầu giường
Đưa bàn tay mát như kem sữa
Xoa lên trán em đang dịu lửa
Vuốt lên mắt em đang bớt mờ
A, Bác Hồ!
Bác Hồ ta đó!
Bác mặc tấm áo ka ki
Bàng bạc sương rừng Pắc Bó
Trán Bác có ngôi sao
Thảo nào
Bác đi đêm không lạc
Bác cười rung rung chòm râu
Mắt Bác sao mà thương thế
Tóc Bác thơm lừng gió bể
Thơm nắng đường xa
Bác cho em nhiều quà
Và khen dạo này em béo khỏe
Hơn ngày xưa nhiều
Cúc áo em bị đứt từ chiều
Đêm phanh ra, hở ngực
Bác đắp vào cho em
Rồi Bác ra rất êm
Bác đi!
Bác đi rồi!
Em bỗng oà lên khóc
Tỉnh dậy thấy ướt đầm mái tóc
Nhìn xem Bác có đâu đây
Chỉ thấy đầy trời đèn sáng, mưa bay
Người người lặng im đi viếng Bác
Bóng đèn rưng rưng nước mắt…
Đúng rồi
Bệnh viện em vừa truy điệu Bác chiều nay
Nhưng Bác chỉ yên nghỉ ban ngày
Chứ ban đêm là Bác rời linh cữu
Bác chào chú đứng gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới
Để chăm sóc trẻ con
Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện…
Đồng Quê
Làng quê lúa gặt xong rồi
Mây hong trên gốc rạ phơi trắng đồng
Chiều lên lặng ngắt bầu không
Trâu ai no cỏ thả rông bên trời
Hơi thu đã chạm mặt người
Bạch đàn đôi ngọn đứng soi xanh đầm
Luống cày còn thở sùi tăm
Sương buông cho đống hoang nằm chiêm bao
Có con châu chấu phương nào
Bâng khuâng nhớ lúa, đậu vào vai em…
Cái Sân
Em thường rải cái nong
Ra góc sân ngồi học
Những đêm có trăng mọc
Em chơi cho đến khuya
Thường là xỉa cá mè
Hay làm mèo đuổi chuột
Những lúc mưa sậm hột
Em bắt cái vòi cau
Chảy vào giữa chum sâu
Khi trời râm em vẽ
Vẽ cô tiên lặng lẽ
Rải hoa trên bầu trời
Thế là bao đồng lúa
Cứ chín vàng, vàng tươi…
Kẹo Hồng Kẹo Xanh
Tay em cầm một cành đào
Ngày mồng một tết, chúng em vào thăm anh
Các anh ở giữa đồng xanh
Giơ tay ra đón, các anh cùng cười
Cành đào em tặng rất tươi
Thấy các anh khỏe, các anh cười, em yêu
Kẹo xanh, kẹo đỏ rất nhiều
Đứa nào anh cũng chia đều như nhau
Đứa nào anh cũng xoa đầu
Đứa nào anh cũng bế lâu trong lòng
Khẩu pháo nó đứng nó trông
Chú ta cũng muốn kẹo hồng, kẹo xanh.
Mang Biển Về Quê
Lấp lóe lửa chài – sao hiện ra
Mây bay lóng lánh – cánh buồm xa
Em mang sắc biển về quê đó
Sắc biển xanh trên những mái nhà.
Tiếng Nói
À uôm, ếch nói ao chuôm
Rào rào, gió nói cái vườn rộng rênh
Âu âu, chó nói đêm thanh
Tẻ… te… gà nói sáng banh ra rồi
Vi vu, gió nói mây trôi
Thào thào, trời nói xa vời mặt trăng…
Đón đọc chùm🔰 Thơ Thiếu Nhi Trần Đăng Khoa 🔰Chùm Thơ Cho Trẻ Mầm Non
Bài Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Trần Đăng Khoa
Dưới đây là nội dung bài thơ Góc sân và khoảng trời nằm trong tập thơ cùng tên của Trần Đăng Khoa.
Góc sân và khoảng trời
Tác giả: Trần Đăng Khoa
Góc sân nho nhỏ mới xây
Chiều chiều em đứng nơi này em trông
Thấy trời xanh biếc mênh mông
Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy…
15 Bài Thơ Hay Trong Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời
Sưu tầm 15 bài thơ hay nhất trong tập thơ Góc sân và khoảng trời của nhà thơ Trần Đăng Khoa gửi tặng bạn đọc cùng thưởng thức.
Buổi Sáng Nhà Em
Ông trời nổi lửa đằng đông
Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay
Bố em xách điếu đi cày
Mẹ em tát nước, nắng đầy trong khau
Cậu mèo đã dậy từ lâu
Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng
Mụ gà cục tác như điên
Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi
Cái na đã tỉnh giấc rồi
Đàn chuối đứng vỗ tay cười, vui sao!
Chị tre chải tóc bên ao
Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương
Bác nồi đồng hát bùng boong
Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà.
Em Lớn Lên Rồi
Năm nay em lớn lên rồi
Không còn nhỏ xíu như hồi lên năm
Nhìn trời, trời bớt xa xăm
Nhìn sao, sao cách ngang tầm cánh tay
Núi xa lúp xúp chân mây
Bờ sông khép lại, hàng cây thấp dần
Nơi xa bỗng hóa nên gần
Quanh em bè bạn quây quần bốn phương…
Cây Dừa
Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao
Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh
Ai mang nước ngọt, nước lành
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa
Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo
Trời trong đầy tiếng rì rào
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra…
Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.
Con Bướm Vàng
Con bướm vàng
Con bướm vàng
Bay nhẹ nhàng
Trên bờ cỏ
Em thích quá
Em đuổi theo
Con bướm vàng
Nó vỗ cánh
Vút lên cao
Em nhìn theo
Con bướm vàng
Con bướm vàng…
Con Chim Hay Hót
Con chim nó đỗ cành tre
Bay ra cành chè nó hót hay hay
Hót rằng cây phi lao này
Mấy anh bộ đội trồng ngày ra đi
Phi lao mới nói rầm rì
Rằng anh bộ đội mai kia lại về
Con chim nó đỗ cành tre
Bay ra cành chè nó hót hay hay…
Trông Trăng
Đêm nay trăng đang rằm
Trăng như cái mâm con
Ai treo ông cao thế
Ông nhìn đàn em bé
Muốn khoe có mặt tròn
Dưới sân em trông trăng
Có quả thị thơm lừng
Nải chuối tiêu thơm mát
Ông trăng nhìn thấy xôi
Là ông nhoẻn miệng cười
Áng chừng ông thích lắm
Trăng nở vàng như xôi
Em chạy nhảy tung tăng
Múa hát quanh ông trăng
Em nhảy, trăng cũng nhảy
Mái nhà ướt ánh vàng
Khuya, không trông trăng nữa
Trăng thập thò ngoài cửa
Muốn rủ em đi chơi
Bồng bềnh…Trăng trôi…
Ghi Ở Bờ Ao
Chim hót rung rinh cành khế
Hoa rơi tím cả cầu ao
Mấy chú rô ron ngơ ngác
Tưởng trời đang đổ mưa sao.
Hoa Bưởi
Đêm qua hoa rụng cánh rồi
Sớm nay cái cuống đã chồi quả non
Hoa rơi trắng mảnh sân con
Ôi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương…
Cô Thị Mầu
Lúa rơm tạm thu gọn lại
Màn phông căng đỏ sân đình
Điện xanh vòm đa cổ thụ
Người xem đông như mít tinh
Xóm làng như xóm làng xưa
Trong tiếng trống chèo sâu vợi
Tiếng mõ đưa hương hoa đại
Len dần vào mọi tâm tư
Kìa cô Thị Mầu lên chùa
Đỏng đảnh dáng đi, mắt liếc
Ngắm cái tay cô phẩy quạt
Tưởng mình sống đã trăm năm
Người xem thoáng như quên chị
Chiều nay gánh lúa trên đồng
Tần tảo nuôi em, nuôi mẹ
Mười năm ròng rã chờ chồng…
Họp Báo “Chim Hoạ Mi”
Chiều nay “Toà soạn” họp
Ở nhà bạn Thuý Giang
Chủ nhà đã sẵn sàng
Ngả ra con lợn béo
Đầu tiên “nhà thơ” Lộ
Tóc đỏ như râu tôm
Chưa bước vào đến cửa
Đã đọc thơ ồm ồm
Rồi đến “hoạ sĩ” Lập
Tai gài chiếc bút lông
Tay cầm quả bóng nhựa
Vừa đi vừa tung tung
Cuối cùng, “nhà báo” Tĩnh
Đánh một chiếc quần đùi
Anh chàng vừa đi hôi
Tay còn tanh mùi cá
Mấy “nhà” ngồi xuống đất
Bàn ra báo ngày mai
“Nhà thơ” thì nói ngắn
“Nhà báo” thì nói dài
Chưa bàn xong công việc
Chủ nhà đã bưng lên
Toàn là chả với nem:
Những khoanh khoai lang luộc!
Cháu Làm Bà Còng
Cái chân thì khuệnh khoạng
Tay vắt vẻo lưng cong
Đầu vấp va vấp vểnh
Cháu bỗng hoá bà còng
Mèo tròn mắt lạ lùng
Chị cười lăn ra đất
Mẹ ngồi lặng hồi lâu
Bà đứng trào nước mắt…
Hạt Gạo Làng Ta
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta…
Vườn Cải
Gió lên vườn cải tốt tươi
Lá xanh như mảnh mây trời lao xao
Em đi múc nước dưới ao
Chiều chiều em tưới, em rào, em trông
Sớm nay bướm đến lượn vòng
Thì ra cải đã lên ngồng vàng tươi
Bé Giang trông thấy nhoẻn cười
Nhăn nhăn cái mũi hở mười cái răng…
Trăng Sáng Sân Nhà Em
Ông trăng tròn sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em…
Hàng cây cau lặng đứng
Hàng cây chuối đứng im
Con chim quên không kêu
Con sâu quên không kêu
Chỉ có trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em…
Cơn Giông
Cơn giông bỗng cuộn giữa làng
Bờ ao lở. Gốc cây bàng cũng nghiêng
Quả bòng chết chẳng chịu chìm
Ao con mà sóng nổi lên bạc đầu…
Tuyển tập ❤️️Những Bài Thơ Về Mẹ Của Trần Đăng Khoa ❤️️ Hay, ý nghĩa
Những Mẫu Cảm Nhận Về Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Hay Nhất
Chia sẻ thêm những mẫu cảm nhận về tập thơ Góc sân và khoảng trời hay nhất.
Mẫu Cảm Nhận Về Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Hay – Bài Thơ Hạt Gạo Làng Ta
Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở Nam Sách, Hải Dương. Ông biết đến là thần đồng thơ ca, khi chỉ mới 8 tuổi đã có tác phẩm được đăng báo và hai năm sau, tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của ông được xuất bản bởi Nhà xuất bản Kim Đồng.
Bài thơ ra đời trong cuộc chiến tranh chống Mĩ (1954-1975) viết bởi tác giả Trần Đăng Khoa vào năm 1969. Lúc ấy, nước ta còn nghèo, còn phải chịu đói nên hạt gạo rất quý.
“Hạt gạo làng ta” là bài thơ nổi tiếng của Trần Đăng Khoa, in trong tập Góc sân và khoảng trời vào năm 1968. Tác giả sử dụng thể thơ bốn chữ. Ngôn từ giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp nhận phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Hình ảnh “hạt gạo” trong bài thơ được tác giả sử dụng, miêu tả gần gũi, mộc mạc với người nông dân. Hạt gạo trong bài thơ biểu trưng cho hạt ngọc quê hương, tác giả bày tỏ tấm lòng biết ơn, yêu thương, trân quý đối với người nông dân lao động vất vả, nhọc nhằn ngày đêm.
Tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện thông qua hình ảnh: “Hạt gạo làng ta”. Hình ảnh ấy gắn liền với kí ức, tuổi thơ quê hương tươi đẹp, công sức lao động nhọc nhằn, vất vả của biết bao thế hệ đi trước chỉ để giữ gìn, bảo vệ hạt gạo khỏi chiến tranh, bom đạn đau thương, chết chốc, thảm khốc.
Hạt gạo có ý nghĩa, đóng vai trò quan trọng trong mỗi bữa ăn để duy trì sự sống của con người. Mỗi khi ăn từng bát cơm, ta hãy luôn tâm niệm lòng biết ơn vô hạn, vì đó chính là sức lao động, mồ hồi, nước mắt của người dân đã cực khổ nắng mưa dãi dầu chỉ để mang đến cho ta hạt gạo thơm ngon.
Đọc bài thơ tôi xúc động, nghẹn ngào vì tính giáo dục trong bài rất cao. Thiếu nhi khi đọc bài thơ này sẽ hình thành, suy nghĩ, nhân cách, lòng yêu, trân trọng những người nông dân. Giữa lúc chiến tranh, hạt lúa chín vàng nặng trĩu vẫn hiên ngang, dũng cảm không bao giờ chịu khuất phục. Cây lúa là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí, kiên cường của người nông dân. Hình ảnh cây lúa mộc mạc, giản đơn nhưng đã nói lên được tâm tư, tình cảm của những người lao động.
Câu hát mẹ ru con ngủ mang đậm tình thương yêu vô bờ bến được nhà văn ca ngợi. Những vẻ đẹp giản đơn, bình dị, người nông dân chân chất, thật thà luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày mà đôi khi ta vô tình không để ý hoặc bỏ quên. Bài thơ gợi nhắc ta hãy cảm nhận, tận hưởng vẻ đẹp nông quê, ta sẽ thấy thư thái và bình yên hơn.
Phải có tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, con người lớn lao tác giả mới sáng tác nên bài thơ: “Hạt gạo làng ta”. Một bài thơ mà bất kể ai đọc cũng cảm nhận được tình yêu thương, thêm trân quý thành quả hạt gạo chứa đựng biết bao công lao, hy sinh của người nông dân trong công cuộc giữ gìn bảo vệ quê hương, đất nước. Và hạt gạo là thức ăn nuôi ta lớn lên hàng ngày, nên nhất định ta phải luôn ghi nhớ công ơn người nông dân đã không quản ngày đêm, nắng mưa chỉ để nuôi dưỡng, mang đến hạt gạo thơm ngon cho bao người.
Những miêu tả chân thực của tác giả về hạt gạo làng ta khiến bao người đọc không khỏi xúc động và thêm yêu thương người nông dân tần tảo, tay lấm chân bùn. Những câu hát ru của mẹ đậm tình quê hương chân chất, thật thà. Chính tình cảm, tình yêu thương xuất phát từ bên trong nên nhà thơ đã sáng tác nên bài thơ này thật sâu sắc, ý nghĩa, giúp ta thêm trân quý hạt gạo, thấu hiểu công sức người nông dân đã góp phần tạo nên hạt gạo.
Tác giả muốn củng cố tình yêu thương quê hương, đất nước cho bao thế hệ thiếu nhi để cùng giữ gìn, nâng niu hạt gạo mà tác giả ví là “hạt vàng làng ta”. Tác giả so sánh hạt gạo quý giá như hạt vàng. Điều đó làm nổi bật ý nghĩa, tầm quan trọng của hạt gạo đối với đời sống của người nông dân. Tác giả đã chứng kiến, trải qua cảnh tát nước, bắt sâu, gánh phân nên thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ bao khó khăn, vất vả của người nông dân. Đây là bài thơ vô cùng xúc động nhưng không kém sâu sắc, triết lý khi tác giả miêu tả cụ thể từng chi tiết, hình ảnh, nội dung tinh tế, chân thực, gần gũi.
Thông điệp ý nghĩa tác giả gửi đến độc giả, hãy luôn yêu thương quê hương, đất nước, con người. Quê hương luôn là nơi mang đến sự thoải mái trong tâm trí. Nếu như hôm nay ta cảm thấy mệt mỏi, bi quan, chán nản thì hãy ngồi xuống ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên hữu tình, quan sát cuộc sống của người nông dân lao động, ta sẽ có thêm sức mạnh, nguồn năng lượng tích cực và ta sẽ nhận ra, hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà hạnh phúc nằm ở ngay hiện tại, bây giờ và ở đây.
Mẫu Cảm Nhận Về Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Ngắn Hay – Bài Thơ Đánh Thức Trầu
Trần Đăng Khoa là một nhà thơ nổi tiếng vốn được mệnh danh là” Thần đồng thơ trẻ “. Đánh thức trầu là bài thơ vừa cho thấy lối thơ trong sáng, hồn nhiên chân thành của trẻ thơ vừa thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó và trân trọng cây cối của cậu bé.
Với quan niệm hồn nhiên của con trẻ, Trần Đăng Khoa đã đánh thức trầu bằng một lối riêng – câu hát để hái trầu đêm của bà em. Câu hát của bà như là chiếc cầu nối quá khứ vào hiện tại để làm nổi bật tình cảm hồn nhiên và thái độ đối xử bình đẳng, mến thân của Trần Đăng Khoa với bạn Trầu.
Muốn xin mấy lá trầu không thì không thể không đánh thức chủ nhân:” Đã ngủ rồi hả trầu? “. Trong câu hỏi của cậu vừa thân mật lại vừa có một tí so sánh, một tí lí sự rất trẻ con: Đã ngủ rồi hả trầu? Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ (Mày và tao cùng là trẻ con, cùng chơi ban ngày, vậy sao mày đi ngủ sớm thế) ?
Nhưng có lẽ Trầu ngủ say quá, chú bé Trần Đăng Khoa lại phải đánh thức, phải gọi, phải nhắc lại yêu cầu” Trầu ơi hãy tỉnh lại! “Kèm theo đó là một lời hứa” Tay tao hái rất nhẹ / Không làm mày đau đâu ” thể hiện tình cảm trân trọng, nâng niu, yêu và quý loài cây này như một người bạn thân thiết.
Nhưng anh bạn Trầu này cũng như cậu bé Khoa, thường ngủ rất say và có khi tỉnh rồi vẫn có thể ngủ lại ngay nên phải đánh thức đến lần thứ ba” Đã dậy chưa hả Trầu? “
Cách xưng hô thân thiết mày – tao của cậu bé với cây trầu – vật vô tri, thể hiện tình cảm gần gũi, gắn bó thân thiết, trân trọng, nâng niu, yêu và quý loài cây này như một người bạn thân thiết. Đồng thời cũng thể hiện quan niệm của dân gian: Hái trầu đêm dễ làm trầu lụi nên phải đánh thức trầu, nói rõ lí do, phải hái rất nhẹ nhàng và chỉ hái vài lá đủ dùng cho bà và cho mẹ.
Câu thơ cho thấy Khoa rất quý bà, thương mẹ bởi không ít bạn ở tuổi này dễ vin vào lí do trẻ con, sợ tối, hãi ma để khước từ việc ra vườn một mình hái trầu trong đêm tối.
Bài thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa (gọi vật như gọi người, trò chuyện với vật như với người, tả vật như tả người) liên tiếp trong các dòng thơ thể hiện tình cảm yêu quý và cách đối xử bình đẳng với câu cối. Cậu bé Khoa cũng rất quí, rất thương trầu nên mong ước” Đừng lụi đi trầu ơi!”, đồng thời cho thấy tâm hồn trắng trong như lụa của tuổi thơ trong tình bạn – dù là bạn với cỏ cây.
Tóm lại, với giọng thơ hồn nhiên, hình ảnh mộc mạc, dễ hiểu, nhân hóa ấn tượng, bài thơ cho thấy tình cảm mến yêu gắn bó của cậu bé với cây trầu, vừa hồn nhiên vừa chân thành. Cậu trân trọng cây cối, yêu quý, coi cây cối như người bạn thân.
Đây là bài thơ tiêu biểu thể hiện cách ứng xử của người thôn quê đối với cây cối trong vườn như đối với những người bạn thâm tình.
Mẫu Cảm Nhận Về Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Ngắn Gọn – Bài Thơ Mẹ Ốm
Mẹ ốm là bài thơ lục bát của Trần Đăng Khoa đọc lên nghe thật cảm động. Bài thơ là tấm lòng ân tình sâu nặng, là tình thương mẹ thiết tha của đứa con thơ giàu lòng hiếu thảo đối với mẹ hiền.
Mọi hôm, mẹ thích vui cười. Mẹ vẫn thích ăn trầu và đọc Kiều. Thế mà hôm nay, mẹ bị ốm, mẹ chẳng nói cười được nữa. Lá trầu, trang Kiều cũng trở nên cô đơn buồn thương:
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.
Mẹ nằm liệt giường, liệt chiếu. Ruộng vườn nhớ mong mẹ sớm trưa:
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Con thương mẹ ngã bệnh “đau buốt, nóng ran”. Bà con xóm làng, anh y sĩ…tất cả đến thăm hỏi ân cần chăm sóc. Tình nghĩa anh em bà con như bát nước đầy:
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh y sỹ đã mang thuốc vào
Đứa con khi nhìn mẹ “lần giường tập đi” mà thương mẹ, người mẹ tần tảo, vất vả cả đời đi gió về sương, người mẹ đã dành tất cả cho đàn con thơ:
Vì con, mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn.
Thương mẹ ốm đau, đứa con thơ chỉ cầu mong:
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say
Với con thơ, mẹ là cuộc đời, mẹ là hạnh phúc, mẹ là quê hương đất nước của con. Biết bao yêu mến, biết ơn và tự hào về mẹ:
Mẹ là đất nước tháng ngày của con
Có tấm lòng nào bao la bằng tấm lòng của mẹ hiền? Có tình thương nào tha thiết, sâu nặng bằng tình con thương mẹ. Bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa cho ta cảm thấy sâu sắc hơn tình mẫu tử ở đời.
Mẫu Cảm Nhận Về Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Chọn Lọc – Bài Thơ Mưa
Bài Mưa được Trần Đăng Khoa viết năm 1967, khi ấy tác giả mới lên chín tuổi. Thơ tuổi thơ của Trần Đăng Khoa thường viết về những cảnh vật và con người bình dị, gần gũi ở làng quê, nơi góc sân vườn nhà, nhưng lại từ chỗ đó mà nhìn ra được đất nước và mang khí thế của thời đại chống Mỹ cứu nước. Bài thơ Mưa cũng nằm trong mạch sáng tác ấy.
Bức tranh mưa rào được Trần Đăng Khoa miêu tả theo trình tự thời gian. Từ lúc sắp mưa đến trong cơn mưa.
Quang cảnh lúc trời sắp mưa được mở đầu bằng hai dòng thơ lặp lại:
Sắp mưa Sắp mưa
Như lời báo động rất khẩn trương cho mọi người biết là cơn mưa rào đã đến. Quang cảnh được diễn ra bằng hàng loạt hình ảnh diễn tả sự hoạt động của cảnh vật rất sống động: cả họ hàng nhà mối rời tổ bay ra, bay cao, bay thấp, nhào lộn trong không trung, mối già, mối trẻ sao mà nhiều mối thế! Đích xác là trời sắp mưa rồi!
Dưới đất đàn gà con đang rối rít tìm nơi ẩn nấp. Vội vã quá! Kìa ông trời đã mặc áo giáp đen ra trận, mưa đã múa gươm, kiến đang hành quân, rồi bụi bay, gió cuốn… Tất cả, tất cả đều vội vã, khẩn trương hành động khi cơn mưa sắp tới. Còn có hình ảnh nào đẹp hơn:
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con thơ
Đầu tròn
Trọc lốc
Từ động tác của cây cỏ gà và động tác rung rinh của nó trong cơn gió mà tác giả đã hình dung ra như cái tai cỏ gà rung lên để nghe âm thanh của những cơn gió mạnh lúc trời sắp mưa; những cành tre và lá tre bị gió thổi mạnh được hình dung như mớ tóc của bụi tre đang gỡ rối. Nhưng càng gỡ càng rối bởi gió mỗi lúc càng mạnh hơn. Một hình ảnh so sánh rất táo bạo của nhà thơ: những quả bưởi được ví như lũ trẻ con, đầu không có tóc đang ẩn náu trong những cành lá bưởi đang đưa đi, đưa lại trước gió…
Nhà thơ phải quan sát thật kĩ và vô cùng tinh tế, qua cảm nhận bằng mắt và tâm hồn của trẻ thơ, kết hợp với sự liên tưởng phong phú, mạnh mẽ mới có được những vần thơ hồn nhiên và độc đáo đến như vậy!
Cơn mưa được miêu tả theo cấp độ tăng dần. Nếu như quang cảnh khi trời sắp mưa là sự hoạt động và trạng thái khẩn trương, vội vã của cây cối và loài vật thì trong cơn mưa, khung cảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả dữ dội hơn, sự hoạt động của sự vật và có cả con người nữa có phần mạnh mẽ hơn.
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc.
Từ rạch có sức gợi sự hoạt động của tia chớp quá nhanh và mạnh đến nỗi như người cầm dao rạch đứt đôi bầu trời để từ vết rạch đó toé ra những tia lửa điện báo hiệu trời mưa đã đến nơi rồi. Kèm theo chớp là sấm sét, một sự liên tưởng hợp với lô-gíc tự nhiên. Biện pháp nhân hoá được sử dụng liên tiếp trong đoạn thơ: Sấm cười, cây dừa sải tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa. Những vật vô tri vô giác vào thơ của Trần Đăng Khoa đều có hồn.
Bức tranh sống động, rộn ràng hơn khi tác giả miêu tả âm thanh:
Mưa
Mưa
Ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp.
Cả không gian đất trời mù trắng nước. Nước sủi bọt bong bóng phập phồng dưới mái hiên. Cây lá được uống mưa, tắm mưa tươi tỉnh “hả hê” sung sướng.
Hình ảnh con người được hiện lên trong bức tranh thiên nhiên rất đẹp. Trong cơn mưa dữ dội, con người đã bất chấp:
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa…
Ở đây có sự đối lập giữa thiên nhiên và con người. Một bên là mưa, sấm, chớp dữ dội, một bên là sự chủ động bình tĩnh của con người. Phải chăng tác giả đã sử dụng thiên nhiên như là một cái nền tôn cao tư thế của con người. Con người ở đây là Người cha đi cày về.
Đi cày là một công việc bình thường và quen thuộc ở làng quê đã được hiện lên, nổi bật với dáng vẻ lớn lao, với tư thế vững vàng giữa khung cảnh thiên nhiên dữ dội của trận mưa như là bất chấp tất cả, vượt lên tất cả để tự tin, chiến thắng. Điệp từ đội được sử dụng liên tiếp trong ba dòng thơ cuối bài đã làm cho con người trở thành điểm sáng giữa bức tranh thiên nhiên.
Bài thơ tả cảnh mưa thành công bởi thể thơ và nhịp điệu thơ. Với thể thơ tự do, những câu thơ ngắn, từ một đến năm tiếng, số câu ngắn chiếm rất nhiều. Trong bài chỉ có hai câu thơ năm tiếng: câu 48 và câu 60, phần lớn là câu hai tiếng, và đặc biệt có tới 10 dòng thơ một tiếng. Các câu thơ ngắn, không đều nhau đã tạo ra nhịp nhanh, mạnh, dồn dập, diễn tả sinh động từng đợt dồn dập, dữ dội của cơn mưa rào mùa hè.
Mưa của Trần Đăng Khoa là sự kết tinh của những nét nghệ thuật đặc sắc, thể hiện qua tài năng quan sát và miêu tả tinh tế, năng lực liên tưởng phong phú của tác giả. Cách cảm nhận thiên nhiên ở bài thơ vừa hồn nhiên vừa sâu sắc. Bài thơ đã miêu tả chính xác và sinh động cảnh tượng cơn mưa rào ở làng quê qua những hoạt động và trạng thái của nhiều cảnh vật, loài vật, con người trước và trong cơn mưa.
Mẫu Cảm Nhận Về Tập Thơ Góc Sân Và Khoảng Trời Tiêu Biểu – Bài Thơ Cây Dừa
Trong kho tàng văn học thiếu nhi Việt Nam, không ít tác giả đã sáng tác ra những bài thơ, bài văn hay, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các bạn nhỏ. Trần Đăng Khoa là một tác giả tiêu biểu trong số đó.
Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năng khiếu thơ của Trần Đăng Khoa nảy nở rất sớm. Từ lúc là học sinh tiểu học, Khoa đã có nhiều bài thơ được đăng báo. Và bài thơ Cây Dừa được Khoa sáng tác năm 1967 khi Khoa 9 tuổi. Được in trong tập thơ: “Góc sân và khoảng trời” năm 1968.
Bài thơ “Cây dừa” của Trần Đăng Khoa chất chứa một nét đẹp văn hóa vùng miền, vẻ đẹp đó đã tạo nên bao niềm vui cho cuộc sống con người, một vẻ đẹp nên thơ đáng yêu của vườn quê, của thiên nhiên.
Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa để miêu tả cây dừa. Dưới con mắt nhà thơ, cây dừa đã được đặt vào một vị trí mới với hành động tựa như con người, nhìn cây dừa xanh trong vườn, nhà thơ tưởng như dừa đang “Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng”, cây dừa được hòa với thiên nhiên gió, trăng tạo nên một khung cảnh hài, hòa nên thơ.
Thân dừa bạc phếch tháng năm,
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao.
Thân dừa được tác giả vẽ lên với màu sắc do thời gian, cho ta thấy sức sống trường tồn, mãnh liệt của cây dừa với hình ảnh “Thân dừa bạc phếch tháng năm” nhưng “Lá dừa vẫn xanh tỏa nhiều tàu”. Dừa vẫn kết nhiều như “đàn lợn con”. Tác giả đã thật tinh tế khi sử dụng nghệ thuật so sánh hóm hỉnh, độc đáo quả dừa như đàn lợn con, tạo nên hình ảnh quả dừa thật đẹp mắt và đáng yêu.
Đêm hè hoa nở cùng sao,
Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh.
Trên bầu trời đêm hè đầy sao, hoa dừa được tác giả miêu tả hòa cùng ánh sao tỏa sáng lung linh, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng. Một lần nữa bằng sự tưởng tượng tinh tế “tàu dừa” được Trần Đăng Khoa so sánh như “chiếc lược chải vào mây xanh”, tạo nên một cảm giác mượt mà êm ả. Đang say sưa miêu tả cây dừa bằng các biện pháp nghệ thuật tu từ tinh tế, như đột nhiên Khoa nhớ đến cái ngọt mát, trong lành của nước dừa. Bằng câu hỏi tu từ:
Ai mang nước ngọt nước lành,
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa.
Khoa cho ta thấy, cây dừa không chỉ gắn bó hòa quyện với thiên nhiên, tạo nên một khung cảnh hài hòa nên thơ mà cây dừa còn đem lại cho cuộc sống con người những giây phút tuyệt vời khi được thưởng thức vị ngọt của nước dừa. Không chỉ dừng lại ở đây bằng nghệ thuật nhân hóa, cây dừa của Trần Đăng Khoa còn làm dịu bớt đi cái nắng gay gắt, oi ả của trưa hè:
Tiếng dừa làm dịu nắng trưa,
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo.
Với động từ “gọi”, “múa reo”, cây dừa của Trần Đăng Khoa trở nên có hồn, tạo nên những ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Giữa trời trong, với đàn cò, tiếng dừa rì rào như hòa nhịp cùng cánh cò vỗ trên trời xanh:
Trời xanh đầy tiếng rì rào,
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra.
Câu thơ vừa có màu sắc của “trời trong”, vừa có âm thanh “rì rào” của không gian, đàn cò trắng nổi giữa trời trong đang vỗ cánh, đang đánh nhịp “bay vào bay ra”. Khi đọc các câu thơ, ta thấy hiện ra trước mắt người đọc hình ảnh cây dừa đang hòa với thiên nhiên, với lối suy nghĩ, tưởng tượng của tác giả tạo nên sự hút của bài thơ ngay từ đoạn đầu.
Khép lại bài thơ, tác giả dùng biện pháp ẩn dụ để miêu tả cây dừa như một người lính. Hình ảnh cây dừa thật đáng yêu như một con người ung dung, thanh cao nơi làng quê:
Đứng canh trời đất bao la,
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.
Qua việc miêu tả cây dừa, tác giả Trần Đăng Khoa ca ngợi vẻ đẹp nên thơ, đáng yêu của vườn quê, của thiên nhiên, của con người Việt Nam.
Gửi tặng bạn đọc chùm 🌿Thơ 5 Chữ Của Trần Đăng Khoa 🌿 Hay Nhất