Sự Tích Con Chó [Chó Đá, Chó Vàng, Chó 3 Chân]: Nội Dung + Ý Nghĩa

Sự Tích Con Chó [Chó Đá, Chó Vàng, Chó 3 Chân] ❤️️ Nội Dung , Ý Nghĩa ✅ Tuyển Tập Những Câu Chuyện Ngắn Hay Nhất Dành Cho Các Bé.

Nội Dung Truyện Sự Tích Con Chó

Thohay.vn chia sẻ các bé nội dung câu chuyện sự tích con Chó hay dưới đây.

Chuyện kể rằng ngày xưa, ông Djut khổng lồ cùng con gái H’Lum và đứa cháu trai tên là So rủ nhau vào rừng bắt cá. Lúc đến giữa ngọn suối Dak Huých trông thấy nhiều cá, họ tính chuyện krau (một loại cây dùng để thuốc cá).

Ba người lên núi tìm cây lột vỏ. Djut lột được một bó vỏ to rồi mà So vẫn còn lang thang hết gốc cây này qua gốc cây khác. Thấy vậy, Djut bảo:

– Mày lột vỏ cây krau đi chứ! Lột xong rồi còn kiếm dây mây về buộc lại nữa…

So lơ đễnh trả lời:

– Cháu không lột được. Bác lột luôn nhé, để cháu đi rút dây mây về bó.

Djut vui vẻ cùng con lột vỏ krau để So đi rút dây mây. Nhưng trên đường đi, gặp gốc cây xoài nhiều trái chín, So trèo lên ăn no rồi quay lại bảo Djut:

– Ơ bác! Cháu bứt dây mây không nổi. Nhờ bác bứt dùm, buộc vỏ cây xong cháu sẽ mang.

Thấy cháu không làm được, Djut đích thân đi rứt dây mây bó vỏ, rồi vác bó cây to xuống suối. Trong khi đó So ăn nhiều xoài tức bụng vẫn ngồi ì một chỗ.

Chờ đã quá lâu không thấy bóng So, Djut phải quay lại tìm. Thấy Djut, So giả vờ mếu máo ngồi khóc bên bó cây. Djut hỏi:

– Cháu làm sao thế?

– Ơ bác, cháu đau bụng nhiều lắm, không vác nổi bó cây này. Bác mang xuống suối, cháu nhận sẽ đập vỏ cây.

Nghĩ là Sẽ đau thật nên Djut vác vỏ cây giúp. So nhởn nhơ theo sau. Khi đến suối, Djut chia việc theo lời hứa của So, còn Djut đi chặt nứa đan đơm chặn ở cuối nguồn nước. Djut vừa đi. Đập chưa xong một mảnh vỏ cây, So đã ngắm trời dòm đất, đứng ì ra đấy. Lúc sau Djut về, So lại giả vờ rơm rớm nước mắt. Dịut hỏi:

– Cháu làm sao thế?

– Vỏ cây văng trúng ngươi con mắt, cháu không đập được nữa. Nhờ bác đập luôn phần cháu.

Djut tin lời nhận đập luôn đống vỏ rồi cẩn thận rải vỏ cây xuống suối. Say thuốc cây krau, cá nhỏ cá to đều nổi hết lên mặt nước. Djut khổng lồ nằm ngay đầu suối chặn nước. Con gái H’Lum của Djut lo bắt hết con cá khác trong khi So sợ lạnh, đứng ở trên bờ nói:

– Bác ơi, cháu lạnh lắm, không xuống nước được đâu! Bác cứ nằm chặn suối, chị H’Lum bắt cá xong, cháu nhóm lửa nướng nhé!

Djut bực bội vì sự lười biếng của So lắm nhưng vẫn phải nằm chặn suối cho H’Lum bắt cá. Trong khi đó So đã đốt lửa, nướng cá và tìm cách ăn lén.

Một mình H’Lum bắt cá lâu nên dù Djut to lớn đến đâu, nước vẫn tràn được qua ngực, qua bụng và ào ào chảy qua vũng suối thuốc cá. Djut đùng đùng nổi giận, nhảy ngay lên bờ trừng trị thằng cháu lười biếng.

Gặp lúc So đang ăn vụng cá, Djut xách ngay So xuống bờ suối rửa miệng, vừa rửa vừa vò mồm miệng, chân tay So mạnh đến nỗi tay chân So trở nên tròn trùng trục; miệng So dài ra như mõm chó. So trở thành con chó.

So hoảng hốt ba chân bốn cẳng bỏ chạy về buôn. Ai gặp Ai cũng phải buồn cười. Ai cũng hỏi vì sao hình dạng So ra nông nỗi thế? So xấu hổ chẳng dám kể lại sự việc. So trở thành câm nhưng từ đó về sau, thấy có người lạ, So nhảy xổ ra vồ, sủa ngay cho hả giận.

Còn Djut khổng lồ, lúc trị thằng cháu xong, quay trở lại gọi con thì không còn thấy đâu nữa. Ngọn nước Dak Huých, lúc Djut đứng dậy đã chảy ào ào cuốn trôi nàng H’Lum. Djut định mang đất trộn với lá bắt, nhét ngay vào đầu nguồn suối Dak Huých cho lòng suối cạn. Nhưng vừa gùi đất và lá biết đi, con cò trắng đậu trên cây hỏi:

– Djut đi đâu vậy?

– Tôi bị nước suối Dak Huých bắt mất con. Phải tìm nguồn chặn ngay cho không còn nước nữa.

Cò trắng khuyên Djut:

– Chú tìm sao được? Tới giờ vẫn chưa tìm ra được đâu! Tôi tìm từ nhỏ đến nay đầu bạc mà vẫn chưa thấy đấy!

Djut nghe nói chán nản, đổ ngay gùi đất sét xuống Nâm Lê và đổ gùi lá bắt xuống Dak Rung. Gùi đất sét ấy, từ đó đến nay, người M’Nông ở Nâm Lê nắn nồi hoài vẫn chưa thấy hết.

Nhờ Djut đổ gùi lá bắt xuống, Dak Rung nay đã thành rừng lá biết nhiều hơn tất cả các nơi và hái không bao giờ hết. Còn cô con gái H’Lum của Djut bị nước cuốn trôi đã hóa thành đá và hiện nay dấu tích vẫn còn thấy ở suối Dak Huých.

Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️Sự Tích Cây Vú Sữa ❤️️ Nội Dung Truyện Cổ Tích, Ý Nghĩa, Kể Chuyện

Sự Tích Con Chó Đá

Sự Tích Con Chó Đá

Xưa một nhà có hai anh em, người nào cũng đã có vợ và đã ở riêng. Vợ chồng người anh thì giầu có và dư tiền của, nhưng tính tình keo cúi, cay nghiệt, chẳng những không giúp ai bao giờ, lại còn tham lam vơ vét của người nữa.

Vợ chồng người em thì tuy nghèo đói nhưng vẫn giúp người nghèo hơn mình, lại còn hiền lành tử tế tu thân tích đức.

Một hôm Ông Bụt hóa làm lạo ăn mày xuống thử. Trước đến nhà người anh ăn xin, thì bị mắng chửi, đuổi đi tay không.

Sang đến nhà người em, chưa kịp xin, thì hai vợ chồng đang ngồi ăn cháo, chạy ra vồn vã mời vào cùng ngồi ăn. Ăn xong ông lão bảo hai vợ chồng nhà ấy rằng:

– Các con đối đãi với lão thật là phúc đức, vậy hãy đi theo lão, lão chỉ cho cái này hay lắm.

Hai vợ chồng chẳng biết là cái gì, nhưng ông lão đã bảo nên cũng cứ đi. Khi lên trên đỉnh một quả núi, có con chó đá ngồi đấy, ông lão lấy gậy đập vào mõm chó, chó liền há mõm ra. Ông lão bảo vợ chồng thò tay vào, muốn lấy bao nhiêu vàng thì lấy. Nhưng vợ chồng rụt rè không dám đưa tay vào. Ông lão báo “đừng sợ: Quả nhiên khi thọc tay vào mõm chó đá, khi lôi ra thì thấy vàng ơi là vàng. Hai vợ chồng lấy vừa đủ , không dám tham lam. Lấy xong, ông lão đập gậy vào mõm chó, nó ngậm lại như cũ.

Hai vợ chồng đem vàng về tậu nhà tậu ruộng, giầu hơn gia đình người anh nhiều lắm.

Anh chị thấy chú em nghèo nay trở nên giầu liền hỏi cho ra lẽ. Em thật thà kể hết lại cho anh chị nghe. Nghe xong anh nói:

– Tưởng ai chớ ông lão ấy hôm nọ cũng vào nhà ta ăn xin. Rõ hoài của, thế mà ta không biết.

Hai vợ chồng người anh sẵn lòng tham, bàn nhau làm một bữa cơm thật sang,thật ngon rồi chồng đi tìm ông lão ăn mày. Thật may cho người anh, vừa đi một quãng thì gặp lại ông ăn mày trước. Người anh mừng rỡ, kéo ông lão về nhà đãi một bữa cơm thật no, cho uống thật say, rồi nói:

– Vợ chồng tôi cho ông ăn bữa hôm nay còn sang bằng mấy mươi bữa cháo hôm nọ ở nhà thằng em tôi, vậy ông dẫn chúng tôi đi tìm vàng. Ông lão gật đầu.

Hai vợ chồng mừng rỡ, gánh đi mỗi người hai chiếc thúng thật to. Ông lão cũng đưa lên núi và cũng đập vào mõm chó như lần trước, con chó há mõm ra…

Người chồng mừng rỡ thò cả cánh tay vào sâu để lấy cho thật nhiều vàng, nhưng khốn khổ, con chó thấy nhột nhột liền ngậm mõm vào ngay, không rút ra được nữa, sợ cuống cuồng muốn chết, nhìn chung quanh không thấy ông lão đâu nữa.

Vợ đành để chồng ở lại, về nhà một mình, ngày ngày 2 bữa đưa cơm lên núi cho chồng. Ba năm kéo lê như vậy, tiền của trong nhà tiêu hết. Vợ chồng ngồi than thân trách phận, bỗng chó đá há mõm ra, chồng rút tay lại được.

Hai vợ chồng vội cắm đầu chạy thẳng về nhà, không dám quay lại nhìn con chó đá nữa.

Từ đó hai người bảo nhau chừa cái tính keo kiết, tham lam.

Sự Tích Con Chó Vàng

Sự Tích Con Chó Vàng

Sự Tích Con Chó Trắng Mũi Đỏ

Sự Tích Con Chó Trắng Mũi Đỏ

Chuyện kể có một phú ông nuôi một con chó trắng mũi đỏ, chỉ khi nào chó có mũi đỏ mới đáng đề phòng, còn nếu chó trắng mũi trắng hoặc mũi đen hoặc màu khác, thì con chó chỉ là con chó đã gặp nhiều tai họa.

Khi con chó cái nhà ông sinh được một đàn chó năm con, trong đó có con chó trắng mũi đỏ, nhiều người khuyên ông nên đập chết nó đi, hoặc nuôi nó choai choai thì đem mà rựa mận, ông không nghe và bảo:

– Chó thì con nào chẳng là chó, chó trắng, chó đen, chó khoang, chó vàng, chó vẫn là chó dù mũi nó đen, nâu vàng hay trắng đã sao.

Ông cứ nuôi đàn chó. Có bạn bè lân bang thấy nhà ông có lứa chó, họ xin ông cho, và người xin không ai lựa con chó trắng mũi đỏ.

Con chó này, sau thời kỳ bú mẹ, bắt đầu biết ăn cơm rất mau lớn, lúc nó choai choai trông thật đẹp mã, nó lại là một con chó dữ, giữ nhà rất đắc lực, và cuộc sống của nó cũng như những con chó khác, cũng dọn phân trẻ em và cũng thích ăn dơ!

Người ta khuyên ông nên đề phòng, kẻo nó có thể thành tinh được, ông không tin, ông cho đó là một chuyện huyền hoặc, tin theo chỉ là mê tín dị đoan.

Nhà ông nhà ngói, mái dốc, có máng xối để hứng nước mưa vào những bể cạn, mái dốc khó leo, mỗi khi nhà dột muốn thay một hòn ngói leo lên cũng khó khăn. Vậy mà một đêm kia, ông nghe như có tiếng người chống gậy đi trên nóc nhà.

Ông cho đó là kẻ trộm, ông bèn giả bộ ho để kẻ trộm thấy nhà có người còn thức thì đi ra. Với tiếng ho của ông, quả nhiên tiếng động trên nóc nhà nhè nhẹ dần đi, khi tới mé đầu hồi thì mất hẳn.

Đêm hôm sau ông lại nghe tiếng động tương tự, ông ngồi dậy thắp đèn lên, tiếng động lại dần dần mất. Rồi đêm thứ ba, đêm thứ tư, sự kiện này lại tái diễn. Tên trộm này thật gan lì, lối đuổi trộm của ông chỉ có hiệu nghiệm qua từng đêm, không khiến cho kẻ trộm sợ hẳn. Ông phải rình và cho tên trộm này một trận để từ sau nó không dám tới tìm cách kiếm chác tại nhà ông nữa.

Ông lấy chiếc nỏ, xưa nay vẫn gác ở mái nhà, với bó tên xuống, rồi đêm hôm thứ năm, ông lắp sẵn tên vào nỏ ngồi chờ, cửa mở ra sân, không đóng chỉ khép hờ.

Vào khoảng quá nửa đêm, ông lại nghe thấy tiếng động như bốn đêm trước, ông rón rén, khi đẩy cửa bước ra sân, tay lăm lăm cầm chiếc nỏ.

Đêm hôm ấy tối trời, không trăng, tuy nhiều sao, nhưng ánh sao không đủ chiếu sáng để người ta nhìn rõ vật muốn nhìn. Bước ra tới sân, phú ông ngẩng lên nhìn nóc nhà. Phòng ông ngủ ở gần một đầu hồi, khi ra sân ông đứng trước gian phòng này, do đó nhìn lên nóc nhà, ông chỉ nhìn rõ phía ông đứng, còn về đầu kia ông nhìn không thấy rõ. Phía nhìn rõ ấy, ông thấy lờ mờ một bóng người, đầu đội nón, tay chống gậy đang đi bước một. Ông ngạc nhiên, trộm gì mà lạ lùng vậy, đi ăn trộm lại đội nón và chống gậy. Ông định thần nhìn kỹ, xuyên qua bóng tối, ông thấy một người không cao lắm, hình vóc như trẻ con bảy tám tuổi, hai tay ngắn và hai chân cũng ngắn! Con nhà nào mà nghịch ngợm ma quỷ thế này? Bóng đen ấy có lúc như ngước đầu nhìn về phía xa xa, có vẻ như chờ đợi hoặc trông ngóng cái gì!

Mặc kệ, muốn gì thì gì, dù là kẻ trộm hay trẻ con nghịch ngợm, ông cũng giương nỏ bắn một mũi tên về hướng bóng đen, cố ý bắn hơi xa đích cốt để dọa dẫm, ông không định tâm bắn trúng, e chết con trẻ lại ân hận.

Mũi tên vút buông ra, cách bóng đen khoảng một thước. Bóng đen giật mình, rồi chỉ đánh vút một cái, nó lao mình vào đêm tối biến mất!

Ông quay trở vào, không khỏi băn khoăn về những điều vừa xảy ra, ông nằm suy nghĩ vẩn vơ mãi mới ngủ được.

Sáng hôm sau, ông vừa dậy, chưa kịp pha trà uống nước, vợ ông đã hỏi:

– Thầy nó này, chiếc nón chiều qua tôi để ở nhà bếp, thầy nó có làm gì đến không?

– Chiều tối rồi, tôi làm gì đến nón, u mày để đâu rồi quên đấy chứ

Vợ ông không quên, lúc ở ngoài đồng về, chính tay bà móc chiếc nón lên tai cối xay lúa, sáng nay định ra đồng tìm không thấy nữa.

Phú ông pha trà, rót đưa mời vợ chén nước. Lúc ấy thằng con ông ở ngoài vườn đi vào, tay cầm chiếc nón của mẹ và nói:

– Nón của mẹ, ai mang vứt ra hàng rào vườn, con tìm thấy. Bên cạnh chiếc nón có chiếc gậy này.

Phú ông nói:

– Chắc đứa nào nó nghịch chứ gì.

Bà vợ không nói gì, uống xong chén trà, cầm chiếc nón đội lên đầu rồi đi ra đồng trông nom thợ cày thợ cấy làm việc. Phú ông tiếp tục băn khoăn về chiếc nón và chiếc gậy.

Sau đó có ông hàng xóm sang chơi, phú ông thuật lại cho ông này nghe những điều đã xảy ra đêm qua, nói rõ cả sự kiện chiếc nón của bà vợ bị vứt ngoài hàng rào. Ông hàng xóm không nói gì, uống nước, ăn trầu hút thuốc rồi ra về. Ra tới cổng, ông mời phú ông sang chơi nhà ông vì ông có câu chuyện cần nói.

Trong lúc phú ông nói chuyện với vợ con, cũng như lúc nói chuyện với ông hàng xóm, con chó trắng mũi đỏ cứ loanh quanh dưới gầm giường hoặc đi ra sân rồi lại trở vào. Giá đó là một con người, ắt đã bị nghi là có ý rình nghe trộm.

Một lúc lâu sau, phú ông sang chơi nhà ông hàng xóm. Mời khách vào nhà ăn trầu uống nước xong, ông hàng xóm nói:

– Tôi sở dĩ phải mời ông sang vì câu chuyện nói với ông, tôi không muốn con chó trắng mũi đỏ nghe được. Tôi để ý nó cứ quanh quẩn để nghe trộm những điều ông nói với tôi, và lẽ tất nhiên những điều tôi sẽ nói với ông.

Phú ông ngạc nhiên hỏi:

– Con chó trắng biết nghe trộm?

– Đúng! Con chó trắng này không phải là chó, nó là yêu ma, và bóng đen ông trông thấy trên nóc nhà chính là nó.

Phú ông nói:

– Tôi không tin, chó làm sao biết đội nón lại biết đi hai chân.

Ông hàng xóm bảo:

– Trời ơi! Ông chất phát quá! Là yêu ma, nó đi một chân còn được nữa là đi hai chân. Ông không nghe thấy các cụ nói gì về chó trắng mũi đỏ hay sao?

Phú ông lắc đầu. Ông hàng xóm nói tiếp:

– Các cụ bảo rằng chó trắng mũi đỏ là yêu ma mang hình chó. Nó thường đội nón chống gậy đi trên nóc nhà.

– Nó làm thế để làm gì?

– Vậy ông cho cái bóng đen đi trên nóc nhà ông là một đứa nhỏ hay sao? Con nhà nào lúc đêm hôm lại nghịch ngợm như vậy! Vả lại, một đứa nhỏ làm sao dám lao mình đi khi ông buông ra phát tên! Có mà ngã dập xác! Còn có leo lên nóc nhà để làm gì thì tôi nghĩ rằng, nó leo lên để ngóng chờ đồng bọn yêu ma của nó.

Có thể nó đã hẹn hò một cuộc họp với nhiều yêu ma khác đội lốt chó trắng mũi đỏ hoặc ở nhà ông hoặc ở nơi khác. Nó ngước nhìn về phía xa để ngóng nhìn bạn hữu của nó đấy.

Phú ông hơi suy nghĩ, nhưng ông bảo:

– Ở làng ta, ngoài tôi có ai nuôi chó trắng mũi đỏ nữa đâu!

Ông hàng xóm cười nói:

– Ông khờ khạo quá! Đâu có phải nó chờ đợi những con chó ở làng ta! Là giống yêu ma, chúng nó có thể hẹn hò dù cách xa nhau cả ngàn dặm. Chó nhà ông, chắc nó hẹn với đồng bọn nó, lũ đồng bọn này ở nơi không gần nhau.

Phú ông không nói năng gì, vẻ mặt nghi hoặc, ông với chiếc điếu hút mồi thuốc lào, nhặt miếng trầu nhai, rồi ông bảo ông hàng xóm:

– Ông nói vậy thì tôi biết vậy, nhưng không tin chó trắng mũi đỏ lại là yêu ma. Chó là chó, yêu ma là yêu ma, sao chó lại có thể là yêu ma được.

– Tin hay không là quyền của ông, nhưng dù tin hay không tin, ông cũng nên hóa kiếp cho con chó trắng nhà ông đi.

Phú ông cám ơn ông hàng xóm về những điều ông đã nói. Ông ra về trong lòng nghi hoặc. Ông thấy lời ông hàng xóm nói cũng có đôi điều hợp lý: Con nhà ai lại đi nghịch ngợm dại dột như vậy lúc đêm hôm. Và nếu là con người thì làm sao lại vút lao mình đi được khi ông bắn ra một mũi tên.

Đi về đến sân nhà, con chó trắng vẫy đuôi mừng. Nhìn nó ông không thấy có vẻ gì là yêu ma. Ông không nghe lời ông hàng xóm hóa kiếp cho nó, ông vẫn thương nó là một con chó biết vẫy đuôi mừng chủ. Vả lại khuyển mã chí tình cũng thắm thiết lắm!

Ông vẫn nuôi con chó cho đến khi ở nhà ông xảy ra một chuyện không hay. Ông có đứa con gái đầu tên là Vách năm đó 18 tuổi. Cô Vách trông rất mặn mà duyên dáng. Trai làng đã nhiều cậu muốn lăm le làm giai tế phú ông.

Cô Vách tự nhiên mang bệnh, thuốc thang chữa trị thế nào cũng không khỏi, nhiều khi lại mê sảng. Trong lúc tỉnh, cô đã nói cho cha mẹ hay là đêm đêm cô cứ mơ thấy một chàng thanh niên đẹp trai, vượt qua lối cửa sổ vào nài cô ân ái, cô chống cự không nổi, và kể từ khi cô bị vào tay thanh niên này, cô bắt đầu mang bệnh.

Cô lại cho cha mẹ biết thanh niên rất kỳ lạ, không bao giờ nói năng câu gì, hắn đến, nài ép cô, mây mưa xong là hắn đi. Cô hỏi không bao giờ hắn trả lời, cô chống cự lại không nổi, muốn kêu lên chỉ ú ớ kêu không ra tiếng.

Ông bà phú ông lo lắng, chắc con gái mình bị tà ma ám ảnh. Một mặt ông lo canh gác, ông mời thầy tự xin bùa dán nơi phòng cô Vách, và cúng trừ tà.

Ông muốn làm gì thì làm, đêm đêm cô Vách vẫn thấy chàng thanh niên đẹp trai không nói lẳng lặng tới cưỡng hiếp cô, người cô ngày một gầy guộc, xanh xao.

Phú ông mượn lực điền canh cửa phòng và cửa sổ, và chính ông đêm hôm cũng đôi khi thức giấc đi tới buồng ngủ của con gái. Song, với sự việc cô Vách bị tà ma quấy nhiễu, nhà phú ông lại xảy ra một sự lạ nữa.

Thỉnh thoảng đêm khuya, ông nghe có người rửa bát ở ngoài vại nước, một lần ông và một người thợ cày chạy ra xem thì có bóng người vụt chạy đi, để lại tại vại nước một rổ bát đĩa dơ. Và cứ đêm nào như thế, y như gạo nhà ông thấy vơi nhiều, có người đã múc gạo lúc đêm hôm. Ai vậy, ông lo lắng lắm.

Ông bày tỏ sự lo lắng của mình với ông hàng xóm. Ông này nói:

– Trước tôi đã bảo ông chẳng nghe! Tất cả mọi việc xảy ra ngày nay đều do con chó trắng mũi đỏ nhà ông cả. Nó là yêu ma, chính nó đã hóa ra thằng con trai câm cưỡng hiếp con ông, chính nó đã mời đồng loại yêu ma tới nhà ông ăn uống rồi rửa bát! Coi chừng rồi có ngày bọn chúng nó sẽ giết hết gia đình ông! Các cụ bảo rằng ngày trước có nhà nuôi chó trắng thành yêu, gặp lúc vận nhà suy, người trong nhà lần lượt chết, người nọ chưa chôn người kia đã chết theo, phải có thầy tự cao tay lắm mới trị được!

Lời ông hàng xóm làm cho phú ông càng lo lắng thêm. Ông hỏi bây giờ nên làm thế nào, ông hàng xóm đáp:

– Chỉ có cách mời thầy bùa. Và cần nhất phải làm sao hóa kiếp được chó trắng mũi đỏ đi. Nhưng nó đã thành tinh rồi, ông coi chừng, ý định gì của ông nó có thể biết được. Nó mà biết ông định hóa kiếp nó, ông phải cẩn thận kẻo nó lại hóa kiếp ông trước. Ông đừng nói năng ý định của ông cho ai biết, kể cả bà ấy và các con ông, rồi lúc nào thuận tiện và bất thình lình, ông cho một nhát dao hoặc một búa máy ra mới trừ được nó.

Phú ông buồn rầu ra về. Ông hối hận đã không biết nghe ông hàng xóm từ trước hóa kiếp con chó trắng mũi đỏ đi! Giờ đây ông đã rắp tâm rồi, ông sẽ giết con chó trắng để trừ giống yêu ma!

Ông rắp tâm trừ chó trắng mũi đỏ, nhưng việc đó ông không sao làm nổi. Có lẽ chó biết rõ ý định của ông, nên tuy vẫn ở nhà ông, nhưng không ai gần được nó, và có lúc ông và một người lực điền săn bắt thì không hiểu nó có phép mầu nhiệm gì, nó luôn luôn tránh thoát, kể cả lần người lực điền đã choàng được nó vào thòng lọng xích ống.

Người hàng xóm hỏi thăm ông về tình trạng cô Vách và hỏi cả về con chó trắng nhưng ông này không bao giờ đem những câu chuyện ấy nói ngay tại nhà phú ông, chuyện chỉ được nói khi ông gặp phú ông ở ngoài đường, hoặc khi phú ông sang chơi nhà ông, hút thuốc ăn trầu uống nước. Ông khuyên phú ông phải hết sức cẩn thận, đừng để con chó biết rõ ý định ông muốn giết nó, nó biết, nó sẽ tìm cách giết ông trước.

Lời nói của ông hàng xóm khiến ông càng lo lắng thêm, thôi thì bùa bèn đủ mọi nơi nghe tiếng thầy pháp nào cao tay ông cũng mời tới nhà để trừ yêu ma, chữa bệnh cho cô Vách. Thật là tốn kém mà kết quả không đi tới đâu!

Rồi một đêm khuya, thức giấc, ông tới buồng cô Vách thăm con và xem chừng sự canh phòng của người lực điền. Người lực điền gục đầu ngay cửa sổ ngủ, còn trong màn cô Vách như có bóng người lục đục.

Ông lên tiếng đánh thức lực điền thì vụt từ trong màn cô Vách lao ra một bóng trắng, nhào theo lối cửa sổ, vượt qua đầu người lực điền biến mất.

Bóng trắng không ra hình người, không phải hình vật trông tương tự như chiếc bóng chống gậy đội nón trước đây ông đã trông thấy trên nóc nhà. Đích hài bóng là một, và chắc chỉ là con chó trắng mũi đỏ!

Sự lo lắng của ông tăng gấp bội. Ông ngồi nói chuyện với người lực điền một lúc để canh chừng con gái, rối lại trở về phòng ngủ của mình. Khi ông đi về phía đầu hồi nhà ngủ, ông nghe phía sau nhà, nơi vườn cây có tiếng lào xào.

Nghi là kẻ trộm đang bàn tính để vào ăn trộm, ông rón rén tới bờ tường, nhìn qua khe tường. Không phải kẻ trộm, những điều nhìn thấy đã làm ông kinh sợ toát mồ hôi hột! Ông thấy một đám vừa người vừa chó đang ngồi quây tròn ăn uống với nhau, có hai người, còn lại toàn chó hết, hai người đều chỉ bằng tầm vóc đứa trẻ lên bảy lên tám.

Có con chó, thân chó nhưng đầu người, có con chó nguyên hình chó. Chúng đang ăn uống và bàn tán với nhau. Nhìn chiếc mâm đặt giữa bọn người và chó này, thì chính là chiếc mâm nhà ông vẫn dùng để dọn cơm. Bát đũa cũng chính những bát đũa vẫn dùng hàng ngày.

Nhìn thấy bọn người và chó ăn uống hội họp, tóc gáy ông dựng ngược, nhưng khi nghe bọn chúng bàn tán với nhau, ông không còn hồn vía nào nữa. Chúng nó bàn nhau, sau khi bắt xong hồn con gái ông, một con chó cái sẽ bắt hồn thằng con trai ông, cậu Tường, em cô Vách, năm nay mới mười sáu tuổi.

Một con chó đầu người bảo một con chó khác:

– Chị muốn bắt thằng Tường, chị phải bắt ngay! Coi chừng bố nó biết, bố nó gửi nó đi chỗ khác thì hỏng việc đấy!

Con chó kia cũng đầu người, đáp:

– Bố nó biết làm sao được. Chuyện mình nói ở đây, ai lọt vào mà nghe.

Một trong hai người, chó mang hình người, nói:

– Rồi bố con anh em nhà nó, bọn mình sẽ bắt hết. Chúng nó sẽ chết không kịp chôn!

Sợ quá, phú ông lẳng lẳng rón rén về buồng ngủ, đi rất nhẹ nhàng, sợ kinh động đến bọn chó yêu ma sẽ có hậu quả không hay.

Sáng hôm sau, ông nhìn trước nhìn sau không thấy con chó trắng mũi đỏ, ông mới khẽ thuật lại những điều ông trông thấy đêm trước cho vợ nghe, và ngay sáng hôm đó, vợ ông đã mang thằng Tường đi gửi ở nhà ông ngoại, ở cách xa nhà ông tại một thôn khác.

Ông cũng lại sang nhà ông hàng xóm thuật lại những điều đã xảy ra đêm trước tại nhà ông, và vấn kế ông này về cách đối phó với lũ chó yêu ma, Ông hàng xóm nói:

– Bây giờ chỉ còn cách tìm thầy Tự cao tay và xin bùa về yểm khắp nhà, may ra có trừ được lũ chúng chăng!

Ông nói ông đã mời mấy thầy Tự cao tay và đã xin bùa yểm khắp nhà nhưng không ăn thua gì. Ông hàng xóm bàn bây giờ chỉ có một cách cầu Trời và lễ Phật.

Ông khuyên cả hai ông bà đêm đêm nên thắp hương khấn Trời, và chia nhau đi lễ các chùa để cầu xin Phật tế độ. Ông cũng khuyên phú ông nên năng ra lễ tại đình làng để cầu với đức Thành Hoàng để ngài dùng uy quyền trừ khử lũ yêu ma.

Không có cách gì khác, hai vợ chồng phú ông đành chia nhau đi lễ chùa lễ đình để xin Phật, Thần phù hộ giúp đỡ cho gia đình ông tai qua nạn khỏi. Đêm đêm hai vợ chồng ông đều thắp nhang ra giữa trời khấn vái.

Ông bà đi lễ cứ đi lễ, cầu Trời cứ cầu Trời, những việc bất thường vẫn cứ xảy ra ở nhà ông như thường. Cô Vách vẫn đêm đêm trong giấc mơ, có kẻ tới nài hoa ép liễu, và vẫn luôn luôn ông nghe trong đêm có tiếng rửa bát đủa ngoài vại nước.

May mắn, ông đã nghe trộm được những lời bàn tán của lũ chó, gửi cậu Tường đi nên đã tránh được tai nạn cho con! Hai ông bà lo lắng, sợ hãi, cả hai gầy rộc đi, người trông hốc hác như mất hết tinh thần.

Trong khi gia đình ông đang ở trong tình trạng ấy, thì một hôm có một bà sư già tới nhà ông khuyến giáo. Ông mang tiền gạo ra cúng. Lẽ ra, nhận tiền gạo xong, nhà sư ra đi để tới những nhà khác, nhưng thay vì ra đi, nhà sư đã xin với ông cho nghỉ tạm trong nhà mấy ngày. Bà sư nói:

– Bần ni từ xa xôi tới đây, mệt mỏi, không tiếp tục đi tuyên giáo được, xin thí chủ, nhà có rộng cho bần ni ở nhờ ít bữa, khi nào lại sức bần ni sẽ ra đi.

Cả hai ông bà phú ông đều trịnh trọng đón tiếp và mời nhà sư lên nghỉ ở ngôi nhà trên, nghĩa là ngôi nhà chính của gia đình. Sư già lại ngỏ ý với hai ông bà muốn có chỗ để tụng kinh niệm Phật. Sư già nói:

– Bần ni là kẻ tu hành, hàng ngày phải tụng kinh niệm Phật. Dám phiền thí chủ cho bần ni mượn một chiếc hương án để thiết lập bàn thờ Phật, có bàn thờ, việc tụng niệm sẽ được nghiêm túc.

Hai vợ chồng phú ông mời sư già đặt ngay bàn thờ Phật trên bàn thờ gia tiên nhà mình, như vậy tổ tiên của phú ông cũng sẽ được nghe kinh.

Sư già lấy ở trong đãy ra một pho tượng Phật, đặt lên hương án, cao hơn đỉnh trầm. Ngay sau đó đèn hương được thắp lên và sư già bắt đầu niệm Phật.

Phú ông không hiểu sư già đã tụng những kinh gì, chỉ biết sư già chăm chú đến việc kinh kệ, không chú ý gì đến mọi sự bên ngoài, một ngày người chỉ ăn một bữa vào lúc ngọ, cơm chay do vợ chồng phú ông cung cấp, và đêm đêm sư già tụng kinh rất khuya. Sư già tụng kinh như vậy, luôn ba ngày liền, chỉ nghĩ vào lúc thụ trai, và vào quá nữa đêm tới sáng

Vợ chồng phú ông hầu hạ sư già cơm nước, tự thấy trong lòng như nhẹ nhỏm, và mọi sự lo lắng như tiêu tán. Điều đáng kể là trong suốt ba đêm liền, từ hôm sư già bắt đầu tụng kinh, những sự kiện ma quái không xảy ra như về trước. Cô Vách đêm đêm không thấy yêu ma tới quấy nhiễu cưỡng hiếp và đàn chó thành tinh dường như cũng không thấy tới hội họp ở nhà phú ông.

Sáng ngày thứ tư, sư già từ giả vợ chồng phú ông để tiếp tục đi khuyên giáo. Hai ông bà cố giữ cũng không được, đưa tặng gạo tiền sư già đều từ chối lấy cớ trong mấy ngày ở lại, sư già đã quấy quẻ ông bà nhiều rồi. Hai ông bà tiễn chân nhà sư ra đến đầu xóm mới quay trở về.

Về tới nhà, phú ông được người lực điền cho biết, con chó trắng mũi đỏ không hiểu tại sao nằm chết rục ở bụi tre.

Bây giờ phú ông mới hiểu sư già là một vị cao tăng đã vì gia đình mình tụng kinh niệm Phật trừ yêu quái.

Chia sẻ ❤️️ Làm Cho Công Chúa Nói Được ❤️️Nội Dung Truyện Cổ Tích, Ý Nghĩa

Sự Tích Cái Chân Sau Của Con Chó [Có 3 Chân]

Sự Tích Cái Chân Sau Của Con Chó [ Có 3 Chân ]

Ngày xưa có một người đàn bà tên là Thanh Đề rất sùng đạo Phật. Bà ta sùng Phật đến nỗi cho rằng những cơm bánh do lúa gạo người ta trồng ra ở đồng ruộng thì không thể nào tinh khiết được, nên không một thứ nào đáng đem lễ Phật.

Vì thế, hằng năm bà ta trồng lúa nếp trong những cái gáo dừa đựng đất sạch. Luôn luôn bà treo cái gáo đó lên một chỗ cao vì sợ có người bước qua. Khi lúa chín, bà thận trọng rứt từng hạt một, giã nó bằng một cán dao mới tinh, rồi mới đưa nắm gạo đó đựng vào bát thờ mà dâng lên chùa.

Một hôm, ở một ngôi chùa lớn trong vùng có mở hội đón tiếp khách thập phương. Vị hòa thượng chùa ấy cắt đặt một số sư tiếp nhận những lễ vật của thiện nam tín nữ đem đến cúng Phật. Bà nghe tin không quản đường xa, vội đưa nắm gạo nếp tinh khiết của mình tìm đến cúng ở chùa đó.

Không ngờ mấy vị sư kia chỉ chú ý đến lễ vật hậu hỹ của những người khác, mà chả ai tưởng đến bà và nắm gạo của bà. Chờ suốt một ngày không thấy ai nhận, người đàn bà nọ tức mình, ném nắm gạo xuống đất rồi bỏ ra về.

Ít lâu sau, bà ta sửa một lễ cúng Phật tại nhà mình rồi mời hòa thượng và các sư chùa đó đến tụng kinh. Theo lệ thường, trước khi ra về chủ nhân phải làm bánh tặng họ ăn đường. Để làm nhục bọn sư bất lương, bà ta giết một con chó lấy thịt băm nhỏ với các thứ rau thơm làm nhân bánh.

Sau bữa cơm chay, bà ta đem bánh do tặng mỗi người một chiếc. Đoán được mưu mẹo của người đàn bà, vị hòa thượng dặn các nhà sư cầm bánh về chứ đừng ăn. Họ đều vâng lời, duy chỉ có một nhà sư là quên mất. Dọc đường thấy bánh thom ngon, sư ta bèn bóc ăn kỳ hết. Những người khác khi đưa bánh về biết là nhân thịt chó đều quẳng cả vào gốc cây bồ đề ở trước chùa.

Tất cả những việc đó đều thấu tai đức Phật. Trước hết, đức Phật trị tội bọn sư bất lương và tham lam. Bọn họ bị bắt xuống địa ngục. Con chó chết oan được sống lại. Nhưng vì nó đã bị nhà sư kia ăn mất một chân nên lúc trở về cõi thế chỉ còn có ba chân.

Đức Phật thấy thế chắp cho nó một chân giả khác để nó tiện đi lại. Những thứ rau thơm làm nhân bánh bị vứt dưới gốc bồ đề cũng như phép Phật mọc lại xanh tốt. Đó là ba cây rau om, hành và sả. Vì những loại cây ấy bị nhà chùa coi là đã uế tạp cho nên sau này những người xuất gia đều kiêng không dùng.

Về phần người đàn bà cũng bị tội nặng: Phật bắt bà ta bỏ vào tầng ngục thứ mười. Có người bảo đó là bà mẹ ông Mục Liên, sau này ông ta từng xuống dưới đó thăm mẹ.

Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️Sự Tích Cây Khoai Lang ❤️️Nội Dung Truyện, Ý Nghĩa, Giáo Án

Viết một bình luận