Tỳ Bà Hành Của Bạch Cư Dị [Nội Dung Bài Thơ + Nghệ Thuật]

Tỳ Bà Hành Của Bạch Cư Dị ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật ✅ Tìm Hiểu Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Bố Cục, Nghệ Thuật Tác Phẩm.

Nội Dung Bài Thơ Tỳ Bà Hành Của Bạch Cư Dị

Tỳ bà hành là một bài thơ dài 616 chữ thuộc thể loại thất ngôn trường thiên của Bạch Cư Dị, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc sống vào thời nhà Đường. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Thohay.vn tìm hiểu về nội dung bài thơ này nhé!

Tỳ bà hành
Tác giả: Bạch Cư Dị

Tiếng Hán:

琵琶行

潯陽江頭夜送客,
楓葉荻花秋瑟瑟。
主人下馬客在船,
舉酒欲飲無管弦。
醉不成歡慘將別,
別時茫茫江浸月。
忽聞水上琵琶聲,
主人忘歸客不發。
尋聲暗問彈者誰,
琵琶聲停欲語遲。
移船相近邀相見,
添酒回燈重開宴。
千呼萬喚始出來,
猶抱琵琶半遮面。
轉軸撥弦三兩聲,
未成曲調先有情。
弦弦掩抑聲聲思,
似訴生平不得志。
低眉信手續續彈,
說盡心中無限事。
輕攏慢撚抹復挑,
初為霓裳後六么。
大弦嘈嘈如急雨,
小弦切切如私語。
嘈嘈切切錯雜彈,
大珠小珠落玉盤。
閒關鶯語花底滑,
幽咽流景水下灘。
水泉冷澀弦凝絕,
凝絕不通聲漸歇。
別有幽愁暗恨生,
此時無聲勝有聲。
銀瓶乍破水漿迸,
鐵騎突出刀鎗鳴。
曲終收撥當心畫,
四弦一聲如裂帛。
東船西舫悄無言,
惟見江心秋月白。
沈吟放撥插弦中,
整頓衣裳起斂容。
自言本是京城女,
家在蝦蟆陵下住。
十三學得琵琶成,
名屬教坊第一部。
曲罷曾教善才服,
妝成每被秋娘妒。
五陵年少爭纏頭,
一曲紅綃不知數。
鈿頭銀篦擊節碎,
血色羅裙翻酒污。
今年歡笑復明年,
秋月春風等閒度。
弟走從軍阿姨死,
暮去朝來顏色故。
門前冷落車馬稀,
老大嫁作商人婦。
商人重利輕別離,
前月浮梁買茶去。
去來江口守空船,
繞船明月江水寒。
夜深忽夢少年事,
夢啼妝淚紅闌干。
我聞琵琶已歎息,
又聞此語重唧唧。
同是天涯淪落人,
相逢何必曾相識。
我從去年辭帝京,
謫居臥病潯陽城。
潯陽地僻無音樂,
終歲不聞絲竹聲。
往近湓城地底濕,
黃蘆苦竹繞宅生。
其間旦暮聞何物,
杜鵑啼血猿哀鳴。
春江花朝秋月夜,
往往取酒還獨傾。
豈無山歌與村笛,
嘔啞嘲哳難為聽。
今夜聞君琵琶語,
如聽仙樂耳暫明。
莫辭更坐彈一曲,
為君翻作琵琶行。
感我此言良久立,
卻坐促弦弦轉急。
淒淒不似向前聲,
滿座重聞皆掩泣。
座中泣下誰最多,
江州司馬青衫濕。

Phiên âm:

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.
Tuý bất thành hoan thảm tương biệt,
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt.
Hốt văn thuỷ thượng tỳ bà thanh,
Chủ nhân vong quy khách bất phát.
Tầm thanh âm vấn đàn giả thuỳ,
Tỳ bà thanh đình dục ngữ trì.
Di thuyền tương cận yêu tương kiến,
Thiêm tửu hồi đăng trùng khai yến.
Thiên hô vạn hoán thuỷ xuất lai,
Do bão tỳ bà bán già diện.
Chuyển trục bát huyền tam lưỡng thanh,
Vị thành khúc điệu tiên hữu tình.
Huyền huyền yểm ức thanh thanh tứ,
Tự tố bình sinh bất đắc chí.
Đê mi tín thủ tực tực đàn,
Thuyết tận tâm trung vô hạn sự.
Khinh lung mạn nhiên mạt phục khiêu,
Sơ vi Nghê thường hậu Lục yêu.
Đại huyền tào tào như cấp vũ,
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ.
Tào tào thiết thiết thác tạp đàn,
Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn.
Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt,
U yết lưu cảnh thuỷ hạ than.
Thuỷ tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt,
Ngưng tuyệt bất thông thanh tiệm yết.
Biệt hữu u sầu ám hận sinh,
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.
Ngân bình sạ phá thuỷ tương bính,
Thiết kỵ đột xuất đao thương minh.
Khúc chung thu bát đương tâm hoạch,
Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch.
Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn,
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch.
Trầm ngâm phóng bát sáp huyền trung,
Chỉnh đốn y thường khởi liễm dung.
Tự ngôn bản thị kinh thành nữ,
Gia tại Hà Mô lăng hạ trú.
Thập tam học đắc tỳ bà thành,
Danh thuộc giáo phường đệ nhất bộ.
Khúc bãi tằng giao thiện tài phục,
Trang thành mỗi bị Thu Nương đố.
Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu,
Nhất khúc hồng tiêu bất tri số.
Điền đầu ngân tì kích tiết toái,
Huyết sắc la quần phiên tửu ố.
Kim niên hoan tiếu phục minh niên,
Thu nguyệt xuân phong đẳng nhàn độ.
Đệ tẩu tòng quân a di tử,
Mộ khứ triêu lai nhan sắc cố.
Môn tiền lãnh lạc xa mã hy,
Lão đại giá tác thương nhân phụ.
Thương nhân trọng lợi khinh biệt ly,
Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ.
Khứ lai giang khẩu thủ không thuyền,
Nhiễu thuyền nguyệt minh giang thuỷ hàn.
Dạ thâm hốt mộng thiếu niên sự,
Mộng đề trang lệ hồng lan can.
Ngã văn tỳ bà dĩ thán tức,
Hựu văn thử ngữ trùng tức tức.
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức.
Ngã tòng khứ niên từ đế kinh,
Trích cư ngoạ bệnh Tầm Dương thành.
Tầm Dương địa tích vô âm nhạc,
Chung tuế bất văn ty trúc thanh.
Trú cận Bồn giang địa thế thấp,
Hoàng lô khổ trúc nhiễu trạch sinh.
Kỳ gian đán mộ văn hà vật,
Đỗ quyên đề huyết viên ai minh.
Xuân giang hoa triêu thu nguyệt dạ,
Vãng vãng thủ tửu hoàn độc khuynh.
Khởi vô sơn ca dữ thôn địch,
Âu á triều triết nan vi thính.
Kim dạ văn quân tỳ bà ngữ,
Như thính tiên nhạc nhĩ tạm minh.
Mạc từ cánh toạ đàn nhất khúc,
Vị quân phiên tác Tỳ bà hành.
Cảm ngã thử ngôn lương cửu lập,
Khước toạ xúc huyền huyền chuyển cấp.
Thê thê bất tự hướng tiền thanh,
Mãn toạ trùng văn giai yểm khấp.
Toạ trung khấp hạ thuỳ tối đa,
Giang Châu tư mã thanh sam thấp.

Dịch nghĩa:

Ban đêm đưa tiễn khách ở đầu sông Tầm Dương
Gió thu thổi vào lá phong, hoa lau hiu hắt
Chủ nhân xuống ngựa, khách trong thuyền
Nâng chén rượu muốn uông (mà) không có đàn sáo
Say mà không vui vẻ gì (vì) biệt ly sầu thảm
Lúc chia tay lòng mang mang, sông đượm bóng trăng
Chợt nghe có tiếng tỳ bà trên mặt nước
Chủ nhân quyên về, khách cũng không khởi hành
Tìm theo tiếng để hỏi người đàn là ai
Tiếng tỳ bà im bặt, muốn nói mà còn (ngại ngùng) trì hoãn
Bèn dời thuyền lại xin được gặp mặt
Rót thêm rượu, khêu đèn lên, trùng tân tiệc rượu
Gọi đến ngàn lần vạn lần mới bước ra
Tay ôm tỳ bà che khuất nửa gương mặt
Vặn trục gảy dây hai ba tiếng (để thử)
Chưa có khúc điệu gì mà nghe đã hữu tình
Dây nào cũng nghẹn ngào, tiếng nào cũng có ý
Bày tỏ nỗi bất đắc chí trong cuộc đời
Hạ thấp lông mày cứ gảy cứ gảy mãi
Giãi bày hết tâm sự vô cùng hạn
Nhẹ nắn, chậm vuốt, rồi lại gảy tiếp
Thoạt đầu là khúc Nghê thường, sau đó là khúc Lục yêu
Dây lớn ào ào như mưa rào
Dây nhỏ nỉ non như tỉ tê chuyện riêng
(Rồi tiếp đến) tiếng rào rào lẫn tiếng nỉ non
(Nghe như) hạt châu lớn hạt châu nhỏ rắc vào trong mân ngọc
(Nghe như) tiếng chim oanh giọng (líu lo) qua lại trong hoa
Nhịp suối ngập ngừng, nước chảy xuống bãi
Suối nước bỗng lạnh đông, dây đàn ngưng bặt
Tiếng đàn ngưng bặt, không thuận, bấy giờ bỗng yên lặng
Tự có mối sầu u uất riêng, nỗi hận âm thầm phát sinh
Lúc này không có âm thanh mà nghe con hay hơn có
(Bỗng dưng nghe như) tiếng nước bắn tung ra khỏi thành bình bạc vị phá vỡ
(Nghe như) đoàn quân thiết kỵ ào ào đến, đao thương sáng ngời
Nàng dạo tay vào giữa bốn dây (và) chấm dứt ca khúc
Bốn dây vang lên một âm thanh như lụa xé
Thuyền mảng đông tây lặng im, không một tiếng nói
Chỉ thấy vầng trăng thu rọi sáng giữa sông
Nàng trầm ngâm gỡ phím, cài vào giữa các dây đàn
Sửa gọn xiêm áo lại, đứng dậy chỉnh vẻ mặt
Tâm sự rằng, nàng nguyên là con gái chốn kinh thành
Nhà ở lăng Hà Mô
Mười ba tuổi học được ngón đàn tỳ bà
Tên thuộc bộ thứ nhất của giáo phường
Mỗi gảy hết khúc đàn, từng khiến các nhà dạy đàn phục
Mỗi trang điểm xong là đến nàng Thu Nương cũng đố kỵ
Những chàng trai trẻ ở Ngũ Lăng tranh nhau tặng biếu
Một bài ca, thưởng không biết bao là tấm lụa đào
Vành lược bạc, cành trâm vàng đánh nhịp vỡ tan
Quần lụa màu huyết dụ để rượu đổ ra hoen ố
Năm này vui cười, năm sau cũng như vậy
Trăng thu gió xuân, trải một đời nhàn hạ
Em trai đi lính, rồi dì chết
Chiều qua, sớm lại, nhan sắc cũng lão đi
Trước cổng dần vắng tanh, thưa thớt đi ngựa xe
Cũng có tuổi rồi mới làm vợ người lái buôn
Người lái buôn chỉ tham lợi, coi thường biệt ly
Tháng trước đi Phù Lương mua trà
Từ đó đến giờ ở đầu sông một mình với con thuyền không
Quanh thuyền trăng sáng, nước sông lạnh lẽo
Đến khuya bỗng mộng thấy lại thời trẻ trung
Trong mộng thấy khóc nhoè má hồng phấn son
Tôi nghe tiếng tỳ bà đã thán tức
Giờ nghe thêm những lời tâm sự lại càng bùi ngùi
Cùng là kẻ luân lạc ở chốn chân trời
Gặp gỡ nhau đây hà tất đã từng quen biết
Năm ngoái tôi từ biệt kinh vua
Bị biếm đến thành Tầm Dương cho đến nay nằm bệnh
Tầm Dương xứ hẻo lánh không có âm nhạc
Cả năm chưa nghe được tiếng đàn sáo
Tôi ở gần sông Bồn, chỗ thấp và ẩm ướt
Lau vàng, trúc võ mọc quanh nhà
Ở nơi đây sáng chiều nghe được những gì
Có tiếng quốc khóc ra máu và tiếng vượn hú bi ai
Mùa xuân sáng hoa nở, mùa thu ban đêm có ánh trăng
Tôi thường thường đem rượu ra uống một mình
Có phải không có sơn ca thôn địch đâu
Khốn nỗi líu lo, líu liết, thật khó nghe
Đêm nay nghe được tiếng tỳ bà của nàng
Như nghe được tiếng nhạc tiên, tai tạm nghe rõ ràng
Xin ngồi lại đàn một khúc
Tôi sẽ vì nàng làm bài Tỳ Bà hành
Cảm động vì lời tôi nói, nàng đứng một lúc lâu
Rồi ngồi xuống gảy đàn, tiếng bỗng chuyển thành cấp xúc
Buồn thảm không giống như tiếng đàn vừa rồi
Hết những người trong tiệc nghe lại đều che mặt khóc
Trong những người ấy ai là người khóc nhiều nhất
Tư mã Giang Châu ướt đẫm vạt áo xanh

Dịch thơ:

Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách.
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty.
Say những luống ngại khi hầu rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Tiếng tỳ chợt vẳng trên sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.
Lần tiếng sẽ hỏi ai đàn tá?
Lửng tiếng đàn, nấn ná làm thinh.
Dời thuyền theo hỏi thăm tình,
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui.
Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay.
Nghe não nuột mấy dây bứt rứt,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Chau mày, tay gảy khúc sầu,
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn.
Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt,
Trước “Nghê thường”, sau thoắt “Lục yêu”.
Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuông róc rách chảy mau xuống ghềnh.
Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, đau giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bấy giờ càng hay.
Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước,
Ngựa sắt giong, thét ngược tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông.
Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giải lời.
Rằng xưa vốn là người kẻ chợ,
Cồn Hà Mô trú ở lân la.
Học đàn từ thuở mười ba,
Giáo phường đệ nhất sổ đà chép tên.
Gã thiện tài sợ phen dừng khúc,
Ả Thu Nương ghen lúc điểm tô.
Ngũ Lăng, chàng trẻ ganh đua,
Biết bao the tấm chuốc mua tiếng đàn.
Vành lược bạc gãy tay nhịp gõ,
Bức quần hồng hoen ố rượu rơi.
Năm năm lần lữa vui cười,
Mải gió trăng chẳng đoái hoài xuân thu.
Buồn em trẩy, lại sầu dì thác,
Lần hôm mai đổi khác hình dung.
Cửa ngoài xe ngựa vắng không,
Thân già mới kết đôi cùng khách thương.
Khách trọng lợi khinh thường ly cách,
Mải buôn chè, sớm tếch miền khơi.
Thuyền không đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng.
Ðêm khuya, sực nhớ vòng tuổi trẻ,
Lệ trong mơ hoen vẻ phấn son.
Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời.
Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất trích, gối sầu hôm mai.
Chốn cùng tịch lấy ai vui thích,
Tai chẳng nghe đàn địch cả năm.
Sông Bồn gần chốn cát lầm,
Lau vàng, trúc võ nảy mầm quanh hiên.
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối,
Cuốc kêu sầu, vượn hót nỉ non.
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn,
Lần lần tay chuốc chén son riêng ngừng.
Há chẳng có ca rừng địch nội,
Giọng líu lo, nhiều nỗi khó nghe.
Tiếng tỳ nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai.
Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Tần ngần dường cảm lời ta,
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp dây.
Nghe não nuột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.

Tìm hiểu thêm thông tin về🔰 Thơ Bạch Cư Dị 🔰 Tác Giả, Tác Phẩm

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Tỳ Bà Hành

Chia sẻ thông tin chi tiết về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị.

Năm 816, Bạch Cư Dị bị giáng chức xuống làm quan Tư Mã, quân Cửu Giang. Đây là một chức vị nhàn rỗi, không có công việc gì làm nên ông mang một tâm sự buồn bã chán ngán thế thái nhân tình. Bài thơ nổi tiếng Tỳ bà hành của ông đã được sáng tác trong giai đoạn này, được phổ biến rộng rãi trong quần chúng bình dân và được xã hội đón tiếp thưởng thức quý trọng. 

Hoàn cảnh cụ thể:

  • Trong lúc đêm tối tiễn biệt khách bên sông Tầm Dương, ông tình cờ nghe thấy tiếng đàn tỳ bà lúc thánh thót văng vẳng, lúc biến hóa lâm ly, lúc dạt dào xúc động xao xuyến, lúc ngưng bặt luyến tiếc. Ông phát hiện tiếng đàn được chơi bởi một người ca nữ với một thân phận chìm nổi, truân chuyên.
  • Đồng cảm với cảnh ngộ của người ca nữ, ngẫm đến sự nghiệp long đong của mình, ông đã viết Tỳ bà hành, mô tả tiếng đàn để qua đó nói lên tâm trạng u uất, sầu thương, buồn thảm của kiếp người trong thời buổi bất an.

Ý Nghĩa Bài Thơ Tỳ Bà Hành

Bài thơ Tỳ bà hành mang ý nghĩa như thế nào? Cùng Thohay.vn tìm hiểu ngay sau đây nhé!

  • Thông qua việc miêu tả kỹ nghệ tấu đàn cao siêu cùng cuộc đời truân chuyên của người con gái ca kĩ, tác giả đã phơi trần sự mục nát của quan lại trong xã hội phong kiến, sự suy thoái về sinh kế của nhân dân và sự chôn vùi của tài năng.
  • Bài thơ biểu đạt sự đồng tình và lòng cảm thương sâu sắc của thi nhân đối với người con gái chơi tỳ bà, nhưng cũng đồng thời biểu đạt tâm trạng phẫn uất của ông khi bị giáng chức

Đọc thêm tác phẩm 🍃Cảm Xúc Mùa Thu [Đỗ Phủ] 🍃 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Bố Cục Bài Thơ Tỳ Bà Hành

Bố cục bài thơ Tỳ bà hành có thể được chia thành 5 phần như sau:

  • Phần 1: Câu 1 – 8: cuộc đưa tiễn bạn buồn lưu luyến giữa một đêm trăng thu hiu hắt trên bến Tầm Dương.
  • Phần 2: Câu 9 – 38: Gặp ca nữ và nghe nàng đàn.
  • Phần 3: Câu 39 – 62: Ca nữ ngậm ngùi nói về cuộc đời nhiều bất hạnh của mình.
  • Phần 4: Câu 63 – 82: Nhà thơ thương người rồi tự thương mình lận đận.
  • Phần 5: Câu 83 – 88: Ca nữ đàn lần thứ hai, tiệc hoa đầy lệ.

Nghệ Thuật Bài Thơ Tỳ Bà Hành

Tổng kết một số nét nghệ thuật được tác giả sử dụng trong bài thơ Tỳ bà hành.

  • Tỳ bà hành là bài thơ thuộc loại thơ cảm thương với một chủ đề rất quen thuộc trong thơ ca xưa, đó là cảm thương những thân phận “tài hoa bạc mệnh”. 
  • Kết hợp tài tình giữa tả cảnh và tả tình, giữa trữ tình và tự sự, giữa thơ và nhạc, Bạch Cư Dị đã sáng tạo nên một kiệt tác nghệ thuật, đã làm sống dậy một bản đàn bạc mệnh thật ấn tượng.
  • Thành công xuất sắc của bài thơ là nghệ thuật miêu tả tiếng đàn. Bằng ngôn ngữ, nhà thơ đã tạo nên một khúc nhạc đầy gợi cảm, đầy tâm trạng, mượn nỗi lòng của giai nhân qua tiếng tì bà mà nói lên tâm trạng của mình, gửi gắm theo đó là những đắng cay, thăng trầm đầy đau khổ của một con người phải trải qua trong cuộc đời.

Đọc hiểu tác phẩm 🌿Thu Hứng [Đỗ Phủ] 🌿 Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật, Phân Tích

3 Mẫu Bình Giảng, Phân Tích Bài Thơ Tỳ Bà Hành Hay Nhất

Đừng nên bỏ qua các mẫu bình giản, phân tích bài thơ Tỳ bà hành hay nhất dưới đây nhé!

Mẫu Bình Giảng, Phân Tích Bài Thơ Tỳ Bà Hành Hay – Mẫu 1

Tác giả Bạch Cư Dị (772-846), biểu tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời Đường. Ông là một trong số những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc, dường như chỉ xếp sau Lí Bạch và Đỗ Phủ.

Những tác phẩm lớn nhất của ông phải kể đến: “Trường hận ca”, “Tần trung ngâm”, “Dữ nguyên cửu thư”, và “Tỳ bà hành”. Tỳ bà hành là một trong số những tác phẩm lớn và hay nhất của Bạch Cư Dị. Nói về sự cảm thông của ông đối với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng mặc dù sắc đẹp thì chẳng thua ai. Bài hành còn nói về tiếng đàn tì bà của một giai nhân bạc mệnh trên bến Tầm Dương một đêm trăng thu.

Năm 816, Bạch Cư Dị bị giáng chức xuống làm quan Tư Mã, quân Cửu Giang, vào một đêm trăng thu đẹp mà trong lòng không vui, ông nghe thấy tiếng đàn tì bà của người ca nữ và kể về cuộc đời nhiều bất hạnh của nàng, tác giả cảm cảnh “Cùng một lứa bên trời lận đận” đã khóc sướt mướt trong bữa tiệc hoa sau khi ca nữ ngừng gảy đàn. Hình ảnh nào trong bài cũng thần tình, câu thơ nào cũng đẹp, cũng “thanh tao”.

Một đêm khuya trên bến Tẩm Dương, trong hơi thu quạnh quẽ, gió thổi đìu hiu, bờ lau xào xạc đã diễn ra một cuộc tiễn đưa “người xuống ngựa, khách dừng chèo”. Chén quỳnh đưa tiễn nhiều lưu luyến, một khung cảnh nên thơ: có dòng sông, con thuyền, vầng trăng, đôi bạn thơ. Không gian, thiên nhiên, cỏ cây có gió thu như thấm một nỗi buồn man mác:

“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu, lau lách dìu hiu,
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén Quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc, ti”

Khách và chủ đang bâng khuâng “ngại khi chia rẽ” lòng khao khát được nghe một tiếng sáo, tiếng đàn “nhớ chiều trúc, ti” thì tiếng đàn tì bà vọng lại. Dòng sông trở nên mênh mông, vầng trăng thu sáng như sáng hơn.

Một hình ảnh đậm chất thơ: “Nước mênh mông đượm vẻ gương trong”. Trước đây đã có một thi nhân thích thú và khen câu thơ này là “tuyệt cú tiếng đàn tì bà mới huyền diệu làm sao, đã làm cho chủ khuây khỏa, khách lại dùng dằng”. Như là tiễn đưa giữa đôi bạn tri âm tri kỉ lại là sự mở đầu cho cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động giữa một giai nhân và kia là một tài tử.

Tiếp sau cuộc tiễn đưa là gặp kĩ nữ và nghe nàng đánh đàn. Khi gặp nàng đó là giây phút bỡ ngỡ của thi nhân. Giữa đất trời sông nước trăng thu ấy, không hẹn mà nên cuộc gặp gỡ giữa thi nhân và kĩ nữ qua khúc đàn kia diễn ra vô cùng cảm động. Thi nhân “rời thuyền” ghé thăm cất tiếng hỏi: “sẽ ai đàn tá?” kĩ nữ “dừng dây tơ nấn ná làm thinh”. Câu thơ trữ tình mang đậm màu sắc đầy xúc động. Thi nhân ân cần mời mọc, người kĩ nữ tần ngần, chín mười phần bỡ ngỡ. Sự xuất hiện của mỹ nhân được tả:

“Tay ôm đàn che nửa mặt hoa
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua,
Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay.”

Mỹ nữ xuất hiện trong phút đầu gặp mặt chưa ai biết rõ thân phận của nàng như thế nào, nhưng qua dáng vẻ bỡ ngỡ, ngượng ngùng, tiếng đàn tơ của khúc dạo đàn, ta có thể đoán được một sự bất thường của người kỹ nữ mà tác giả gặp đêm nay. Tiếng dạo đàn là sự u uất và cả những nỗi buồn chất chứa chỉ có thể nghe qua tiếng đàn. Nhưng mấy ai đã có trình độ nghe qua tiếng đàn mà hiểu lòng người vì vậy nhà thơ quả là một tài tử sành điệu cầm kì thi họa mới có cái tai Chung Tử Kì ấy:

“Nghe não ruột mấy dây buồn bực,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu
Mày chau tay gảy khúc sầu
Giãi bày hết nỗi trước sau muôn vàn.”

Cảm xúc như nén chặt bên trong con người ấy, người tài sắc bạc mệnh được giãi bày qua âm sắc, giai điệu tì bà với bao “buồn bực”, “tấm tức”, “nghe não ruột” như khóc than. Ở câu thơ “ mày chau tay gảy khúc đàn” đó chính là một tâm trạng đầy bi kịch.

Thành tựu nổi bật nhất trong bài thơ “Tỳ bà hành” đó là nghệ thuật miêu tả tiếng đàn. Trong bữa tiệc hoa trên bến Tẩm Dương, thính giác của kĩ nữ là một tài tử văn nhân rất sành âm ca, đặc biệt hơn nữa là có một cuộc đời, một nỗi niềm cay đắng, đã trải qua biết bao thăng trầm, nổi trôi giống người kĩ nữ kia.

Ở lần thứ nhất, khúc tiền tấu được tả từ xa, mơ hồ trong khói sương Tầm Dương. Lần tiếp, tiếng đàn được miêu tả trong mỗi cung bậc, giai điệu, cảm xúc và nỗi niềm của hai tâm hồn đa tài, đa sầu. Ngón tay kĩ nữ “buông bắt” lướt trên phím đàn, hai khúc nhạc cung đình Nghê Thường, Lục Yêu vang lên. Câu thơ gợi cho người đọc thấy, người đang đàn dường như không phải là một kĩ nữ mà là một nghệ nhân đàn hiếm thấy:

“Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt,
Trước Nghê Thường san thoắt Lục Yêu”

Tiếp theo là mười bốn câu thơ, Bạch Cư Dị sử dụng một chuỗi các ẩn dụ so sánh để ca ngợi âm sắc của giai điệu tiếng đàn tì bà của ca nữ.

Tiếng đàn biến hóa kì ảo, lúc thì ào ào như mưa rào, lúc thì nỉ non thì thầm như lời tâm tình:

“Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng”

Tiếng đàn không trầm lắng mà lúc cao lúc thấp, lúc trầm lúc bổng, trong vắt như hạt châu nảy trên mâm ngọc, như tiếng chim oanh ríu rít lời ca: “Tiếng cao thấp lựa chen lần gảy”, “mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt câu”, “trong hoa oanh ríu rít nhau”… Tiếng tì bà lại tiếp tục như “nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh” thì bỗng dưng “ngừng đứt”. Kĩ nữ diễn tấu “dấu lặng trong bản đàn một cách thổn tình. Người dự tiệc ngồi nghe đàn đều ngẩn ngơ trước sự huyền diệu của suối âm thanh qua ngón diễn tấu tài năng của người kĩ nữ.

Nhưng tiếp đến thì ta lại thấy tiếng đàn như sầu thương, như giận dữ, nhưng làm say mê lòng người. Bốn ẩn dụ cuối, là biến tấu của giai điệu tì bà như nước tuôn trào ra khỏi bình bạc vỡ, rầm rập như đoàn kị binh xung trận, như tiếng đao khua trên chiến địa, như tiếng xé lụa vang lên,.. Hình ảnh nào cũng thật đẹp và thanh tao. Ngôn ngữ trong bài tràn ngập âm thanh:

“Bình lạc vỡ tuôn đầy dòng nước,
Ngựa sắt giong xô xát tiếng đao
Cung đàn trọn khúc thanh tao
Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây”

Trong suối âm thanh tì bà, ngoại cảnh như ru hồn trong mộng tưởng, say đắm, bang khuâng, tất cả đều “lặng ngắt” lắng nghe âm thanh của đàn tì bà. Khung cảnh hiện lên qua một nét vẽ đậm chất thơ. Dòng sông mênh mang hơn, ánh trăng như sáng hơn,con thuyền như đắm chìm vào trong giấc mộng đêm thu:

“Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt
Một vầng trăng trong vắt dòng sông.”

Thông qua bản dịch thơ, ta thấy Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị thật hay và hấp dẫn. Ta đắm chìm vào tiếng nhạc qua những vần thơ réo rắt, trầm bổng. Giữa kĩ nữ và người thi nhân dường như là tri kỉ. Bao nhiêu âm thanh là bấy nhiêu sự giãi bày cuộc đời đắng cay và u hoài.

ua bản đàn vừa được diễn tấu, kĩ nữ và thi nhân hầu như không còn “khoảng cách” nữa, hai người trở thành đồng điệu, tri âm. Ngôn ngữ thơ từ miêu tả chuyển thành tự sự. Hai câu tả dáng điệu khép nép, đau buồn của nàng là một nét vẽ phác qua có thần:

“Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giãi lời”.

Kĩ nữ nói về cuộc đời nàng. Đã có một thời oanh liệt, vàng son “giáo phường đệ nhất chỉ đào chép tên Tài sắc của nàng từng làm mê đắm bao công tử vương tôn một thời. Chìm đắm trong truy hoan, tuổi xuân vung phí:

“Năm… năm lần nữa vui cười,
Mải trăng hoa chẳng đoái hoài xuân thu”.

Như đóa hoa sớm nở tối tàn, cuộc đời kĩ nữ phôi pha: sắc đẹp phai tàn, người dì chết, đứa em trai ra lính, tình duyên hẩm hiu “thân già mới kết duyên cùng khách thương”. Kết cục nàng vẫn sống trong cô đơn, trong lạnh lẽo trên con thuyền giữa mênh mông sông nước:

“Thuyền không đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng”.

Hình ảnh con thuyền, vầng trăng, dòng nước trong câu thơ mang ý nghĩa tượng trưng cho thân phận một kiếp phù hoa cô đơn của các kĩ nữ trong cuộc đời. Lời thơ buồn não nuột.

Sau lời tâm sự là suối lệ tuôn trào, nuối tiếc một thời xuân sắc rực rỡ. Lần thứ hai, thi sĩ làm rõ thêm tâm cảnh kĩ nữ:

“Đêm khuya sực nhớ vòng tuổi trẻ,
Chợt mơ màng dòng lệ đỏ hoen”…

Có thể nói lời tâm sự của kĩ nữ cùng với tiếng đàn tì bà của nàng là hai nốt trầm, bổng của hợp âm trong hãn đàn “bạc mệnh” của một giai nhân.

Bạch Cư Dị đã dùng 20 câu thơ nói lên tâm sự của mình. Nghe đàn, rồi nghe kỹ nữ giãi bày tâm sự, thi nhân lòng nặng trĩu buồn thương:

“Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời”

Nhà thơ thương người rồi xót xa thân phận mình bị trôi giạt “Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai”, cay đắng đang sống buồn tẻ nhạt thảm trong cô đơn nơi xa xôi hoang vu quạnh vắng. Những câu thơ miêu tả tâm trạng đau buồn của một ông quan bị thất thế, một thi nhân đa tài đa cảm mang nặng nỗi đau đời làm ta nhớ mãi:

“Sông Bồn gần chốn cát lầm
Lau vàng trúc võ âm thầm quanh hiên”

Sống giữa nơi “cuốc kêu sầu, vượn hót véo von” mượn chén rượu nhạt giải sầu, thi nhân vô cùng xúc động khi nghe tiếng tì bà ngỡ là đang được thưởng thức “tiên nhạc”Nỗi đau như được xoa dịu:

“Tỳ bà nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai”.

Giọng thơ buồn thương. Thi sĩ khóc mình cũng là khóc người. Giai nhân, tài tử tương ngộ. Khóc cho số phận, khóc cho tài năng, khóc cho một đời tài hoa mà nhiều cay đắng lận đận. Nhạc điệu thơ song thất lục bát diễn tả tuyệt hay, làm đẹp thêm nhiều lần hồn thơ nguyên tác. Có thể mượn ý câu thơ Kiều nói lên điệu tâm hồn của Bạch Cư Dị trong đêm tiệc hoa ấy: “Ai tri âm đó…”

Lần thứ nhất, tiếng tì bà vang lên từ xa “nghe vẳng bên sông ” hòa với hơi thu, vớt tiếng lau lách đìu hiu.

Lần thứ hai, tiếng tì bà réo rắt với bao thanh âm huyền diệu nhặt khoan, sầu thương… giữa tiệc hoa.

Lần thứ ba, tiếng tỳ bà ai oán rung lên cuối tiệc rượu. Cảm tạ lòng tri âm mà kỹ nữ “lại lựa phím đàn kíp dây”. Tiếng đàn càng trở nên thê lương hơn, sầu não hơn với cả tấm lòng đồng điệu. Tiếng đàn hay quá nghe mãi cũng không chán, nghe đến tàn canh vẫn còn muốn nghe. Hơn thế nữa, cuộc hội ngộ đêm nay đối với thi nhân, mãi mãi là một kỷ niệm, mối duyên nợ tài tử – giai nhân: “sẽ vì nàng soạn sửa bài ca… Tiếng đàn tha thiết, não nuột làm cho “khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi”, trong đó chàng Tư mã cảm động nhất:

“Lệ ai chan chứa hơn người,
Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh”.

Tiếng đàn kĩ nữ, chén rượu tiệc hoa, giọt lệ trên màu xanh lam – chiếc áo của quan Tư mã trong đêm thu Tầm Dương mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho số phận bi kịch nhiều đắng cay và chim nổi của khách tài tử, giai nhân trong cuộc đời.

Tiếng đàn tì bà của kĩ nữ, cuộc đời trôi nổi của một giai nhân, bước thăng trầm của ông quan Tư mã, tâm hồn một tài tử văn nhân… bấy nhiêu tình ý được Bạch Cư Dị tạo nên một bài thơ tuyệt tác. Khung cảnh buồn, cảnh ngộ buồn, tâm sự buồn… đã làm cho bài thơ thấm lệ. Tình cảm nhân đạo, giá trị nhân văn của bài thơ chính là ở chỗ đó.

Chủ đề số mệnh của tài tử giai nhân ta đã gặp nhiều trong thơ văn cổ, nhưng trong bài Tỳ bà hành, nó được diễn tả dưới cái “tôi” trữ tình nên càng trở nên xúc động thấm thía, vì những lời tâm sự của kĩ nữ và thi nhân là chân thực, sâu sắc.

Thưởng thức bài thơ qua bản dịch của một nhà thơ Việt Nam trong thế kỉ XIX, ta cảm nhận được một phần nào cái “Hồn Đường” tuyệt diệu. Tỳ bà hành là một bài thơ trữ tình mang yếu tố tự sự. Bi kịch cuộc đời của tài tử, giai nhân được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ cổ kính, trang nhã, hàm súc và chứa chan u hoài.

Nghệ thuật tả tiếng đàn của Bạch Cư Dị điêu luyện, tuyệt vời, cổ kim ít ai sánh kịp. Đọc những câu thơ tả tiếng đàn, ta mới vỡ lẽ ra thế nào là cái hay của Đường thi, thế nào là cái đẹp của nhạc điệu thơ song thất lục bát của dân tộc ta.

Mẫu Bình Giảng, Phân Tích Bài Thơ Tỳ Bà Hành Chọn Lọc – Mẫu 2

Tỳ bà hành là một trong số các tác phẩm tiêu biểu của Bạch Cư Dị được mọi người đón nhận ngay từ khi mới ra mắt. Thành tựu nổi bật nhất trong “Tì bà hành” là nghệ thuật miêu tả tiếng đàn. Trong bữa tiệc hoa trên bến Tầm Dương giữa trăng thu hiu hắt, thính giả của ca nữ là một tài tử văn nhân rất sành nhạc, đặc biệt hơn nữa ông còn có một cuộc đời, một nỗi niềm cay đắng, trải qua nhiều thăng trầm, trôi nổi lận đận…

Lần thứ nhất, tả từ xa, tiếng đàn mơ hồ sương khói Tầm Dương.

Câu thứ hai, tiếng đàn được tả trong mọi cung bậc, giai điệu và cảm xúc, nỗi niềm của tâm hồn đa tài, đa cảm.

Ngón tay ca nữ “buông, bắt” lướt trên phím đàn. Hai khúc nhạc cung đình ngân vang thánh thót. Câu thơ làm hiện lên một nghệ sĩ bì bà hành lỗi lạc:

“Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt
Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu”

Mười bốn câu tiếp theo, Bạch Cư Dị sử dụng một chuỗi 9 ẩn dụ so sánh để cực tả tiếng đàn tì bà của nàng ca nữ.

Tiếng đàn biến hóa kì ảo, lúc thì ào ào như mưa rào, lúc thì nỉ non, thủ thỉ như lời tâm tình:

“Dây to đường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.”

Tiếng đàn lanh lảnh reo ngân như hạt châu nẩy trên mâm ngọc, như tiếng chim oanh ríu rít trong ngàn hoa:

“Tiếng cao thấp lựa chen lần gảy
Mâm ngọc đâu bổng nẩy hạt châu
Trong hoa oanh ríu rít nhau…”

Tiếng tì bà đang như “nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh” thì bỗng đột ngột “ngừng đứt”. Nàng ca nữ diễn tấu “dấu lặng” trong bản đàn một cách tài tình. Người dự tiệc hoa và ngồi thưởng thức ca nữ đàn đều “ngẩn ngơ” trước sự huyền diệu của suối âm thành:

“Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ,
Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ
Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay.”

Tiếng đàn như sầu thương, như giận dữ, làm mê say, đắm đuối rung động hồn người. Tiếng đàn như thể hiện nỗi lòng và tâm tình một cuộc đời nhiều nước mắt, nhiều cay đắng, đã trải qua những tháng ngày “ôm sầu mang giận ngẩn ngơ”. Người dự tiệc và nghe đàn như đang bị cuốn hút trước giai điệu buồn thương của tiếng đàn, hoặc tấm tắc trầm trồ, hoặc rơi lệ…

Bốn câu ẩn dụ tiếp theo tả biến thái của giai điệu tiếng đàn tì bà. Lúc thì như nước trào ra khỏi bình bạc vỡ. Lúc thì rầm rập như đoàn quân thiết kỵ xung trận, như ngựa hí đao khua trên chiến địa. Có lúc như tiếng lụa xé kề tai… Hình ảnh nào cũng thần tình. Câu thơ nào cũng đẹp. Ngôn ngữ thơ tràn ngập âm thanh. Đây là đoạn thơ tả âm thanh tiếng đàn tì bà nhanh, dồn dập, trầm hùng, mạnh mẽ:

“Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước,
Ngựa sắt giong xô xát tiếng đao;
Cung đàn trọn khúc thanh tao:
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây”

Trong suối âm thanh tì bà vang lên giữa đêm thu, cảnh vật như nín thở cùng lắng nghe đàn với quan Tư Mã Giang Châu. Dòng sông, con thuyền, bầu trời, vầng trăng thu như ru hồn trong mộng tưởng, say đắm, bâng khuâng, tất cả đều “lặng ngắt” tận hưởng dư âm tì bà. Khung cảnh hiện lên qua một nét vẽ đầy chất thơ. Sông như thêm mông mênh hơn. Ánh trăng thu trong xanh hơn. Con thuyền như đắm chìm trong giấc một đêm thu:

“Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông”

Lấy ngoại cảnh để biểu cảm âm thanh tiếng đàn tì bà là một thủ pháp nghệ thuật tinh tế, điêu luyện của Bạch Cư Dị.

Tóm lại, đọc bản dịch thơ của Tỳ bà hành, ta thấy rõ được sự thú vị của những vần thơ song thất lục bát réo rắt du dương, trầm bổng, u hoài. Giữa nàng ca nữ và thi nhân không chỉ có tấm lòng biệt nhỡn liên tà mà còn là đôi bạn tri âm, đồng điệu. “Cũng một lứa bên trời lận đận – Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau”…

Bao nhiêu âm thanh là bấy nhiêu tấc lòng, bấy nhiêu tình đời cay đắng u uất. Tài tử gian nan, hồng nhan bạc mệnh… tiếng đàn tì bà và cuộc đời nàng ca nữ bước đường công danh lận đận của ông quan Tư mã Giang Châu cho ta nhiều ám ảnh:

“Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh”

Mẫu Bình Giảng, Phân Tích Bài Thơ Tỳ Bà Hành Ngắn Hay – Mẫu 3

Bạch Cư Dị đã miêu tả nốt lặng của tiếng đàn rất hay qua bốn câu thơ trong “Tì bà hành”:

“Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ,
Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ
Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay.”

Tất cả cái hay, cái đẹp của nốt lặng đều chứa trong bốn câu thơ này. Trước đó là những nốt nhạc tươi sáng. Tất cả những âm thanh cao thấp đều muốn nói đến một thời con gái trẻ trung hứng khởi, đầy màu sắc của mùa xuân.

Tiếng cao thấp có tính điểm xuyết cho nội dung tiếng đàn. Trong tiếng đàn có sự đối lập giữa các âm vực, nhưng tất cả đều hòa nhập vào cái ngây ngất của dòng suối xuân. Nó tạo ra sự hụt hẫng cho người nghe khi có sự đối lập của dòng suối xuân mát mẻ đó với những tảng băng lạnh ngắt.

Cái âm khí lạnh lẽo của hiện tại đã át đi cái quá khứ tươi đẹp. Sự biến tấu dường như tạo ra hai cực đối lập. Bạch Cư Dị đã dừng lại để miêu tả nốt lặng. Trong nốt lặng ấy là vẻ sầu muộn thầm kín. Chính từ sự đối lập ngay trong cách cảm nhận tiếng đàn của mình, tác giả đã xác định:

Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt.

Từ lạnh làm cho tiếng đàn vang lên với nhiều âm sắc bỗng nhiên chết cứng lại, không còn “bay bổng tuyệt vời” nữa. Dường như lúc này, người nghe không muốn nghe nó mà muốn thoát ra khỏi cái ngột ngạt của âm khí nặng nề do tiếng đàn tạo ra. Do đó, “dây mành ngừng dứt” tuy kịp thời với nhu cầu của tình cảm lúc này của người nghe, nhưng vẫn tạo ra cho họ sự hụt hẫng, nuối tiếc cho một thời xuân sắc.

Mức độ gợi của sự im lặng tăng lên biểu hiện qua sợi dây đàn, từ “ngừng” rồi “đứt” như bị thế lực nào đó, một bàn tay của định mệnh chặt ngang, chính vì thế mà:

Ngừng đứt nén phút bặt tiếng tơ.

“Ngừng đứt” được lặp lại để nhấn mạnh, xoáy sâu vào sự phũ phàng của thực tế cuộc đời người ca kĩ lúc đó. Đã bị đè bẹp lại càng nặng hơn, từ đó mà “bặt tiếng tơ”, chẳng qua chi là kết quả của “dây mành ngừng đứt”. Động từ bặt chỉ mức độ im lặng của âm thanh bị nén lại, bị đông cứng trong một giới hạn nào đó giữa cái buồn thảm, nuối tiếc của người ca kĩ. Nó cùng với “ngừng đứt” như ngầm lên án một chế độ vô hình nhưng đầy quyền lực nào đó đã làm cho nàng bây giờ phải:

Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ.

Lại tạo cho người đọc một sự ngạc nhiên mới. Giữa cái vẫy vùng muốn bật lên âm sắc của tiếng đàn, tâm hồn của người gảy lại không muốn điều ấy xảy ra. Chẳng lẽ nàng cũng muốn kìm ép nó lại để tưới nước mắt vào nồi buồn âm thầm của mình? Buồn, sầu, giận đến ngẩn ngơ, ngơ ngẩn như muốn tìm kiếm, phát hiện một cái gì mới mà cũng như muốn tìm lại cái quá khứ xa xôi nhưng tất cả đều vô vọng.

Hiện tại lại ngẩn ngơ, là sầu, nó át đi cái quá khứ tươi đẹp vừa mới dựng lên trên từng cung bậc. Nó kìm chế không cho tiếng đàn ấy cất lên. Có lẽ bây giờ người nghe mới thật sự hiểu được cái im lặng của tiếng đàn. Nó chất chứa sự mâu thuẫn giữa tiếng nhạc và người gảy, để từ đó khắc họa nỗi buồn thầm kín nhưng khi nỗi buồn đã được khắc lên thì mâu thuẫn ấy tan biến:

Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay.

Tiếng đàn lúc này tự nó đã lặng đi, lặng ngắt như thể không nghe một âm thanh gì khác lúc này. Dường như cây đàn đã hiểu được phần nào đó cái “ngẩn ngơ” hết sức tội nghiệp của người ca kĩ nên mới lặng ngắt như vậy.

Nó khác cái “im bặt” (dường như là sự câm đoán). Do đó, nốt lặng lúc này lại tình tứ hơn vì có tiếng đàn, vì nó diễn tả được cái “tâm” của người ca kĩ và cả cái “hồn”, sức sống của cây đàn. Đây có thể coi như sự yên tĩnh giữa hai trận gió của một cơn bão để sau đó nổi lên dữ dội hơn. Nốt lặng đã tích tụ, chứa đựng những giọt nước mắt trên bờ mi để sau này, nước mắt trào tuôn. Cay đắng, phẫn uất cũng dồn nén trong sự lặng lẽ ấy:

Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay.

Đón đọc tác phẩm 🌿Thu Vịnh Nguyễn Khuyến🌿 Nội Dung, Giá Trị Nghệ Thuật 

Viết một bình luận