Bài Thơ Biển Xuân Diệu [Nội Dung + Nghệ Thuật + Cảm Nhận]

Bài Thơ Biển Xuân Diệu ❤️️ Nội Dung, Nghệ Thuật, Cảm Nhận ✅ Chia Sẻ Cách Phân Tích Bài Thơ Biển, Gửi Tặng Chùm Thơ Tình Về Biển Hay Nhất.

Nội Dung Bài Thơ Biển Xuân Diệu

Biển là một trong những bài thơ hay nhất của ông hoàng thơ tình – Xuân Diệu. Với những vần thơ giản dị nhưng ta có thể cảm nhận được sâu sắc một tình yêu được lồng vào khung trời biển khơi. Chính sự mênh mông vô hạn ấy đã mang khung trời biển hòa vào cái tha thiết của tình yêu. Dưới đây là nội dung của bài thơ Biển, mời bạn cùng thưởng thức để cảm nhận rõ hơn.

Biển
Tác giả: Xuân Diệu

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng
– Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…

Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết

Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Chia sẻ thông tin đầy đủ về ❤️️Thơ Xuân Diệu ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm

Chùm Thơ Tình Về Biển Của Xuân Diệu

Ngoài bài thơ Biển thì Xuân Diệu còn sáng tác chùm thơ tình về biển sau đây, mời bạn cùng đọc ngay nhé!

Bức Tượng

Em đến thăm anh trên đôi dép cao su
Em đã vào nhà mà anh còn thấy bóng em in trên trời rộng

Khuôn mặt nhìn nghiêng dáng mũi cao
Bấy lâu trong nhớ đẹp làm sao

Anh đã gặp em ở một bến đò
Thương nhớ bao la – trên dòng sông vắng
Phong cảnh đã vào chiều, trời hiu hiu nắng
Cây đôi bờ đứng lặng, nặng hồn xa…

Anh đã gặp em ở chân ngọn núi xanh
Núi sẫm biếc như mùa thu đọng lại
Trong thung lũng hoang sơ, ngô lay cờ – rộng rãi
Phân ngô còn đượm mãi hồn ta.

Anh đã gặp em bên bờ biển sóng xao
Phi lao rì rào hồn trao cho gió
Bờ cát mịn dạt dào sóng vỗ
Niềm ân tình vạn thuở chẳng hề vơi.

Anh đã gặp em dưới một trời sao
Và đôi mắt em in vào vũ trụ
Anh ngợi giữa muôn vàn tinh tú
Đêm mơ màng thơm hương áo của em…

Từ lúc yêu em, ngay sau buổi gặp đầu tiên
Anh đã tạc hình ảnh của em trên nền thương nhớ
ở đâu có nhớ thương, anh đã đặt tượng em vào đó
Nên bây giờ anh nhớ: đã gặp em.

Nhớ Mông Lung

Muôn nghìn thương nhớ tới bên tôi;
Tôi tới bên cây lẳng lặng ngồi.
Ánh sáng vấn vương chiều uể oải;
Sắt hè bông phượng rớt từng đôi.

Sắt hạ rung rinh bốn phía hè…
Hồn ai hiu hắt lá xanh tre?
Dịu dàng như có, như không có,
Biển ở xa xăm gởi gió về.

Hương ngây tội lỗi rải mơ màng
Da thịt du dương của những nàng
Tên tuổi mờ bay, thân chẳng định,
Mắt buồn đâu đã khép trong sương.

Có ai nhớ đến giữa lòng tôi
Phong cảnh trăm năm, buồn vạn đời.
Trong gió? trong mây? trong nắng ngả?
Từ đâu đưa lại tiếng chơi vơi!

Mà nhớ điều chi? hay nhớ ai?
Cũng không biết nữa. – Nhớ nhung hoài!
Những thời xa lắm, xưa, xưa quá,
Đến nỗi trong lòng sắc đã phai.

Trăng Khuya Trên Hắc Hải

Trăng trên Hắc Hải rạng ngà
Biển như hồ rộng bao la mới kì!
Ngút ngàn sóng lượn li ti
Sao con đôi chấm nghĩ chi trên trời.

Khuya không ngủ được ra ngồi
Tựa bao lơn ngắm trùng khơi một mình.
Nếu như không có ân tình
Thì anh lạnh đến ghê mình, em ơi.

Nhưng hồn anh sáng anh vui,
Anh nghe đây đó cuộc đời gần quanh
Có em: ấm cả trời xanh;
Sóng bên chân khẽ cùng anh chuyện trò.

Nếu anh tả biển bây giờ
Thì trăng kia cũng đợi chờ tả trăng
Tả đêm tả cát sao bằng
Tả anh thương nhớ lòng giăng vạn trùng.

Đọc hiểu🔰 Nụ Cười Xuân Xuân Diệu 🔰 Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận

Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Về Biển Của Xuân Diệu Hay Nhất

Chia sẻ những mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Biển của Xuân Diệu hay nhất, bạn đọc cùng tham khảo nhé!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Về Biển Của Xuân Diệu Hay – Mẫu 1

Sau cách mạng tháng 8, khi cuộc đời thay đổi nên cách nhìn nhận của Xuân Diệu về tình yêu cũng khác đi rất nhiều. Bởi khi này ông đã đi qua cái tuổi hò hẹn và cũng khi đó tình yêu của ông được rộng mở hơn. Chính khung trời biển bao la ấy đã thể hiện được cái mênh mông vô hạn của bài thơ.

Câu thơ anh không xứng là biển xanh đậm chất gợi ảo nhưng cũng rất thực. Bởi biển rộng lớn hùng vĩ nên anh xin làm cơn sóng biếc để tình yêu được vỗ mãi. Tuy nhiên nếu xét kỹ thì sóng có bao giờ là chính sóng đâu mà đó cũng là biển. Vì vậy nên mặc dù với biển Xuân Diệu nhà thơ ví mình không phải là biển xanh nhưng vẫn là biển đó thôi. Chính ý thơ này cũng đã được tác giả lặp lại ở khổ 6.

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…

Ở đây ta cảm nhận được những điều cao lớn hơn và cũng rất đậm chất hóm hỉnh của Xuân Diệu. Biển xanh hay bể biếc chỉ là những cách nói khác nhau về một đối tượng mà thôi. Đó là sự vòng vo để làm duyên và cũng là một cách để lấy lòng người mình yêu đó mà.

Có làm biển biếc thì khi đó người mình yêu mới có thể là bờ để thầm vỗ. Hay đơn giản là một cách nói tình yêu của anh dành cho em mênh mông như biển và cũng chính là sự vĩnh hằng. Và tình yêu ấy luôn bồi hồi tha thiết như sóng trùng đại dương.

Biển của Xuân Diệu thể hiện một hình ảnh rất riêng. Đối tượng tình yêu trong bài thơ này được lý tưởng hóa thành bờ cát đẹp đẽ và long lanh. Đối lập với cái long lanh của bờ cát là sự mịn màng, mộc mạc. Sở dĩ phải có sự kết hợp cả hai bởi sự mộc mạc cũng có thể làm con người ta chán, nên cần phải có những lúc long lanh.

Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…

Người đẹp đã là một điều tuyệt vời, tuy nhiên càng tuyệt vời hơn nếu họ có thái độ sống không kiêu kỳ. Đẹp nhưng bờ cát phải hiền lành, mịn phẳng và cũng sẵn sàng ôm những con sóng vào bờ. Tuy nhiên sẵn lòng nhưng cũng sẽ không phải là dễ dãi mà là sự gắn bó thủy chung son sắt. Như vậy có thể nói với cách diễn đạt tài tình ấy tác giả đã ví hình ảnh bờ ẩn dụ để nói về người con gái mà mình yêu thương tha thiết.

Khi yêu người ta luôn ước mơ về một người tình lý tưởng và cũng là khát vọng được chiếm lĩnh trái tim của người mình yêu. Từ đó ta có thể nhận ra được các trạng thái tình cảm giống như sóng, luôn mong được vỗ vào bờ. Dưới vần thơ của ông hoàng thơ tình ta lại thấy được những cái vỗ ấy cũng như những nụ hôn nồng cháy. Nó không sỗ sàng, ngược lại còn nâng niu dè dặt.

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt..

Chính những nụ hôn trong bài thơ Biển đã làm con người ta thêm đắm đuối. Đó là những nụ hôn không thỏa, rồi phá vỡ cả một mảng không gian rộng lớn. Để rồi cuối cùng chỉ còn lại là tình yêu đắm say. Để diễn tả được trọn vẹn cơn khát này, nhà thơ đã bộc lộ một cảm xúc sâu hơn đó chính là sự cuồng nhiệt. Nó sục sôi như thủy triều dâng. Khi ấy những ồn ào, mãnh liệt ấy đã diễn tả được sự mãnh liệt đến mê cuồng của tình yêu.

Khi yêu con người ta không chỉ khao khát được chiếm lĩnh mà đó còn là tách mình ra để ngắm nhìn. Đó cũng chính là một cách để ca ngợi sự thủy chung son sắt. Đây cũng chính là lúc biển nằm trong vòng tay ấm áp của bờ mà nghe sõng vỗ. Đó là những khoảnh khắc vô cùng tươi đẹp của lứa đôi.

Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Phong cách trong bài thơ Biển của Xuân Diệu là những điều ta đã có thể thấy được trong những áng thơ như Gửi hương cho gió. Ở đó ta cảm nhận được khao khát, sự cháy bỏng, da diết và cũng chính là một nét riêng trong thơ Xuân Diệu.

Với Biển – Xuân Diệu ta cảm nhận được những chất rất riêng của cuộc sống này. Đó cũng vẫn là tình yêu nhưng dưới góc nhìn của nhà thơ nó lại thêm sâu sắc hơn. Chính những vần thơ đó đã giúp con người ta hiểu thêm về tình yêu.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Về Biển Của Xuân Diệu Chọn Lọc – Mẫu 2

Mở đầu bài thơ, ông viết :

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Câu thơ giản dị, bộc lộ trực tiếp  tình cảm chân thành, giàu hình ảnh và gợi nhiều liên tưởng. Không là thuyền và biển mà là sóng và bờ. Cặp từ anh – em quen thuộc, tha thiết yêu thương đi liền trong biển và bờ. Nhưng nét độc đáo của bài thơ là không phải sử dụng phép so sánh thông thường kiểu như: ”anh là biển xanh”, “em là bờ cát trắng“ mà là:

 Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng.

Câu thơ vì thế không nhằm miêu tả so sánh mà nó trực tiếp nói lên mong ước, khát vọng tình cảm chất chứa trong sâu thẳm tâm hồn…

Tiếp theo sau đó là những câu thơ năm chữ vừa tả cảnh, vừa gợi tình được diễn tả bằng một ngôn ngữ chắt lọc, ngân nga, sâu lắng.

Bờ cát  dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê
Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng.

Hình ảnh bờ cát vàng vốn vô tri trở thành  đối tương để tâm tình. Sau mong ước là một nỗi ngân nga về hình ảnh mong ước ấy trong lòng nhà thơ về em. Khổ thơ giúp ta hình dung, cảm nhận được vẻ  đẹp của bờ biển vào một ngày đẹp trời có nhiều ánh nắng với cát vàng, hàng thông, sắc trời, sắc nước, lòng người,… tất cả như hòa quyện thành một bức tranh thiên nhiên trong suốt, đẹp đẽ có linh hồn. Nó đầy đặn niềm yêu,  tràn bờ xúc cảm và vang âm sự trân trọng thiêng liêng.

Ba khổ thơ năm chữ nối tiếp là tình yêu biểu hiện thành khúc ca vần nối vần, hành động nối tiếp hành động, dồn dập, điệp trùng, vừa như lặp lại, vừa như thay đổi biến hóa, như sóng vỗ bờ, liên hồi tha thiết. Người đọc khó lòng dứt cắt hay dừng  bước lại được ở một câu nào. Đó là sự ngập tràn của thơ trong lòng, những câu thơ như đẩy người đọc đi tới cùng những bến bờ của nó.

 Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi  cát vàng em

Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Cặp hình ảnh sóng biếc và bờ cát vàng ở đây không còn là hai thực thể mong ước mà chúng quyện vào nhau, giao hòa quấn quýt gắn bó không rời như những cái hôn không dứt, như tình yêu dạt dào, bất tận, khi lặng lẽ êm đềm, khi nồng nàn cháy bỏng… Lời thơ, ý thơ chân thực mạnh mẽ, không cần ước lệ, ngụy trang. Nó đem lại một thứ mỹ cảm trần thế, rất “cây đời“, rất xanh tươi, vẫn cái “vội vàng“ say đắm, rạo rực, vẫn sự nồng nàn, giao cảm, yêu thương như ngày nào.

Cuối cùng vượt qua cao trào, cảm xúc dường như lắng lại, thăng bằng hơn nhưng chẳng kém phần thiết tha, say đắm :

Anh không xứng là biển xanh
…..
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi !

Câu thơ “Anh không xứng là biển xanh“ được lặp lại, nhưng ở một  tương quan mới hơn. “Nhưng cũng xin làm bể biếc”, câu thơ nghe ra có vẻ khiêm nhường song ngẫm kỹ lại hóa ra tự tin và kiêu hãnh !

Nét đặc sắc trong kết cấu hình ảnh, nhìn trên tổng thể bài thơ là sự tập hợp những khái niệm về không gian rộng lớn, về các khái niệm thời gian vĩnh hằng: ngàn năm, mãi mãi, muôn đời,… Những khái niệm được lặp đi lặp lại nhưng không gây một ấn tượng nào về sự đơn điệu, nhàm chán  mà ngược lại đã tạo được một hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ, sâu đậm về mối giao hòa giữa biển và bờ.

Từ đó bài thơ xây dựng được một hình tượng tình yêu đích thực, trần thế, mãnh liệt và vĩnh cửu. Từ đó, nhà thơ khẳng định tình yêu lứa đôi là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, là khát vọng tồn tại mãi mãi như biển cả, trời cao. Và cũng từ đó, bài thơ thể hiện một cách cảm nhận tình yêu  khác so với giai đoạn trước cách mạng ở nhà thơ: nồng nàn, say đắm mà vẫn ấm áp, tin yêu, đầy giao cảm, không cô đơn, mộng tưởng và cá nhân .

Điểm đặc sắc làm nên thành công đặc biệt ở Biển còn là sự chuyển đổi nhịp thơ và cách gieo vần trong toàn bài thơ, sức mê hoặc của bài thơ chính là ở nhạc điệu của nó khiến nó là “biển” thực sự trong cảm nhận người đọc dù chỉ là những con sóng ngữ ngôn. Mạch chảy của dòng thơ không chịu bó mình đứng yên ở một khuôn dạng thơ nào, những câu thơ vừa nằm trong thế ổn định, lại vừa như muốn cựa quậy không yên.

Cuối đời khi sắp bước vào cõi vĩnh hằng, Xuân Diệu đã để lại lời nhắn gởi:

Hãy để cho tôi được vẫy chào
Giả từ cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Mà vẫn si tình đến ngất ngư.

Không tan biến đâu cả, những dòng thơ mang hồn Xuân Diệu như Biển sẽ vẫn mãi mãi còn lại ngân nga bên trong con người chúng ta và nói lên những  điều cần thiết nhất của đời sống.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Về Biển Của Xuân Diệu Tiêu Biểu – Mẫu 3

Trong chương trình môn văn lớp 12 THPT, khi nghe thầy cô giảng bài Sóng của Xuân Quỳnh, không thể không liên hệ đến bài thơ “Biển” của Xuân Diệu. Bởi hai hồn thơ này không bao giờ chịu yên tỉnh để chiếm lĩnh con sóng của đại dương, để hóa giải lòng mình.

Nếu hiểu theo cách định nghĩa về thơ của Sóng Hồng: “ Thơ trước hết là sự giải bày cảm xúc của nhà thơ về con người và thời đại” thì với Xuân Diệu, thơ “phải là cuộc đời, là hiện thực vì ngay bản thân của nó cũng chính là cuộc sống”. “Thơ phải chân thật, ở trong lòng người, tâm hồn người.

Trở lại với bài thơ “Biển” của Xuân Diệu thì hình tượng sóng là một biểu hiện kì thú, vĩnh hằng của thiên nhiên. Từ lâu nó đã trở thành một chất liệu cho thơ ca. Với cổ nhân, họ mới chỉ khai thác âm thanh của “tiếng sóng”, còn với Xuân Diệu, thì mọi người đã quá quen thuộc với ông hoàng của thơ tình, vì thế, khi đọc bài thơ Biển, ta cảm nhận như nhà thơ đã khai thác đến cái bản chất cuối cùng của hiện tượng tự nhiên. Chàng thi sĩ đa tình ấy như muốn được tắm trong biển lớn với con sóng tình cuồng nhiệt và say mê.

Đầu tiên là sự thổ lộ:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê.

Vâng! Tuy anh không xứng đang làm dòng biển trong xanh nhưng trong lòng anh vẫn muốn em làm ‘bờ cát”, làm bóng mát, làm điểm tựa vĩnh cửu cho con sóng anh đi về. Em – bờ cát, là hai yếu tố đa cực. “Bờ cát” thủy chung, đằm thắm của tình em muôn đời vẫn trải lòng chờ đợi. Đôi khi sự dịu dàng, đằm thắm đó của “bờ em” cũng ngăn bớt những con sóng tình cuồng nhiệt:

Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em.

Còn anh, anh vẫn chỉ “khiêm nhường” nhỏ nhẹ làm một “con sóng biếc”. vì sóng anh vốn được tạo hóa cho đặc tính muôn đời, đó là sôi nổi và táo bạo:

Anh xin làm sóng biếc
…..
Anh mới thôi dào dạt.

Hình như con sóng ẩn dụ ấy đã chuyển tải hết sắc độ, lòng cuồng nhiệt của tình yêu “phái mạnh”. Nói đúng hơn, Xuân Diệu muốn ẩn mình trong con sóng kia để giãi bày một cách trọn vẹn “cái tôi” cuồng nhiệt của lòng mình. Ở đây, chủ thể trữ tình của Biển chủ động chiếm lĩnh ngôi thứ nhất của sóng lòng tuổi trẻ.

Để rồi, con sóng đa tình, táo bạo ấy muốn được “tung trắng xóa”, tan vào cõi vô cùng, tuyệt đích của tình yêu:

Để những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa
Như yêu bờ lắm lắm em ơi.

Bốn câu thơ của “Biển” được khép lại nhưng hồn thơ lại mở ra những khát vọng mãnh liệt, muốn vươn tới cái tận cùng của tình yêu tuổi trẻ. Chúc cho những ai đã yêu, đang yêu và những ai đang tìm kiếm tình, yêu sớm tìm được bến đỗ của đời mình. Và hãy yêu chân thành, đằm thắm, say mê và mãnh liệt như chàng trai đa tình trong bài thơ “Biển” của Xuân Diệu.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Về Biển Của Xuân Diệu Ngắn Hay – Mẫu 4

Biển là một bài thơ tình đặc sắc của Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám, được sáng tác trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng như chính nhà thơ tâm sự, nguồn thi hứng của ông được gợi lên từ biển Quy Nhơn cát vàng nước biếc dạt dào, tiếng thầm thì của phi lao như lời tâm sự của những tình nhân.

Con người từng được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình” thời Thơ Mới đã nói lên cảm xúc yêu đương nồng nàn từ vọng tưởng về con sóng quê hương thấm đẫm hồn thơ từ thuở hoa niên. Một tình yêu mới mẻ, không còn cảm giác mong manh vì lo sợ “tình yêu đến tình yêu đi ai biết” mà gắn kết vững bền trong quan hệ sóng – bờ.

Vượt ra khỏi phạm vi của tâm tình lứa đôi, bài thơ còn nóng hổi những bồi hồi của đứa con miền Nam những ngày phải xa cách quê hương khi đất nước cắt chia làm hai nửa.

Bắt đầu bài thơ là một lời thú nhận nhưng cũng đồng thời là một khát vọng hóa thân, để được hướng về em bằng tất cả niềm ngưỡng vọng, đắm say:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Em – bờ cát trắng, như một biểu tượng của cái đẹp muôn đời, được cảm nhận bằng tất cả sự say mê của một trái tim si tình. Cái nhìn của nhà thơ trước sau vẫn thế, luôn lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực cho những vẻ đẹp tự nhiên.

Sắc nắng pha lê làm nên sắc cát vàng óng ả. Một dáng nghiêng mềm mại “thoai thoải hàng thông” tạo thành vẻ đẹp mang đậm nữ tính. Vẻ đẹp ấy là cái cớ để nhà thơ bộc lộ tình yêu tha thiết với em khi tự nhận: “Anh xin làm sóng biếc”. Cái tôi hóa thân thành con sóng mới tự do và mãnh liệt làm sao!

Có lẽ cho đến nay trong thi ca Việt Nam, kể cả những nhà thơ cách tân mới nhất, chưa ai dám bạo dạn tả cái hôn đắm đuối đến thế: hôn mãi, hôn thật khẽ thật êm, hôn êm đềm, mãi mãi, hôn rồi hôn lại, tan cả đất trời… Ngỡ như cả vũ trụ nghẹt thở bởi những cái hôn nồng cháy đến thế! Thấp thoáng trong câu thơ những ám ảnh dục tính rất đời thường mà không hề vẩn đục bởi những dục vọng thấp hèn.

Và con sóng tình không chỉ dừng lại đó mà rất bạo liệt ào ạt, nghiến nát bờ em. Ta lại gặp một Xuân Diệu – kẻ uống tình yêu dập cả môi thuở nào! Con người đã tìm thấy trong tình yêu sự sống vĩnh cửu, vượt ra khỏi giới hạn đời người trăm năm để quyện chặt với đời bằng nụ hôn ngàn năm không thỏa. Bằng tình yêu ấy, thi nhân đã hòa con sóng biếc tâm hồn góp thành bể biếc cuộc đời – màu tình yêu muôn thuở. Ân tình nhà thơ cũng hòa chung quan niệm của một thời người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu).

Có lẽ cũng không cần phải bàn nhiều về tính chất của tình yêu hiển hiện trong những vần yêu nồng nàn ấy.

Đó cũng là tình yêu vọng về mảnh đất Bình Định thân thương, nơi đã nuôi hồn thơ cho Xuân Diệu. Biển Quy Nhơn lung linh trong bao thi ảnh bể biếc, cát vàng, thoai thoải bãi bờ… Tình yêu lứa đôi quyện hòa cùng tình yêu quê hương. Để những người yêu nhau ra trước biển Quy Nhơn giờ đây lại có thể ngâm ngợi những vần thơ của người nghệ sĩ đa tình thuở ấy:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Về Biển Của Xuân Diệu Ấn Tượng – Mẫu 5

Ngày ấy, tôi mới chỉ học đến lớp 7, khoảng lớp 9 bây giờ, chưa có khái niệm về tình yêu nam nữ, vậy nhưng, tình cờ đọc bài thơ Biển của Xuân Diệu được chép trong sổ tay văn học của chị gái, tôi đã rất thích, lẩm nhẩm đọc và thuộc làu, đến giờ vẫn không quên. Những dòng thơ chép bằng mực xanh theo từng khổ đều đặn trên nền giấy nâu có sức lay động, lôi cuốn:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…

Những dòng đầu tiên mở ra với âm điệu nhẹ nhàng, du dương, gợi lên hình ảnh bờ cát, biển xanh những chiều hè lặng gió, làm liên tưởng đến bóng hình nhà thơ đang lững thững dạo gót bên bờ biển biếc. Cái vô lý lại trở thành có lý: Anh không xứng là biển xanh, nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng. Cái không có lý là sự tự so sánh của thi sĩ với vũ trụ bao la. Nhưng tình yêu bao giờ cũng có lý riêng của nó.

Chính vì vậy, ngay từ những câu mở đầu, bài thơ đã có sức mời gọi. Êm dịu, bình yên, phẳng lặng vốn là biển và bờ khi lặng gió. Nhưng không phải chỉ có thế! Sau những êm dịu, mơ màng của tâm hồn thi sĩ hòa vào Bờ đẹp đẽ cát vàng, thoai thoải hàng thông đứng, như lặng lẽ mơ màng, suốt ngàn năm bên sóng là một trạng thái khác, cung bậc khác của tâm hồn được chuyển tải trong nhịp thơ dồn dập, gấp gáp như những đợt sóng liên tiếp ào ạt vỗ bờ:

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm, mãi mãi…

Nhắc đến Xuân Diệu là người ta nói đến “Ông hoàng thơ tình”. Tình yêu trong thơ ông không bao giờ nửa vời, nhợt nhạt. Kể cả khi biết rằng: Yêu là chết ở trong lòng một ít thì thi sĩ vẫn muốn đi hết tột cùng cảm xúc, muốn dâng hiến hết mình, cháy hết mình cho tình yêu.

Những câu thơ như có men say khiến người đọc ngây ngất, dù chưa một lần nếm trải vị mặn mòi của muối biển tình yêu. Những điệp từ hôn, thật, mãi, cùng với các động từ mạnh: tan, nghiến, dào dạt, ào ạt… đã thức tỉnh, lôi cuốn người đọc vào trạng thái cảm xúc của tác giả, cùng hòa vào những đợt triều dâng của tâm hồn thi sĩ:

Đã hôn rồi, hôn lại
….
Ngập sóng của ngày đêm.

Nhịp thơ là nhịp của bước sóng, không đợt nào giống đợt nào nhưng vẫn có quy luật riêng. Nó thúc giục, lay thức tâm hồn người đọc như tiếng dương cầm khi thánh thót, khi réo rắt vang lên giữa bao bộn bề khó nhọc và lo toan của cuộc sống, ngân vọng mãi khiến cho người ta không thể dửng dưng.

Những nốt nhạc tâm hồn của Xuân Diệu đã khơi dậy trong tâm hồn con người, nhất là những đôi lứa đang yêu khát khao tình yêu, khát khao cuộc sống, muốn được bay bổng, lâng lâng trong trạng thái của sóng và bờ, dẫu nó thật vô hình vì chỉ là trường liên tưởng:

Anh không xứng là biển xanh
…..
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Những câu thơ cuối cùng, tác giả lặp lại cách ví von mở đầu: Anh không xứng là biển xanh. Nhưng một bất ngờ mới trong cách nói của nhà thơ khác hẳn với ban đầu: Nhưng cũng xin làm bể biếc! Đó là một sự khẳng định tình yêu không giới hạn, không bao giờ vơi cạn của nhà thơ với cuộc đời.

Lần này, tác giả không nhắc đến nhân vật trữ tình em nữa. Hình như với nhà thơ, được tan hết mình, được dào dạt, được hát mãi bên ghềnh, được hôn mãi ngàn năm không thỏa, tức là được sống và được yêu giữa cuộc đời này đã là quá đủ hạnh phúc nên dù em có là bờ cát trắng hay không thì anh vẫn mãi như con sóng vỗ bờ, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không biết đến bạc đầu.

Cũng như nhiều bài thơ tình khác, kết thúc bài thơ là một tiếng gọi, hô ngữ từ được cất lên từ trái tim trĩu nặng tình yêu và chất chứa niềm vui sống của nhà thơ: Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Xuân Diệu đã đi xa cách đây 30 năm nhưng những câu thơ của ông như sóng biển ngàn năm vẫn vỗ, vẫn dội vào tâm hồn ta, lay thức trái tim những người đang sống một tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, giúp ta hiểu hơn giá trị của tình yêu, giá trị của cuộc sống.

Như biển xanh, chắc nơi thế giới xa xôi, linh hồn ông vẫn “bay tỏa nơi nơi” để thấm sâu hơn những mặn mòi của biển cả và lắng nghe tiếng gió vi vu, tiếng sóng dạt dào của thiên nhiên.

Tìm hiểu chi tiết bài ❤️️ Đây Mùa Thu Tới ❤️️ Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Viết một bình luận