Bài Thơ Sáng Tháng Năm ❤️️ Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích ✅ Đọc Hiểu Bài Thơ, Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Hoàn Cảnh Ra Đời, Gợi Ý Soạn Bài.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Sáng Tháng Năm Của Tố Hữu
Tố Hữu là nhà thơ viết sớm nhất, nhiều nhất và hay nhất về Bác Hồ. Trong đó bài thơ Sáng Tháng Năm là một thi phẩm vang danh đưa Tố Hữu lên đỉnh cao của nền thơ ca Việt Nam. Đến nay bài thơ vẫn được ca ngợi và được độc giả săn đón. Sau đây là nội dung bài thơ:
Sáng tháng năm
Tác giả: Tố Hữu
Vui sao một sáng tháng Năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn…
Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn
Lát rồi, chim nhé, chim ăn
Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà
Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng.
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non…
Bác Hồ, cha của chúng con
Hồn của muôn hồn
Cho con được ôm hôn má Bác
Cho con hôn mái đầu tóc bạc
Hôn chòm râu mát rượi hoà bình!
Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh!
Trong sáng lòng anh du kích
Nửa đêm bôn tập diệt đồn.
Vững tay người chiến sĩ nông thôn
Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo.
Anh thợ, má anh vàng thuốc pháo
Cánh tay anh dày sẹo lửa gang.
Ôi những em đốt đuốc đến trường làng
Và các chị dân công mòn đêm vận tải!
Các anh chị, các em ơi, có phải
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi
Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ
Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi…
Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh
Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người toả sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời.
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
Hồ Chí Minh
Người ở khắp nơi nơi…
Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ
Lắng từng câu, từng ý chưa thành
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
Người ngồi đó, với cây chì đỏ
Vạch đường đi, từng bước, từng giờ…
Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ
Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại!
Con nhớ hết mỗi lời Người dạy:
Kháng chiến gian nan, kháng chiến trường kỳ
Bác bảo đi, là đi.
Bác bảo thắng, là thắng.
Việt Nam có Bác Hồ
Thế giới có Xta-lin.
Việt Nam phải tự do
Thế giới phải hoà bình!
Chúng con chiến đấu hy sinh
Tấm lòng son sắt, đinh ninh lời thề.
Bắt tay Bác tiễn ra về
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu…
Đón đọc thêm ❤️️Thơ Tố Hữu Về Bác ❤️️ Tuyển Tập Những Bài Thơ Hay Nhất
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Sáng Tháng Năm
Bài thơ Sáng tháng năm được Tố Hữu viết ở chiến khu Việt Bắc vào tháng 5-1951 có độ dài hơn 70 câu, nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc này cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra vô cùng ác liệt, với sự yêu mến, kính trọng dành cho Bác nên Tố Hữu đã viết nên bài thơ như một khúc tráng ca về người anh hùng vĩ đại.
Ý Nghĩa Bài Thơ Sáng Tháng Năm
Bài thơ Sáng tháng năm là những cảm nhận chân thật nhất của tác giả về Bác Hồ. Hình tượng Bác trong bài thơ hiện lên thật lung linh, kỳ diệu nhưng cũng vô cùng bình dị, gần gũi. Thông qua bài thơ, ta cảm nhận được tình cảm thiết tha, sự biết ơn to lớn của tác giả đối với người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Đọc hiểu 🍀Bài Thơ Bác Ơi Của Tố Hữu🍀 Nội Dung, Tác Giả, Tác Phẩm
Đọc Hiểu Bài Thơ Sáng Tháng Năm
Hướng dẫn các em học sinh cùng bạn đọc cách đọc hiểu bài thơ Sáng tháng năm chi tiết.
Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi sau:
“ Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.”
(Sáng tháng Năm – Tố Hữu)
👉Câu 1. Từ “Người” ở đây nói đến ai. Dựa vào đâu anh/chị biết được điều này?
Đáp án:
- Từ “Người” ở đây nói đến Bác Hồ.
- Dấu hiệu nhân biết: Từ “Người” được viết hoa là một cách để gọi Bác Hồ nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với Bác, là một trong những cách gọi Bác.
👉Câu 2. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên.
Đáp án: 2 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên là:
- Ẩn dụ: mặt trời – Bác Hồ.
- So sánh: Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng.
👉Câu 3. Cho biết ý nghĩa của cụm từ “mặt trời cách mạng”.
Đáp án: Ý nghĩa của cụm từ “mặt trời cách mạng” là hình ảnh so sánh Bác cao quý, sáng ngời và vĩ đại như mặt trời, mang lại sự sống và ánh sáng cho nhân loại.
👉Câu 4. Đoạn thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả?
Đáp án: Đoạn thơ thể hiện lòng kính yêu Bác Hồ của tác giả.
Soạn Bài Sáng Tháng Năm
Gợi ý cách soạn bài Sáng tháng năm thông qua bộ câu hỏi có đáp án dưới đây.
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời.
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
(Trích: Sáng tháng Năm của Tố Hữu)
👉Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?
Đáp án: Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là: biểu cảm.
👉Câu 2: Hình ảnh Bác Hồ được giới thiệu thông qua những chi tiết nào?
Đáp án: Hình ảnh Bác Hồ được giới thiệu thông qua những chi tiết như:
- Chiếc áo nâu giản dị.
- Trán mênh mông.
- Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi.
👉Câu 3: Hãy nêu nội dung chính của đoạn thơ?
Đáp án: Nội dung chính của đoạn thơ là: Miêu tả hình ảnh chân dung của Bác, qua đó, tác giả thể hiện tình cảm kính yêu, trân trọng giành cho Người.
👉Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau:
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…
Đáp án:
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…
– Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau là:
- Điệp từ: ta, Người.
- Ẩn dụ: Người tỏa sáng trong ta.
=> Tác dụng: Làm cho câu thơ trở nên sinh động hơn và thông qua đó thể hiện sự kính yêu, ngưỡng mộ của tác giả dành cho Bác Hồ.
👉Câu 5: Từ nội dung đoạn thơ em hãy viết đoạn văn ( từ 7-10 câu) nêu cảm nghĩ của em về phong cách đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đáp án: Lựa chọn lối sống giản dị, Bác đã sống một cuộc sống không giống với bất kì một vị chủ tịch hay tổng thống nào. Nơi ở của Bác – mà nhà văn gọi là “cung điện” của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao. Chỉ vẻn vẹn có vài phòng để “tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ nghỉ”, đồ đạc trong đó cũng “rất mộc mạc, đơn sơ”. Từ nơi ở đến trang phục cũng “hết sức giản dị” – Bác chỉ có bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Cuối cùng là việc ăn uống của Bác cũng thật đam bạc, món ăn toàn là : cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… những món ăn dân dã của vùng quê Việt Nam. Cách sống của Người khiến cho mỗi người dân Việt Nam không khỏi ngưỡng mộ và kính trọng. Đồng thời, chúng ta còn thêm yêu mến, thêm tự hào.
Chia sẻ thêm chi tiết 🔰Bài Thơ Vô Đề Của Bác🔰 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích
5 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Sáng Tháng Năm Hay Nhất
Nhanh tay tham khảo ngay các mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Sáng tháng năm hay nhất của Tố Hữu được Thohay.vn sưu tầm dưới đây nhé!
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Sáng Tháng Năm Hay – Mẫu 1
“Sáng tháng năm” là bài thơ thứ hai của Tố Hữu viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bài thơ được viết tại chiến khu Việt Bắc, vào tháng 5 năm 1951, khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra vô cùng ác liệt.
Bài “Sáng tháng Năm” là sự tiếp nối của những vần thơ trữ tình đẹp nhất nói về lãnh tụ. Hình ảnh Bác Hồ vừa cao cả vĩ đại, vừa gần gũi thân thương với mọi con người Việt Nam.
Mở đầu bài thơ, tác giả nhắc lại một kỉ niệm đẹp:
“Vui sao một sáng tháng năm,
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ”.
Và kết thúc bài thơ là cái “bắt tay” của lãnh tụ đưa tiễn:
“Bắt tay Bác tiễn ra về,
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu.”
Đến thì “vui sao”, về thì “nhớ hoài”, biết bao bồi hồi xúc động. Nhà thơ vui sướng tự hào có bao giờ có thể quên cuộc viếng thăm kì diệu ấy.
Như một vầng sáng lung linh bao trùm bài thơ là hình ảnh lãnh tụ kì vĩ tuyệt đẹp:
“Bác ngồi đó lớn mênh mông,
Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non”.
Bốn hình ảnh ẩn dụ liên kết trong một vần thơ. Bác là hồn nước thiêng liêng, là biển trời, sông núi, quê hương yêu dấu. Hình ảnh Bác được thể hiện vừa cao cả vừa thân thương đối với triệu triệu con người Việt Nam.
Hình ảnh Bác được nhận diện về ngoại hình và chiều sâu tâm hồn, với mái tóc và chòm râu bạc phơ, hiền hậu như mọi cụ già làng quê. Cái hay của bài thơ là Tố Hữu đã biểu lộ cảm xúc trực tiếp đối với Bác bằng một tình yêu rộng lớn, sâu sắc:
“Cho con được ôm hôn má Bác
Cho con hôn mái đầu tóc bạc.
Hôn chòm râu mát rượi hòa bình”.
“Ôm hôn má Bác”, “Hôn mái đầu tóc bạc”, “Hôn chòm râu mát rượi hòa bình” là ba hình ảnh gợi cảm. Chữ “hôn” được lấy lại ba lần biểu lộ một tấm lòng yêu kính, tự hào đối với lãnh tụ. “Chòm râu mát rượi hòa bình” là một nét chạm khắc thần tình: vẻ đẹp phúc hậu của một cụ già gắn liền với vẻ đẹp lí tưởng của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cơm áo, hạnh phúc và hòa bình cho nhân dân.
Bác là niềm tin yêu ngời sáng cho quân và dân ta trong kháng chiến. Người chiến sĩ xung kích “nửa đêm bôn tập diệt đồn”, anh thợ “má anh vàng thuốc pháo”, chị dân công “mòn đêm vận tải”, bác nông dân “bắt sỏi đá phải thành sắn gạo”, các em học sinh “đốt đuốc đến trường làng”,… tất cả đều hướng về Bác với tấm lòng biết ơn và tin tưởng mãnh liệt. Ba tiếng “Hồ Chí Minh” mỗi lần vang lên đều đem đến cho nhân dân ta sức mạnh động viên kì diệu để tiến lên giành thắng lợi mới. Giọng thơ trở nên tâm tình thiết tha:
“Các anh chị, các em ơi có phải
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!”.
Tiếng nói của Bác, tư tưởng tình cảm của Bác thể hiện sâu sắc cho ý chí, cho nguyện vọng của đất nước và dân tộc. “Tuyên ngôn Độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”,… là “lời non nước” thiêng liêng:
“Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước,
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”.
Bác Hồ là lãnh tụ của nhân dân, hội tụ bao phẩm chất cao quý của dân tộc. Bác sống giản dị như mọi cụ già quê ta:
“Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà”.
Bác là hiện thân cho sự thông minh, tài trí xuất chúng, là phong thái ung dung, hồn nhiên, tự tại:
“Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều chính khách, nghệ sĩ nước ngoài đã nói và viết về cặp mắt tinh anh, sáng ngời đặc biệt của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong bài thơ này, ba lần Tố Hữu nói đến đôi mắt Bác. Đôi mắt của niềm vui, đôi mắt của tình thương, đôi mắt lạc quan yêu đời. Hình ảnh “đôi mắt Bác” được miêu tả rất đẹp, đầy ấn tượng:
– “Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi…,
– Ôi người Cha, đôi mắt mẹ hiền sao…,
– Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười…”.
Chòm râu, mái tóc bạc, chiếc áo nâu, vầng trán, đôi mắt, cây chì đỏ…, là những hình ảnh hoán dụ được nhà thơ sử dụng rất sáng tạo, đem đến vẻ đẹp văn chương cho bài thơ, tô đậm hình ảnh Bác Hồ trong những năm kháng chiến ở Việt Bắc.
Tố Hữu đã có nhiều bài thơ viết về Bác Hồ. Mỗi bài thơ là một sự phát hiện, một sáng tạo mới về người anh hùng giải phóng dân tộc tượng trưng cho tinh hoa và khí phách của nhân dân Việt Nam.
Sự tài trí và hiền hậu là hai nét vẽ sâu sắc nhất của Tố Hữu khi phác họa chân dung Hồ Chí Minh trong bài thơ “Sáng tháng năm”. Với tài trí lỗi lạc, Bác nhất định sẽ đưa con thuyền kháng chiến vượt qua phong ba bão táp để đi tới bến bờ vinh quang thắng lợi. Với đức tính hiền hậu, Bác đem đến cho mỗi con người Việt Nam một tình thương bao la:
“Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.
Bác vĩ đại mà gần gũi thân thiết với nhân dân: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”. Đọc bài thơ “Sáng tháng năm, chúng ta càng nhớ Bác và yêu kính Bác: Ai cũng cảm thấy mình trưởng thành thêm một chút” bên hình ảnh vĩ đại của lãnh tụ:
“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Sáng Tháng Năm Chọn Lọc – Mẫu 2
Một điều hiển nhiên là hầu hết các nhà thơ đều viết về Bác Hồ – Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nhiều bài thành công, đi vào lòng người. Bài thơ “Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu là một điển hình.
Mở đầu bài thơ là cảnh phóng khoáng của chiến khu Việt Bắc:Vui sao một sáng tháng năm/Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/Suối dài xanh mướt nương ngô/Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn.Ta thấy sự náo nức, hồ hởi của tác giả được lên thăm Bác.
Bác kêu con đến bên bàn/Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ; những câu thơ, phản ánh nơi làm việc của Bác thật giản dị, chỉ là nhà sàn đơn sơ như mọi ngôi nhà khác ở chiến khu.
Điệp từ “cho con” được tác giả nhấn mạnh lòng kính yêu và khát khao tình cảm chân thành: Cho con được ôm hôn má Bác/Cho con hôn mái đầu tóc bạc/Hôn chòm râu mát rượi hòa bình! Ý thơ hay lan tỏa khát vọng của dân tộc, chiến đấu vì độc lập, tự do cũng là vì hòa bình, hạnh phúc. “Chòm râu mát rượi hòa bình” thật đặc sắc, mang ý tưởng nhân loại.
Có một đoạn thơ dài kể về chiến công của quân dân ta, gửi niềm tin vào Bác Hồ. Trong đó, tác giả lần lượt nhắc đến các anh xung kích bôn tập diệt đồn; người nông dân bắt sỏi đá phải thành sắn gạo; cả những em học sinh đốt đuốc đi học cũng là thắng Pháp và các chị dân công mòn đêm vận tải góp phần vào kháng chiến.
Cả dân tộc đánh Pháp với niềm tin tất thắng vì có Bác chỉ đường: Và mỗi trận, mỗi mùa mùa vui thắng lợi/Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi/Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ/Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi.
Trái tim nhân hậu, tâm hồn nhân hậu nên có ánh mắt nhân hậu. Ánh mắt hiền từ, bao dung của Bác được nhà thơ khái quát trọn vẹn. So sánh ánh sáng chân lý cách mạng rực rỡ với kẻ thù là bóng đêm để khẳng định niềm tin: Người rực rỡ một mặt trời cách mạng/Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng/Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
“Mặt trời cách mạng” và “loài dơi chập choạng” là hình ảnh so sánh cụ thể và sinh động dễ vào lòng người. Bác là vầng thái dương thì đế quốc là bóng đêm gieo rắc đau thương.
Thơ ngân rung những lời tha thiết về lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn dân.
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
Người ngồi đó với cây chỉ đỏ
Vạch đường đi từng bước, từng giờ…
Nhà thơ đã nói thay cả triệu tấm lòng. Lãnh tụ thật gần gũi với dân. Là Chủ tịch nước, cũng là Cha, là Bác, là Anh của mọi con dân đất Việt bởi: Quả tim lớn lọc trong dòng máu nhỏ, đang lãnh đạo kháng chiến ở giai đoạn cầm cự, hình ảnh cây chì đỏ trong tay Bác vạch đường đi vừa là hiện thực, vừa là tượng trưng chỉ đường kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Bài thơ phần lớn sử dụng thơ tự do, phóng túng, mạch cảm xúc cuồn cuộn trào dâng, nhưng mở đầu và kết thúc là thể thơ lục bát quen thuộc, dân dã, lắng đọng tình cảm cho người đọc dễ nhớ, dễ thuộc.
Nếu coi “Theo chân Bác” là trường ca thì “Sáng tháng Năm” là khúc tráng ca rất thành công của Tố Hữu khi viết về lãnh tụ. Là nhà thơ cách mạng, gắn bó và được gần Bác nên thơ chảy theo dòng cảm xúc chân thực, có cả phần kính trọng và yêu thương.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Sáng Tháng Năm Hay Đặc Sắc – Mẫu 3
Bài thơ “Sáng tháng Năm” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác vào tháng 5/1951 tại chiến khu Việt Bắc. Sáu mươi chín năm trôi qua nhưng hình tượng của Bác Hồ kính yêu vẫn luôn hiện lên sinh động, chân thực vô cùng.
Mở đầu bài thơ là phong cảnh hùng vĩ của “thủ đô kháng chiến” trong một sáng tháng Năm đẹp trời, thật bình yên. Nơi đó có suối trong xanh như dải lụa xanh mát, có những nương ngô trải dài tưởng chừng không dứt. Tâm trạng của tác giả lúc này thật vui mừng, hạnh phúc vì sắp được gặp Bác:
“Vui sao một sáng tháng Năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn…”
Nơi làm việc của vị lãnh tụ tối cao thật giản dị lạ thường! Tất cả như hòa chung vào khung cảnh thiên nhiên Việt Bắc bởi tấm lòng Bác luôn yêu thiên nhiên, coi thiên nhiên là người bạn không thể thiếu…
“Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn
Lát rồi, chim nhé, chim ăn
Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà.”
Thật cảm động, muốn dâng trào nước mắt khi thấy Bác Hồ sống thật gần gũi với mỗi cảnh vật, với mỗi người xung quanh.
Đó là ngôi “nhà sàn” nơi “Bác ngồi, Bác viết”; là chiếc bồ đơn giản đựng công văn, giấy tờ… Đó là con chim bồ câu nhỏ nhắn đang thơ thẩn tìm thóc ăn…
Tất cả như dội vào lòng người sự cảm động trước một vị lãnh tụ sống giản dị, khiêm nhường.
Gặp được Bác Hồ là niềm hạnh phúc lớn lao của mỗi người. Bác ân cần bắt tay thân mật “khách văn” với một tình cảm thiết tha, gắn bó:
“Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non…”
Xúc động nghẹn ngào, tác giả muốn ôm hôn vị cha già kính yêu của dân tộc bằng xương bằng thịt trước mắt mình:
“Bác Hồ, cha của chúng con
Hồn của muôn hồn
Cho con được ôm hôn má Bác
Cho con hôn mái đầu tóc bạc
Hôn chòm râu mát rượi hòa bình!”
Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu luôn ở trong tâm khảm mỗi người con đất nước. Mỗi một người đều mang hình ảnh Bác trong tim! Mỗi lần kêu lên tên Bác là mỗi lần xúc động; là mỗi lần như được tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ:
“Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh
….
Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi”.
Được đến gần bên bác, tác giả thấy được sự vĩ đại trong con người giản dị của Người. Hình tượng Bác hiện lên thật đẹp, thật lung linh…
Đó là ngước Cha kính yêu, là người Bác kính mến đang ân cần trò chuyện cùng con cháu, cùng người thân. Bác là niềm tin, Bác là nguồn cảm hứng cho cuộc sống; tiếp thêm sức mạnh cho mỗi con người:
“Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh
…..
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…”.
Được gần bên bác, tác giả cảm nhận được sự giản dị, khiêm nhường của Bác kính yêu! Đó là “chiếc áo nâu” mang “màu quê hương”, đất nước. Bác sống chan hòa cùng cảnh vật, chan hòa cùng đồng bào, cùng thiên nhiên nơi căn cứ địa Việt Bắc.
Tác giả thấy mình như được lớn lên thêm về hiểu biết, về nhận thức cuộc sống kháng chiến đầy gian khổ này!
“Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
…..
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
Bác Hồ của chúng ta luôn ung dung, tự tại; luôn lạc quan, yêu đời dù cả trong những hoàn cảnh gian khổ, khó khăn và rất nhiều thử thách của cuộc kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ!
Bác là hiện thân của dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường “thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước; nhất định không chịu làm nô lệ”.
“Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
…..
Hồ Chí Minh
Người ở khắp nơi nơi…”.
Được gần bên Bác, người cán bộ cách mạng thấy mình cần phải học Bác nhiều hơn trong cách sống, trong tấm lòng vì nước vì dân… Bởi Người là người Cha, là người Bác, là người Anh với trái tim bao dung, trìu mến đối với mỗi con người:
“Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ
…….
Vạch đường đi, từng phút từng giờ”.
Thật tự hào được chiến đấu, được cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu. Đảng và Bác đã mang lại cuộc sống tự do, cuộc sống làm chủ, đứng thẳng làm người cho dân tộc Việt Nam!
Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ
……
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu…
Hình tượng Bác ở đây vô cùng giản dị và cũng vô cùng cao đẹp, lung linh. Bác Hồ kính yêu, cả cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc; cho độc lập, tự do, cho hạnh phúc hòa bình …
Học theo tấm gương Bác, chúng ta học những điều giản dị nhất, thiết thực nhất. Đó là toàn tâm toàn ý cống hiến cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp, đầy tính nhân văn cao cả của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Sáng Tháng Năm Tiêu Biểu – Mẫu 4
Sáng Tháng Năm là một thi phẩm nổi bật cho phong cách sáng tác của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ được trích trong tập thơ Việt Bắc. Đó chính là tiếng hát của toàn dân kháng chiến. Với lời thơ bình dị, Tố Hữu đã đi từ tâm tình cá thể đến tâm tình của cộng đồng, phát hiện và biểu dương những tình cảm cao cả.
“Sáng tháng Năm” (viết tháng 5-1951) là bài thơ đặc sắc, một đỉnh cao sáng tác của Tố Hữu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến nay, có nhiều nhà thơ viết về Bác, nhưng “Sáng tháng Năm” của Tố Hữu vẫn đứng ở hàng đầu, với bút pháp không thể nhòa lẫn.
Bài thơ đã trở thành hành trang tinh thần của biết bao cán bộ, chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ, trở thành tiếng hát ru con, ru cháu thiết tha của những người bà, người mẹ Việt Nam.
Là một cán bộ cao cấp của Đảng, có nhiều dịp được tiếp xúc và làm việc với Bác, lại là một nhà thơ có tài năng tiêu biểu của cách mạng, Tố Hữu đã biểu hiện những tình cảm thành kính, những suy tư sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Bác Hồ được Tố Hữu khắc họa hết sức chân thực.
Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng vô cùng giản dị, luôn luôn gắn bó, đồng cảm với nhân dân. Thiên tài lãnh đạo, trí tuệ trác tuyệt và lòng nhân ái mênh mông của Người đã dắt dẫn nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Mở đầu bài thơ là niềm vui sướng của Tố Hữu khi được về thăm Bác vào một sáng tháng Năm – 1951 giữa núi rừng Việt Bắc tươi đẹp – căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Vui sao một sáng tháng Năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”.
Tiếp đó, nhà thơ mô tả khung cảnh nơi Bác làm việc: “Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ/ Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/ Lát rồi chim nhé, chim ăn/ Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà” (theo bản in đầu tiên của Tố Hữu – ĐNĐ). Ở Việt Bắc, Bác Hồ sinh hoạt như mọi người dân miền núi. Bác làm việc trong nhà sàn.
Không có tủ đựng tài liệu, mọi công văn, giấy tờ phải đựng trong bồ (đồ dùng đựng thóc đan bằng tre nứa của đồng bào vùng cao). Con bồ câu trắng đâu chỉ “tìm thóc quanh bồ công văn”, mà từ lâu, nó đã thân thiết với Bác, và Bác cũng yêu quý bồ câu biết ngần nào. Cái tình của Bác không chỉ dành cho nhà thơ – “khách văn” của Người, mà còn bao trùm lên mọi cảnh vật. Bác không bao giờ thờ ơ hoặc xa lạ với mọi biểu hiện của cuộc sống.
Hình ảnh Bác Hồ được nhà thơ thể hiện như một người cha tôn kính và cực kỳ gần gũi với mọi người: “Bàn tay con nắm tay cha/ Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng/ Bác ngồi đó, lớn mênh mông/ Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non…/ Bác Hồ, cha của chúng con/ Hồn của muôn hồn/ Cho con được ôm hôn má Bác/ Cho con hôn mái đầu tóc bạc/ Hôn chòm râu mát rượi hòa bình”.
Bác vĩ đại. Bác trường tồn. Cho nên, nhà thơ đã dùng những hình ảnh kỳ vĩ, tươi đẹp, vĩnh hằng để ví với Bác: “Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non”! Bác vừa đẹp như một cụ già thuần hậu, chân chất Việt Nam, vừa như một ông tiên hiền từ luôn mang phước lành đến cho mọi người. Bác là linh hồn của cả dân tộc và kết tinh khí thiêng sông núi Việt Nam.
“Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh!”. Tên Bác trở thành niềm tin yêu thiêng liêng, tạo nên sức mạnh thần kỳ của quân và dân ta. Từ anh bộ đội nơi chiến trận đến anh thợ quân giới, từ những anh chị dân công hỏa tuyến đến các em học sinh ở hậu phương… tất cả mọi người, mỗi khi nhớ đến Bác, nghĩ về Bác, lại càng chiến đấu giỏi, sản xuất hăng say, công tác và học tập tốt.
Tiết tấu ở khổ thơ này dồn dập, lôi cuốn, tạo nên niềm phấn chấn, làm tăng giá trị khẳng định: “Các anh chị, các em ơi, có phải/ Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh/ Môi ta thầm kêu: Bác Hồ Chí Minh! / Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi/ Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi/ Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ/ Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi”. Bác cho ta sức mạnh, niềm tin, xua tan những dao động nhất thời của mỗi người.
Mỗi ánh mắt vui cười và lời khen ngợi, động viên của Bác đều làm cho chúng ta thêm phấn khởi và trưởng thành. Bác cao cả nhường ấy, nhưng Bác luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Chỗ nào có ta, là nơi ấy có Bác. Bác và ta gắn bó, không thể tách rời. Thật là: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
Tiếng nói Bác Hồ là lời Tổ quốc. Tố Hữu biểu hiện tình cảm kính yêu Bác qua giọng nói dịu hiền, ấm áp của Người: “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”. Bác Hồ thấu hiểu và đồng cảm với mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Dưới ngòi bút của Tố Hữu, hình tượng Bác Hồ hiện lên với vẻ đẹp của con người Việt Nam tự nghìn xưa: “Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà”. Trước những thách thức gay go, dữ dội của cuộc kháng chiến, Bác vẫn ung dung, bình thản, sáng suốt và quyết đoán xử lý thành công mọi tình huống, bởi vì Người nắm bắt được quy luật của lịch sử.
Người từng nói: “Hết mưa là nắng hửng lên thôi” (Bài “Trời hửng” – “Nhật ký trong tù”, bản dịch) và “Phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai” (Bài “Cảm ơn người tặng cam” – 1946). Cho nên, tinh thần lạc quan cách mạng, lòng thiết tha yêu đời và đầy tự tin – là một phẩm chất tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút/ Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời/ Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười/ Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi”.
Đến đây, hình tượng Bác Hồ rực sáng và lớn lao vô hạn qua trí tưởng tượng mãnh liệt của nhà thơ: “Người rực rỡ một mặt trời cách mạng/ Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng/ Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người”.
Tố Hữu đã sáng tạo thành công hình tượng lãnh tụ chân thực và độc đáo: Bác Hồ tượng trưng cho chân lý, cho nhân đạo, văn minh và sức mạnh bách chiến bách thắng của quân dân ta, tượng trưng cho cái đẹp và cái cao cả – đối lập một trời một vực với cái xấu xa, thấp hèn và khiếp nhược của kẻ thù.
Cuối bài thơ, Tố Hữu một lần nữa thể hiện lòng kính yêu Bác, niềm tự hào và tin tưởng của quân dân ta vào sự lãnh đạo thiên tài của Hồ Chủ tịch: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/ Người ngồi đó với cây chì đỏ/ Vạch đường đi, từng bước, từng giờ…/ Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ/ Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Bác Hồ là thế đó! Hình tượng Bác Hồ trong “Sáng tháng Năm” lung linh, kỳ diệu, nhưng lại vô cùng bình dị, sáng trong. Ở ngoài đời, cũng như trong thơ Tố Hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cảm hóa lớn lao đối với mọi trái tim, khối óc của dân tộc ta và nhân loại tiến bộ.
Bác Hồ sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Và, mỗi lần đọc lại bài thơ “Sáng tháng Năm”, chúng ta lại được đến bên Người, để: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”; và hơn thế nữa: “Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”!
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Sáng Tháng Năm Ngắn Hay – Mẫu 5
Thi sỹ Tố Hữu viết về Bác nhiều nhất và cũng là người viết hay nhất về Bác Hồ. Bởi: Hồ Chí Minh lung linh, cao đẹp mà cũng rất ấm áp, thân tình, luôn là nguồn cảm hứng trong thơ Tố Hữu.
Năm 1947, Tố Hữu được Trung ương Đảng điều lên Việt Bắc tham gia công tác lãnh đạo và xây dựng nền văn học kháng chiến mới. 66 năm về trước, tháng 5 năm 1951, Tố Hữu được gặp và báo cáo với Bác về công tác tuyên truyền. Sau lần gặp ấy, Tố Hữu đã viết “Sáng tháng Năm” mừng sinh nhật Bác 61 tuổi.
Mở đầu bài thơ là cảnh sắc tươi thắm, hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc, Bác kính yêu ngồi làm việc trong nhà sàn nhỏ trên ngọn đồi thấp um tùm cây xanh; dưới chân đồi, suối rì rào chảy: “Suối dài xanh mướt nương ngô/Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn…”
Cảnh đẹp mà tâm hồn Người như lộng gió…Nơi Bác ngồi làm việc thật giản dị mà nên thơ: Một cái bàn gỗ, một cái ghế tựa, một cái máy chữ, một cái ghế để khách ngồi, một cái bồ nhỏ để đựng công vǎn, tài liệu, mấy con chim bồ câu…:“
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn”.
Phong cảnh thiên nhiên như hòa quyện với con người, khi ngồi đọc sách lại có chim bay vào đậu cửa sổ thì hiếm ít nơi có cảnh đẹp này.
Vĩ đại và thiêng liêng, nhưng cũng rất thân tình, cảm ơn Tố Hữu đã nói giùm hộ tấm lòng của chúng ta với Bác: “Bác Hồ, cha của chúng con, Hồn của muôn hồn” và “Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Với mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ kính yêu, gần gũi như những người ruột thịt trong gia đình.
Và đẹp nhất trong biển lớn nhân dân, là hình tượng Bác Hồ – hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh thiêng liêng mà gần gũi. Ở đây mối quan hệ giữa cái phi thường và cái bình thường được hóa giải trong nhau để làm nên sự hài hòa và cao quý:
“Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
“Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi
Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ
Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi…”.
Mỗi lần viết về đôi mắt Bác là mỗi lần để Tố Hữu thể hiện những vẻ đẹp trong con người Bác. Có lúc đôi mắt là biểu tượng của tấm lòng nhân hậu với một tình thương yêu cao cả mênh mông: “Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao”. Có lúc đôi mắt Bác lại tượng trưng cho một sức mạnh tinh thần lớn lao, có sức nâng đỡ chúng ta trên con đường đấu tranh cách mạng.
Bác là hiện thân sức mạnh của nhân dân, của chính nghĩa:
“Ta bên Người, Người tỏa sáng bên ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút
Hồ Chí Minh!/Người ở khắp nơi nơi
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/
…
Bác bảo đi là đi
Bác bảo thắng là thắng” .
Vâng lời Người, toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, dưới ngọn cờ trăm trận trăm thắng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân được ấm no, tự do và hạnh phúc.
Gợi ý phân tích ❤️️Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta [Hồ Chí Minh] ❤️️ Nội Dung, Ý Nghĩa