Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta [Hồ Chí Minh] ❤️️ Nội Dung, Phân Tích ✅ Đọc Hiểu Bài Thơ, Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Nghệ Thuật, Hoàn Cảnh Ra Đời.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta Hồ Chí Minh
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn chương là một phương tiện để tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên chống lại giặc ngoại xâm, giành cơm no áo ấm cho dân tộc. Đó cũng là lý do bài thơ Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh được ra đời.
Lịch sử nước ta
Tác giả: Hồ Chí Minh
Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn ngàn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.
Hồng Bàng là tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Thiếu niên ta rất vẻ vang,
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.
Tuổi tuy chưa đến chín mười,
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.
An Dương Vương thế Hùng Vương,
Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.
Triệu Đà là vị hiền quân,
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời.
Nước Tàu cậy thế đông người,
Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam.
Quân Tàu nhiều kẻ tham lam,
Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?
Hai Bà Trưng có đại tài,
Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian,
Ra tay khôi phục giang san,
Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta.
Tỉnh Thanh Hoá có một bà,
Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi,
Tài năng dũng cảm hơn người,
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương.
Phụ nữ ta chẳng tầm thường,
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời,
Kể gần sáu trăm năm giời,
Ta không đoàn kết bị người tính thôn.
Anh hùng thay ông Lý Bôn,
Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người,
Đánh Tàu đuổi sạch ra ngoài.
Lập nên Triều Lý sáu mươi năm liền.
Vì Lý Phật Tử ngu hèn,
Để cho Tàu lại xâm quyền nước ta.
Thương dân cực khổ xót xa,
Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu,
Vì dân đoàn kết chưa sâu,
Cho nên thất bại trước sau mấy lần.
Ngô Quyền quê ở Đường Lâm,
Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm.
Đến hồi Thập nhị sứ quân,
Bốn phương loạn lạc, muôn dân cơ hàn.
Động Hoa Lư có Tiên Hoàng,
Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh.
Ra tài kiến thiết kinh dinh,
Đến vua Phế Đế chỉ kinh hai đời.
Lê Đại Hành nối lên ngôi.
Đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành.
Vì con bạo ngược hoành hành,
Ra đời thì đã tan tành nghiệp vương.
Công Uẩn là kẻ phi thường,
Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta.
Mở mang văn hoá nước nhà,
Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân.
Lý Thường Kiệt là hiền thần,
Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm Thành.
Tuổi già phỉ chí công danh,
Mà lòng yêu nước trung thành không phai.
Họ Lý truyền được chín đời,
Hai trăm mười sáu năm giời thì tan.
Nhà Trần thống trị giang san,
Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài,
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài:
Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu,
Tung hoành chiếm nửa Âu châu,
Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la,
Lăm le muốn chiếm nước ta,
Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ,
Hải quân theo bể kéo đi,
Hai đường vây kín Bắc Kỳ như nen.
Dân ta nào có chịu hèn,
Đồng tâm, hợp lực mấy phen đuổi Tàu.
Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu,
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang,
Mênh mông một giải Bạch Đằng,
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh,
Hai lần đại phá Nguyên binh,
Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời.
Quốc Toản là trẻ có tài,
Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền,
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,
Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung.
Thật là một đấng anh hùng,
Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.
Đời Trần văn giỏi võ nhiều,
Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh.
Mười hai đời được hiển vinh,
Đến Trần Phế Đế nước mình suy vi.
Cha con nhà Hồ Quý Ly,
Giết vua tiếm vị một kỳ bảy niên.
Tình hình trong nước không yên,
Tàu qua xâm chiếm giữ quyền mấy lâu,
Bao nhiêu của cải trân châu,
Chúng vơ vét chở về Tàu sạch trơn.
Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn,
Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn.
Mấy phen sông Nhị núi Lam,
Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.
Kìa Tuý Động nọ Chi Lăng,
Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành.
Mười năm sự nghiệp hoàn thành,
Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan.
Vì dân hăng hái kết đoàn,
Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.
Vua hiền có Lê Thánh Tông,
Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành.
Trăm năm truyền đến cung hoàng,
Mạc Đăng Dung đã hoành hành chiếm ngôi.
Bấy giờ trong nước lôi thôi,
Lê nam, Mạc bắc rạch đôi san hà,
Bảy mươi năm nạn can qua.
Cuối đời mười sáu Mạc đà suy vi.
Từ đời mười sáu trở đi,
Vua Lê, Chúa Trịnh chia vì khá lâu.
Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau,
Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng.
Dân gian có kẻ anh hùng,
Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn,
Đóng đô ở đất Quy Nhơn,
Đánh tan Trịnh, Nguyễn, cứu dân đảo huyền.
Nhà Lê cũng bị mất quyền,
Ba trăm sáu chục năm truyền vị vương.
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu,
Ông đà chí cả mưu cao,
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.
Cho nên Tàu dẫu làm hung,
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.
Tướng Tây Sơn có một bà,
Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân,
Tay bà thống đốc ba quân,
Đánh hơn mấy trận, địch nhân liệt là.
Gia Long lại dấy can qua,
Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.
Tự mình đã chẳng có tài,
Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,
Khác gì cõng rắn cắn gà,
Rước voi dầy mả, thiệt là ngu si.
Từ năm Tân Hợi trở đi,
Tây đà gây chuyện thị phi với mình.
Vậy mà vua chúa triều đình,
Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan.
Nay ta nước mất nhà tan
Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.
Năm Tự Đức thập nhất niên,
Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây.
Hăm lăm năm sau trận này,
Trung Kỳ cũng mất, Bắc Kỳ cũng tan,
Ngàn năm gấm vóc giang san,
Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!
Tội kia càng đắp càng đầy,
Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng.
Nước ta nhiều kẻ tôi trung,
Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương.
Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương,
Cùng thành còn mất làm gương để đời.
Nước ta bị Pháp cướp rồi,
Ngọn cờ khởi nghĩa nhiều nơi lẫy lừng;
Trung Kỳ đảng Phan Đình Phùng
Ra tay đánh Pháp, vẫy vùng một phương.
Mấy năm ra sức Cần Vương,
Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên,
Giang san độc lập một miền,
Ông Hoàng Hoa Thám đất Yên tung hoành.
Anh em khố đỏ, khố xanh,
Mưu khởi nghĩa tại Hà thành năm xưa,
Tỉnh Thái Nguyên với Sầm Nưa,
Kế nhau khởi nghĩa rủi chưa được toàn.
Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu.
Nam Kỳ im lặng đã lâu,
Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây.
Bắc Sơn đó, Đô Lương đây!
Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn.
Xét trong lịch sử Việt Nam,
Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng.
Nhiều phen đánh bắc dẹp đông,
Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên.
Ngày nay đến nỗi nghèo hèn,
Vì ta chỉ biết lo yên một mình.
Để người đè nén, xem khinh,
Để người bóc lột ra tình tôi ngươi!
Bây giờ Pháp mất nước rồi,
Không đủ sức, không đủ người trị ta.
Giặc Nhật Bản thì mới qua,
Cái nền thống trị chưa ra mối mành.
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.
Ấy là nhịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông.
Người chúng ít, người mình đông
Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên.
Hỡi ai con cháu Rồng Tiên!
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.
Người giúp sức, kẻ giúp tiền,
Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.
Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!
Những năm quan trọng:
Trước Tây lịch
-2879 – Hồng Bàng
-111 – Tàu lấy nước ra lần đầu
Sau Tây lịch
40 – Hai Bà Trưng đánh Tàu
248 – Bà Triệu ẩu khởi nghĩa
544 – Vua Lý đánh Tàu
603 – Tàu lấy nước ta
939 – Vua Ngô khởi nghĩa
968 – Đời vua Đinh (12 năm)
981 – Đời vua Tiền Lê (29 năm)
1010 – Đời vua Hậu Lý (215 năm)
1073 – Lý Thường Kiệt đánh Tàu
1225 – Đời vua Trần (175 năm)
1283 – Trần Hưng Đạo đánh Tàu
1407 – Tàu lấy nước ta
1427 – Vua Lê khởi nghĩa
1543 – Đời vua Hậu Lê (360 năm)
1545 – Vua Lê Chúa Trịnh
1771 – Đời vua Tây Sơn (24 năm)
1789 – Vua Nguyễn Huệ đánh Tàu
1794 – Gia Long thông với Tây
1847 – Tây bắt đầu đánh nước ta
1862 – Vua nhà Nguyễn bắt đầu hàng Tây
1889 – Ông Đề Thám khởi nghĩa
1893 – Ông Phan Đình Phùng khởi nghĩa
1916 – Trung Kỳ khởi nghĩa
1917 – Thái Nguyên, Sầm Nưa khởi nghĩa
1930 – Yên Bái, Nghệ An khởi nghĩa
1940 – Bắc Sơn và Đô Lương khởi nghĩa
1941 – Nam Kỳ khởi nghĩa
1945 – Việt Nam độc lập
Đón đọc thêm ➡️Tự Khuyên Mình [Hồ Chí Minh] ⬅️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Về Lịch Sử Việt Nam Của Bác
Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Lịch sử Việt Nam của Bác thì bạn có thể theo dõi thông tin sau:
- Năm 1941, để giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân, phát huy lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, động viên toàn dân đoàn kết và tham gia Mặt trận Việt Minh làm cách mạng, giành độc lập cho Tổ quốc. Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng đã sáng tác bài diễn ca Lịch sử nước ta theo thể thơ lục bát, gồm 210 câu và một bảng ghi “Những năm quan trọng” kèm theo.
- Bộ Tuyên truyền của Việt Minh xuất bản và phát xuống cơ sở vào tháng 2-1942.
Ý Nghĩa Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta
Ý nghĩa của bài thơ Lịch sử nước ta là gì? Cùng Thohay.vn tìm hiểu ngay sau đây nhé!
- Bài thơ Lịch sử nước ta ca ngợi những trang sử vẻ vang của dân tộc từ thời Hồng Bàng dựng nước đến năm 1942 khi tác phẩm ra đời, ca ngợi sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc với các anh hùng tiêu biểu.
- Qua tác phẩm, Bác khẳng định truyền thống quý báu của dân tộc đó chính là: yêu nước, đoàn kết, anh hùng. Truyền thống yêu nước đó đang được nhân dân tiếp tục phát huy trong giai đoạn chống thực dân Pháp với những tấm gương anh hùng tiêu biểu.
=> Bài thơ mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục nhân dân, góp phần cổ vũ nhân dân đoàn kết, hăng hái tham gia cách mạng và tăng lòng tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng.
Đọc và tìm hiểu văn bản 🔰Tinh Thần Yêu Nước Của Nhân Dân Ta🔰Nội Dung, Giá Trị, Phân Tích
Bố Cục Bài Thơ Về Lịch Sử Việt Nam
Bố cục bài thơ Lịch sử Việt Nam có thể chia làm 8 phần như sua:
- Phần 1: 4 câu thơ đầu
- Phần 2: 34 câu thơ tiếp theo
- Phần 3: 22 câu thơ tiếp theo
- Phần 4: 28 câu thơ tiếp theo
- Phần 5: 18 câu thơ tiếp theo
- Phần 6: 10 câu thơ tiếp theo
- Phần 7: 38 câu tiếp theo
- Phần 8: Phần còn lại
Nghệ Thuật Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta
Gửi đến bạn các thông tin về nghệ thuật của bài thơ Lịch sử nước ta.
- Tác phẩm viết bằng thể thơ lục bát, dễ đọc, dễ nhớ.
- Sử dụng phép liệt kê nêu tên các anh hùng dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, nêu các biểu hiện của lòng yêu nước.
- Sử dụng nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian.
- Hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, mang tính tuyên truyền cao.
Đọc hiểu văn bản 🔰Tuyên Ngôn Độc Lập🔰 Nội Dung, Ý Nghĩa, Giá Trị Lịch Sử
4 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta Hay Nhất
Gửi đến bạn một số mẫu văn cảm nhận, phân tích bài thơ Lịch sử nước ta hay nhất sau đây:
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta Hay – Mẫu 1
Bác Hồ không phải là nhà thơ làm thơ cách mạng mà là một nhà cách mạng làm thơ, bởi vậy với Người, văn thơ là một phương tiện để tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên làm cuộc đổi đời, giành cơm no áo ấm.
Riêng lĩnh vực thơ, Bác viết rất nhiều, đáng chú ý là Người rất thành thục các thể Đường thi và thơ dân tộc. Trong thể lục bát, chúng ta đã được thưởng thức nhiều bài thơ đậm đà tình cảm của Người với quê hương, đất nước và con người Việt Nam suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới một bài thơ lục bát dài của Bác, đó là tác phẩm Lịch sử nước ta.
Vào khoảng thời gian cuối năm 1941, đầu năm 1942, sau khi Nhật vào Đông Dương, dân ta rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” vô cùng khốn đốn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII đã nêu rõ “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Chính trong không khí sôi sục đó, Hồ Chí Minh đã tranh thủ thời gian viết nên bài thơ dài Lịch sử nước ta nhằm mục đích nhắc lại truyền thống vẻ vang của cha ông và kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Bài thơ gồm 208 câu lục bát; tiếp sau đó là niên biểu nước ta được Người đặt dưới tên gọi Những năm quan trọng, gồm 30 cột mốc, bắt đầu từ Hồng Bàng – năm 2879 trước Tây lịch và kết thúc là cái nhìn đầy tính dự báo tài tình của lãnh tụ cách mạng: Việt Nam độc lập – 1945.
Lịch sử nước ta do Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản lần đầu vào tháng 2-1942, tại căn cứ Cao Bằng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần của bài thơ vẫn tươi rói trong lòng bạn đọc. Mỗi lần đọc lại, ta lại thấy dạt dào tình yêu nước được nâng lên từ tấm lòng của Bác qua những vần thơ vừa giản dị, vừa sâu lắng như chính đó là hồn dân tộc từ ngàn xưa nhắn gọi.
Mở đầu tác phẩm, Bác viết:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Đó chính là tâm huyết của nhà thơ trước một vấn đề tưởng ai cũng biết nhưng thực ra cho tới hôm nay, cũng không hẳn như vậy, bởi có người vẫn mơ hồ, lẫn lộn lịch sử, thậm chí không ít người hiểu biết lịch sử của một quốc gia nào đó qua phim ảnh hơn lịch sử chính dân tộc mình; chưa nói hồi bấy giờ, dân ta còn lạc hậu, phần lớn mù chữ thì việc nắm lịch sử nước nhà không phải chuyện dễ dàng.
Từ cách nhìn dân ta phải “tường gốc tích nước nhà“, Bác đã lần lượt kể về bốn ngàn năm “Tổ tiên rực rỡ“, bắt đầu với “Hồng Bàng là tổ tiên ta“. Dằng dặc suốt trường kỳ hình thành của dân tộc trước công nguyên, tác giả chọn nêu hình ảnh Phù Đổng, người anh hùng thần thoại “dẹp loài vô lương” cứu nước. Kể từ năm 40 sau công nguyên trở đi, dồn dập có biết bao anh hùng đứng lên thay nhau chống ngoại xâm, chủ yếu là các thế lực đế quốc Trung Hoa.
Nước Tàu cậy thế đông người
Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam
Quân Tàu nhiều kẻ tham lam
Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?
Dù bao phen thất bại nặng nề nhưng chết nết không chừa, kẻ thù truyền kiếp luôn tìm cách thôn tính, lược đoạt, muốn biến nước ta thành một thứ quận huyện của chúng. Nhưng dân ta là dân tộc anh hùng nên đâu chịu cúi đầu. Hai Bà Trưng là tấm gương tiết liệt “Ra tay khôi phục giang sơn / Tiếng thơm đài tạc đá vàng nước ta“. Tiếp đó là một bậc nữ lưu tuổi đôi mươi gan vàng dạ sắt khởi binh đánh giặc. Đó là Triệu Ẩu, người con xứ Thanh “khởi binh cứu nước” từng “đánh đông, dẹp bắc” khiến kẻ thù mất vía.
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta được tiếp nối với Mai Hắc Đế, Ngô Quyền đã “Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm” mang lại thời kỳ hoà bình với vai trò của các bậc anh hùng kiệt hiệt vừa dựng xây vừa chống ngoại xâm bảo vệ non sông gấm vóc. Bác Hồ đã lần lượt điểm qua những nhân vật tiêu biểu, như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, và dừng lại khắc hoạ người anh hùng Lý Thường Kiệt:
Lý Thường Kiệt là hiền thần
Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm thành
Tuổi già phỉ chí công danh
Mà lòng yêu nước trung thành không phai.
Về vai trò nhà Trần trong lịch sử nước nhà, Bác Hồ đã dành ra 24 câu để mô tả một cách khái quát. Và thật tài tình, triều Trần với 175 năm oanh liệt đã được tác giả khắc hoạ với bao chiến công như còn hiển hiện:
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài
Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu
Tung hoành chiếm nửa Âu châu
Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la
Lăm le muốn chiếm nước ta
Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ.
Mặc dù giặc Nguyên Mông đánh đâu thắng đó, nhưng khi đụng phải bức tường thép nước Nam, thì đã phải chuốc lấy thất bại. Những vần thơ viết về chiến thắng quân Nguyên của Bác Hồ thật hào sảng:
Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang
Mênh mông một giải Bạch Đằng
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh.
Tiếp bước Hưng Đạo Vương là bậc anh hùng trẻ tuổi Quốc Toản “Mấy lần đánh thắng quân Nguyên” làm rạng rỡ non sông gấm vóc.
Triều hậu Lê cũng được tác giả dùng những lời lẽ cao đẹp để ngợi ca người anh hùng Lê Lợi nếm mật nằm gai mười năm chống giặc Minh đưa lại hoà bình:
Kìa Tụy Động, nọ Chi Lăng
Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành
Mười năm sự nghiệp hoàn thành
Nước ta thoát khỏi cái vòng nguy nan.
Tác giả dựng lại thời kỳ đen tối Nam – Bắc phân tranh khiến nước ta lần nữa rơi vào tay giặc với giọng xót xa, đau đớn rồi bỗng nhiên bừng lên, rực sáng với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung:
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu.
Đó là con người “chí cả mưu cao“, biết đoàn kết mọi người “cùng nhau một lòng” chiến đấu nên cuối cùng “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà“, đuổi quân xâm lăng ra ngoài bờ cõi.
Gần một nửa tác phẩm còn lại, Bác Hồ đã dành để viết về lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, sự đầu hàng của vua quan nhà Nguyễn và đặc biệt khắc hoạ vai trò những người anh hùng nối bước cha ông đứng lên chống giặc Tây. Việc tập trung ngòi bút cho giai đoạn này là hoàn toàn đúng đắn, có trọng tâm, có điểm nhấn, bởi nhiệm vụ trước mắt, mục đích của cách mạng đang đặt ra là đánh đuổi giặc Pháp giành tự do, độc lập.
Mở đầu phần này, tác giả đã nêu quá trình đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn với những câu thơ rõ máu:
Từ năm Tân Hợi trở đi
Tây đà gây chuyện thị phi với mình
Vậy mà vua chúa triều đình
Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan
Nay ta nước mất, nhà tan
Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn!
Với giọng ngậm ngùi, đau đớn, tác giả nói về việc ta mất dần Nam kỳ, rồi Trung kỳ và Bắc kỳ vào tay giặc. Nhưng dân ta đâu chịu cúi đầu, các thế hệ lại nối bước đi lên với Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và trước đó nữa, là phong trào Cần vương của ông vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi, và tiếp sau là các cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, Yên Bái:
Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc khởi nghĩa đã đẩy lòng yêu Tổ quốc lên đỉnh cao trong cuộc đấu tranh một mất một còn:
Nam kỳ im lặng đã lâu
Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây
Bắc Sơn đó, Đô Lương đây
Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn.
Bài thơ đến đây dồn dập, trùng điệp với bao hình ảnh cao đẹp khí thế ngút trời của dân ta trước bão táp cách mạng đang dâng lên cùng khắp năm châu chống đế quốc và chống phát xít…
Phần cuối, như một lời hiệu triệu, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tiên phong kêu gọi:
Hỡi ai con cháu Rồng Tiên
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau
Bất kỳ nam, nữ, giàu, nghèo
Bất kỳ già, trẻ cùng nhau kết đoàn
Người giúp sức, kẻ giúp tiền
Cùng nhau giành lấy chủ quyền về ta…
Tinh thần lời kêu gọi này về sau lại được Người nhắc lại trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tháng 12-1946 với ngôn ngữ văn xuôi “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì cuốc, thuổng, gậy gộc, giáo mác…, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên…”.
Tư tưởng toàn dân đoàn kết chống giặc ngoại xâm xuyên suốt trong mạch văn của Người, lúc nào Người cũng nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do“, kiên quyết vùng lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào“…
Kết thúc tác phẩm, Bác đưa ta tới viễn cảnh huy hoàng trong niềm tự hào đã làm rạng rỡ truyền thống cha ông:
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
Về nghệ thuật, tác phẩm được viết theo thể lục bát vốn dễ đi vào lòng người đọc với vần điệu, tiết tấu rất quen với người Việt Nam.
Là người rất yêu Nguyễn Du và Truyện Kiều, bởi vậy trong tác phẩm này Bác Hồ đã sử dụng có biến hoá nhiều ngôn từ, hình ảnh của tác phẩm bất hủ của nhà đại thi hào dân tộc. Nhiều câu, chữ phảng phất hình ảnh người anh hùng Từ Hải đánh Đông dẹp Bắc, như “Tài năng dũng cảm hơn người”, hoặc “Tài năng văn võ sức hơn muôn người“, hoặc “Tướng Tây Sơn, có một bà / Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân“.
Có khi Bác dùng lại nguyên một câu thơ với nội dung hoàn toàn mới mẻ “Trên vì nước, dưới vì nhà/ ấy là sự nghiệp, ấy là công danh“.
Ngoài ra tác giả còn sử dụng rất thành thục ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian vào trong tác phẩm, ví như “cõng rắn cắn gà nhà” để kể tội Gia Long, rồi “đánh đông, dẹp bắc“, rồi “giang sơn gấm vóc“, hoặc “con Rồng cháu Tiên“… Nhờ những hình thức nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc đó mà tác phẩm dễ dàng đi vào lòng người, đạt mục đích tuyên truyền, vận động cách mạng.
Bài thơ dài Lịch sử nước ta mãi mãi là một tác phẩm giàu tâm huyết, có tác dụng rất lớn trong mọi thời đại. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập rộng rãi, chúng ta càng không quên lịch sử bốn nghìn năm cha ông đã anh dũng đứng lên dựng nước và giữ nước; trong hành trang đi vào thế kỷ mới, mỗi chúng ta đều phải trang bị cho mình niềm tự hào truyền thống anh hùng, quật cường để vững vàng vượt mọi phong ba, thẳng tiến tới theo con đường mà Bác Hồ vô vàn kính yêu đã chọn.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta Tiêu Biểu – Mẫu 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi văn chương, thơ ca là những phương tiện hữu hiệu để người làm cách mạng sử dụng tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết. Trong suốt cuộc đời cách mạng, Người luôn dùng ngòi bút sắc bén, tài hoa của mình để viết nên những tác phẩm bất hủ thể hiện bằng nhiều thể loại báo chí, văn, thơ, kịch…, có sức hấp dẫn, lôi cuốn to lớn.
Bài thơ “Lịch sử nước ta” là bài thơ về lịch sử được Bác viết theo thể lục bát, với mục đích xây dựng lòng yêu nước, đến hôm nay vẫn lấp lánh vẹn nguyên giá trị tư tưởng, giáo dục.
Vào những năm 1941-1942, khi Nhật vào Đông Dương, dân ta chịu hai tầng áp bức “một cổ hai tròng” vô cùng khốn khổ.
Thời điểm đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để khắc sâu truyền thống vẻ vang của cha ông, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên đấu tranh giành độc lập, Bác Hồ đã viết bài thơ “Lịch sử nước ta”.
Bài thơ được viết theo thể lục bát, gồm 208 câu; đây là bài thơ mà Bác đã chắt lọc một cách tinh tế, khoa học “Lịch sử nước ta” qua 30 cột mốc quan trọng với các niên biểu được Bác chọn đặt tên gọi cho dễ hiểu, dễ nhớ.
Bài thơ được báo Việt Minh tuyên truyền xuất bản lần đầu vào tháng 2/1942, tại căn cứ Cao Bằng. Đã gần 70 năm trôi qua nhưng tinh thần của bài thơ vẫn tươi rói tinh khôi, để mỗi người khi đọc đến lại thấy dạt dào lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước được nâng lên qua những vần thơ sâu lắng như hồn cốt dân tộc từ ngàn xưa vọng lại.
Bắt đầu từ Hồng Bàng, năm 2879 trước Tây lịch và kết thúc bằng sự dự báo tài tình của một vị lãnh tụ vĩ đại: Việt Nam độc lập – 1945.
Mở đầu bài thơ, Bác Hồ viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu thơ bình dị tưởng chừng như ai cũng biết nhưng thực ra cho tới hôm nay chưa hẳn là như vậy. Bởi lịch sử nước nhà có nhiều giai đoạn chính bản thân chúng ta còn lẫn lộn.
Trên thực tế không ít người Việt Nam biết sử ngoại bang còn rõ hơn lịch sử nước mình. Hơn nữa, vào thời điểm bấy giờ, phần lớn nhân dân “mù chữ” thì việc “biết” lịch sử nước nhà càng gặp nhiều khó khăn. Để “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Bác đã lần lượt điểm qua trang sử bốn ngàn năm “Tiên rồng rực rỡ” bằng cách gieo vần, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ theo dòng chảy thời gian.
Nội dung bài thơ được bắt đầu từ “Hồng Bàng là tổ tiên ta”, đến suốt cả giai đoạn trường kỳ hình thành của dân tộc trước Công nguyên, Bác chỉ chọn hình ảnh “Phù Đổng Thiên Vương”, người anh hùng tuổi trẻ được huyền thoại hóa “dẹp loài vô lương” cứu nước. Nhưng đến năm 40 sau Công nguyên trở đi, Bác kể liên tiếp bao anh hùng đứng lên chống ngoại xâm, chống lại đế quốc Trung Hoa.
“Nước Tàu cậy thế đông người/ Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam/ Quân Tàu nhiều kẻ tham lam/ Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?”. Bọn giặc xâm lược bị nhân dân ta đánh cho bao phen thất hồn, bạt vía. Hai Bà Trưng là tấm gương liệt nữ “Ra tay khôi phục giang sơn/ Tiếng thơm đài tạc đá vàng nước ta”. Rồi tiếp đó là Triệu Ẩu, người con xứ Thanh “khởi binh cứu nước” từng “đánh đông, dẹp bắc” khiến kẻ thù mất vía.
Lịch sử oanh liệt được Mai Hắc Đế, Ngô Quyền tiếp tục khẳng định “Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”, mang lại thời kỳ hòa bình rực rỡ, vừa xây dựng, vừa chống ngoại xâm bảo vệ non sông gấm vóc.
Những nhân tài anh kiệt được Bác Hồ lần lượt điểm qua, như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn… Bác đã dừng lại khắc họa người anh hùng Lý Thường Kiệt: “Lý Thường Kiệt là hiền thần/ Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm thành/ Tuổi già phỉ chí công danh/ Mà lòng yêu nước trung thành không phai”.
Với 175 năm của nhà Trần, Bác đã khắc sâu những công lao các triều vua Trần rất tinh tế, tài hoa “Quân Nguyên binh giỏi tướng tài/ Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu/ Tung hoành chiếm nửa Âu châu/ Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la/ Lăm le muốn chiếm nước ta/ Năm mươi vạn lính vượt qua biên thùy”.
Tiếp đến là những vần thơ hào sảng về chiến thắng quân giặc Nguyên Mông “Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu/ Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang/ Mênh mông một dải Bạch Đằng/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”. Hình ảnh Hưng Đạo Vương là bậc anh hùng trẻ tuổi “Mấy lần đánh thắng quân Nguyên” làm rạng rỡ non sông gấm vóc.
Người anh hùng Lê Lợi được Bác ca ngợi nếm mật nằm gai mười năm chống giặc Minh “Kìa Tụy Động, nọ Chi Lăng/ Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành/ Mười năm sự nghiệp hoàn thành/ Nước ta thoát khỏi cái vòng nguy nan”.
Bác miêu tả người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ phi thường đứng lên dẹp loạn phân tranh, với ngữ điệu xót xa khi nước ta một lần nữa rơi vào tay giặc, rồi bừng lên, rực sáng dưới triều Quang Trung “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường/ Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu”… “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”.
Bác đã dành phần nửa tác phẩm còn lại viết về lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, sự đầu hàng của vua quan nhà Nguyễn và đặc biệt khắc họa vai trò những người anh hùng nối bước cha ông đứng lên chống giặc Tây.
Bác như muốn tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, mục đích của cách mạng đang đặt ra là đánh đuổi giặc Pháp giành tự do, độc lập.
Điểm qua sự đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn, Bác khẳng định ở chiều ngược lại, dân ta quyết không chịu cúi đầu, các thế hệ lại nối bước đi lên với Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và trước đó nữa, là phong trào Cần vương của ông vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi, tiếp sau là các cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, Yên Bái “Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An/ Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu”.
Truyền thống yêu nước được Đảng khơi gợi, đẩy lòng yêu Tổ quốc lên đỉnh cao trong cuộc đấu tranh một mất một còn trong bài thơ: “Bắc Sơn đó, Đô Lương đây/ Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn”.
Bài thơ tiếp tục được Bác sử dụng bút pháp dồn dập, trùng điệp với khí thế ngút trời. Để đánh thức toàn dân, phần cuối bài thơ Bác kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau/ Bất kỳ nam, nữ, giàu, nghèo/ Bất kỳ già, trẻ cùng nhau kết đoàn/ Người giúp sức, kẻ giúp tiền/ Cùng nhau giành lấy chủ quyền về ta…”.
Kết thúc bài thơ là sự dự đoán thiên tài, là lòng tự hào, niềm tin tất thắng vào sức mạnh từ lòng yêu nước nồng nàn, mỗi khi toàn dân ta biết đoàn kết lại: “Mai sau sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng/ Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Bài thơ “Lịch sử nước ta” là một tác phẩm có giá trị xây dựng tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước trong mọi thời đại. Hôm nay và mãi mãi mai sau, chúng ta không thể không tự hào về lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lòng tự hào, tình yêu nước là hành trang mỗi thời đại Việt Nam vững vàng tiến tới theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân đã chọn.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta Hay Đặc Sắc – Mẫu 3
Được viết bởi Nguyễn Ái Quốc – người cộng sản Việt Nam đầu tiên, “Lịch sử nước ta” là tác phẩm có giá trị đặc biệt đứng về phương diện sử học bởi đây là lần đầu tiên lịch sử Việt Nam được đánh giá theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tác giả Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên những quan điểm mới có tính nguyên tắc chỉ đạo làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng lý luận của Đảng. Người đã khái quát và coi lịch sử là một nguồn tư liệu vô giá, là động lực góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngay từ những câu đầu tiên của bài diễn ca, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định vị trí quan trọng của lịch sử dân tộc: Chỉ có thông qua lịch sử và chỉ có nhờ vào kiến thức hiểu biết về lịch sử mà mỗi người dân Việt Nam mới hiểu được gốc tích, cội nguồn của dân tộc mình, đất nước mình. Người viết: “Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam – Kể năm hơn bốn ngàn năm – Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà – Hồng Bàng là tổ nước ta”.
Lịch sử không chỉ truyền dạy cho chúng ta nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên mà còn tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta, gợi nhắc lại cho chúng ta quá khứ vẻ vang của dân tộc.
Trân trọng lịch sử, tự hào về truyền thống giữ nước của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã dùng những từ ngữ phổ thông dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ, Ca ngợi, Tri Ân, Vinh danh các triều đại vua chúa, các đấng anh hùng có tài trị quốc an dân, phát triển đất nước, diệt giặc ngoài thù trong, mở mang bờ cõi.
Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Nam Hán để lại “tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”, Bà Triệu khởi nghĩa chống quân Ngô, Lý Bôn đánh Tàu “lập nên triều Lý sáu mươi năm liền”, Mai Thúc Loan chống nhà Đường, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, “ra tài kiến thiết kinh dinh”, Lê Đại Hành “đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành”;
“Đời Trần văn giỏi võ nhiều” đã 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Khi quân Minh đô hộ nước ta, Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã “Đánh 20 vạn quân Minh tan tành, Mười năm sự nghiệp hoàn thành…”.
Đặc biệt, trong 210 câu diễn ca, Nguyễn Ái Quốc đã tâm huyết viết về thời đại Quang Trung – Nguyễn Huệ 40 câu, đủ biết Người đã dành ý tưởng của mình cho thời kỳ oai hùng này: “Dân gian có kẻ anh hùng – Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Quy Nhơn,…- Nguyễn Huệ là kẻ phi thường, mấy lần đánh đuổi quân Xiêm, giặc Tàu”.
Bằng việc điểm lại những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược với những tên tuổi lớn như trên, Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thời nào đất nước ta cũng xuất hiện những nhân tài có công trị nước yên dân, xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
Đặc biệt là những khi đất nước bị xâm lăng, từ những người nông dân áo vải bình dị đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt có lòng yêu nước nồng nàn, có tài cầm quân thao lược giữ yên bờ cõi, trở thành tấm gương sáng, để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Những tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ của dân tộc ta nhiều không tả xiết, thuộc đủ mọi giới, mọi thành phần: “Thiếu niên ta rất vẻ vang”, “Phụ nữ ta chẳng tầm thường”, “Tuổi già phỉ chí công danh – Mà lòng yêu nước trung thành không phai”…
Đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng nghiêm khắc phê phán một số triều đại thoái vị cướp ngôi, tạo nên cảnh chia cắt “Lê Nam-Mạc Bắc”; “Trịnh Bắc-Nguyễn Nam”; “Nam Bắc phân tranh”; “Vua Lê chúa Trịnh”; Đông đô-Tây đô, cõng rắn, cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ, gây nên thảm cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt, kéo dài hàng thế kỷ, làm chậm quá trình phát triển của xã tắc sơn hà khiến một thời gian dài Đại Việt-Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới. Đó là những “sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”, là những bài học cho hậu thế.
Qua đó, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa nêu bật vai trò quan trọng của lịch sử: Nhờ có lịch sử mà chúng ta có thể tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông. Chỉ có lịch sử mới hun đúc được tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập tự cường dân tộc. Lịch sử dạy cho chúng ta phân biệt bạn – thù, biết đúng – sai, phải – trái; biết mình biết người để có thể tận dụng được thời cơ chính xác, tránh được những sai lầm đáng tiếc.
Từ trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được tư tưởng “dựa vào dân để có sức mạnh”. Người khẳng định anh hùng làm nên sự nghiệp cao cả vì biết dựa vào dân. Người đánh giá cao vai trò của cá nhân song song khẳng định vai trò quyết định của nhân dân.
Người nhấn mạnh khi nào đoàn kết được lực lượng yêu nước chung quanh tướng lĩnh trung quân ái quốc, lấy quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy thì sẽ đánh đổ giặc ngoại xâm và tay sai của chúng. Ngược lại, nếu vương triều nào, cá nhân nào không đoàn kết được sức mạnh của quần chúng thì kết cục chỉ là thất bại.
Dựa vào diễn biến mới nhất cuộc chiến tranh thế giới cuối năm 1941 đầu năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận định:
“Bây giờ Pháp mất nước rồi
Không đủ sức, không đủ người trị ta
Giặc Nhật Bản thì mới qua
Cái nền thống trị chưa ra mối mành
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà
Ấy là nhịp tốt cho ta
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”.
Như vậy là tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có những thay đổi rõ rệt, trong khi thế và lực của ta ngày một mạnh lên còn thế và lực của Pháp – Nhật ngày càng suy yếu, bị động. Nhưng khả năng để cho chúng ta giành thắng lợi tuyệt đối còn chưa chắc chắn vì Mặt trận Việt Minh mới được thành lập, chưa có tầm ảnh hưởng sâu, rộng; sự đoàn kết toàn dân bắt đầu được củng cố, nhưng độ cố kết chưa sâu, chưa bền chắc, dễ bị kẻ thù lợi dụng, chia rẽ, đàn áp.
Nhiệm vụ cơ bản của toàn Đảng, toàn dân lúc này là xây dựng tình đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một. Đường lối cơ bản đó là sự bảo đảm cho cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc đi đến thắng lợi.
Với tầm nhìn xa trông rộng, tư duy khoa học cùng hiểu biết sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc ngợi ca tinh thần bất khuất của các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử là nhằm thôi thúc toàn dân, không kể già, trẻ, gái, trai đồng tâm đứng lên xả thân cho tự do, độc lập. Từ những bài học quí báu của lịch sử, toàn dân ta phải coi việc xây dựng đoàn kết là trung tâm, là trọng điểm của cuộc vận động cách mạng, là điều kiện cơ bản để Đảng và nhân dân ta khôi phục lại độc lập, tự do.
Phần cuối tác phẩm “Lịch sử nước ta” là mục “Những năm quan trọng”, ghi lại những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc diễn ra “trước Tây lịch, sau Tây lịch” kết thúc bằng mốc lịch sử 1945: “Năm 1945, Việt Nam sẽ độc lập”. Đây là một dự báo thiên tài của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Người luôn có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về chiều hướng phát triển của thời đại.
Ngày nay, những nguyên lý tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cần phải học lịch sử nhiều hơn nữa để có thể học tập và vận dụng thành công những kinh nghiệm quí báu của cha ông vào trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức đưa nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến, quốc phòng hùng mạnh có thể sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta Chọn Lọc – Mẫu 4
Dân ta phải biết sử ta.
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Đọc những câu thơ mở đầu của bài thơ Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh khiến ta thấm thía một cách sâu sắc lời dạy của Bác. Bài thơ đúc kết toàn bộ lịch sử nước ta từ năm 2979 trước công nguyên đến năm 1942, với 210 câu thơ lục bát. Một kiểu đúc kết vừa tường minh, vừa hình tượng, vừa ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ qua vần thơ lục bát mềm mại và uyển chuyển.
Với một bài thơ dài, liệt kê nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nên đọc như thế nào? Trước hết, dựa vào dấu hiệu hình thức: Bố cục chia làm 9 phần, đoạn ngắn nhất 4 câu, đoạn dài nhất 38 câu; sau đó dựa vào dấu hiệu nội dung: Mỗi phần viết về một chặng đường lịch sử.
Đoạn đầu gồm bốn câu thơ, khái quát quan điểm của Hồ Chí Minh: Dân ta phải giỏi sử ta – quan điểm này thấm sâu trong tâm hồn vị Chủ tịch kính yêu. Người nắm vững những kiến thức lịch sử một cách tường tận qua sự dạy bảo của cụ Nguyễn Sinh Sắc từ thuở ấu thơ; nên giờ đây viết lại lịch sử dân tộc không bằng những câu chữ khô khan mà bằng thể thơ lục bát – một thể loại trữ tình chuyển tải một nội dung tự sự.
Đoạn 2, gồm 34 câu kể về lịch sử nước ta từ “Hồng Bàng là tổ nước ta” đến “Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu”. Hồ Chí Minh liệt kê những tấm gương anh hùng chống giặc cứu nước và ở mỗi hình ảnh liệt kê đều kèm lời bình luận. Ví dụ: Nhắc đến Phù Đổng – bình luôn “Thiếu nhi ta rất vẻ vang”; hoặc khi nhắc đến Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu – nhận xét:
Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh đông, dẹp bắc làm gương để đời
Rồi kết lại một giai đoạn lịch sử vừa có số liệu thống kê vừa đề cao tinh thần đoàn kết của dân tộc:
Kể gần sáu trăm năm trời
Ta không đoàn kết bị người tính thôn…
Khi chuyển mạch trong đoạn, tác giả dùng kiểu câu cảm thán, vừa khẳng định vừa ngợi ca “Anh hùng thay! Ông Lý Bôn”; hoặc khi kể về anh hùng Mai Thúc Loan xuất thân từ nông dân, tác giả ngợi ca:
Thương dân cực khổ xót xa
Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu
Mỗi chi tiết, mỗi sự kiện, mỗi nhân vật lịch sử đều được Hồ Chí Minh bình luận, đánh giá, ngợi ca, khái quát; hình tượng thơ thì dồi dào sức sống và giàu cảm xúc. Ví dụ: bàn về thất bại của Mai Thúc Loan tác giả cho rằng vì “Dân ta đoàn kết chưa sâu”; hoặc là Tàu xâm chiếm ta “Vì Lý Phật Tử ngu hèn”…
22 câu tiếp theo của đoạn 3 kể chuyện từ khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, đến chuyện.
Họ Lý truyền được chín đời
Hai trăm mười sáu năm giời thì tan
Một thời kì lịch sử với các đời vua “Đinh – Lê – Lý” với bao biến động mà chỉ kể trong 22 câu hàm súc mà cũng dễ nhớ. Cách tổng kết vừa chính xác vừa hình tượng. Họ Đinh 2 đời, họ Lê 2 đời, và họ Lý đến 9 đời. Tác giả phân tích hoàn cảnh lịch sử của mỗi triều vua một cách ngắn gọn, khúc chiết. Kết lại giai đoạn này là những câu thơ ngợi ca công lao của các vua đời Lý “Mở mang văn hoá nước nhà”…“Đuổi quân nhà Tống, đánh quân Chiêm Thành”…
Riêng nhà Trần, Bác đã dành đến 28 câu thơ để ngợi ca, với giọng thơ hào sảng:
Nhà Trần thống trị giang san
Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài
Dù quân giặc:
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài
Đánh đâu được đấy dông dài Á, Âu
Mà vị tướng tài Trần Hưng Đạo vẫn “hai lần đại phá Nguyên binh”
Quốc Toản là kẻ có tài…
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên
…
Mười hai đời được hiển vinh
Đến Trần Phế Đế nước mình suy vi
Giọng thơ, nhịp thơ, hình ảnh thơ gợi lên một “hào khí Đông A”, một tinh thần “đồng quang hoà trần” – một tâm thức văn hoá rực rỡ của lịch sử dân tộc thời kì này.
Từ Hồ Quý Ly đến đời vua Lê Thánh Tông, tác giả chỉ viết 18 câu mà khái quát được chuyện:
Họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Như lời Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo; đến chuyện kháng chiến chống giặc Minh 10 năm oanh liệt và kết lại bằng hình ảnh:
Vua hiền có Lê Thánh Tông
Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành
Kết cấu của tác phẩm vừa linh hoạt, vừa sáng tạo. Giai đoạn lịch sử nào tuôn trào cảm xúc ngợi ca, dòng thơ chảy trôi như không hạn định về số câu. Giai đoạn lịch sử nào có nhiều biến động do “thù trong giặc ngoài” thì chỉ nhắc lại những dấu mốc lịch sử kèm theo lời nhận xét, đánh giá. Với những cuộc nội chiến liên miên trong 3 thế kỷ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII tác giả chỉ viết ngắn gọn trong 10 câu, rồi kết luận:
Nguyễn Nam, Trịnh bắc đánh nhau
Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng
Kiểu viết ngắn gọn, súc tích mà thể hiện quan điểm của người viết: Vừa yêu nước thương dân vừa lên án sự suy vi của nhà nước phong kiến.
Đoạn thơ dài nhất trong bài thơ là đoạn 7, dài đến 38 câu vừa ngợi ca người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, vừa phân tích nguyên nhân nước Việt rơi vào tay giặc Pháp. Đến đoạn này người đọc gặp lại giọng thơ hào sảng ở đoạn 4 của bài thơ. Nếu ở đoạn 4 ngợi ca nhà Trần thắng quân Nguyên Mông với 28 câu thơ dạt dào như biển Đông, thì đến đoạn thơ này tác giả viết về Nguyễn Huệ thật ngắn gọn mà đầy đủ:
Nguyễn Huệ là bậc phi thường
Mấy lần đánh đuổi quân Xiêm giặc Tàu
Và:
Nhà Lê cũng bị mất quyền
Ba trăm sáu chục năm truyền trị vương
Với những trang sử hào hùng được Ngô Gia văn phái viết rất kỹ trong Hoàng Lê nhất thống chí thì nay Hồ Chí Minh không lặp lại những gì mà thể loại tiểu thuyết chương hồi có quyền hư cấu, nhà thơ chỉ viết ngắn mà rõ, ít câu mà nhiều ý – đúng là “ý tại ngôn ngoại”. Nhằm lý giải sự tồn tại ngắn ngủi của nhà Nguyễn Tây Sơn, nhà thơ không phân tích nguyên nhân từ nội bộ anh em nhà họ “Nguyễn”; mà bắt đầu từ Gia Long và kết luận ngắn gọn:
Ngày nay gấm vóc giang sơn
Bị vua nhà Nguyễn đem hàng cho Tây!
Để khẳng định truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã liệt kê những tấm gương anh hùng chống Pháp từ Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng đến Hoàng Hoa Thám; liệt kê các địa danh lừng danh chống Pháp như Yên Bái, Nghệ An, Nam Kỳ, Bắc Sơn…với 22 câu thơ cùng nhịp thơ biến ảo, mạnh mẽ, tự tin…
Bài thơ kết lại bằng đoạn thơ dài 32 câu vừa khẳng định lịch sử vẻ vang anh hùng của dân tộc vừa khẳng định mỗi con dân đất Việt đều là con Rồng cháu Tiên, đoàn kết một lòng, đồng sức, đồng lòng đánh giặc đến cùng
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên nước Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh
Những câu kết của bài thơ vừa là lời kêu gọi, vừa là lời thúc giục, vừa là niềm tin của vị lãnh đạo thiên tài với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Bài thơ ra đời vào năm 1942 là thời điểm dân tộc ta rất cần có niềm tin để chống Pháp đến cùng, niềm tin vào thắng lợi, niềm tin vào tương lai.
Bài thơ Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh là một kiểu tổng kết lịch sử thật đầy đủ, sáng tạo, và giàu cảm xúc. Tư tưởng xuyên suốt bài thơ là tư tưởng ngợi ca lịch sử hào hùng của dân tộc, ngợi ca truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta, ngợi ca những bậc vua anh minh, ngợi ca những vị tướng tài hết lòng vì dân vì nước…
Ca ngợi thắng lợi, viết về bại vong nhà thơ đều nhấn mạnh đến tư tưởng đoàn kết trên dưới một lòng, nhấn mạnh đến truyền thống yêu nước của dân tộc ta; phần cảm xúc thể hiện trong những lời bình luận giàu hình ảnh tạo nên điểm nhấn trong trí nhớ của người đọc.
Đọc lại bài thơ Lịch sử nước ta vừa giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc lịch sử nước nhà, vừa là dịp cho ta học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, đồng thời giúp chúng ta tìm hiểu thêm một thiên hướng thơ văn của bậc thiên tài – sử dụng một thể loại văn chương quen thuộc trong thơ ca trung đại (Diễn ca lịch sử, Truyện Nôm) để đúc kết lịch sử dân tộc thật ngắn gọn, súc tích và sáng tạo.
Giới thiệu tác phẩm ❤️️Vi Hành [Nguyễn Ái Quốc]❤️️Tìm hiểu chi tiết