Bài Thơ Trở Về Quê Nội: Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Bài Thơ Trở Về Quê Nội ❤️️ Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích ✅ Sưu Tầm Thông Tin Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa, Nghệ Thuật Tác Phẩm.

Nội Dung Bài Thơ Trở Về Quê Nội Của Lê Anh Xuân

Lê Anh Xuân là nhà thơ của quê hương, đất nước. Tuy ông có cuộc đời ngắn ngủi nhưng những tác phẩm mà ông để lại thì luôn sống mãi trong lòng người đọc, trong đó phải kể đến bài thơ Trở về quê nội được tác giả viết vào năm 1965.

Trở về quê nội
Tác giả: Lê Anh Xuân

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn ta, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhó dồn trong tay ta nóng bỏng.

Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ… thương nhớ lắm
Ơi nhũng bông trang trắng, những bông trang hồng.
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.

Mẹ lưng còng tóc bạc
Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe
Tám em bé chết vì bom xăng đặc
Trên đường đi học trở về.
Giặc giết mười người trong một ấp
Bà con khiêng xác chất đầy ghe

Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc
Làng ta mấy lần bom giội nát
Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre,
Mẹ dựng tạm mái lêu che mưa che gió.
Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ
Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn
Mẹ ta tần tảo sớm hôm
Nuôi các anh ta dười hầm bí mật
Cả đời mẹ hy sinh gan góc
Hai mươi năm giữ đất, giữ làng
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam.
Ta có ngờ đâu em ta đấy
Dưới mái lều kia em đã lớn lên
Em đệp lắm như mùa xuân bừng dậy
Súng trên vai cũng đẹp như em
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm

Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em là chính quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương

Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
Sao thấy lòng ấm lạ
Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
Tiếng đại bác gầm rung vách lá
Ôi quê hương ta đẹp quá!
Dù trên đường còn những hố bom
Dù áo em vẫn còn mảnh vá
Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn.

Tìm hiểu thêm ❤️️Bài Thơ Dáng Đứng Việt Nam ❤️️ Cảm Nhận, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Trở Về Quê Nội

Về hoàn cảnh sáng tác thì bài thơ Trở về quê nội được nhà thơ Lê Anh Xuân viết vào tháng 9/1965 và được in trong tập thơ Hoa Dừa do NXB Giải phóng ấn hành năm 1969. Bài thơ này được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.

Ý Nghĩa Bài Thơ Trở Về Quê Nội

Bài thơ Trở về quê nối thể nói lên niềm xúc động dâng trào của người con xa quê lâu ngày mới có dịp trở về thăm quê nội. Tất cả những gì thân thuộc nhất, từ cảnh vật, con người và cả những đau thương mất mát đều nằm sâu vào trong tâm trí của nhà thơ. Thông qua bài thơ, tác giả bộc lộ rõ tình yêu quê hương da diết đến nồng nàn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 

Đọc hiểu chi tiết 🔰Bài Thơ Dừa Ơi Của Lê Anh Xuân🔰Nội Dung, Cảm Nhận

Đọc Hiểu Bài Thơ Trở Về Quê Nội

Hướng dẫn cách trả lởi các câu hỏi đọc hiểu bài thơ Trở về quê nội của nhà thơ Lê Anh Xuân.

Đọc văn bản:

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn ta, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhó dồn trong tay ta nóng bỏng.

Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ… thương nhớ lắm
Ơi nhũng bông trang trắng, những bông trang hồng.
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.
(“Trở về quê nội” – Lê Anh Xuân)

Thực hiện các yêu cầu sau:

👉 Câu 1. Hai dòng thơ đầu có sử dụng những thành phần biệt lập nào? Dùng để diễn tả tâm trạng gì của nhà thơ?

Đáp án: Hai dòng thơ đầu có sử dụng các thành phần biệt lập:

  • Thành phần cảm thán: “Ôi”
  • Thành phần tình thái: “Có ngờ đâu”

=> Thể hiện tâm trạng xúc động rưng rưng của nhà thơ khi trở về quê cũ.

👉 Câu 2. Điệp từ “ta” được điệp lại nhiều lần kết hợp với một loạt những động từ “gặp lại”, “yêu”, “nhìn”, “say”, “ngắm”…có tác dụng gì?

Đáp án: Điệp từ “ta” được điệp lại nhiều lần kết hợp với một loạt những động từ “gặp lại”, “yêu”, “nhìn”, “say”, “ngắm”… nhằm thể hiện tình yêu quê hương tha thiết và nỗi xúc động, bồi hồi của tác giả khi trở lại quê nhà sau bao năm năm xa cách.

👉 Câu 3. Những hình ảnh nào trong đoạn thơ đã thể hiện được vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của quê hương?

Đáp án: Những hình ảnh trong đoạn thơ đã thể hiện được vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của quê hương: xanh biếc bóng dừa, những mặt người ta yêu biết mấy, đoạn đường xưa. tiếng võng đưa, những bông trang trắng  những bông trang hồng, con sông nước chẳng đổi dòng, hoa lục bình tím cả bờ sông.

👉 Câu 4. Âm thanh “kẽo kẹt…tiếng võng đưa”, “Ầu ơ…” đánh thức điều gì trong cái tôi trữ tình của tác giả?

Đáp án: Âm thanh “kẽo kẹt…tiếng võng đưa”, “Ầu ơ…” đánh thức những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp, thật yên bình gắn với hình ảnh của bà, của mẹ trong cái tôi trữ tình của tác giả.

👉 Câu 5. Chữ  “tím” trong câu thơ “Hoa lục bình tím cả bờ sông” có sự chuyển đổi từ loại như thế nào? Tác dụng của sự chuyển đổi ấy trong việc biểu đạt nội dung?

Đáp án:

  • Trong câu thơ “Hoa lục bình tím cả bờ sông”, chữ “tím” ở đây có sự chuyển đổi từ loại từ tính từ sang động từ [tím: nhuộm tím cả bờ sông] 
  • Tác dụng: gợi ra hình ảnh dòng sông quê đẹp, gần gũi và thanh bình, êm ả mà tràn đầy sức sống với màu tím triền miên, trải dài như vô tận.

Giới thiệu bài thơ 🔰Giục Giã [Xuân Diệu]🔰 Nội Dung, Phân Tích

Nghệ Thuật Bài Thơ Trở Về Quê Nội

Tổng kết những giá trị nghệ thuật nổi bật trong bài thơ Trở về quê nội:

  • Sử dụng thể thơ tự do, nhịp điệu thơ đa dạng.
  • Bài thơ sử dụng phương thức biểu cảm kết hợp miêu tả.
  • Ngôn ngữ giàu chất lãng mạn, giọng thơ tâm tình ngọt ngào, gợi cảm xúc
  • Tác giả sử dụng các biện pháp điệp ngữ, điệp cấu trúc nhằm thể hiện sự xúc động của bản thân khi được về thăm quê nội.
  • Sử dụng biện pháp so sánh bông trang trắng, hồng với tấm lòng thủy chung để thể hiện tấm lòng yêu quê hương của tác giả.

2+ Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Trở Về Quê Nội Hay Nhất

Đừng nên bỏ qua các mẫu văn cảm nhận, phân tích bài thơ Trở về quê nội hay nhất mà Thohay.vn sưu tầm gửi bạn dưới đây nhé!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Trở Về Quê Nội Hay

Lê Anh Xuân là nhà thơ miền Nam trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ của anh là tiếng nói của một trái tim đầy nhiệt huyết, thiết tha và cháy bỏng của con người vùng quê mang nét phóng khoáng, bộc trực. Bài thơ Trở về quê nội là bài thơ tiêu biểu đã thể hiện tình cảm, niềm xúc động tự hào mà nhà thơ gửi đến Bến Tre – quê nội thân yêu của mình.

Bài thơ được viết vào cuối năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Với 58 câu thơ tự do, nhà thơ cất lên tiếng gọi thiết tha sâu lắng qua giọng thơ tâm tình ngọt ngào của người con xa cách quê hương. Mở đầu bài thơ, Lê Anh Xuân đã thốt lên:

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này…

Gặp lại bóng hình quê hương, nơi có những bóng dừa xanh biếc, người con xa quê bồi hồi thương nhớ, thán từ “ôi” đã góp phần diễn tả nỗi xúc động, tình yêu mến quê hương đó. Bóng dừa in trong tâm trí nhà thơ, “ngờ đâu” một ngày được gặp lại, niềm vui sướng không ngừng của anh khi gặp lại nơi bóng dừa xanh biếc, quê cha đất mẹ.

Quê hương vẫn in những bóng dáng thân thuộc dù người thân của anh đã nằm xuống, màu đau thương mất mát đã in sâu vào tâm trí, vẫn dáng đứng Bến Tre hiên ngang, sừng sững anh hùng. Bao cảm xúc cứ thế dồn nén bấy lâu như bừng lên trong từng câu chữ:

Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng

Bao năm dài xa cách quê hương, đứa con thơ xúc động, muốn ôm trọn những điều thân thuộc nhất. “ Ta gặp”, “ta nhìn”, “ta ngắm”, “ta say”, “ta run run”… Bao cảm xúc cứ thế dâng trào lên trong lòng của đứa con đi xa. Điệp ngữ “ta” kết hợp với những động từ chỉ cảm xúc đã cho thấy nỗi thương nhớ của đứa con đi xa ấy dâng trào thật mãnh liệt, anh như muốn ôm trọn từng vị của quê hương.

Tiếp theo là mười câu thơ thể hiện niềm vui sướng của nhà thơ trước đất trời quê nội sau nhiều năm dài xa cách:

Đây rồi đoạn đường xưa
……
Hoa lục bình tím cả bờ sông.

Cụm từ “Đây rồi” vang lên một cách tự nhiên như một tiếng reo vui trước những cảnh vật quen thuộc nơi làng quê yêu dấu, đoạn đường của tuổi thơ vẫn còn đó, vẫn là tiếng “ kẽo kẹt” lúc ban trưa, là tiếng ru ầu ơ của người mẹ, là những bông trang trắng, hồng như tấm lòng thủy chung, con sông ngày xưa anh thường tắm mát vẫn ở đó in bóng quê hương. Tất cả vẫn như nguyên vẹn, như thuở anh còn ấu thơ.

Ngắm nhìn từng nhành hoa, ngọn cỏ, màu bông trang trắng, bông trang hồng như tấm lòng son sắt đầy thủy chung, những bông hoa lục bình in tím cả dòng sông – màu tím của lòng chung thủy, lòng yêu quê hương đất nước. Dáng hình quê hương vẫn còn đó mặc cho năm tháng có đổi thay, mặc cho bom đạn chiến tranh đang diễn ra ác liệt thì quê hương Bến Tre vẫn mạnh mẽ, mãnh liệt, dồi dào sức sống.

Nhà thơ Lê Anh Xuân thật tài tình khi sử dụng biện pháp so sánh lấy bông trang trắng, hồng để so sánh với tấm lòng thủy chung. Dù có đi xa quê hương bao lâu thì anh vẫn vậy, vẫn yêu quê hương nồng nàn da diết, trong trắng tinh khôi như thuở ban đầu.

Trở về quê hương, tác giả được lắng nghe về những con người nơi làng quê yêu dấu. Giọng thơ như trầm hẳn đi, bồi hồi, xao xuyến.

Mẹ lưng còng tóc bạc
…..
Bà con khiêng xác chất đầy ghe

Nghe người mẹ tóc đã bạc, lưng đã còng kể về những đau thương mất mát mà quê hương anh đã gánh chịu là tám em bé chết trong bom đạn trên con đường đi học về, là kẻ thù xâm lược giết dân ta một cách tàn nhẫn, độc ác. Quê nội nhuốm một màu tang thương, chết chóc đến điêu tàn.

Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc
….
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam.

Quê hương xinh đẹp, bình yên là thế, vậy mà lũ cướp nước đã mấy lần cho bom dội vào quê hương. Quê nội với những bóng dừa trở nên ngổn ngang, tiêu điều xơ xác. Bóng dừa, hàng tre mang những nỗi căm hờn, giận dữ, nhuốm cả màu trắng cùng quê hương.

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt với đế quốc Mỹ, quê nội trải dài “màu trắng tang thương”. Đau thương mất mát như vậy nhưng hình ảnh bà mẹ đã hiện lên đầy bất khuất. Đó là bà mẹ dựng tạm mái lều để che nắng che mưa cho đàn con nhỏ. Bà mẹ anh hùng, là chỗ dựa vững chãi để bảo vệ các con mặc cho những nguy hiểm, sẵn sàng hi sinh.

Bà mẹ ấy hiện lên như một tượng đài vững chắc về lòng yêu nước, trung hậu, bất khuất, đảm đang. Mẹ đã hi sinh cả tuổi trẻ, hai mươi năm vẫn giữ đất giữ làng, lòng yêu nước trong mẹ chưa bao giờ nguội tắt.

Tiếp đó là hình ảnh của người em quê hương:

Ta có ngờ đâu em ta đấy
…..
Ngọt ngào như nước dừa xiêm

Người con gái Bến Tre đầy dịu dàng, nữ tính với bởi làn tóc dài thướt tha, giọng nói ngọt ngào như nước dừa xiêm. Tất cả đã xây dựng lên một người phụ nữ Bến Tre xinh đẹp như mùa xuân, duyên dáng, trong sáng nhưng cũng đầy anh hùng. Theo truyền thống của dân tộc ta, “giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”, người con gái Bến Tre khéo léo, dịu dàng như nàng tiên cũng biết cầm súng bảo vệ Tổ quốc:

Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
…..
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương

Em – người con gái Bến Tre mang trong mình dòng máu người Việt, là linh hồn của quê hương. Em dịu dàng, nữ tính nhưng em cũng không thiếu tinh thần dũng cảm, bất khuất, không ngại hiểm nguy. Cô gái miệt vườn vác trên mình khẩu súng, làm du kích, làm giao liên, góp sức mình vào công việc bảo vệ Tổ quốc.

Nhà thơ Lê Anh Xuân thật tài tình khi đã kết hợp cảm hứng lãng mạn với cảm hứng anh hùng để tạo nên một  người con gái dịu dàng mà anh dũng – một vẻ đẹp mang tầm khái quát mà ít nhà thơ có thể viết được. Các biện pháp so sánh kết hợp với các điệp từ, điệp cấu trúc “ Em là” đã khắc họa thành công cô gái giao liên với dáng người uyển chuyển thướt tha nhưng đầy mạnh mẽ khiến nhà thơ thương nhớ suốt mười một năm.

Cuối cùng là tâm trạng của Lê Anh Xuân khi được nằm ngủ giữa đất trời quê nội.

Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
…..
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn.

Đó là niềm hạnh phúc, vui sướng và đầy xúc động biết bao! Mặc cho bên ngoài trời mưa gió, mưa như trút nước, tiếng đại bác gầm vang đất trời nhưng trong lòng nhà thơ, quê hương vẫn là những gì bình yên nhất, trân trọng nhất.  Mặc cho con đường của quê hương ấy có đầy bom, dù áo của em vẫn vá chằng vá chịt, quê hương Bến Tre đã chịu quá nhiều đau thương mất mát, đã phải sống trong những thử thách, ngày chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt thì quê hương vẫn hiện lên đầy xinh đẹp.

Tình yêu quê hương ấy vẫn chung thủy, sắt son như ngày nào. Quê hương vẫn đẹp, vẫn một màu xanh của bóng dừa, của bông hoa trang trắng, trang hồng. Quê hương đẹp không chỉ vì những thắng cảnh mà còn đẹp vì lòng người, vì người mẹ tảo tần sớm hôm nuôi bộ đội, vì em gái anh hùng, bất khuất.

Trở về quê nội là trở về nơi chôn rau cắt rốn, nhà thơ nguyện xin cống hiến hết mình với Tổ quốc, sẵn sàng ra mặt trận tiếp sức bằng tinh thần quả cảm nhất, dũng cảm nhất. Anh nằm xuống nơi đất mẹ cũng là trong tư thế anh hùng nhất, tuyệt vời nhất.

Nói tóm lại, bằng những ngôn từ giàu chất lãng mạn, các biện pháp điệp ngữ, điệp cấu trúc và giọng thơ tâm tình ngọt ngào, nhà thơ Lê Anh Xuân đã khắc họa thành công niềm xúc động dâng trào của người con xa quê lâu ngày mới có dịp trở về thăm quê nội. Tất cả những gì thân thuộc nhất, cả những gì đau thương mất mát đều nằm sâu, in sâu vào trong tâm trí của nhà thơ.

Từ đó nhà thơ bộc lộ rõ tình yêu quê hương da diết đến nồng nàn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ sẽ mãi mãi là niềm xúc động, là bức tượng đài vững chãi trong lòng người đọc.

Gửi tặng 🔰Bài Ca Mùa Xuân 1961 🔰Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận, Phân Tích

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Trở Về Quê Nội Chọn Lọc

Lê Anh Xuân (1940-1968) là nhà thơ miền Nam thuộc thế hệ thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Anh đã ngã xuống trên chiến trường Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa”, “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” là ba tập thơ của Lê Anh Xuân gửi lại cho đất nước quê hương.

Năm 1954, Lê Anh Xuân tập kết ra miền Bắc. Cuối năm 1964, anh trở lại miền Nam, trở lại Bến Tre quê nội, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Xa cách quê nội, đã “Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương”… Với 58 câu tự do, tác giả nói lên niềm xúc động và tự hào về quê nội Bến Tre thân yêu của mình.

Mở đầu là tiếng gọi quê hương cất lên thiết tha; giọng thơ tâm tình đằm thắm, lay động:

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại

Gặp lại quê hương, nhìn bóng dừa xanh biếc thân thuộc, đứa con bồi hồi xúc động. “Có ngờ đâu”… vì niềm xúc động gặp lại quê cha đất mẹ thật quá lớn, như trong mơ. Nhà thơ tự hào vì trong bom đạn của giặc Mỹ, tuy có nhiều mất mát đau thương, nhưng quê hương “vẫn còn “, vẫn hiên ngang trong “dáng đứng Bến Tre” anh hùng:

“Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này”.

Cảm xúc chất chứa trong lòng bấy nay như tràn ra câu chữ, vần thơ. Sau bao năm dài xa cách, nay gặp lại quê hương, đứa con vô cùng xúc động: “ta gặp lại”, “ta yêu biết mấy”, “ta nhìn”, “ta ngắm”, “ta say”, “ta run run nắm…”, “ta thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng”.

Chữ “ta “được điệp lại nhiều lần, liên kết với hàng loạt động từ – vị ngữ (gặp lại, yêu, nhìn, ngắm, say…) đã cực tả niềm xúc động lớn lao, mãnh liệt dâng lên trong lòng của đứa con đi xa, nay được trở về gặp lại quê hương. Thương nhớ, xúc động, tự hào dâng lên dào dạt tưởng như tát mãi không bao giờ vơi:

Ta gặp lại những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng.”

Mười câu thơ tiếp theo diễn tả thật hay niềm vui gặp gỡ quê hương sau những năm dài xa cách. Gặp lại con đường xưa, con đường tuổi thơ; “thương nhớ lắm” khi nghe tiếng võng đưa “kẽo kẹt”, khi nghe tiếng mẹ “ầu ơ…” ru con.

Ngắm nhìn hoa cỏ quê nhà, bông trang trắng, bông trang hồng, hoa lục bình tím biếc mà tự hào về tấm lòng trong trắng thuỷ chung của người con gái Bến Tre, mà bồi hồi nhớ về hoài niệm tuổi thơ. Đây là những so sánh liên tưởng hay nhất, xúc động nhất trong thơ Lê Anh Xuân khi nói về tình yêu và niềm tự hào đối với cảnh sắc thiên nhiên và con người quê hương. Chữ “ơi” cất lên như một tiếng tâm tình với bao trìu mến:

“Ơi! những bông trang trắng, những bông trang hồng
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông”.

Hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ đầy màu sắc đẹp: “bông trang trắng”, “bông trang hồng”, “tấm lòng em trong trắng”, “trái tim em … đỏ thắm “, “hoa lục bình tím…”, cùng với hình ảnh con sông tuổi thơ “Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng” mang hàm nghĩa nói lên vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của quê hương. Câu “Hoa lục bình tím cả bờ sông” là một câu thơ hay, nhiều thi vị. Chữ “tím” là tính từ, trong văn cảnh được chuyển đổi từ loại thành động từ – vị ngữ diễn tả tình cảm thủy chung dào dạt đối với quê nội.

Phần thứ hai bài “Trở về quê nội” nói thật xúc động về con người quê hương. Bà mẹ và người em gái là hai nét vẽ đẹp nhất về quê nội thân yêu. Sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình, kết hợp giữa bút pháp hiện thực với bút pháp lãng mạn đã tạo nên những vần thơ đằm thắm nhất thể hiện một cách sinh động cho sức sống và vẻ đẹp quê hương.

Giọng thơ bùi ngùi qua lời mẹ kể về những đau thương mất mát của quê nhà: “Tám em bé chết vì bom xăng đặc – Trên đường đi học trở về – Giặc giết mười người trong một ấp…”. Trong bom đạn giặc Mỹ, quê nội nhà thơ tang tóc, điêu tàn.

Với Vũ Cao: “Bỗng cuối mùa chiêm, quân giặc tới – Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau” (Núi Đôi). Với Hoàng Cầm: “Quê hương ta từ ngày khủng khiếp – Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn hung tàn – Ruộng ta khô – Nhà ta cháy…” (Bên kia sông Đuống). Với Tố Hữu: Làng ta giặc dốt mấy lần qua…”(Quê mẹ),v.v…Và Bến Tre, quê nội Lê Anh Xuân:

“Làng ta mấy lần bom giội nát
Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre”.

Cây dừa, cây tre mang nỗi đau, nỗi căm giận cùng quê hương, khi quê nội “đường trắng khăn tang” trong những năm dài đánh Mỹ xâm lược!

Hình ảnh bà mẹ là biểu tượng cho chí khí bất khuất hiên ngang, cho tinh thần kiên cường cách mạng. Mẹ đào hầm bí mật, nuôi giấu chở che cán bộ “nằm vùng”. Nhà thơ xúc động tự hào:

Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ,
Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn
Mẹ ta tẩn tảo sớm hôm
Nuôi các anh dưới hầm bí mật.”

Hình tượng “ngọn lửa” là một sáng tạo thi ca giàu cảm xúc thẩm mĩ. Đó là ngọn lửa thiêng của lòng yêu nước, là ngọn lửa tình thương của lòng mẹ Việt Nam hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Bà mẹ Bến Tre, bà mẹ quê nội là bà mẹ Việt Nam anh hùng đã “hi sinh gan góc”, đã 20 năm trời “giữ đất giữ làng”. Đây là những câu thơ hay dựng lên tượng đài bà mẹ miền Nam anh hùng với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, kính phục và biết ơn vô hạn:

“Cả đời mẹ hi sinh gan góc
Hai mươi năm giữ đất, giữ làng
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam”.

Tiếp theo hình ảnh bà mẹ là hình ảnh em gái quê hương. Những nét vẽ đẹp mang màu sắc lãng mạn đầy chất thơ làm hiện lên một “dáng đứng Bến Tre” xinh đẹp, duyên dáng, trong sáng, hồn nhiên, anh hùng. Với khẩu súng trên vai “Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy”. Mái tóc em mang hương vị hoa trái miệt vườn. Giọng cười của em trong trẻo ngọt ngào. Hương sầu riêng, nước dừa xiêm là tâm hồn trinh nữ. So sánh nào cũng độc đáo, thi vị:

“Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
….
Dịu dàng như những nàng tiên”.

Nàng tiên mà biết cầm súng đánh giặc, dáng điệu lại “dịu dàng” đáng yêu. Rõ ràng đó là những nét vẽ lãng mạn. Hồn thơ Lê Anh Xuân là hồn thơ chiến sĩ nên mới viết rất hay bằng cảm hứng lãng mạn về cô gái Bến Tre biểu tượng cho vẻ đẹp và sức sống quê hương:

“Em là du kích, em là giao liên,
Em chính là quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta, ta thương”.

Cô gái quê hương được Hoàng Cầm nói đến trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” là cô gái Kinh Bắc có “khuôn mặt búp sen”, có nụ cười rạng rỡ “như mùa thu tỏa nắng”. Còn cô gái Bến Tre trong thơ Lê Anh Xuân là cô gái miệt vườn dũng cảm cầm súng đánh giặc, mà “Dịu dàng như những nàng tiên”.

Một nét rất mới trong thơ Lê Anh Xuân là hình ảnh em gái quê hương, cô du kích, cô giao liên thời đánh Mỹ. Thơ ca kháng chiến chống Pháp chưa có hình tượng về người con gái Việt Nam mang tầm vóc và vẻ đẹp như thế!

Mười bốn câu trong đoạn ba, nhà thơ nói lên những cảm xúc, ý nghĩ trực tiếp của mình đối với quê hương. Lòng vui sướng biết bao, hạnh phúc biết bao! Đứa con bồi hồi xúc động: “sao thấy lòng ấm lạ” được trở về, “Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương”. Đó là niềm hạnh phúc tái ngộ của đứa con li hương đã “Mười một năm rồi…” xa cách. Và lại, “Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên” như Chế Lan Viên đã nói.

Hàng loạt hình ảnh vừa hiện thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng nối tiếp xuất hiện: “trời tầm tã mưa tuôn”, “tiếng đại bác gầm rung”, những “hố bom” trên đường, “áo em vẫn còn mảnh vá”, tất cả đều cho thấy quê hương Bến Tre, miền Nam thân yêu đang đứng trước những thử thách nặng nề, cuộc chiến đấu đang diễn ra vô cùng ác liệt. Điệp từ “dù”, cấu trúc câu thơ “dù…vẫn” để khẳng định một niềm tin, niềm tự hào:

“Ôi quê hương ta đẹp quá!”

“Đẹp quá” vì màu xanh biếc bóng dừa, vì màu trắng màu hồng của bông trang, đẹp vì lòng mẹ, vì tình em, “đẹp quá” vì “dáng đứng Bến Tre” của quê nội:

Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
Tiếng dại bác gầm rung lá
Ôi quê hương ta đẹp quá!
Dù trên đường còn những hố bom
Dù áo em vẫn còn mảnh vá”.

Câu cảm thán rung ngân cảm xúc dâng trào. Điệp từ làm cho giọng thơ vang lên hào hùng, đĩnh đạc.

Trở về quê nội là để dấn thân vào cuộc chiến đấu sinh tử với quân thù, để giải phóng miền Nam. Hành trang chỉ có “trái tim chung thủy, sắt son”, chỉ có “khẩu súng… cháy bóng căm hờn”. Tiếng thơ hùng tráng vang lên như một lời thề chiến đấu cao cả và thiêng liêng:

“Ta về đây, chẳng mang gì cho em cả
Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
Và khẩu súng trong tay bỏng căm hờn”.

Lê Anh Xuân đã trở về quê nội với trái tim và tấm lòng “chung thủy sắt son” của đứa con đối với quê hương; với tư thế chiến đấu “cháy bỏng căm hờn” của người chiến sĩ. Và anh đã ngã xuống trên chiến trường trong tư thế người anh hùng.

“Trở về quê nội” là một trong những bài thơ hay và xúc động viết về cảm hứng quê hương thời đánh Mỹ. Hàng loạt câu thơ cảm thán nối tiếp xuất hiện (“Ôi quê hương”…, “Ôi những bông trang trắng…”, “Ôi bà mẹ là bà mẹ miền Nam”…., “Em ơi!”…, “Ôi quê hương ta đẹp quá!”) diễn tả một cái nhìn vô cùng say mê và xúc động của nhà thơ đối với quê hương. Từ cảnh vật đến con người, từ đau thương, hình bóng quê hương đồng hiện trong không gian – thời gian – tư tưởng nhà thơ.

Tình yêu quê hương sâu nặng, cảm xúc thiết tha say mê, ngôn ngữ hình tượng giàu chất lãng mạn đã tạo nên cốt cách thi sĩ – chiến sĩ của Lê Anh Xuân. “Trở về quê nội” là bài thơ viết về tình yêu quê hương đất nước xuất hiện trong thời kháng chiến chống Mỹ đã cho ta nhiều bồi hồi xúc động.

Viết một bình luận