Nội Dung Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới, Soạn Bài, Giáo Án, Giá Trị Nghệ Thuật. Sưu Tầm Các Sơ Đồ Tư Duy, Những Mẫu Phân Tích Đặc Sắc Nhất.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Tác Phẩm Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới
“Những ngày đầu của nước Việt Nam mới” là một đoạn trích từ tập hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác phẩm này ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng và những khó khăn mà đất nước Việt Nam phải đối mặt ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nội dung chính của đoạn trích:
- Giờ phút hiểm nghèo của đất nước: Đoạn trích bắt đầu với việc hồi tưởng về những giờ phút hiểm nghèo của đất nước ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế và xã hội.
- Những khó khăn và thách thức: Tác giả mô tả chi tiết những khó khăn mà đất nước phải đối mặt, bao gồm sự thiếu thốn về lương thực, tài chính và sự đe dọa từ các thế lực thù địch.
- Biện pháp và quyết tâm vượt khó: Đoạn trích cũng nêu lên những biện pháp tích cực và quyết tâm vượt qua khó khăn của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ý nghĩa của đoạn trích:
- Tái hiện lịch sử: Đoạn trích tái hiện lại một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc Việt Nam.
- Tinh thần đoàn kết và quyết tâm: Tác phẩm nhấn mạnh tinh thần đoàn kết và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của toàn dân tộc để bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước.
Giá trị nghệ thuật:
- Lối viết chân thực, sinh động: Võ Nguyên Giáp sử dụng lối viết chân thực, sinh động để tái hiện lại những sự kiện lịch sử, giúp người đọc cảm nhận được sự khó khăn và quyết tâm của dân tộc.
- Ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu: Ngôn ngữ của tác phẩm giản dị, dễ hiểu, phù hợp với mọi đối tượng độc giả
Đoạn hồi kí gồm 4 phần:
- Đoạn 1: (từ đầu đến “ập vào miền Bắc”): hồi tưởng về giờ phút hiểm nghèo của đất nước ngay sau CMT8/1945.
- Đoạn 2: (tiếp đến “thêm trầm trọng”): khó khăn mọi mặt của đất nước sau CMT8/1945.
- Đoạn 3: (tiếp đến “ba trăm bảy mươi lăm ki-lô-gam vàng”): những biện pháp tích cực và quyết tâm vượt khó của toàn Đảng, toàn Dân.
- Đoạn 4: (còn lại): hình ảnh Bác Hồ trong những ngày đầu của nước Việt Nam mới.
Để hồi tưởng về những ngày đầu của nước Việt Nam mới, tác giả đã xuất phát từ điểm nhìn hiện tại vào những ngày tháng Năm năm 1970.
Cảm nghĩ cụ thể của tác giả:
- Xúc động nhớ lại đất nước trước năm 1945: “Đã rất xa cái ngày mà người nước ngoài không sao tìm ra nước Việt Nam trên những tấm bản đồ…”.
- Cảm thấy tự hào khi “Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời giữa lửa đạn ác liệt… ”.
Nhất định đừng bỏ qua 🌈Đàn Ghi Ta Của Lorca🌈 Những Mẫu Phân Tích Hay Nhất
Nội Dung Tác Phẩm Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới
Phần đầu tiên của bài viết hôm nay, xin mời bạn đọc cùng theo dõi Nội Dung Tác Phẩm Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới. Đoạn trích thuộc chương XII của tập hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Tôi viết những dòng này vào những ngày tháng Năm năm 1970.
Đã rất xa, cái ngày mà người nước ngoài không sao tìm ra nước Việt Nam trên những tấm bản đồ. Tổ quốc có mấy ngàn năm lịch sử của chúng ta cùng với hai nước láng giềng Cam-pu-chia, Lào khi đó chỉ là một dải đất ở ven Thái Bình Dương, giữa Ấn Độ và Trung Hoa, mang một cái tên mơ hồ do bọn thực dân đặt ra: ấn-độ-chi-na thuộc Pháp.
Cũng đã xa rồi, cái ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn là một hòn đảo của Tự do, hiện lên giữa những lớp sóng cồn, trên biển cả mênh mông của chủ nghĩa tư bản ở miền Đông Nam châu Á. Anh em bè bạn còn chưa mấy ai nhận ra ta. Cũng chưa mấy ai thấy hết ý nghĩa quan trọng của sự kiện lịch sử này.
Thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc đã qua.
Ngày nay, mỗi hành động kẻ cướp của chúng trên bán đảo Đông Dương này, đều trở thành những bước đi phiêu lưu và không tránh khỏi bị trừng phạt. Mỗi tội ác của chúng gây ra tại đây đều động tới lương tri, tới tình cảm của hàng trăm triệu con người, ở các miền khác nhau trên trái đất. Mọi cách tô son trát phấn cực kì tốn kém của chủ nghĩa thực dân đối với bọn nguỵ quyền tay sai đều hoài công, vô ích. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra đời giữa lửa đạn ác liệt, lập tức được sự hân hoan chào đón của cả loài người tiến bộ từ lâu đã trông chờ. Chính phủ vương quốc đoàn kết dân tộc Cam-pu-chia vừa công bố thành lập, đã được hàng chục nước gần xa công nhận.
Ngày nay, khi mấy trăm vạn quân Quốc dân đảng Trung Hoa chỉ còn là những bóng ma trong dĩ vãng, Tưởng Giới Thạch đang sống nốt những ngày tàn trên đảo Đài Loan, ta thật khó hình dung lại những giờ phút hiểm nghèo khi gần hai chục vạn quân Tưởng từ mấy ngả ập vào miền Bắc.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới sinh, nằm giữa bốn bề hùm sói, phải tự dốc sức mình đấu tranh dũng cảm, mưu trí, phải tìm mọi cách để sống còn. Trước hoàn cảnh gay go và cấp bách ấy, như Bác đã nói sau này, theo cách nói riêng của Người: “Đảng phải dùng những phương pháp – dù là những phương pháp đau đớn – để cứu vãn tình thế”. Ở Người, mọi vấn đề, mọi chuyện của Đảng, của nước, của dân đều trở thành những rung động sâu xa trong tình cảm.
Đảng của giai cấp công nhân mới mười lăm tuổi đã giành được chính quyền. Trên dải đất của ông cha để lại, mùa xuân của dân tộc từ hôm nay, đã bắt đầu. Tin vui lớn lao đó, chưa thể báo với bè bạn xa gần một cách trọn vẹn.
Tháng Tám năm 1945, Bác nhân danh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Đầu tháng Chín, Bác ra mắt nhân dân với danh hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một bí danh Bác đã dùng mấy năm trước để che mắt bọn Quốc dân đảng Trung Hoa. Những người cách mạng đã qua thời kì ẩn náu, lẩn tránh, về sống giữa đồng bào. Nhưng mọi hoạt động của Đảng vẫn tiến hành theo phương thức bí mật. Những cán bộ của Đảng chưa ra làm việc công khai. Hầu hết các đảng viên đều công tác dưới danh nghĩa những cán bộ Việt Minh. Đảng ta chủ trương hết sức tránh kích thích kẻ thù của dân tộc và của giai cấp. Nhưng, kẻ thù vẫn nhận ra ta.
Chính quyền cách mạng thành lập nhiều ngày, vẫn chưa được nước nào công nhận. Bọn tướng lĩnh Tưởng buộc phải giao dịch với ta để có lương thực, có nhà cửa. Khi tới gặp Bác, trong lúc xưng hô, chúng phải dùng danh hiệu và chức vụ của Bác là Hồ Chủ tịch. Nhưng, trong mọi giấy tờ gửi Bác, chúng chỉ để là: “Hồ Chí Minh tiên sinh” (Thưa ngài Hồ Chí Minh). Chúng coi chính quyền ta là một chính quyền chỉ tồn tại trên thực tế, không phải là một chính quyền tồn tại về pháp lí.
Tình hình kinh tế hết sức khó khăn. Phần lớn ruộng đất ở Bắc Bộ bỏ hoang. Hết nạn lụt, đến nạn hạn hán kéo dài. Một số nhà máy Nhật trao trả chưa thể cho chạy được. Việc buôn bán với nước ngoài đình trệ. Nạn khan hiếm hàng hoá nghiêm trọng.
Về tài chính, ta chưa phát hành được tiền Việt Nam. Kho bạc giành được từ tay chính quyền cũ, chỉ có một triệu bạc rách. Một triệu bạc tiền giấy đang xuống giá để xây dựng chính quyền và cuộc sống mới! Chưa kể đến ngân hàng Đông Dương của bọn Pháp luôn luôn gây rối loạn về mặt tiền tệ. Lại thêm quân Tướng tung rất nhiều tiền Quan kim trên thi trường, làm cho tài chính và việc buôn bán của ta càng nguy ngập.
Đời sống của nhân dân rất thấp. Số người không có công ăn việc làm tăng nhanh. Nhiều nơi, đồng bào phải ăn cháo. Lác đác, lại có người chết đói. Dịch tả đã phát sinh. Quân Tưởng vào, đem thêm dịch chấy rận.
Cuộc xâm lăng của giặc Pháp nổ ra rất sớm tại Nam Bộ, làm cho tất cả những khó khăn trên càng thêm trầm trọng.
Trong hoàn cảnh như vậy, ta phải làm những gì để xây dựng xã hội mới, một công việc còn khó khăn hơn là phá bỏ nền móng của xã hội cũ. Công việc đó giai cấp công nhân lại chỉ mới bắt tay làm lần đầu.
Dù sao, tình hình cũng đã khác trước. Cách mạng đã giành được chính quyền. Chính quyền đã cung cấp cho cách mạng những phương tiện, những khả năng mới để giữ gìn nó.
Vấn đề đặt ra cấp bách lúc này là phải củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng.
Từ thượng tuần tháng Chín, nhiều sắc lệnh, nghị định của Chính phủ lâm thời được ban hành.
Hệ thống quan lại cũ bị giải tán. Bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến bị hoàn toàn đập tan. Chính phủ quyết định sẽ mở tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc dân đại hội. Tiếp theo đó, là sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp theo lối phổ thông đầu phiếu. Hội đồng nhân dân sẽ do chính nhân dân lựa chọn, trực tiếp bầu ra. Đó là cơ quan thay mặt cho dân. Uỷ ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân, vừa thay mặt cho Chính phủ. Qua những cuộc bầu cử này, chính quyền nhân dân được củng cố vững chắc ở cơ sở vừa mở rộng khối đoàn kết của toàn dân, vừa bảo đảm sự thực hiện công nông chuyên chính.
Bản dự án Hiến pháp được công bố, để mỗi công dân đều có thể đóng góp ý kiến của mình vào Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Chính phủ quyết định địa chủ phải giảm tô 25%. Tất cả những món nợ lâu đời ở nông thôn đều xoá bỏ.
Chế độ lao động ngày làm tám giờ được ban hành. Chủ xí nghiệp, chủ hãng buôn phải báo trước khi thải công nhân; tiền phụ cấp cho công nhân bị thải hồi được ấn định. Công nhân có quyền theo học các lớp huấn luyện quân sự và được hướng lương trong thời gian học tập.
Việc học chữ quốc ngữ trở thành bắt buộc và không mất tiền. Một sắc lệnh đặt ra Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam, lập cho thợ thuyền và nông dân những lớp học bình dân buổi tối, bỏ tiền thi và tiền học ở tất cả các bậc.
Ngay từ đầu tháng Chín, thuế thân, thứ thuế thực dân Pháp đánh hằng năm vào đầu mỗi người từ mười tám tuổi trở lên, cùng với nhiều thứ thuế vô lí khác đều bị bãi bỏ.
Trong tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, Chính phủ làm thế nào có tiền để giải quyết các khoản chi phí cần thiết, nhất là những chi phí to lớ về quốc phòng?
Trước mắt, chỉ còn trông vào sự đóng góp tự nguyện của đồng bào.
Ngày 4 tháng Chín, Chính phủ lập Quỹ Độc lập.
Một tuần lễ sau, Bác kêu gọi đồng bào cả nước tích cực hưởng ứng Tuần lễ vàng. Nhiều người sốt sắng đem tới góp cả những vật kỉ niệm thân thiết nhất của mình. Đó là đôi khuyên của một bà cụ đã sắm từ ngày còn con gái. Đó là hai chiếc nhẫn cưới của một cặp vợ chồng. Một cụ già tám mươi tuổi mang tới một gói lụa điều, bên trong là nén vàng gia bảo nặng mười bảy lạng. Có gia đình quyên góp toàn bộ tư trang của những người trong nhà.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các tầng lớp nhân dân đã quyên góp vào Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng được hai mươi triệu đồng và ba trăm bảy mươi ki-lô-gam vàng.
Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm đến việc xác định mối quan hệ giữa những người làm việc trong bộ máy chính quyền mới với nhân dân. Tháng Mười, trong bức thư gửi cho các Uỷ ban nhân dân ở các tỉnh, huyện và làng, Người viết: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng là đầy tớ của dân”. Ngày xưa, Trần Hưng Đạo khuyên vua chước giữ nước hay hơn cả là “lúc bình thời, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”. Nguyễn Trãi chê Hồ Quý Ly để mất nước vì chỉ biết đóng cọc ngăn sông cản giặc, mà không biết lấy sức dân làm trọng. Các đấng anh hùng dân tộc lập nên công lớn, đều rất coi trọng sức dân để giữ nước, chống giặc.
Ngày nay, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người nói: Phải “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”. Khác với người xưa, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: Làm những việc đó là “để mưu hạnh phúc cho dân”.
Trong thư gìn cho các Uỷ ban nhân dân, Người viết: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lí gì”. “Hạnh phúc cho dân”, đó là điều Người đã nêu lên trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Hạnh phúc mà Người muốn đem lại cho dân là một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc đó không chỉ ở những thành quả mà hôm nay cách mạng vừa đem lại cho toàn dân. Hạnh phúc đó còn đang tiếp tục đến với nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh để tiêu diệt tận cùng nguồn gốc mọi nỗi khổ đau của con người, xây dựng nên một xã hội mà mọi hiện tượng người bóc lột người đều hoàn toàn bị xoá bỏ. Trong cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, Đảng và Hồ Chủ tịch đã chọn cho nhân dân ta một con đường ngắn nhất.
“Hạnh phúc cho dân”, đó là mục đích của việc giành lấy chính quyền và giữ vững, bảo vệ chính quyền ấy. Đó là lí tưởng của Người. Đó cũng là tấm lòng của Người.
Trong bức thư gửi cho các Uỷ ban nhân dân, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra một số khuyết điểm của những người làm việc tại các cơ quan chính quyền như là: trái phép, cậy thế, tư túng, kiêu ngạo,… Người kết thúc lá thư: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích cửa nước nhà mà tôi phải nói: chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng…”.
Tháng Chạp, Bác viết một bài Tự phê bình cho đăng lên các báo.
“Vì yêu mến tôi và tin cậy tôi mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân…
Tuy ta tranh được quyền độc lập đã năm tháng, song các nước chưa công nhận ta.
Tuy các chiến sĩ ta đánh rất oanh liệt, song kháng chiến chưa thắng lợi.
Tuy những người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô nhũng lạm chưa quét sạch.
Tuy Chính phủ ra sức chỉnh đốn, song nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào nền nếp.
Có thể cho rằng những khuyết điểm đó vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này lẽ khác.
Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi…”.
Người dân lao động bình thường đã nhận thấy rõ Nhà nước hôm nay đúng là Nhà nước của mình. Đây là một điều hết sức mới lạ. Trong lịch sử đất nước, những triều đình phong kiến, những bộ máy đô hộ bao giờ cũng là công cụ của một số ít, những kẻ cầm quyền thuộc giai cấp bóc lột, để thực hiện sự thống trị với số đông là dân, là những người lao động. Nó bao giờ cũng chỉ mang lại lợi ích cho số ít, và đem lại khổ nhục cho số đông. Ngày nay, Nhà nước đã trở thành của số đông, của nhân dân lao động. Nó đang hằng ngày, hằng giờ bảo vệ quyền lợi và mang lại hạnh phúc cho dân. Những gì hiện nay nó chưa làm được, thì nhất định nó sẽ làm được trong tương lai.
Đồng bào ta đã nhận thấy ở Bác Hồ, hình ảnh tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước, của cách mạng, của chính quyền mới, chế độ mới.
Cùng tìm hiểu nội dung 🍀Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông🍀 Sơ Đồ Tư Duy, Các Mẫu Phân Tích Hay
Về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
Sau đây là vài nét Về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp:
- Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyên Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
- Ông bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 1925 và là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Tháng 12/1944, ông được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
- Tháng 8/1945, ông là Ủy viên Ủy ban Quân sự Bắc kì, là thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
- Cách mạng tháng Tám thành công, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
- Năm 1948, ông được phong hàm Đại tướng, là Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam.
- Ông từng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
- Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (1951 – 1982), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946 – 1980), Phó thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1978 – 1992).
- Với tầm tư tưởng và tầm văn hóa lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tái hiện những chặng đường lịch sử của dân tộc trong nhiều tác phẩm hồi kí (do người khác ghi lại): Những năm tháng không thể nào quên (1970); Chiến đấu trong vòng vây (1978); Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử (1944),…
=> Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời ông luôn song hành cũng những chặng đường lịch sử của dân tộc trong thế kỉ XX.
Mời bạn xem thêm nội dung ❤️️ Người Lái Đò Sông Đà ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Nghệ Thuật
Hoàn Cảnh Sáng Tác Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới
Tiếp theo là thông tin về Hoàn Cảnh Sáng Tác Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới.
Tác phẩm nằm trong chương XII của tập hồi kí Những năm tháng không thể nào quên (do nhà văn Hữu Mai thể hiện, tên bài do người biên soạn đặt).
Năm 1970 – những năm tháng gay go của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác giả hồi tưởng lại và ghi chép lại những sự kiện lịch sử trọng yếu có tính chất bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến những ngày đầu năm 1970.
Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới
Cùng Thohay.vn tìm hiểu Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới bên dưới.
Nhan đề “Những ngày đầu của nước Việt Nam mới” nói lên những thay đổi của nước ta trong giai đoạn mới. Người đọc phần nào mường tượng ra được những sự kiện lịch sử quan trọng của nước Việt Nam ở vào một thời điểm trọng đại, một giai đoạn đầy khó khăn và vinh quang của đất nước.
Nhan đề cũng phần nào thể hiện mọi mặt khó khăn, nguy nan của nước Việt Nam mới. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với khó khăn chồng chất, “nằm giữa bốn bề hùm sói, phải tự dốc sức mình đấu tranh dũng cảm, mưu trí, phải tìm mọi cách để sống còn”.
Xem nội dung tác phẩm 🌷Dọn Về Làng 🌷 đầy đủ nhất
Giá Trị Nghệ Thuật Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới
Sau đây là những Giá Trị Nghệ Thuật Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới.
- Hồi kí mang đậm dấu ấn cá nhân đặc biệt của đại tướng Võ Nguyên Giáp (đặc biệt bởi yếu tố cá nhân của đại tướng hòa nhập với cái chung của Đảng, của nhân dân đất nước).
- Cách trần thuật và nêu cảm nghĩ xuất phát từ vị trí và điểm nhìn của đại tướng, người đại diện cho bộ máy lãnh đạo của Đảng, đại diện cho nhân dân, dân tộc nên mang tầm khái quát lớn lao, mang tính chất toàn cảnh.
Sơ Đồ Tư Duy Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới
Cùng xem ngay các Sơ Đồ Tư Duy Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới.
Có thể bạn sẽ yêu thích tác phẩm ✨Bài Thơ Bác Ơi✨ Giá Trị Nội Dung Và Nghệ Thuật
5 Mẫu Phân Tích Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới Hay Nhất
Cuối cùng, Thohay.vn xin tổng hợp cho bạn đọc 5 Mẫu Phân Tích Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới Hay Nhất.
Phân Tích Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới Hay Nhất – Mẫu 1
“Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những hồi kí cách mạng đặc sắc nhất, độc đáo nhất. Những sự kiện chính trị, những mẩu chuyện lịch sử… được tác giả kể lại, bình luận và đánh giá đã thể hiện tầm vóc vĩ đại của nhân dân ta, của Đảng ta và Bác Hồ trong những năm đầu nhà nước công nông bị bao vây bởi thù trong giặc ngoài.
Cuốn hồi kí đã thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường, nhân cách văn hóa của một vị tướng tài ba khi tái hiện những năm tháng không thể nào quên ấy. Tác phẩm này được tác giả viết từ mùa xuân năm 1970 và hoàn thành vào mùa xuân năm 1972.
“Những ngày đầu của nước Việt Nam mới” trích ở chương XII, phần thứ nhất cuốn hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên“. Đoạn đầu, tác giả dùng phép so sánh để nhận diện và đánh giá một chặng đường lịch sử 25 năm (1945-1970) của đất nước ta, dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch.
Đã rất xa, cái ngày mà nước Việt Nam chúng ta chưa có tên trên bản đồ thế giới. Tổ quốc ta có mấy ngàn năm lịch sử cùng với hai nước láng giềng Căm-pu-chia, Lào “mang một cái tên mơ hồ” do bọn thực dân đặt ra: Ấn-độ-chi-na thuộc Pháp.
Cũng đã xa rồi, cái ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn là “một hòn đảo tự do” hiện lên giữa “những lớp sóng cồn trên biển cả mênh mông” của chủ nghĩa tư bản ở miền Đông Nam châu Á, khi mà “anh em bè bạn còn chưa mấy ai nhận ra ta “…
Ngày nay (năm 1970) thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc đã qua. Mỗi hành động kẻ cướp của chúng trên bán đảo Đông Dương đều “không tránh khỏi bị trừng phạt”; mỗi tội ác của chúng gây ra tại đây đều “động tới lương tri, tình cảm” của hàng trăm triệu con người trên trái đất; mọi cách tô son trát phấn của chủ nghĩa thực dân đối với bọn ngụy quyền tay sai “đều hoài công, vô ích”.
Tiếp đó, tác giả nêu lên một số sự kiện lịch sử như sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lập tức được sự hân hoan chào đón của cả loài người tiến bộ từ lâu. Sự thành lập Chính phủ vương đoàn kết dân tộc Căm-pu-chia được hàng chục nước gần xa công nhận, để chỉ ra hiện thực cách mạng vô cùng tươi sáng, lạc quan “ngày nay”.
Tác giả nhắc lại “bóng ma trong dĩ vãng” của mấy trăm vạn quân Quốc dân đảng Trung Hoa, “những ngày tàn” của Tưởng Giới Thạch trên đảo Đài Loan để chỉ ra sự thay đổi lớn lao của thế và lực cách mạng mà “ta thật khó hình dung lại những giờ phút hiểm nghèo khi gần hai chục vạn quân Tưởng từ mấy ngả ập vào miền Bắc”.
Tác giả trang hồi kí đã mở ra trước mắt chúng ta một bức tranh về chặng đường lịch sử cách mạng Việt Nam. Những tương phản so sánh được nêu lên đầy ấn tượng, tạo ra cảm hứng lạc quan, tin tưởng, tự hào trong lòng độc giả mỗi chúng ta.
Đoạn thứ hai, tác giả nhắc lại muôn vàn khó khăn mà cách mạng và nhân dân ta phải trải qua trong những ngày đầu. Đảng ta mới mười lăm tuổi đã giành được chính quyền, đã đem lại mùa xuân trên dải đất ông cha để lại, nhưng tin vui đó “chưa thể báo với bạn bè xa gần một cách trọn vẹn”.
Nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa mới sinh “nằm giữa bốn bề hùm sói” phải mưu trí, dũng cảm đấu tranh để “sống còn”, phải tìm dùng những phương pháp đau đớn “để cứu vãn tình thế”.
Về chính trị còn quá nhiều khó khăn. Tuy đã qua thời kì “ẩn náu, lẩn tránh, về sống giữa đồng bào” nhưng mọi hoạt động của Đảng “vẫn tiến hành theo phương thức bí mật”; những cán bộ của Đảng “chưa ra làm việc công khai”; hầu hết các đảng viên đều công tác “dưới danh nghĩa những cán bộ Việt Minh”, thế mà, “kẻ thù vẫn nhận ra ta”.
Chính quyền cách mạng được thành lập nhiều ngày “vẫn chưa được nước nào công nhận”. Bọn tướng lĩnh Tưởng Giới Thạch coi chính quyền của ta là chính quyền “chỉ tồn tại trên thực tế”, không phải là một chính quyền “tồn tại về pháp lí”.
Tình hình kinh tế hết sức khó khăn; ruộng đất bỏ hoang, nạn hạn hán, lụt lội kéo dài, một số nhà máy Nhật trao trả chưa thể cho chạy được, hàng hóa khan hiếm, việc buôn bán với nước ngoài đình trệ.
Về tài chính, ta chưa phát hành được tiền Việt Nam; kho bạc giành được chỉ có một triệu bạc rách; Ngân hàng Đông Dương “luôn gây rối loạn về mặt tiền tệ”; bọn Tưởng tung rất nhiều tiền Quan kim, làm cho tài chính và việc buôn bán của ta “càng nguy ngập”.
Đời sống của nhân dân ta rất thấp và khó khăn: không có công ăn việc làm, nhiều nơi đồng bào phải ăn cháo, lác đác có người chết đói, dịch tả phát sinh; quân Tưởng lại đem thêm vào dịch chấy rận.
Cuộc xâm lăng của giặc Pháp “nổ ra rất sớm” tại Nam Bộ làm cho tất cả mọi khó khăn của đất nước và dân tộc “thêm trầm trọng” làm cho vận mệnh Tổ quốc ta đã có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Có lúc người đọc chúng ta ngày nay, sau hơn nửa thế kỉ cảm thấy nghẹt thở khi đọc đoạn hồi kí trên đây.
Đó là một thời kì vô cùng khó khăn mà “con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới”. Tác giả đã truyền cho thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau biết được một cách cụ thể về những khó khăn hiểm nghèo mà Bác Hồ và cha anh chúng ta phải gánh chịu, phải đối phó vượt qua để “sống còn”.
Đoạn thứ ba nói về sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ để chiến thắng mọi khó khăn, thử thách. Cách mạng đã giành được chính quyền, dù “mới bắt tay làm lần đầu”, nhưng tình hình đó “đã khác trước”. Ta phải “củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng” đó là vấn đề cấp bách.
Từ thượng tuần tháng Chín (năm 1945), Chính phủ lâm thời ban hành nhiều sắc lệnh, nghị định. Tác giả đã kể lại những việc làm to lớn của chính quyền cách mạng trong những ngày tháng khó khăn ấy. Giải tán hệ thống quan lại cũ, đập tan hoàn toàn bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến, quyết định sẽ mở tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc dân đại hội (Quốc hội), ra sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, tất cả do “chính nhân dân lựa chọn, trực tiếp bầu ra”.
Nhờ đó mà chính quyền nhân dân được “củng cố vững chắc ở cơ sở”, khối đoàn kết của toàn dân được “mở rộng” thực hiện “công nông chuyên chính”.
Bản dự án Hiến pháp đầu tiên được công bố để toàn dân đóng góp ý kiến vào Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ ra sắc lệnh giảm tô 25%; xóa bỏ tất cả các món nợ lâu đời ở nông thôn; ban hành chế độ ngày làm tám giờ; công nhân có quyền theo học các lớp huấn luyện quân sự, v.v…
Sắc lệnh đặt ra Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam. Việc học chữ quốc ngữ trở thành bắt buộc và không mất tiền. Thuế thân và nhiều thứ thuế vô lí do chính quyền thực dân đặt ra trước đây “đều bị bãi bỏ”.
Ngày 4 tháng 9, Chính phủ lập Quỹ Độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng. Có biết bao nghĩa cử cao quý cảm động, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được hai mươi triệu đồng và ba trăm bảy mươi ki-lô vàng.
Qua đó, ta thấy sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ, nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước của nhân dân ta được khơi dậy, tạo nên một sức mạnh phi thường. Đặc biệt, cách mạng đã mang lại quyền tự do dân chủ, quyền công dân cho cả dân tộc. Hơn bao giờ hết, cách mạng và chính quyền cách mạng là của dân, do dân và vì dân.
Đoạn thứ tư, tác giả nói về vai trò của Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng và của dân tộc. Viết thư gửi Uỷ ban nhân dân ở các tỉnh, huyện và làng, Người nhắc: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng là đầy tớ của dân”.
Người kêu gọi: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người nói: Phải “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân” để mưu cầu “hạnh phúc cho dân”, để đem lại “một niềm hạnh phúc trọn vẹn” cho dân. Đại tướng cho biết: “Hạnh phúc cho dân” là “lí tưởng của Người”, là “tấm lòng của Người”.
Hạnh phúc cho dân là mục tiêu cao cả và thiêng liêng mà chính quyền cách mạng phải phấn đấu, bởi lẽ như Người đã nói: “Nước độc lập mà dân không được hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lí gì”.
Trong bài báo Tự phê bình, Người chỉ ra bốn khuyết điểm của chính quyền cách mạng, rồi Người chân thành nói: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi”. Tác giả hồi kí đã phân tích và bình luận mới quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và chính quyền cách mạng với nhân dân.
Nhân dân lao động “đã nhận thấy rõ Nhà nước hôm nay đúng là Nhà nước của mình”; Nhà nước “đang hằng ngày, hằng giờ bảo vệ quyền lợi và mang lại hạnh phúc cho dân”. Và nhân dân tin tưởng “Những gì hiện nay nó chưa làm được, thì nhất định nó sẽ làm được trong tương lai”.
Kết thúc chương XII, Đại tướng đã dành những lời tốt đẹp nhất nói về tấm lòng của nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu: “Đồng bào đã nhận thấy ở Bác Hồ, hình ảnh tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước của cách mạng, của chính quyền mới, chế độ mới”.
Hồi kí thường mang đậm dấu ấn cá nhân; người viết hồi kí thường sử dụng phương thức biểu đạt tự sự để kể lại những gì mình đã tham dự, đã sống và hành động, những tâm sự, tình cảm của mình trong quá khứ. Do đó, hồi kí phải hết sức chân thực.
Hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang đậm dấu ấn dân tộc và chính quyền cách mạng. Tác giả đã sử dụng các phương thức hồi tưởng, tự sự kết hợp với phân tích, bình luận, đánh giá các sự kiện cách mạng và lịch sử.
Chủ thể trữ tình trong bản hồi kí của Đại tướng là dân ta, Đảng ta, Bác Hồ; thấp thoáng mới thấy nhân vật trữ tình “tôi” xuất hiện. Màu sắc kí sự, biên niên sử là nét riêng, màu sắc riêng làm nên tính độc đáo “Những năm tháng không thể nào quên”.
Niềm tự hào về Đảng ta, nhân dân ta, lòng yêu kính và biết ơn Bác Hồ vĩ đại là những tình cảm đẹp nhất, sâu sắc nhất tỏa sáng trên từng trang hồi kí. Sự trầm tĩnh và khiêm tốn của tác giả là nét đẹp tâm hồn của vị tướng tài ba – tác giả “Những năm tháng không thể nào quên“, làm người đọc gần xa thêm phần ngưỡng mộ.
Phân Tích Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới Đặc Sắc – Mẫu 2
Đoạn hồi kí Những ngày đầu của nước Việt Nam mới của đại tướng Võ Nguyên Giáp giống như những trang biên niên sử ghi lại những năm tháng không thể nào quên của đất nước. Nước Việt Nam mới khai sinh đã phải đương đầu với bao khó khăn, nguy nan nằm giữa bốn bề hùm sói, phải tự dốc mình đấu tranh dũng cảm, mưu trí phải tìm mọi cách để sống còn”.
Việc quan trọng trước hết là phải củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, giải tán chính quyền cũ (chính quyền của thực dân phong kiến) xây dựng bộ máy chính quyền mới, từ chính quyền cơ sở là Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính đến Trung ương là Quốc dân đại hội, toàn dân đóng góp ý kiến cho dự án Hiến pháp.
Chính quyền mới phải làm tất cả mọi việc “để mưu cầu hạnh phúc cho dân”. Bác viết: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập không có nghĩa lí gì”. Tác giả đã khái quát rất sâu sắc: “Hạnh phúc cho dân đó là mục đích của việc giành lấy chính quyền và giữ vững chính quyền ấy.
Đó là lí tưởng của Người, là tấm lòng của Người”. Bác đưa ra chủ trương kiên quyết chống lại những biểu hiện tiêu cực, khuyết điểm của những người làm việc tại các cơ quan. Bác viết bài tự phê bình cho đăng trên các báo, vạch ra “cái tệ tham ô nhũng lạm” và nói thành thật: “ những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là một tội lỗi chúng tôi”.
Vì những lẽ đó có thể nói như tác giả hồi kí: “Đồng bào ta đã nhận thấy ở Bác Hồ, hình tượng tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước, của cách mạng…”.
Phân Tích Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới Tiêu Biểu – Mẫu 3
Điểm nhìn hiện tại là bối cảnh đất nước năm 1970, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. So với 25 năm trước thì tuy khó khăn nhưng thế và lực của ta đã khác.
Năm 1945 là “thời kì làm mưa, làm gió của chủ nghĩa đế quốc”, “gần hai chục vạn quân Tưởng từ mấy ngả ập vào miền Bắc”; còn bây giờ (1970), “mỗi hành động kẻ cướp… không tránh khỏi bị trừng phạt”, mọi cách tô son trát phấn của đế quốc Mĩ với bọn ngụy quyền tay sai ở miền Nam đều “hoàn công vô ích”.
Năm 1945, nước Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới, cả Đông Dương khi đó mang tên Indo-China (vùng giáp giới Ấn Độ – Trung Quốc) thuộc Pháp; còn bây giờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã là một nước tự do.
Nước Việt Nam mới vừa khai sinh đã phải đương đầu với bao khó khăn, nguy nan “nằm giữa bốn bể hùm sói, phải tự dốc sức mình đấu tranh dũng cảm, mưu trí, phải tìm mọi cách để sống còn”. Đảng phải hoạt động bí mật, các Đảng viên đều công tác dưới danh nghĩa những cán bộ Việt Minh.
Chính quyền cách mạng mới, “chưa được nước nào công nhận”. Kinh tế hết sức khó khăn: Ruộng đất vẫn trong tay địa chủ, bão lụt, hạn hán liên miên, buôn bán với nước ngoài đình trệ, hàng hóa khan hiếm, ngân khố chỉ còn một triệu bạc rách. Nạn thất nghiệp tăng, nạn đói, dịch tả phát sinh trở lại. Đúng là tình thế “ngàn cân treo sởi tóc”.
Đúng lúc ấy, tiếng súng xâm lược của bọn Pháp đã vang lên ở Nam Bộ làm cho khó khăn “càng thêm trầm trọng”. Đây là thách thức quá lớn đối với chính quyền cách mạng đang còn rất non trẻ.
Việc quan trọng là phải củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, giải tán chính quyền cũ, thi hành một số chính sách mới: địa chủ phải giảm tô 25%, xóa nợ cho nông dân, toàn dân tăng cường học chữ quốc ngữ, học tập thi cử đều miễn phí, động viên tinh thần đóng góp trong nhân dân, lập “Quỹ Độc lập”, kêu gọi đồng bào hưởng ứng “Tuần lễ vàng”. Nội lực của nước Việt Nam mới được nâng lên nhanh chóng.
Gây ấn tượng mạnh là hình ảnh Bác Hồ, người đứng đầu bộ máy lãnh đạo Đảng và Chính phủ, người cầm lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng to gió lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho ta thấy một nét đẹp ngời sáng và cao cả của Bác là toàn tâm toàn ý vì dân, vì nước: “Ở Người, mọi vấn đề, mọi chuyện của Đảng, của nước, của dân đều trở thành những rung động sâu xa trong tình cảm”.
Để chính quyền mới có thể tồn tại và lớn mạnh dần, Bác chủ trương xây dựng “mối quan hệ giữa những người làm việc trong bộ máy chính quyền mới với nhân dân”. Bác đề ra ba mục tiêu quan trọng “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, muốn thế phải dựa vào lực lượng và tinh thần của dân.
Điểm nhìn trần thuật giúp cho quyển hồi kí tái hiện lịch sử những nét lớn, những bức tranh toàn cảnh, tổng thể, đồng thời lại có sự đánh giá, bình luận tâm khái quát hết sức sâu sắc. Phần trích học tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, thử thách với toàn Đảng toàn dân ta, đó là Những ngày đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Phân Tích Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới Chọn Lọc – Mẫu 4
Những năm tháng không thể nào quên là một cuốn hồi kí của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, được nhà văn Hữu Mai thể hiện. Cuốn hồi kí này không nhằm tự thuật về cuộc đời tác giả mà hướng tới tái hiện những những sự kiện trọng yếu, những biến cố có tính chất bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam hiện đại từ những ngày sục sôi trước Cách mạng tháng Tám đến những ngày gay go, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đoạn trích tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, thử thách với toàn Đảng, toàn dân ta trong thời kì trứng nước của nền độc lập, tự chủ của dân tộc. .
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ vừa thành lập đã rơi vào tình thế vô cùng hiểm nghèo. Đất nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, hàng chục vạn quân Tàu Tưởng ập vào miền Bắc, thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc lan rộng.
Trong khi đó, do chiến tranh kéo dài và sự bóc lột của bè lũ thực dân – phát xít, ruộng đất bỏ hoang, hạn hán, lũ lụt kéo dài, nhà máy ngừng hoạt động, buôn bán đình trệ.
Không chùn bước trước khó khăn, Chính phủ lập tức thực hiện nhiều biện pháp để đưa nước nhà vượt qua thời khắc gian khó đó. Ngay lập tức tiến hành mở tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc dân đại hội, chuẩn bị ra Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Song song với việc tái hiện các sự kiện, biến cố, hồi kí còn khắc hoạ những con người tiêu biểu của thời hiện đại, từ những người bình thường, đến những con người lỗi lạc, từng đảm nhiệm chức vụ quan. trọng của Đảng và Nhà nước.
Hình tượng nổi lên ấn tượng và hấp dẫn người đọc của đoạn trích là hình ảnh Bác Hồ kính yêu, người đứng đầu bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Để xây dựng chính quyền mới thật vững mạnh, Bác Hồ đã kêu gọi toàn thể cán bộ phải kiên quyết chống lại các biểu hiện tiêu cực, phải nhận ra những khuyết điểm. Bác cũng viết bài Tự phê bình cho đăng trên các báo lúc bấy giờ. Trong đó Người cực lực phê phán thói quan liêu, tham nhũng.
Bản hồi kí thể hiện niềm lạc quan tin tưởng của vị đại tướng tài ba vào đường lối cách mạng đúng đắn của dân tộc. Sẽ không có bất kì một trở lực nào, bất kì một khó khăn nào có thể ngăn cản dân tộc ta trên bước đường đi tới và làm nên chiến thắng.
Phân Tích Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới Ấn Tượng – Mẫu 5
Năm 1970, thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ đang diễn ra vô cùng gay go, ác liệt, tác giả trở lại thời điểm đất nước ta năm 1945. Đó là thời điểm đất nước ta rơi vào tình thế vô cùng hiểm nghèo. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ vừa thành lập, nước Việt Nam chưa có mặt trên bản đồ thế giới, hàng chục vạn quân Tưởng ập vào miền Bắc, thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng hiện tại đã khác trước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã là một nước độc lập, Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam vừa ra đời đã được loài người tiến bộ trên thế giới chào đón. Thế và lực của chúng ta đã khác xa trước đây 25 năm, dân tộc ta đã có thể đứng vững mạnh và hiên ngang.
Những khó khăn mọi mặt trong buổi đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Mọi hoạt động của Đảng vẫn tiến hành theo phương thức bí mật. Chính quyền thành lập nhiều ngày nhưng “chưa được nước nào công nhận”. Tình hình kinh tế, tài chính hết sức khó khăn. Đời sống nhân dân xuống thấp, dịch bệnh hoành hành. Càng khó khăn hơn nữa cho ta là tiếng súng của Pháp đã rung lên ở Nam bộ.
Trước muôn vàn khó khăn, Đảng và chính phủ ta đã có những quyết sách hết sức đúng đắn, sáng suốt, những biện pháp tích cực để đưa đất nước qua cơn nguy biến. Đó là việc xây dựng bộ máy chính quyền mới, chính quyền của nhân dân. Thi hành chính sách mới về kinh tế – văn hoá. Kêu gọi tinh thần yêu nước tự nguyện của nhân dân Có thể nói bằng hàng loạt chủ trương chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, nội lực của nước Việt Nam mới được nâng lên nhanh chóng.
Hình tượng nổi lên ấn tượng và gây ấn tượng người đọc của đoạn trích là hình ảnh Bác Hồ, người đã đứng đầu bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Nét đẹp ngời sáng nhất trong nhân cách Bác là sự toàn tâm, toàn ý phục vụ cho đất nước, cho nhân dân.
Với cái nhìn biện chứng của một nhà cách mạng mác-xít vĩ đại, Bác đã thấy rõ sự đứng vững và tồn tại lâu dài của Nhà nước mới, bởi Người đã xác định rõ đây là nhà nước của nhân dân. Bác viết: “Các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng là đầy tớ của nhân dân”. Bác đã đề ra ba mục tiêu quan trọng là “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.
Để xây dựng chính quyền mới vững mạnh, Bác kêu gọi toàn thể cán bộ phải kiên quyết chống lại những biểu hiện tiêu cực, phải nhận ra những khuyết điểm. Bác viết bài Tự phê bình cho đăng trên các báo lúc bấy giờ.
Với tấm lòng, với nhiệt huyết tất cả dành trọn cho nhân dân, cho dân tộc, hình ảnh Bác hiện lên vô cùng cao đẹp, rạng ngời trong lòng nhân dân.
Những năm tháng không thể nào quên không dừng lại là một hồi kí ghi lại những vấn đề liên quan đối với một đời người mà là tác phẩm liên quan đến vận mệnh của một quốc gia, dân tộc. Vì thế tác phẩm mang dáng dấp của một cuốn biên niên sử.
Tác giả đã đứng trên điểm nhìn của một người đại diện cho bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để nhìn lại những khó khăn cũng như những thành tựu xuất sắc của đường lối giữ nước thần tình của nhân dân ta. Hồi kí đã góp thêm một cái nhìn bổ sung để chúng ta càng cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn và tài năng của vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc: Bác Hồ kính yêu.
Xem thêm phân tích bài 🌿Sóng Xuân Quỳnh🌿 Nội Dung Bài Thơ, Tác Giả, Tác Phẩm