Vầng Trăng Quầng Lửa [Nội Dung Chùm Thơ + Phân Tích]

Vầng Trăng Quầng Lửa ❤️️ Nội Dung Chùm Thơ, Phân Tích ✅ Tìm Hiểu Về Nội Dung, Hoàn Cảnh Sáng Tác Và Ý Nghĩa Tập Thơ.

Nội Dung Tập Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa

Trong gia tài thơ ca của Phạm Tiến Duật thì tập thơ Vầng Trăng Quầng Lửa là một trong những tập thơ nổi tiếng nhất. Hãy cùng Thohay.vn tìm hiểu ngay nội dung, ý nghĩa tập thơ này sau đây nhé!

Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính

Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Tác giả: Phạm Tiến Duật

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Cái Cầu

Cái cầu
Tác giả:
Phạm Tiến Duật

Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu
Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu
Xe lửa sắp qua, thư cha nói thế,
Con cho mẹ xem – cho xem hơi lâu

Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê,
Nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ,
Con sáo sang sông bắc cầu ngọn gió.
Con kiến qua ngòi bắc cầu lá tre.

Yêu cái cầu vồng khi trời nổi gió
Bắc giữa trời cao, vệt xanh vệt đỏ,
Dưới gầm cầu vồng nhà máy mới xây
Trời sắp mưa khói trắng hơn mây.

Yêu cái cầu tre bắc qua sông máng
Mùa gặt con đi đón mẹ bên cầu:
Lúa hợp tác từng đoàn nặng gánh
Qua cầu tre, vàng cả dòng sâu

Yêu cái cầu treo lối sang bà ngoại
Như võng trên sông ru người qua lại,
Dưới cầu nhiều thuyền chở đá chở vôi;
Thuyền buồm đi ngược, thuyền thoi đi xuôi.

Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ
Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;
Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã
Con cứ gọi: cái cầu của cha.

Đèo Ngang

Đèo Ngang
Tác giả:
Phạm Tiến Duật

Pháo tàu địch đêm đêm nhằm bắn
Đèo vẫn nguyên lành nằm với biển reo
Nhà như lá đa rơi lưng chừng dốc
Sông suối từ đâu đổ xuống lưng đèo.

Đường nhằm hướng Nam,
Người nhằm hướng Nam,
Xe đạn nhằm hướng Nam vượt dốc.

Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang
Mà quên mất con đèo chạy dọc.

Gửi Em, Cô Thanh Niên Xung Phong

Gửi em, cô thanh niên xung phong
Tác giả:
Phạm Tiến Duật

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất

Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”
Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối

Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Ðất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim

Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Ðêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường

Cạnh giếng nước có bom từ trường
En không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy…

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới ta xây
Ðã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường xá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.

Nghe Em Hát Trong Rừng

Nghe em hát trong rừng
Tác giả:
Phạm Tiến Duật

Nghe em hát mà anh buồn cười
Nhịp với phách xem chừng sai cả
Mồ hôi em ướt đầm trên má
Anh với mọi người nhìn nhau khen hay.

Khu rừng già âm i tàu bay
Các chiến sĩ nhìn em đăm đắm
Mũ sắt lấm, áo ngoài cũng lấm
Mỗi khi cười bóng dáng cứ lung linh

Có lẽ vì khuôn mặt em xinh
Nên tiếng hát nhoè đi không nhớ nữa
Rồi trí nhớ lại bén bùng như lửa
Ẩn náu rất nhiều giọng hát ở xa xăm.

Giữa một vùng đất bụi khô rang
Em bỗng đến như dòng sông đầy nước
Trong nhà hầm hun đầy khói thuốc
Câu hát chành như võng đưa

Các chiến sĩ nghe em hát say sưa
Ngày mai ngày kia sẽ chuyện trò vô khối
Giữa những câu chuyện không đầu không cuối
Bao nhiêu người lại nhắc đến em.

Câu hát bay vòng qua đêm
Mai chiến sĩ lại ra cao điểm
Cuộc chiến đấu đang còn tiếp diễn
Em còn đi, rừng mở những gian hầm.

Tiếng hát bay vòng tháng năm
Ở đâu mà không cần tiếng hát
Nhưng giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc
Là những tâm hồn có nhạc ở bên trong.

Câu hát màu chi mà khuôn mặt màu hồng
Tiếng hát xa rồi, không nhớ nữa
Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa
Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa.

Nhớ

Nhớ
Tác giả:
Phạm Tiến Duật

Lời một chiến sỹ lái xe

Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

Tiếng bom ở Siêng Phan

Tiếng bom ở Siêng Phan
Tác giả:
Phạm Tiến Duật

Tôi ở xa Siêng Phan
Nghe bom dội đêm ngày
Ầm ì tiếng tàu bay
Vọng vào trong trí nhớ

Tôi đến gần Siêng Phan
Nghe bom ầm ầm nổ
Cỏ cây cũng chẳng yên
Tiếng bom như tiếng thú

Tôi đứng giữa Siêng Phan
Cao hơn tiếng bom là khe đá tiếng đàn
Tiếng mìn công binh phá đá
Tiếng điếu cày rít lên thong thả
Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường

Thế đấy giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ!

Tìm hiểu thêm về 🔰Thơ Phạm Tiến Duật 🔰Bên Cạnh Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa

h

Hoàn Cảnh Sáng Tác Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa

Chùm thơ Vầng trăng quầng lửa được Phạm Tiến Duật sáng tác trong những năm chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, đây là thời kì cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra ác liệt nhất. Tác giả đã lấy cảm hứng từ hiện thực cuộc sống chiến đấu để tạo nên tập thơ Vầng trăng quần lửa. Tập thơ này được xuất bản vào năm 1970.

Ý Nghĩa Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa

Chùm thơ Vầng trăng quầng lửa với các bài thơ lấy chất liệu từ cuộc sống thực tế với những con người, sự vật sự việc nơi chiến trường giúp cho người đọc hiểu hơn về cuộc sống của những chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ ác liệt. Từ đó thể hiện sự dũng cảm, lạc quan của những chiến sĩ Việt Nam ta.

Đọc hiểu tác phẩm🍃 Đi Thi Tự Vịnh [Nguyễn Công Trứ] 🍃 Ngoài Tập Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa

4 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa Hay Nhất

Chia sẻ cho bạn đọc một số mẫu cảm nhận về chùm thơ Vầng trăng quầng lửa hay nhất sau đây.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa Hay – Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính

Là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước, Phạm Tiến Duật đem đến cho người đọc sự vui tươi, hồn nhiên, tinh nghịch trong thơ ông. Bài thơ về tiểu đội xe không kính có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, dí dỏm làm nổi bật hình ảnh những anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn ngang tàng, ung dung và lạc quan yêu đời.

Không như các nhà thơ khác, Phạm Tiến Duật đã thể hiện tính cách khác người của mình ngay ở hai câu thơ mở đầu. Không mĩ lệ hoá, không dùng hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ để so sánh, không trau chuốt, không bóng bẩy, hình ảnh chiếc xe trong thơ Phạm Tiến Duật rất trần trụi, bình dị, không nguyên vẹn:

Không có kính không phải vì xe không có kính.

Đơn giản là vì “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” nên xe không còn nguyên vẹn nữa. Thế nhưng, chiếc xe không kính ấy vẫn băng băng ra chiến trường.

Chiếc xe đầy tự tin, không hề lo sợ trước bom đạn khủng khiếp của giặc Mĩ. Khác với những gì trần trụi bên ngoài, đây là một chiếc xe dũng cảm, hiên ngang. Xe vẫn băng ra tiền tuyến trên những đoạn đường đầy hiểm nguy. Có khác chăng đó là hình tượng những anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Vì xe không có kính nên các anh được tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Gió, sao trời, cánh chim, và cả bầu trời rộng cũng ùa vào buồng lái, hoà cùng nhịp thở nhộn nhịp của các anh:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.

Không có một sự ràng buộc hay rào cản nào ngăn cách các anh tiếp xúc với đất trời. Mà cả thiên nhiên cũng muốn hoà mình với khí thế ấy. Chính vì thế mà các anh có thể nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng một cách rất thoải mái, tự nhiên.

Không có kính thì điều kiện chiến đấu cũng thiếu thốn nhưng các anh vẫn yêu đời, vẫn tự tin vào chiến thắng. Các anh xem mọi trở ngại chỉ là dịp để thử thách bản thân:

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau, mặt lấm, cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Điệp cấu trúc “không có kính… ừ thì” chưa cần thể hiện tính cách ngàng tàng, bất chấp tất cả khó khăn. Không có kính chắn bụi thì đương nhiên phải có bụi bám lên tóc, nhưng các anh vẫn không lo, cứ để vậy mà nhìn nhau, mặt lấm, cười ha ha. Không có kính che mưa thì dĩ nhiên phải ướt áo, dù áo ướt nhưng các anh cũng mặc kệ, cứ để vậy mà lái tiếp bởi mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi. Các anh vẫn giữ cái tư thế ấy, hiên ngang mà sao yêu đời quá đi thôi! Dù có thiếu thốn, cực khổ đến đâu, các anh vẫn yêu thương, chia sẻ cho nhau tình yêu thương:

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Dường như trong chiến đấu gian khổ giúp chiến sĩ tôi rèn ý chí và giúp cho tình đồng đội của các anh thêm gắn bó, keo sơn. Dù vào sinh ra tử nhưng người lính vẫn hồn nhiên, vô tư và lạc quan tin tưởng. Chỉ một cái bắt tay qua khung kính vỡ rồi những cũng đủ gieo vào nhau những tình cảm tốt đẹp, các anh động viên nhau tiến bước quân hành. Tình cảm ấy đã làm các anh cảm thấy đầm ấm khi cùng chung tiểu đội:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Tiểu đội của các anh như một gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Ở đó có vẻ đẹp của sự sum họp, chan hoà. Các anh có chung một điểm tựa, tâm hồn nên gia đình ở chiến trường của các anh đều cùng chung một nhiệm vụ thiêng liêng. Các anh luôn tin tưởng vào tương lai đang chờ đợi phía trước. Câu thơ lại đi, lại đi trời xanh thêm với năm thanh bằng và điệp ngữ lại đi đã tạo nên một âm điệu thanh thản, nhẹ nhàng.

Điều làm nên sự chiến thắng của các anh chính là lòng yêu nước, là ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà:

Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cản trong xe có một trái tim.

Ở các anh có sự tương phản rõ rệt giữa vật chất và tinh thần, giữa bên ngoài và bên trong, giữa cái không có và cái có. Bom đạn kẻ thù đã làm cho xe không có rất nhiều. Không kính, không đèn, không mui nên chiếc xe đã trở nên trần trụi đến kì lạ, xe không còn nguyên vẹn…

Nhưng một thứ rất cần mà các anh đã có, đó là trái tim yêu nước. Trái tim đầy nhiệt thành cách mạng, sẽ chiến thắng những thiếu thốn về vật chất. Trái tim yêu nước đã điều khiển chiếc xe không nguyên vẹn ấy băng về phía trước, nơi miền Nam ruột thịt. Sức mạnh để xe băng mình ra trận chính là sức mạnh của trái tim người lính.

Với chất liệu hiện thực độc đáo, bài thơ thể hiện hình ảnh hào hùng của chiếc xe không kính, qua đó khắc hoạ nổi bật hình ảnh cao quí của người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứa nước.

Qua bài thơ, ta càng thấy rõ phẩm chất của người lính Trường Sơn: mộc mạc, giản dị và vĩ đại. Chúng ta càng biết ơn các anh. Thế hệ trẻ Việt Nam nguyện tiếp bước các anh gìn giữ Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa Chọn Lọc – Bài Thơ Tiếng Bom Ở Siêng Phan

Bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan (viết tháng 12 năm 1968 tại Seng Phan, in báo Văn nghệ năm 1969) của nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật đơn giản là nói về “tiếng bom” mà máy bay Mỹ ném xuống một trọng điểm trên đường Trường Sơn những năm chiến tranh ác liệt.

Từ xa: “Tôi từ xa Seng Phan/ Nghe bom dội đêm ngày/ Ầm ì tiếng tàu bay/ Vọng vào trong trí nhớ…”; đến gần: “Tôi đến gần Seng Phan/ Nghe cây ầm ầm đổ/ Cốc chén chẳng nằm yên/ Lung lay cả ngọn đèn/ Tiếng bom như tiếng thú…”, rồi đến nơi, đến giữa Seng Phan: “nghe tiếng bom rất nhỏ”!… Và, nhà thơ phát hiện ra một điều thật giản đơn ở đó có những người lính thân yêu đang bám trụ, lao động, chiến đấu:

Cao hơn tiếng bom là khe đá tiếng đàn
Tiếng mìn công binh phá đá
Tiếng điếu cày rít lên thong thả…
Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường…

Những năm ấy Đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Với hơn 150.000 trận đánh phá bằng không quân, trong đó sử dụng hàng vạn lần chiếc máy bay B-52, ném xuống tuyến đường hơn 4 triệu tấn bom đạn trong tổng số hơn 7 triệu tấn sử dụng trên toàn chiến trường Việt Nam, tiến hành trên 120 cuộc hành quân đánh phá, 1.235 vụ biệt kích…

Để mở đường 128, bộ đội tăng cường công binh, ngành giao thông vận tải huy động công nhân và các lực lượng làm đường cơ giới, điều lực lượng cơ giới mạnh nhất của Bộ đang thi công trên công trường Tây Bắc, cộng với xe máy tốt của các công trường khác hành quân cấp tốc vào ngã ba Làng Khăng, đầu đường 129 tuyến I. Vì nếu chậm thì túi nước Siêng Phan sẽ dâng, xe sẽ không thể vào được tuyến thi công.

Đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm và gian khổ. Cuộc chiến đấu ở trọng điểm Seng Phan giữa ta và địch trở nên khốc liệt. Người ta ví Seng Phan như một chảo lửa, như một túi bom!

Bài thơ nói lên ý chí của cả một dân tộc trong cuộc chiến đấu chung. Tác giả làm thơ cho mình nhưng cũng là làm thơ cho đồng đội, cho dân tộc mình. Thơ cũng là khẩu hiệu, là lời hiệu triệu: “Có những ngày vui sao/ cả nước lên đường” với những “Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” để rồi những câu thơ như reo lên suốt đường ra trận: “Ðường ra trận mùa này đẹp lắm” …

Người lính những năm tháng ấy ra trận bước vào cuộc chiến như vậy thật tự nguyện và lạc quan. Đó là sự thật! Sự thật đã có một thời như thế. Thời của “cái chết nhẹ như lông hồng”, thời “Giữa chiến trường, nghe tiếng bom rất nhỏ”…

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa Ngắn Gọn – Bài Thơ Cái Cầu

Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu
Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu
Xe lửa sắp qua, thư cha nói thế,
Con cho mẹ xem – cho xem hơi lâu

Ảnh cái cầu mà người cha gửi cho con là cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã. Đây là một cái cầu có vị trí quan trọng đặc biệt trên đường Bắc Nam. Trong chiến tranh, máy bay Mĩ luôn bắn phá cầu này nhằm chặn đường tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam.

Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê,
Nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ,
……..
Dưới cầu nhiều thuyền chở đá chở vôi;
Thuyền buồm đi ngược, thuyền thoi đi xuôi.

Từ chiếc cầu sắt bắc qua sông lớn, bạn nhỏ liên tưởng đến nhiều loại cầu: Cầu “tơ” của nhện, đó là hình ảnh nhện chăng tơ ; sợi tơ mỏng manh có thể giúp nhện đu từ bờ này qua bờ bên kia chum nước, chẳng khác gì cái cầu qua sông của con người.

Cầu “gió” của chim sáo, chim sáo lợi dụng ngọn gió để bay qua sông, cho nên gió cũng được nhìn như một cái cầu. Cầu “lá” của kiến, con kiến lợi dụng những lá tre rơi đặc mặt ngòi vào mùa lá rụng để bò từ bờ này sang bờ kia con ngòi.

Cầu treo của người bắc qua sông nhỏ hoặc kênh, rạch là cầu mà bạn nhỏ thường qua khi sang nhà ngoại. Cầu khó đi nhưng bạn nhỏ lại thấy thú vị như nằm võng, càng thích thú khi thấy dưới cầu là các loại thuyền xuôi ngược tấp nập.

Và cầu ao chỉ bắc từ bờ vươn ra mặt nước một đoạn dùng để rửa ráy, một loại cầu vô cùng quen thuộc, gần gũi ở làng quê ngày trước.

Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ
Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;
Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã
Con cứ gọi: cái cầu của cha.

Tóm lại, trí tưởng tượng của bạn nhỏ tạo liên tưởng đến nhiều cái cầu khác nhau. Có những liên tưởng ngộ nghĩnh: những chiếc cầu của nhện, của chim, của kiến. Mỗi loại cầu đều có vẻ độc đáo, đáng yêu. Nhưng bạn nhỏ yêu hơn cả là chiếc cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã. Vì chiếc cầu này do cha làm và là chiếc cầu chi viện cho miền Nam kháng chiến.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Chùm Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa Tiêu Biểu – Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong

“Gửi em cô thanh niên xung phong” là khúc tráng ca giàu tính nhân văn và lãng mạn cách mạng, là bài ca giàu tính sử thi, là vũ khí tinh thần cho tuổi trẻ lên đường chống Mĩ.

Con người sinh ra là để yêu, để sống, để học tập và cống hiến cho quê hương đất nước. Nếu như trong mỗi chúng ta không có tình yêu thì bầu trời này làm gì có mùa xuân ấm áp. Và những cô thanh niên xung phong xả thân dưới làn mưa bom của kẻ thù cũng là để giành lấy tình yêu bất diệt đó…! 

“Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất”

Đọc khổ thơ đầu, nếu như ai đó đã từng lăn lộn ở chiến trường thời chống Mĩ và đã từng yêu trong hoàn cảnh của chiến tranh thì sẽ lại càng đồng cảm với Phạm Tiến Duật, thương em gái thanh niên xung phong trong hoàn cảnh đó.

Khi gặp em gái thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật mới 27 tuổi, nếu ở giai đoạn bây giờ có lẽ nhà thơ 27 tuổi đã được nếm trải cảm giác nồng nàn thi vị của tình yêu… nhưng ở giai đoạn mà cả nước dốc lòng đánh Mĩ, thì thi vị của tình yêu là giọng nói, là cái liếc nhìn, là những kỉ niệm sâu xa…

“Có lẽ nào anh lại mê em?”, nhà thơ tự đặt cho mình một dấu chấm hỏi, dấu chấm hỏi đó là cái tình được giấu trong trái tim nồng nàn lãng mạn của tác giả: “Người tinh nghịch là anh dễ thân/ Bởi vì thế có em đứng gần/ Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn…”.

Thật tinh nghịch dễ thương bởi cái giọng Hà Tĩnh chân chất, mặn mà dễ cảm. Một hôm tối trời năm 1968, đoàn xe của đường dây vận tải 559 đi qua vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh thì gặp một đại đội thanh niên xung phong đang san lấp hố bom, một anh bộ đội trẻ, đẹp trai có cái sống mũi thẳng với giọng Bắc ngọt lịm hỏi cô gái thanh niên xung phong đứng gần nhất: “Quê em ở đâu?”. Cô gái trả lời: “Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch Nhọn enh nờ” (tức là anh ạ).

Bằng những cảm xúc chân thành khó tả trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra ác liệt, bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” ra đời và hình ảnh em gái thanh niên xung phong được tác giả mang đi khắp mọi miền của Tổ quốc.

“… Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn em cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”.

Ở đây, tác giả đã xây dựng một tình cảm thật trực tiếp và cũng rất gián tiếp, nhưng cốt lõi là một tình cảm lớn: “Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”.

Là một nhà thơ và là một phóng viên trở lại chiến trường miền Nam hay trở ra miền Bắc hậu phương, trên đường đi rất nguy hiểm, nhưng đối với cách mạng thì sự cống hiến đó, Phạm Tiến Duật cho là rất bình thường. Và con người đó là con người thật, vẫn biết cái chết là trở về cõi vĩnh hằng muôn thuở, nhưng trái tim vẫn rung lên khi gặp những âm thanh cùng nhịp đập: “Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”.

Tiếng ru ở đây là khát vọng sống, khát vọng tình yêu của một chiến sĩ tốt nghiệp Văn khoa, viết đơn tình nguyện vào chiến trường cầm bút để chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc: “Em ơi em hãy nghe anh hỏi/ Xong đoạn đường này các em làm đâu?”.

Lại một lần nữa tác giả không tự hỏi mình như khổ thơ trước mà lần này tác giả trực tiếp hỏi em gái thanh niên xung phong. Điều này đã minh chứng rõ nét trong muôn vàn sự vận động của tự nhiên đã có những vấn đề sinh học trùng hợp. Và:

“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều”.

Đọc đến đây, ta sẽ thấy hơn tình yêu cách mạng và sự tin tưởng vào thắng lợi ngày mai của cuộc kháng chiến ác liệt: “Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều”. Là thi sĩ, là phóng viên chiến trường, Phạm Tiến Duật đã đi và bất chấp hiểm nguy để đến với các đơn vị bộ đội, các đơn vị thanh niên xung phong và đã chứng kiến biết bao đau thương, hiểm nguy, gian khổ của những người lính, những em gái thanh niên xung phong tuổi đời mới mười tám đôi mươi.

Ông đã chứng minh được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của tuổi trẻ, nhưng hình ảnh em gái thanh niên xung phong ở Thạch Nhọn, Thạch Kim vẫn đau đáu trong tâm hồn ông: “Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều/ Những con đường như tình yêu mới mẻ/ Ðất rất hồng và người rất trẻ/ Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim”.

Giặc Mĩ ném xuống những con đường mỗi ngày hàng ngàn tấn bom đạn và sự hi sinh xương máu của thế hệ trẻ thanh niên xung phong không phải ít, nhưng điều gì để thi sĩ trẻ khẳng định: “Những con đường như tình yêu mới mẻ/ Ðất rất hồng và người rất trẻ”. Đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào chân lí Việt Nam sẽ thắng Mĩ.

Nhưng chúng ta không thể không rung cảm và có một sự đồng cảm lớn đối với thi sĩ, với em gái Thạch Nhọn, Thạch Kim: “Ðất rất hồng và người rất trẻ/ Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim”. Những câu thơ này buộc tôi phải nhắc lại nhiều lần mong được bạn đọc cảm thông bởi vì, những câu thơ nói lên tình cảm vô tư và bất diệt mà chỉ có thời chống Mĩ mới có.

Cái nhìn của Phạm Tiến Duật là cái nhìn về sự gian khổ đầy ắp, nhưng cũng là sức sống mãnh liệt của thế hệ trẻ, một thế hệ đã làm nên lịch sử không những ở Việt Nam mà đã làm rung chuyển cả lầu Năm Góc: “Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng, xoong nồi xủng xoảng/ Rực rỡ mặt đất bình minh/ Hấp hối chân trời pháo sáng/ Ðường trong tim anh in những dấu chân”.

Đế quốc Mĩ xâm lược có thể mạnh hơn ta gấp bội về sức mạnh bom đạn, nhưng sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh của chân lí, của lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước: “Rực rỡ mặt đất bình minh/ Hấp hối chân trời pháo sáng” và ta lại càng thương và quý trọng Phạm Tiến Duật: “Đường trong tim anh in những dấu chân”. Tác giả dùng cụm từ “hấp hối” để chỉ thế yếu của quân thù.

Thơ Phạm Tiến Duật rất có tố chất lãng mạn cách mạng, đọc những dòng thơ ông như đưa ta trở lại những kỉ niệm đẹp của một thời đã qua, cũng là tình cảm, tình yêu, lẽ sống, nhưng nó không nặng nề về những thứ vật chất phồn hoa. Nó “ngây thơ” trong trắng, nhưng sự “ngây thơ” trong trắng đó lại là hướng đi đúng đắn trên con đường chống Mĩ: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà”. 

Là một chiến sĩ cầm bút, ông có một tình thương yêu và sự quan sát tỉ mỉ về cuộc sống của những chiến sĩ thanh niên xung phong, “Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim” mà đã tạo cho ông một sức mạnh vĩ đại để nhìn, để viết, để thương: “Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa/ Thương em, thương em, thương em biết mấy…”. 

Thơ Phạm Tiến Duật không những có giá trị về Văn học mà còn có giá trị to lớn về Lịch sử, có lúc lại nghiêng về góc độ tự nhiên học để cho ta ngược dòng Lịch sử nhìn rõ về quá khứ và tương lai: “Ðã có độ dài hơn cả độ dài/ Của đường sá đời xưa để lại/ Sẽ ra về bao nhiêu cô gái/ Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ/ Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ/ Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất”.

Không thể nói hết sự hi sinh của các em gái, các thế hệ thanh niên xung phong và bây giờ ai còn ai mất…! Cũng có người trở về sống trong nỗi cô đơn …! Người nằm lại bên những hố bom năm xưa, nhưng ở đâu trên đất nước Việt Nam này, họ đều được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các thế hệ con cháu. Và bên nén hương thơm, họ vẫn vẳng nghe: “Ơi em gái chưa một lần rõ mặt/ Có lẽ nào anh lại mê em/ Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim/ Tên em đã thành tên chung anh gọi/ Em là cô thanh niên xung phong”.

Phạm Tiến Duật là một nhà thơ lớn viết rất nhiều về cuộc sống gian khổ, nhưng rất đẹp và đầy ắp yêu thương về cuộc kháng chiến chống Mĩ. “Gửi em cô thanh niên xung phong” là một trong những bài thơ đã đưa ông lên vị trí hàng đầu của nền thơ ca Việt Nam thời chống Mĩ. Với giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt IV năm 2012, thân thế và sự nghiệp của ông sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Tìm hiểu tác phẩm 🌿Chí Làm Trai [Nguyễn Công Trứ] 🌿 Bên Cạnh Tập Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa

Viết một bình luận