Bài Thơ Cổng Làng: Nội Dung + Cảm Nhận + Phân Tích

Bài Thơ Cổng Làng ❤️️ Nội Dung, Cảm Nhận, Phân Tích ✅ Ý Nghĩa Bài Thơ Cổng Làng.

Nội Dung Bài Thơ Cổng Làng

Tác giả: Bàng Bá Lân

Chiều hôm đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn.

Sáng hồng lơ lửng mây son,
Mặt trời thức giấc véo von chim chào.
Cổng làng rộng mở. Ồn ào,
Nông phu lững thững đi vào nắng mai.

Trưa hè bóng lặng nắng oi,
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con.
Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.

Những khi gió lạnh mưa buồn,
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn.
Nhưng khi trăng sáng chập chờn,
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.

Ngày mùa lúa chín thơm đưa…,
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng.
Mừng xuân ngày hội cổng làng,
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ.

Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng;
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng,
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.

Tuyển tập 👉Thơ Về Đình Làng, Con Đường Làng Quê ❤️️25+ Bài Thơ Hay.

Ý Nghĩa Bài Thơ Cổng Làng

Bài thơ “Cổng làng” của Nguyễn Bá Lân là một bài thơ về cảnh đời thôn quê, về cảnh cổng làng, nơi mà người dân địa phương chào đón khách thập phương, là điểm đầu tiên khi đặt chân đến làng, là ranh giới giữa các làng với nhau, giữa làng với không gian bên ngoài. Trải qua năm tháng, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới của làng, mà đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê. Bài thơ mang ý nghĩa ca ngợi vẻ đẹp của cảnh quan, của con người và tình yêu quê hương.

Mời bạn đọc thêm 💚Những Bài Thơ Ngắn Về Làng Quê💚35+ Bài Hay Nhất.

Những Phân Tích, Cảm Nhận Về Cảm Nhận Bài Thơ Cổng Làng

Mẫu 1

Đồng quê, vườn lượn chân trời/ Đường quê quanh quất bao người về thôn. Yêu quá hai tiếng quê, câu trên câu dưới song sóng điệp từ. Nó chả mới lạ gì, nhưng cứ anh ánh, nhoi nhói lên một nỗi niềm, dường như vời vợi xa xót. Đã có rồi đấy, lại bỏ rơi đâu đấy, bao giờ tìm được…

Còn hai tiếng “quanh quất” ở đây sao đắt giá vô chừng, quanh quất vừa đúng với hình ảnh những con đường quê rơm rạ nhỏ bé, lúc theo bờ ruộng, lúc men quanh ao, lúc lại luồn qua bụi cây hoang rậm rạp.

Nhưng “quanh quất” đâu chỉ đặc tả hình thể con đường, quanh quất đã thành trạng thái tình cảm, có một cái gì đó, như muốn dứt khoát ra mà không nỡ, lại cứ lòng vòng thương mến.

Quanh quất ấy lại gắn liền với hình ảnh bao người về thôn. Giá là ra khỏi thôn thì hỏng cả. Nhưng: Đường quê quanh quất bao người về thôn gợi đồng cảm bao nhiêu. Trong đoàn người lặng lẽ, mờ mờ ảo ảo kia, nghe như có cả mình trong ấy chăng? Có lẽ toàn bài thơ đã được cấu trúc quanh một nỗi niềm quanh quất như thế.

Như người thợ thêu tài hoa, khéo dấu mối chỉ, Bàng Bá Lân không ra mặt xưng tôi, ta, anh… nhưng người đọc vẫn nhận ra tác giả khi phong cảnh hiện lên. Trong lớp lớp hình ảnh nối tiếp đó có hai cuốn lịch thời gian đan xen nhau.

Một, cái thời gian biểu ngắn cho một ngày, đủ sáng trưa chiều tối. Một cuốn lịch dài suốt cả năm: Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Hai cuốn lịch ấy được gắn vào một cái cổng làng, được giở ra bất chợt, chẳng theo thứ tự bắt buộc nào. Chừng như thi sĩ muốn níu lấy cảnh đẹp giây phút thoáng qua, và còn muốn theo kịp mạch đập vĩnh cửu của âm dương xuân hạ.

Bàng Bá Lân trong Thi nhân Việt Nam được xếp vào nhóm nhà thơ của phong cảnh đồng quê. Trong bài Cổng làng thi sĩ đã làm trọn yêu cầu “Thi trung hữu họa”, trong thơ có hội họa khi vẽ liên tiếp những bức tứ bình với nhiều hòa sắc khác nhau: Trong sáng và rực rỡ thi cảnh:Cổng làng rộng mở ồn ào Nông phu lững thững đi vào nắng mai Nhịp thơ lục bát được cách tân, cho câu trước bắt mạch vào câu sau, tự nhiên bao nhiêu… Dầm dề, lặng lẽ buồn, thì cảnh:Những khi gió lạnh mưa buồn Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn Cảnh vắng, thì cổng làng được nhân hoá như người im ỉm. Và đường lội trơn như cũng có người nào ngậm tăm đang dò từng bước trong chữ “lội”. Bởi nói riêng về đường thì chỉ đường trơn cũng đủ… Cảnh trong thơ Bàng Bá Lân đều đượm tình và chắt lọc, gặp một lần là không dễ gì quên được. May mắn tuổi thơ tôi có được nhiều bài học thuộc lòng đáng quý như thế.

Hơn nửa thế kỷ qua đi, hôm nay đọc lại Cổng làng mà phong cảnh đã khác xưa. Những luỹ tre bao bọc quanh làng, nhiều nơi đã không còn nữa. Nhà cửa vượt khỏi thế thắt bó, đã tiến dần về phía các đường lớn. Cổng làng phần lớn chỉ còn ý nghĩa như một di tích. Còn cái di tích sống động nhất, lại phải tìm về thơ Bàng Bá Lân…

Mẫu 2

Quê hương – Hai tiếng nghe sao mà thương, mà nhớ.
Đề tài Quê hương có lẽ trong âm nhạc, mức độ phát huy hiệu quả không kém Văn chương. Ngay từ những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, trong khung cảnh Quê hương còn ’’binh lửa’’ , nhạc sĩ Hoàng Giác đã cho ra đời bài hát mà nét nhạc thấm đượm tình yêu quê hương, lời ca khơi dậy trong lòng người nghe nhớ thương da diết:
Ai qua miền quê binh khói
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi
Tôi vẫn mơ lùm tre xanh ngắt…
Một nhạc sĩ khác – tôi không nhớ tên – viết trong ca khúc Làng Tôi của ông:
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh, êm xuôi về nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên những hàng cau: Đồng quê mơ màng…
Hình như Nhạc sĩ Phạm Duy – viết về làng mình trong một ca khúc nói về Quê nghèo:
Làng tôi, không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng…
có lũy tre còm…
Nhạc sĩ Văn Cao lại viết về Làng mình theo cảm nghĩ của ông khi quê hương bị quân Pháp dày xéo:
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung…
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền một dòng sông
Nhưng thôi rồi…
Ngày giặc Pháp phá làng diệt thôn…
Và còn rất nhiều người viết về quê hương, khói lửa, chiến tranh liên miên hơn 30 năm… Khi đất nước hết cơn binh lửa, các nhạc sĩ lại tiếp tục đề tài muôn thuở – Quê hương.
Đổ Trung Quân viết bài thơ quê hương được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch dùng làm lời cho bài hát nổi tiếng cũng mang tựa đề – Quê Hương:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc…
Quê hương là con đò nhỏ…
Quê hương…
Quê hương…
Và gần đây nhất, nhạc sĩ Phó Đức Phương viết bài hát Về Quê, nét nhạc tha thiết, lời ca mộc mạc, giản dị mà rung động lòng người:
Theo em anh thì về, thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về…
Ơi quê ta bánh Đa, bánh Đúc
Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ đẹp bao giấc mơ
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng,
Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiêu
Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi…
Thế nhưng…
Thế nhưng: Chưa có bài thơ, bài hát nào gợi cho tôi nhớ về Làng tôi bằng bài thơ Cổng Làng của thi sĩ Bàng Bá Lân. (được nhà biên khảo Hoài Thanh đưa vào Thi Nhân Việt Nam xuất bản năm 1941).
Bởi vì cái cổng làng trong thơ của cụ đúng là cổng của làng tôi, mặc dù cụ quê ở đâu tôi không hề biết. Hình ảnh xung quanh chiếc Cổng làng chính là những hình ảnh mà tôi đã chứng kiến: Quả là vào một buổi chiều mùa thu cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi đã từng đứng hóng gió mát ở Cổng Làng như cụ Bàng miêu tả:
Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió Hiu hiu thổi, mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời
Đường quê quanh quất bao người về thôn
Lúc đó độ mươi tuổi.
Cái tuổi mới cắp sách đến trường tiểu học ở làng bên, thời học sinh viết bút ngòi ‘’mỏ (chim) sẻ’’, chấm mực tím trong lọ. Sau buổi học, mực dây đầy tay, đầy quần áo… Quanh nhà tôi, xóm tôi – bạt ngàn cây ăn quả. Trên cành chim hót, hoa nở rực rỡ. Bình minh – bọn chim đánh thức, tôi vội vội vàng vàng cùng các cô bác Nông phu băng qua cổng làng hối hả ra đồng, còn tôi đến trường:
Sáng hồng lơ lửng mây son
Mặt trời thức giấc véo von chim chào
Cổng làng mở rộng ồn ào
Nông phu lững thững đi vào sớm mai.
Mùa hè, đi học về, lại qua cổng làng. Những hình ảnh thân thương sống động tiếp diễn:
Trưa hè bóng lặng, nắng oi
Mái gà cục tác tìm mồi dắt con
Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.
Xuân qua, Hè tới.
Mùa Hè ở vùng đồng bằng Bắc bộ hay có mưa rào. Mỗi khi đi học về gặp mưa, tôi lại đứng trong lòng cổng trú mưa. Trận mưa đem theo gió lạnh. Chiều, tối, mưa… trời xùm xụp, trưởng làng cho đóng cổng. Nhìn khung cảnh xung quanh chợt lòng xao động. Nhưng khi mưa tạnh, trời quang, trăng lên, hình ảnh xung quanh cổng làng trở nên sinh động:
Những khi gió lạnh mưa buồn
Cổng làng im ỉm trên đường lội trơn
Những khi trăng sáng chập chờn
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.
Ngày mùa lúa chín hương đưa
Rồi đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng
Mừng Xuân ngày hội, Cổng Làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ
Cách đây hơn 50 năm, tuy tục lệ của làng rất khắt khe với đám trai gái đến tuổi cập kê. Ban ngày, họ không được phép tỏ tình quá suồng sã… nhưng khi đến tối, sáng trăng, họ cũng hẹn hò nhau và bóng họ tha thướt trên đường qua cổng làng, sang làng bên xem hội…
Gây cho tôi niềm vui nhất phải kể: Khi mùa gặt tới.
Cổng làng nhộn nhịp, ồn ào tới đêm tối, khi cánh đồng đã vắng bóng người, cánh cổng đóng lại. Làng xóm râm ran: Kéo đá, đập lúa – (làm hạt thóc trên bông rơi ra)… Ba tháng vất vả chăm bón, giờ thu hoạch, người làng hồ hởi được bửa no nê, cơm mới thơm lừng…
Hè qua, Thu đến rồi Đông cũng đi. Xuân tới: Làng tôi mở hội.
Ở cái tuổi viết bút ‘’mỏ sẻ’’, chấm mực tím – không gì vui, hạnh phúc bằng được dự hội làng. Đông người dự lắm. Người trong làng đi dự đông đã đành, người các làng bên cũng đổ đến xem… đường đầy Trai thanh – Gái lịch. Nhưng đông nhất vẫn là bọn trẻ. Hội làng chính là nơi ’’chen chúc bao nàng ngây thơ’’. Tôi là một trong số những ’’Chàng, Nàng’’ – ngây thơ đó.
Lớn lên, tôi ra ’’kinh kỳ sáng chói’’ – học hành, làm việc.
Hàng năm, kỳ nghỉ, lại về Làng thăm ông bà, Thầy, U, họ hàng… Trên đường về lòng rạo rực. Chưa tới đầu Làng, từ xa, đã nhìn thấy hai cây gạo ở cổng chùa. Cây cao mấy chục mét, gốc to dăm người ôm. Tới cổng làng, nhìn hai cây đa cổ thụ quầng lá xum xuê, trùm cả lên mái cổng. Bao cảm xúc rạt rào ập tới: Lòng tôi xốn xang…
Ngày nay dù ở nơi xa
Nhưng khi về đến cây Đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng Làng trong tre.
(Tiếng Sáo Diều)
Đọc bài thơ, người đọc như được kích thích trí tưởng tượng.
Cái cổng, cái Làng của cụ Bàng Bá Lân không còn là của riêng cụ, của làng cụ, mà đã trở thành cổng – làng của tôi, của bạn, mặc dù chúng ta không hề biết Cụ quê ở đâu. Cổng, Làng đã trở thành của cả các làng quê Việt Nam. Cụ Hoàng Cầm có lần đã nói đại ý: Thơ hay, trước hết phải tạo cảm xúc, kích thích được trí tưởng tượng của người đọc. Cổng làng đã đạt được mục đích đó, cảnh giới đó!.
Hai nhà thơ: Nguyễn Duy và Nguyễn Quang Thiều cùng báo Tổ Quốc khởi xướng việc tuyển chọn 99 bài thơ Lục Bát hay nhất thế kỷ 20. Tôi cũng muốn tham gia bình chọn, nhưng không có tài liệu, thư mục 99 bài Lục Bát đọc để chọn, đành từ bỏ ý định tham gia cuộc chơi kia…
Tuy nhiên, theo tôi: Hai bài thơ Lục Bát hay nhất, nhì Thế kỷ 20, trên thi đàn Việt Nam – có lẽ là:
Thề Non Nước của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Cổng Làng của cụ Bàng Bá Lân!.

Chia sẽ ❤️️ Thơ Về Quê Hương Đất Nước ❤️️ hay nhất

Mẫu 3

Bàng Bá Lân (17-12-1912/20-10-1988) (*) tên thật là Nguyễn Xuân Lân, chính quê tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhưng sinh ra ở phố Tân Minh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Bàng Bá Lân từng học Trường Bưởi, Hà Nội, có bằng Thành chung. Ông là một nhà thơ đồng quê nổi tiếng của Phong trào Thơ Mới, đồng thời là một nhà giáo, nhà nhiếp ảnh có tài năng. Bàng Bá Lân làm thơ, viết truyện, viết phiếm luận và cả sách giáo khoa, nhưng có giá trị hơn cả, là những tập thơ: “Tiếng thông reo” (1934), “Xưa” (1941- in chung với nữ sĩ Anh Thơ), “Tiếng sáo diều” (1939-1945), “Tiếng võng đưa” (1957), “Vào thu” (1969).

Trong “Thi nhân Việt Nam, 1932-1941”, Hoài Thanh và Hoài Chân nhận xét về thơ đồng quê xứ Bắc: “Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê. Anh Thơ là một người thành thị đi du ngoạn, nên chỉ thấy cảnh quê. Bàng Bá Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính. Bàng Bá Lân cũng ít sống trong tình quê. Nhưng người hiểu cảnh quê hơn Anh Thơ; hiểu hơn vì mến hơn. Thơ Bàng Bá Lân và “Bức tranh quê” đều là những bông hoa khả ái từ xa mới đưa về, nhưng bông hoa Bàng Bá Lân ra chiều đã thuộc thủy thổ hơn. Cho nên sắc hương nó cũng khác”. Đúng vậy. Có lẽ sắc hương đồng quê trong thơ Bàng Bá Lân đọng lại tinh túy nhất là bài “Cổng làng”, in trong tập “Tiếng sáo diều”:

“Chiều hôm đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi,
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn.
Sáng hồng lơ lửng mây son,
Mặt trời thức giấc, véo von chim chào.
Cổng làng rộng mở. Ồn ào,
Nông phu lững thững đi vào nắng mai.
Trưa hè bóng lặng nắng oi,
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con.
Cổng làng vài chị gái son
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.
Những khi gió lạnh mưa buồn,
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn.
Nhưng khi trăng sáng chập chờn,
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.
Ngày mùa lúa chín thơm đưa …
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng.
Mừng xuân ngày hội cổng làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ.
Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre”.

“Cổng làng” của Bàng Bá Lân cuốn hút người đọc một cách kỳ lạ, nhẹ nhàng êm dịu mà đằm thắm, thiết tha, nhất là đối với những người đã ít nhiều năm từng sống ở các làng quê xứ Bắc.

Đầu tiên là cảnh cổng làng lúc chiều hôm. Đây là thời điểm điển hình nhất của cổng làng, tập trung cảnh sắc đất trời làng quê: Có mây gió, có cánh đồng mênh mang sóng lúa, có con đường uốn khúc quanh co và những con người nơi thôn dã, với những nét bình dị, thân quen: “Chiều hôm đón mát cổng làng…”.

Tiếp đó là cảnh cổng làng buổi bình minh- thời điểm rộn rã nhất của làng quê: “Sáng hồng lơ lửng mây son…”. Cảnh vật được thể hiện thật hồn nhiên, hài hòa giữa màu sắc tươi sáng của mây trời lúc rạng đông, với âm thanh trong trẻo của tiếng chim hót và tiếng nói, tiếng cười của đám nông phu. Hai câu thơ “Cổng làng rộng mở. Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai”: Câu “lục” được ngắt nhịp bất ngờ, tách riêng “Ồn ào” thành một câu đặc biệt, gợi mở niềm vui một ngày mới và sự náo nhiệt nơi cổng làng buổi sáng tinh mơ; đồng thời làm ta nhớ tới cách ngắt nhịp độc đáo và mới mẻ trong hai câu tuyệt bút của thi sĩ tài danh Thế Lữ: “Trời cao xanh ngắt. Ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng lai” (“Tiếng sáo thiên thai”).

Còn đây là cảnh cổng làng lúc mặt trời đứng bóng: “Trưa hè bóng lặng nắng oi/ Mái gà cục cục tìm mồi dắt con/ Cổng làng vài chị gái son/ Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm”. Cổng làng buổi trưa hè được thi sĩ quan sát tinh tế và miêu tả chân thực. Từ “uể oải” vốn không mấy giá trị thẩm mỹ, nhưng đi liền với hình ảnh “vài chị gái son … chờ cơn gió nồm” thì lại có sức gợi cảm một cách rất tài tình.

Không gian nơi cổng làng còn được nhà thơ phác họa khéo léo qua những nét biến đổi thời gian theo mùa vụ. Trong tiết thu đông có mưa, cổng làng vắng lạnh, hiu hắt: “Những khi gió lạnh mưa buồn/ Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn”. Và bỗng trở nên đẹp một cách huyền ảo, quyến rũ trong đêm trăng sáng thơ mộng, thấp thoáng những bóng hình thiếu nữ: “Nhưng khi trăng sáng chập chờn/ Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha”.

Quang cảnh cổng làng lướt nhanh qua vụ mùa thơm hương lúa chín, rồi mùa đông trôi đi nhưng dư vị vẫn còn đọng lại, còn mùa xuân thì chầm chậm đến. Và đây là cảnh hội làng mùa xuân nhộn nhịp, hấp dẫn, rất đáng yêu: “Mừng xuân ngày hội cổng làng/ Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ”.

Bàng Bá Lân coi trọng cảnh quê, còn tình quê thì chỉ biểu hiện một cách kín đáo. Nhưng đến khổ cuối của bài thơ, thi sĩ không kìm nén được cảm xúc yêu mến làng quê, tha thiết nhớ những kỷ niệm, qua cái cổng làng đã từng gắn bó một thời: “Ngày nay dù ở nơi xa/ Nhưng khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màng/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre”. Tình quê bây giờ da diết thế!

Bây giờ, thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH, các cổng làng thân quen, đáng yêu của các làng quê Bắc Bộ hầu như không còn nữa. Nhưng với bài thơ “Cổng làng” của Bàng Bá Lân, nhiều người chúng ta hôm nay vẫn lưu luyến, nhớ nhung cái cổng làng quê thân yêu và giầu kỷ niệm một thời.

Gửi tặng bạn đọc ❤️️Thơ Lục Bát Về Quê Hương Đất Nước❤️️ 80+ Bài Ngắn Hay.

2 bình luận về “Bài Thơ Cổng Làng: Nội Dung + Cảm Nhận + Phân Tích”

Viết một bình luận