Bài Thơ Không Ngủ Được Của Bác [Nội Dung + Cảm Nhận + Phân Tích]

Bài Thơ Không Ngủ Được Của Bác ❤️️ Nội Dung, Cảm Nhận, Phân Tích ✅ Chia Sẻ Hoàn Cảnh Sáng Tác, Giá Trị Tác Phẩm, Ý Nghĩa Bài Thơ.

Nội Dung Bài Thơ Không Ngủ Được Của Bác

Cùng đọc và tìm hiểu nội dung bài thơ Không ngủ được nằm trong tập thơ Nhật ký trong tù của Bác.

睡不著 (Thuỵ bất trước)
Tác giả: Hồ Chí Minh

一更二更又三更,
輾轉徘徊睡不成。
四五更時才合眼,
夢魂環繞五尖星。

Phiên âm

Nhất canh… nhị canh… hựu tam canh,
Triển chuyển, bồi hồi, thuỵ bất thành;
Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn,
Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.

Dịch nghĩa

Canh một… canh hai… lại canh ba,
Trằn trọc băn khoăn không ngủ được;
Canh tư, canh năm vừa chợp mắt,
Hồn mộng đã quẩn quanh nơi ngôi sao năm cánh.

Dịch thơ

Một canh hai canh lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

Về Tác Giả

Một số thông tin quan trọng về tác giả Hồ Chí Minh bạn nên biết:

  • Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 2.9.1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam.
  • Gia đình: Người xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Mẹ là cụ bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ hiền hậu, thuộc nhiều ca dao và các làn điệu dân gian.
  • Cả cuộc đời của Người cống hiến hết cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, trở thành nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam nói riêng, của quốc tế cộng sản nói chung.
  • Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, Người còn để lại một số di sản văn học quý giá, xứng đáng là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc
  • Trong mỗi thể loại văn học từ văn chính luận, truyện kí hay trong thơ ca thì Bác đều tạo được một phong các nghệ thuật riêng của chính mình.
  • Tác phẩm tiêu biểu: Tuyên ngôn độc lập; Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu; Bản án chế độ thực dân Pháp, Nhật ký trong tù…

Chia sẻ các mẫu cảm nhận 🌿Bài Thơ Cảnh Khuya 🌿 Nội Dung, Nghệ Thuật, Cảm Nghĩ, Phân Tích

Về Tác Phẩm Không Ngủ Được

Về tác phẩm Không ngủ được, bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cùng phương thức biểu đạt là tự sự kết hợp biểu cảm. Nội dung chính của bài thơ là kể về một đêm không ngủ của Bác Hồ vì lo nỗi nước nhà. Đồng thời cũng thể hiện mong ước của Bác về một ngày Cách mạnh thành công, đất nước được tự do, người dân được no ấm

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Không Ngủ Được

Bài thơ Không ngủ được của chủ tịch Hồ Chí Minh được trích từ tập thơ Nhật ký trong tù của Bác.

  • Tháng 8 năm 1942, dưới danh nghĩa là đại biểu của “Việt Nam độc lập đồng minh hội” Bác lấy tên là “Hồ Chí Minh”.  Ngày 27/8 Bác bị Tưởng Giới Thạch bắt vì bị tình nghi là gián điệp. Từ đây, Bác đã trải qua hành trình gian khổ “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã ở qua”.
  • Chính trong bối cảnh này, tập thơ “Nhật ký trong tù” đã ra đời. Tập thơ ghi lại một chặng đường dài và gian khổ mà Bác đã trải qua trên con đường cứu nước của mình, trong đó có bài Không ngủ được

Gửi tặng bạn đọc ❤️️Bài Thơ Rằm Tháng Giêng [Nguyên Tiêu] ❤️️ Nội Dung, Phát Biểu Cảm Nghĩ

Ý Nghĩa Bài Thơ Không Ngủ Được

Ý nghĩa: Bài thơ thể hiện tình yêu đất nước, yêu dân tộc của chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở trong tù nhưng Người vẫn luôn trăn trở về tình hình đất nước. Đồng thời qua đó thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng của Cách mạng, vào sự trường tồn của vận nước.

Bố Cục Bài Thơ Không Ngủ Được

Bố cục bài thơ Không ngủ được có thể được chia thành 2 phần:

  • Phần 1. Hai câu đầu: Bác mất ngủ, trằn trọc suốt đêm
  • Phần 2. Hai câu sau: Niềm tin của Bác vào tương lai chiến thắng của Cách mạng

Không nên bỏ qua tác phẩm 🌿Lai Tân [Hồ Chí Minh] 🌿 Tìm Hiểu Nội Dung, Nghệ Thuật

Giá Trị Tác Phẩm Không Ngủ Được

Chia sẻ thêm cho bạn đọc giá trị tác phẩm Không ngủ được sau đây.

Giá trị nội dung

  • Tâm trạng thao thức, trăn trở của Bác trong ngục tối về tình hình đất nước, về cuộc đấu tranh của dân tộc thoát khỏi sự xâm lược của giặc ngoại xâm. Đồng thời cũng thể hiện niềm tin của Bác về sự thắng lợi của Cách mạng trong tương lai.

Giá trị nghệ thuật

  • Lời thơ, hình ảnh thơ tự nhiên, bình dị, gần gũi.
  • Ngôn ngữ không hoa mĩ, cầu kì, dễ hiểu
  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt phổ biến

Dàn Ý Bài Thơ Không Ngủ Được

Chia sẻ dàn ý phân tích bài thơ Không ngủ được ngắn gọn, dễ hiểu nhất.

I. Mở bài

  • Khái quát những hiểu biết của bản thân về Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc
  • Giới thiệu về bài thơ “Không ngủ được”

II. Thân bài

a. Hai câu đầu: 

  • Một canh hai canh lại ba canh: Bác Hồ lặng lẽ đếm thời gian trôi qua một cách nặng nề, chậm chạp giữa không gian tối tăm của ngục tù
  • Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành: Diễn tả tâm trạng thao thức, trăn trở giữa khuya của Bác

b. Hai câu sau:

  • Canh bốn canh năm vừa chợp mắt: Chợp mắt ở đây có nghĩa là thiếp đi chứ không phải ngủ. Vì trăn trở nỗi nước nhà nên Bác không thể ngủ sâu giấc như người bình thường được
  • Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh: Đây là niềm tin, là mong ước của Bác về sự thắng lợi của Cách mạng trong tương lai

=> Bài thơ giúp người đọc hiểu thêm về nỗi lòng của Bác, luôn vì nước vì dân. Chính vì tình cảm ấy mà nhiều đêm trong tù của Tưởng Giới Thạch Bác không thể nào ngủ được

III. Kết bài: Khái quát lại về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Đón đọc bài thơ 🌷Chiều Tối [Hồ Chí Minh] 🌷Nội dung, Ý nghĩa

Sơ Đồ Tư Duy Bài Thơ Không Ngủ Được

Dưới đây là mẫu sơ đồ tư duy bài thơ Không ngủ được mà Thohay.vn vừa sưu tầm được.

Sơ Đồ Tư Duy Bài Thơ Không Ngủ Được
Sơ Đồ Tư Duy Bài Thơ Không Ngủ Được

2 Mẫu Phân Tích, Cảm Nhận Bài Thơ Không Ngủ Được Hay Nhất

Sưu tầm các mẫu phân tích, cảm nhận về bài thơ Không ngủ được hay nhất sau đây:

Cảm Nhận Bài Thơ Không Ngủ Được Hay – Mẫu 1

Bài thơ “Không ngủ được” trích trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí minh. Bài thơ ghi lại tâm trạng một đêm không ngủ của Bác trong nhà tù Tưởng Giới Thạch.

Mở đầu bài thời gian và không gian nhà tù hiện lại:

“Một canh… hai canh… lại ba canh,
Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành”.

Bác Hồ lặng lẽ đếm thời gian trôi qua một cách nặng nề, chậm chạp giữa không gian hôi hám, chật hẹp, tối tăm của nhà tù. Dấu chấm lửng làm tăng thêm cảm giác đó. Đã hết ba phần năm của một đêm rồi mà Người vẫn: “Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành”

Đúng như trong bài Bốn tháng rồi, bác có viết: “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”. Những đêm trong tù như dài đằng đẵng. Đêm càng dài hơn khi người tù không ngủ được vì nỗi nhớ nước, thương nhà, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc.

Nhớ nước mà không ngủ được cũng là điều thường thấy ở các bậc vĩ nhân trong lịch sử. Trần Hưng Đạo cũng đã từng “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…” (Hịch tướng sĩ), còn Nguyễn Trãi thì: “Những trằn trọc trong cơn mộng mị / Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi…” (Bình Ngô đại cáo).

Tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, Bác Hồ cũng có nhiều đêm không ngủ như thế. Nhưng có phải những đêm không ngủ của nhà cách mạng Hồ Chí Minh vẫn có những nét mới, những điểm toả sáng hơn? Điều này được thể hiện ở sự vận động của mạch thơ từ “thức” sang “ngủ” đến “mơ” để có một hình ảnh lung linh rực rỡ khép lại bài thơ trong một giấc mơ kì diệu của người tù – thi sĩ – chiến sĩ:

“Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”

Giấc mơ là mộng nhưng cũng là thực của nỗi lòng Bác lúc bấy giờ. Bởi theo tâm lý những hình ảnh hiện lên trong giấc mơ của con người bao giờ cũng là những điều mà họ quan tâm, chú ý nhất, những điều ám ảnh nhất đối với họ trong lúc tỉnh.

Cái gì đã hiện lên trong giấc mơ ở chốn ngục tù của Bác ? Đó là “sao vàng năm cánh”, biểu tượng cho lá cớ tổ quốc và cách mạng. Và hình ảnh “sao vàng năm cánh” đã đến ngay trong giấc mơ khi Người vừa chợp mắt. Có nghĩa là hình ảnh Tổ Quốc luôn da diết và thường trực trong máu thịt và tâm hồn Người, trong cuộc đời cách mạng gian truân, vất vả của Người.

Có phải vì thế mà Chế Lan Viên đã thấu hiểu nỗi niềm thiết tha, đau đớn nhớ Nước của Bác trong những ngày “Người đi tìm hình của nước” :

“Đêm mơ nước ngày thấy hình của Nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
An một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ Quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.

Và ta hiểu ý thơ này của ông đã được khơi nguồn từ hình ảnh “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” trong bài “không ngủ được” của Bác,

cũng như Hoàng Trung Thông khi đọc thơ Bác đã cảm nhận lòng yêu nước cao đẹp, tuyệt vời của lãnh tụ:

“Thân ở trong tù hồn ở nước
Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao”.

Đây không chỉ là nỗi nhớ nước da diết và thường trực của người con yêu nước số một của dân tộc mà còn là “nỗi nhớ nước trong một niềm tin phơi phới” của người chiến sĩ cách mạng lão thành đã nhìn thấy tương lai tươi sáng của nước nhà ngay trong bóng tối của chốn ngục tù. Cho nên hình ảnh Tổ Quốc hiện lên trong giấc mơ mới thật lung linh, rực rỡ: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.

Niềm tin ấy phải mạnh mẽ đến thế nào thì mới có một giấc mộng về Tổ quốc đẹp đến thế, mới sáng tạo ra một hình ảnh đầy chất thơ như vậy. Đó là chất lãng mạn vươn lên trên hiện thực đen tối của nhà tù. Nó chính là sự vượt ngục tinh thần của nhà thơ để vươn ra ánh sáng, đến với tương lai tươi đẹp của Tổ quốc, của dân tộc trong một dự cảm đầy niềm tin của mình.

Có thể nói rằng, ở bài thơ “Không ngủ được” cũng như trong toàn bộ sáng tác thi ca của mình, “con người thường ít ngủ” ấy “Con người đi trong những giấc mơ của ta” đã kết hợp bút pháp cổ điển và hiện đại một cách khéo léo nhuần nhị. Chính vì thế, thơ Người vừa mới mẻ cô đọng, hàm súc; vừa bất tử với thời gian.

Phân Tích Bài Thơ Không Ngủ Được Chọn Lọc – Mẫu 2

Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về nỗi lòng của Bác Hồ trong những ngày xa cách quê hương thân yêu, ra đi tìm đường cứu nước:

“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”

Chính vì tình cảm ấy mà có nhiều đêm trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch, Bác không ngủ được vì luôn nghĩ về đất nước cũng như phong trào cách mạng trong nước. Có rất nhiều bài thơ của Bác trong tập Nhật kí trong tù thể hiện tình cảm này và bài thơ Không ngủ được là một điển hình:

Một canh hai canh lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

Ngày xưa, khoa học chưa phát triển như bây giờ, người ta dùng canh để làm đơn vị đo thời gian. Một canh tương đương với hai giờ đồng hồ. Một đêm có năm canh.

Ở câu khai, Bác Hồ lặng lẽ đếm thời gian trôi qua một cách nặng nề, chậm chạp giữa không gian hôi hám, chật hẹp, tối tăm của nhà tù. Dấu chấm lửng làm tăng thêm cảm giác đó. Đã hết ba phần năm của một đêm rồi mà người vẫn:

“Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành”.

Câu thừa này đã diễn tả tâm trạng trầm tư của Bác giữa đêm sâu. Những bậc đại nhân hiền triết ngày xưa thường có những đêm thao thức, đè nén nỗi lòng mình như thế. Phải chăng Người có nhiều tâm trạng sâu kín? 

Như vậy, câu khai và câu thừa chưa có lời giải đáp.

Theo qui luật sinh học tự nhiên thì khi mệt mỏi quá con người sẽ thiếp đi:

“Canh bốn canh năm vừa chợp mắt”

Nhìn chung, cả ba câu khai, thừa, chuyển vẫn còn là những lời tự sự, chưa có thơ. Nhưng đến câu hợp thì hồn thơ đã cất cánh bay xa: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”

Câu thơ đã cho chúng ta thấy rằng hồn mộng của bác đã bay đi tìm ngôi sao năm cánh. Trong thơ văn xưa và nay, các bậc hiền triết, anh hùng, vĩ nhân đều gặp nhiều giấc mộng. Hiền thần Ý Doãn trước lúc được mời làm quan đã từng nằm mộng thấy mình “cưỡi thuyền đến bên thái dương”. Đó là những giấc mộng nhưng không có hồn mộng.

Còn đây là những giấc mộng có hồn mộng. Hồn mộng của Hồ Chí Minh chẳng những đẹp đẽ mà còn kì vĩ, lớn lao. Hồn mộng của Người đă tìm được hình ảnh lá cờ tổ quốc rực rỡ, lá cờ cách mạng tung bay phần phật trước gió.

Xét về cơ sở logic, chúng ta thấy ước mơ của người không chỉ là mơ ước mà còn gắn liền với hiện thực và thực tiễn cách mạng. Bởi lẽ, tháng 5 – 1941, mặt trận Việt Minh đã chính thức ra đời tại một cuộc họp bí mật của ban chấp hành trung ương đảng tại Pắc Pó. Lá cờ đỏ có sao vàng năm cánh của mặt trận Việt Minh đã bay khắp mọi miền đất nước để tập hợp nhân dân đứng lên làm cách mạng. Đến bây giờ, cũng chính lá cờ ấy lại bay đến giấc mộng của Bác.

Có thể khẳng định rằng, tâm hồn của Bác, dù thức hay ngủ, thực hay mộng, đều hướng về tương lai tươi sáng của dân tộc. Phải chăng chỉ những bậc đại nhân, đại trí, đại dũng mói có được một tâm hồn cao khiết như thế?

Thơ tứ tuyệt thường kết tinh và toả sáng ở câu cuối. Cả bài thơ là một cuộc đối thoại nội tâm sâu lắng vận động qua các cung bậc cảm xúc, từ dồn nén, tích tụ, nặng nề ở trạng thái thao thức trong hai câu đầu, đến sự chuyển đổi có gì như đột ngột ở trang thái “vừa chợp mắt” trong câu thứ ba, để rồi bột phát và toả sáng mạnh mẽ ở trạng thái mộng trong câu cuối.

Câu thơ nâng cả bài thơ dậy trong một vầng sáng rực rỡ như một niềm tin mãnh liệt, một chí khí lạc quan bay bổng khi hồn thi nhân vượt khỏi nhà tù bay về quê hương, lượn quanh ánh sao vàng, biểu tượng cho lá cờ Tổ Quốc và cách mạng. Nỗi nhớ nước canh cánh trong một niềm tin phơi phới ở chốn ngục tù đã bộc lộ nét vĩ đại của một tâm hồn lớn.

Có thể nói rằng, ở bài thơ Không ngủ được cũng như trong toàn bộ sáng tác thi ca của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp bút pháp cổ điển và hiện đại một cách khéo léo nhuần nhị. Chính vì thế, thơ Người vừa mới mẻ, cô đọng, hàm súc, vừa bất tử với thời gian.

Phân tích bài thơ🌱 Từ Ấy [Tố Hữu]🌱Hay đặc sắc

Viết một bình luận