Bài Thơ Cảnh Khuya: Nội Dung, Nghệ Thuật, Cảm Nghĩ, Phân Tích. Tìm Hiểu Chi Tiết Về Sơ Đồ Tư Duy, Hoàn Cảnh Sáng Tác, Giá Trị Tác Phẩm.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Bài Thơ Cảnh Khuya
Bài thơ “Cảnh khuya” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết vào năm 1947, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Bài thơ miêu tả cảnh đêm trăng sáng và tiếng suối róc rách, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm và lòng yêu nước sâu nặng của Bác Hồ.
Bài thơ Cảnh khuya được viết theo thể Thất ngôn tứ tuyệt đường luật, nhưng sử dụng nhiều yếu tố hiện đại. Phương thức biểu đạt của bài thơ Cảnh khuya là tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm.
- Bài thơ đã miêu tả cảnh ánh trăng ở chiến khu Việt Bắc cũng như thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Bài thơ phản ánh một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự tại của một nhà thơ chiến sĩ suốt đời hy sinh phấn đấu cho độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Cảnh khuya là bài tứ tuyệt kiệt tác, bát ngát tình.
Xem thêm 👉 Bài Thơ Không Ngủ Được Của Bác
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Cảnh Khuya
Bài thơ được sáng tác vào năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng chủ yếu và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta đã làm thất bại ý đồ của địch và tiêu diệt nhiều lực lượng của chúng. Bài thơ Cảnh khuya đã được Hồ Chí Minh viết trong những đêm sống tại núi rừng Việt Bắc để lãnh đạo chiến dịch.
Đón đọc thêm tác phẩm 🌿Lai Tân [Hồ Chí Minh] 🌿 Nội Dung, Nghệ Thuật
Nội Dung Bài Thơ Cảnh Khuya
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với vai trò là một nhà cách mạng vĩ đại, mà còn là một nhà thơ nhà văn lớn của dân tộc. Một trong những bài thơ rất nổi tiếng của Người là “Cảnh khuya”.
Cảnh khuya
Tác giả: Hồ Chí Minh
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Đọc thêm ❤️️Bài Thơ Rằm Tháng Giêng [Nguyên Tiêu] ❤️️ Nội Dung, Phát Biểu Cảm Nghĩ
Về Tác Giả Về Bài Thơ Cảnh Khuya
Đừng nên bỏ qua các thông tin quan trọng về tác giả bài thơ cảnh khuya sau đây nhé!
- Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 2.9.1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam.
- Quê quán: xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
- Các tên từng được sử dụng: Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh), Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh.
- Cuộc đời: Người là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, người đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh và giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội
- Sự nghiệp sáng tác: Hồ Chí minh sáng tác nhiều thể loại, để lại một khối lượng tác phẩm lớn.
- Phong cách nghệ thuật: Trong văn chính luận, truyện, kí hay thơ ca, phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh hết sức phong phú, đa dạng mà thống nhất.
- Quan điểm sáng tác
- Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như chiến sĩ ngoài mặt trận.
- Bác luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.
- Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm.
- Các tác phẩm tiêu biểu:
- Tuyên ngôn Độc lập (1945)
- Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).
- Đường kách mệnh (1927).
- Nhật ký trong tù (1942, thơ).
- Sửa đổi lối làm việc (1947).
Xem trọn bộ 👉 Thơ Hồ Chí Minh (Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ)
Ý Nghĩa Nhan Đề Bài Thơ Cảnh Khuya
Nhan đề Cảnh khuya ý chỉ bức tranh thiên nhiên lúc trời về khuya. Thông qua đó, Hồ Chí Minh vẽ ra khung cảnh đêm khuya ánh trăng được đặt trong mối quan hệ với vạn vật nơi rừng sâu và phản chiếu hình ảnh con người đang ôm mối suy tư khi liên quan đến vận nước.
Xem thêm 👉 Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta Của Hồ Chí Minh
Bố Cục Bài Thơ Cảnh Khuya
Bố cục bài thơ Cảnh khuya có thể chia thành 2 phần như sau:
- Phần 1. Hai câu đầu: Cảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm khuya.
- Phần 2. Hai câu sau: Tâm trạng của nhà thơ trong đêm khuya ở chiến khu Việt Bắc.
Đọc hiểu tác phẩm 🌷Chiều Tối [Hồ Chí Minh] 🌷 Tìm hiểu chi tiết nhất
Giá Trị Tác Phẩm Cảnh Khuya
Đúc kết giá trị tác phẩm Cảnh khuya thông qua hai khía cạnh sau đây:
Giá trị nội dung
- Bài thơ miêu tả cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ.
Giá trị nghệ thuật
- Sử dụng lời thơ, hình ảnh thơ tự nhiên, bình dị, gần gũi.
- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, không hoa mĩ, cầu kì.
- Sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, điệp ngữ… đạt hiệu quả nghệ thuật cao.
Dàn Ý Bài Thơ Cảnh Khuya
Gợi ý cách lập dàn ý bài thơ Cảnh khuya chi tiết dưới đây.
I. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh, bài thơ Cảnh khuya.
II. Thân bài
a. Hai câu đầu: Cảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm khuya
– Câu thơ 1: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
- Trong không gian núi rừng Việt Bắc tĩnh mịch, âm thanh nổi bật đó chính là tiếng suối chảy.
- Tiếng suối được so sánh với “tiếng hát xa”: tiếng suối trở nên có âm điệu hơn và tình cảm hơn.
– Câu thơ 2: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” có hai cách hiểu:
- Ánh trăng chiếu xuống mặt đất xuyên qua từng tán cây, chiếu xuống cả những bông hoa rừng. Không gian thiên nhiên ngập tràn ánh trăng.
- Ánh trăng sáng chiếu xuống mặt đất xuyên qua từng tán cây cổ thụ, khi phản chiếu xuống mặt đất tạo ra hình thù như những bông hoa.
Dù hiểu theo cách nào thì cũng diễn tả được vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc.
=> Hai câu thơ đầu đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc thơ mộng.
b. Hai câu sau: Tâm trạng của nhà thơ trong đêm khuya ở chiến khu Việt Bắc
– Câu 3: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ” có hai cách hiểu
- Hình ảnh “cảnh khuya như vẽ” gợi ra một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ tựa như một bức tranh.
- Bác ngồi đấy say mê ngắm nhìn khung cảnh đêm khuya, thiên nhiên và con người hòa quyện tạo nên một bức tranh.
– Câu 4: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” cho thấy hai lý do mà Người chưa ngủ
- Vì cảnh thiên nhiên quá đỗi đẹp đẽ làm cho tâm hồn người nghệ sĩ bâng khuâng say đắm.
- Vì “lo nỗi nước nhà” lo cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, cho cuộc sống của nhân dân. Đây mới là lý do quan trọng nhất khiến Người mất ngủ.
=> Qua hai câu thơ trên, người đọc thấy được hình ảnh người thi sĩ đa sầu đa cảm và con người chiến sĩ kiên trung trong Bác Hồ.
III. Kết bài: Khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Xem thêm về 🌱 Từ Ấy [Tố Hữu]🌱 Các Phân Tích Chi Tiết
Soạn Bài Cảnh Khuya Lớp 7
Hướng dẫn các em học sinh cách soạn bài Cảnh khuya lớp 7 chi tiết.
👉Câu 1: Hai bài “Cảnh khuya” và “Nguyên tiêu” được làm theo thể thơ nào? Đặc điểm của nó?
Đáp án:
- Thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt.
- Đặc điểm: gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ, hiệp vần cuối câu 1-2-4.
👉Câu 2: Phân tích hai câu thơ đầu của bài thơ “Cảnh khuya” chú ý âm thanh và cách so sánh.
Đáp án:
- Tiếng suối trong như tiếng hát xa: biện pháp so sánh, liên tưởng mới lạ cho thấy không gian tĩnh lặng, thanh vắng => dù Việt Bắc có gian lao nhưng giọng hát các chiến sĩ vẫn luôn ngân vang.
- Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa: mang nét thơ cổ, từ “lồng” cho thấy vẻ đẹp đầm ấm, quấn quýt của thiên nhiên.
=> Hai câu thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa, có âm thanh, có ánh sáng => tình yêu thiên nhiên của tác giả.
👉Câu 3: Hai câu cuối của bài “Cảnh khuya” thể hiện tâm trạng gì của tác giả? Trong hai câu thơ ấy có từ nào được lặp và điều đó có tác dụng như thế nào?
Đáp án:
- Hai câu cuối thể hiện tâm trạng lo lắng, bồn chồn vì lo cho dân cho nước của thi nhân.
- Điệp ngữ “chưa ngủ” => nhấn mạnh cảm xúc và tâm trạng của nhà thơ: càng say mê cảnh đẹp Việt BẮc thì càng suy nghĩ, lo lắng cho sự nghiệp Cách Mạng bấy nhiêu => tâm hồn thi sĩ cùng cốt cách chiến sĩ của một con người vĩ đại.
👉Câu 4: “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng” được viết trong những năm đầu khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai bài thơ đó đã biểu hiện tâm hồn và phong thái của Bác Hồ như thế nào trong hoàn cảnh ấy?
Đáp án: Hai bài thơ cho thấy Bác có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, phong thái ung dung lạc quan dù kháng chiến khó khăn. Cùng với đó là tấm lòng yêu thiên nhiên và lòng yêu nước sâu sắc.
👉Câu 5: Hai bài thơ đều miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc. Em hãy nhận xét cảnh trăng ở mỗi bài có nét đẹp riêng như thế nào?
Đáp án: Ánh trăng mỗi bài có một vẻ đẹp riêng:
- Ở bài cảnh khuya: vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, hòa hợp, hữu tình.
- Ở bài rằm tháng giếng: khoáng đạt, vằng vặc ánh trăng, tràn ngập sức xuân.
Giáo Án Cảnh Khuya Lớp 7
Hy vọng mẫu giáo án bài Cảnh khuya lớp 7 sau đây sẽ giúp các giáo viên dễ dàng chuẩn bị bài giảng trên lớp hơn.
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức: Cảm nhận được tình yêu thiên nhiên gắn liền với lòng yêu nước của Hồ Chí Minh.
2. Kĩ năng: Đọc, hiểu, phân tích thơ Chí Minh.
3. Thái độ
- Yêu quý kính trọng vị lãnh tụ của dân tộc Hồ Chí Minh.
- Yêu quý và có ý thức bảo vể thiên nhiên tươi đẹp.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Chuẩn bị của Giáo viên: Soạn bài, SGK, SGV,đọc sách tham khảo,tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng,các tài liệu: kiến thức cơ bản và bài tập nâng cao.
2. Chuẩn bị của học sinh: Chuẩn bị bài,tư liệu liên quan đến bài học, đọc trước bài thơ,trả lời các câu hỏi bài tập soạn bài.Chuẩn bị vở ghi, SGK, nháp…
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
– Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra đầu giờ
- Đọc thuộc lòng bài thơ: “Bài ca nhà trang bị gió thu phá” và nêu vài nét cơ bản về tác giả Đỗ Phủ?
- Chỉ ra các phương tiện biểu cảm trong bài thơ? Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật tiêu biểu của bài thơ?
3. Bài mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một danh nhân văn hoá thế giới. Mặc dù không có ý định trở thành nhà thơ, song người lại là một nhà thơ lớn của dân tộc. Qua việc tìm hiểu bài thơ : “Cảnh khuya” của Người ta sẽ thấy được một phần điều đó.
Hoạt động của GV và HS | Kiến thức cần đạt |
HĐ1. Cảnh Khuya HD đọc và tìm hiểu chú thích: – GV hướng dẫn đọc. – GV đọc mẫu yêu cầu đọc | I. Đọc và tìm hiểu chú thích: 1. Đọc: – Ngắt nhịp: C1: 3/4, C2,3 4/3, C4: 2/5 =>Giọng đọc chậm rãi, thanh thản. |
H:Nêu những hiểu biết của em về Chủ tịch Hồ Chí Minh? | 2. Chú thích: a. Tác giả: – HCM (1890- 1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc VN, một danh nhân văn hoá thế giới, một nhà thơ lớn của dân tộc. |
H: Hoàn cảnh ra đời của bài thơ? | b.Tác phẩm: – Bài thơ được Bác Hồ Viết ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954) b. Từ khó: SGK |
HĐ2. HD đọc tìm hiểu văn bản: H: Bài thơ được viết theo kiểu văn bản nào? Thể loại nào? | II. Tìm hiểu văn bản. 1.Kiểu văn bản: Biểu cảm( thơ trữ tình hiện đại) – Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt |
? Có thể triển khai theo bố cục nào? | 2. Bố cục: – 2 câu đầu: Vẻ đẹp của cảnh rừng trong đêm trăng. – 2 câu cuối: Tình yêu thiên nhiên, yêu nước. |
Đọc diễn cảm 2 câu thơ đầu | 3. Phân tích: a) Hai câu thơ đầu:Vẻ đẹp của cảnh rừng trong đêm trăng. “Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” |
? Ở đâu câu 1 tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó? ? Tìm đọc thuộc những câu thơ khác tả tiếng suối và so sánh với câu thơ của Bác? | Câu 1: – Nghệ thuật: + So sánh:Tiếng suối trong như tiếng hát xa của con người. -> Tác dụng: Tiếng suối (thiên nhiên) trở nên gần gũi, thân mật như con người, giống như con người trẻ trung, trong trẻo đầy sức sống + Lấy động để tả tĩnh: Tiếng suối xa diễn tả cảnh đêm khuya tĩnh lặng, thanh bình. |
H: Em hãy chỉ ra vẻ đẹp của hình ảnh trong câu thơ thứ 2? (sử dụng điệp từ nào? tác dụng?) ? Qua câu thơ này hãy liên tưởng đến những câu thơ mà em biết bằng cách viết tương tự? “Trăng dài nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông/ Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng/ Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau” (Đ.T Điểm: Chinh p.n.khúc) | Câu 2: – Điệp từ “lồng” => bức tranh rừng vừa có vẻ đẹp nhiều tầng lớp: cao – thấp – sáng – tối hoà hợp quấn quýt; đường nét hình khối đa dạng vừa tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo chỗ đậm , chỗ nhạt: => Bóng cây cổ thụ vươn cao, toả rộng lấp loáng ánh trăng. => Bóng lá, bóng cây, bóng trăng in vào khóm hoa, in lên mặt đất thành những hình bông hoa trăng dệt thêu như gấm. => Câu thơ thể hiện vẻ đẹp hình ảnh => trong thơ có hoạ. |
? Em có nhận xét gì về bức tranh thiên nhiên cảnh rừng VB? | => Cảnh núi rừng VB trong đêm trăng thật đẹp và thơ mộng. |
– HS đọc câu thơ cuối H: câu thơ thứ 3 có vai trò gì? | b. Hai câu thơ cuối: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” + Câu 3: Vai trò chuyển ý: + Nửa trước khép lại ý của hai câu đầu + Nửa sau mở ra ý của câu cuối |
H: Tác giả sử dụng điệp ngữ nào ở 2 câu này? Tác dụng của việc sử dụng điệp ngữ đó? | – Điệp ngữ : “chưa ngủ”, ( điệp bắc cầu) – T/d: + Thể hiện chất nghệ sĩ trong tâm hồn HCM. (chưa ngủ vì say mê cảnh đẹp) + Làm nổi bật nỗi niềm trằn trọc của Người “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” Ngườì lo cho dân cho nước – liên hệ lịch sử). |
? Theo em vì sao Bác chưa ngủ? – Đọc những câu thơ của Bác về những đêm không ngủ? ” Đêm nay… HCM( Minh Huệ) ? Qua đó em hiểu gì về Bác? Gv: Chất thép – chất tình, nghệ sĩ – chiến sĩ: + Yêu thiên nhiên, yêu trăng. + Luôn yêu nước, lo cho sự nghiệp CM. – Chất cổ điển: + Thể thơ tứ tuyệt. + H/a: Trăng. – Chất hiện đại: + Tinh thần yêu nước, ý chí CM, niềm lạc quan CM. + Ngôn ngữ giản dị, gợi cảm. | |
H: Em có nhận xét gì về con người HCM và phong cách thơ của Người thông qua 2 câu thơ cuối? | => Hai câu thơ cuối bộc lộ vẻ đẹp về chiều sâu tâm trạng của tác giả: đó là niềm say mê cảnh thiên nhiên và nỗi lo việc nước. Hai nét tâm trạng này là sự thống nhất giữa nhà thơ và người chiến sĩ trong con người lãnh tụ HCM. – Đồng thời bộc lộ rõ sự hài hoà giữa yếu tố cổ điển và hiện đại trong thơ HCM. |
H: Nêu những nét đặc sắc về nội dung nghệ thuật của bài thơ? | 4. Tổng kết: a. Nội dung: – Tình yêu thiên nhiên. – Lòng yêu nước, niềm lạc quan cách mạng. – Chất thi sĩ – chiến sĩ, chất thép – chất tình hoà hợp trong con người HCM. b. Nghệ thuật: – Chất cổ điển và hiện đại. + Cổ điển: + Thể thơ + Hình ảnh Trăng + Hiện đại: Ngôn ngữ sáng tạo thể hiện tinh thần, tư tưởng cách mạng. |
4. Củng cố, luyện tập
- Cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh?
- Chỉ ra màu sắc cổ điển và hiện đại trong bài thơ?
5. Hướng dẫn về nhà
- Ôn luyện nội dung phân tích.
- Chuẩn bị bài: Rằm tháng giêng.
Đọc hiểu tác phẩm🌿Đây Thôn Vĩ Dạ🌿 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích
Sơ Đồ Tư Duy Cảnh Khuya
Tuyển tập các mẫu sơ đồ tư duy Cảnh khuya đơn giản, dễ hiểu.
5 Mẫu Phân Tích, Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Cảnh Khuya Hay Nhất
Sưu tầm 5 mẫu phân tích, phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya hay nhất dưới đây.
Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Cảnh Khuya Lớp 7 Ngắn Gọn Nhất
Cảnh khuya là bài thơ được Bác sáng tác ở chiến khu Việt Bắc, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp của núi rừng và không thể thiếu ánh trăng, hình ảnh xuyên suốt trong nhiều bài thơ của Bác.
Hai câu thơ đầu tiên Bác giúp người đọc hình dung được không gian cảnh khuya sống động thi vị với tiếng suối và ánh trăng. Trong bức tranh đó có hình ảnh thi sĩ hòa mình vào thiên nhiên Việt Bắc.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc đêm khuya thật đẹp, có tiếng suối chảy như bản nhạc từ xa vọng lại. Tiếng suối chảy hệt như tiếng hát của một cô gái.
Trong câu thứ hai hình ảnh ánh trăng xuất hiện ấn tượng với sự phân chia ba tầng, trên cao là ánh trắng, tiếp đó là bóng cổ thụ và cuối cùng là hoa. Ánh trăng, bóng cây cổ thụ, hoa giúp cho câu thơ trở nên trữ tính và trở nên ấm áp.
Sau khi miêu tả thiên nhiên và núi rừng, hình ảnh con người xuất hiện, Bác một thi sĩ và là một nhà cách mạng đang lãnh đạo đất nước với trăm ngàn nỗi lo:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Những câu thơ như diễn tả tâm tình thi sĩ và chiến sĩ tại Việt Bắc. Tại sao Người chưa ngủ? Không chỉ bởi xúc động vì cảnh thiên nhiên đẹp mà còn nhiều nỗi lo cho đất nước. Điệp từ “chưa ngủ” lặp lại hai lần như là dòng cảm xúc tâm trạng của Người. Chữ “nỗi” đã nói lên sự trăn trở của Bác khi cuộc chiến giành tự do độc lập vẫn còn dang dở.
Cảnh khuya là bài thơ không chỉ miêu tả khung cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc mà còn chất chứa nỗi niềm, lo lắng cho vận mệnh tương lai của đất nước. Một con người vĩ đại toàn tâm toàn ý với mục tiêu giải phóng dân tộc.
Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Cảnh Khuya Hay Nhất
Thơ đôi khi không cần nhiều từ ngữ, chỉ vài dòng ngắn thôi cũng đủ tạc sâu vào tâm trí người đọc những ấn tượng khó phai. Đọc bài thơ “Cảnh khuya” của Bác Hồ kính yêu, chỉ vẹn vẻn có bốn dòng thơ bảy chữ nhưng khiến cho dòng cảm xúc trong ta mãi không chịu ngừng suy tư.
Bài thơ này được Bác sáng tác tại chiến khu Việt Bắc vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt năm 1947 nhưng ngay từ câu mở đầu bài thơ, người đọc đã ấn tượng mạnh với khung cảnh thiên nhiên được vẽ ra trước mắt bằng một cảm quan hết sức thi sĩ. Điều đầu tiên mà người đọc nhận ra đó là âm thanh của tiếng suối được cảm nhận hết sức tinh tế:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Ngay từ nhan đề bài thơ ta cũng có thể đoán ra được không gian trong bài, đó vào thời gian đã về đêm và có lẽ không gian núi rừng Việt Bắc yên tĩnh đến mức Người cảm nhận tiếng suối chảy xiết nghe du dương, lúc trầm, lúc bổng như là một tiếng hát vẳng xa.
Tiếng hát ấy không chỉ vang mà còn trong vắt trong không gian yên tĩnh của núi rừng, cảm giác như ở trong đó chứa đựng mọi thanh tao, thoát tục nhất của cả một vùng núi rừng này. Phép so sánh này khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Trãi:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
(Côn Sơn ca)
Nếu Nguyễn Trãi thấy tiếng suối như tiếng đàn bên tai thì Bác cảm nhận nó là tiếng hát vang vọng, tiếng hát bay cao, bay xa, tiếng hát của núi rừng. Chỉ một từ “xa” thôi cũng đủ gợi sự rộng lớn hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc nhưng cũng chính nó mở ra một núi rừng hoang vu, xa vắng tiếng người.
Từ âm thanh xa gần của tiếng suối, điểm nhìn chuyển xuống những tán cổ thụ với:
“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Điệp từ “lồng” xuất hiện khiến cho người đọc liên tưởng đến sự gắn kết tuyệt đẹp khi trăng trên cao đã “xà” xuống thế gian, lồng bóng mình vào bóng thiên nhiên, vào bóng cổ thụ. Phải chăng nhìn từ tán cổ thụ, trăng treo trên cao như hạ xuống, đậu lên tán, thậm chí đan cài vài tán, bóng trăng cũng vì thế mà lồng vào bóng lá, bóng hoa, tạo nên những bóng đen, bóng trắng như muôn vàn hình hoa trên mặt đất. Khung cảnh thiên nhiên thật đẹp, thật thơ mộng và hình ảnh con người đến lúc này mới lộ diện:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”
Đêm đã khuya vậy mà Bác vẫn còn chưa ngủ, bóng Bác đổ dài theo ánh trăng in xuống lồng vào bóng hoa, bóng trăng, tưởng chừng chính cảnh khuya đang vẽ nên chân dung Bác trong đêm không ngủ. Nhưng Bác không ngủ không phải là để thưởng trăng cũng không phải để nghe “tiếng suối trong như tiếng hát” kia mà là vì Bác có những trăn trở về một sự nghiệp vĩ đại:
“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
Người chưa ngủ vì lo cho nước, lo cho dân, lo cho những chiến sĩ, lo cho cuộc kháng chiến gian nan của dân tộc. Hình ảnh ấy của Người thật đẹp, thật rạng rỡ, phần nào tưởng còn phát ánh hào quang mạnh hơn cả chính bóng trăng đang vẽ chân dung Người.
Sóng Hồng đã từng nói: “Thơ là thơ, là nhạc, là họa, là trạm khắc theo một cách riêng”. Người nghệ sĩ làm thơ đâu chỉ là sự sắp xếp vần và con chữ mà còn bằng cảm xúc của mình vẽ nên hình cho người ta thấy, khắc vào lòng người ta những ấn tượng khó phai. Và có lẽ đó là tất cả những gì mà ta có thể cảm thấy trong bài “Cảnh khuya”.
Đọc bài thơ, ta không chỉ thấy tâm hồn thi sĩ của Bác mà còn cảm nhận sâu sắc nỗi lòng vì dân vì nước của vị lãnh tụ vĩ đại đồng thời khắc vào lòng những ấn tượng về một tượng đài có sức sống vĩnh hằng.
Bài Văn Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Cảnh Khuya
Trong tất cả những bài thơ của Bác Hồ giai đoạn kháng chiến thì em thích nhất là bài “Cảnh khuya”. Mặc dù bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu thơ, nhưng đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ở núi rừng Việt Bắc, có rừng cây, có trăng sáng, có tiếng suối và đặc biệt có một người đang ở đó thao thức không ngủ được vì lo lắng cho sự an nguy của nước nhà.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Ở hai câu thơ đầu, Bác đã dùng tâm hồn của một người thi sĩ để vẽ nên bức tranh thiên nhiên đẹp hoàn mỹ. Bức tranh núi rừng hiện ra rất sinh động bởi nó có cả tiếng suối, có trăng, có bóng hoa.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
“Tiếng suối” được ví von với “tiếng hát xa” gợi cho ta một cảm giác thanh bình. Có lẽ không gian đó yên ắng lắm, mọi người, mọi vật đã chìm vào giấc ngủ, thì Bác mới có thể lắng nghe được tiếng suối từ sau khe núi vọng về. Nhưng dưới ngòi bút và tâm hồn lãng mạn của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì nó nghe như tiếng hát, lời hát ngọt ngào, quen thuộc gần gũi như ở quê nhà. Bất chợt Bác nhìn lên bầu trời và nhìn thấy được một cảnh tượng thật đẹp.
Trăng “lồng” cổ thụ, bóng “lồng” hoa
Hình ảnh “trăng” xuất hiện không ít ở trong văn thơ, và ngay trong nhiều sáng tác của Hồ Chủ Tịch thì vẫn đã có bóng dáng của trăng, tuy nhiên ở bài thơ này, trăng hiện lên đẹp biết bao.
Ánh trăng sáng luồn qua tầng cây cổ thụ, rồi sau đó chiếu xuống mặt đất trông như những bông hoa. Tâm hồn của Bác thật quá đỗi nên thơ, một hình ảnh mà chúng ta nghĩ rằng nó vô cùng quen thuộc, nhưng dưới ngòi bút của thi sĩ, nó được nâng lên một tầm mới, là vẻ đẹp nghệ thuật.
Vâng, chỉ mới hai câu thơ thôi, nhưng Bác Hồ kính yêu đã vẽ nên một bức tranh thơ mộng hữu tình giữa núi rừng hoang vu của Việt Bắc, điều này vừa cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, tinh thần lạc quan yêu đời của Bác, vừa thể hiện được sự tinh tế, những rung cảm tuyệt vời không phải ai cũng có.
Điều đáng nói ở đây là Bác đã dùng những từ ngữ giàu hình ảnh cùng lối gieo vần, chữ như đang tự sự, rất giản đơn, ngắn gọn mà súc tích, ai trong chúng ta đọc lên cũng có thể tưởng tượng ra ngay khung cảnh Tây Bắc lúc đó như thế nào.
Tiếp nối những rung cảm về cảnh vật thiên nhiên, Bác nhìn lại sự tồn tại của mình.
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Không phải một lời biện minh, nhưng hai câu thơ này Bác như đang tự trả lời cho câu hỏi: “Vì sao người chưa ngủ”. Giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ còn văng vẳng tiếng suối, có ánh trăng sáng soi, có bóng cây, có “hoa”, nhưng chỉ khi “người chưa ngủ” mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp đầy huyền bí ở nơi rừng núi như thế này được. Bác bộc bạch: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Đọc câu thơ lên ai nấy đều cảm phục trước một người con vĩ đại của dân tộc, một người tận tâm, hết mực yêu nước thương dân, trong khi mọi vật, mọi người đã nghỉ ngơi thì Bác vẫn đang phải lo lắng, nghĩ suy để đưa ra giải pháp nào tốt nhất cho quân ta giành thắng lợi, đất nước sớm được độc độc lập, tự do.
Con người chiến sĩ hòa quyện với tâm hồn thi sĩ tạo nên một tác phẩm “bất hủ” mà hầu như ai cũng thuộc lòng từng câu từng chữ.
Cảnh khuya không chỉ đẹp vì cảnh, mà nó còn đẹp vì tình, là tình yêu thương mà Bác Hồ dành cho hàng triệu trái tim người dân Việt Nam, là tình yêu dân tộc, yêu quê hương hết thảy. Thiết nghĩ, không biết chỉ một đêm hay biết bao nhiêu đêm Bác thao thức “vì lo nỗi nước nhà”? Càng đọc bài thơ này, em lại càng yêu mến và khâm phục trước tinh thần, nghị lực của Bác Hồ kính yêu.
Phân Tích Bài Thơ Cảnh Khuya Học Sinh Giỏi
Trăng là chủ đề sáng tác, là cảm hứng của các thi nhân và Bác Hồ không chỉ là chiến sĩ mà còn là một nhà thơ lớn có tình yêu thiên nhiên với tâm hồn nhạy cảm. Trong những năm đầu ở chiến khu Việt Bắc, trong một đêm trăng đẹp, Bác đã sáng tác ra bài thơ Cảnh khuya để lại trong em nhiều cảm xúc.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Bài thơ “Cảnh khuya” thể hiện tình yêu thiên nhiên song hành cũng là tình yêu nước sâu đậm của Bác trong một đêm trăng ở núi rừng Việt Bắc.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, một màn đêm thanh tĩnh buông xuống khắp khu rừng, nó làm cho tiếng suối dù ở rất xa vẫn theo gió mang tiếng ca êm đềm, trong vắt của mình cho những người yêu vẻ đẹp sáng ngời của đêm trăng cùng thưởng thức. Tiếng suối và ánh trăng, chao ôi hai thứ ấy hòa quyện thì thật là tuyệt vời! Nó khiến cho người đang tham gia chính sự như Bác đã có một cảm nhận tinh tế về tiếng ca này.
Tiếng suối dịu êm khoan nhặt như một khúc hát trữ tình sâu lắng. Bác đã khéo léo dùng nghệ thuật lay động tả một khung cảnh yên tĩnh có thể nghe rõ âm vang từ xa vọng lại. Và Người đã so sánh tiếng suối với tiếng hát để nhấn mạnh nét gợi tả mang sức sống và hơi ấm của con người. Sự ví von trên đã làm cho em nhớ lại câu thơ trong tác phẩm “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi từng viết:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.”
Mỗi vần thơ, mỗi khung cảnh, âm thanh đều là tiếng suối nhưng được cảm nhận khác nhau ở nhiều khía cạnh. Song tất cả vẫn là một tình yêu thiên nhiên. Câu thơ đã cho ta thấy rằng: Dù là một vị lãnh tụ cách mạng nhưng Bác vẫn mang tâm hồn tràn đầy tình cảm lãng mạn, đẹp đẽ. Cám ơn Bác, ngòi bút tài hoa và tâm hồn yêu thiên nhiên say đắm của Người đã giúp em cảm nhận sự ngọt ngào, du dương của âm thanh suối chảy
“Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Ánh sáng dịu dàng, thanh khiết từ ánh trăng len lỏi chiếu vào lá và hoa tạo nên vẻ đẹp lấp lánh. Hoa lá nghiêng bóng trên mặt đất tạo nên những bức tranh lấp loá, lúc ẩn lúc hiện. Hoa lá cỏ cây và ánh trăng lồng quyện vào nhau, trăng đan vào cây cổ thụ, trăng tràn vào hoa. Đó như một bức tranh tuyệt vời của đất nước.
Bác đã làm mọi sự vật sống động qua nghệ thuật nhân hóa “lồng” để miêu tả đan xen cây lá và ánh trăng. Bác quả là một người đa cảm và có tâm hồn vô cùng phong phú!
Trăng trở nên thú vị và lãng mạn trong cảnh khuya sáng ngời, lung linh, huyền ảo. Đọc thơ mà em cứ hình dung cảnh thơ như đang hiện lên mờ ảo trước mắt. Khung cảnh thật thơ mộng kết hợp với nhạc tạo nên một bức tranh đầy sinh động. Vì vẻ đẹp bất tận của mình, trăng là người bạn của các nhà thơ, ta khó có thể hững hờ với vẻ đẹp của trăng.
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”
Đọc đến đây ai cũng nghĩ Bác vẫn còn thức vì trăng, vì sự cuốn hút của thiên nhiên nhưng người không chỉ xúc động trước vẻ đẹp của đất trời mà còn vì
“Chưa ngủ vì nỗi lo nước nhà”
Nước nhà đang bị giặc xâm lăng, giày xéo, bao người còn sống trong cơ cực, lầm than. Và để nhấn mạnh nỗi lo của mình, Bác đã điệp vòng “chưa ngủ” như láy lại tâm tư của Bác, một người luôn nặng lòng với quê hương.
Hai câu thơ cuối giúp ta thấy rõ hơn con người của Bác. Một con người yêu thiên nhiên tha thiết nhưng cũng chính vì yêu thiên nhiên mà luôn lo cho sự nghiệp của đất nước. Đây chính là nỗi lòng, là tâm tình của vị lãnh tụ.
Đồng thời ta cũng đã thấy Bác Hồ của chúng ta dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để chiêm ngưỡng thiên nhiên, có lẽ thiên nhiên chính là người bạn giúp Bác khuây khỏa, bớt đi sự vất vả mà Bác phải trăn trở suy tư.
Từ đây, ta nhận thấy Bác là một người luôn biết hài hoà giữa công việc với tình yêu thiên nhiên và càng yêu thiên nhiên thì trách nhiệm đối với công việc càng cao bởi ta có thể nhận thấy đằng sau hình ảnh người ung dung ngắm trăng đó là một nỗi khao khát về một đất nước thanh bình, để ngày ngày con người được sống tự do, hạnh phúc.
Dường như trong Bác luôn xoáy sâu câu hỏi: Biết đến bao giờ đất nước mới được tự do để con người thỏa sức ngắm trăng? Đọc đến đây ta càng hiểu rõ hơn con người của Bác đó là một người luôn canh cánh trong lòng nỗi lo vì dân vì nước, vì đất nước Bác có thể hi sinh tất cả.
Hình ảnh của Bác làm em dâng trào cảm xúc mến yêu, kính trọng Bác. Và ta đã luôn tự hỏi rằng: Có bao giờ Người được thảnh thơi để tận hưởng niềm vui của riêng mình? Bác thật vĩ đại trong tâm hồn em và của cả dân tộc Việt Nam.
Qua bài thơ, ta cảm nhận được lòng yêu quê hương trong Bác thật sâu đậm, lớn lao và đã bắt gặp một tâm hồn thanh cao lồng trong cốt cách người chiến sĩ cộng sản. Tác phẩm là một bức tranh đẹp về quê hương, về con người và sự sự hài hòa giữa cảnh và tình.
Bài thơ đã khép lại trong niềm xúc động dạt dào. Bác đã để lại cho đời những vần thơ hay đầy ý nghĩa, những vần thơ đó đã khơi dậy trong em tình yêu thiên nhiên và niềm kính yêu vô hạn vị Cha già của dân tộc.
Qua bài thơ này ta càng hiểu rằng trong hoàn cảnh nào, Bác vẫn giữ được thái độ bình tĩnh chủ động như vậy, mặc dù ẩn trong phong thái ung dung tự tại ấy là nỗi lo cho nước, nỗi thương dân. Trong cuộc đời 79 năm, Bác Hồ có biết bao đêm không ngủ vì nhiều lẽ nhưng điều khiến chúng ta cảm phục vô hạn đó là ý thức, trách nhiệm của Bác trước vận mệnh nước nhà. Ý thức ấy ở Bác không chút nào xao lãng.
Cảm Nhận Về Bài Thơ Cảnh Khuya Ngắn Hay
Cảnh khuya – tác phẩm của chủ tịch Hồ Chí Minh được viết vào thời điểm mà cuộc chiến chống Pháp đang rất cam go, ác liệt. Giữa thời điểm đó Bác vẫn thể hiện được sự lạc quan, ung dung đến lạ kì. Người còn dành thời gian để thưởng thức thiên nhiên và hòa mình vào khung cảnh tuyệt đẹp nơi này.
Bài thơ mở đầu bằng những câu hình ảnh gợi hình gợi thanh mô tả khung cảnh núi rừng rất hay:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Bác như một người họa sỹ vẽ nên vẻ đẹp của núi rừng thiên nhiên Việt Bắc, trong đêm khuya tất cả các âm thanh khác đều lắng chìm đi để nổi bật lên tiếng suối róc rách, tiếng hát trong trẻo. Tiếng suối làm cho không gian càng thêm tĩnh lặng hơn.
Hình ảnh ánh trăng có sức gợi hình cao, “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” trăng sáng chiều vào cây cổ thụ, chiếu qua những tán lá, cành cây, ánh trăng và lá cây như hòa quyện vào nhau in hình xuống mặt đất thật đẹp.
Khung cảnh thiên nhiên được Bác miêu tả có xa và gần, xa là tiếng suối róc rách đang chảy, gần là bóng trăng, bóng cây, bóng hoa hòa quyện, lung linh. Màu trắng bạc của ánh trăng, màu đen sẫm của tàn cây, bóng cây, bóng lá. Dưới gam màu tưởng chừng lạnh lẽo ẩn chứa một sức sống từ thiên nhiên. Âm thanh tiếng suối và hình ảnh ánh trăng như khúc ca êm đềm, du dương trong cảnh thiên nhiên Việt Bắc.
Trong hai câu đầu tác giả chỉ tập trung hoàn toàn vào tả khung cảnh núi rừng, hai câu sau thể hiện tâm trạng của con người đó là Bác Hồ, người đang rất tâm trạng:
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Trước khung cảnh thiên nhiên đẹp như vậy nhưng Bác vẫn không quên nỗi lo nước nhà, lo lắng thời cuộc khi cuộc chiến tranh đang rất ác liệt.
Câu thơ như nói lên tâm trạng của Bác, Bác ngắm cảnh thiên nhiên và phát hiện ra những nét đẹp trong đêm khuya nhưng tâm trạng vẫn hướng tới việc nước. Từ trạng thái say mê chuyển sang lo lắng đến việc dân, việc nước, Bác nhận ra mình đang là một người quan trọng, lãnh đạo nhân dân đất nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kì.
Mặc dù câu thơ chỉ có bốn câu, hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau nói lên tâm trạng Bác nhưng trọng tâm vẫn là nói về tâm trạng Bác, câu thơ cuối nói lên nguyên nhân “người chưa ngủ” ở câu trên, “vì lo nỗi nước nhà” Bác không có thời gian nghỉ ngơi cho chính mình.
Bài thơ Cảnh khuya đã cho thấy sự cảm nhận thiên nhiên tinh tế, nhạy cảm và nỗi niềm của một vị lãnh tụ vĩ đại. Bác vẫn luôn là con người giản dị, yêu thiên nhiên và lo lắng cho vận mệnh của nước nhà.
Đọc hiểu tác phẩm 💌 Tràng Giang [Huy Cận] 💌Tìm hiểu nội dung, giá trị