Bài Thơ Tôi Yêu Em của Puskin. Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích Bài Thơ, Soạn Bài Ngữ Văn 11. Chia Sẻ Ý Nghĩa Nhan Đề, Hoàn Cảnh Sáng Tác, Sơ Đồ Tư Duy.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới thiệu bài thơ Tôi Yêu Em
“Tôi Yêu Em” (tiếng Nga: Я вас любил) là một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất của nhà thơ Nga Aleksandr Pushkin. Bài thơ được sáng tác vào năm 1829 và đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong văn học thế giới.
Nội dung và ý nghĩa:
- Bài thơ “Tôi Yêu Em” thể hiện tình yêu chân thành, sâu sắc nhưng cũng đầy đau khổ và hy vọng. Pushkin đã diễn tả tình yêu của mình một cách tinh tế và cảm động, với những cảm xúc phức tạp như sự rụt rè, lòng ghen tuông, và sự hy sinh.
Một số đoạn tiêu biểu trong bài thơ:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen;
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Ý nghĩa của bài thơ:
- Tình yêu chân thành: Pushkin thể hiện tình yêu của mình một cách chân thành và sâu sắc, dù biết rằng tình yêu đó có thể không được đáp lại.
- Sự hy sinh: Nhà thơ sẵn sàng hy sinh tình cảm của mình để người mình yêu được hạnh phúc, thể hiện một tình yêu cao thượng và vị tha.
- Nỗi đau và hy vọng: Bài thơ cũng chứa đựng nỗi đau của một tình yêu không trọn vẹn, nhưng đồng thời cũng là hy vọng rằng người mình yêu sẽ tìm được hạnh phúc với người khác.
Bài thơ “Tôi Yêu Em” không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một biểu tượng của tình yêu chân thành và cao thượng.
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Tôi Yêu E
Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin, được khơi nguồn từ mối tình của nhà thơ với A. A. Ô-lê-nhi-a (con gái của A.N Ô-lê-nhin, Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga).
Puskin đã cầu hôn nàng vào mùa hè năm 1829 nhưng không được chấp nhận. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông viết nên bài thơ này.
Xem thêm bài thơ nổi tiếng: Em Bảo Anh Đi Đi
Nội Dung Bài Thơ Tôi Yêu Em
Puskin là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của văn học Nga nói riêng và văn học thế giới nói chung. Thơ ông không cầu kỳ, mỹ lệ mà chạm đến cảm xúc người đọc bằng tình cảm chân thành, ngôn từ giản dị nhưng ý vị sâu xa, “Tôi yêu em” là một bài thơ như thế. Cùng xem Nội Dung Bài Thơ Tôi Yêu Em bên dưới.
Я вас любил
Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.
Dịch nghĩa:
Tôi đã yêu em: tình yêu hãy còn, có lẽ là
Trong lòng tôi (nó) đã không tắt hẳn;
Nhưng thôi, hãy để nó chẳng quấy rầy em thêm nữa.
Tôi không muốn làm phiền muộn em bởi bất cứ điều gì.
Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng,
Bị giày vò khi thì bởi sự rụt rè, khi thì bởi nỗi hờn ghen.
Tôi đã yêu em chân thành đến thế, dịu dàng đến thế,
Cầu Chúa cho em vẫn là người được yêu dấu như thế bởi người khác.
Dịch thơ:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Thohay.vn tặng bạn 🍀Bài Thơ Vô Tình Của Puskin🍀 HAY NHẤT
Về Nhà Thơ Puskin
Ngay sau đây là những thông tin chính Về Nhà Thơ Puskin.
- A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 – 1837) được mệnh danh là “Mặt trời của thi ca Nga”, là một nhà thơ vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga” (Nhận xét của N.A. Đô-brô-liu-bốp)
- Các sáng tác phong phú của Pu-skin đã thể hiện tuyệt đẹp tâm hồn nhân dân Nga khao khát tự do và tình yêu.
- Bất kì ở một thể loại nào, văn chương của ông cũng thể hiện một tiếng nói Nga trong sáng, thuần khiết và thể hiện cuộc sống một cách chân thực, giản dị.
- Tác phẩm của Pu-skin thuộc nhiều thể loại: hơn 800 bài thơ tình, tiểu thuyết bằng thơ (Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin, 1823 – 1831), trường ca (Ru-xlan và Li-út-mi-la, 1820), truyện ngắn (Cô tiểu thư nông dân, 1830)…
Thohay.vn chia sẽ bạn tuyển tập 👉 Thơ Puskin Hay Nhất
Ý Nghĩa Nhan Đề Bài Thơ Tôi Yêu Em
Bật mí cho bạn đọc Ý Nghĩa Nhan Đề Bài Thơ Tôi Yêu Em.
Trong nguyên bản bài thơ không có tên. Nhan đề “Tôi yêu em”là do người dịch đặt. Trong tiếng Nga “явас любил – Tôi yêu em” có thể dịch ra tiếng Việt là:
- Tôi yêu chị.
- Tôi yêu em.
- Tôi yêu cô.
- Anh yêu em…
Lựa chọn nhan đề “Tôi yêu em” người dịch đã đạt được hai điều:
- Phù hợp với sắc thái tình cảm vừa gần gũi, vừa xa cách, vừa đằm thắm, vừa dang dở của hình tượng bài thơ.
- Phù hợp với một bài thơ viết về tình yêu đôi lứa.
“Tôi yêu em” là một nhan đề hợp lí. Bởi lẽ cách xưng hô “Anh – em” quá thân thiết, tình cảm trong khi mối quan hệ của Pu-skin và Ô-lê-nhi-na không hẳn như vậy còn cách xưng hô “Tôi – cô” lại quá xa lạ, ít bộc lộ cảm xúc. Vì vậy, không có nhan đề nào phù hợp hơn là “Tôi yêu em” để diễn tả mối quan hệ không phải người dưng nhưng cũng không quá gần gũi, tình cảm.
Đừng vội bỏ lỡ phân tích tác phẩm ❤️️ Lai Tân [Hồ Chí Minh] ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Nghệ Thuật
Giá Trị Bài Thơ Tôi Yêu Em
Xem ngay các Giá Trị Bài Thơ Tôi Yêu Em sau đây.
Giá trị nội dung
- Tôi yêu em là một lời nói nhân văn, là tiếng lòng của bao nhiêu đôi trai gái có duyên mà không có phận..
- Bài thơ thấm đẫm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn của một tâm hồn yêu đương trong sáng, chân thành, mãnh liệt và nhân hậu.
Giá trị nghệ thuật
- Nghệ thuật điệp từ tôi yêu em, yêu được sử dụng vô cùng thành công
- Nhịp thơ khi ngập ngừng sâu lắng diễn tả đau đớn thổn thức trong trái tim thi sĩ, khi mãnh liệt trào dâng trong cảm xúc yêu đương nồng cháy
Bố Cục Bài Thơ Tôi Yêu Em
Bố Cục Bài Thơ Tôi Yêu Em gồm 3 phần như sau:
- Phần 1 (4 dòng thơ đầu): những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn nhà thơ
- Phần 2 (2 dòng thơ tiếp): khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật trữ tình
- Phần 3 (còn lại): sự cao thượng, chân thành trong tình yêu của thi sĩ
Xem ngay về tác phẩm 🌱 Từ Ấy [Tố Hữu]🌱 Mẫu Phân Tích, Giá Trị Nội Dung Và Nghệ Thuật
Dàn Ý Bài Thơ Tôi Yêu Em
Chia sẻ Dàn Ý Bài Thơ Tôi Yêu Em đầy đủ.
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Puskin, “mặt trời của thi ca” nước Nga đã đóng góp một tiếng nói riêng, một giọng điệu riêng.
+ Bài thơ “Tôi yêu em” của ông gây xúc động cho người đọc bởi giá trị tinh thần, như Bie – lin – xki đã từng nói: “Đây là tình cảm của con người từng trải và ta cũng thấy ở đấy lòng nhân ái làm lay động lòng người.”
2. Thân bài
– Mở đầu bằng lời ngỏ “Tôi yêu em”, Puskin giãi bày lòng mình với một tình yêu trinh nguyên nồng cháy:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm bữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
+ Bốn câu thơ đầu khiến người đọc cảm nhận được tâm hồn của nhân vật tôi: Say mê và chối bỏ say mê, ngọn lửa tình rực cháy và chấp nhận dập tắt ngọn lửa ấy.
+ Tình yêu cao thượng thôi thúc nhân vật tôi rút lui vì không muốn em phải bận lòng vì không muốn thì em u sầu. Một trái tim vị tha, một tình yêu cao thượng.
– Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
+ Nhân vật tôi trực tiếp giãi bày những cung bậc tình yêu của mình, chấp nhận dập tắt ngọn lửa tình say mê.
+ Vì em, dường như những đau đớn ấy cũng trở nên thanh thản, nhưng vẫn không giấu được những xúc cảm bình thường trong trái tim mình: Cũng giận hờn, cũng buồn thương, cũng ghen tuông.
– Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
+ Lẽ thường trong tình yêu là sự ích kỷ, ghen tuông là biểu hiện cao độ của sự ích kỷ đó. Ở đây, nhân vật tôi đã vượt qua thói thường ấy, hướng tới một trái tim trong sáng.
+ Lời chúc phúc chân thành.
→ Điều quan trọng nhất không phải tình yêu của tôi mà là trái tim em có cảm thấy thoải mái hay không. Lòng nhân ái trong tình yêu đã đem đến cảm xúc vĩ đại.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật của bài thơ:
+ Bài thơ khép lại với dòng cảm xúc vừa buồn thương vừa mãnh liệt, thể hiện một tình yêu chân thật, cao quý.
+ Tôi yêu em là một lời nói nhân văn, là tiếng lòng của bao nhiêu đôi trai gái có duyên mà không có phận. Tuy vậy, tình yêu vẫn là món ăn tuyệt vời nhất cho tâm hồn con người.
Tham khảo nội dung tác phẩm 🌷Chiều Tối [Hồ Chí Minh] 🌷 đầy đủ nhất
Sơ Đồ Tư Duy Bài Thơ Tôi Yêu Em
Tổng hợp các Sơ Đồ Tư Duy Bài Thơ Tôi Yêu Em.
Nhất định đừng bỏ qua 🌿Đây Thôn Vĩ Dạ🌿 Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật
Soạn bài Tôi Yêu Em ngữ văn 11
“Tôi Yêu Em” là một bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Nga Aleksandr Pushkin. Dưới đây là hướng dẫn soạn bài chi tiết để giúp bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm này.
I. Tìm hiểu chung:
Tác giả:
- Aleksandr Pushkin (1799-1837) là nhà thơ, nhà văn lớn của Nga, được coi là “Mặt trời của thi ca Nga”.
- Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó “Tôi Yêu Em” là một trong những bài thơ tình xuất sắc nhất.
Tác phẩm:
- Bài thơ “Tôi Yêu Em” được sáng tác vào năm 1829, thể hiện tình yêu chân thành, sâu sắc nhưng cũng đầy đau khổ và hy vọng.
II. Phân tích bài thơ:
Bố cục:
- Phần 1 (bốn câu đầu): Những tâm trạng dằng xé của nhân vật “tôi”.
- Phần 2 (hai câu tiếp): Khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật “tôi”.
- Phần 3 (hai câu cuối): Sự cao thượng và vị tha trong tình yêu.
Nội dung chính:
- Điệp khúc “tôi yêu em”: Lặp lại ba lần trong bài thơ, làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ, thể hiện tình yêu say đắm, mãnh liệt và bền vững của thi sĩ đối với người yêu
- Tâm trạng của nhân vật “tôi”:
- Hai câu đầu: Giọng thơ dè dặt, ngập ngừng trong lời thổ lộ: “có thể”, “chưa hoàn toàn”.
- Hai câu tiếp: Nhấn mạnh quyết định dứt khoát đầy tính lí trí của nhân vật trữ tình.
- Hai câu tiếp theo: Nhịp thơ nhanh, nhiều ngắt cách với những trạng từ chỉ thời gian kết hợp với những trạng thái chỉ tình cảm biến đổi liên tục, diễn tả bi kịch tuyệt vọng giữa lí trí và tình cảm.
- Hai câu cuối: Mạch cảm xúc thay đổi đột ngột, dâng cao bởi sự xuất hiện của những từ: “chân thành, đằm thắm”.
Ý nghĩa:
- Tình yêu chân thành: Pushkin thể hiện tình yêu của mình một cách chân thành và sâu sắc, dù biết rằng tình yêu đó có thể không được đáp lại
- Sự hy sinh: Nhà thơ sẵn sàng hy sinh tình cảm của mình để người mình yêu được hạnh phúc, thể hiện một tình yêu cao thượng và vị tha.
- Nỗi đau và hy vọng: Bài thơ chứa đựng nỗi đau của một tình yêu không trọn vẹn, nhưng cũng là hy vọng rằng người mình yêu sẽ tìm được hạnh phúc với người khác
III. Câu hỏi và bài tập:
- Câu 1: Điệp khúc “tôi yêu em” làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ như thế nào?
- Trả lời: Điệp khúc “tôi yêu em” lặp lại ba lần trong bài thơ, vang lên như tiếng lòng say đắm, mãnh liệt, bền vững của thi sĩ đối với người yêu. Bài thơ dường như là lời từ giã của một tình yêu không thành, nhưng lời từ giã cuối cùng lại trở thành lời giãi bày, bộc bạch một tình yêu chẳng thể nào nguôi ngoai, vẫn sôi nổi, nồng nàn
- Câu 2: Phân tích tâm trạng của nhân vật “tôi” qua các câu thơ. Trả lời:
- Hai câu đầu: Giọng thơ dè dặt, ngập ngừng trong lời thổ lộ: “có thể”, “chưa hoàn toàn”.
- Hai câu tiếp: Nhấn mạnh quyết định dứt khoát đầy tính lí trí của nhân vật trữ tình.
- Hai câu tiếp theo: Nhịp thơ nhanh, nhiều ngắt cách với những trạng từ chỉ thời gian kết hợp với những trạng thái chỉ tình cảm biến đổi liên tục, diễn tả bi kịch tuyệt vọng giữa lí trí và tình cảm.
- Hai câu cuối: Mạch cảm xúc thay đổi đột ngột, dâng cao bởi sự xuất hiện của những từ: “chân thành, đằm thắm”.
- Câu 3: Hai câu kết của bài thơ có ý nghĩa gì?
- Trả lời: Hai câu kết hàm chứa nhiều bất ngờ và ý vị. Thể hiện tấm chân tình của nhân vật “tôi” và cung bậc cảm xúc cao nhất của tình yêu: chân thành, mãnh liệt, đằm thắm. Nhân vật trữ tình đã ứng xử rất cao thượng, quyết định từ bỏ để người mình yêu đến với người khác
5 Mẫu Phân Tích Bài Thơ Tôi Yêu Em Hay Nhất
Tặng bạn đọc 5 Mẫu Phân Tích Bài Thơ Tôi Yêu Em của Puskin Hay Nhất.
Phân Tích Bài Thơ Tôi Yêu Em Tiêu Biểu – Mẫu 1
Puskin (1799-1837) tên đầy đủ là A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Puskin, sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc nhiều đời tại thủ đô Mát-xcơ-va. Là một trong số các đại diện nổi bật và xuất sắc nhất của nền Văn học Nga, cũng như thế giới trong suốt thế kỉ XIX.
Puskin thành công trong nhiều thể loại tiêu biểu như trường ca, truyện ngắn, thơ trữ tình với các chủ đề chính mang tính nhân văn cao cả, tinh thần lãng mạn và đề cao khát vọng tự do, giải phóng con người.
Với tác phẩm Tôi yêu em, lời tự tâm đầy đớn đau và xót xa dành cho mối tình đơn phương của chàng trai si tình, “là một ví dụ chân thực về thái độ tôn trọng của Puskin đối với phụ nữ”, cũng là một “tuyên bố tinh túy về chủ đề tình yêu đã mất”. Để sau này khi nhắc đến Puskin người ta thường nhớ đến ông với tư cách là một nhà thơ tình vĩ đại với tác phẩm thơ tình đã trở thành bất hủ trong thi ca.
Ở bốn câu thơ đầu ta thấy rõ ràng tâm trạng đớn đau giằng xé của người thi sĩ, trước mối tình tan vỡ, trước người con gái ông yêu sâu sắc mà không thể có được tình yêu của nàng.
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”
Puskin khẳng định tình yêu nồng nàn, mãnh liệt của mình bằng câu thổ lộ rất chân thành, tha thiết “Tôi yêu em: đến nay chừng có thể”. Đó là lời tỏ tình kinh điển xưa nay, nhưng lại vừa đủ chân thành, không sến súa, ủy mị, thể hiện vẻ nghiêm túc trong tình cảm của tác giả. Khẳng định thứ tình cảm sâu sắc vẫn tồn tại trong trái tim người nghệ sĩ chưa từng đổi thay, vẫn luôn sâu sắc, nồng nàn và đơn giản chỉ bằng ba chữ “Tôi yêu em”.
Dẫu rằng trái tim ấy đã bị sự vô vọng của mối tình đơn phương làm cho đau đớn, xót xa, thế nhưng thứ tình cảm mãnh liệt, nóng bỏng được ví như “ngọn lửa tình” ấy vẫn mãi mãi một màu nồng đượm “chưa hẳn đã tàn phai”.
Điều đó càng là minh chứng cho tình yêu của Puskin là thật lòng đối đãi, đó không phải là thứ tình cảm nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ vụng dại, mà là tình yêu chân thành, đằm thắm của một chàng trai đã trưởng thành.
Rất chung thủy, vững bền dẫu qua bao năm tháng vẫn không hề đổi thay, vẫn nhen nhóm trong trái tim của tác giả những cảm xúc nồng nàn, mãnh liệt dẫu có là đớn đau và xót xa nhiều. Nhưng như lời thơ thấm thía của Xuân Diệu: “Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà đã được yêu. Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng được bao nhiêu. Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết”.
Puskin cũng hiểu rằng, mối tình đơn phương của ông sẽ mãi chẳng có kết quả, cũng hiểu rằng có cố gắng thêm nữa chỉ khiến người và cô gái ấy phải mệt mỏi, và khó xử. Nên ông đã quyết tâm rời bỏ mối tình đơn phương này bằng tất cả lý trí, bằng tiếng nói mạnh mẽ, dứt khoát trong tâm hồn “Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”.
Vẻ cao thượng trong nhân cách của tác giả được thể hiện một cách rõ nét, dẫu vẫn còn yêu thương sâu sắc lắm đấy, thế nhưng ông biết rằng tình yêu thực sự là phải để cho người mình yêu được hạnh phúc chứ không phải “u hoài” luẩn quẩn trong sự níu kéo, chờ đợi, mong mỏi ích của của bản thân mình. Trên tất cả, Puskin yêu và tôn trọng người mình yêu tuyệt đối, ông thà hy sinh, chấp nhận bản thân chịu đau khổ giày vò, cũng không muốn cô gái mình chịu tổn thương một chút.
Và trong những dòng thơ ấy, dưới những câu chữ mạnh mẽ cao thượng này người ta vẫn thấy ẩn hiện sự kìm nén, nỗi xót xa khi buộc phải từ bỏ thứ tình yêu mà ông hằng quý trọng, nâng niu suốt một quãng thời gian dài tưởng như đã in sâu vào thịt.
Đó là tiếng khóc, là giọt nước mắt chảy ngược vào trái tim đầy thương tổn, để dập tắt ngọn lửa vẫn hừng hực cháy. Quả thật từ bỏ tình yêu muôn đời vẫn luôn là điều nan giải đối với mỗi con người, dù đó có là bậc thi sĩ tài hoa hay kẻ tầm thường phố chợ.
Đến hai câu thơ tiếp theo “Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen” người ta lại càng thấy rõ cái nội tâm đầy mâu thuẫn giằng xé, cái sự tuyệt vọng đến đau lòng của tác giả. Yêu sâu sắc đến vậy, thế nhưng nói với người không đặng, chỉ sợ người lại càng lánh xa ta, yêu đến mức chỉ dám lặng lẽ, “âm thầm không hy vọng”.
Dường như Puskin đã vì tình yêu đơn phương đầy nước mắt này mà từ bỏ hết những niềm tin, bởi ông biết rằng hy vọng càng nhiều thất vọng càng sâu sắc, chi bằng ngay từ đầu đã không mong ước, để thấy thoải mái hơn.
Yêu đến mức đớn đau và lặng lẽ như vậy, không chỉ mình Puskin mà còn có rất nhiều trái tim ngoài kia cũng như thế. Đắng cay hơn nữa, là dẫu chỉ là tình đơn phương, nhưng có lẽ mọi cung bậc cảm xúc trong tình yêu, Puskin đã nếm trải chẳng sót một thứ nào.
Khi gặp ánh mắt, dáng điệu, nụ cười của người con gái ấy, trái tim chàng trai si tình đã bừng lên những cảm xúc không tên, thế nhưng lại bị ngăn cách bởi bức tường vô hình là sự từ chối của nàng, nên chỉ dám “rụt rè”, e ngại, sợ rằng chỉ một chút sơ sẩy thôi, thì sẽ chẳng còn gì nữa, nàng sẽ không còn dành cho ta sự nhân nhượng, cảm thông cuối cùng.
Rồi có khi lại “hậm hực lòng ghen” ghen đến phát điên lên được, vì người có tình mới, nhưng đớn đau thay, bất lực và tuyệt vọng thay, bởi tác giả thậm chí còn chẳng có quyền được ghen tức, bởi vốn chẳng là gì của nhau, chỉ là “tự mình đa tình” mà thôi. Thế nên người ta nói ai yêu nhiều hơn người đó thua, là hoàn toàn đúng với tâm trạng của thi sĩ lúc bấy giờ.
Nhưng có lẽ với Puskin thắng thua trong tình yêu là chẳng có ý nghĩa, bởi ông yêu nàng “yêu chân thành đằm thắm”, Puskin đã thoát ra khỏi mớ cảm xúc tiêu cực hỗn độn, để quay trở về với tình yêu đích thực, chân chính và cao thượng nhất.
Người hiểu rằng, tình yêu này đã là vô vọng, vậy chỉ cần một mình ông gánh chịu, còn mong người con gái ấy có được một tình yêu đẹp, được sống cuộc đời hạnh phúc, ở bên một người có dành cho cô ấy tình yêu như ông đã từng.
Thế mới thấy tình yêu của Puskin thật cao thượng và trong sáng, chân thành đến nhường nào, bước ra khỏi mối tình vô vọng chính là cách để tôn trọng người phụ nữ ông yêu, đồng thời cũng là tôn trọng chính bản thân mình.
Đồng thời hai câu thơ cuối cũng cho thấy lối ứng xử thông minh, nhân hậu của một người đàn ông trưởng thành, khẳng định mạnh mẽ tình yêu sâu nặng của mình, và bộc lộ niềm tự hào, sự tự tin vào tình yêu ấy chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho cô gái.
Đôi khi ta cũng cảm thấy có lẽ Puskin vẫn còn có chút hy vọng mơ hồ về sự hồi tâm chuyển ý của cô gái, nhưng nhiều hơn cả vẫn là tấm lòng hào sảng, chân thành chúc phúc, vừa lý trí vừa tình cảm của tác giả.
Tôi yêu em là một bài thơ có cấu tứ đơn giản, dễ hiểu nhưng lại bộc lộ được hết những cung bậc cảm xúc của con người trong một mối tình đơn phương. Người ta thấy sự đớn đau, tuyệt vọng, tình yêu chân thành, sâu sắc của tác giả, sự giằng xé giữa lý trí và con tim trong việc từ bỏ tình yêu mình hằng trân trọng.
Qua đó bài thơ cũng cho chúng ta một bài học về lối ứng xử trong tình yêu, cần phải biết bao dung, có nhân cách cao thượng, không nên vì những cảm xúc ích kỷ mà khiến người khác phải lâm vào tình huống khó xử.
Phân Tích Bài Thơ Tôi Yêu Em Hay Nhất – Mẫu 2
Pu-skin (1799 – 1837) là nhà thơ Nga thiên tài. Xuất thân trong một gia đình quý tộc. Mê thơ và làm thơ hay , từ thuở học sinh. Khát vọng tự do thấm đượm trong hồn thơ Pu- skin. Tình bạn, tình yêu là cảm hứng nồng nàn trong nhiều bài thơ của Pu-skin.
Tác phẩm gồm có: Trường ca Người tù Cap-ca, Những người Xu-gan, Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin. Chết trong bi kịch đau thương lúc 38 tuổi. Go-rơ-ki coi Pu-skin là “Khởi đầu của mọi khởi đầu”.
“Tôi yêu em” là bài thơ tình hay nhất, đậm đà ý vị nhất của Pu-skin, sáng tác năm 1829. Bài thơ đã được phổ nhạc thành ca khúc, được đánh giá là tác phẩm “hoàn hảo” nâng tầm vóc Pu-skim lên đài vinh quang thi ca Nga. Chỉ có tám dòng thơ mà ba tiếng “tôi yêu em” như một điệp khúc “dịu ngọt” tha thiết vang lên ba lần:
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
… Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
… Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm…“
Mối tình ấy “chưa hoàn toàn lụi tắt trong lòng tôi” nghĩa là vẫn âm ỉ cháy, vẫn nồng nàn, vẫn thiết tha. Không tầm thường, cũng không ích kỉ. Cao thượng, vị tha, mà không thấp hèn. Sang trọng và có văn hoá, yêu nồng nàn tha thiết nhưng không bao giờ muốn đem đến sự bận lòng, nỗi u buồn cho người yêu:
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”.
“Bể ái lúc vơi lúc đầy” – đã có người nói như vậy. Tình yêu cũng chứa đầy nghịch lí: gần đấy mà xạ vời, xa vời mà gần đấy. Có lúc lúng túng, rụt rè khó nói nên lời. Cũng có lúc ghen tuông, giận hờn. Bến bờ của hạnh phúc đâu dễ chiếc thuyền tình nào cũng cập bến xuôi mái êm chèo? Bởi vậy mới có tâm trạng:
“Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
Dòng thơ thứ 7 nói lên cung bậc của tình yêu: chân thành và đằm thắm. Chân thành trong tình yêu là sự hướng tới bạn đời trăm, năm. Không vụ lợi. Không dối lừa. Có chân thành thì mới có đằm thắm.
Câu thứ 8 dịch nghĩa: “Cầu trời cho em được một người khác yêu” đó chỉ là một cách nói “làm duyên” mà thôi. Chỉ có tôi là yêu em đằm thắm chân thành. Tình yêu ấy là niềm tự hào của tôi – một tình yêu xứng đáng. Chẳng có ngưòi con trai nào có thể mang “đến” cho em một tình yêu như tôi đã yêu em. Đối diện với bi kịch tình yêu, người con trai vẫn tế nhị, khiêm nhường, vẫn tự hào và kiêu hãnh:
“Tôi yêu em yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.
Bài thơ Tôi yêu em là sự thổ lộ tâm tình của người con trai khi đối diện người yêu. Phẩm chất tình yêu cho thấy một nhân cách sang trọng. Rất đa tình mà cũng rất đàng hoàng, tự tin. Tình yêu là khát vọng, nhưng bi kịch trong tình yêu cũng không hiếm trong cuộc đời:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”.
(“Yêu” – Xuân Diệu)
Tặng bạn chùm: Thơ Anh Yêu Em Thật Lòng Hay
Phân Tích Bài Thơ Tôi Yêu Em Đặc Sắc – Mẫu 3
Nhắc đến nền văn học Nga không thể không nhắc tới một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng là vị thiên tài Puskin. Ông được mệnh danh là “Mặt trời thi ca Nga” với những cống hiến to lớn, vĩ đại trong sự nghiệp. Thơ ông là sự kết hợp hài hoà giữa một tâm hồn khát khao yêu đương và một lí trí hết mực sáng suốt.
Bài thơ Tôi yêu em là một trong những tuyệt tác bất hủ của ông. Một bài thơ ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu chân chính, cao thượng của một trái tim khao khát yêu và được yêu:
“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”
Lời bộc bạch nhẹ nhàng nhưng khẳng định được tình yêu của “tôi” dành cho “em” theo thời gian là không thay đổi “tôi yêu em – đến nay chừng có thể”. Đó là tình yêu đã từ lâu rồi và giờ vẫn còn vẹn nguyên, đó là tình cảm rất chín chắn dài lâu chứ không phải là thứ tình cảm bồng bột của tuổi trẻ nữa.
Tôi đã yêu em như thế, như một cuộc hành trình đơn phương độc bước một mình trên con đường tình yêu gửi đến “em”. Một tình cảm chẳng thể phai mờ, theo thời gian ngọn lửa tình ấy vẫn bùng cháy và da diết, trọn vẹn trong trái tim “tôi”.
Tình yêu ấy dù đã từng muốn quên đi, muốn chôn sâu vẫn không thể nguôi nỗi nhớ, vẫn chẳng thể phai tàn chỉ bởi “tôi” vẫn còn yêu. Ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ trong sâu thẳm tâm hồn để rồi phải bật lên lời thổn thức từ trái tim, từ chính lí trí đang giằng xé giữa yêu và từ bỏ tình yêu ấy:
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”
“Tôi yêu em” là thật, tôi mong em hạnh phúc cũng là thật, tôi mong em không phải đau khổ cũng là thật. Bởi có ai yêu mà muốn người mình thương phải khóc lóc, khổ đau, phải bận lòng. Trái tim tôi yêu em nhưng cũng không hề muốn em phải khó xử, phải bận lòng hay áy náy vì tôi.
Dù tôi có phải chịu đựng bao nhiêu nỗi ấm ức, chờ đợi của tình yêu ấy thì vẫn không muốn em phải khổ đau, phải dằn vặt, chẳng muốn em phải buồn vì bất cứ điều gì cả.
Đó là một tình yêu chân thành, một tình yêu không chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình mà còn biết trăn trở, chua xót, suy tư khi nghĩ đến xúc cảm của người thương. Đó là một tình yêu cao thượng, không toan tính, giàu lòng bao dung.
Nhà thơ đấu tranh giữa tình cảm và lý trí, giữa cảm xúc và sự rạch ròi. Lý trí tưởng như đã điều khiển được trái tim, nhưng sự mãnh liệt của tình yêu tôi dành cho em đã vượt lên cả lý trí vốn rạch ròi kia, cảm xúc chiếm lĩnh lấy lý trí kia, để phải thốt lên những tâm tình tự tận đáy lòng gửi đến em:
“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
Đó là những tâm trạng, những hỗn độn của trái tim tôi khi được yêu em. Tình yêu ấy không mong cầu sự đền đáp từ em. Tôi biết đó là tình yêu không hy vọng có quả ngọt lành, vậy mà tôi vẫn cứ âm thầm, âm thầm yêu em.
Khi rụt rè trước vẻ xinh đẹp của em, khi lại lo sợ sẽ mất em, có khi ghen tuông, hậm hực, nhưng tất cả những cung bậc cảm xúc ấy chỉ bởi tôi dành trọn tình yêu của mình cho em. Càng yêu em mãnh liệt, tôi càng mong em có được yên bình, hạnh phúc:
“Tôi yêu em yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”
Tình yêu đằm thắm, dịu dàng, chân thành tôi dành cho em. Một mối tình lý tưởng và ngọt ngào gửi đến em dù cho đó chỉ là tình cảm đơn phương của tôi. Và bằng trái tim yêu thương dành cho em mà tác giả đã gửi đến em lời chúc phúc đầy cao thượng như thế: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Hoá ra, yêu không chỉ là dành cho nhau nhưng cử chỉ ngọt ngào, dành cho nhau những lời hát yêu thương, những quan tâm thực tại.
Mà yêu còn là sự hi sinh, sẵn sàng buông bỏ để chúc em có được hạnh phúc. Bởi khi em hạnh phúc rồi thì tôi mới được an lòng. Một lời chúc chân thành mà nói lên được bao điều nơi tâm hồn nhân vật trữ tình. Có lời chúc ấy thôi mà ẩn chứa bao nét đẹp nơi trái tim của tác giả.
Mong cầu em sẽ gặp được người tình yêu em như chính tình yêu của tôi dành cho em, mãnh liệt, chân thành và cao đẹp. Và lời mong cầu ấy còn khẳng định thêm một lần nữa tình yêu duy nhất, xứng đáng và đẹp đẽ nhất mà “tôi” gửi đến “em”.
Bài thơ thật nhẹ nhàng, giản dị mà tinh tế, không chỉ đẹp trong ngôn ngữ, trong câu từ mà nó đẹp bởi trái tim hồn hậu, tha thiết của nhân vật. Một tình yêu vị tha, giàu hi sinh và cao thượng, một tình yêu khiến bao trái tim phải thổn thức, suy ngẫm và càng thêm trân trọng những khoảnh khắc đẹp đẽ trong tình yêu.
Đừng bỏ qua tuyển tập 😍Thơ Tình Xuân Diệu Hay Nhất 😍 Tuyển Tập 50+ Bài Nổi Tiếng
Phân Tích Bài Thơ Tôi Yêu Em Chọn Lọc – Mẫu 4
Tình yêu là một đề tài hấp dẫn, cuốn hút trong cả văn học Việt Nam và thế giới. Là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ vơi cạn. Với đề tài này, Puskin, “mặt trời của thi ca” nước Nga đã đóng góp một tiếng nói riêng, một giọng điệu riêng. Bài thơ “Tôi yêu em” của ông gây xúc động cho người đọc bởi giá trị tinh thần.
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm bữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Dịch giả khéo léo lựa chọn nhân xưng “tôi-em”. Không quá khách sáo, trang trọng, không quá xô bồ, thân thiết. “tôi yêu em” thể hiện mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa dang dở vừa nguyên vẹn. Thể hiện rõ sự đằm thắm, tha thiết giữa hai nhân vật.
Bốn câu thơ đầu khiến người đọc cảm nhận được tâm hồn của nhân vật tôi: Say mê và chối bỏ say mê, ngọn lửa tình rực cháy. Và chấp nhận dập tắt ngọn lửa ấy. Tình yêu cao thượng thôi thúc nhân vật tôi rút lui vì không muốn em phải bận lòng. Vì không muốn thì em u sầu. Một trái tim vị tha, một tình yêu cao thượng.
Tiếp nối mạch cảm xúc, nhà thơ lại bày tỏ lòng mình: tôi yêu em. Đây không chỉ là điệp khúc tình yêu mà còn được sắp xếp như cơn sóng trào. Ngày càng mãnh liệt, ngày càng dồn dập.
Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghe
Nhân vật tôi trực tiếp giãi bày những cung bậc tình yêu của mình. Chấp nhận dập tắt ngọn lửa tình say mê. Vì em, dường như những đau đớn ấy cũng trở nên thanh thản. “Âm thầm, không hy vọng, rụt rè, hậm hực lòng ghen”. Nhân vật tôi vẫn không giấu được những xúc cảm bình thường trong trái tim mình.
Chính ông cũng phải thừa nhận rằng, ghen tuông giống như nỗi buồn đen tối. Làm mụ mẫm đầu óc. Nhưng vượt lên trên tất cả, ông chỉ muốn:
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
Lẽ thường trong tình yêu là sự ích kỷ, ghen tuông là biểu hiện cao độ của sự ích kỷ đó. Ở đây, nhân vật tôi đã vượt qua thói thường ấy. Hướng tới một trái tim trong sáng. Điều này thể hiện qua lời chúc phúc chân thành.
Có người cho rằng, câu thơ cuối là sự chối bỏ tình yêu. Có người lại nghĩ, đó là sự vun đắp. Phải chăng, nhân vật tôi muốn nhắn nhủ với người tình rằng hãy sáng suốt chọn đúng người tìm được trái tim yêu thương chân thành, đằm thắm. Có lẽ đây là lời tỏ tình vừa tế nhị, vừa kiêu hãnh.
Bài thơ khép lại với dòng cảm xúc vừa buồn thương vừa mãnh liệt. Thể hiện một tình yêu chân thật, cao quý. Tôi yêu em là một lời nói nhân văn, là tiếng lòng của bao nhiêu đôi trai gái có duyên mà không có phận. Tuy vậy, tình yêu vẫn là món ăn tuyệt vời nhất cho tâm hồn con người.
Xem thêm bài thơ hay: Con Đường Mùa Đông
Phân Tích Bài Thơ Tôi Yêu Em Nổi Bật – Mẫu 5
Từ lâu, văn học Nga luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm hồn và trong tình cảm của mỗi người Việt Nam. Cái chất lãng mạn và hiện thực đan xen với nhau, lối tư duy rành mạch, khúc chiết cộng với sự nồng nhiệt, nhân hậu trong quan điểm nhân sinh đã khiến văn học Nga trở nên gần gũi và làm say đắm lòng người. Tôi yêu em của A. Puskin là một bài thơ mang đậm đặc trưng của văn học Nga và mang đậm dấu ấn của tâm hồn Nga.
Bài thơ mang đến sự thẳng thắn, nhẹ nhàng không hề đơn điệu hay quá cầu lỳ trong lối viết thơ và việc dùng từ ngữ, rất dễ đọc, dễ nhớ và dễ thuộc. Từng cái đơn giản ấy cộng lại đã làm nên cái hồn và sức quyến rũ của bài thơ.
“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.”
Nhắc đến tình yêu luôn là như thế có biết bao lời hay, ý đẹp, biết bao cảm giác, có biết bao điều mà ta muốn dành cho nhau nhưng đôi khi chỉ cần thật ngắn gọn: Tôi yêu em. Chẳng cần quá cầu kỳ mỹ lệ, chẳng cần so sánh hay tượng trưng gì cả chỉ cần nói nhẹ nhàng và ấm áp rằng” tôi yêu em”. Lời mở đầu như lời bộc bạch một cách chân tình, đơn giản. Ta có thể thấy được tình yêu ấy nồng nhiệt và sây đắm biết nhường nào và có lẽ đã là từ rất lâu rồi.
“Ngọn lửa tình” ấy đến nay vẫn rực cháy mà sẽ chẳng tàn phai. Đôi khi tình yêu là như vậy chẳng cần đáp lại, chẳng màng đến thời gian, ta cứ yêu, cứ yêu mãi mà chẳng thể dừng lại dù biết có thể người ấy chẳng thích ta. Tình cảm là điều khó nói và khó nắm bắt, nếu đã yêu rồi sẽ chẳng thể dừng chân.
Tình đơn phương thường được diễn tả nhiều trong thơ ca bởi khi đau khổ thì lời thơ mới trở nên da diết và dễ san sẻ hơn:
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài”
Vì yêu nên nhà thơ đã đang đưa ra quyết định sẽ chẳng để người mình yêu phải bận lòng vì tình cảm của nhà thơ cũng chẳng muốn cô ấy phải “gợn sóng u hoài”.
Tình yêu đôi khi lạ lùng đến như vậy đó, chỉ cần nhìn người mình yêu thương hạnh phúc, chỉ cần người ấy không đau buồn thì bản thân sẽ có thể đánh đổi cả hạnh phúc của mình. Nhưng không phải ai cũng có thể có được tình yêu cao thượng như vậy, có thể chúc phúc và hy sinh để cho người ấy được bình an.
Hai câu thơ tiếp theo cũng đang tiếp nối mạch cảm xúc ấy:
“Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
Đến đây ta đã có thể thấy chàng trai này đang ôm ấp một mối tình đơn phương, chẳng giám nói, chỉ âm thầm bên em mà chẳng có hy vọng để vẽ lên được bức tranh tình yêu hạnh phúc của hai người. Vì là yêu đơn phương nên chẳng có danh phận gì ở bên cô ấy, chẳng có tư cách để thể hiện thứ tình cảm yêu đương nên chỉ có thể một mình tự ghen tuông, tự hậm hực, chỉ rụt rè một mình bên thứ cảm giác của bản thân.
Trái tim là thế đấy, cũng có lý lẽ riêng, có con đường riêng mà chỉ nó mới biết. Tình yêu là thứ tình cảm có thể khiến con người ta hạnh phúc cũng có thể khiến tâm can ray rứt, khổ đau một mình. Nhưng đã là con người nào ai tránh được bàn tay của nữ thần tình yêu.
Hai câu thơ cuối đã thể hiện được cái đẹp trong tâm hồn của chàng trai mang mối tình đơn phương ấy:
“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.”
Tình yêu chàng trai dành cho cô gái thật chân thành, đằm thắm và mãi mãi chẳng tàn phai, vẫn mãi mãi như ngọn lửa ấm nóng và nồng nhiệt dù cho nàng chẳng hề biết. Tình yêu ấy đã và sẽ mãi dành cho nàng, để rồi nó hóa thành sự cao thượng khi chàng trai ước mong cô gái sẽ gặp được người yêu cô như anh đã yêu.
Nói ra những lời này sẽ chẳng dễ dàng chút nào vì sâu trong trái tim ai đã yêu thì sẽ chỉ muốn người ấy là của mình yêu và bên mình chứ chẳng ai muốn phải đứng chúc phúc cho người mình yêu bên người khác. Nhưng chàng trai A. Puskin đã nói thế, thật chân thành và giản dị, đôn hậu và mạnh mẽ biết bao.
Đối với những con người yêu thơ Nga và yêu thơ của Puskin sẽ lại yêu tha thiết những trang thơ chứa đựng bao triết lý sống, những câu chuyện nhân văn mộc mạc, nhưng lai huyền ảo và lung linh của ông. “Tôi yêu em” là một bài thơ hay về tình yêu trong vô vàn các bài thơ hay khác của ông và của văn học Nga. Qua đây ta có thể biết được vì sao mà tên tuổi của ông lại trở thành biểu tượng của văn học và tâm hồn Nga như thế!
Có Bài Thơ Tôi Yêu Em Xuân Diệu Không
Có Bài Thơ Tôi Yêu Em Xuân Diệu Không? Nếu bạn đọc đang có thắc mắc như vậy thì Thohay.vn xin giải đáp cho các bạn là tác giả Xuân Diệu không có tác phẩm nào mang tên “Tôi yêu em” cả. Thay vào đó, Xuân Diệu có bài thơ “Yêu” nói về tình yêu rất lãng mạn và cảm xúc, các bạn có thể tham khảo sau đây.
Yêu
Tác giả: Xuân Diệu
Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
– Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,
Những người si theo dõi dấu chân yêu;
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.