Cuộc Chia Ly Màu Đỏ: Nội Dung Bài Thơ + Phân Tích

Cuộc Chia Ly Màu Đỏ ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích ✅ Chia Sẻ Những Thông Tin Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Thông Điệp, Ý Nghĩa Bài Thơ.

Nội Dung Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ

Bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ là một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Mỹ. Cho dù hiện nay ông đã đi xa nhưng thi phẩm ấy vẫn còn mãi trong lòng độc giả, những người yêu mến dòng thơ Cách mạng.

Cuộc chia ly màu đỏ
Tác giả: Nguyễn Mỹ

Ðó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang bừng trên nét mặt
– Một rạng đông với màu hồng ngọc

Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Ðã toả sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si
Và người chồng ấy đã ra đi…

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”

Tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly…

Chia sẻ thêm tác phẩm 🔰Lời Nói Dối Nhân Ái🔰 Ý Nghĩa, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ

Tìm hiểu thông tin chi tiết về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ:

Bài thơ được viết vào tháng 9/1964. Khi ấy đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang, dùng không quân và hải quân đánh phá ra miền Bắc nước ta, hòng đưa mảnh đất hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa trở về thời kỳ đồ đá.

Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Đảng và Hồ Chủ tịch, thanh niên cả nước đã lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, từ đó đã diễn ra thường xuyên những cuộc chia tay của mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, người yêu tiễn người yêu, bạn bè tiễn nhau vào các chiến trường chiến đấu, là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…

Trong rất nhiều cuộc chia ly ấy, trái tim nhà thơ đã rung lên khi chứng kiến cuộc chia tay của một cặp vợ chồng mà người vợ (nhân vật của bài thơ ) là “một cô áo đỏ”. Và, nhà thơ đã đặt tên cho bài thơ của mình: “Cuộc chia ly màu đỏ”:

Bài thơ sau đó được ra mắt lần đầu trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1964 tại miền Bắc, đã được dư luận xôn xao ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp mới lạ của áng thơ.

Thông Điệp, Ý Nghĩa Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ

Bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ mang đến một thông điệp ý nghĩa về tình yêu thời cách mạng rất hay:

“Cuộc chia ly màu đỏ” chính là một bản tuyên ngôn của tình yêu thời cách mạng, là một bài tùy bút bằng hình ảnh và nhạc điệu, khẳng định cho một quan niệm mới về tình yêu với ba nội hàm của một trật tự luận lý nhất quán: Yêu nhau thắm thiết – nhưng vì lý tưởng, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc – hy sinh hạnh phúc nhưng vẫn luôn thuỷ chung, tình yêu vẫn nguyên vẹn.

Đọc hiểu bài thơ 🍃Hai Sắc Hoa Tigôn🍃Nội Dung, Ý Nghĩa

Đọc Hiểu Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ

Xem ngay phần chia sẻ về nội dung đọc hiểu bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ dưới đây để nắm vững nội dung, ý nghĩa bài thơ.

Đọc đoạn trích sau:

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ 
Tươi như cánh nhạn lai hồng 
Trưa một ngày sắp ngả sang đông 
Thu, bóng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc ảo đỏ rực như than lửa 
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly 
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia 
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế 
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ 
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào 
“Khi Tố quốc cần, họ biết sổng xa nhau…”
Nhưng tôi biết cái mài đỏ ấy 
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi 
Trên đinh dốc cao vẫy gọi đoàn người.
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp.
Một làng xa đi giữa đêm giá rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi.
Như không hề có cuộc chia ly…
(Trích Cuộc chia ly màu đỏ, Nguyễn Mĩ, Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1975, NXB Giáo dục, 1981)

👉 Câu 1. Xác định 01 trường từ vựng có trong đoạn trích. 

Đáp án: Trường từ vựng có trong bài là trường từ vựng màu sắc: đỏ, hồng, vàng, xanh, trắng,…

👉 Câu 2. Sắc đỏ/ màu đỏ được xuất hiện nhiều lần trong đoạn trích. Chỉ ra những lần sắc đỏ/màu đỏ xuất hiện. Theo anh/chị sắc đỏ/màu đỏ ấy có ý nghĩa biểu tượng gì. 

Đáp án: Sắc đỏ xuất hiện trong các câu:

Cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Chiếc ảo đỏ rực như than lửa 
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ 
Nhưng tôi biết cái mài đỏ ấy 
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi 
Ánh lửa hồng trên bếp.
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi.

=>Màu đỏ ấy biểu tượng cho sắc cờ đỏ, cho niềm tin vào độc lập chiến thắng.

👉 Câu 3. Nêu ngắn gọn nội dung đoạn trích. 

Đáp án: Nội dung đoạn trích nói về những cuộc chia ly khi có chiến tranh. Bao trùm đoạn thơ là hình ảnh quen thuộc hiện lên với những gam màu tươi mới, thể hiện tình yêu của cô với anh rất đẹp. Tuy vậy, ngày chúng ta chia li để anh đi cứu nước thì tất cả vẫn đẹp như thế, thể hiện khát khao sẽ giành chiến thắng trở về. 

👉 Câu 4. Hãy rút ra 1 bài học có nghĩa nhất với bản thân từ bài thơ trên.

Đáp án: Sự tin tưởng, lạc quan và đầy tình yêu. Còn là sự cống hiến, hi sinh cho nhiệm vụ của đất nước.

Không nên bỏ lỡ 🌿Bài Thơ Trở Về Quê Nội🌿Nội dung, ý nghĩa

Nghệ Thuật Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ

Điểm qua những nét nghệ thuật trong bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của tác giả Nguyễn Mỹ.

  • Bài thơ được viết theo thể tự do, nhịp điệu thơ đa dạng.
  • Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm kết hợp tự sự.
  • Sử dụng nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh.
  • Sử dụng trường từ vựng màu sắc: đỏ – trắng – xanh – hồng. Các trường từ vựng này có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên vẻ đẹp của đoạn thơ. Các trường từ vựng màu sắc tạo nên khung cảnh của một cuộc chia ly, nhưng không còn cái màu ảm đạm, cái buồn tê tái của nỗi chia xa.

Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ Hay Nhất

Sưu tầm những bài cảm nhận, phân tích bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ hay nhất, cùng đón đọc nhé!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ Hay

Như chúng ta biết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là đỉnh cao của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vốn là một biến động cực kỳ to lớn, có sức lay chuyển đến tận cùng mọi số phận, mọi tình cảm, mọi quan niệm sống của toàn dân ta. Sức thuyết phục và lôi cuốn của nó đã chi phối, tạo lập lại toàn bộ nếp sống của con người bằng cái mà ta gọi là ánh sáng của lý tưởng. Và tình yêu cũng nằm trong vầng hào quang đó.

“Cuộc chia ly màu đỏ” gần như là một bản tuyên ngôn của tình yêu thời cách mạng, một bài thơ được viết bằng hình ảnh và nhạc điệu, khẳng định và cổ súy cho một quan niệm mới về tình yêu với ba nội hàm của một trật tự luận lý nhất quán: Yêu nhau thắm thiết – nhưng vì lý tưởng, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc – hy sinh hạnh phúc nhưng trong lòng vẫn thuỷ chung, tình yêu vẫn nguyên vẹn.

Tóm lại, đó là cách xử lý mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng vốn đã thành một định đề trong văn học cách mạng, một môtíp quá quen thuộc, không có gì phải nói thêm. Điều đáng nói ở đây là tại sao với một nội dung có vẻ khô cứng, đầy tính luận đề như thế, bài thơ lại thực sự là một cơ thể tươi xanh, tràn đầy sức sống và có khả năng lôi cuốn lòng người như vậy?

Có thể nói, Nguyễn Mỹ đã khéo gây ấn tượng cho ta ngay từ cái đầu đề. Bằng cách sử dụng một ẩn dụ táo bạo vừa chính xác về nội hàm, vừa tươi tắn, mạnh mẽ trong biểu cảm, bài thơ có ngay không khí hiện đại mà trong thơ ta trước đây ít xuất hiện, trừ vài trường hợp trong Thơ Mới. Cùng một cách đặt tên như tác phẩm sân khấu – điện ảnh nổi tiếng của Liên Xô “Bi kịch lạc quan”, nhưng cái nhan đề của Nguyễn Mỹ rõ ràng giàu chất thơ hơn.

Bước vào bài thơ, ta dễ dàng thấy cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất mang dụng ý của tác giả:

Tôi nhìn thấy…
Gió nói tôi nghe…
Nhưng tôi biết…

Cách dùng ấy gây hiệu quả như thế nào chắc ai cũng rõ. Ở đây, từ góc độ trực tiếp, tác giả thoải mái để tường thuật lại một cách “mục sở thị” những gì mình nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy. Từ những tiếp nhận trực giác ấy, tác giả toàn quyền suy luận mà không sợ bị lạc lõng. Bài thơ là sự nối tiếp, đan cài giữa ba hình thức diễn đạt: Kể, tả và suy tưởng.

Ta bắt gặp ở đây một ngôn ngữ kể gọn và thưa thoáng, chỉ nhấn nhá vào những chi tiết cần thiết: Một cô gái mặc áo đỏ, tiễn chồng đi làm nhiệm vụ ở xa, giữa một buổi trưa cuối thu, trong một vườn hoa, cô cầm trong tay một chiếc nón, họ tới ngồi dưới một gốc si xanh, cô gái để rơi những giọt nước mắt, nhưng gương mặt thì sáng bừng,….

Dẫu sao, đó vẫn là những chi tiết có thực và cụ thể, không thể tùy tiện phóng túng, nhưng khi chuyển sang ngôn ngữ tả, và nhất là ngôn ngữ bình, có thể nói nhà thơ tín đồ của trường phái lãng mạn cách mạng này đã không ngần ngại tung ra những từ ngữ đẹp đẽ, sáng láng nhất, những hình ảnh rực rỡ nhất, những lý lẽ hùng hồn nhất. Những từ ngữ ấy dường như độc chiếm cả bài thơ, đến nỗi không cần thiết phải trích ra đây.

Vẻ đẹp của đối tượng miêu tả có một phần nằm trong khung cảnh khách quan có thể nhìn thấy, nhưng rõ ràng phần chính yếu là toát lên từ bên trong tâm hồn cao quý của nhân vật trữ tình trong thơ: Người con gái và người con trai đặt tình yêu riêng trong tình yêu lý tưởng. Và còn quan trọng hơn nữa là với một tâm hồn đồng điệu, người làm thơ, vừa là chứng nhân vừa là đồng nhân vật của thơ, đã để lòng mình cất lên những tiếng đồng cảm tuyệt vời.

Chính sự hòa điệu và cùng một đẳng cấp tâm hồn này khiến cho hai yếu tố khách thể và chủ thể của bài thơ hầu như quyện làm một và phát sinh một sức cộng hưởng tình cảm mạnh mẽ. Cường độ tình cảm mãnh liệt ấy phả vào từng từ ngữ, hình ảnh mang màu sắc lãng mạn, tạo ra một giọng điệu cuồn cuộn đủ sức tươi xanh hóa cả những mệnh đề triết lý, đủ sức thổi sức sống vào những con chữ đao to, búa lớn, vốn rất dễ gây cảm giác sáo rỗng.

Đó chính là khả năng đặc biệt của nhà thơ cao tay ấn này: Khả năng tình cảm hóa những gì khô cứng, ráo hoảnh thậm chí vô hồn – từ ánh nắng chan hòa cả vườn hoa, những cánh hoa nhỏ rung nhè nhẹ, còn gió thì cất tiếng thì thào như tiếng thủ thỉ tình tự bên tai người, nhưng là để nói một điều to tát như… một câu khẩu hiệu: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”.

Đoạn bình trên đây trong bài thơ dẫu sao vẫn diễn ra trên cái nền thực của buổi tiễn đưa, nhưng đến đoạn cuối (gồm 8 câu) mới thực là triết lý chay. Tác giả vận dụng tất cả những dữ kiện đã có để phán đoán như đinh đóng cột về tương lai: Tình yêu của người ở lại sẽ sống mãi trong lòng người ra đi, trở thành niềm động viên và sức mạnh cho anh trong cuộc trường chinh:

“Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy”

Hai câu thơ có thể tiêu biểu cho giọng điệu của Nguyễn Mỹ trong bài thơ này. Điệp ngữ “cái màu đỏ” ba lần lặp lại trong chỉ hai dòng thơ hiển nhiên là muốn diễn đạt một điều khẳng định bất di bất dịch, một sự tô đi tô lại đến “quá tam ba bận” nghe có vẻ như tranh cãi, như “khiêu khích, gây sự” ấy đặt vào đây lại rất hợp. Lý sự chay đấy, nhưng người nói nhiệt tình quá, rút gan rút ruột quá, nên khiến ta bị huyễn hoặc, ta cảm động, và tin. Thế mới hay: nói như thế nào cũng quan trọng không kém nói cái gì.

Cũng cần nói thêm là trong lối viết đầy tính luận lý này, để thuyết phục người đọc, tác giả vẫn dùng thủ pháp cấu tứ: Triển khai ý tưởng khái quát trên những hình ảnh cụ thể có gốc thực – cái màu đỏ được giăng qua suốt bài thơ như một sợi chỉ bền nối từ chiếc “áo đỏ” đến những “bông hoa chuối đỏ tươi”, tiếp đến “ánh lửa hồng” trong bếp, để rồi tiếp tục đi hun hút về phía trước.

Cái màu đỏ có tính biểu tượng và ước lệ ấy chính là bộ xương vững chắc tạo nên thế đứng cho bài thơ, là điểm sáng chung đúc tinh anh của cả một thế hệ những con người sống, chiến đấu và yêu nhau trong ánh sáng của những lý tưởng đẹp đẽ, đầy sức quyến rũ.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ Chọn Lọc

Đầm Ô Loan – Tuy An – Phú Yên chính là quê hương của Nguyễn Mỹ -nhà thơ mà mỗi khi nhắc tên anh người ta thường nhớ đến ” Cuộc chia ly màu đỏ “.

Không phải ngẫu nhiên tôi yêu tha thiết cái âm hưởng trong bài thơ này , phải chăng đó là ý niệm chia tay mà không bi lụy , đau thương – cuộc chia tay với những gam màu tươi sáng – chia tay nhau để rồi gặp lại nhau ” như chưa hề có cuộc chia ly”.Câu hỏi mà cũng chính là câu trả lời ấy đã dõi theo tôi suốt những năm tháng học trò , là một bài học trong cuộc sống mà tôi luôn mang theo.

Trong cuộc đời mỗi con người ,có lẽ ai cũng chứng kiến biết bao cuộc chia ly và đã có những người “ra đi từ đó không về” . Mỗi khi nhắc đến chia ly ít ai kiềm được nước mắt . Chính vì thế thơ văn viết về đề tài này bao giờ cũng làm lay động trái tim của nhiều người.

Đó là hình ảnh những con tàu thả khói nơi sân ga chuẩn bị lạc về một miền đất xa xôi , đó là màu của ráng chiều gợi lên một nỗi buồn man mác , đó là những nười mẹ tiễn con , vợ tiễn chồng , em tiễn anh … tất cả đều gợi lên một nỗi đau day dứt, bàng bạc khuôn nguôi …Tôi nhớ về một đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi viết về cảnh chia ly:

 “Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
( Đất Nước )

Chiến tranh đi qua để lại những mất mác đau thương không thể phai mờ trong tiềm thức của mỗi người . Mà cảnh chia ly là một trong những cảnh thương tâm nhất.Hẳn tác giả đã nhận ra được cái rưng rưng của “người ra đi” nên mới khiến câu thơ trở nên tinh tế đến vậy.Sự dứt khoát của những chàng trai biết hy sinh bản thân mình vì sự nghiệp chung của dân tộc : “đầu không ngoảnh lại” nhưng chắc chắn một điều trái tim của các anh luôn hướng về quê hương, về gia đình …

Hình tượng người ra đi được hầu hết mọi người quan tâm. Người ra đi là ai? Một chiến sĩ cách mạng? Một đấng trượng phu? Hay một chàng lãng tử? Nhưng dù người ra đi ấy là ai và ra đi trong hoàn cảnh nào thì đó cũng là một cuộc chia ly mang đầy tâm trạng , khiến chúng ta phải ngậm ngùi.

Trong thời chiến, người ta sợ phải nhắc tới hai từ ” chia ly ” – là nhắc đến khung cảnh ảm đạm tê tái lòng người . Thế nhưng Nguyễn Mỹ lại đặt tên bài thơ bắt đầu từ “Cuộc chia ly …” tôi thật sự ấn tượng ngay từ khi đọc nhan đề và rồi cũng có những giọt nước mắt lăn dài trên má nhưng đó lại là những giọt nước mắt cảm động , vui sướng , hăng hái, hứng khởi – những giọt nước mắt tràn đầy hi vọng về cuộc chia ly màu đỏ.

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
….
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly…

Những câu thơ vang dội trong lòng ta, gợi lên một tâm trạng đa chiều: tâm trạng buồn da diết giữa người ra đi và người ở lại; tâm trạng háo hức khí thế tấn công của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và tình yêu của tuổi trẻ đang phơi phới tuổi xuân tràn đầy hy vọng chờ ngày thống nhất cùng nhau sum họp .

“Đó là một cuộc chia ly có màu, màu đỏ, vừa là cái giá đỡ, cái khiên che, vừa là một ẩn dụ đầy linh nghiệm”(Tú Anh). Trong cái cảnh chia ly mà đáng lẽ ra phải vướng víu, buồn tủi , nặng nề như cảnh đi lính ngày xưa trong không gian lạnh lẽo, thiếu sinh khí của buổi hoàng hôn – thì lại tràn ngập trong ánh sáng và màu sắc : màu đỏ của vườn hoa, của chiếc áo rực lên như than lửa ,của cánh nhạn – lai – hồng; màu hồng ngọc của rạng đông,  vàng của nắng thu ,cây thì xanh , nón thì trắng…Màu nào cũng rực rỡ , cũng bừng bừng.

Có thể nói Nguyễn Mỹ như một chàng họa sĩ thực thụ trong cách phối màu đã tạo nên bức tranh chan chứa sắc màu tình yêu .Có lẽ thế mà tư tưởng chia  tay trong bài thơ lại không mang nét bi thương thường thấy ! Đó là một thành công lớn của bài thơ.

Hơn thế , tình yêu của những con người thời đại Hồ Chí Minh:

“Trong bóng rợp của mình họ nói đến ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng. Những tâm hồn cao đẹp!”

Thật đẹp và thật vĩ đại! Nhân vật trữ tình đã cất lên tiếng nói – tiếng nói tin yêu về một ngày mai giải phóng, hòa bình. Họ chia tay vì lí tưởng cao đẹp, vì bảo vệ độc lập tự do cho cả một dân tộc, đó là hy sinh niềm riêng để bảo vệ lí tưởng chung, còn gì thiêng liêng hơn!

Người thiếu phụ tiễn chồng trong ” Chinh phụ ngâm”cũng  với hoàn cảnh ấy nhưng : ” Bước đi một bước giây giây lại dừng”, phải chăng vì cuộc chiến tranh  phi nghĩa ? Một cuộc chia  ly như thế chỉ để lại những nỗi đau thương không bao giờ nguôi được. Đặc biệt đến  với ” Cuộc chia ly màu đỏ”, bài thơ muốn nhắn gửi đến bạn đọc biết bao thế hệ tư tưởng : “Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.

Trong những năm tháng hào hùng của đất nước, các chiến sĩ lên đường ra mặt trận mang trong mình đầy hào khí, mạnh mẽ và cứng cỏi. Giới trẻ ngày nay khó lòng cảm nhận một cách sâu sắc, chân thực cái tư thế ra trận của một thời màu đỏ này.

Ra đi nhưng niềm tin yêu hy vọng và đặc biệt là trái tim luôn hướng về quê nhà, để rồi tất cả sẽ theo ta “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Biết bao bạn trẻ  sợ hãi cảm giác chia xa , vậy thì tôi khuyên bạn hãy một lần đến với bài thơ của Nguyễn Mỹ để hiểu rõ sâu sắc ý nghĩa của những cuộc chia ly….

Đã mấy mươi năm trôi qua, trải biết bao thăng trầm, đổi thay của lịch sử nhưng “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ vẫn dành được chỗ đứng vững chãi trong lòng bạn đọc. Riêng bản thân tôi ấn tượng và yêu quí bài thơ bởi cái tư tưởng lạc quan, đầy tin yêu ” Như chưa hề có cuộc chia ly” của bài thơ. Hy vọng thế hệ của hôm nay, tôi và bạn, sẽ lấy bài thơ này làm hành trang để biết cống hiến ,hi sinh vì nhiệm vụ cao cả của đất nước .

Đón đọc tác phẩm🌿Giục Giã [Xuân Diệu]🌿 Hay, ý nghĩa

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Cuộc Chia Ly Màu Đỏ Hay Sâu Sắc

“Cuộc chia ly màu đỏ” có thể nói là một nhan đề đặc biệt. Trong tình huống tràn đầy nguy hiểm như ở chiến trường, đâu có ai muốn thốt ra từ “chia ly”? Họ chỉ tạm biệt, hoặc chia tay, rồi kèm thêm vài từ “giữ sức khỏe” và “hẹn ngày gặp lại”. Ấy vậy mà Nguyễn Mỹ lại viết “cuộc chia ly.”

Nghe qua là đã thấy không có khả năng trùng phùng, cảm giác sẽ mãi mãi chẳng bao giờ về tới nơi, thật quá đau buồn. Và “cuộc chia ly màu đỏ”… Màu đỏ không phải là màu buồn, nó đại diện cho sự tươi sáng và rực rỡ. Thay vì mang màu sắc tươi sáng, nó lại toát lên một điều gì đó thật tích cực, thật tốt đẹp, và đó là một cuộc chia ly với đầy hy vọng.

“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng.”

Câu thơ mở đầu thật sự gây ấn tượng với “chói ngời sắc đỏ” và “Tươi như cánh nhạn lai hồng.” Tại sao Nguyễn Mỹ lại sử dụng biện pháp so sánh ở đây? Có lẽ ít bạn biết rằng, “nhạn lai hồng” thật ra là một loài hoa của phương Tây. Chúng đặc biệt bởi sở hữu một màu đỏ vô cùng rực rỡ, khiến ai nhìn vào cũng thấy yêu thích.

Ngoài ra, còn bởi vì ý nghĩa của chúng là sự gắn kết bền chặt của tình yêu đôi lứa. Nhân vật chính trong “Cuộc chia ly màu đỏ” chính là một đôi vợ chồng trẻ, ý nghĩa này quả thật không thể nào phù hợp hơn. Càng tuyệt vời hơn thế, có thể nói đây là sự bất tử. Vì người Đức cho rằng hoa nhạn lai hồng là biểu tượng của sự bất tử, và cũng là lời mà Nguyễn Mĩ muốn nhắn tới bài thơ.

“Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.”

Cuộc chia ly ấy được diễn ra vào một ngày thu, thời điểm mà xuất hiện hầu hết trong tất cả các tác phẩm của Nguyễn Mĩ. Và đó là một ngày nắng rực rỡ, vô cùng lãng mạn, chẳng hề có chút bi thương đau đớn nào cả. Vô cùng chói mắt! Tuy vậy, “một ngày sắp ngả sang đông” đã nói tiếp lên tâm trạng của hai người họ. Mùa đông tới, gió lạnh ập đến, cũng giống như cảm xúc sắp đông đá của họ.

Tầm mắt của tác giả đã bị thu hút bởi cô gái với chiếc áo đỏ. Cô ấy đang tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa, rõ ràng là cảnh chia ly nhưng lại thật ấm áp, thật mơ mộng. Áo đỏ của cô, sắc vàng của nắng, có lẽ đã át đi nỗi buồn chia xa giữa hai người rồi.

“Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly.”

Ở đây tác giả đang dùng biện pháp hoán dụ, dùng “áo đỏ” để nói về “cô vợ”, hay cụ thể hơn là “tấm lòng cô vợ”. Nó đang rạo rực, đang nóng bỏng và da diết vô cùng cùng với sự lưu luyến không ngưng của cô.

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không ngăn được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời.”

Khu vườn ấy ngoại trừ sắc vàng thì còn có xanh và trắng, thật sặc sỡ, ấy vậy nhưng vẫn phải lu mờ trước màu đỏ của tình yêu cô – “rực cháy”. Đó là một khu vườn tràn đầy sức sống, màu nào cũng như phô hết tài năng, nổi bật nhất là tông đỏ mạnh mẽ chói mắt người đọc. Giống như một bức tranh đa sắc màu được một người nghệ sĩ tô vẽ hết khả năng, ấn tượng và độc đáo.

Giữa khung cảnh thiên nhiên không gì giống nhau đó, dù đã có sự kết hợp tới ba màu nhưng vẫn lu mờ trước “rực cháy” – đỏ – của tình yêu cô. Biện pháp nhân hóa “không giấu nổi”, “không ngăn được” như càng làm rõ ràng thêm hình ảnh cô vợ trẻ. Không gian cũng nhuốm màu cảm xúc của cô, xúc động, lưu luyến. Giọt nước mắt sáng ngời vừa là buồn, vừa là lưu luyến, lại vừa chan chứa hy vọng và niềm tin.

“Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
– Một rạng đông với màu hồng ngọc

Nguyễn Mỹ đã miêu tả khuôn mặt cô gái bằng những từ vô cùng xa lạ: “bình minh”, “rạng đông”. Tại sao tác giả lại dùng những từ ấy? “Bình minh” và “rạng đông” đều là khoảng thời gian sớm nhất trong ngày, và cũng là khoảng thời gian rực rỡ và sáng chói nhất. Tác giả đã dùng biện pháp ẩn dụ để ngầm so sánh nụ cười và sự ngượng ngùng lưu luyến của cô.

“Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi” – nụ cười chói mắt rạng rỡ như bình minh ban sáng, nhưng nước mắt vẫn đang rơi. Ta có thể hình dung ra hình ảnh cô gái trẻ dù đau lòng vẫn cố gắng cười tươi trấn an chồng, và bản thân cô cũng đang tự cho mình một hy vọng, hy vọng rằng chồng cô sẽ chiến thắng trở về. Chính khi cô vui vẻ, có thể thấy rõ nét “rạng đông màu hồng ngọc” trên khuôn mặt còn vương nước mắt, như một sự kiên cường kì dị, và dâng trào niềm tin và hy vọng bên trong ấy.

“Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!”

Cây si xanh “gọi” họ đến ngồi, tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa để tăng thêm thái độ tin tưởng tuyệt đối. Cây si là biểu tượng của sự trường thọ, của bất tử, tác giả có ý muốn nói về đất nước, cũng có thể là tình cảm giữa đôi vợ chồng đó, sẽ mãi mãi bất tử trường tồn với thời gian.

“Trong bóng rợp của mình nói tới ngày mai/ Ngày mai sẽ là ngày sum họp.” Đây là một câu nói đầy hứa hẹn của cây si, là một lời khẳng định chắc chắn rằng đất nước sẽ nhanh chóng thoát khỏi chiến tranh, và đôi vợ chồng ấy sẽ lại sum họp. Mới đi hôm nay, ngày mai đã về rồi, thời gian chiến trận nhanh quá, thật chóng vánh, cũng bớt lo lắng phần nào. Và ngày mai sẽ tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp, nhấn mạnh và tin tưởng hơn nhiều.

Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
Và người chồng ấy đã ra đi
Cả vườn hoa ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ.”

Nếu trên kia là một đoạn thơ với niềm tin mãnh liệt thì dưới này lại nhuốm màu bi thương. Nắng vẫn còn xuyên suốt cả đoạn nhưng bên dưới là một câu chuyện buồn. Nguyễn Mỹ đã phải dùng biện pháp nói giảm nói tránh, rằng người chồng đã đi rồi, để tránh chúng ta cũng buồn, cũng là tránh cho cô vợ đau khổ.

Cả vườn hoa ngập tràn trong nắng xế nắng là nắng ban chiều, là thời điểm đã gần hết ngày. Chúng ta đều biết hoàng hôn thường gắn với những nỗi buồn, là khi mà con người suy sụp nhất. Hãy tưởng tượng ra khung cảnh cô vợ nghe tin dữ trong buổi trời chiều đỏ trời, thật là một khung cảnh đầy đau đớn mà!

Một hình ảnh đối lập nữa chính là những cánh hoa đỏ. Màu đỏ bây giờ không là niềm tin mãnh liệt nữa, nó u uất hơn bao giờ hết, nó giống như màu máu của sự hy sinh, và rung lên nhè nhẹ như đang khóc lên.

Và trong phút giây đó, Nguyễn Mĩ như nghe thấy tiếng của thiên nhiên đang chứng kiến.

“Khi Tổ Quốc cần, họ biết sống xa nhau.”

Nhân hóa hiện tượng gió lên, thể hiện sự chứng kiến và xúc động, cảm thương cho đôi vợ chồng nọ. Và gió đã thốt lên, “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau.” Họ ở đây là ai, chính là đôi vợ chồng. Hai người đã hy sinh của bản thân vì quốc gia đại sự, đều vô cùng yêu nước và yêu hòa bình.

“Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét”

Câu thơ “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy”, giống như một điều gì đó thật trường tồn, lặp đi lặp lại. Cụm từ “màu đỏ” xuyên suốt cả bài, rồi qua đoạn cuối hẳn chính là biểu tượng bất diệt, của cả lòng yêu nước, của cả tình yêu đôi lứa. Nguyễn Mĩ đã so sánh “cái màu đỏ ấy” với “bông hoa chuối” và “ánh lửa hồng”.

Đầu tiên, “bông hoa chuối” là một hình ảnh thật sự gợi hình. Trong “Việt Bắc” của Tố Hữu, ta có thể
thấy bông hoa chuối là một trong những biểu tượng mà tác giả nhớ tới khi trở lại Việt Bắc. Bông hoa chuối là đại diện cho rừng núi nước ta. Và nó đứng từ trên cao, vẫy gọi đoàn người như một sự chiến thắng đã được ấn định từ trước.

Tiếp tới, “ánh lửa hồng” tựa hồ cũng có ý nghĩa riêng. Đối với một ngôi làng cách xa khu dân cư, lại trong mùa lạnh giá, thứ quý giá nhất chính là đồ ăn thức uống và nhiệt. “Ánh lửa hồng” vô cùng quý giá với người dân xứ lạnh, nếu không họ sẽ bị chết rét. Ánh lửa xua tan lạnh giá, bùng lên trong tim một hy vọng mong manh…

Đối với đoạn thơ cuối, thật sự là rất buồn.

“Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly.”

Qua đoạn thơ trên kia, ta có thể hình dung ra ngay rốt cuộc “cái màu đỏ” là điều gì. Đó là quốc kỳ Việt Nam, là là cờ Tổ quốc. Lá cờ ấy theo đoàn quân lên rừng xuống biển, đi khắp mọi miền đất nước. Nó liên kết mọi người mới nhau, giống như không có cuộc chia ly. Mặc dù hiện thực tàn khốc cách biệt, nhưng đối với tác giả, chưa ai phải xa gia đình, cũng chưa một đôi vợ chồng nào phải chia cắt để rồi đau buồn.

Viết một bình luận