Gửi Mẹ [Lưu Quang Vũ] ❤️ Nội Dung Bài Thơ, Ý Nghĩa, Cảm Nhận ✅ Bài Thơ Được Lưu Quang Vũ Viết Vào Năm 1969 Khi Đang Tại Ngũ.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Gửi Mẹ Của Lưu Quang Vũ
Bài thơ: Gửi mẹ
Tác giả: Lưu Quang Vũ
Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học
Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh
Sẽ chẳng bao giờ làm mẹ xót xa
Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha
Ước con được sống suốt đời bên mẹ
Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể
Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai
Nhưng xứ sở ta quân Mỹ tới rồi
Cùng bè bạn con lên đường đuổi giặc.
Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc
Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà
Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ
Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng
Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh
Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi?
Suốt cuộc đời chưa có lúc nghỉ ngơi
Nghĩ thương mẹ, giận quân thù quá đỗi
Lo trước mọi điều, mẹ thường ít nói
Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa
Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ
Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai
Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi.
Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️ Vườn Trong Phố [Lưu Quang Vũ] ️❤️️ Đọc Hiểu, Cảm Nhận
Ý Nghĩa Bài Thơ Gửi Mẹ
Bài thơ là một lời gửi gắm của con đối với người mẹ đã hy sinh cả đời vì con và vì đất nước. Bài thơ là một lời tự trách của con vì đã làm khổ mẹ nhiều lần trong quá khứ và một lời ước mong của con vì muốn được sống bên mẹ mãi mãi. Bài thơ cũng là một lời tuyên ngôn của con về lòng yêu nước, sẵn sàng đứng lên đuổi giặc để bảo vệ quê hương.
Những Cảm Nhận Về Bài Thơ Gửi Mẹ Hay Nhất
Cùng Thohay.vn xem ngay những bài văn mẫu cảm nhận bài thơ Gửi Mẹ hay nhất bên dưới.
☛ Cảm Nhận Về Bài Thơ Gửi Mẹ Hay Nhất
Trong bài thơ, bức chân dung người mẹ hiện lên qua hồi ức của đứa con về một thời thơ ấu. Đó là người mẹ hiền lành, tần tảo cả đời để chăm lo cho chồng con. “ Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ – Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta”. Người mẹ ấy không được tái hiện hay miêu tả bằng mái tóc dài như suối hay đôi môi đỏ luôn chúm chím cười hiền, nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật.
Đó là một người phụ nữ với phẩm chất đáng quý – bao dung trước những lỗi lầm của đứa con nhỏ “ nhiều lỗi lầm ương ngạnh “ nên nhiều lần khiến mẹ phải “ xót xa”. Người mẹ ấy đã không còn trẻ “ như hồi mẹ mới gặp ba”, cũng đã có đứa con lớn lên đường ra trận. Thế nhưng, vẻ đẹp không vì thế mà phai nhạt đi. Sự thông tuệ “ Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa “ và khả năng nhìn xa trông rộng đã khẳng định vẻ đẹp trí tuệ cùng sự thông thái của mẹ. Chính điều ấy khiến ta cảm thấy khâm phục biết bao, đặc biệt là chi tiết: giả dối quanh co, hận thù hay tàn bạo tới đâu, cũng đều “ nát vụn trước đôi mắt của mẹ” .
Không chỉ chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ, mẹ còn là người phụ nữ mẫu mực gánh trên mình việc nhà và việc nước: “ Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc – Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà”. Tài năng của mẹ thật đáng khâm phục! Trong gia đình, mẹ là người vợ mẫu mực; ra xã hội, mẹ là nòng cốt quan trọng của Đảng.
Chi tiết “ Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ – Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng “ đã cho ta thấy người phụ nữ ấy cống hiến tuổi xuân và tài năng của mình cho đất nước, trở thành hậu phương vững chãi, cơ quan đầu não của Đảng xuyên suốt hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc là kháng chiến chống Pháp và cuộc đấu tranh đòi lại độc lập với Đế quốc Mỹ. Một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, chưa từng quản ngại khó nhọc.
Đọc bài thơ “ Gửi mẹ “ của Lưu Quang Vũ, trào dâng trong ta là sự khâm phục trước vẻ đẹp và tài năng của nhân vật “ mẹ”, cùng tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Càng thấu hiểu về vẻ đẹp của sự tài giỏi ấy bao nhiêu, ta lại càng suy ngẫm hơn về trách nhiệm của cá nhân mình với đất nước. Mẹ đã không ngại gian khó để làm hậu phương vững chắc cho con – cho tiền tuyến hướng về, vậy ta phải làm gì để không phụ công lao to lớn của mẹ?
Xuyên suốt tác phẩm, là giọng thơ nhẹ nhàng da diết khi hồi tưởng về tuổi thơ của con, về những tháng ngày được mẹ bao dung, ân cần chăm sóc. Thể thơ tự do đã giúp Lưu Quang Vũ không bị bó buộc trong dòng hồi tưởng ấy, giúp ông hướng về thực tại, là sự dũng cảm can trường và tài giỏi của mẹ khi đảm đương việc nước bên cạnh việc nhà, là nguồn động lực lớn cho đứa con cầm súng chiến đấu.
Khép lại bài thơ “ Gửi mẹ”, là lời nhắn gửi của đứa con trai: “ Dẫu cuộc đời là con đường dài thế – Con sẽ đi qua mọi đèo dốc trông gai- Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi. “. Những dòng thơ ấy đã giúp ta nhận ra bài học lớn trong cuộc sống: Phải vững tin và kiên cường trước sóng gió, bởi sẽ luôn có mẹ ở phía sau! Đừng ngại khó khăn gian khổ, mang ước mơ của mẹ gửi gắm vào ta và biến nó trở thành động lực để cố gắng! Và hơn hết, vẻ đẹp và vai trò của mẹ đã khắc sâu ấn tượng trong lòng ta không chỉ ở hiện tại, mà còn tới tận mãi sau này!
Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Bài Thơ Những Con Đường ❤️️ Nội Dung, Phân Tích
☛ Cảm Nhận Về Bài Thơ Gửi Mẹ Đặc Sắc
Đã có rất nhiều nhà thơ viết về mẹ với nhiều thể loại, với những nỗi niềm thương nhớ kính yêu, với những ngôn từ thiết tha, trìu mến, đôi khi có phần bi luỵ. Còn anh viết về mẹ với những ngôn từ bình dân, vô cùng chân thực sâu lắng. Bài thơ “gửi mẹ” được viết nào năm 1969 khi đang tại ngũ.
Mở đầu bài thơ, Anh đã nêu lên một chân lý hiển nhiên ngàn đời:
“Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ”
Đồng thời đưa ra chân lý mới:
“Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta”
“Ai thương con bằng con thương mẹ”, nhưng chính con lại làm khổ mẹ nhiều nhất, phải chăng đó là quy luật của tạo hoá hay bởi “lòng mẹ mênh mông như biển thái bình”, suốt đời lam lũ, chịu khó, chịu thương hy sinh tất thảy vì con mà nên nông nỗi ấy.
Giữ gìn truyền thống gia đình, coi trọng luân thường đạo lý là niềm tin, là lẽ sống của mẹ. Mẹ là ngọn lửa rừng rực, tự cháy hết mình để thêm nguồn năng lượng cho cháu con nối gót ông cha.
Mẹ quên bản thân mình, thức thâu đêm ru con ngủ, lo cho con từng miếng cơm manh áo….Mẹ đau khổ khi con không vâng lời, khi con hư hỏng. Kể cả lúc thành đạt có khi lại làm mẹ khổ đau hơn vì con sống quá thực dụng, không giữ được đạo đức, gia phong, tầm thường khi đối nhân xử thế.
Và Anh ước “được sống lại tuổi thơ” để “chẳng bao giờ mải chơi trốn học/ sẽ không lần nào làm mẹ xót xa”.Tình cảm ấy thật tự nhiên, thực tế, không hề sáo rỗng.
Anh “Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha/ Ước con được sống suốt đời bên mẹ/ Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể/ Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai ” để được phụng dưỡng, chăm sóc mẹ khi ốm đau, khi trái gió, trở trời… cho tròn đạo làm con như bao người con có hiếu.
“Nhưng xứ sở ta quân Mỹ tới rồi
Cùng bè bạn con lên đường đuổi giặc”.
“Đuổi giặc” chứ không phải là “đánh giặc” chỉ hai từ ấy thôi cũng đã nói lên dân tộc ta rất yêu chuộng hoà bình. Đuổi giặc đi như đuổi gà, đuổi trâu… để chúng không phá hoại vườn rau, ruộng lúa chứ không đánh cho chúng phải chết, phải tuyệt diệt. Đứng lên đánh giặc là việc chẳng đừng khi quân thù hung hăng, dã man giày xéo quê hương, đất nước thân yêu của mình. Phải chăng đó là truyền thống đẹp đẽ của dân tộc ta được hun đúc qua chiều dày mấy ngàn năm lịch sử? Trong quá khứ Ông cha ta đã bao lần đánh cho quân xâm lược phương Bắc phải kinh hồn bạt vía, sau khi giành thắng lợi lại cấp luơng, cấp thuyền cho chúng cút về nước.
Có nhà thơ đã viết:”Giặc nước đuổi xong rồi trời xanh thành tiếng hát…”. Mẹ ơi! đuổi giặc xong rồi con lại về với mẹ, để được nằm bên mẹ, để được nghe lời ru ngọt ngào và làm vài món ăn mẹ thèm mà cả đời mẹ chưa một lần được nếm.
Mẹ của anh cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác:chịu thương, chịu khó, yêu chồng, thương con,”Giỏi việc nước,đảm việc nhà”.Mẹ vui vẻ thực hiện nghĩa vụ ấy với ý thức tự nguyện. “Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc;Quen vất vả mẹ quản gì sương nắng” Với ngôn từ giản dị Anh đã khắc hoạ những phẩm chất của người mẹ Việt Nam.
Ta hãy lắng nghe tâm trạng của người con trai nhớ về mẹ của mình giữa chốn rừng xa: “Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh”. Anh có bi luỵ không? Anh không hề bi luỵ. Quang Dũng trong bài “Tây tiến” cũng đã viết: “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc” Mà “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” đó sao. Anh đi đánh Mỹ cũng chính là vì cha mẹ mình, quê hương đất nước mình. Nỗi nhớ ấy, vào thời gian và không gian ấy thật đáng trân trọng.
” Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi
Suốt một đời chưa có lúc nghỉ ngơi”
Cũng như cái máy, sinh vật, mọi con người đều có nhu cầu nghỉ ngơi để hồi phục chức năng sinh lực.Trong hoàn cảnh tuổi cao, sức yếu đương nhiên mẹ của anh hoàn toàn có quyền đó nhưng vì sao? Vì nhiều lẽ nhưng quan trọng nhất có lẽ vì Tổ Quốc đang còn giặc giã. Mẹ không nghỉ ngơi là để làm thêm nhiều việc cho gia đình, cho đất nước để chiến tranh mau kết thúc, để sớm có ngày được gặp lại con.
“Nghĩ thương mẹ giận quân thù quá đỗi”
“Giận” chứ không phải là “Căm thù” quá đỗi .Ở đây anh tiếp tục sử dụng từ như khổ thơ thứ hai (là “đuổi” chứ không phải là “đánh”).Giận vì nước Mỹ có hơn hai trăm năm lịch sử, là nơi sản sinh ra bản tuyên ngôn độc lập (04/7/1776) và về nhân quyền, bác ái đầu tiên trên thế giới (thứ hai là tuyên ngôn năm 1789 của nước Pháp), là đất nước được coi là văn minh, giàu có nhất hành tinh, nhân dân Mỹ cũng rất yêu chuộng hoà bình nhưng chính quyền hiếu chiến của Hoa Kỳ lại mang đạn bom, máy bay, tàu chiến đến đất nước Việt Nam thân yêu cách nước Mỹ nửa vòng trái đất để tàn phá ruộng nương, giết hại dân lành. Chiến tranh tàn khốc kéo dài hai mươi mốt năm. Hàng triệu người đã ngã xuông, hàng triệu người mẹ mất con, Hàng triệu người vợ mất chồng, hàng triệu người tàn phế và nhiều thế hệ bị di chứng chiến tranh, chất độc màu da cam…
Khác với các nhà thơ, nhà văn, chiến sĩ trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, họ lý tưởng hoá cuộc chiến tranh như là niềm vui, là lẽ sống như “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” hoặc “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” v.v..và v.v.., thì trong khổ thơ này và trong bài thơ “Việt Nam ơi” của Anh có vẻ như hơi lạc điệu. nhưng chính nhờ đó mà ta thấy rõ hơn suy nghĩ sâu sắc, tình yêu Tổ Quốc thiết tha của Lưu Quang Vũ.
Mọi người càng trân trọng Anh hơn khi biết vào năm 1965, vừa 17 tuổi đang học dở lớp 10 (hệ 10 năm), Anh đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội.Trong đêm khuya trước ngày lên đường Anh đã viết cho mẹ những vần thơ chan chứa:
“Từ giã những tà áo tím tuổi thơ, từ giã mẹ
Con khoác trên mình áo bộ đội xanh
Màu xứ sở ru con từ thở nhỏ
Nay cùng con đi giữ đất quê mình.”
Giờ đây đọc lại, xem lại những bài thơ, những kịch bản sân khấu của anh ta càng cảm phục Anh: một tâm hồn, một tầm nhìn với một nhân cách lớn.
“Lo trước mọi điều mẹ thường ít nói
Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa
Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ”
Qua bốn câu thơ này, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam vốn “Hay lam,hay làm”, “dám hy sinh nên chẳng nhiều lời” lại đuợc toả sáng. Đôi mắt tinh tường, hiền từ trải đời của mẹ là sức mạnh vô biên chiến thắng cái ác, chiến thắng sự giả dối, sự bạo tàn thù hận. Sức mạnh của mẹ khiến mọi kẻ thù phải khiếp sợ. Sức mạnh đó trường tồn, vĩnh cửu.
“Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai
Bằng đôi chân của mẹ mẹ ơi”
Trước cuộc đời gian lao ,vất vả đầy rẫy những biến cố bất ngờ phía trước, Anh nguyện sẽ vượt qua tất cả bằng nghị lực của mình, bằng tình yêu thương, sự hy sinh lớn lao mà mẹ Anh đã từng chăm sóc, nuôi nấng dạy dỗ từ khi lọt lòng đến khi Anh đã là người lớn, người lính.
Hai mưoi bảy câu thơ trải ra trên sáu khổ, với những con chữ “bình dân”, giản dị, không bóng bẫy rườm rà, ngòi bút tài hoa đã khắc hoạ rất thành công hình ảnh ngưòi mẹ của riêng Anh đồng thời khái quát được những phẩm chất chung của người mẹ Việt Nam. Có thể nói: Anh đã cùng với nhiều văn nghệ sĩ xây đắp nên tượng đài “Mẹ Việt Nam Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà không sợ đại ngôn.
Phải chăng từ tình cảm chân thành, mộc mạc của người con đối với mẹ thể hiện qua bài thơ “Gửi mẹ” và tài năng của Anh đã thắp sáng một Lưu Quang Vũ trên văn đàn (thơ và kịch) Việt Nam.