Hoa Cúc Vàng Nở Ra Hoa Cúc Tím [Nội Dung + Bình Giảng]

Bài Thơ Hoa Cúc Vàng Nở Ra Hoa Cúc Tím ✅ Ý Nghĩa Hoa Cúc Vàng Nở Ra Hoa Cúc Tím, Bình Giảng Bài Ca Dao Hoa Cúc Vàng

Nội Dung Bài Thơ Hoa Cúc Vàng Nở Ra Hoa Cúc Tím

– Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em có chồng rồi, trả yếm cho anh
– Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi!

Hãy tìm hiểu thêm 💙Bài Thơ Hoa Cúc Vàng Mầm Non💙 bạn nhé!

Ý Nghĩa Hoa Cúc Vàng Nở Ra Hoa Cúc Tím

  • Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/
    Em có chồng rồi, trả yếm lại anh!
  • Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
    Yếm em em mặc, yếm gì anh, anh đòi!
    Bài ca dao rất gần gũi với nhiều người, cũng không có nhiều dị bản. Một số đặc điểm thi pháp gây ấn tượng là kết cấu, ngôn ngữ, thể thơ và biểu tượng.

Kết cấu:

Hai vế có quan hệ đối lập về hình thức, đây là một khúc ca đối đáp giữa một người nam và một người nữ. Chúng ta chưa bàn đến câu 1 và câu 3 vội, vì 2 câu này bắt đầu là một câu đưa đẩy thuộc thể phú trong nghệ thuật cấu tạo một bài ca dao. Và dù hoa cúc vàng có nở ra bất kỳ một màu sắc gì khác thì nó cũng không làm thay đổi ý nghĩa đích thực của câu 2 và câu 4.
2 câu đầu là một lời ca dao, 2 câu sau là một lời ca dao khác, và chúng có quan hệ đối đáp – đối lập nhau về hình thức. Bởi trên bình diện ngôn ngữ, chúng ta thấy đó có thể là một cuộc đòi yếm/trả yếm và sự chối từ, một cuộc đòi – trả không thành công. Sự đa dạng của những phán đoán về nội dung. Chúng ta thử minh xác xem đây là một cuộc trả yếm hay là một cuộc đòi yếm.Vì đây là một khúc ca được thể hiện trong một buổi hát đối đáp nào đó nên nội dung đích thực của nó chỉ là một giả thiết. Tuy nhiên, dù chỉ là một giả thiết thì giả thiết đó cũng phải phản ảnh được tâm tình chung của quần chúng thì mới được quần chúng lưu truyền cho tới ngày nay.
Có 2 giả thiết:


Giả thiết 1:

Nếu cô gái hát trước thì đây là trường hợp xin trả yếm. Ta có thể nói xuôi ý câu này như sau: Đây là chiếc yếm anh tặng em khi chúng mình yêu nhau, nhưng nay vì duyên nợ không thành, bây giờ em đã có chồng, nên em xin trả chiếc yếm này cho anh. Và chàng trai đã trả lời một cách dịu dàng: Quả là anh có tặng em chiếc yếm đó, thế nhưng bây giờ em đã mặc nó và vì vậy bây giờ nó là của em. Nó đâu còn là của anh nữa mà bảo anh đòi!

Giả thiết 2:

Nếu người con trai hát trước thì đây lại là đòi yếm. Lời người con trai thật cương quyết: Ngày trước tôi có cho cô một cái yếm. Nay cô đã có chồng cô phải trả lại cái yếm đó cho tôi. Cô gái đốp chát lại một cách đanh đá: Này, tôi bảo cho mà biết, yếm tôi đang mặc thì nó phải là yếm của tôi chứ yếm gì của anh mà anh lại đòi! Vô duyên! Xét về phương diện tâm lý, đã có can đảm đòi lại cái yếm mà mình đã cho người mình yêu, dù rằng người yêu của mình đã ôm cầm sang thuyền khác, thì đó là một hành vi không còn tình nghĩa. Đã không còn tình nghĩa thì giọng điệu phải gay gắt. Giọng điệu của chàng trai đã gay gắt thì giọng điệu của cô gái cũng phải chua ngoa cho tương xứng.

Cứ xét theo giọng điệu thì giọng điệu của câu 2 không thể là giọng điệu của một người “đòi nợ” và giọng điệu của câu 4 không thể là giọng điệu của một người “bị đòi nợ”. Chữ “em” và chữ “anh” trong câu 2 và trong câu 4 nghe hiền lành, tràn trề tình cảm. Thử là giả thiết 2, bài ca dao phải được chuyển cách xưng hô như sau: – Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím Cô có chồng rồi cô trả yếm cho tôi – Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh Yếm tôi tôi mặc, yếm gì anh anh đòi! chứ không thể là cách xưng hô “anh-em” “em-anh” tình tứ như thế được. Vả lại, anh con trai nào lại chẳng nhớ nằm lòng câu ca dao này: Bắc thang lên hỏi ông trời Tiền cho gái có đòi được không? Bắc thang lên hỏi ông trăng Của chàng cho thiếp nói năng thế nào? Tuy nhiên, không đồng tình với hai cách hiểu và lý giải đó, tôi cho rằng bài ca dao thể hiện sự nuối tiếc về một tình yêu đẹp trong quá khứ.

2 câu đầu theo tôi là lời nói của chàng trai, chàng cất lên lời đòi yếm, nhưng mục đích chính là để hờn trách người con gái đã lấy chồng. Biết bao yêu thương vẫn còn chứa trong những câu thơ tám chữ đó. Người con trai chắc hẳn không muốn đòi lại chiếc yếm thật sự. Bởi “tình đã cho không lấy lại bao giờ” (Xuân Diệu).Tình cho không biếu không mà lị . Có thể anh đòi lại vì sợ nếu giữ nó, cô gái sẽ không dứt khoát với hoàn cảnh mới, cô sẽ vấn vương và sẽ khổ. Cũng có thể, anh muốn ướm lời để xem tình cảm của người con gái hiện giờ ra sao.

Còn 2 câu sau là lời cô gái, dù đã có chồng nhưng thái độ của cô rất cương quyết không trả lại kỷ vật của người yêu – dải yếm đã trao cho mình trước đây. Hành động ấy thể hiện nỗi đau hiện tại trong lòng cô gái và sự nhớ thương một mối tình mà cô không nỡ lìa bỏ. Vì thế, cô từ chối trả yếm, từ chối một cách yếu ớt bằng lời nói. Hãy đọc lại “Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi !”.

Câu thơ phá cách của một câu thơ 8 chữ, đay đi đay lại ngôn ngữ xưng hô mà hẳn trước đây, hai người hay nói với nhau “em” – “anh”. Giữ yếm lại như hành động giữ một kỷ vật, tình yêu của chúng ta tuy không thành nhưng cũng không đáng phải “sòng phẳng” đến thế, không cần phải xoá mọi dấu vết về nhau.

Sự không trả lại chiếc yếm chứng tỏ tình yêu của cô đối với chàng trai. Tình yêu ấy quan trọng hơn tất cả những đòi hỏi khác. Em giữ tình yêu ấy thì đấy là một niềm an ủi cho anh, và cho cả em rồi còn gì ! Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy cả hai con người này đều rất đẹp, diễn biến tâm lý của họ rất logic với lời ca dao trữ tình tha thiết này. Do vậy, về hình thức, bài ca dao là 2 lời có quan hệ đối lập nhau nhưng thực chất, có sự thống nhất về tình ý.

Biểu tượng Yếm: Áo yếm không chỉ đơn giản là thứ trang phục của người phụ nữ xưa mà còn có những ý nghĩa và giá trị về tinh thần cũng như nghệ thuật. Cái yếm đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ, những câu thơ lãng mạn, những câu chuyện tình vương vấn với những mảnh yếm thắm lụa đào làm ngơ ngẩn lòng người. Hình ảnh chiếc Yếm đã để lại bao nuối tiếc, ngợi ca trong lòng các thi nhân ở mọi thời. Không chỉ thơ ca dân gian, mà những nhà thơ của thời hiện đại đều “phải lòng” yếm. Yếm trở thành ngôn ngữ trao gửi tình yêu.

Trời mưa, trời gió kìn kìn
Đắp đôi giải yếm hơn nghìn chăn bông”.

“Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.

Chiếc cầu dải yếm không có trong thực tế nhưng lại là chiếc cầu đẹp nhất và gợi cảm nhất trong ca dao. Ý nghĩ đó thật táo bạo nhưng cũng thật đằm thắm. Ở đây, chiếc yếm trở thành biểu tượng cho khát vọng tình yêu mãnh liệt của những chàng trai, cô gái lao động xưa. Chiếc yếm còn là cái cớ cho các chàng trai tỏ tình

“Hỡi cô mặc áo yếm đào
Đi trong đám hội có chồng hay chưa?”

Chiếc yếm còn là nỗi nhớ nhung, mong đợi của kẻ xa quê

“Mình về mình có nhớ chăng
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình
Ta về ta cũng nhớ mình
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao”

Nữ sĩ Xuân Hương của chúng ta đã hoạ bức hoạ bằng thơ hình ảnh thiếu nữ với chiếc yếm đào nửa thực, nửa ảo.

“Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông”

đã làm cho chàng quân tử dùng dằng đi chẳng dứt… Nguyễn Bính thì đau khổ khi thấy “em đi tỉnh về”:

“Nào đâu chiếc yếm lụa đào
Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân”…

Thông thường, người phụ nữ tự chọn vải, chọn màu rồi tự cắt may lấy cái yếm để dùng. Thế nhưng, đôi khi chiếc yếm cũng được sản xuất hàng loạt để đem bày bán. Và từ đây, chiếc yếm đã là một tặng phầm hết sức thân tình để trở thành những kỷ vật rất được trân trọng của người phụ nữ.

Có thể là một chàng trai mua một chiếc yếm để tặng người yêu: Anh mua cho em cái yếm hoa chanh Ra đường bạn hỏi, nói của anh cho nàng! Có một chàng trai khen một cô gái mặc chiếc yếm thắm bé bé xinh xinh. Chàng khen “người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài”. “Người” ở đây chưa xác định là ai.

Thế nhưng, ngay mấy câu tiếp chàng lại xác định chính chàng đã thêu nhạn, thêu hoa trên chiếc yếm: Hỡi cô yếm thắm lòa lòa Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu? Hay là lụa bạch bên Tàu? Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài! Một đàng anh thêu nên nhạn Hai đàng anh mạng nên hoa Yếm ấy anh để trong nhà Khen ai mở khóa đem ra cho nàng! “Khen” thì ai khen? Và “ai” ở đây là ai? “Yếm ấy anh để trong nhà” và chắc là “anh” đã cất kỹ lắm, có thể là trong rương và chìa khóa “anh” giữ. Vậy thì “ai” có thể “mở khóa đem ra cho nàng”? Còn ai trồng khoai đất này nữa chứ?

Chính chàng đã tự khen mình tạo nên chiếc yếm xinh đẹp và chàng đã tự tay mang ra tặng cho nàng. Và chàng lại tự khen cái hành động tỏ tình tha thiết của mình. Và cũng từ cái việc tặng yếm này, mới dẫn đến bài ca dao như chúng ta đang phân tích. Như thế, lời mở đầu bài ca dao là lời của chàng trai là cách hiểu đem lại một hiệu quả thẩm mỹ rất lớn.Mô-típ biến hoá biểu tượng cho sự đổi thayKết cấu của mô-típ: A hoá /nở ra… B Ví dụ: – Bao giờ cá gáy hoá rồng …

  • Ngày đi trúc chửa mọc măng
    Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
    Ngày đi em chửa có chồng
    Ngày về em đã con bồng con mang.

Ở trong bài ca dao này là:
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím và Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh Ý nghĩa: nói lên sự đổi thay, đấy có thể là một câu đưa đẩy quen thuộc của ca dao, nhưng ở đây, nó biểu hiện trong lời người con trai là sự ngỡ ngàng và nỗi đau thành thật, biểu hiện trong lời người con gái là sự khẳng định một cách đau xót sự thật ấy, cái quy luật “nhất thành bất biến” ngang trái và trớ trêu kia, nhưng trong lời nói người con gái, cô như muốn đưa ra một niềm an ủi từ cái lẽ không thể chống lại được tạo hoá. Như vậy, phân tích những đặc điểm thi pháp cho chúng ta cách hiểu rất bất ngờ về bài ca dao này. Bài ca dao là một sự biện minh cần thiết của tình yêu không đi đến hôn nhân. Đấy là một cách “giải quyết” không những hợp tình hợp lý mà còn đẹp cho cả hai người.

Mời bạn đọc xem thêm những bài thơ về các loài hoa 👉Thơ Về Cúc Họa Mi Trắng, Vàng, Tím❤️️ được thohay.vn chia sẻ sau đây nhé!

Bình Giảng Bài Ca Dao Hoa Cúc Vàng

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em đi lấy chồng, trả yếm cho anh.
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm của em, em mặc, của anh đâu mà anh đòi!

Bài ca dao trữ tình thật hay, thật xúc động nhưng đã gây nên những cách cảm hiểu khác nhau, có lẽ ngay từ khi nó ra đời, cho đến hôm nay. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng 2 câu hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím và hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh không chỉ hoàn toàn vô lý về mặt sinh học mà còn chẳng có tác dụng nghệ thuật gì! Thêm nữa, chúng chỉ làm cho bài ca dao vốn đã ngắn ngủi, lại bị trùng lặp cả ý lẫn lời.

Hai câu đầu có thể là lời của chàng trai đòi yếm khi cô gái bỏ anh đi lấy chồng. Chàng trai thật nhỏ nhen, đã tặng còn đòi, không đáng mặt đàn ông! Nhưng cũng có thể là lời cô gái khi đi lấy chồng (vì một lý do nào đó) thông báo sẽ trả lại cái yếm mà người yêu đã tặng (để khỏi bị chồng hiểu lầm, ghen tuông sau này;… để người yêu đi tìm hạnh phúc mới!). Cô gái vừa tình nghĩa, vừa khôn ngoan, đáng nể! Hai câu sau, nếu là lời của chàng trai thì chàng trai tỏ ra bài bây, hằn học. Nếu là lời của cô gái thì đó là cô gái nanh nọc, đáo để. Khi đã hết tình yêu thì đối xử với người cũ còn tệ hơn cả người dưng!v.v…

Tôi cho rằng, cảm hiểu như thế là chưa xuất phát từ góc nhìn thi pháp thể loại một cách cụ thể, nên nghiêng về suy diễn chủ quan, cảm tính thông thường.

Tôi xin đưa một cách cảm hiểu của mình, được phân giải giản dị như sau:

Trước hết, tôi hoàn toàn tán thành 2 câu: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím và hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh… vô lý về ý nghĩa sinh học nhưng hoàn toàn không phải là hai câu vu vơ, thừa thãi, chẳng có tác dụng nghệ thuật gì, mà ngược lại, đây chính là một trong những biện pháp nghệ thuật đặc thù phổ biến của ca dao trữ tình giao duyên Việt Nam: thể hứng. Tương tự như những câu:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng…

Trên trời có vẩy tê tê
Có ông bảy vợ chẳng chê vợ nào!

Nhưng ở 2 câu hoa cúc vàng này, ngoài điều đó ra, nghĩa ẩn dụ còn sâu xa hơn: sự vô lý sinh học – sự biến đổi màu sắc của hoa cúc phải chăng thể hiện sự thay đổi, phản bội của con người – cô gái, với người yêu của mình? Sự biến đổi (nở hoa) trái quy luật tự nhiên. Câu trên nói hoa thay đổi màu để bắt xuống câu dưới nói thẳng vào hành động và tâm trạng của con người.

Thứ hai, về cấu trúc: đây là cấu trúc đối đáp giao duyên nam nữ, một trong những cấu trúc quen thuộc, phổ biến nhất của ca dao truyền thống. Muốn tìm hiểu đúng toàn bài và từng câu, từng cặp câu, đều phải đặt trong cấu trúc tổng thể ấy.

Nếu chỉ xét tách riêng hai câu đầu, tôi đồng ý, có thể gợi ra 2 cách hiểu: lời của chàng trai hay lời của cô gái đều có lý cả. Thế nhưng đọc tới hai câu sau, đặc biệt là đối sánh với hai câu trên thì chỉ có thể rút ra kết luận sau: Hai câu sau dứt khoát chỉ có thể là lời của cô gái (đặc biệt là câu thứ hai: Yếm của em, em mặc, đâu của anh, mà anh đòi!) Rõ ràng, tường minh đến thế sao lại gán cho lời chàng trai được? Từ đó, ta suy ra kết luận 2: Hai câu đầu chỉ có thể là lời của chàng trai. Nếu là lời của cô gái thì cấu trúc đối đáp trở thành vô nghĩa, bởi không thể cô gái nói 2 lượt lời, còn chàng trai thì hoàn toàn im lặng! Cũng có thể xảy ra tình huống này (như bài Tát nước đầu đình chẳng hạn); nhưng đó không còn là cấu trúc đối đáp nữa mà là cấu trúc đơn thoại (hoặc độc thoại).

Như vậy, về cấu trúc, ý kiến của tôi là:

  • Hai câu đầu: Lời chàng trai.
  • Hai câu sau: Lời cô gái.

Về nội dung ý nghĩa tư tưởng nghệ thuật của bài ca dao:

Hai câu đầu của mỗi cặp câu tả sự nở và kết quả nở của hoa cúc bằng sự biến màu vô lý vừa là mô típ ẩn dụ dùng hoa nói người; vừa dẫn dụ, đưa đẩy từ chuyện hoa qua chuyện người một cách tự nhiên, vô lý mà lại vô cùng hữu lý. Không đơn thuần là sự lặp lại hoàn toàn (màu tím khác màu xanh), thanh trắc thanh bằng, khứ bình thanh (không) nhưng đều xuất phát từ màu gốc: vàng (thanh bằng (phù bình thanh – huyền), thể hiện hai cách đánh giá hành động khác nhau của hai người. Câu đầu còn thể hiện sự ngạc nhiên, như là câu hỏi của chàng trai: hỏi người yêu vừa đi lấy chồng, hỏi chính mình: Tại sao lại có thể như vậy? Câu sau là sự nhắc lại mang tính thừa nhận, khẳng định của cô gái về một sự việc đã xảy ra ngoài ý muốn của cô.

Câu thứ hai của chàng trai có thể hoàn toàn là 1 thông báo 2 sự việc nối tiếp nhau của cô gái: 1. lấy chồng; 2. trả yếm. Và cũng có thể là 1 câu cầu khiến: hướng về cô gái: – Hãy trả yếm cho anh khi em đã đi lấy chồng? Em còn giữ vật kỷ niệm của anh làm chi cho thêm đau lòng cả hai?

Câu cuối cùng, cô gái muốn phủ định yêu cầu của chàng trai ở câu 2 một cách rõ ràng, dứt khoát, có phần chanh chua, đanh đá, đáo để (?!) Nhưng cũng có thể hiểu, đây chỉ là cách nói quá, nói ngược để dập tắt mọi hi vọng tình cảm, tình yêu nơi chàng trai. Chủ ý cô gái muốn cố lưu giữ cái yếm – vật kỷ niệm của người yêu, ngay cả khi đã đi lấy chồng (ngoài ý muốn, bị cha mẹ ép buộc, bị hoàn cảnh khách quan ngặt nghèo, éo le nào đó thắt buộc chẳng hạn). Ý nói: Em vẫn yêu anh mà phải lấy người khác. Đành giữ cái yếm của anh như giữ mãi tình cảm của đôi ta mà thôi! Giọng điệu chanh chua, đáo để bên ngoài là cố giấu đi tâm trạng chua chát, cay đắng, tiếc nuối trong thẳm sâu tâm cảm cô gái.

Ở bài ca dao này, theo chúng tôi, cả cô gái và chàng trai, đều đáng được cảm thông, chia sẻ. Không có ai ti tiện, nhỏ nhen, càng không có ai đáo để, đanh đá cả! Chỉ có hai con người đã yêu nhau, đang yêu nhau, và sẽ mãi mãi yêu nhau, mà giờ đây phải đối mặt với hoàn cảnh chia lìa, không lấy được nhau, không được cùng nhau đi trọn con đường hạnh phúc, cùng thở than với chiếc yếm – vật lưu niệm – biểu tượng cổ truyền của tình yêu trai gái Việt xưa.

Điểm lý thú, hấp dẫn nhất ở bài ca dao Hoa cúc vàng…, theo tôi, nói theo người Nam Bộ, là nói zậy mà không phải zậy: không đòi trả yếm mà trả lại tình yêu cho anh; không giữ lại yếm mà giữ lại tình yêu của em. Màu hoa có thể thoắt biến đổi khó lường nhưng tình yêu của hai ta thì không bao giờ thay đổi.

Nhưng đây cũng chỉ là một cách cảm và hiểu chủ quan của tôi mà thôi. Rất mong nhận được ý kiến phản biện hay đồng cảm của quý bạn.

Gửi tặng bạn đọc bài ca dao 💚 Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa 💚 hay và ý nghĩa.

Viết một bình luận