Mây Đầu Ô Của Quang Dũng [Tuyển Tập Thơ + Phân Tích]

Mây Đầu Ô [Quang Dũng] ❤️️ Tuyển Tập Thơ, Phân Tích ✅ Tìm Hiểu Hoàn Cảnh Sáng Tác, Văn Mẫu Của Tập Thơ Mây Đầu Ô.

Hoàn Cảnh Sáng Tác Tập Thơ Mây Đầu Ô

Hoàn cảnh sáng tác tập thơ Mây đầu ô là gì? Tập thơ Mây đầu ô được xuất bản năm 1986, đây là tập thơ riêng đầu tiên của Quang Dũng. Có thể nói tập thơ này là một trong số các tập thơ tiêu biểu viết thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tập thơ Mây đầu ô có sức lan tỏa rất lớn ngay thời kỳ đó. 

Tập thơ bao gồm nhiều bài thơ được Quang Dũng sáng tác trong những năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp. Tập thơ này được bạn đọc và dư luận vô cùng quan tâm.

Quang Dũng là một nhà thơ nổi tiếng gắn liền với cách mạng, cũng chính vì thế mà những vần thơ trong tập thơ Mây đầu ô của ông mang một khí chất hào hùng hấp dẫn người đọc.

Cập nhật đầy đủ về 👉Thơ Quang Dũng👈 Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay

Tuyển Tập Thơ Mây Đầu Ô Của Quang Dũng

Mây đầu ô là một tập thơ của Quang Dũng rất được bạn đọc và dư luận yêu thích. Thơ ông luôn được bạn đọc ưu ái bởi ngòi bút tinh tế cùng một ánh nhìn đầy mơ mộng của người lính trẻ. Dưới đây là tuyển tập các bài thơ nằm trong tập thơ Mây đầu ô.

Chiều Núi Mưa Rào

Kỳ Sơn mây kéo nặng
Hoa trẩu rụng đầy đường
Sấm đầu mùa đã động
Sao động lòng tha hương

Đồi sắn ướt sũng lá
Gà ướt cánh nép hiên
Chim xào xạc trốn biệt
Mưa giăng màn triền miên

Nằm đợi ven sông Đà
Thuyền mờ trong sóng vỗ
Mưa bao giờ cho yên
Một chặng đường mưa gió.

Bài Thơ Mây Đầu Ô

Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao
Góc phố phường
Mây ở đầu ô
Hẹn những chân trời xa lạ
Qua một ngọn cột đèn
Chiều tối lại bừng con mắt đỏ
Cành bàng mái cũ khẳng khiu
Vườn đẹp khi mùa rụng lá
Cành bàng lại mở tàn xanh
Mùa hạ về theo chim sẻ
Nhưng ta có gì
Tự thấy những ngày không tẻ?
Mây trắng lang thang
Gió đuổi bời bời phố chật
Những lớp người hai mươi tuổi
Ca nước đập vỏ bình toong
Khăn mặt thấm mồ hôi
Bụi đỏ
Bụi vàng
Trung du bóng cọ
Nắng đốt màu da họ
Là nắng triền cao
Tay sém ngấn mặt trời
Là trời công trường xa tít tắp
Áo ngực xanh yếm biển
Bay bay dãi mũ Hải Quân
Những gã hai mươi mùa xuân
Từ đâu thổi vào thành phố?…
Mây mùa thu
Lọt qua trời hẹp ngõ
Lướt nhanh qua mái ngói ba tầng
Tiếng dương cầm…
Ta theo tiếng nhạc
Bay khỏi mái nhà
Ta mê xanh thẳm
Như cánh chim trời
Thấy
Mình còn sức trẻ
Ơi! Những bạn tôi
Vào lớp tuổi năm mươi
Mây ở đầu ô
Trời xanh lộng thế…

Một Mùa Thu Tới

Anh nhỉ một mùa thu sắp tới
Đường mai Hà Nội gió thênh thang
Chúng mình chen bước vào thư viện
Chân nhẹ xôn xao động lá vàng
Những mái nhà tươi cờ chiến thắng
Phố phường thu đến nắng xôn xang.

Đồng quê sẽ mãi thơm mùi lúa
Phương phức hương mùa thoảng ấm no
Xanh ngát xanh rờn hơi gió chạy
Thanh bình đôi điệu hát câu thơ
Tiếng trống chèo khuya trăng lại rộn
Sông êm dòng nước nhịp khoan hò.

Dọc những mùa thu nhiều kỷ niệm
Đường lên phương Bắc nhớ nhung ai
Đường về Nam Bộ bao trông ngóng
Hiền hậu non xanh với biển dài

Dọc những đường thu muôn nẻo ấy
Rất nhiều nghệ sĩ nhớ xa xôi
Đường qua gian khổ bao ngày tháng
Từng nghe thu lại ấm hương đời.

Đâu đó chiều xanh bên ngõ trúc
Vợ hiền đang nựng chút con thơ
Nghẹn ngào đôi mắt rưng rưng lệ
Anh nhỉ! Muôn đời mơn Tự Do.

Nhớ Một Bóng Núi

“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”

Ngày ấy ra đi người hẹn núi
Bây giờ Đất Nước đã hồi xuân
Ba mươi năm chẵn bao mùa lúa
Vẫn ngọt ngào thơm nắng chuyển vần

Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo
Diều khuya trầm bổng giọng quê hương
Đất đá ong trong lòng giếng mát
Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương!

Sài Sơn kháng chiến mùa đông ấy
Đón Bác dừng chân, cuộc đánh dài
Mở những trang sau rừng Việt Bắc
Buổi đầu kháng chiến Bác qua đây

Hoàng Xá, vệ binh giầy mới phát
Ngựa nào hí lộng gió bờ tre
Tổng chỉ huy vào xin lệnh mới
Đầu năm súng vọng thủ đô về

Ôi những xe bò ắp bánh chưng
Quân ta năm mới buổi lên đường!
Dân đến liên hoan chiều lửa trại
Đôi mắt Sài Sơn sao vấn vương?

Ba chục năm tròn, hai cuộc thắng
Trăng nay diều lại sáo lưng trời
Sài Sơn núi soi mương sáng
Đồng ta Bương Cấn lại xanh tươi

Mãi mãi xanh tươi nguồn Đáy chậm
Ngô khoai dâu mía dệt đôi bờ
Quê hương trường cửu cùng Non Nước
Ba chục năm trời vẹn ý thơ.

Những Người Tóc Đã Trắng

Anh chửa dừng chân, dầu trắng tóc
Vẫn không trang sách đợi hiên nhàn
Anh vẫn đêm đêm đường pháo sáng
Hiểm nghèo từng bước vượt gian nan

Những dốc, lại khe, và những dốc
Đường mòn võng mắc mấu cây thừa
Lại ăn cơm vắt và rau dại
Hốc núi nhom tra nước ống bơ

Giữa lá rừng xanh càng trắng tóc
Khúc hành quân từ bước hoa niên
Chen lẫn tiếng cười khinh nỗi nhọc
Bước trên sấm đất dậy bom rền
Bóng anh trắng vách Trường Sơn dựng
Nhấp nhô hết xuống lại trườn lên.

Pha Đin

Như từng đợt sóng bủa lên trời
Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Lắc đầu tài xế thấm mồ hôi
Bến dốc chon von ngàn thước vực

Lên thì “Cổng trời” xuống vực thẳm
Uốn quanh đá trắng lượn vòng thang
Ngựa thồ đỉnh dốc nhỏ như kiến
Đi trong đường mây rắc bụi vàng

Đẹp như sơn thuỷ tranh đời Tống
Ầm tiếng xe lu vách đá vọng
Mờ ảo công trường hiện dưới lau
Đôi hạt cầu đường lán lưu động
Còn bay than bếp dưới hoa đào

Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Đường của dân công đi dưới đuốc
Giọng hò Nghệ Tĩnh nức lòng quân
Gạo, muối đêm ngày vây hãm giặc

Đâu đây đứt pháo xích kêu giòn
Liệt sĩ tên còn xanh núi non
Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt
Mà như lau sậy có linh hồn

Dừng xe trông mây nhìn phương Nam
Hà Nội mốc đường cây bốn trăm
Hợp tác Bình Thuận rải chân dốc
Gạo quê Tiền Hải đã thơm rừng

Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Giang sơn gấm vóc một miền Tây
Mới thấy yêu sao là Đất Nước
Pha Đin ngàn chớp nổi hồ mây

Bài Thơ Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Chia sẻ phân tích ❤️️Bài Thơ Tây Tiến [Quang Dũng] ❤️️ Nội Dung, Tác Giả, Tác Phẩm 

Những Cảm Nhận Về Tập Thơ Mây Đầu Ô Của Quang Dũng Hay Nhất

Gửi đến bạn đọc những mẫu văn cảm nhận về tập thơ Mây đầu ô của Quang Dũng hay nhất, đón đọc nhé!

Cảm Nhận Về Bài Thơ Tây Tiến Trong Tập Thơ Mây Đầu Ô Hay Đặc Sắc

Nhận xét về áng thơ của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: “Tây Tiến là đứa con tráng kiện và hào hoa của đời thơ Quang Dũng.” Thật vậy, bài thơ đã ghi lại dấu son trên hành trình nghiệp cầm bút của thi sĩ, đồng thời khắc sâu vào lòng bạn đọc những ấn tượng đặc biệt về một thời hào hùng của dân tộc.

Quang Dũng vốn là một chiến sĩ của binh đoàn hành quân đến vùng cực tây của Tổ quốc, thấu hiểu sâu sắc cái gian khổ mà hào hùng của cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Trong giây phút chia xa giữa đồng bào và chiến sĩ tại làng Phù Lưu Chanh, áng thơ Tây Tiến đã ra đời, thấm đượm cái tình, cái bịn rịn của lòng người. Bao khó khăn gian khổ cùng phút giây ấm nồng tình đồng đội đều hiện về đậm nét trong tâm trí nhà thơ, gợi những xúc cảm sâu sắc.

Quang Dũng mở đầu bằng những câu thơ chất chứa nỗi lòng nhớ thương, lưu luyến:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Hình ảnh sông Mã hiện ra vừa thơ mộng, trữ tình nhưng cũng vừa ẩn chứa nét hoang sơ, dữ dội. Không phải văn hóa, không phải con người, cái hiện về đầu tiên trong tâm trí thi sĩ là hình ảnh dòng sông Tây Bắc như là biểu tượng thay lời cho mọi niềm thương nỗi nhớ.

Xuất phát từ nỗi nhớ ấy, tiếng gọi : “Tây Tiến ơi” không thể kìm nén mà bật lên thành tiếng. Phép điệp âm “ơi” ở cuối mỗi câu thơ như ngân vang, kéo dài thêm dư âm của nỗi nhớ, trải khắp cả chiều rộng không gian và độ dài thời gian. Nhưng càng nhớ càng thương thì càng khắc sâu nỗi đau nhói hiện thực nay song Mã và Tây Bắc đã “xa rồi”.

Đó là hiện thực không thể thay đổi, rằng những chiến binh Tây Tiến sẽ rời mảnh đất thân quen này để trở về với thành thị, xây dựng cuộc sống mới.

Tiếp nối dòng hồi ức ấy là hình ảnh của hành trình hành quân đầy gian truân, thử thách của binh đoàn Tây Tiến. Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch đều là những địa danh xa lạ, mới mẻ đối với những chành trai Hà thành. Nhưng không vì gian khổ, không vì lạ lẫm mà chùn bước, họ vẫn quyết tâm lên đường đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Con đường hành quân hiện lên với đầy thử thách, hiểm nguy. Đó là hành trình phải xuyên qua sương mù giăng kín lối, là trèo đèo lội suối qua những địa hình hiểm trở.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Thiên nhiên Tây Bắc luôn thật dữ dội, khắc nghiệt đối với mỗi bước chân hành quân qua đây. Đặc biệt, Quang Dũng còn rất tinh tế khi sử dụng một loạt từ láy tượng hình giàu sắc thái biểu đạt: “thăm thẳm, hun hút, khúc khuỷu” gợi cái trắc trở của con đường hành quân. Đó là dốc cao, núi thẳng, đèo sâu, như lời thách thức, đe dọa tính mạng con người. Chủ cần chút lơ là cũng khiến con người phải trả giá bằng cả mạng sống. Đó là hiện thực kháng chiến và cũng là hiện thực chiến tranh phi nghĩa đem lại.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Trên chặng hành trình ấy, có lúc những bước chân chùn lại, mệt mỏi mà gục xuống. Đó có thể là phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi của người chiến sĩ sau bao khó khăn, vất vả, nhưng cũng có thể là giây phút chia xa cõi đời. Không phải bỏ mạng mà họ “bỏ quên đời”- một khí phách thật ngang tang, oai dũng của con người bước ra từ khói lửa chiến tranh.

Quang Dũng vô cùng tinh tế khi sử dụng lối nói giảm nói tránh để trong mất mát, họ không thấy cái bi lụy, đau thương. Ở câu thơ chỉ tồn tại ánh hào quang của tinh thần chiến đấu kiên cường cùng tâm hồn lạc quan, yêu đời, hết mình vì đất nước, vì dân tộc.

Xung quanh nơi dừng chân của binh đoàn Tây Tiến luôn ẩn chứa những nguy hiểm rình rập. Đó là bước chân của cọp dữ- chứa tể rừng xanh, là tiếng gầm thét phẫn nộ của thác nước. Thiên nhiên đại ngàn là người bạn sát cánh trên mỗi chặng hành trình, nhưng đồng thời cũng là kẻ thù nguy hiểm đối với chiến binh Tây Tiến.

Sau những dữ dội của đại ngàn, hồn thơ Quang Dũng tìm về với những nhớ thương, với những dịu dàng, ấm nồng trong đời sống con người.

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Không còn là tiếng gọi “ nhớ ơi’ tha thiết ngân vang bên trên nữa, nỗi nhớ giờ đây đã day dứt, cuộn sâu vào nỗi lòng người lính. Hình ảnh cuộc sống con người bình dị hiện về đầy thân thương, ấm nồng tâm hồn người lính trẻ. Bếp cơm giản dị, hương khói thơm nồng gợi về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Ánh sáng đêm hội đuốc hoa thắp sáng tâm hồn người lính, kéo gần hơn sợi dây gắn kết những cuộc đời xa lạ thành đồng chí, đồng bào, thành chỗ dựa vững chắc trên chặng đường lịch sử dân tộc. “Em” phải chăng là những cô gái đồng bào Tây Bắc đang xúng xính váy hoa, nhảy điệu nhảy truyền thống làm say đắm lòng người. Giữa không khí căng thẳng của cuộc kháng chiến, những người lính vẫn chìm đắm trong tâm hồn lạc quan, yêu đời, tận hưởng không khí vui say của lễ hội cùng đồng bào Tây Bắc.

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Tâm hồn lãng mạn của người lính Tây Tiến đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, trữ tình nơi đây. Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong ánh chiều tà heo hắt buồn với dòng sông, cây lau lơ phơ trước gió cùng bóng hình con người bé nhỏ.

Đứng giữa đại ngàn, con người trở nên nhỏ bé, đơn côi trên chiếc thuyền độc mộc, lặng lẽ trôi, gợi chút buồn thương. Cảnh sông nước thường gợi cho con người cảm giác mênh mang đến đơn độc, phảng phất chút đìu hiu. Là cảnh buồn hay lòng người vốn vấn vương nỗi sầu. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du).

Sau những phút giây lãng mạn, âm điệu bài thơ liền dậy lại không khí bi thương, tàn khốc của chiến tranh phi nghĩa. Đó là:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
……
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Bước chân ra chiến trường, những chàng trai hà thành phải đối mặt với vô vàn khó khăn thử thách không chỉ bởi thiên nhiên, mà còn là trong đời sống sinh hoạt. Bệnh tật hoành hành khiến binh lính xanh xao, gầy rộc, tóc không thể mọc. Quang Dũng đã thấu hiểu và đưa vào vần thơ hiện thực tàn khốc của cuộc kháng chiến trường kì, gợi ta nhắc nhớ về căn bệnh sốt rét rừng trong áng thơ “đồng chí” của Chính Hữu:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vầng trán ướt mồ hôi”

Cái tang thương được đẩy lên cao độ khi thi sĩ khắc họa hình ảnh “ áo bào thay chiếu anh về đất”. Không phải mất mát, không phải gục ngã, người lính ấy trở về với đất mẹ sau bao ngày tháng chiến đấu oai hùng. Đây chỉ là lúc nghỉ ngơi trở về với nơi đã sinh ra và lớn lên. Câu thơ vẫn ánh lên niềm lạc quan, niềm tin tưởng vào tương lai của Đảng, của Cách mạng.

Hình ảnh sông Mã một lần nữa hiện lên trong cái hung bạo, dữ dằn của mình. Dòng sông gầm thét hay đang tấu nên khúc trường ca ngợi ca, chia tay với những người lính trẻ. Họ đã dành cả thanh xuân để gìn giữ hòa bình, độc lập cho đất nước: “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Đó là tinh thần chiến đấu anh dũng, cao cả, tinh thần tuyệt vời của anh bộ đội cụ Hồ.

“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”

Khép lại bài thơ, Quang Dũng dành những vần thơ ngọt ngào, chậm rãi dành cho binh đoàn Tây Tiến và những đồng bào vùng cực Tây Tổ quốc. Bước chân vào chiến trường không ai biết trước tương lai, không lời hẹn gặp lại, để lại sau lưng là nỗi nhớ thương sâu nặng dành cho người ở lại và người ra đi. Tây Tiến là thanh xuân, là đồng đội và là cả lý tưởng của một thời thanh niên noi theo ánh sáng của Đảng.

Bằng vốn trải nghiệm, thấu hiểu thực tế cùng ngòi bút hiện thực lãng mạn xuất sắc, Quang Dũng đã tái hiện trước mắt bạn đọc không khí hào hùng, mãnh liệt của thời kì chống Mỹ cứu nước. Bài thơ góp phần đưa Quang Dũng trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật Việt Nam 1945-1975.

Cảm Nhận Về Bài Thơ Mây Đầu Ô Trong Tập Thơ Mây Đầu Ô Ngắn Hay

Có những tác giả, ta phải đọc “một mình một đèn” trong đêm khuya tĩnh lặng mới mong thẩm thấu được hết cái hay của thơ họ. Lại có tác giả, ta phải vừa đọc vừa mở cửa đi ra cùng trời mây sông núi mới thấy hết được cái ý vị, cái bao la khoáng hoạt trong thơ họ, và càng đi nhiều, càng sống nhiều, càng thấy được nội lực của những câu thơ thoạt nghe có vẻ nhẹ nhàng, mong manh. Với tôi, thơ Quang Dũng ở vào trường hợp thứ hai.

Thơ Quang Dũng rất giàu hình ảnh, giàu thiên nhiên. Dường như cái sự khao khát vươn ra với trời mây sông nước đã ăn sâu vào máu ông, để rồi một lúc nào đó nó bung ra trong bài thơ Mây đầu ô như một tiếng thở dài bức bối:

Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao
góc phố phường…

Quang Dũng không phải là người đầu tiên dùng hai chữ “lang thang” để nhân cách hóa cái khát vọng của… mây. Trước ông, Hàn Mặc Tử cũng đã viết trong bài Tình quê: Mây chiều còn phiêu bạt/ Lang thang trên đồi quê. Quang Dũng muốn thông qua mấy chữ đó để thể hiện máu phiêu du, muốn vượt ra ngoài cuộc sống cách bức, “tù túng thiên nhiên” của mình.

Quả là, đọc Quang Dũng, bao giờ ta cũng bắt gặp những câu thơ mà tình cảm và thiên nhiên đan cài hài hòa, bổ trợ cho nhau, với những chữ cảm thán (ơi, ôi, lắm, nhớ thương, chứa chan…) khiến cảnh và tình luôn quấn quít, lắng đọng trong tâm trí người đọc…

Cảnh trong thơ Quang Dũng thường buồn, mang tâm trạng hoang hoải, cô đơn. Ông tỏ ra có biệt tài tả những cảnh trí trong không gian tĩnh lặng, đẹp một cách lẻ loi, đơn chiếc. 

Mây ở đầu ô
Hẹn những chân trời xa lạ
Qua một ngọn cột đèn
Chiều tối lại bừng con mắt đỏ
…….
Những gã hai mươi mùa xuân
Từ đâu thổi vào thành phố?…

Không chỉ đẹp bởi hình ảnh đặc tả mà thơ Quang Dũng còn đẹp bởi cái cao cả, hào hiệp của tình người ẩn chứa bên trong. Nó làm cho cảnh trong thơ ông luôn sinh động, sông ra sông, núi ra núi chứ không “bẹp gí” như trường hợp Xuân Diệu từng viết: Cũng như xa quá nên ta chỉ/ Thấy núi yên như một miếng bìa.

Mây mùa thu
Lọt qua trời hẹp ngõ
……
Ơi! Những bạn tôi
Vào lớp tuổi năm mươi
Mây ở đầu ô
Trời xanh lộng thế…

Bài thơ Mây đầu ô trong tập được chọn làm tên tập thơ được viết năm 1970, lúc mà nhà thơ đã vào lớp tuổi năm mươi, tuổi tri thiên mệnh.

Thực ra thì không phải chờ đến lúc ấy mới có mây. Hình ảnh mây đã ám vào số phận thi ca này như một định mệnh, như một phán quyết của thượng giới vô hình không thể cưỡng lại được ngay từ hồi mới bước vào nghiệp thơ kia. Nhưng lúc đó làm sao ông có thể hiểu được tiền vận hậu vận của chính mình. Ông cứ làm một áng mây trắng xứ Đoài hồn nhiên lang thang từ làng ra phố, hết phố lên rừng, rồi lại từ rừng về phố. Để cho đến hôm nay, vào tuổi 50, mới ngộ ra cái phận mình y như một áng mây lang thang không hơn không kém.

Giới thiệu thêm cho bạn đọc tập thơ 🌛Vầng Trăng Quầng Lửa 🌛Nội Dung Chùm Thơ, Phân Tích

1 bình luận về “Mây Đầu Ô Của Quang Dũng [Tuyển Tập Thơ + Phân Tích]”

Viết một bình luận