Đôi Mắt Người Sơn Tây [Nội Dung Bài Thơ + Phân Tích]

Đôi Mắt Người Sơn Tây ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích ✅ Gửi Đến Bạn Đọc Các Thông Tin Quan Trọng Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa Bài Thơ.

Nội Dung Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây Của Quang Dũng

Đôi mắt người Sơn Tây là một bài thơ của nhà thơ Quang Dũng, ra đời năm 1949. Đây là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ ca Quang Dũng: lãng mạn, tràn tính nhạc, pha trộn với chất bi hùng trong hoàn cảnh thời chiến.

Đôi mắt người Sơn Tây
Tác giả: Quang Dũng

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta?

Đón đọc thêm tập thơ 🌨Mây Đầu Ô [Quang Dũng] 🌨 Tuyển Tập Thơ, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây như thế nào? Cùng Thohay.vn tìm hiểu chi tiết dưới đây nhé!

Bài thơ “Mắt người Sơn Tây” được Quang Dũng vào năm 1949 để tặng cho “người tình thơ” của ông, một kỹ nữ trước kháng chiến tên là Nhật, cô còn có mỹ danh khác là Akimi.

Theo hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy: “Khi cùng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hòa Bình, nhà thơ Quang Dũng có được nghỉ phép để về thăm gia đình. Trên đường về làng Phùng, anh đã tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật. Người tình này, còn có một mỹ danh nữa là Akimi, nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho anh viết bài thơ “Mắt người Sơn Tây” nổi tiếng”.

Ý Nghĩa Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây

Bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” vừa thể hiện tình người chân thật của tác giả trước thực trạng quê hương thương đau ly biệt bởi chiến tranh, đồng thời vừa gửi gắm được cảm xúc với người con gái yêu kiều của Xứ Đoài mà thi sĩ thầm yêu trộm nhớ.

Chia sẻ thêm ❤️️Bài Thơ Tây Tiến [Quang Dũng] ❤️️ Nội Dung, Tác Giả, Tác Phẩm 

Đọc Hiểu Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây

Gợi ý cách trả lời câu hỏi đọc hiểu bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây cho bạn đọc tham khảo.

👉Câu 1: Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ? Hình ảnh nào tạo thành một mạch liên kết xuyên xuốt bài thơ?

Đáp án: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là nhân vật “ tôi”. Hình ảnh “ đôi mắt” tạo thành một mạch liên kết xuyên suốt bài thơ

👉Câu 2: Nêu hiệu quả nghệ thuật phép điệp thanh trong hai câu thơ “ Vừng trán em vương trời quê hương / Mắt em dìu dịu buồn Tây phương”? Cách điệp thanh như thế gợi nhớ câu thơ nào trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng?

Đáp án:

  • Hiệu quả nghệ thuật phép điệp thanh trong hai câu thơ “ Vừng trán em vương trời quê hương / Mắt em dìu dịu buồn Tây phương” : nhà thơ dùng nhiều thanh bằng ( B) gợi nỗi buồn của “mắt em” cứ ngân nga trong lòng. “ Đôi mắt” đã giữ lại bao hoài niệm về quê hương, gợi cái “ bi” nhưng không phải “bi ai” mà là “ bi tráng” , một trong những cảm hứng chủ đạo của thơ ca chống Pháp
  • Cách điệp thanh như thế gợi nhớ câu thơ “ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

👉Câu 3: Nêu ý nghĩa biểu tượng “ đôi mắt” trong bài thơ?

Đáp án: Ý nghĩa biểu tượng “ đôi mắt” trong bài thơ

  • Hình ảnh quê hương khuất tầm mắt thể hiện sự xa cách , li hương .
  • Ánh nhìn của đôi mắt thể hiện một sự lưu dấu hoài niệm về quê hương.
  • Những gì mà đôi mắt chứng kiến cho thấy nó là một nhân chứng của chặng đường đau thương.
  • Đôi mắt, chính là đối tượng chiêm nghiệm lại quá khứ đã qua.
  • Và đôi mắt cũng mang một tầm nhìn hướng về tương lai tươi sáng, khải hoàn của quê hương.

Nghệ Thuật Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây

Điểm qua các giá trị nghệ thuật trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng:

  • Bài thơ được viết theo thể thơ 7 chữ.
  • Bút pháp tạo hình đa dạng, giàu tính gợi hình .
  • Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mỹ vô cùng phong phú.
  • Ngôn ngữ độc đáo, sinh động gợi tả gợi cảm.
  • Sử dụng phép điệp thanh trong hai câu thơ “ Vừng trán em vương trời quê hương / Mắt em dìu dịu buồn Tây phương”

Khám phá thêm tập thơ 🌛Vầng Trăng Quầng Lửa 🌛Nội Dung, Phân Tích

5 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây Hay Nhất

Nếu bạn chưa biết cách viết văn cảm nhận, phân tích bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây như thế nào cho hay nhất thì có thể tham khảo 5 bài văn mẫu sau đây nhé!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây Hay – Mẫu 1

Đôi mắt người Sơn Tây là một bài thơ của Quang Dũng hay đặc sắc. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại bài thơ này ông viết tặng người tình của ông, đó là một kỹ nữ xinh đẹp. Cuộc chiến nổ ra và cũng như những người chiến sĩ khác, chàng quân nhân lên đường kháng chiến và họ phải chia xa. Và đó chính là mối tình về câu chuyện buồn vừa gặp đã chia xa.

Ở những khổ thơ đầu tiên đôi mắt ở đây được miêu tả chính là một thấu kính. Đó cũng chính là nơi ghi lại những kỷ niệm. Và đặc biệt đây cũng chính là đôi mắt chứng kiến những đau thương của một thời kỳ đất nước đầy loạn lạc.

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Anh từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.

Hoàn cảnh nhà thơ gặp nhân vật em trong tác phẩm chính là khi cả hai đang trong một hoàn cảnh đặc biệt. Em đi chạy giặc còn tôi thì đi chinh chiến. Cả hai còn người ấy đều xuất thân từ vùng núi Ba Vì.

Tuy nhiên ở cuối câu thơ, tác giả đề cập tới việc không thấy Ba Vì cũng có nghĩa là đôi mắt bị che khuất và không thể thấy được hình ảnh ấy. Điều đáng nói ở đây chính là ngọn núi này rất cao. Nếu không thể nhìn thấy thì nó cũng đồng nghĩa với việc nhà thơ đã rời xa quê và tơi một vùng đất rất xa.

Với hình ảnh đôi mắt ta có thể cảm nhận được đó cũng chính là một ký hiệu thể hiện sự tương đồng cảnh ngộ của hai tâm hồn. Họ tuy không nhìn thấy nhưng họ vẫn luôn một lòng mong ngóng với quê hương của mình. Và đó cũng chính là lý do nhà thơ có ấn tượng với Đôi mắt người Sơn Tây tới vậy. Người em ấy có vầng trán cao, có đôi mắt buồn. Và đặc biệt qua đôi mắt ấy nhà thơ thấy được cả một bầu trời kỷ niệm.

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?

Đó chính là một vùng Tây Phương với nỗi buồn dìu dịu, là một xứ Đoài mây trắng… Tất cả những ký ức ấy được lưu giữ trong lòng của mỗi người con nơi đây. Và nhìn vào đôi mắt ấy nhà thơ thấy được cả một chân trời quê hương. Khi đó hình ảnh đôi mắt không chỉ là biểu hiện cho việc xa gần mà đó chính là một thông điệp của tâm hồn. Bởi đôi mắt này đã ghi lại bao hoài niệm và ký cứ về quê hương.

Như ở đoạn trước nhà thơ đã miêu tả bối cảnh hai ngươi gặp nhau và có một điểm chung đó chính là giặc. Đó là một giai đoạn khổ sở và li tán. Chính vì vậy thông qua hình ảnh đôi mắt người Sơn Tây ta có thể thấy được rằng vùng quê này đang có giặc ngoại xâm. Giặc đến mang theo bao nhiêu đau thương, tang tóc.

Mẹ tôi, em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?

Và nhân vật em trong câu chuyện chính là một nhân chứng về một giai đoạn loạn lạc đầy đau thương của dân tộc mình. Chỉ biết rằng, trong trí nhớ của em, đó là hình ảnh xác người trẻ trôi sông, là xác người già ngập đồng… Chính hình ảnh ấy đã ghi đậm vào đôi mắt của người Sơn Tây và nó cũng chính là hình ảnh của một thời quá khứ đầy đau thương.

Đôi mắt người Sơn Tây là hình ảnh về người con gái đượm buồn với cái nhìn xa xăm. Đó cũng chính là cảm xúc của chính nhà thơ. Và khái quát hơn chính là hình ảnh của con người nơi quê hương ông của những năm tháng loạn lạc. Và nó cũng chính là đôi mắt nhìn xa trông rộng của nhà thơ với vẻ hướng tới tương lai.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây Chọn Lọc – Mẫu 2

Nói đến Quang Dũng (1921 – 1988) bên cạnh “Tây tiến” là nói đến “Đôi mắt người Sơn Tây”. Năm nay kỷ niệm tròn 100 năm sinh của nhà thơ và tuổi bài thơ đã ba phần tư thế kỷ nhưng sức hấp dẫn của thi phẩm không hề vơi giảm. Do đâu bài thơ hấp dẫn và có sức sống lâu bền như vậy?

Từng câu chữ trong bài thơ là tiếng lòng của thi sĩ, khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ đượm màu buồn thương với người con gái Sơn Tây, tuy mới quen nhau đã “âm thầm thương mến” (chữ dùng của Chính Hữu) rồi chia tay giã biệt. Với tám khổ thơ thể tự do, tác giả nói lên được nhiều nỗi niềm xúc cảm.

Những câu thơ mở đầu vời vợi cảm xúc buồn thương: “Em ở thành Sơn chạy giặc về/Tôi từ chinh chiến cũng ra đi/Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì”… “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em đã bao ngày em nhớ thương?” Tất cả những ký ức, những hình ảnh đẹp tiêu biểu ấy về quê nhà vẫn được lưu giữ trong lòng tác giả.

Giờ đây gặp được người em gái ấy như là hiện thân của quê hương vậy, thi sĩ nóng lòng muốn biết tình hình về người thân, liền dồn dập hỏi thăm tin tức: “Mẹ tôi, em có gặp đâu không?/Bao xác già nua ngập cánh đồng/Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ/Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?”. Chỉ vài câu thơ dạng nghi vấn, tác giả vừa thể hiện được sự lo lắng, nỗi nhớ đau đáu người thân vừa tái hiện được thảm họa chết chóc đầy thương đau của đất nước thời loạn lạc.

Trong bài, hình ảnh đôi mắt xuyên suốt, xuất hiện khi trực tiếp, lúc gián tiếp qua “suối lệ”, “lệ”, “ráo lệ”. Nói tới “đôi mắt” là nói đến cửa sổ của tâm hồn con người. Đôi mắt chứng kiến những đau thương của một thời kỳ đất nước tang tóc “Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn”.

Đôi mắt ấy vừa có sự tương đồng cảnh ngộ, vừa có sự giao thoa giữa hai tâm hồn; mắt không chỉ chứng kiến những đau thương mất mát mà còn ẩn chứa nỗi nhớ và niềm tin vào tương lai: “Bóng ngày mai quê hương/Đường hoa khô ráo lệ”.

Cùng mạch cảm xúc trong trẻo ấy, tác giả bày tỏ niềm khát khao và tin tưởng một ngày không xa sẽ được trở lại quê nhà. Khổ thơ sau đã phác họa nên bức tranh thật đẹp về cảnh vật xứ Đoài: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc/Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”.

Màu sắc bức tranh quê hương ở đây thật tươi tắn: đồng lúa vàng ươm, sông nước trong xanh in dáng núi màu lam, tiếng sáo diều đêm trăng khuya… Cảnh bình dị mà thơ mộng, thanh bình biết bao. Khổ thơ khép lại toàn bài tác giả bày tỏ niềm tin vào ngày mai kháng chiến thắng lợi, hòa bình sẽ đem lại cuộc sống an vui rộn vang tiếng hát: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa/Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/Còn có bao giờ em nhớ ta?”.

Hòa với ước mong niềm vui hòa bình trở lại và tiếng ca rộn ràng vui tươi, thi sĩ hỏi và mong đợi ở người con gái “Còn có bao giờ em nhớ ta?”. Trong câu thơ dạng nghi vấn này vừa như một tín hiệu sóng trao gửi tin yêu: ta đã nhớ thương em, còn em thì sao? Câu thơ lóe lên tia sáng của hy vọng khiến cho bài thơ viết về một hiện thực một thời kỳ đất nước còn đầy những thương đau nhưng không hề bi quan.

Thi phẩm càng được chắp cánh và lan tỏa nhanh, rộng khi cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương – một trong những tên tuổi lớn nhất của làng nhạc Sài Gòn kể từ 1950 – phổ nhạc. Tên gọi của ca khúc là “Mắt người Sơn Tây” trở nên rất nổi tiếng trong giới nghe nhạc Sài Gòn ở thập niên 1970, và người hát hay nhất là nam danh ca Duy Trác. Một điều đáng chú ý là Quang Dũng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Duy Trác đều là người Sơn Tây.

Bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” hấp dẫn người đọc bởi cảm xúc chân thật của tác giả trước thực trạng quê hương ly biệt bởi chiến tranh, đồng thời cũng bởi vừa gửi gắm được cảm xúc với người con gái yêu kiều Xứ Đoài mà thi sĩ thầm yêu trộm nhớ.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây Ngắn Hay – Mẫu 3

Quang Dũng hiển nhiên là một trong số các nhà thơ chống Pháp tiêu biểu nhất. Đọc thơ ông có thể dễ dàng cảm nhận được tinh thần và nghệ thuật thơ ca thời kỳ này: Đầy tính lãng mạn pha trộn với chất kiêu hùng, tràn tính nhạc lẫn những câu thơ ngắn dài khác nhau rất khỏe khoắn. “Mắt người Sơn Tây” là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ ca tài hoa của Quang Dũng, nổi tiếng chẳng kém bài thơ “Tây Tiến” nhiều năm được giảng dạy trong nhà trường.

Bài thơ có 7 khổ thơ thì 5 khổ thơ đầu vẽ lên khung cảnh ở thời hiện tại với cảnh chiến tranh đau thương, với những câu thơ tả thực đau lòng: “Mẹ tôi em có gặp đâu không/ Bao xác già nua ngập cánh đồng/ Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”.

Giữa khung cảnh bi thương đó, xuất hiện “nàng thơ” được Quang Dũng gọi là “em”. Khi bài thơ “Mắt người Sơn Tây” ra đời ngay lập tức đã nổi tiếng, được phổ nhạc, nhiều người đã cất công đi tìm hiểu xem nhân vật “em” trong bài thơ là ai.

Thực ra, với nghệ sĩ lãng mạn như Quang Dũng có một người yêu thật sự gợi cảm hứng để làm thơ hay là một “em” tưởng tượng thì không mấy quan trọng. Chủ nghĩa lãng mạn thường tìm cách thi vị hóa mọi thứ, có khi người được gọi là “em” trong bài thơ chỉ là một cô bé hàng xóm chưa biết chuyện ái tình đã được nhà thơ tưởng tượng thành một “nàng thơ” để trút bầu tâm sự.

Sự thi vị hóa của chủ nghĩa lãng mạn không chỉ khiến Quang Dũng hư cấu hoàn cảnh hai người đồng hương Sơn Tây, giữa “ta” và “em” chạy giặc vô tình gặp nhau mà ông còn nhìn vẻ đẹp của người con gái ấy hòa lẫn với vẻ đẹp quê hương yêu dấu: “Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”.

Rõ ràng, nhân vật “em” trong bài thơ xuất hiện để nhà thơ nói lên lòng yêu quê hương xứ Đoài của mình: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương?”. Và không khó để kết luận, “Mắt người Sơn Tây” là một trong những bài thơ nói về tình cảm yêu quê hương, đất nước hay nhất thời chống Pháp.

Cũng với tình cảm yêu quê hương như thế, người đọc dễ hiểu ý nghĩa hai khổ thơ cuối là một mong ước ở thì tương lai khi viễn tưởng đồng quê trở lại khung cảnh yên bình, dẫu cho ngày đó vẫn còn xa: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng. Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/ Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta?”.

Và sau chót, đọc hai khổ thơ cuối người đọc cảm nhận được một cách gián tiếp tâm hồn của người lính chống Pháp. Đó là những con người sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ để đứng lên cầm súng bảo vệ quê hương với tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây Tiêu Biểu – Mẫu 4

Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa. Từ cuộc sống riêng đến tác phẩm của mình, ông đã biểu hiện một cá tính, một phong cách nghệ sĩ độc đáo. Với tính cách thích phiêu bồng xê dịch, thiết tha sôi nổi nhưng cũng rất trầm lặng như ông từng tâm sự“

Đôi mắt người Sơn Tây” được nhà thơ sáng tác năm 1949. Theo lời kể lại của nhạc sĩ Phạm Duy thì khi ấy, Quang Dũng còn là đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hoà Bình. Trong một dịp đựợc nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, nhà thơ tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật (còn có mĩ danh là Akimi). Nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Và trong dịp ấy, bài thơ ra đời.

Bài thơ là những xúc cảm, những thao thức của tác giả dành cho quê hương mình trong những ngày loạn lạc của chiến tranh. Cuộc gặp gỡ đượm màu chia li giữa nhà thơ và người con gái giữa đạn bom, khói lửa là cái cớ nghệ thuật để thi nhân vin vào đấy, bày tỏ nỗi nhớ nhung đến quặn lòng đối với vùng đất Sơn Tây thân yêu.

Với giọng thơ buồn thương man mác, “Đôi mắt người Sơn Tây” đã lôi cuốn độc giả vào không gian của niềm thương nỗi nhớ, của sự xa xót đớn đau. Độc giả yêu bài thơ và cũng yêu tâm hồn của người thơ – một người thơ chân thành hồn hậu với quê hương đất nước mình – một người thơ suốt đời đi tìm lẽ sống ở tình người và tình đời.

Với “Đôi mắt người Sơn Tây”, chúng tôi đã chọn con đường tiếp cận từ góc độ thi pháp ngôn từ, với khát khao giải mã những thông điệp thẩm mĩ mà Quang Dũng kí thác nơi trang thơ. Bằng cách đó, chúng tôi đã nghiệm ra nhiều vẻ đẹp của “Đôi mắt người Sơn Tây”, và đã lí giải được phần nào ma lực của một bài thơ từng gây niềm bất lực cho nhiều người.

Quang Dũng, với sự tài hoa đậm chất nghệ sĩ của mình, đã kiến tạo nên một thế giới thơ đầy sức ám ảnh. Ngôn từ thi phẩm cứ linh lung bảy sắc cầu vồng, gợi ra nhiều hơn những gì nó chứa đựng. Và cứ thế, ngôn từ nghệ thuật của “Đôi mắt người Sơn Tây” cuốn độc giả vào trong không gian của xúc cảm, không gian của miền nhớ nhung, thao th ức khôn nguôi.

Có lẽ ai đã từng đến với bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng ắt hẳn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đôi mắt người Sơn Tây giàu cảm xúc. Đôi mắt ấy tồn tại trong thế giới nghệ thuật thơ và dường như dõi theo từng bước đi của con chữ. Đôi mắt ấy là ám tượng nghệ thuật của thi phẩm.

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh đôi mắt được nhà thơ sử dụng như một thứ kí hiệu đặc biệt trong bài thơ của mình. Điều tất nhiên, không ai có thể phủ nhận được, và chắc chắn ai cũng thuộc nằm lòng: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, là nơi hội tụ của cảm xúc.

Nhìn vào ánh mắt một người, ta cảm nhận được phần nào đấy tâm hồn họ – lạnh lùng hay nồng ấm, tàn nhẫn hay đôn hậu, buồn bã hay vui tươi, căm thù hay yêu thương… Thơ ca từ trước đến nay cũng không thiếu hình ảnh ấy, từ ca dao đến văn thơ trung đại, đến văn thơ hiện đại, và ngay cả trong những bài thơ khác của Quang Dũng.

Thế nhưng, tại sao đôi mắt người Sơn Tây lại có một sức ám ảnh hơn cả với độc giả đến thế? Đôi mắt ấy hình như có một lực hút riêng, một sức mạnh riêng.

Quang Dũng đã rất khéo khi ông kèm theo hình ảnh đôi mắt một định ngữ – người Sơn Tây. Chính định ngữ đó làm cho đôi mắt ấy được xác định, được cụ thể hoá. Người ta không thể lẫn vào đâu được đôi mắt đấy. Hình ảnh đó chỉ có thể gặp được trong “Đôi mắt người Sơn Tây” mà thôi! Không thể là đôi mắt của người Cao Bằng, người Thanh Hoá, lại càng không thể là đôi mắt của người Đà Nẵng, người Đồng Nai, hay của một vùng đất nào khác trên đất nước này!

Quê hương đi theo con người, con người mang dáng hình quê hương – quê hương và con người tồn tại trong nhau. Chỉ trong một hình ảnh, Quang Dũng đã gửi biết bao sự gắn bó, biết bao sự thiết thân của nhà thơ đối với vùng quê của mình.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây Sâu Sắc – Mẫu 5

Quang Dũng là một nhà thơ tiền chiến thời chống Pháp, đọc thơ ông dễ dàng cảm nhận được tinh thần và nghệ thuật thời kì này: đầy tính lãng mạn, kiêu hùng tràn tính nhạc với những câu thơ dài ngắn khác nhau. “ Đôi mắt người Tây Sơn” là một bức tranh hùng tráng không kém gì so với bài “Tây Tiến” của Quang Dũng.

Khi mở đầu bài thơ tác giả đã vẽ nên khung cảnh chia li đượm buồn- một cuộc tình ngắn ngủi của những con người thân yêu:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Người con gái này chắc hẳn ở Tây Sơn, và đã gặp nhà thơ? Nhưng nàng là ai, tên gì, làm gì, ở đâu…? Tác giả còn chưa biết gì về “nằng” này.

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?

Nhưng với câu thơ “ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương” tưởng như Quang Dũng đã quen cô gái này. Tác giả điệp từ “nhớ” nhằm thể hiện diễn tả trực tiếp nỗi nhớ thương vô cùng, ước vọng sẽ gặp lại người con gái ấy và quê hương ấy. Nhưng do hiện thực chiến tranh khốc liệt niềm ước vọng ấy đã không trở thành hiện thực, nỗi chia lìa đau xót của nhà thơ và cô gái Tây Sơn đó. Nỗi tiếc thương như những dòng lệ luôn rơi trên những trang thơ của Quang Dũng, như tiếng lòng khóc thương mở đầu nỗi đau, cái mà chiến tranh đã dội tới.

Những vần thơ của Quang Dũng mang đậm chất hiện thực, hiện thực đến đau lòng với hình ảnh người mẹ.

Mẹ tôi em có gặp đâu không.
Bao xác già nua ngập cánh đồng.
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”

Quang Dũng trong con mắt một người con quê hương, một người chiến sĩ cách mạng với tình yêu thương bao la với những con người nhỏ nhắn nơi quê hương ấy, khi chứng kiến cảnh giặc tiến đánh, nỗi đau xót thương, đau đến cắt lòng: “xác nhà nua”, “xác trẻ trôi sông”. Những hình ảnh rất thật như đánh vào tâm lý người đọc một cảm xác kinh người của chiến tranh, nỗi căm hờn đối với lũ giặc cướp nước.

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?

Tác giả đến câu thơ này nhấn mạnh thêm khung cảnh của hiện thực chiến tranh “ điêu tàn” “ đất đá ong khô”. Đó là khung cảnh sau chiến tranh, nó như một bức tranh bị nhàu nát, những cảnh tượng đẹp đẽ của quê hương bị phá tan tành. Thật thương xót! Qua câu thơ này Quang Dũng cũng gửi gắm lời của chính mình cho người con gái kia “em dã bao ngày lệ chứa chan”. Nỗi cô đơn, buồn tủi của người ở lại, của sự chia li đứt quãng.

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Đến khổ thứ năm này đột phá bình thương đều là những khổ thơ bốn câu, nhưng ở khổ này chỉ có ba câu như nhấn mạnh nỗi đau hụt hẫng, hiện thực ngang trừng, một kết thúc đau thương. Nỗi đau của chính tác giả như nghẹn lại trong tim, tình “thương” ôi sao xuyến nhường nào.

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta?

Chiến tranh lan rộng, nàng theo mẹ về thành bỏ lại người xưa…tan vỡ một mối tình. Nỗi tiếc thương đã để lại trong lòng Quang Dũng nỗi u sầu, với mong ước về một tương lai tươi đẹp hơn, về sự hòa bình trở lại. Nhà thơ mong có ngày sẽ được gặp lại “nàng” khi thanh bình trở lại “Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca”, khi “đã hết sắc màu chinh chiến cũ”. Liệu rằng lúc đó gặp lại nàng Tây Sơn còn nhớ nhà thơ không.

Một nỗi niềm mong mỏi, niềm tin vào chiến thắng cuối cùng để những mảnh đời, những con người mang trái tim đến gần với trái tim hơn.

Có thể đọc thêm 🌿Bài Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu 🌿Nội Dung, Tác Giả, Tác Phẩm 

Viết một bình luận