Nội Dung Bài Thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, Đọc Hiểu, Giá Trị Nghệ Thuật, Phân Tích, Soạn Bài, Giáo Án Chi Tiết. Chia Sẻ Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa Nhan Đề Và Giá Trị Tác Phẩm.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Tác Phẩm Qua Đèo Ngang
“Qua Đèo Ngang” là một bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh), một nữ sĩ nổi bật trong văn học Việt Nam thời cận đại. Bài thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện nỗi lòng của tác giả khi đi qua Đèo Ngang, một địa danh nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Nội dung chính của bài thơ:
- Cảnh vật: Bài thơ miêu tả cảnh Đèo Ngang vào lúc chiều tà, với hình ảnh cỏ cây, hoa lá, và những ngôi nhà thưa thớt bên sông. Cảnh vật hoang sơ, tĩnh lặng nhưng lại gợi lên nỗi buồn man mác.
- Tâm trạng: Tác giả bộc lộ nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa thiên nhiên rộng lớn. Những câu thơ như “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, Thương nhà mỏi miệng cái da da” thể hiện rõ nỗi lòng của người lữ khách xa quê.
Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác khi Bà Huyện Thanh Quan trên đường vào Phú Xuân (Huế) để nhận chức. Cảm xúc dâng trào khi đứng trước cảnh Đèo Ngang hoang sơ, hùng vĩ đã khiến bà viết nên tác phẩm này.
Nội Dung Bài Thơ Qua Đèo Ngang
Nội dung bài thơ “Qua Đèo Ngang” cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời bài thơ cũng thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả.
Qua Đèo Ngang
Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Tặng bạn tuyển tập 👉 THƠ BÀ HUYỆN THANH QUAN
Về Nhà Thơ Bà Huyện Thanh Quan
Một số thông tin về nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan cho bạn tham khảo:
- Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, chưa rõ năm sinh, năm mất
- Quê quán: làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội
- Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (thuộc Thái Ninh), tỉnh Thái Bình, do đó mà có tên gọi Bà Huyện Thanh Quan
- Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại sáu bài thơ Đường luật.
- 6 bài thơ Đường luật của bà: Thăng Long thành hoài cổ, Qua chùa Trấn Bắc, Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Tức cảnh chiều thu, Cảnh đền Trấn Võ, Cảnh Hương sơn…
- Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên, đất nước và tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay. Tác phẩm nào của bà cũng buồn thương da diết, trang nhã và rất điêu luyện
Xem thêm tác phẩm hay của Bà Huyện Thanh Quan 👉 Thăng Long Thành Hoài Cổ
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Qua Đèo Ngang
Cùng Thohay.vn tìm hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Qua Đèo Ngang ngay sau đây nhé!
Dưới thời vua Minh Mạng, bà Huyện Thanh Quan được mời vào kinh đô Huế giữ chức Cung Trung giáo tập để dạy học cho công chúa và cung phi.
Trên đường di chuyển từ Bắc Hà vào Huế, bà có dừng chân nghỉ ngơi tại Đèo Ngang – đây là lần đầu tiên bà đến nơi này. Đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Đèo Ngang, bà tức cảnh sinh tình mà sáng tác nên bài thơ Qua đèo ngang.
Ý Nghĩa Nhan Đề Bài Thơ Qua Đèo Ngang
Nhan đề bài thơ Qua Đèo Ngang mang ý nghĩa chỉ một chuyến đi qua Đèo Ngang ( đây là một con đèo vượt núi Hoành Sơn tại ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình). Thông qua đó, tác gia đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, có sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ.
Đọc hiểu tác phẩm 🔰Và Tôi Nhớ Khói 🔰 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích
Bố Cục Bài Thơ Qua Đèo Ngang
Bố cục bài thơ Qua Đèo Ngang được chia thành 4 phần Đề- Thực- Luận- Kết:
- Phần 1 (hai câu đề): Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang
- Phần 2 (hai câu thực): Cuộc sống của con người ở Đèo Ngang
- Phần 3 (hai câu luận): Tâm trạng của tác giả
- Phần 4 (hai câu kết): Nỗi cô đơn đến tột cùng của tác giả
Giá Trị Tác Phẩm Qua Đèo Ngang
Chia sẻ cho các em học giá trị tác phẩm Qua Đèo Ngang sau đây.
Giá trị nội dung
- Miêu tả bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi đèo Ngang: đẹp, hoang sơ nhưng gợi buồn
- Bộc lộ tâm trạng: Hoài cổ nhớ nước, thương nhà da diết, nỗi buồn thầm lặng cô đơn của tác giả.
Giá trị nghệ thuật
- Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình
- Dùng nhiều các biện pháp nghệ thuật ẩn chứa bên trong như phép đối xứng, đảo trật tự cú pháp, lối chơi chữ, sử dụng các từ láy, sử dụng các từ đồng âm khác nghĩa,…rất hay.
- Dùng nghệ thuật đối: đối ý qua tâm trạng của chính tác giả: nhớ – thương; nước- nhà, đau lòng- mỏi miệng.
- Đối thanh, lối chơi chữ đồng âm khác nghĩa: cuốc cuốc= quốc= đất nước, gia gia= nước nhà.
Sưu tầm văn mẫu bài 🌼 Con Muốn Làm Một Cái Cây 🌼 Hay, ý nghĩa
Dàn Ý Qua Đèo Ngang
Gợi ý cách lập dàn ý phân tích bài thơ Qua Đèo Ngang chi tiết:
I. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Bà Huyện Thanh Quan (tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, đặc điểm sáng tác…)
- Giới thiệu về bài thơ “Qua Đèo Ngang” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)
II. Thân bài
1. Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang
– Thời gian: xế chiều – thời điểm dễ gợi nên nỗi buồn cô đơn, sự trống vắng
– Không gian: Đèo Ngang – một con đèo hùng vĩ, phân chia hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, là ranh giới phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài ngày xưa
– Cảnh vật:
- Các sự vật: cỏ cây, lá, đá, hoa
- Động từ: chen – lẫn vào nhau, không ra hàng ra lối, động từ “chen” chen vào giữa hai câu thơ gợi cảnh tượng rậm rạp, hoang sơ
⇒ Cảnh vật đầy sức sống nhưng hoang sơ, rậm rạp và hắt hiu
2. Cuộc sống con người ở Đèo Ngang
– Sử dụng từ láy có giá trị gợi hình: lom khom, lác đác – gợi cảm giác thưa thợt, ít ỏi
– Nghệ thuật đảo ngữ:
- Lom khom … tiều vài chú
- Lác đác … chợ mấy nhà
⇒ Nhấn mạnh sự nhỏ bé, ít ỏi, nhỏ nhoi của sự sống ở giữa cảnh vật thiên nhiên rộng lớn, hoang sơ
⇒ Hình ảnh con người hiện lên thưa thớt, ít ỏi làm cho cảnh vật thêm hoang vắng, tiêu điềi. Qua đó, gợi cảm giác buồn hiu, vắng lặng của tác giả
3. Tâm trạng của tác giả
- Âm thanh của chim quốc quốc, gia gia: nghệ thuật lấy động tả tĩnh, chơi chữ. Tiếng chim quốc, chim gia gia nhớ nước, thương nhà cũng chính là tiếng lòng của tác giả thiết tha, da diết nhớ nhà, nhớ quá khứ của đất nước
- Câu thơ như một tiếng thở dài của tác giả
⇒ Tâm trạng nhớ nước, nhớ nhà, nhớ quê hương của tác giả. Đó cũng chính là tâm trạng hoài cổ của nữ sĩ
4. Nỗi cô đơn tột cùng của tác giả
- Con người nhỏ bé, lẻ loi, cô đơn, một mình đối diện với cả vũ trụ bao la, rộng lớn
- “Một mảnh tình riêng, ta với ta”: một nỗi buồn, một nỗi cô đơn không có ai để se chia, san sẻ
⇒ Tâm trạng cô đơn, trống vắng, lẻ loi một mình đối diện với chính mình giữa vũ trụ bao la, rộng lớn
III. Kết bài: Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác giả:
- Nội dung: Cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống của con người và tâm trạng nhớ nước, thương nhà và nỗi cô đơn của tác giả
- Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn bát cú, sử dụng từ láy, nghệ thuật đảo ngữ…
Soạn Bài Qua Đèo Ngang
Dựa vào gợi ý sau đây, các em học sinh có thể soạn bài Qua Đèo Ngang đơn giản:
👉Câu 1 (trang 103 sgk ngữ văn 7 tập 1):
Căn cứ vào lời giới thiệu về thể thất ngôn bát cú Đường luật ở chú thích, em hãy nhận dạng thể thơ của bài Qua Đèo Ngang về số câu, số chữ trong câu, cách gieo vần, phép đối giữa câu 3, câu 4, câu 5 với câu 6.
Đáp án: Qua Đèo Ngang thuộc thể loại thất ngôn bát cú
- Tám câu, mỗi câu 7 chữ
- Cách gieo vần: cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8
- Câu 3 và 4 đối nhau, câu 5 và câu 6 đối nhau
👉Câu 2 (trang 105 sgk ngữ văn 7 tập 1): Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả ở thời điểm nào trong ngày? Thời điểm đó có lợi thế gì trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả?
Đáp án: Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả vào lúc xế tà (đã về chiều). Thời điểm này là thời điểm ngày sắp tàn. Đó chính là thời điểm dễ gợi nỗi buồn cho lòng người.
👉Câu 3 (trang 105 sgk ngữ văn 7 tập 1): Cảnh Đèo Ngang được miêu tả gồm những chi tiết gì?
Đáp án:
- Cảnh vật gồm có: cỏ, cây, hoa, lá, dãy núi, con sông, cái chợ, mấy túp nhà, có tiếng chim cuốc và chim đa đa, có vài chú tiều phu
- Cảnh Đèo Ngang rậm rạp, um tùm, hoang vắng: cỏ cây chen đá
- Con người xuất hiện thưa thớt, ít ỏi: lác đác chợ mấy nhà, tiều vài chú
- Tiếng kêu quốc quốc, gia gia khắc khoải càng gợi lên cảm giác buồn giữa không gian hoang vắng
👉Câu 4 (Trang 105 sgk ngữ văn 7 tập 1): Hãy nhận xét về cảnh tượng Đèo Ngang qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan.
Đáp án:
- Cảnh tượng ở Đèo Ngang: um tùm cỏ cây, hoang vắng, thưa thớt con người
- Tiếng chim quốc quốc kêu trong bi thiết càng làm tăng thêm nỗi buồn, sự hoang vắng
=> Cảnh vật hoang sơ, thưa thớt càng làm nỗi nhớ quê hương dâng lên và làm nỗi buồn, nỗi cô đơn, âm thầm của mình khi đối diện với thiên nhiên
👉Câu 5 (trang 87 sgk ngữ văn 7 tập 1): Hãy hình dung tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang. Tâm trạng đó được thể hiện qua hai hình thức: mượn cảnh nói tình và trực tiếp tả tình như thế nào?
Đáp án: Tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi Đèo Ngang là tâm trạng cô đơn, nhớ nhà, nhớ nước
- Tác giả mượn cảnh vật để giãi bày tâm trạng
- Mượn tiếng chim để gợi nhớ quá khứ nước nhà
- Câu thơ cuối biểu cảm trực nỗi buồn, nỗi cô đơn thầm kín, hướng nội của tác giả
⇒ Tâm trạng của tác giả: buồn, cô đơn, hoài cổ
👉Câu 6 (trang 87 sgk ngữ văn 7 tập 1): Nói đến mảnh tình riêng giữa cảnh: trời, non, nước bao la ở Đèo Ngang thì có gì khác với cách nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp.
Đáp án: Nói đến một mảnh tình riêng giữa cảnh trời, non, nước bao la ở Đèo Ngang là thể hiện một tương quan đối lập: trời, non, nước càng bao la, cao rộng bao nhiêu thì mảnh tình riêng càng nặng nề u uất bấy nhiêu! Dĩ nhiên là khác với nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp.
Đón đọc ❤️️Bài Thơ Lượm [Tố Hữu] ❤️️Sưu tầm văn mẫu hay
Giáo Án Qua Đèo Ngang
Mẫu giáo án Qua Đèo Ngang sau đây sẽ giúp ích cho các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy rất nhiều.
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Hình dung được cảnh tượng Đèo Ngang và tâm trạng cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan.
- Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.
- Đặc điểm tiêu biểu của thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.
2. Kĩ năng: Đọc, cảm nhận, tìm hiểu về thể thơ thất ngôn bát cú đường luật.
3. Thái độ
- Yêu cảnh thiên nhiên đẹp.
- Yêu quý và trân trọng những tấm lòng yêu nước
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Chuẩn bị của Giáo viên: Soạn bài, SGK, SGV, sách tham khảo,tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, các tài liệu: kiến thức cơ bản và bài tập nâng cao.
2. Chuẩn bị của học sinh: Chuẩn bị bài,tư liệu liên quan đến bài học,đọc bài, xem trước bài.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức: Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra đầu giờ
- Đọc thuộc lòng bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương phân tích các lớp nghĩa và chỉ ra giá trị nội dung của bài thơ?
- Đọc thuộc lòng đoạn trích “Sau phút chia li” nêu giá trị nội dung và nghệ thuật tiêu biểu của đoạn thơ?
3. Bài mới
– Đèo Ngang thuộc dãy núi Hoành Sơn, phân cách địa giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, là một địa danh nổi tiếng trên đất nước. Đã có nhiều thi nhân làm thơ Vịnh Đèo Ngang như Cao Bá Quát có bài Đặng Hoành Sơn, Nguyễn Khuyến có bài Qua Hoành Sơn, Nguyễn Thượng Hiền có bài Hoành Sơn xuân vọng… nhưng được nhiều người yêu thích nhất vẫn là bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
Hoạt động của GV và HS | Kiến thức cần đạt |
---|---|
HĐ1.HDHS đọc và tìm hiểu chú thích: – GV yêu cầu đọc: Giọng buồn, buồn buồn, ngắt nhịp đúng (4/3 C7: 4/1/1/1) – GV đọc 1 lượt – 2 HS đọc- HS đọc và GV nhận xét cách đọc. – HS đọc phần chú thích (*)? Nêu những hiểu biết của em về Bà Huyện Thanh Quan và tp? – HS trả lời – GV bổ sung: Bà xuất thân trong một gia đình quan lại, có nhan sắc, có học, tài thơ Nôm, giỏi nữ công gia chánh => được vua Minh Mạng mời vào Phú Xuân làm nữ quan: “Cung trung giáo tập” Dựa vào phần chú thích trình bày hiểu biết về Đèo Ngang và từ tiều ? | I.Đọc và tìm hiểu chú thích: 1. Đọc. 2. Tìm hiểu chú thích: a. Tác giả tác phẩm: * Tác giả: – Bà Huyện Thanh Quan: Tên thật là Nguyễn Thị Hinh sống vào đầu thế kỉ XIX. Quê : Nghi Tàm – Tây Hồ – Hà Nội – Là một trong ba nhà thơ nữ nổi tiếng nhất ở thế kỉ XVIII – XIX. * Tác phẩm: Qua Đèo Ngang – Là một trong số bài thơ còn sót lại của bà. – Có thể được viết khi bà trên đường vào kinh thành Huế nhận chức. b. Từ khó – Đèo Ngang – Tiều |
HĐ2.HDHS đọc hiểu văn bản: H:Bài thơ thuộc phương thức biểu đạt nào? H: Thuộc thể thơ nào? H: Dựa vào bài thơ, nêu dấu hiệu nhận biết thể thơ này? (số câu, số chữ/ câu, gieo vần) – GV có thể nói thêm về niêm và bố cục (Bố cục: Đề, thực, luận, kết | II.Tìm hiểu văn bản: 1. Kiểu văn bản:Biểu cảm – Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật. + Số câu: 8 câu/ bài + Số chữ trong trong 1câu: 7 chữ + Gieo vần chữ cuối các câu: 1,2,4,6,8 (tà, hoa, nhà, gia, ta) + Có NT đối giữa câu 3 – 4, 5 – 6 + Có niêm luật chặt chẽ. (B –T) – Luật thơ: Tiếng thứ 2 của câu 1 là thanh bằng -> Luật B Tiếng thứ 2 của câu 1 là thanh trắc -> Luật T Trong câu, các tiếng 2,4,6 phải theo luật B, T rõ ràng: tiếng 2 trùng thanh với tiếng thứ 6 và khác thanh với tiếng thứ 4. Các tiếng 1,3,5 B, T tuỳ ý. |
H: Bài thơ này nên phân tích theo bố cục như thế nào? | 2. Bố cục: – Hai câu đề – Hai câu thực – Hai câu luận – Hai câu kết. |
– HS đọc 4 câu thơ đầu H: Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả trong thời gian, thời điểm nào trong ngày? Thời gian đó gợi lên nỗi niềm gì? (Xế- tà : 2 từ đồng nghĩa như kéo dài bóng chiều cho tình cảnh thêm ngao ngán) H:Cảnh Đèo Ngang được miêu tả qua những hình ảnh, chi tiết nào? CH: Từ “chen” có tác dụng gì? (Cảnh tuy mang sức sống hoang dã nhưng vẫn có vẻ hiu hắt, tiêu điều ) H:Trong hai câu thực tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Tác dụng của việc sử dụng những nghệ thuật ấy? | 3. Phân tích. a. Hai câu đề: ” Bước tới… chen hoa” – Không gian: cảnh Đèo Ngang. – Thời gian nghệ thuật: lúc xế tà (đã về chiều) => gợi buồn, nhớ làm tăng thêm nỗi cô đơn trong lòng tác giả trên đường lữ thứ tha hương. – Cảnh vật:cỏ cây, lá, đá, hoa => Động từ “ chen’’ điệp 2 lần gợi sức sống cỏ cây ở một nơi hoang dã, vô trật tự, hoang vu. |
– Nếu ta đảo 2 câu thơ thành: Vài chú tiều lom khom dưới núi/ Mấy nhà chợ lác đác bên sông thì ý nghĩa thay đổi như thế nào? (Không diễn tả được cái nhìn từ xa (dưới núi, bên sông), bắt đầu là hình dáng sự sống, sau đó mới thấy người) Hai từ láy “ lom khom, lác đác” đặt đầu câu có t/d gì? (Sự sống thấp thoáng trong khung cảnh hoang sơ, bát ngát) H:Hai câu thực thể hiện cảm xúc sâu kín của nhà thơ ntn? | b. Hai câu thực: “Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà” – Nghệ thuật đối, đảo ngữ, lặp cú pháp => Nhấn mạnh tính chất đặc điểm của con người và cảnh vật. – Sử dụng các từ láy: Lom khom, lác đác=> tạo ấn tượng người trong cảnh, cảnh trong cảnh thêm nổi bật: Sự mờ xa, hun hút, thưa thớt => tăng sự mênh mông, lặng lẽ, hoang vắng của cảnh vật -> cảm giác buồn như thấm sâu vào lòng người xa xứ. – Cảm xúc buồn, thiếu sức sống trước cảnh hoang vắng, heo hút, buồn hoang sơ nơi con đèo xa xôi lúc chiều tà. |
H: ở C5,C6 tácgiả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? – Âm thanh vang lên ở Đèo Ngang buổi chiều tà là âm thanh gì?(Tiếng chim thường vang lên nơi hoang vắng, gợi nỗi buồn, nỗi khổ đau, nỗi oan trái) – HS đọc 2 câu luận. – Em nhận xét gì giữa 2 từ đầu và cuối 2 câu thơ? => Chơi chữ, đây là tiếng chim kêu chiều xuống, hay tiếng lòng thương nhớ gào réo trong tâm hồn Bà Huyện khi bà đang đứng trên đường phân chia xưa kia của hai xứ) | c. Hai câu luận: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia Nghệ thuật đối, đảo ngữ, lấy động tả tĩnh, đồng âm, ẩn dụ tượng trrưng. -> Nhấn mạnh tâm trạng của tác giả: + Tiếng chim quốc –> nhớ nước + Tiếng chim đa –> nhớ nhà ( Quốc= nước / Nhớ nướcGia = nhà / Thương nhà) |
H: Tại sao cảnh buồn, hoang sơ, thiếu sự sống làm nhà thơ nhớ nước, thương nhà?(Cảnh núi sông buồn làm t/g nghĩ đến cảnh buồn của đất nước, cảnh cư dân sống thưa thớt làm nhớ đến gia đình =>nỗi nhớ xé ruột, triền miên không biết chia sẻ cùng ai) H:Nghệ thuật đó đã có tác dụng gì trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình? H:Nói rõ hơn về nghệ thuật lấy động tả tĩnh ở đây? | => Đó là tiếng lòng tha thiết, da diết của nhà thơ: Nhớ nhà, quê, nhớ quá khứ của đất nước, nhớ kinh thành Thăng Long => tâm trạng hoài cổ. – Tiếng chim kêu buồn, khắc khoải, triền miên không dứt làm tăng thêm sự vắng lặng và càng xoáy sâu thêm vào nỗi buồn nhớ của nhà thơ. |
H:Ở hai câu cuối tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó trong việc diễn tả tâm trạng của nhà thơ? H:Em hiểu như thế nào về cụm từ “ta với ta” (2 chữ ta) ở đây?H:Hai câu thơ cuối nói lên điều gì? | d. Hai câu kết + Biện pháp đối ý: Trời, non, nước (thiên nhiên rợn ngợp, mênh mông, lớn lao) >< một mảnh tình riêng (thế giới nội tâm của cá nhân nhân vật trữ tình: buồn, cô đơn). => Cực tả nỗi buồn, cô đơn, xa vắng của người lữ khách đứng trên đỉnh đèo. + Cụm từ “ta với ta”: tuy 2 mà 1, chỉ để nói một người, một nỗi buồn, một nỗi cô đơn không ai sẻ chia. => Hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, cô đơn giữa đất trời bao la. Hai câu cuối cực tả tâm trạng cô đơn, buồn đau, nhớ tiếc quá khứ, nỗi thương nước nhớ nhà của cá nhân tác giả. |
H:Qua sự phân tích trên hãy rút ra nội dung và nghệ thuật của bài thơ này? | 4. Tổng kết. * Ghi nhớ: SGK… – Nghệ thuật: + Tả cảnh ngụ tình + Phép đối, đảo ngữ, lặp cú pháp + Sử dụng các từ tượng hình, tượng thanh. Bài thơ được coi là mẫu mực về thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. |
4. Củng cố, luyện tập
– Cảm nghĩ sau khi học xong bài thơ này?
H: Tìm hàm ý cụm từ “Ta với ta”
– GV hướng dẫn – HS thực hiện ở nhà
5. Hướng dẫn về nhà
- Ôn bài, thuộc ghi nhớ, phân tích bài thơ, thể thơ.
- Soạn bài: “Bạn đến chơi nhà”.
Sơ Đồ Tư Duy Qua Đèo Ngang
Tổng hợp các sơ đồ tư duy Qua Đèo Ngang giúp các em học sinh học bài nhanh thuộc.
Đừng nên bỏ qua bài thơ🔻 Đánh Thức Trầu 🔻 Hay đặc sắc
5 Mẫu Phân Tích Bài Thơ Qua Đèo Ngang Hay Nhất
Nhất định không nên bỏ qua 5 mẫu phân tích bài thơ Qua Đèo Ngang hay nhất sau đây nhé!
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Qua Đèo Ngang Hay – Mẫu 1
Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong nền văn học trung đại của nước ta. “Qua Đèo Ngang” là một tác phẩm rất tiêu biểu cho phong cách thơ của bà. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ. Đồng thời nhà thơ còn qua đó gửi gắm nỗi nhớ nước thương nhà.
Tác giả đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên nơi Đèo Ngang trong một buổi chiều tà:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Cụm từ “bóng xế tà” gợi ra thời điểm kết thúc của một ngày. Nhà thơ đang một mình đứng trước nơi đèo Ngang. Tiếp đến câu thơ “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng, khắc họa khung cảnh thiên nhiên đèo Ngang. Việc sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” thật tinh tế. Vẻ đẹp thiên nhiên của đèo Ngang tuy hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.
Và không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên đó là hình ảnh con người. Nghệ thuật đảo ngữ “lom khom – tiều vài chú” cho thấy hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi. Và “lác đác – chợ mấy nhà” gợi ra hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Nhà thơ muốn nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Con người chỉ nằm là một chấm buồn lặng lẽ giữa một thiên nhiên rộng lớn. Thiên nhiên mới là trung tâm trong bức tranh đèo Ngang.
Thiên nhiên càng cô quạnh, tâm trạng của tác giả càng cô đơn. Điều đó được bộc lộ ở những câu thơ tiếp theo:
“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia”
Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Việc sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” để qua đó bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương. Đọc đến đây, chúng ta dường như có thể lắng nghe được tiếng kêu khắc khoải, da diết đang vang lên trong vô vọng.
Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” – tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ:
Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”
Trong thơ Nguyễn Khuyến cũng từng sử dụng cụm từ “ta với ta”:
“Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”
Trong “Bạn đến chơi nhà, từ “ta” đầu tiên chỉ chính nhà thơ – chủ nhà, còn từ “ta” thứ hai chỉ người bạn – khách đến chơi. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Qua đó thể hiện tình bạn gắn bó tri âm tri kỷ của nhà thơ.
Còn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Sự cô đơn ấy dường như chẳng thể có ai cùng chia sẻ.
Như vậy, Qua đèo Ngang đã thể hiện được tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan trước khung cảnh đèo Ngang hoang sơ. Bài thơ chứa đựng những tình cảm, ý nghĩa sâu sắc.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Qua Đèo Ngang Chọn Lọc – Mẫu 2
Trong nền văn học hiện đại nếu như chúng ta bắt gặp sự sắc sảo, mạnh mẽ, bứt phá trong thơ của Hồ Xuân Hương thì chắc hẳn rằng sẽ thấy được sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng, trầm buồn của Bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ “Qua đèo Ngang” tiêu biểu cho phong cách ấy.
Bài thơ được sáng tác khi tác giả vào Phú Xuân (Huế) nhận chức và đi qua đèo này. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn man mác, nhớ nhà, nhớ quê hương và thương cho thân gái nơi đường xa. Bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú với cấu trúc đề, thực, luận kết.
Chỉ tám câu thơ nhưng nó đã diễn tả được hết cái thần thái, cái hồn của cảnh vật cũng như của con người khi đứng trước cảnh trời núi hiu quạnh và lòng người man mác như thế này. Hai câu đề gợi lên trước mắt người đọc khung cảnh hoang sơ nơi đèo Ngang:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, lá chen hoa”
Không gian và thời gian ở đèo Ngang được tác giả thể hiện qua từ “bóng xế tà”. Có thể nói đây là thời gian là cảm xúc trong lòng người dường như nặng nề, gợi buồn, gợi sầu hơn. Trong ca dao, dân ca, chúng ta vẫn bắt gặp thời điểm chiều tả để đặc tả nỗi buồn không biết bày tỏ cùng ai. Mặt trời xuống núi, hoàng hôn sắp bao phủ lấy nơi này.
Cảm giác cô đơn, lạc lõng. Cảnh vật thiên nhiên nơi đây dường như quạnh quẽ đến nao lòng. Chỉ có cỏ cây và hoa. Điệp từ “chen” dường như đã làm tăng thêm tính chất hiu quạnh của địa danh này. Hoa lá đang quấn quýt lấy nhau, bám chặt nhau để sống, sinh sôi.
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Đến hai câu thực thì mới thấp thoáng hình ảnh con người, nhưng cũng chỉ là “tiều vài chú”. Hóa ra chỉ là một vài chú tiều bé nhỏ đi nhặt củi ở dưới chân núi. Mặc dù có sự sống nhưng mong manh và hư vô quá. Với phép đảo trật tự cú pháp ở hai câu thơ này, Bà Huyện Thanh Quan đã một lần nữa nhấn mạnh sự hoang sơ, hiu quạnh của đèo Ngang.
Việc sử dụng hai từ láy “lom khom” và “lác đác” vừa chỉ hoạt động gánh củi vất vả vừa chỉ ước tính số lượng cụ thể. Những hình ảnh ước lệ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan đã lột tả hết thần thái cũng như cảm xúc của tác giả lúc đó. Những sự sống hiếm hoi, lẻ loi và mong manh đang chờn vờn ở ngay trước mắt nhưng xa lắm. Muốn tìm bạn để tâm sự cũng trở nên khó khăn. Sang đến hai câu thơ luận thì cảm xúc và tâm sự của tác giả bỗng nhiên trỗi dậy
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Điệp âm “con quốc quốc” và “cái gia gia” đã tạo nên âm hưởng dìu dặt, du dương nhưng vô cùng não nề thấm đến tâm can. Người lữ khách đường xa nghe văng vẳng tiếng cuốc và da da kêu mà lòng quạnh hiu, buồn tái tê. Thủ pháp lấy động tả tĩnh của tác giả thật đắc điệu, trên cái nền tĩnh lặng, quạnh quẽ bỗng nhiên có tiếng chim kêu thực sự càng thêm não nề và thê lương.
“Dừng chân nghỉ lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Chỉ bốn chữ “dừng chân nghỉ lại” cũng đã khiến người đọc cảm thấy da diết, bồn chồn đến não nề. Cảnh trời nước mênh mông, vô tận nhưng con người thì bé nhỏ khiến cho tác giả thấy mình lạc lõng và không một nơi bấu víu. Đất trời rộng lớn, tác giả chỉ cảm thấy còn “một mảnh tình riêng”. Và cái mảnh tình con con ấy cũng chỉ có “ta với ta”. Nỗi buồn dường như trở nên cực độ, buồn thấu tận tâm can, buồn nghiêng ngả trời đất.
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” với giọng điệu da diết, trầm bổng, du dương và những thủ pháp nghệ thuật độc đáo đã mang đến cho người đọc cảm xúc khó quên. Dư âm của bài thơ dường như còn vang vọng đâu đây.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Qua Đèo Ngang Hay Đặc Sắc – Mẫu 3
“Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông như núi, như người Việt Nam”
Câu thơ thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào về non sông đất trời Việt Nam. Thiên nhiên trên quê hương ta có vẻ đẹp mộng mơ, chan hòa sức sống. Chính vì vậy, thiên nhiên luôn là đề tài bất tận của thi ca. Lúc thì lung linh, huyền diệu như trong mộng, lúc lại rực rỡ, kiêu sa tựa ánh mặt trời. Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan là một trong số đó.
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.”
Câu thơ mở đầu gợi mở về không gian, thời gian. Cụm từ “bóng xế tà” gợi ra thời điểm chiều tà đã bao trùm lên không gian đèo Ngang. Tiếp đến nhà thơ sử dụng điệp từ “chen” cùng cách gieo vần lưng “lá, đá” đã tạo nên sự cô đơn, tĩnh mịch. Từ tà như diễn tả một khái niệm sắp tàn lụa, biến mất. Yếu tố thời gian làm cho câu thơ thêm phần buồn bã. Ca dao cũng đã có câu:
“Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau”
Thế mới biết, những tình cảm cao quý của mỗi người dường như gặp nhau ở một điểm. Đó chính là thời gian. Mà quãng thời gian thích hợp nhất để bộc lộ sự nhớ nhung khắc khoải chính là lúc chiều về. Ở bài thơ “Qua đèo Ngang”, tác giả bỗng dâng lên cảm xúc man mác khi bà bắt gặp ánh hoàng hôn bao phủ cảnh vật.
Không chỉ là thiên nhiên, mà con người cũng xuất hiện trong bức tranh nơi đèo Ngang:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”
Câu thơ gợi cho tả hình dung trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo, mấy người tiều phu đang đốn củi, mấy quán chợ xiêu xiêu trong gió. Đảo ngữ đưa hai từ láy lom khom, lác đác lên đầu câu đã được tác giả sử dụng như nhấn mạnh thêm sự u hoài ở đây. Nhà thơ đi tìm một sự sống nhưng sự sống đó lại làm cho cảnh vật héo hắt, buồn bã hơn, xa vắng hơn.
Sự đối lập vốn có của hai câu thực khiến cho cảnh trên sông, dưới núi thêm rời rạc, thưa thớt. Từ “vài, mấy” như càng nói rõ thêm sự vắng vẻ ở nơi này. Trong sự hiu quạnh đó, bỗng nhiên vẳng lên tiếng kêu đều đều, man mác của loài chim quốc quốc, chim gia gia trong bóng hoàng hôn đang buông xuống.
Từ ghép “đau lòng, mỏi miệng” khiến cho ta có cảm giác tha thiết, ray rứt. Từ “nhớ nước, thương nhà” là nỗi niềm của con chim quốc, chim gia gia do tác giả cảm nhận được hay chính là nghệ thuật ẩn dụ để nói lên tâm sự từ trong sâu thẳm tâm hồn của nữ sĩ? Nghệ thuật chơi chữ quốc quốc gia giá phải chăng là Tổ quốc và gia đình của Bà Huyện Thanh Quan hồi đó?
Sự song song về ý, về lời của hai câu thơ trong phần luận của bài thơ này nhằm nhấn mạnh tình cảm của bà Huyện Thanh Quan đối với Tổ quốc, gia đình trước cảnh thật là khéo léo và tài tình. Từ thực tại của xã hội đương đời mà bà đang sống cho đến cảnh thực của đèo Ngang đã khiến cho tác giả sực nhớ đến mình và tâm sự:
“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.”
Câu kết của bài, ta cảm thấy nhà thơ có tâm sự u hoài về quá khứ. Dừng lại và quan sát bà chỉ thấy: trời, non, nước. Vũ trụ thật rộng lớn, xung quanh bà là cả một bầu trời với núi, với sông khiến cho con người cảm thấy mình bé nhỏ lại, đơn độc, trống vắng, ở đây, chỉ có một mình bà ta với ta, lại thêm mảnh tình riêng cho nước, cho nhà trong huyết quản đã làm cho cõi lòng nhà thơ như tê tái.
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ. Đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Qua Đèo Ngang Tiêu Biểu – Mẫu 4
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan được sáng tác khi bà đi ngang con đèo này để vào kinh thành Huế nhận chức làm quan. Bài thơ nói lên nỗi nhớ quê hương gia đình của người con gái đi xa, nỗi thương thân của phụ nữ nơi đất khách quê người. Lối thơ nhẹ nhàng điềm tĩnh của tác giả được thể hiện rõ qua bài thơ này.
“Trèo đèo hai mái chân vân
Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”
Nằm giữa hai đầu nỗi nhớ, gánh trọn ân tình của nữ sĩ về bức tranh thiên nhiên hoang sơ đậm chất tình. Bà Huyện Thanh Quan dùng lối viết tự nhiên mà sâu lắng, hoài cảm đi vào lòng người. Trên con đường vào Phú Xuân, nữ sĩ bắt gặp phong cảnh đèo Ngang, từ đó khơi gợi nỗi buồn của người con gái đường xa chất chứa bao nỗi nhớ thương:
“Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”
Bức tranh vẽ ra vào buổi chiều tà, vào thời gian vắng vẻ và hoang vu trong ngày. Nếu được thay bằng “nắng tà” thì khung cảnh sẽ sinh động hơn. Một buổi chiều có nắng vàng, hoa lá và đá, vậy tại sao nữ sĩ lại không chọn nắng? Thời điểm chiều tà làm cho lòng người nôn nấu một nỗi hoài cổ, chất xúc tác làm tâm trạng con người cất thành tiếng.
Bức tranh thiên nhiên hoang sơ đượm màu buồn, liệu tâm hồn nữ sĩ có đủ mạnh mẽ vượt qua? Điệp từ “chen” nhấn mạnh sự đơn lẻ, cô liêu. Sự sống sắp lụi tàn, hoa lá cỏ cây đang cuống quýt, nồng say bám chặt lấy sự sinh tồn trên mảnh đất cằn cỗi.
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Bức tranh lúc này đã có sự xuất hiện của con người nhưng nó có thể làm mờ nhạt bớt phần nào trong sự trống vắng của tâm hồn người thứ lữ? ” Tiều vài chú” chỉ có một vài chú tiều đi gom củi phía dưới chân núi. Từ đó, làm tăng cường độ mỏng manh của sự sống. Nó hư vô, mờ ảo như thể sẽ biến mất. Tác giả đã dùng nghệ thuật phép đảo để thay đổi trật tự cú pháp ở hai câu này làm toát lên cảnh hắt hiu, hoang sơ của con đèo này.
Từ láy ”lom khom” chỉ hoạt động gồng gánh gian nan và “lác đác” nói lên mức độ số lượng được ước tính cụ thể. Những hình ảnh ước lệ ấy đã bộc lộ ra hết cảm xúc, muốn lắm, cần lắm được chạm đến sự sống và khao khát được nhìn thấy con người. Ôi chỉ là ảo ảnh! Nơi này, nữ sĩ biết tìm đâu người bạn đường để trò chuyện chia sẻ bao nỗi niềm.
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Hai câu luận tiếp theo làm trỗi dậy nỗi niềm tiềm ẩn của người thứ lữ. ”Con quốc quốc” “Cái gia gia” âm hưởng nhẹ nhàng mà thấm đẫm đến tâm can con người. Người khách phương xa cô đơn nghe văng vẳng tiếng chim cuốc mà lòng tê tái, não nề.
Ở đây, tác giả dùng thủ pháp dùng động để tả tĩnh thật tinh tế, thứ âm thanh coi cuốc nơi xa kia làm bệ phóng cho tác giả gửi trọn nỗi niềm về đất nước và gia đình trên cuộc hành trình của mình. Thương nước nhà đang chìm trong tình cảnh loạn lạc, xót xa thân phận gái xa nhà độc hành. Nỗi lòng thương xót ấy như được trùng trùng điệp điệp không ngơi nghỉ.
“Dừng chân nghỉ lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.”
Hai câu kết đưa xúc cảm của nữ sĩ lên đến đỉnh điểm của cảm xúc cao trào. ”Dừng chân” phần nào làm cho mạch cảm hứng của người đọc ngắt đoạn. Nhờ đó, mới diễn tả hết tâm trạng của nữ sĩ giữa núi rừng heo hút. Cái mênh mông, vô tận của núi rừng níu chân người thứ lữ. Ai đã từng một mình trước biển mà không choáng ngợp ?Ai đã yêu một người mà chưa từng nhớ nhung?
Thật vậy, giữa thế giới bao la, vô tận ấy làm đôi chân nhỏ bé không thể bước nổi. Sự đơn độc ấy làm người thứ lữ yếu đuối. Người con gái ấy lại một lần nữa khao khát được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng, được che lấp sự yếu đuối, đơn độc nơi mình. Núi rừng bao la, rộng lớn bao nhiêu thì sự cô đơn, trống vắng của nữ sĩ lại càng tăng bấy nhiêu.
Từ đó, ta đủ cảm nhận “mảnh tình riêng” đơn độc đến tiếc nuối. Thể thơ thất ngôn bát cú với cấu trúc đề thực luận kết, cách hiệp vần và phép đối trong bài thơ tóm gọn bao cảm xúc trong lòng người đọc. Những tâm tư ấy đẹp biết bao qua lăng kính của tâm hồn người nữ sĩ một lòng một người yêu nước, thương dân.
Bài thơ “Qua đèo Ngang” mang đến một phong cách mới mẻ về bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mang đậm chất trữ tình của nữ sĩ. Những vần thơ ấy sẽ còn mãi trong tâm trí người đọc, có một người yêu thiên nhiên, yêu đất nước đến vậy.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Qua Đèo Ngang Hay Sâu Sắc – Mẫu 5
Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan là “Qua Đèo Ngang”. Với bài thơ này, tác giả đã gửi gắm tình yêu quê hương đất nước sâu sắc.
“Qua đèo ngang” gợi lên sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng, trầm buồn của bà Huyện Thanh Quan làm tiêu biểu cho phong cách thơ. Bài thơ “Qua đèo ngang” được tác giả sáng tác trong hoàn cảnh vào Phú Xuân(Huế) nhận chức và đi ngang qua đèo này. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn man mác, nhớ nhà, quê hương, thương cho thân người con gái yếu đuối đường xa. Bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú. Với tám câu thơ mà đã thấy được những thần thái, cái hồn trong cảnh vật và con người trước cảnh núi rừng hiu quạnh.
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”
Hai câu đề hiện rõ khung cảnh rừng núi hoang sơ lúc “bóng xế tà”. Một cảnh chiều nặng nề làm cho lòng người trở nên u buồn, gợn sầu hơn. Tất cả như gợi lên nỗi nhớ muốn tỏ rõ nỗi lòng mà không ai bầu bạn, sẻ chia. Chỉ có “cây cỏ chen lá, đá chen hoa” hiu quạnh. Điệp từ “chen” khẳng định sức sống mạnh mẽ của cỏ, cây, bấu víu để sinh sôi nảy nở.
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Đến hai câu thơ tiếp theo thì mới thấy bóng dáng của con người. Hai từ láy “lom khom”, “lác đác” cho thấy sự thưa thớt, vắng vẻ của con người. Trong bức tranh thiên nhiên này, con người chỉ là một điều nhỏ bé.
Tiếp đến, Bà Huyện Thanh Quan đã bộc lộ tâm trạng của mình khi đứng trước đèo Ngang:
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Giữa chốn rừng sâu vắng lặng, vang lên tiếng chim cuốc đau lòng não ruột. Đó cũng có thể là thanh âm thật là hay là tiếng lòng trong tâm trạng nhà thơ. Mượn bút pháp ước lệ và nghệ thuật chơi chữ để nói lên tiếng lòng mình trước cảnh. Tiếng chim kêu làm tăng phần cô quạnh, phải chăng đó là tâm trạng hoài vọng nhớ thương nước nhà?
Cái bao la, vô tận của non nước làm chơi vơi bóng hình một mình giữa thiên nhiên, hồn cảnh – hồn người như hòa lẫn vào nhau, làm nỗi buồn da diết bị lắng đọng cùng.
“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Tiếng lòng non nước thấm thía, không san sẻ buộc nhà thơ thốt lên giãi bày “ta với ta” nghe chua xót. Chỉ ta mới hiểu được lòng ta, sự cô đơn như tăng lên gấp bội. Dù sầu muội như bà Huyện Thanh Quan vẫn cảm nhận được vẻ đẹp non nước dù nơi dừng chân có vẻ hoang sơ, nhưng đã tô lên vẻ đẹp hùng vĩ, bao la của núi rừng.
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” vừa gợi lên một bức tranh về cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, vừa gợi ra khung cảnh sống giản dị, đơn sơ mà ấm áp. Từ đó mang lại những cảm xúc, nỗi niềm, riêng tư của tác giả với tình yêu quê hương, đất nước da diết khi xa quê hương, lẻ loi một bóng hình nơi đất khách quê người.
Phân tích tác phẩm 💌 Lao Xao Ngày Hè 💌 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích