Thơ Bằng Việt: Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay Nhất

Thơ Bằng Việt ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay Nhất ✅ Tìm Hiểu Thông Tin Về Cuộc Đời, Phong Cách Sáng Tác Thơ Của Bằng Việt.

Tiểu Sử Cuộc Đời Tác Giả Bằng Việt

Cùng tìm hiểu chi tiết về tiểu sử cuộc đời tác giả Bằng Việt – chủ nhân bài thơ Bếp lửa nổi tiếng.

  • Bằng Việt (tên thật Nguyễn Việt Bằng, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1941), nguyên quán xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội, là một nhà thơ Việt Nam.
  • Sau khi tốt nghiệp khoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp Kiev. Liên Xô (nay là Đại học Quốc gia Kiev, thuộc Ukraina) vào năm 1965, Bằng Việt về Việt Nam và công tác tại Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
  • Đến năm 1969, ông chuyển sang công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam.
  • Năm 1970, ông tham gia công tác ở chiến trường Bình Trị Thiên, với tư cách là một phóng viên chiến trường và làm tại Bảo tàng truyền thống cho đoàn Trường Sơn.
  • Năm 1975, ông công tác ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
  • Sau khi về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, năm 1983, ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1983-1989) và là một trong những người sáng lập tờ báo văn nghệ Người Hà Nội (xuất bản từ 1985).
  • Sau đó được bầu làm Uỷ viên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, làm tổng biên tập tờ tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (1989-1991).
  • Năm 2001, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và được bầu lại làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2006 – 2010.
  • Tại Đại hội lần thứ VII Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (tháng 9 năm 2005), Bằng Việt được bầu làm một trong 5 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
  • Ông cũng từng làm Thư ký thường trực, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội (1991-2000).

Đọc thêm về 🔰Thơ Nguyễn Công Trứ 🔰 Tác Giả, Tác Phẩm

Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Bằng Việt

Chia sẻ các thông tin về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Bằng Việt.

  • Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 1960 và là một trong những nhà thơ tiêu biểu thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ.
  • Tuy làm thơ từ lúc 13 tuổi nhưng bài thơ đầu tiên được công bố là bài Qua Trường Sa viết năm 1961.
  • Ông đã thể hiện nhiều loại thơ không vần, tất cả các hình thức đã có trong thơ Việt Nam và thơ thế giới.
  • Năm 1968, Bằng Việt cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên ” Hương cây – Bếp lửa”, đồng tác giả với tác giả Lưu Quang Vũ. năm 2005, tập thơ này được tái bản sau 37 năm.
  • Năm 1986, Bằng việt cho ra mắt tập thơ “Bếp lửa – Khoảng trời”, năm 2003 xuất bản tập thơ “Thơ Bằng Việt “
  • Ông còn dịch thơ của các nhà thơ Yannis Ritsos (Hy Lạp), Pablo Neruda (Chile); các nhà thơ Nga cổ điển và hiện đại: A. Pushkin, M. Lermontov, S. Esenin, E. Evtushenko, O. Berggoltz, M. Aliger, A. Tvardovsky, M. Dudin, A. Akhmatova, R. Gamzatov…; các nhà thơ Pháp: G. Apollinaire, P. Eluard, J. Prévert và tham gia biên soạn một số từ điển văn học.

Giải thưởng:

  • Giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1967) với bài thơ Trở lại trái tim mình
  • Giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa bình Liên Xô trao tặng năm 1982.
  • Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.
  • Giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Ném câu thơ vào gió” (2002).
  • Giải thưởng văn học ASEAN 2003.
  • Giải thưởng về thành tựu Dịch thuật Văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn Hà Nội, 2005.

Phong Cách Sáng Tác Của Bằng Việt

Dưới đây là các nét chính trong phong cách sáng tác của Bằng Việt.

  • Thơ ông nhẹ nhàng, có cảm xúc tinh tế, giọng điệu tâm tình, trầm lắng, suy tư và giàu triết lí. Chính vì vậy nên hồn thơ của ông đã bộc lộ được phong cách riêngtrước rất nhiều các nhà thơ của thế hệ kháng chiến chống Mỹ.
  •  Phong cách thơ của Bằng Việt được trải đều trên các phương diện từ nội dung đến hình thức và nghệ thuật. Nội dung thơ của Bằng Việt chứa đựng sâu sắc cảm hứng về đất nước và con người trong chiến tranh. Trên phương diện nghệ thuật, Bằng Việt có những sáng tạo đáng kể trong việc phát triển thể thơ tự do, xây dựng ngôn ngữ thơ hiện đại, bình dị, giàu chất tự sự văn xuôi, gần gũi với người đọc.
  • Ngôn ngữ thơ Bằng Việt không hoa mỹ, cầu kỳ, được chọn lọc từ thực tế đời sống, vận dụng tài hoa, khéo léo trong các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa giàu hình ảnh. Các liên tưởng, so sánh trong thơ Bằng Việt thường thể hiện tư duy hiện đại đậm chất trí tuệ phương Tây.

Chia sẻ các thông tin chi tiết về🌿 Thơ Nguyễn Lãm Thắng 🌿 Tác Giả, Tác Phẩm

Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Nhà Thơ Bằng Việt

Tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Bằng Việt, cùng xem ngay nhé!

Tuyển Tập Thơ

*Bếp lửa (1968)

  • Beethoven và âm vang hai thế kỷ
  • Bếp lửa
  • Đi chợ Tết
  • Giữa thác người dâng
  • Gửi một bạn Cu-ba
  • Học trò Hà Tĩnh
  • Kỷ niệm về Chê Ghêvara
  • Lời chào từ Việt Nam 1996
  • Màu và tiếng
  • Mừng em tròn 16 tuổi
  • Ngày lặng gió
  • Nghe đất
  • Người giữ tuyến đường xuân
  • Qua Trường Sa
  • Thị trấn
  • Thư gửi người bạn xa đất nước
  • Tình ca trên đất nước
  • Tình yêu và báo động
  • Trở lại trái tim mình
  • Từ giã tuổi thơ
  • Về Nghệ An thăm con

*Những gương mặt, những khoảng trời (1973)

  • A-tô-pơ
  • Bản cũ giữa rừng Lào
  • Bên địa đạo Vĩnh Quang
  • Cuối năm
  • Đất này, Thăng Long – Hà Nội
  • Đêm gió Trường Sơn1
  • Đứng trước thế kỷ XX
  • Ghi từ một vùng đất lửa
  • Huế, tấm lòng em…
  • Mẹ
  • Người đi cùng một đường
  • Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại
  • Những gương mặt, những khoảng trời
  • Nói với em
  • Phút sinh ra những thần Phù Đổng
  • Tiếng hát dọc những cánh rừng
  • Tột cùng gian truân, tột cùng hạnh phúc
  • Trở lại Thái Bình
  • Truông nhà Hồ
  • Trước cửa ngõ chiến trường
  • Trước cửa Tùng
  • Từ chiến trường lại viết cho con
  • Viết cho con mùa xuân thứ nhất
  • Vùng sâu

*Đất sau mưa (1977)

  • Bè bạn một vùng đồi
  • Đất nước
  • Đất trẻ
  • Đêm cuối cùng trên đường 20
  • Đêm trên vùng cá
  • Đôi dòng tiễn đưa bà nội
  • Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh
  • Hòn Khoai
  • Hương mùa thu, phố biển…
  • Một chút thầm thì trong tình yêu Hà Nội
  • Nghe trong trưa Bát Tràng
  • Quảng Bình, đêm nghe bom toạ độ
  • Sau mưa
  • Thị xã và con người
  • Tiếng ru và ngọn gió
  • Ú tim một chút, chùa Hương…
  • Về Huế, đêm rằm…
  • Về Hương Sơn, năm sơ tán ấy
  • Xóm nhỏ trên cồn…
  • Xứ sở của niềm hy vọng ở tận cùng

*Khoảng cách giữa lời (1984)

  • Bến Ninh Kiều
  • Dọn về làng cũ
  • Đích
  • Đỉnh Prômêtê
  • Đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký”
  • Giao hưởng số chín
  • Gương mặt
  • Hoa phượng, lăng vua, phố chợ…
  • Hoa tường vi
  • Khoảng cách giữa lời
  • Mai mốt đến sông Đà
  • Plixetxcaia
  • Tây Ninh
  • Thời đại của tốc độ lớn
  • Thời lá đỏ
  • Trò chuyện với thành phố của đời mình

*Đường Trường Sơn, cảnh và người (ký sự thơ 1972 – 1973)

  • Hốc núi

*Cát sáng (1985)

  • Nghĩ lại về Pauxtốpxky
  • Những điều giản dị
  • Thơ tình ngày biển động
  • Viết cho em, dọc đường Trường Sơn

*Phía nửa mặt trăng chìm (1995)

  • Bến sông Đà, thu 1974
  • Bông huệ
  • Bữa cơm thời chiến
  • Chiều Plốpđíp mưa thu
  • Chọn sách đi sơ tán
  • Lý lẽ ít lời
  • Rung động buổi chiều
  • Say
  • Thiên nhiên thành lửa bén
  • Về xóm nhỏ trên cồn
  • Vin cành

*Ném câu thơ vào gió (2001)

  • Alma-Ata
  • Ấn tượng Hirôshima
  • Bánh chưng, bánh dày
  • Casablanca
  • Đọc lại Nguyễn Du
  • Em và tôi
  • Hoa phượng
  • Hội An, một lần tôi đến
  • Lặng lẽ
  • Lịch sử và uy tín
  • Lục bát cầu may
  • Một ý nghĩ về quê cũ
  • Muộn…
  • Ném câu thơ vào gió
  • Ngày đã đứng trưa
  • Nghệ thuật thu nhỏ
  • Ngôi nhà
  • Phố trụi
  • Rồi sẽ tới…
  • Sen Hồ Tây
  • Sự nhạy cảm không có chỗ
  • Sự tạm bợ
  • Thôi hãy khoan…
  • Thơ vui đùa bạn
  • Trong rừng
  • Trung du
  • Tuổi giữa chừng
  • Tự sự
  • Vọng hải đài
  • Vườn Nhật Bản

*Nheo mắt nhìn thế giới (2008)

  • Bán thuốc ở Nam Ninh
  • Buồn…
  • Cầu vượt
  • Chợ vòm Maxcơva
  • Cổ rồi…
  • Cơn mê đắm mùa sen
  • Du lịch sinh thái
  • Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm giảng thiền
  • Đồ vật cũ
  • Lại… ừ thì…
  • Lên cao
  • Matơriôska
  • Mất ngủ
  • Mưa cao nguyên
  • Ngô đồng
  • Ngôn ngữ và chính trị
  • Người của thế kỷ trước
  • Nheo mắt nhìn thế giới
  • Nhớ Trịnh
  • Nước Nga, sau 20 năm gặp lại
  • Phim về Lý Công Uẩn
  • Rượu của Nguyễn Cao Kỳ
  • Thơ còn gì hôm nay?
  • Thơ hay – có cần phải chết?
  • Thực ra…
  • Từ điển danh nhân
  • Ừ thì…
  • Vì sao…
  • Vợ thời @

*Một số tác phẩm khác

  • Bách thảo
  • Bài hát ru giữa trận B.52
  • Bài học từ cây
  • Chuyện tầm phào
  • Còn, mất… tuổi yêu đầu
  • Cứ như không
  • Đọc lại thơ thời Trần
  • Em đừng ghen với quá khứ
  • Em ở quãng đầu đời…
  • Giải thích
  • Hai bài tứ tuyệt
  • Hoa vông vang
  • Không đề (I)
  • Không đề (II)
  • Lạnh
  • Một chút bùi ngùi trên biển
  • Một khúc tình ca lâu rồi không lặp lại!
  • Mùa mưa
  • Năm anh gặp em
  • Ngẫu nhiên và tất nhiên
  • Nhớ
  • Những vỉa than ngầm
  • Quá chừng
  • Quá khứ buồn làm chi
  • Quên và nhớ
  • Rung động thuở đầu
  • Sông
  • Tản mạn về Trúc Lâm đại sĩ
  • Tạnh mưa rừng
  • Tâm tình với Olga Bergon
  • Thơ tình viết muộn
  • Tiềm thức
  • Trần Huyền Trân
  • Vài kỷ niệm về Lê Đạt
  • Hương cây – Bếp lửa (tập thơ in chung với Lưu Quang Vũ, 1968)
  • Bếp lửa – khoảng trời (thơ tuyển, 1988)
  • Những gương mặt những khoảng trời (1973)
  • Thơ trữ tình (tập thơ, 2002)
  • Thơ Bằng Việt (tập thơ, 2003)

Dịch Thơ

  • Hãy nói bằng ngôn ngữ của tình yêu (dịch thơ Ritsos, 1987)
  • Lọ lem (dịch thơ Eptusenkô, 1982)
  • Thơ Raxun Gamzatốp (dịch, 2004)
  • Tuyển thơ trữ tình thế giới thế kỷ 20 (tuyển thơ dịch, 2005)
  • Tham gia dịch các Tuyển thơ Pushkin, Lermôntôp, Yannis Ritsos, Pablo Neruda, Bagriana, v. v…, tiểu thuyết Muối của đất (G. Markôp); tiểu thuyết TASS được quyền tuyên bố (Yu. Semiônôp), v. v…;

Tham Gia Biên Soạn

  • Mozart (truyện danh nhân, 1978)
  • Từ điển Văn học, 2 tập, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1983-1984, đồng tác giả
  • Từ điển Văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, 2004, đồng tác giả
  • Từ điển tác giả văn học nước ngoài, đồng tác giả, Hữu Ngọc chủ biên. Tuyển thơ Thăng Long-Hà Nội 10 thế kỷ (2010).

Không nên bỏ lỡ các bài ❤️️Thơ Phạm Hổ ❤️️Tuyển Tập Thơ Hay

15 Bài Thơ Hay Nhất Của Bằng Việt

Cuối cùng là nội dung 15 bài thơ hay nhất của Bằng Việt mà bạn đọc không nên bỏ lỡ.

Bếp Lửa

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…

Nghĩ Lại Về Pauxtốpxky

1
Đồi Trung du phơ phất bóng thông già,
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió,
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!

“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…

Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”,
Có tiếng chuông rung và con mèo Áckhíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…

Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!


2
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể,
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều…

Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…

Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá,
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!

Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất,
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…

Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!

3
Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
“Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ…”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm!
Pauxtốpxky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải,
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!

Đưa em đi… Tất cả thế xong rồi…
Ta đã lớn. Và Pauxtốpxky đã chết!
Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”,
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!

Đi Chợ Tết

Bản Sán Dìu xanh hơi khói lên
Sương ủ cành xuân, đất ẩm mềm
Hôm nay xuống chợ như đi hội
Khi chị cài hoa lên áo em!

Bản Sán Dìu bắn máy bay rơi!
Hôm nay đi chợ quên đường thôi!
Bốn bên thắt nút dây lưng tía
Ai cũng cùng em chia nỗi vui…

Một thoáng rồng lên núi ngậm tăm
Lăn lộn xông pha tính hướng tầm,
Công đi săn Mỹ như săn thú
Chửa bắn rơi xong, bụng chửa mừng!

Bản Sán Dìu thắng xong, trẻ quá!
Vồng cải vàng hoe, tươi tắn lạ!
Em xuống triền núi dốc như say
Mùi cúc thơm khi nào không hay

Quay lại nhìn bóng mây Tam Đảo
Biết chị đang ngồi trực đổi phiên
Hôm nay chị đi chợ mua nhiều lắm
Chị ngóng lâu về đến phát ghen!

Nhưng vui chân quá, vui chân thế!
Chị ơi, thôi chị chẳng nên hờn.
Hôm nay đi chợ quên đường nhá!
Đánh Mỹ rồi, em lại trẻ con!…

Mẹ

Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.

Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao…

Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.

Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả,
Con nói mớ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!

“Ông mất lâu rồi…” – Mẹ kể con nghe
Những chuyện làm ăn, những phen luân lạc,
Mắt nhoà đục và mái đầu tóc bạc
Cả cuộc đời chèo chống bấy nhiêu năm…

Những lúc hiếm hoi, mưa tạnh, trời trăng,
Mẹ hể hả ngắm con hồng sắc mặt
Con ra ngõ, núi chập chùng xanh ngắt
Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi.

Mẹ cười xoà, nước mắt ứa trên mi:
– “Đi đánh Mỹ, khi nào tau có giữ!
Súng đạn đó, ba lô còn treo đó,
Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng?”

…Ôi mẹ già trên bản vắng xa xăm
Con đã đi rồi, mấy khi trở lại?
Dằng dặc Trường Sơn những mùa gió trái
Những mùa mưa bạc trắng cả cây rừng!

Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn,
Cũng đất nước, phơ phơ đầu tóc mẹ…
Từng giọt máu trong người con đập khẽ,
Máu bây giờ đâu có của riêng con?

Khoảng Cách Giữa Lời

Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời
Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn!

Bao lần em lẳng lặng
Đủ khiến tôi bàng hoàng!

Khi phần nói lấn hết phần được sống
Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu
Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng
Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?…

Bách Thảo

Bách thảo hồn xưa cũ
Công viên đã quá già
Hoa còn gì đâu nữa
Lá khô đầy lối qua!

Ngựa voi về vườn Láng
Núi rêu phong một mình
Hàng rong chiều quạnh vắng
Leo lét ngọn đèn xanh.

Nhưng có phải không em
Có một thời, ở đó…
Có một mùa, ánh trăng…
Có một chiều, tuổi nhỏ…

Thế đủ là tất cả,
Dẫu công viên đã già
Dẫu cây giờ trụi lá
Dẫu cỏ giờ không hoa!

Tiếng Ru Và Ngọn Gió

Ôi tiếng ru rất dài trong ca dao
Đi giữa gió Lào, nghe, lại nhớ
Một vòm trời nắng lửa
Cánh chuồn bay, năm đã xa rồi!

Gió khắt khe, nóng bỏng, không lời,
Táp vào mặt, vào hồn ta, khô dắn.
Quê mẹ mênh mông những cồn cát trắng
Ngụm nước trong, gánh những mấy thôi đường!

Đã quen bao chiến trường
Mùi khói khét lẫn mồ hôi mặn đắng,
Những đồi xém, cỏ khô trần trụi nắng
Một tiếng chim kêu cũng xót lòng…

Đã quen sức vun trồng
Từng luống rau khoai bên lề công sự
Bắc máng nước tự khe nguồn rỉ nhỏ
Gây giống gà nuôi giữa núi cao…

Nhưng dẫu qua bao nhiêu gian lao
Vẫn chẳng thấm khi bước về quê mẹ
Ngó sững niêu cơm bên lành bên mẻ
Nhớ hết từng tên kẻ mất, người còn!

Bốn phía hố bom. Những cánh chuồn chuồn
Bay dỡn nắng, chẳng tìm ra chỗ đậu
Đâu lối cỏ may, đâu bờ rào giậu
Gió thổi trơ ra đất đá gồ ghề…

Nhưng tiếng ru đã lại trở về!
Đi giữa gió Lào, nghe, lại nhớ
Cuộc đời từ tuổi nhỏ,
Mồ hôi, nước mắt quê nhà…
Đi giữa gió Lào, nghe, lại nhớ
Tâm hồn cứng cáp ông cha…

Hoa Tường Vi

Tặng bạn Tường Vi

Bỗng chốc, hoa làm tôi dịu lại,
Sau nửa đời, trên những chuyến tàu xa…

Trưa lặng thầm, hoa tường vi thức dậy,
Nắng đọng mật ngọt ngào, ngỡ vốc được trên tay,
Những vỉa hè ngân vang trong lòng thành phố
Những thao thức ngây thơ trong mắt lại dâng đầy!

Lại thấy lại một màu trời nguyên vẹn
Thuở đứng trước Hồ Tây, mười sáu tuổi rụt rè,
Lại thấy lại một chòm sao xa lắc
Mở trên đầu bao bí ẩn si mê.

Lại thấy lại góc sân với đầu hồi yên tĩnh
Chuông xe điện leng keng, vị kẹo kéo ngọt bùi,
Lại chợt nghĩ tuổi thơ là bất biến,
Khoảng vườn nhỏ trốn tìm bao sung sướng nhỏ nhoi…

Lại sẽ có phút giây chớm đầu đông ớn lạnh,
Phố sạch sẽ như lau, trong gió chạy bời bời,
Lại sẽ có cái rùng mình khó hiểu
Khi chỉ thoáng hình dung… những ao ước lứa đôi.

… Vẫn như có y nguyên mọi điều từng bỏ mất
Thơ – đã tưởng qua đi, bỗng lại khiến se lòng…
Thơ có giống như em, giữa cuộc đời quá tỉnh?
Thơ có gì đích thực với tôi không?…

Lặng Lẽ

Lặng lẽ ngồi nghe cây biết nói
Cây thấm hồn đêm, tĩnh lặng buồn,
Lặng lẽ chờ tan cơn buốt nhói
Nỗi nhớ dần xa như khói sương…

Nhưng có gì đâu…không có đâu,
Đêm muốn xui ta chóng bạc đầu!
Lặng lẽ ngồi nghe cây biết nói
Lặng lẽ thu về nỗi nhớ nhau…

Tự Sự

Những ý nghĩ phù du như bóng sáng
Thoắt bay qua, thoắt chạy đến vô cùng,
Thơ chưa chín, quên đi, đầu đã bạc,
Em một thời, ngó lại, đã hư không!

Nhanh quá thế, mà cũng buồn quá thế,
Chớp mắt xong, là đã một đời người!
Day dứt lắm, bao điều từ tuổi trẻ
Chưa kịp làm, hẹn đó, để rồi thôi!

Lại muốn trở về khát vọng thiên nhiên
Quên hết mọi ưu tư từ sách vở
Để hoà nhập với những gì chưa có…
Cần một thời sau nữa của mình chăng?…

Ngôi Nhà

Thơ có còn chăng? Cho ta lại đến…
(Ngôi nhà tranh giữa ngã ba đường!)

…Thời thanh xuân, mắc chiếc võng tăng
Ngủ giữa rừng già, gió rung phần phật,
Nửa đêm thức, nhìn hoả châu xanh lét
Vui vì mình được thực làm người!

Tháng năm như cát trôi qua kẽ tay       
Bè bạn đã nhiều anh tóc bạc
Tẩn mẩn than thân trách phận
Quăng chén giả say, chửi vung tán tàn!

Lại cũng không hiếm kẻ vung vinh
Nói rin rít kẽ răng, cười ngô nghê hợm hĩnh,
Ấm cật rồi, chạy vạy làm kẻ cả,
Luồn lọt nhờ tài đóng kịch ba xu…

Thơ hẳn còn gì… Cho ta lại đến…
(Ngôi nhà tranh giữa ngã ba đường!).

Mùa Mưa

Tháng Ba, săng lẻ vừa ra lá,
Rừng lại mù mưa… Nước ngập rồi!
Xe đi trầy trụt, đường trơn quá
Áo quần mốc hết, bạn gùi ơi!

Kho bắc cao lên sát mái nhà
Từng đàn kiến cánh nối nhau ra,
Những chùm mốc trắng lan theo gió
Cơn lũ vừa im lại thốc qua.

Vắng tiếng người đi phía cửa rừng
Núi đặc sa mù, buốt thấu lưng,
Cây dựng thành cao, che kín mắt
Lũ suốt đêm ngày, lội nhớp chân!

Em vẫn như xưa, thầm lặng thế,
Giữa rừng săng lẻ, nhựa trào dâng…
Hoa trắng tưng bừng như tuổi trẻ,
Em với rừng sâu, suốt tám năm!

Mừng Em Tròn 16 Tuổi

Tháng giêng đầy trời đan mưa xuân
Mái ngói quanh thôn hồng nối hồng
Mái ngói, mái ngói, liền mái ngói
Từng lớp mừng vui, lớp ước mong…

Áo xanh chàm trong mưa bay lưa thưa
Nụ hoa cà trong mưa đang độ nở
Mưa trên áo khiến động lòng tuổi nhỏ
Mười mầy năm, mưa lũ ngỡ quên rồi!

Nay lại đi vào đường vui kháng chiến
Nghe xa tắp tiếng gà trưa ẩn hiện
Nhớ xóm trên đồi, vị muối chiến khu
Bưa ăn quen ngồi lắng tiếng cu gà…

Thuở em sinh, bốn bề sương lam
Bà mế đi đun từng siêu nước nhỏ
Mây bay thấp chàng vàng bên cửa sổ
Nghe ì ầm súng vọng phía Đông –Khê.

Biết mấy gian lao con đường em đi!
Em đã lớn cùng hai lần cứu nước.
Cởi chiếc khăn quàng, không sao nói được
Tiếc màu khăn thật đỏ đã từng qua!

Ôi bốn bề xuân tới bao la
Hoa leo khắp mỗi chiến hào chống Mỹ
Vui rất lớn mà vô cùng giản dị
Là buổi đầu em dự lớp dân quân.

Tháng giêng ơi! Đầy trời mưa xuân
Hay hy vọng đan từng hàng nước mắt
Máy bay Mỹ còn đến đây làm giặc
Em hãy ghi cho được chiến công đầu!

Từ Giã Tuổi Thơ

Ngỡ như đi suốt tuổi thơ
Tới chặng đường này nghỉ lại
Có gì bâng khuâng mãi
Những cánh hoa bìm gợi nhớ rất xa…

Ôi những xe trâu thủng thẳng vào cơn mưa
Bắt tuổi nhỏ nóng lòng theo bước một
Ôi những nương cao màu trăng lục nhạt
Gạo lốc nuôi ta mùa vơi mùa đây
Cách đã ba ngàn ngày
Lại trở lại đất này chung thuỷ
Đứng rạo rực trước cuộc đời chống Mỹ
Còn đeo ba-lô thắng Pháp sau lưng!…

Những gì xưa làm nên chiến công
Mười năm qua đã quen càng nhớ
Những người bạn trong mắt xưa bé nhỏ
Mười năm mà vụt vụt lớn lên
Cảnh vật in trong tâm tưởng bình yên
Mười năm thở nồng nàn xao động
Dung mạo còn như giống
Tầm cao đã khác rồi!

Đã qua bao suy nghĩ nhất thời
Qua tất cả những vui buồn bé bỏng
Thời gian như ngọn sóng
Lòng ta như đất bồi.

Bao nhiêu cơn mơ kỳ lạ trong đời
Nay còn lại những cơn mơ hữu ích
Bao năm tháng đã qua nhiều thử thách
Đôi mắt nhìn còn muốn hồn nhiên!…

… Hoa bìm ơi hoa bìm!
Vẫn tròn trặn, đơn sơ màu tím thế!
Như ước vọng mở lòng ta thủ thỉ
Có nét gì vẫn quyến rũ như xưa!

Thôi từ giã tuổi thơ!
Bước ra từ tám năm kháng hiến
Lấy sự tích anh hùng làm chỗn vịn
Lại bước vào cuộc kháng chiến lần hai.

Thôi từ giã tuổi thơ!
Xốc hành lý lên vai
Ta tính nốt những chặng đường đánh Mỹ
(Cái khó nhất chợt lúc này hoá rễ
Khi nhìn thấu mình tận đáy xưa, sau…)

Em Và Tôi

1
Em có nét buồn sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,
Tôi có chút buồn xa như vạt cỏ
Khuất chìm sau cát bỏng đến chân mây…

Khi quay lại nhìn nhau trong khoảnh khắc
Gió qua truông thương cỏ cháy ven trời,
Chỉ em biết, cỏ rồi xanh mút mắt,
Chỉ một mình em biết – cỏ là tôi!

2
Em có thể có gì xa cách lắm
Những ưu phiền chưa nói hết cùng tôi,
Mưa sau núi trải về xa thẳm thẳm
Lối em đi, mù xoá dấu chân rồi…

Nhưng gương mặt qua sa mù trẻ lại
Tươi như sương mà lãng đãng như sương…
Có thể hoá hồ ly trong truyện cổ
Có thể hoá nàng tiên trong cuộc đời thường.

Tôi chớp mắt…chờ phút giây huyễn hoặc!?!
Em vẫn vô tâm, lặng lẽ như thiền…
Nếu hoá nước, hẳn hoá nguồn trong suốt,
Chỉ một mình tôi biết – đó là em!

Khám phá ngay danh sách các bài 🌿Thơ Nguyễn Duy 🌿 Hay nhất

Viết một bình luận