Trở Gió Của Nguyễn Ngọc Tư [Nội Dung Tác Phẩm + Giá Trị + Phân Tích]

Trở Gió [Nguyễn Ngọc Tư] ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích ✅ Chia Sẻ Bạn Đọc Về Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh, Đọc Hiểu, Ý Nghĩa Nhan Đề.

Nội Dung Truyện Ngắn Trở Gió

Văn bản Trở gió của Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện được tình cảm, cảm xúc của tác giả. Tác phẩm sẽ được tìm hiểu trong chương trình môn Ngữ văn lớp 7. Sau đây là nội dung truyện ngắn Trở gió đầy đủ.

Cuộc hẹn của chúng tôi không rõ ràng, mỗi năm gió lại đến bằng một ngày khác nhau. Nên vừa bước qua tháng Chín, tôi bắt đầu dời chiếc chuông gió sang cửa sổ phía Đông. Cuộc chờ đợi nhiều khi rất dài, đến nỗi quên phứt đi. Để rồi một sớm mai, bỗng nghe hơi thở gió rất gần. Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không. Rồi nó mừng húm, khi nhận ra tôi chẳng quên được nó bao giờ (dù tôi đã để những chàng trai như Đờ, Ka, Mờ… lãng phai tuốt luốt). Cái chuông gió với những âm thanh mỏng manh trở thành thứ đồ chơi lãng nhách, chẳng thể hiện nổi sự hừng hực, dạt dào của nó – bây giờ lớn thành một dòng gió, xấp xãi, cuống quýt xốc vào tấm tole bên chái Đông đã bị đứt đinh từ mùa trước. Cồn cào. Nồng nhiệt. Mà thiệt dịu dàng. Ôi! Gió chướng.

Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang. Mừng đó rồi bực đó. Sao tôi lại chờ đợi nó, chẳng phải năm nào cũng vậy, lúc cầm cây chổi ra quét sân, đứng trong gió đầm đìa tôi cũng buồn, buồn muốn chết. Trời ơi, gió này là sắp hết năm đây, sắp già thêm một tuổi đây, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy… Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống…

Nhưng tôi vẫn mong gió chướng về. Sự chờ đợi đã thành thói quen của thời thơ dại. Khi gió bắt đầu hiu hiu se lạnh, đám con nít nhảy cà tưng, háo hức vỗ tay cười, vậy là gần được sắm quần áo, dép mới rồi (nhà nghèo, cả năm chỉ được dịp này chứ mấy). Gió chướng (và gió bấc) với tôi là gió Tết, dù từ khi bắt đầu mùa gió đến Tết, mất gần ba tháng ròng. Má tôi cũng coi nó là gió Tết, nghe gió, má thuận miệng hát “Cấy rồi mùa qua sông cấy mướn. Ông trời ổng thổi ngọn chướng buồn cha chả là buồn..” rồi thở dài cái thượt “Ứ hự, lụi hụi mà hết năm…”. Dường như tâm trạng má khác tôi, những sợi gió cứ như xốn xang vào nỗi nghèo túng, sợ không lo nỗi một cái tết tử tế cho cả nhà.

Má, tánh lo xa. Chứ gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới, hy vọng rực lên theo màu lúa. Mùi rơm thơm ràn rụa thổi ngang đồng, nỗi buồn lo của má tan không thành tiếng, tan mau như sương. Đáng chờ đợi lắm, vì mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch. Gió thổi tạnh ráo những đôi chân suốt một mùa đầm đìa trên đồng bãi. Liếp mía đặt từ hồi tháng hai, tháng ba, đợi gió mới chịu già, nước ngọt và trĩu, cầm khúc mía trên tay, nghe nặng trịch. Vú sữa chín cây lúc lỉu, căng bóng, màu vàng lan dần từ đít những trái xanh, trái tím càng tím lịm, nửa đêm dơi ăn rớt lịch bịch ngoài hè. Còn dưa hấu nữa, ui chao…

(Bây giờ thì mùa trái cây kéo dài cả năm, cảm giác thèm thuồng ngày đó không quay lại, nhưng xẻ trái dưa đỏ, thưởng thức giữa cơn gió chướng hiu hiu, thấy ‘đã” hơn, đậm đà hương vị hơn nhiều. Ậy, lại cực đoan…).

Cảm xúc ngọt lành thời thơ ấu chín muồi trong ký ức, lúc lớn lên, gió chướng ám luôn vào những trang viết. Tác phẩm nào tôi cũng cho gió lúc thấp thoáng lúc ròng ròng thổi qua (nhiều lúc hết hồn, chỉ chi tiết này thôi mình cũng đang lặp lại, mấy nhà phê bình không khinh khỉnh sao được). Những đám cưới được tôi cho xuất hiện trên cái nền gió này, nhưng chỉ là cái cớ cho buồn thẫm hơn, sắc lại trên những mối tình dang dỡ. Chắc tại gió quá dịu dàng, nên có cảm giác gờn gợn buồn, có cảm giác như gió mồ côi, cúi đầu hiu hắt đi giữa đời. Hay tại tôi đã già, đã nhận ra không mùa vui nào là vui trọn. Con nít sướng rơn nhìn đám cưới đi qua, tự hỏi bà dì lỡ thời sao lại buồn dữ vậy. Đứa cháu ngồi nhìn lớp da của ông ngoại mình bong ra rơi trên nền gạch, thắt lòng nghĩ về cái chết – con đường thế ngoại sắp (và tất) phải về…

Gió chướng với tôi, một đứa bấp bỏm văn chương, nó “gợi” khủng khiếp. Tôi vẫn thường hình dung, một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gọn lỏn hai từ “gió chướng”, ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà. Và những hình ảnh quen thuộc hàng hàng lũ lượt hiện ra, những nùi rơm vướng oằn nhánh me, giồng bạc hà cháy lá, con nước rong linh đinh lém bờ sông, má đứng giê lúa, trấu bay xà quần về cuối gió, vài buồng cau quá lứa thắp lửa trên cao, tiếng chày quết bánh phồng thâm u trong rặng dừa nước… Trời lúc nào cũng mát liu riu, nắng thức rất trễ, tầm tám giờ sáng mới thấy mặt trời ngai ngái lơi lơi, nắng không ra vàng không ra trắng, mây cụm lại rồi rã từng chùm trên đầu.

Ở đó, siêu thị chất đầy những dưa hấu, dưa kiệu dưa hành bánh chưng, bánh tét, liệu ở đó, có ai bán một mùa gió cho tôi ?

Có thể bạn sẽ quan tâm 🌼 Đi Lấy Mật 🌼 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích

Tóm Tắt Trở Gió

Tiếp theo là bản tóm tắt Trở gió ngắn gọn.

Đoạn trích là những tâm tư, cảm nhận của tác giả khi mùa gió về. Những tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang vừa bực vừa mừng, ngóng chờ, vội vã. Nhưng cũng chính những cơn gió chướng lại là một phần của cuộc sống của nhân vật “tôi”, nhắc đến nó sẽ khiến tác giả da diết nỗi nhớ cùng những hình ảnh về quê nhà.

Về Nhà Văn Nguyễn Ngọc Tư

Tìm hiểu thêm những thông tin chính về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

  • Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở Cà Mau.
  • Sáng tác thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết.
  • Văn của Nguyễn Ngọc Tự trong sáng, mộc mạc, thể hiện một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương.
  • Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư được tập hợp trong một số cuốn sách tiêu biểu như: Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư (2005). Không ai qua sông (2016), Biên sử nước (2020),.. 8 Quên phức (như quên phát, quên béng): quên hẳn đi, không còn nhớ đến.

Xem thêm bài viết đầy đủ 🌱 Bầy Chim Chìa Vôi 🌱 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích

Về Tác Phẩm Trở Gió

Về tác phẩm Trở gió, văn bản này thuộc thể loại Tạp văn. Văn bản Trở gió có phương thức biểu đạt là tự sự.

Tác phẩm nói về cuộc hẹn của tác giả với gió chướng và những cảm giác xao xuyến khi mùa gió chướng về và nỗi sợ của tác giả khi đi xa sẽ không còn được thấy không khí nhộn nhịp mùa gió chướng

Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh Sáng Tác Trở Gió

Tham khảo xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác Trở gió bên dưới.

  • Bài thơ được in trong tập Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư năm 2015.
  • “Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư” khiến cho người ta thấy rằng nhà văn trẻ có thể biến mọi đề tài “tầm thường” trở thành thời sự. Ẩn sau “giọng nói” trong trẻo, duyên dáng của một cô gái là sự trải nghiệm về thời cuộc, đời sống dân dã và chiều sâu văn hoá của vùng đất cực Nam Tổ quốc…

Khám phá thêm ✨ Gặp Lá Cơm Nếp [Thanh Thảo] ✨ Giá Trị Nội Dung Và Nghệ Thuật

Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Trở Gió

Ngay sau đây là ý nghĩa nhan đề tác phẩm Trở gió.

Nhan đề “Trở gió” trực tiếp nói lên chủ đề chính của tác phẩm. Văn bản Trở gió của Nguyễn Ngọc Tư kể về trận gió chướng (gió mùa) cuối năm với sự biến đổi của cảnh vật cũng như sự thay đổi trong cách cảm, cách nghĩ của con người.

Bố Cục Văn Bản Trở Gió

Bố cục văn bản Trở gió bao gồm 2 phần chính:

  • Phần 1: từ đầu đến “khi ngày bắt đầu rụng xuống…”: Tâm trạng ngổn ngang của nhân vật “tôi” khi gió chướng về.
  • Phần 2: còn lại: Những ngóng trông, mong chờ và tình cảm của “tôi” với cơn gió chướng.

Chia sẻ cho bạn đọc 💚 Ngàn Sao Làm Việc [Võ Quảng] 💚 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Đọc Hiểu Tác Phẩm Trở Gió

Mời các bạn cùng xem thêm nội dung đọc hiểu tác phẩm Trở gió.

1. Tâm trạng ngổn ngang của tác giả khi mùa gió chướng về.

– Tác giả giới thiệu về mùa gió một cách đặc biệt:

+ Mùa gió về như một “cuộc hẹn” → Nhân hóa, những cơn gió chướng giống như một người bạn cũ.

+ Thời gian gió về: không rõ ràng, thường khi bước qua tháng Chín

+ Dấu hiệu: “bỗng nghe hơi thở gió rất gần”, những cơn gió mạnh, nhanh, gấp như xốc tấm tôn lên 

+ Lời thốt lên của tác giả: Ôi! Gió chướng 

→ Cuộc hội ngộ qua một thời gian dài với đầy sự quen thuộc, lặp lại mỗi năm nhưng vẫn gợi cho tác giả nhiều cảm xúc giống như chính những cơn gió chướng: Cồn cào. Nồng nhiệt. Mà thiệt dịu dàng.

– Tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang của nhân vật “tôi”:

+ Vừa mừng vừa bực

+ Chờ đợi hàng năm, nhưng đứng trước sân lại thấy “buồn muốn chết” vì bàn tay vẫn trắng, sắp già thêm một tuổi.

→ Cảm thấy chưa làm được gì mà một năm đã sắp trôi qua, một cảm giác mất mát không rõ ràng

+Tự thôi thúc bản thân cần sống vội vã hơn

→ Tâm trạng vừa buồn vừa vui, vừa mong ngóng lại vừa lo lắng không làm cho tình cảm và suy nghĩ của tác giả về mùa gió chướng thay đổi.

2. Sự mong chờ và tình cảm của tác giả với những cơn gió chướng.

* Sự mong chờ những cơn gió chướng của tác giả:

– Lời khẳng định: Nhưng tôi vẫn mong gió chướng về

– Sự chờ đợi đã thành thói quen: Mỗi năm từ thời thơ dại

– Khung cảnh hiện lên trong kí ức:

+ Đám con nít nhảy cả tưng, háo hức vỗ tay cười

+ Sắp được sắp quần áo mới

+ Cảm giác Tết sắp tới gần

– Nhân vật “tôi” và má coi gió chướng là gió Tết, nhưng tâm trạng lại khác nhau:

+ Nhân vật “tôi” mong chờ, háo hức

+ Má của nhân vật “tôi”: buồn, thở dài cái thượt

→ Nỗi lo của người lớn về một cái Tết đầy đủ cho gia đình.

* Tình cảm của tác giả với mùa gió chướng:

– Gió chương đem lại hy vọng vụ mùa bội thu: Gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới

– Mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch

+ Khoảng thời gian chuẩn bị thu hoạch vụ mùa thường rơi vào khoảng thời gian cuối năm, trùng với mùa gió chướng về.

+ Không chỉ lúa chín, hoa màu cũng đến độ thu hoạch: múa, vú sữa, dưa hấu…

– Đối với tác giả, người tự nhận mình là “bấp bỏm” văn chương:

+ Hai từ “gió chướng” có sức gợi “khủng khiếp”

+ Có thể “chết giấc”: chết lặng, chết ngay lập tức trong nỗi nhỡ quê nhà

– Nhiều hình ảnh về quê hương gắn liền với gió chướng: nùi rơm, giồng bạc hà, con nước bờ sông, hình ảnh người mẹ tất tảo, buồng cau, tiếng chày quết bánh phồng thâm u trong rặng dừa nước…

→ Tất cả những hình ảnh quen thuộc, những kí ức, kỉ niệm quý giá không thể quên trong lòng tác giả gắn liền với quê hương vào thời gian gió chướng về mỗi năm

→ Chính những kí ức bình dị của tác giả lại là thứ có thể giết chết chính mình trong nỗi nhớ quê hương, bởi nó đã in sâu vào tiềm thức của tác giả cùng tình cảm sâu nặng mà tác giả dành cho những mùa gió chướng, quê hương và gia đình. 

– Câu hỏi tu từ: có ai bán một mùa gió cho tôi? → Một mùa gió nhưng lại là tất cả những kỉ niệm tuổi thơ, không khí Tết và tình cảm ấm áp mà tác giả cảm nhận được qua mùa gió ấy.

→ Câu hỏi cuối bài vừa làm tăng cảm xúc bâng khuâng, tha thiết trong tình yêu quê hương, vừa khiến ý hỏi vào hư vô, day dứt, dư âm trong lòng người đọc.

Giá Trị Tác Phẩm Trở Gió

Có thể bạn sẽ cần đến nội dung giá trị tác phẩm Trở gió.

Giá trị nội dung

  • Qua đoạn trích Trở gió, tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên một hình dung trọn vẹn về những cơn gió chướng.
  • Mùa gió chướng về không chỉ là sự thay đổi thời tiết, báo hiệu một năm cũ sắp qua, mà còn gợi trong tâm trạng của con người những cảm xúc ngóng chờ, vội vã ngổn ngang
  • Dẫu vậy, hai từ “gió chướng” vẫn gắn liền với nỗi nhớ và những kỉ niệm về gia đình và quê hương vô cùng đẹp đẽ, không thể nào quên.

Giá trị nghệ thuật

  • Ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm
  • Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, nhân hóa
  • Nhiều từ ngữ địa phương, mang đậm phong cách Nam Bộ.

Đừng vội bỏ lỡ phân tích 🔻 Ông Giuốc – Đanh Mặc Lễ Phục 🔻 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích

Soạn Bài Trở Gió

Nhất định đừng bỏ qua nội dung soạn bài Trở gió.

👉Câu 1 (trang 46 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Gió chướng được miêu tả qua những chi tiết, hình ảnh:

– Âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa còn nhớ ta không.

– Mừng húm khi nhận ra tôi chẳng quên được nó.

– Cồn cào. Nồng nhiệt. Dịu dàng.

👉Câu 2 (trang 46 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

– Biểu hiện của tâm trạng “lộn xộn, ngổn ngang” ở nhân vật “tôi”: Vừa mừng vừa bực; Vương vấn những nỗi buồn khó tả; Lo sợ khi nghĩ về sự chảy trôi của thời gian; Khẩn trương trong tất cả những hành động của mình.

– Lý do khiến nhân vật “tôi” luôn mong ngóng, chờ đợi gió chướng:

+ Khi gió về, lũ con nít nhảy cà tưng, mừng vì sắp được quần áo mới.

+ Gió chướng về đồng nghĩa với gió Tết.

👉Câu 3 (trang 46 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Vì khi gió chướng về cũng là lúc những nông sản bước vào vụ thu hoạch. Lúa thì chín tới, mía cũng kịp già, vú sữa đến độ chín rộ, dưa hấu cũng đủ già để thu hoạch.

👉Câu 4 (trang 47 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Câu văn cuối cùng gợi cho em suy nghĩ về tình yêu quê hương của tác giả. Mặc dù sống giữ phồn hoa đô thị nhưng tác giả luôn nhớ về quê hương bình dị, thân thuộc.

👉Câu 5 (trang 47 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Tác giả đã thể hiện tình cảm yêu nhớ quê hương của mình trong văn bản Trở gió. Đó là tình cảm chân thành mộc mạc về quê hương với những thứ gần gũi thân quen gắn bó với những người lao động lam lũ. Trở gió thể hiện cảm nhận tinh tế của tác giả thông qua những điều bình dị của quê hương.

Xem ngay phân tích tác phẩm 🌻Đi Bộ Ngao Du🌻 Nội Dung, Nghệ Thuật

Giáo Án Trở Gió

Cùng Thohay.vn xem thêm nội dung giáo án Trở gió sau đây.

TRỞ GIÓ

(Nguyễn Ngọc Tư)

NỘI DUNG BÀI HỌC

  1. TÌM HIỂU CHUNG
  2. TÌM HIỂU CHI TIẾT
  3. Hình ảnh gió chướng
  4. Tình cảm, cảm xúc của nhân vật tôi

III.  TỔNG KẾT

——

I. TÌM HIỂU CHUNG

  1. Tác giả Nguyễn Ngọc Tư

– Năm sinh: 1976

– Quê quán: Cà Mau

– Thể loại sáng tác: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết.

– Phong cách nghệ thuật: trong sáng, mộc mạc, thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương.

– Các tác phẩm tiêu biểu: Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Không ai qua sông (2016), Biên sử nước (2020)…

  1. Tác phẩm Trở gió

– Trích Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, (NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1998)

– Thể loại: tạp bút

– Phương thức biểu đạt: tự sự

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT

  1. Hình ảnh gió chướng
  • Âm thanh của gió được tác giả miêu tả thế nào?
  • Tác giả đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh nào để làm nổi bật “tính cách”, “tâm trạng”, “cảm xúc” của gió chướng?
  • Âm thanh: sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, mừng húm, hừng hực, dạt dào, cồn cào, nồng nhiệt…
  • Nhà văn đã sử dụng từ ngữ, hình ảnh cùng biện pháp tu từ nhân hóa để miêu tả gió chướng, làm cho gió chướng hiện lên sống động, giống như con người.
  • Hãy tìm những chi tiết để chỉ ra được lí do vì sao tác giả khẳng định: Mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch.
  • Gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới
  • Liếp mía đợi gió mới chịu già, nước ngọt và trĩu
  • Vú sữa chín cây lúc lỉu, căng bóng…
  • Khi gió chướng về, con nguời đón nhận rất nhiều niềm vui.
  1. Tình cảm, cảm xúc của nhân vật tôi
  • Em hãy chỉ ra những biểu hiện của tâm trạng “lộn xộn, ngồn ngang” của nhân vật “tôi” khi đón gió chướng về.
  • Lí do nào khiến nhân vật “tôi” luôn mong ngóng, chờ đợi gió chướng?
  • Tâm trạng “lộn xộn, ngổn ngang”: chờ đợi gió về nhưng khi gió về lại buồn vì gió về có nghĩa là sắp hết năm, sắp già thêm một tuổi.
  • Nhân vật “tôi” luôn mong ngóng, chờ đợi : Gió chướng đối với tác giả còn gợi nhắc đến quê hương, gắn liến với quê hương.

Đọc phần cuối và trả lời câu hỏi:

  • Khi đi xa, tác giả thấy trong siêu thị có những gì? Khi nhìn thấy ở siêu thị chất đầy những món ăn đó, tác giả vẫn cảm thấy thiếu điều gì?
  • Qua câu hỏi “có ai bán một mùa gió cho tôi?”, em cảm nhận được tình cảm gì của tác giả?

III. TỔNG KẾT

NỘI DUNG

       Văn bản là những tình cảm, cảm xúc của tác giả khi mùa gió chướng về. Nỗi nhớ gió chướng cũng chính là nỗi nhớ quê hương da diết mỗi khi xa quê.

NGHỆ THUẬT

– Ngôn ngữ giàu hình ảnh, mang màu sắc địa phương Nam Bộ.

– Nghệ thuật so sánh, nhân hóa khiến gió chướng trở nên sống động, gần gũi.

LUYỆN TẬP

       Em hãy vẽ sơ đồ tư duy, tóm tắt nội dung kiến thức của bài.

VẬN DỤNG

       Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày cảm nhận của em về hình ảnh gió chướng trong văn bản.

HƯỚNG DẪN VỀ NHÀ

  • Ôn tập lại văn bản Trở gió
  • Soạn bài: Thực hành tiếng Việt

Sơ Đồ Tư Duy Trở Gió

Cập nhật cho bạn đọc các sơ đồ tư duy Trở gió.

Sơ Đồ Tư Duy Trở Gió Đầy Đủ
Sơ Đồ Tư Duy Trở Gió Đầy Đủ
Sơ Đồ Tư Duy Trở Gió Chi Tiết
Sơ Đồ Tư Duy Trở Gió Chi Tiết

Chia sẻ cho bạn đọc tác phẩm 💌 Hai Cây Phong 💌 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

3 Mẫu Phân Tích Trở Gió Hay Nhất

Cuối cùng là 3 mẫu phân tích Trở gió hay nhất.

Phân Tích Trở Gió Ấn Tượng – Mẫu 1

Văn bản “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện tình cảm của tác giả về gió chướng, nhưng ẩn sau trong đó chính là tình yêu quê hương. Hình ảnh gió chướng được tác giả khắc họa rất sinh động. Và phải là một người nhạy cảm, tinh tế mới có thể cảm nhận được điều đó.

Gió chướng mang bao hoài niệm, kí ức về tuổi thơ, về quê hương. Mỗi một mùa trôi qua, đến mùa gió chướng, nhà văn lại mong ngóng nó về. Đó giống như một thói quen, hay một điều thân thuộc không thể thiếu. Và dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng nhà văn vẫn nhớ về quê hương, nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ của mình.

Khi gió chướng về, nhân vật “tôi” đã có những dòng tâm trạng hết sức đặc biệt, điều đó được thể hiện rõ trong tác phẩm “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư. Bắt đầu từ tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang và không rõ ràng. Khi gió chướng về báo hiệu một cái Tết lại sắp tới khiến cho nhân vật tôi lo sợ mình sắp già đi mà chưa làm được điều gì cả, thậm chí còn có cảm giác sắp mất mát một thứ gì đó.

Và cũng khi gió chướng về thổi những ngọn chướng “buồn cha chả là buồn” vào nỗi nghèo túng, lo một cái Tết không được tử tế của người dân. Nhưng cũng chính gió chướng cồn cào, nồng nhiệt mà dịu dàng ấy lại là một thói quen của nhân vật tôi mang theo nhiều mong chờ và kì vọng.

Đó chính là sự kì vọng vào một mùa thu hoạch tốt tươi. Một điều đặc biệt nữa là sau này khi đi xa, khi nhắc đến “gió chướng” sẽ khiến cho nhân vật tôi “chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà”.

Qua những hình ảnh thân thuộc và bầu không khí dịu dàng, ta có thể thấy, gió chướng đã thực sự gợi lên và dẫn nhân vật tôi đến với những cảm giác và kí ức ngày xưa trong niềm yêu thương, nhung nhớ. Để cho dù có đi xa đến nơi đâu đi chăng nữa, thì nhân vật tôi cũng chỉ mong có một ai đó “bán gió mùa” cho mình.

Phân Tích Trở Gió Tiêu Biểu – Mẫu 2

Đến với văn bản Trở gió, người đọc thấy được tình cảm, cảm xúc của Nguyễn Ngọc Tư thật bình dị, gần gũi. Tác giả đã dành cho quê hương một tình yêu chân thành, tha thiết. Gió chướng là hình ảnh trung tâm trong văn bản, đã gợi nhắc cho nhà văn những điều quen thuộc, gần gũi.

Yêu gió chướng cũng là yêu mến chút hồn quê giản dị, gắn bó với cuộc sống của người dân lao động lam lũ. Tác giả luôn mong chờ đợi gió chướng về, bởi nó gợi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, về quê hương. Khi gió chướng về, nhà thơ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ mừng đó, rồi bực đó, lại đến buồn bã.

Dù xã hội có ngày càng phát triển, nhưng nhà văn vẫn nhớ về quê hương, nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ của mình. Như vậy, văn bản “Trở gió” không chỉ sâu sắc bởi những cảm nhận tinh tế của tác giả mà còn phảng phất hương vị quê hương bởi những điều bình dị, thiết thân.

Tâm trạng của nhân vật “tôi” khi đón gió chướng về trong tác phẩm “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư đã được thể hiện hết sức độc đáo. Khi gió chướng về, nhân vật tôi cảm thấy rất lộn xộn và ngổn ngang, bởi vì tôi vừa bực cũng lại vừa vui.

Tôi bực bởi vì mỗi khi gió chướng về là tôi cảm giác như mình sẽ già thêm, mất mát đi thứ gì đó mơ hồ. Tâm lí này là dễ hiểu vì gió chướng về là thời điểm Tết sắp đến, con người sẽ mang rất nhiều tâm trạng khác nhau. Đối với những người dân ở làng quê, họ sợ Tết đến bởi vì nỗi nghèo túng và sợ không lo nổi một cái Tết yên ấm.

Tuy nhiên, sự mong chờ gió chướng về cũng là một điều đặc biệt trong tâm trạng của tôi, bởi gió về là thời điểm mùa thu hoạch mang đến sự yên vui và no ấm cho người dân. Chưa dừng lại ở niềm vui, nỗi buồn, gió chướng về còn khiến nhân vật tôi bộc lộ nỗi nhớ nhà.

Tôi nhớ về những hình ảnh quen thuộc đã gắn bó từ lâu với những sự vật bình dị, gần gũi và không khí thiên nhiên thanh bình của quê hương. Ở nơi xa phố thị, nhân vật tôi có đủ những thứ hoa quả, quá bánh xa hoa, đầy đủ, nhưng chỉ có ở làng quê, tôi mới tìm được gió chướng lộng lẫy như vậy.

Phân Tích Trở Gió Đặc Sắc – Mẫu 3

Văn bản “Trở gió” đã thể hiện được tình cảm rất đỗi bình dị, mộc mạc của Nguyễn Ngọc Tư dành cho quê hương. Điều đó được thể hiện qua tình yêu gió chướng – tình yêu xuất phát từ những điều gần gũi, quen thuộc.

Gió chướng được tác giả miêu tả qua những chi tiết, hình ảnh như “hơi thở gió rất gần”; “âm thanh ấy sẽ càng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không”; “mừng húm”; “hừng hực, dạt dào”; “Cồn cào.

Nồng nhiệt. Mà thiệt dịu dàng”. Khi gió chướng về, tác giả đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: “ Mừng đó, rồi bực đó”; “buồn, buồn muốn chết”; “Cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau”. Và tác giả luôn mong ngóng, chờ đợi gió chướng, bởi nó gợi nhớ về tuổi thơ, về quê hương.

Qua văn bản văn bản Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư) người đọc hình dung được sự thay đổi của cảnh vật dịp cuối năm và cũng thấy được sự thay đổi trong cách cảm, cách nghĩ của con người. Thông qua cách cảm nhận đó chúng ta tình yêu quê hương, đất nước tha thiết của tác giả. Phải yêu quê hương, nặng lòng với quê hương thì mới có những cảm nhận sâu sắc, tỉ mỉ đến như vậy.

Văn bản đã thể hiện tình cảm mộc mạc, bình dị của tác giả dành cho quê hương, cho những điều đơn giản. Tác giả yêu gió chướng vì những thứ gần gũi, thân quen, yêu gió chướng cũng là yêu mến chút hồn quê giản dị, gắn bó với cuộc sống của người dân lao động lam lũ. Trở gió không chỉ sâu sắc bởi những cảm nhận tinh tế của tác giả mà còn phảng phất hương vị quê hương bởi những điều bình dị, thiết thân.

Viết một bình luận