Con Khướu Sổ Lồng (Nội Dung, Tóm Tắt, Phân Tích, Soạn Bài)

Thohay.vn chia sẻ chi tiết về tác phẩm Con Khướu sổ lồng, hi vọng sẽ giúp các em nắm vững được những kiến thức trọng tâm của bài học.

Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh Sáng Tác Tác Phẩm Con Khướu Sổ Lồng

Văn bản Con khướu sổ lồng được trích từ tập truyện Con mèo của Foujita – NXB Kim Đồng – Hà Nội.

Khám phá thêm 🔻 Đi San Mặt Đất 🔻 nội dung + nghệ thuật

Nội Dung Truyện Con Khướu Sổ Lồng

Trước tiên hãy cùng Thohay.vn đón đọc đầy đủ nội dung truyện Con Khướu sổ lồng dưới đây:

Tạo hóa cho loài chim đôi cánh là để bay, nhưng trong trời đất này có biết bao con chim không được bay. Nhà tôi cũng có một con, con Khướu, được nuôi trong lồng. Nó được nuôi trong một cái lồng tuyệt đẹp, cái lồng tre nổi tiếng của Lạng Sơn.

Mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ theo hình hoa văn, trong lồng có ba cái lọ sứ Tàu để đựng thức ăn thức uống. Cái lồng được treo dưới mái bên mảnh vườn treo trên nhà. Nếu những con chim khác biết được không thể không ganh tị với nó. Quanh nó là cây cảnh với phong lan, không mưa không nắng, nhưng vẫn nhìn thấy khoảng trời mênh mông qua mảnh vườn. Nó như sống trong cảnh thần tiên, thức ăn thức uống đủ đầy, chỉ có hót thôi.

Con Khướu nhà tôi không đẹp như họa mi hay sơn ca, so với con cưỡng nó cũng không bằng. Lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng, trông nó như một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết. “Đừng thấy vậy mà chê. Nghe nó hót rồi biết”. Ông bác tôi vốn là người chơi chim, mang nó từ quê lên cho, bảo vậy. “Tao chọn rồi, chim trong nhà, nó là con hót hay nhứt”. Đúng như lời của ông bác, tiếng hót của nó vừa vui vừa xao xuyến. Những buổi chiều mệt nhọc từ ngoài đồi trở về, ngồi trên mảnh vườn nghe nó hót, lòng bỗng thấy thanh thản, thấy gần với trời đất.

Con Khướu nhà tôi chỉ biết hót chớ không biết nói. Và tôi cũng không thích dạy cho nó nói. Bởi vì những con chim biết nói, đều vô nghĩa, nó chỉ biết nhái lại từ ngữ của người chớ không nói được tiếng nói của con người. Tôi đã gặp một con quạ biết nói ở làng quê. Khi có người bước vào nhà, nó hỏi:

– Ai đó?

Nghe mà giật mình, giọng nó trầm như giọng một lão già từ dưới mộ vọng lên. Tôi cũng gặp những con chim nói tục theo lời dạy của trẻ con.

Thật đáng sợ những người nói mà không biết mình nói gì, không phải nói mà lặp lại tiếng nói của người khác. Hãy nói tiếng nói của mình Khướu ạ. Hót đi!

Con Khướu nhà tôi lại có một biệt tài. Mỗi lần tiếng đàn pianô từ dưới nhà vang lên thì nó xòe cánh, nó múa, nó hót hòa theo. Cái dáng lụ khụ của lão già đội kết bỗng biến đâu mất, cũng cái màu lông đen tuyền ấy mà sao thấy nó lộng lẫy như một vũ nữ trước ánh đèn sân khấu. Lúc ấy, cả nhà đều chạy lên vườn, vây quanh nó.

Con Khướu là niềm vui của cả nhà. Có lúc không còn nhớ nó xuất xứ từ đâu, nó như có mặt cùng một lúc với mọi người, như một thành viên chính thức trong gia đình, không thể thiếu.

*

Một buổi chiều tôi đi làm về, thằng út tôi, tám tuổi, đón tôi từ ngoài cổng, vừa thấy tôi nó dang hai tay vừa chạy xô tới vừa la:

– Ba ơi! Chim bay rồi.

– Cái gì?

– Chim bay rồi!

– Chim nào bay?

– Con Khướu nhà mình đó, nó sổ lồng, nó bay mất rồi.

– Thiệt sao?

– Thiệt!

Tôi chạy vào nhà, bước một bước hai ba bậc thang, lên mảnh vườn treo. Thật vậy, chỉ còn có cái lồng không. Ngày ngày mỗi lần tôi bước vào mảnh vườn, lần nào nó cũng cất tiếng hót chào tôi. Tôi ngồi phịch xuống ghế, nhìn cái lồng không. Cái lồng trống, lòng tôi cũng trống.

Sáng nay, thằng lớn của tôi – 15 tuổi, lúc cho nó ăn đã sơ ý mở hết cửa, thế là nó vù đi. Thằng lớn tôi vừa nghe “vù” qua tai là nó quơ tay ra chụp, nhưng chỉ giữ lại trong tay một chiếc lông, còn con Khướu thì dang cánh bay thẳng lên bầu trời như một mũi tên.

Suốt đêm đó, cả nhà ai cũng thấy thiếu vắng. Không ai buồn lên mảnh vườn treo nữa.

Nửa đêm, thằng út tôi giật mình khi trời đổ mưa. Nó cứ trăn trở thao thức, rồi thì thầm:

– Ba ơi! Trời mưa lại có gió nữa, con Khướu bay đi, nó có sao không ba?

– Chim thì phải bay. Chim bay thì có gì phải lo. Con ngủ đi.

Buổi chiều hôm sau, trời vừa chạng vạng, bỗng có tiếng hót của con Khướu vang lên từ trên vòm lá cây sao trước nhà.

Con Khướu về. Cả nhà reo lên. Ngước cổ nhìn lên, không ai thấy, chỉ nghe tiếng hót. Nghe tiếng hót buồn thảm của nó, tôi bỗng nghĩ đến những đứa con bỏ đi hoang, hối hận trở về nhưng không dám vào nhà, cứ thập thò trước cổng.

Chiều hôm sau, con Khướu lại về, lại hót trên vòm lá.

Thằng lớn nhà tôi mang cái lồng ra, treo trên cành cây ngoài trời, nhử nó.

Cả nhà người nào cũng tìm một chỗ núp. Người nào cũng hồi hộp. Thằng lớn của tôi, hai tay giữ lấy sợi ny lông từ cái cửa lồng chuyền xuống, cứ rung rung.

Trên vòm lá, con Khướu vẫn hót, hót rồi ngưng, ngưng lại hót. Khi tiếng hót vừa dứt, từ trên vòm lá con Khướu buông cánh sà thẳng vào lồng. Cửa lồng sập xuống. Từ các chỗ núp, cả nhà vừa lao ra, vừa reo lên, và giành nhau bưng cái lồng.

Cái lồng với con Khướu lại được treo lên chỗ cũ. Cả nhà lại ngồi quanh nó, nghe nó hót, quên cả buổi cơm chiều. Một con sổ lồng bay đi rồi lại quay về là điều ít có, nên không thể bàn cãi. Nhà tôi mỗi người có mỗi ý khác nhau:

Nó quen với cái lồng.

Đúng.

Làm sao nó kiếm được cào cào như ở nhà.

Không cào cào thì sâu bọ, chắc không phải vậy đâu.

Cuối cùng, thằng út tôi nói:

– Nó nhớ nước đường đó ba.

Cả nhà rộ lên tán thành nhận xét của út:

– Đúng!

– Đúng!

Trong ba cái lọ sứ Tàu đựng thức ăn cho con Khướu có một lọ là cào cào, châu chấu, còn hai cái lọ kia là một lọ nước đường và một lọ nước thường. Nuôi chim bằng nước đường là một bí quyết của nghề nuôi do ông bác tôi truyền lại.

Có ý tán thêm:

– Nó ghiền nước đường như người ta ghiền rượu, ghiền bia vậy. Phải không mày, Khướu?

Riêng tôi, tôi nghĩ khác nhưng không nói. Nói đến tự do, người ta thường nghĩ đến đôi cánh. Khi nói đến đôi cánh người ta thường nghĩ đến tự do, đôi cánh với tự do như đồng nghĩa. Con Khướu này, đôi cánh của nó đã dang ra mênh mông trên bầu trời tự do rồi, sao nó lại khép cánh trở lại cái lồng nhỏ hẹp này. Có lẽ cái lồng này đã giam hãm đôi cánh nó quá lâu, khiến cho đôi cánh nó chới với và cái lồng ngực của nó bị ngộp thở trước cảnh mênh mông của trời đất. Có lẽ nó bỗng thấy cô đơn, bỗng thấy mình quá nhỏ bé giữa bầu trời?

Và nó trở về lồng, lại hót.

Một lần thằng con tôi lại sơ ý. Con Khướu lại vù bay. Nó bay đi lần này, cả nhà không lo buồn như lần trước. Bởi đoán thế nào nó cũng quay về. Và đúng như cũ. Thằng lớn của tôi lại treo cái lồng ra ngoài trời. Người trong nhà không còn ai phập phồng nữa, biết chắc là chốc nữa nó sẽ lại sà xuống chui vào lồng.

Chỉ có thằng út là vẫn háo hức đi tìm một chỗ núp rình xem, với nó như một trò chơi hồi hộp lý thú.

Trên vòm lá, con Khướu lại hót. Nó hót một chuỗi dài như báo tin, nó đã về. Và từ trên vòm lá nó lao xuống.

Khi nó lao xuống đến lưng chừng thì trên trời bỗng vang lên tiếng hót của một con chim trời. Tiếng hót của con chim lạ ấy tôi nghe thảnh thót hơn và cũng dịu dàng hơn, chắc là con chim mái.

Tiếng con chim trời ấy đã cứu con Khướu nhà. Đang lao thẳng xuống vực thẳm của chiếc lồng thì, nó bỗng ưỡn người, dựng ngược đôi cánh xiên thẳng lên cái nền xanh thăm thẳm của bầu trời.

Thế rồi con trước con sau như hai mũi tên đen, đuổi nhau lượn vòng vòng trên tàn cây, vừa lượn đuổi vừa hót.

Rồi từ xa, hai con vụt bay đến nhau, khi vừa đến bên nhau thì chúng dựng cánh, cùng vút thẳng lên trời cao. Rồi xòe cánh, cánh kề cánh nương nhau bay lượn, vừa bay vừa hót. Tiếng hót của đôi chim rộn rã quấn quít như tiếng cười tiếng khóc trong giọng rối rít của đôi tình nhân hằng thế kỷ mới tìm gặp nhau, vừa xôn xao vừa vang động cả trời chiều. Cái vòng lượn của đôi chim mỗi lúc rộng ra, và tiếng hót mỗi lúc, mỗi lúc từ xa cho đến xa..

Chiều hôm sau thằng con lớn của tôi lại treo cái lồng ra ngoài trời, đợi con Khướu. Nhưng con Khướu không về trên vòm lá. Thằng con tôi kiên nhẫn, chiều hôm sau lại mang cái lồng ra.

Tôi bảo:

– Thôi dẹp đi. Nó không về nữa đâu.

– Sao vậy ba? – Thằng út tôi hỏi.

Thôi dẹp đi, ba biết nó không về – Tôi nghĩ mà không nói. Lần này nó có đôi cánh của tình yêu, đôi cánh tình yêu đã đưa nó về với cảnh thênh thang của đất trời. Và nó là chim – chim thì phải bay. Chim bay…

Đón đọc phân tích 🔽 Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác 🔽 chi tiết nhất

Về Tác Giả Tác Phẩm Con Khướu Sổ Lồng

Đọc thêm một số thông tin về tác giả tác phẩm Con Khướu sổ lồng được biên soạn chi tiết dưới đây:

Tác Giả

  • Nguyễn Quang Sáng (12 tháng 1 năm 1932 – 13 tháng 2 năm 2014; bút danh Nguyễn Sáng) là nhà văn Việt Nam, từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2000.
  • Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.
  • Ông được biết nhiều với vai trò tác giả và biên kịch của hai tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn Chiếc lược ngà và phim điện ảnh Cánh đồng hoang.

Tác Phẩm

  • Ý nghĩa tên truyện: Con khướu muốn sổ lồng để thoát khỏi sự giam hãm, chật chội, để được tự do, được thể hiện những gì vốn có của mình. Xét ở lớp nghĩa này, tác phẩm không chỉ bó hẹp ở chuyện về một con chim khướu, mà suy rộng ra, đó còn là câu chuyện về nhu cầu tự do của con người.
  • Nội dung chính: Câu chuyện về con chim khướu, một lần sơ ý thằng con trai để chim sổ lồng bay đi mất nhưng ngờ đâu nó lại trở về. Nhưng đến lần thứ hai khi chim bị sổ lồng nó đã trở về với con chim mái, nhưng không vào lồng nữa mà bay thẳng lên bầu trời với tình yêu và tự do.

Chia sẻ cho bạn đọc tác phẩm ✨ Thần Trụ Trời ✨ nội dung+ nghệ thuật

Ý Nghĩa Truyện Con Khướu Sổ Lồng

Tác giả viết truyện Con Khướu sổ lồng mong muốn gửi gắm thông điệp về việc lắng nghe và cảm nhận thiên nhiên với tâm hồn tươi đẹp.

Bố Cục Văn Bản Con Khướu Sổ Lồng

Văn bản Con Khướu sổ lồng được chia thành 3 đoạn chính sau đây:

– Đoạn 1: Từ đầu đến “không thể thiếu”: Giới thiệu về con khướu nhà tôi.

– Đoạn 2: Tiếp theo đến “Và nó trở về lồng, lại hót”: Con khướu bay đi mất nhưng lạ thay hôm sau nó lại trở về lồng.

– Đoạn 3: Còn lại: Một lần nữa con khướu sổ lồng nhưng nó không quay về lồng nữa mà trở về với bầu trời tự do.

Chia sẻ đến bạn tác phẩm ✨ Một Chuyện Đùa Nho Nhỏ

Đọc Hiểu Tác Phẩm Con Khướu Sổ Lồng

Xem thêm phần nội dung chia sẻ sau đây để có thể hiểu hơn về tác phẩm con Khướu sổ lồng.

👉 Câu 1: Đọc kĩ văn bản, chú ý những chi tiết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật

Đáp án: Cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật về sự việc diễn ra trong câu chuyện.   

– Lần đầu tiên chim khướu sổ lồng: nhân vật con trai hoảng hốt, nhân vật người ba hụt hẫng (“cái lồng trống, lòng tôi cũng trống”)

– Khi chim khướu quay trở về: các nhân vật đều vui vẻ, sung sướng: “Cả nhà reo lên.” Sung sướng khi chim quay lại, và sung sướng khi đã đưa chim quay lại cái lòng: “Cả nhà vừa lao ra vừa reo lên”. Nhưng riêng người ba trở nên trầm ngâm, suy tư về việc cái lồng giam hãm chim khướu quá lâu khiến nó chới với khi bay ra ngoài.

– Khi chim khướu sổ lồng lần thứ hai: các nhân vật không lo buồn như lần trước, vì đoán thế nào chim cũng quay trở về.

– Khi biết chim khướu không quay trở về nữa: người con trai vẫn kiên nhẫn đợi chờ, trông mong chim khướu bay trở lại, còn người ba đã thấu hiểu và chấp nhận sự thật.

👉 Câu 2. Mức độ bao quát các nhân vật, sự kiện của người kể chuyện ngôi thứ nhất là gì?

Đáp án: Tác dụng của ngôi kể thứ nhất 

– Truyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể là nhân vật người ba trong gia đình.

– Người kể chuyện tham gia vào các sự việc, nên có thể bao quát hành vi, cảm xúc của các nhân vật khác cũng như tái hiện khách quan các sự việc xảy ra. Trong truyện, người kể chuyện đã lớn, đã trưởng thành, nên có đủ khả năng để lý giải các sự việc bên cạnh việc tái hiện.

Đừng bỏ lỡ tác phẩm 💚 Gặp Ka Díp Và Xi La 💚nổi tiếng

Giá Trị Văn Bản Con Khướu Sổ Lồng

Đừng vội bỏ qua chia sẻ về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật văn bản Con Khướu sổ lồng sau đây:

  • Giá trị nội dung: Thể hiện tình yêu thiên nhiên, các loài vật mà cụ thể là loài chim khướu và tài năng nghệ thuật của tác giả có cái nhìn sâu sắc, chân thực tinh tế
  • Giá trị nghệ thuật: Ngôn ngữ trong sáng giản dị, gần gũi thu hút người đọc.

Sơ Đồ Tư Duy Con Khướu Sổ Lồng

Tham khảo mẫu sơ đồ tư duy bài Con Khướu sổ lồng sau đây để có thể hệ thống hóa lại các ý chính của bài.

Sơ Đồ Tư Duy Con Khướu Sổ Lồng
Sơ Đồ Tư Duy Con Khướu Sổ Lồng

Soạn Bài Con Khướu Sổ Lồng Lớp 10

Soạn bài văn bản Con khướu sổ lồng trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 70 – 72) với phần trả lời các câu hỏi: 

👉 Câu 1: Hãy sơ đồ hoá câu chuyện bằng cách dùng mũi tên đánh dấu sự tiến triển của các sự việc diễn ra trong truyện ngắn Con khướu sổ lồng.

Lời giải: Có thể sơ đồ hoá diễn biến câu chuyện trong truyện ngắn Con khướu sổ lồng như sau:

Con khướu được chăm sóc rất chu đáo, ở trong một cái lồng tuyệt đẹp → Một lần, cậu bé sơ ý mở cửa, để khướu vụt bay mất → Khi cả nhà cứ tưởng sẽ mất con khướu, thì nó trở về và chui vào cái lồng đã mở cửa sẵn → Lần thứ hai sổ lồng, nó bay đi rồi lại trở về, và khi sắp lao xuống lồng, thì bỗng có con khướu khác từ đâu bay đến cất tiếng hót, khiến nó bay vụt theo, cả hai nương nhau vừa bay vừa hót →Hôm sau, cậu con trai lại tiếp tục đưa lồng ra, mở cửa đón chim như lần trước, nhưng ông bố (nhân vật “tôi”) khẳng định: “Nó không về nữa đâu”.

👉 Câu 2: Con khướu đã được “ưu ái” như thế nào? Điều này có liên quan gì đến việc con khướu sổ lồng bay đi rồi lại trở về? 

Lời giải: Con khướu được nuôi dưỡng rất chu đáo: nơi ở của nó là cái lồng tuyệt đẹp; trong lồng có ba cái lọ sứ Tàu để đựng thức ăn thức uống; quanh lồng có cây cảnh với phong lan, tuy không mưa nắng, nhưng vẫn nhìn thấy khoảng trời mênh mông,… Có lẽ sự “ưu ái”, điều kiện sống “thần tiên” chính là nguyên nhân để con khướu sau khi sổ lồng bay đi vẫn tìm đường trở về.

👉 Câu 3: Có những cách lí giải nào về nguyên nhân con khướu sổ lồng đã trở lại nơi nó được nuôi dưỡng, chăm sóc? Cách lí giải nào đề cập đến “yếu tố tinh thần” của con khướu, góp phần thể hiện chủ đề của truyện? 

Lời giải: Khi con khướu trở về, mọi người trong nhà vui mừng và bàn cãi nhau về nguyên nhân. Có người bảo căn cứ vào “nhu cầu vật chất” của con khướu (quen với việc được uống nước đường); lại có người chú ý “nhu cầu tinh thần” (nó đã bị giam hãm quá lâu, bây giờ thấy cô đơn, quá nhỏ bé trước bầu trời). Cho rằng việc con khướu trở về do “yếu tố tinh thần” là cách lí giải có ý nghĩa góp phần thể hiện chủ đề của truyện.

👉 Câu 4: Con khướu trở về rồi lại bay đi và có khả năng sẽ bay đi mất. Điều đó đã được người kể chuyện xưng “tôi” lí giải như thế nào? 

Lời giải: Người kể chuyện xưng “tôi” đã lí giải về việc con khướu trở về rồi lại bay đi và có khả năng sẽ bay đi mất: “Con khướu đã bay theo tiếng gọi của giống loài, thoát khỏi cảnh bị giam hãm trong lồng để trở lại nguyên vẹn một con chim tự do tung cánh giữa bầu trời bao la.”

👉 Câu 5: Tiếng hót của con khướu khi ở trong lồng và khi tung cánh bay lượn giữa không gian bao la khác nhau như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì? 

Lời giải:

  • Ở trong lồng, tiếng hót của con khướu: “vừa vui vừa xao xuyến”. 
  • Tiếng hót của nó khi bay lượn giữa trời:“ Tiếng hót của đôi chim rộn rã quấn quýt như tiếng cười tiếng khóc trong giọng rối rít của đôi tình nhân hàng thế kỉ mới tìm gặp nhau, vừa xôn xao vừa vang động cả trời chiều”. 
  • Như vậy, sống trong lồng, tiếng hót của con khướu có vẻ cô độc; khi sổ lồng bay đi, tiếng hót của con khướu không còn là tiếng hót cô độc của mình nó nữa, mà là bản hoà ca của đôi chim tự do bay lượn giữa bầu trời mênh mông. Sự khác nhau giữa hai kiểu hót cho thấy, chỉ khi tự do, con khướu mới thực sự là nó, nghĩa là mới thể hiện tất cả những tố chất đặc biệt của nó, qua tiếng hót.

👉 Câu 6: Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” nhiều lần bộc lộ ý nghĩ riêng của mình về con khướu. Những ý nghĩ đó giúp người đọc hiểu gì thêm về ý nghĩa của tác phẩm? 

Lời giải:

  • Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” vừa hiện diện trong câu chuyện, vừa là người quan sát, bộc lộ những nhận xét từ cách cảm nhận, suy nghĩ, dự đoán riêng của mình.
  • Mặc dù rất quý con khướu và muốn tận hưởng cảm giác thanh thản mỗi khi nghe nó hót trong lồng, nhưng qua những ý nghĩ đó, dường như nhân vật “tôi” lại thể hiện sự “đồng tình” với việc sổ lồng của con khướu. Thái độ của nhân vật “tôi” giúp người có thể rút ra được ý nghĩa của tác phẩm: Con người sống cần phải có tự do, phải sống là chính mình. Cần phải vượt qua giới hạn của bản thân để thoả sức tung bay trên bầu trời rộng lớn.

👉 Câu 7: Theo bạn, tên truyện có ý nghĩa như thế nào? 

Lời giải: Tên truyện gắn chặt với sự việc được kể: Có một con khướu được nuôi, nhưng vì sự sơ hở của chủ, đã vụt bay đi. Đó là lớp nghĩa thứ nhất, nghĩa thực. Nhưng ẩn sau đó còn có nghĩa bóng. Con khướu muốn sổ lồng để thoát khỏi sự giam hãm, chật chội, để được tự do, được thể hiện những gì vốn có của mình. Xét ở lớp nghĩa này, tác phẩm không chỉ bó hẹp ở chuyện về một con chim khướu, mà suy rộng ra, đó còn là câu chuyện về nhu cầu tự do của con người.

Cập nhật cho bạn đọc tác phẩm 🍀 Đăm Săn Đi Chinh Phục Nữ Thần Mặt Trời 🍀

Giáo Án Con Khướu Sổ Lồng Lớp 10

Chia sẻ đến các quý thầy cô giáo mẫu giáo án Con Khướu sổ lồng ngắn gọn biên soạn theo chương trình ngữ văn 10 dưới đây:

1. Mục tiêu: Nắm được những thông tin chính về truyện ngắn Áo tết.

2. Nội dung: HS sử dụng sgk, chắt lọc kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi.

3. Sản phẩm học tập: HS tiếp thu kiến thức và câu trả lời của HS

4. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HSDỰ KIẾN SẢN PHẨM
Bước 1: Giao nhiệm vụ
– GV yêu cầu HS đọc văn bản, vận dụng các kiến thức để tìm hiểu văn bản.
1. Phân tích ngôi kể chuyện của tác phẩm
2. Bài học rút ra từ truyện
3. Giá trị tác phẩm đem lại.
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ.
– HS đọc văn bản và tìm hiểu văn bản theo các câu hỏi gợi ý.
Bước 3: Báo cáo, trao đổi kết quả thảo luận.
– GV mời đại diện 2 – 3 HS trình bày.
– Các HS khác lắng nghe, nhận xét.
Bước 4: Đánh giá kết quả
– GV nhận xét, tổng kết, chuẩn kiến thức.
1. Thể loại: Truyện ngắn
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
 Văn bản Con khướu sổ lồng được trích từ tập truyện Con mèo của Foujita – NXB Kim Đồng – Hà Nội.
3. Tóm tắt văn bản Con khướu sổ lồng
 Với ngôn từ giản dị, gần gũi, Nguyễn Quang Sáng đã đem đến cho người đọc một câu chuyện tưởng chừng như đơn thuần là câu chuyện của loài chim khướu nhưng tác giả đã gửi gắm trong đó câu chuyện của con người rất đáng suy ngẫm.
4. Phương thức biểu đạt: Tự sự
5. Giá trị nội dung văn bản Con khướu sổ lồng
– Thể hiện tình yêu thiên nhiên, các loài vật mà cụ thể là loài chim khướu
– Tài năng nghệ thuật của tác giả có cái nhìn sâu sắc, chân thực tinh tế
6. Giá trị nghệ thuật văn bản Con khướu sổ lồng
– Ngôn ngữ trong sáng giản dị, gần gũi thu hút người đọc.

Xem thêm tác phẩm 👉 Chiến Thắng Mtao Mxây

5+ Mẫu Tóm Tắt Con Khướu Sổ Lồng Ngắn Gọn

Tổng hợp top 5+ mẫu tóm tắt Con Khướu sổ lồng ngắn gọn để các em có thể tham khảo và chuẩn bị bài thật tốt.

Tóm Tắt Con Khướu Sổ Lồng Ngắn Nhất

Truyện Con khướu sổ lồng kể về câu chuyện con chim khướu của gia đình “tôi” nuôi hai lần sổ lồng bay đi, lần đầu tiên chim một mình bay trở về, lần thứ hai, chim khướu gặp được chim mái trên bầu trời, và đã bay đi mãi cùng đôi cánh của tình yêu.

Tóm Tắt Con Khướu Sổ Lồng Đơn Giản

Tác phẩm “Con khướu sổ lồng” kể về một chú khướu hót rất hay, được nuôi trong chiếc lồng tre tuyệt đẹp. Cả nhà “tôi” đều cực kì yêu thích tiếng hót của nó. Một ngày, con khướu sổ lồng bay đi mất, người cha nghĩ rằng nó là chim, nó thuộc về bầu trời nên sẽ không về nữa. Ngày hôm sau, con chim trở về, cả nhà vui mừng khôn xiết, ngồi nghe tiếng hót của nó cả chiều. Lần thứ hai sổ lồng, mọi người không quá lo lắng vì nghĩ rồi thế nào nó cũng trở về. Đúng vậy, con khướu đã về, nhưng khi nó chuẩn bị vào lồng thì nghe thấy một tiếng chim hót khác như mời gọi. Vậy là con khướu đã trở về với bầu trời và tự do.

Dành tặng bạn những mẫu văn 👉 Phân Tích Một Tác Phẩm Thơ 👉 hay nhất

Tóm Tắt Con Khướu Sổ Lồng Hay Nhất

Loài chim có đôi cánh gắn liền với tự do nhưng con khướu của nhân vật “tôi” lại được nhốt trong chiếc lồng tuyệt đẹp, ngày ngày cất tiếng hót làm vui lòng mọi người trong nhà. Một hôm, con khướu sổ lồng, cả nhà rất lo lắng nhưng không lâu sau, nó đã quay về.

Nhân vật “tôi” nghĩ rằng nó đã quen với chiếc lồng nhỏ bé nên bầu trời là quá rộng lớn với nó, nó cảm thấy sợ hãi, cô đơn nên quay về. Thế nên lần thứ hai con khướu sổ lồng, mọi người không lo lắng nữa. Tuy nhiên, khi chuẩn bị trở lại lồng, nó nghe thấy tiếng hót của đồng loại. Tiếng hót thảnh thơi dịu dàng ấy đã mời gọi con khướu về với tự do. Vậy là con khướu không trở về nữa.

Tóm Tắt Con Khướu Sổ Lồng Ngắn Gọn

Gia đình nhân vật “tôi” có nuôi một con khướu và nhốt trong chiếc lồng xa hoa. Một lần, nó sổ lồng, cả nhà lo lắm nhưng nó vẫn về. Lần thứ hai con khướu sổ lồng, cả nhà chắc mẩm nó cũng sẽ quay về, nhưng lần này nó đã đi theo tiếng gọi của tình yêu rồi không về nữa.

Tóm Tắt Con Khướu Sổ Lồng Siêu Ngắn

Tác phẩm kể về hai lần sổ lồng của con khướu: Lần sổ lồng thứ nhất, gia đình “tôi” rất lo lắng nhưng chỉ một ngày sau, con khướu quay về, cất tiếng hót xao xuyến khiến cho cả nhà cực kì vui mừng. Lần sổ lồng thứ hai, con khướu cũng đã quay về hót trong vườn. Nhưng khi nó định quay về với chiếc lồng xinh đẹp thì tiếng hót của một con chim khác đã thức tỉnh nó, giữ nó ở lại với bầu trời.

Chia sẻ đến bạn những bài văn mẫu về 👉 Phân Tích Một Tác Phẩm Truyện

5+ Mẫu Phân Tích Con Khướu Sổ Lồng Hay Nhất

Khám phá thêm top những mẫu phân tích Con Khướu sổ lồng hay nhất để có thể hiểu hơn về nội dung, ý đồ của tác giả thông qua tác phẩm.

Phân Tích Con Khướu Sổ Lồng Ngắn Gọn

Nhắc tới nhà văn Nguyễn Quang Sáng ta không thể không nhắc tác phẩm Con khướu sổ lồng. Đây là một tác phẩm hay về chủ đề loài vật và thiên nhiên.

Câu chuyện với chủ đề vô cùng quen thuộc kể về một con khướu được gia đình nọ nuôi dưỡng. Nó mang đến tiếng hót vừa vui, vừa xao xuyến, khiến lòng người cảm thấy thanh thản. Trong một lần sơ ý, con trai lớn của nhân vật “tôi” đã làm chim bay đi. May mắn thay, nó bay đi rồi lại quay về. Tuy nhiên, lần thứ hai thoát ra khỏi chiếc lồng, chim đã không quay lại nữa. Chúng ta có thể thấy tình yêu thương, sự chăm sóc của gia đình đối với khướu.

Từ việc nó được nuôi trong lồng, luôn có thức ăn đồ uống đầy đủ, chỉ việc ca hót. Nhưng khướu cũng mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình. Nên từ lâu khướu được coi như một thành viên trong gia đình. Khi khướu bay đi lần một gia đình vô cùng bồn chồn và hụt hẫng. Nên khi khướu bay về ai cũng vui mừng, hạnh phúc. Một lần nữa khướu lại sổ lồng bay đi, nhưng lần này gia đình không ai quan tâm và lo lắng vì nghĩa khướu sẽ quay lại như lần đầu. Nhưng sự thật là khướu không bao giờ quay trở lại nữa. Câu chuyện rất ngắn gọn nhưng ý nghĩa. Thành công với việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu.

Như vậy một lần nữa ta có thể thấy giá trị nội dung và nghệ thuật tác giả gửi gắm vô cùng đặc sắc.

Phân Tích Văn Bản Con Khướu Sổ Lồng Đầy Đủ Ý

Nguyễn Quang Sáng là một cây bút sáng tác nhiều truyện ngắn có giá trị, ông được mệnh danh là cây đại thụ của văn học Nam Bộ. Với lời văn mộc mạc, giản dị, chân thành, ông đã nêu lên được những vấn đề thực tại, những chiêm nghiệm sâu sắc về con người và xã hội. Tiêu biểu cho sáng tác của nhà văn, phải kể đến truyện ngắn “Con khướu sổ lồng” mang đến thông điệp ý nghĩa cho người đọc.

“Con khướu sổ lồng” kể về một chú khướu hót rất hay, được nuôi trong chiếc lồng tre tuyệt đẹp. Một hôm, con khướu sổ lồng, cả nhà rất lo lắng những buổi chiều hôm sau, nó đã trở về. Thế nên, lần thứ hai con khướu sổ lồng, mọi người không lo lắng như trước nữa.

Họ nghĩ rằng chốc nữa nó sẽ quay về. Lần này, khướu cũng bay về vườn và cất tiếng hót. Nhưng khi nó đang chuẩn bị bay về lồng thì nghe thấy tiếng hót của một con chim khác thế là khướu đã bay đi mãi. Nhân vật “tôi” là người hiểu rõ lí do vì sao nó không trở về nữa. Qua câu chuyện, tác giả như muốn nhắc nhở người đọc về tình yêu, sự thấu hiểu đối với thiên nhiên.

Đầu tiên, người đọc có thể cảm nhận rất rõ nét hình ảnh con khướu qua những miêu tả chi tiết của tác giả. Nó được nuôi trong cái lồng tre tuyệt đẹp “Mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ hình hoa văn”. Không chỉ có chỗ ở đẹp đẽ khướu còn được chuẩn bị thức ăn, nước uống đủ đầy. Đó là môi trường sống mà bao con chim khác phải ghen tị.

Ngoài ra, tác giả còn khắc họa ngoại hình của nó qua một số chi tiết “lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng, trông nó như một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết”. Con khướu có thể không đẹp như họa mi, sơn ca nhưng bù lại nó có tiếng hót rất hay. Mỗi khi, lắng nghe âm thanh ấy khiến cho nhân vật “tôi” cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản, mệt nhọc như tan biến. Với gia đình “tôi”, con khướu như một thành viên chính thức, mang lại niềm vui cho mọi người.

Thế nhưng, trong một lần sơ ý, con khướu đã sổ lồng bay đi. Điều đó khiến cho cả nhà ai cũng thấy buồn bã, thiếu vắng. Nhân vật “tôi” vừa đi làm về, nghe tin từ thằng con út đã vội chạy vào “ngồi phịch xuống ghế, nhìn cái lồng không”. Còn thằng con út cứ trăn trở, thao thức suốt đêm mong con chim trở về “Trời mưa lại có gió nữa, con khướu bay đi, nó có sao không ba?”.

Nhân vật ‘tôi” an ủi con “Chim thì phải bay. Chim bay thì có gì phải lo. Con ngủ đi”. Nhưng có lẽ, lòng người bố cũng đang tràn ngập nỗi lo lắng và mong chờ con khướu sẽ quay lại với gia đình. Không phụ sự mong mỏi của cả nhà, vào buổi chiều hôm sau, khướu đã trở về. Nó hót vang lên thanh âm mọi khi. Lắng nghe âm thanh quen thuộc mà trong trẻo ấy, các thành viên trong gia đình tôi hạnh phúc “cả nhà reo lên”. Khi con khướu sà thẳng vào lồng thì cả nhà lao ra, giành nhau bưng cái lồng.

Cả gia đình đều hân hoan vì nó đã trở về an toàn. Việc con chim đột nhiên bay đi và rồi bay về khiến cho cả gia đình “tôi” suy ngẫm. Dường như cái lồng đã giam hãm đôi cánh quá lâu nên khi sải cánh bay trên bầu trời rộng lớn, khướu cảm thấy cô đơn, nhỏ bé và nó đã chọn trở về lồng. Tiếng hót buồn thảm của khướu giúp ta cảm nhận được chút gì đó buồn, thất vọng khi muốn trở về với thế giới tự do nhưng nhận ra mình không thuộc về nơi đó.

Lần thứ hai do sơ ý nên con khướu lại sổ lồng bay đi. Nhưng lần này cả nhà không còn lo lắng nhiều như lần trước nữa. Thằng con lớn của nhân vật “tôi” lại treo cái lồng ra ngoài trời để con khướu bay vào. Chắc hẳn, cả nhà đều nghĩ chốc nữa thôi nó sẽ về, trừ thằng út vẫn háo hức đi tìm. Việc con khướu bay đi rồi lại trở về không phải lần đầu khiến mọi người không cần phải nghĩ nhiều.

Như cả gia đình dự đoán, con khướu thực sự trở về. Nhưng khi lao xuống đến lưng chừng thì nó bị thu hút bởi âm thanh của con chim trời. Vậy là nó đã dựng ngược đôi cánh bay lên bầu trời. Tiếng hót kia đã thức tỉnh nó. Dường như, lúc này nó đã thực sự thay đổi suy nghĩ và nhận ra nơi thuộc về mình là bầu trời rộng lớn. Những ngày sau đó, chiếc lồng lại được thằng con con lớn mang ra ngoài trời, đợi con khướu trở về. Nhưng nó đã bay đi mãi.

Con khướu được bao bọc trong sự an toàn, hưởng thụ cuộc sống yên bình, tưởng chừng nó sẽ hạnh phúc, mãn nguyện. Vậy sao nó chọn rời đi? Nhân vật “tôi” hiểu rõ nhất lí do sao nó không bao giờ trở về nữa. Không phải vì mọi người không đối xử tốt mà bởi lẽ khướu đã tìm được đúng nơi mình nên sống. Nó được tạo hóa ban cho đôi cánh để bay lượn trên bầu trời nên cần về với cảnh thênh thang của đất trời. Đó mới là cuộc sống thực sự có ý nghĩa với con chim.

Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, lối kể chuyện giản dị, lời văn nhẹ nhàng, ngòi bút miêu tả tinh tế, Nguyễn Quang Sáng đã mang đến người đọc cảm nhận được một câu chuyện ý nghĩa. Hình ảnh con khướu bay về với bầu trời thể hiện khao khát được hướng tới tự do. Nhìn xa hơn, đối với con người cũng vậy, chúng ta ai cũng mong muốn có được một cuộc sống đúng nghĩa, được làm những điều mình thích.

Qua tác phẩm, tác giả không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên mà còn muốn nhắc nhở mỗi người cần biết lắng nghe và thấu hiểu tự nhiên. Có như vậy, chúng ta mới cảm nhận được những vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.

Hướng dẫn 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Tác Phẩm Văn Học

Phân Tích Câu Chuyện Con Khướu Sổ Lồng Hay Nhất

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn mang đến nhiều cảm xúc và giá trị cho bạn đọc. Ông để lại một sự nghiệp sáng tác vô cùng lớn với nhiều thể loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết. Trong đó “Con khướu sổ lồng” là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn. Qua câu chuyện, ta cảm nhận được bài học cuộc sống sâu sắc.

Câu chuyện kể về gia đình nhân vật “tôi” có nuôi một con khướu hót rất hay. Trong một lần sơ ý, con chim đã sổ lồng khiến cả nhà ai cũng lo lắng. Buổi chiều hôm sau, con chim quay lại với chiếc lồng. Thế nhưng, lần thứ hai, nó không trở về nữa. Qua câu chuyện con chim khướu, tác giả muốn ngầm nhấn mạnh một quy luật của tự nhiên: tạo hóa cho loài chim với đôi cánh là để bay. Vậy nên, nơi ở thuộc của nó phải là bầu trời chứ không phải cái lồng. Từ đó, nhắc nhở mọi người bài học về tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với tự nhiên.

Đầu tiên, tác giả giới thiệu hình ảnh chú khướu của gia đình “tôi” với không gian sống “nuôi trong cái lồng tuyệt đẹp, mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ hình hoa văn”. Nơi ở của khướu sung sướng tới nỗi có thể khiến cho những con chim khác phải ghen tị. Chiếc lồng là nơi khướu không phải lo nắng, mưa và còn có cả thức ăn, nước uống đủ đầy.

Đọc đến đây, chúng ta đều nghĩ rằng đó là môi trường sống thật hoàn mĩ, đầy đủ. Con khướu thật may mắn khi được bao bọc trong sự an toàn, hưởng thụ cuộc sống yên bình. Vậy chắc hẳn, nó phải thấy mãn nguyện và hạnh phúc? Không chỉ miêu tả nơi ở, tác giả còn miêu tả ngoại hình của con khướu.

Hình ảnh con khướu được giới thiệu trong câu chuyện không phải là quá đẹp đẽ “lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng”. Nhưng điểm đặc biệt mà thu hút người khác đó chính là tiếng hót vừa vui, vừa xao xuyến lòng người của nó. Những buổi chiều mệt mỏi, nhân vật “tôi” chỉ cần lắng tai nghe âm thanh đó là bỗng thấy lòng thanh thản hơn.

Khướu sinh ra từ tự nhiên, là loài chim với đôi cánh để bay. Cho nên trong nó luôn khát khao tự do. Vậy nên, khi thằng con lớn của nhân vật “tôi” sơ ý mở hết cửa ra, khướu đã bay vù đi “dang cánh bay thẳng lên bầu trời như một mũi tên”. Cái cách nó bay lên thể hiện sự dứt khoát, khao khát tự do được trở lại thế giới của mình.

Trước sự việc con khướu sổ lồng, cả gia đình nhân vật “tôi” ai cũng thấy thiếu vắng, trăn trở. Đặc biệt là thằng con út cứ trăn trở thao thức rồi hỏi ba “Ba ơi! Trời mưa lại có gió nữa, con khướu bay đi, nó có sao không ba?”. Có lẽ, cả nhà nhân vật “tôi” có tâm trạng như vậy bởi với họ con khướu là một thành viên không thể thiếu. Và giây phút con khướu quay trở về cả nhà ai cũng vui mừng, reo lên. Lí do mà nó trở về với cái lồng có thể như cách nghĩ của nhân vật “tôi”. Cái lồng đã giam hãm đôi cánh quá lâu khiến cho nó cảm thấy nhỏ bé, cô đơn trước cái bao la, rộng lớn của trời đất.

Qua lần sổ lồng đầu tiên, chúng ta tưởng chừng chú khướu sẽ không bao giờ bay đi nữa. Thế nhưng, chú khướu vẫn có lần sổ lồng thứ hai. Khác với lần thứ nhất, lần này mọi người không còn lo buồn như trước nữa và đoán rằng lần này nó sẽ lại bay về. Thằng con trai lớn của nhân vật “tôi” lại treo cái lồng ra ngoài trời đợi. Chỉ có riêng thằng út là háo hức tìm chỗ rình xem.

Lần thứ hai, chú khướu trở về vẫn vang lên tiếng hót quen thuộc. Nhưng cái khoảnh khắc chú đang lao xuống thì nghe thấy tiếng hót của con chim lạ và quyết định của chú khướu đã thay đổi “ưỡn ngực, dựng ngược đôi cánh xiên thẳng lên cái nền xanh của bầu trời” vừa bay vừa hót. Có lẽ, tiếng hót của đồng loại đã tiếp thêm cho khướu dũng khí để trở lại với thế giới tự do, bản lĩnh để sải cánh bay khỏi chiếc lồng chật hẹp.

Những ngày sau đó, thằng con của nhân vật “tôi” vẫn treo cái lồng ra ngoài đợi con khướu trở về. Nhân vật “tôi” hiểu rõ rất rằng con khướu sẽ không quay trở về nữa. Anh biết rằng loài chim có đôi cánh là để bay trên bầu trời chứ không phải sống trong chiếc lồng tù túng. Khép lại câu chuyện với ý nghĩ sâu sắc của “tôi” đã cho người đọc cảm nhận được bài học cuộc sống sâu sắc.

Tác giả xây dựng cốt truyện nhẹ nhàng nhưng vẫn thành công mang đến giá trị tốt đẹp cho độc giả. Qua câu chuyện về chú khướu, tác giả kín đáo nhắc nhở nhắc nhở mỗi người cần có tình yêu thiên nhiên, biết lắng nghe và thấu hiểu tự nhiên.

Đọc thêm cách 👉 Viết Văn Bản Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Tác Phẩm Thơ 

Phân Tích Truyện Ngắn Con Khướu Sổ Lồng Đặc Sắc

“Con khướu sổ lồng” trích từ tập truyện “Con mèo của Phu-gi-ta”, là sáng tác tiêu biểu của nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Nguyễn Quang Sáng. Với ngòi bút tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, tác giả đã viết nên một tác phẩm đặc sắc về nội dung và độc đáo trong hình thức nghệ thuật.

Truyện ngắn kể về một con khướu được gia đình nọ nuôi dưỡng. Nó mang đến tiếng hót rất hay. Trong một lần sơ ý, con trai lớn của nhân vật “tôi” đã làm chim bay đi. May mắn thay, nó bay đi rồi lại quay về. Tuy nhiên, lần thứ hai thoát ra khỏi chiếc lồng, chim khướu không quay lại nữa. Từ đây, nhân vật “tôi” bừng tỉnh và thấu hiểu mọi việc “và nó là chim – chim thì phải bay”. “Tôi” đã biết yêu thương, trân trọng thiên nhiên bằng một tấm lòng cao đẹp. Đây cũng chính là chủ đề bao trùm toàn bộ tác phẩm.

Trước hết, con khướu – nhân vật trung tâm của truyện được miêu tả rất cụ thể. Nó sống trong một chiếc lồng tuyệt đẹp “cái lồng tre nổi tiếng của Lạng Sơn”. Nhìn bên ngoài, cái lồng giống như ngôi nhà tí hon, được thiết kế tỉ mỉ, cẩn thận “Mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ hình hoa văn”. Từ trong lồng nhìn ra, con khướu có thể thấy cả khoảng trời bát ngát qua mảnh vườn.

Hàng ngày, cuộc sống của con vật diễn ra thật nhẹ nhàng, thức ăn thức uống đầy đủ, chỉ việc ca hót. Ngoài việc đề cập đến hoàn cảnh sống, tác giả cũng khắc họa vẻ bề ngoài của nó qua một số chi tiết “lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng”. Trái ngược với ngoại hình trông như “một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết”, con khướu có tiếng hót vô cùng trong trẻo, vừa vui vừa xao xuyến.

Âm thanh ấy khiến lòng người trở nên thảnh thơi, thanh thỏa sau những giờ làm việc mệt nhọc. Giờ đây, con khướu giống như một thành viên chính thức trong gia đình, là “người” mang niềm vui đến cho cả nhà. Có thể thấy, sự gắn bó khăng khít giữa gia đình “tôi” và chim khướu đã phá vỡ tầng quan hệ chủ nhà – vật nuôi.

Sau khi giới thiệu con khướu qua lời “tôi” kể, tác giả hướng ngòi bút tới những câu chuyện gắn liền với nhân vật đặc biệt này. Ở phần này, Nguyễn Quang Sáng tập trung thể hiện suy tư, cảm nhận của các thành viên trong nhà.

Lần đầu tiên con khướu bay đi, cậu con trai út vô cùng bồn chồn. Thằng bé đứng ngồi không yên, từng giây từng phút trông ngóng ba “đón tôi từ ngoài cổng, vừa thấy tôi, nó dang hai tay vừa chạy xô tới vừa la: Ba ơi! Chim bay rồi.”. Thậm chí, vào buổi đêm, cu cậu còn thao thức, trăn trở và tỏ ra lo lắng, sốt ruột “Trời mưa lại có gió nữa, con khướu bay đi, nó có sao không ba?”. Không chỉ mỗi mình thằng út, cả nhà ai cũng buồn bã, cảm thấy thiếu vắng điều gì đó. Nhân vật “tôi” sau khi nghe tin chim bay đi thì thảng thốt “ngồi phịch xuống ghế”, trong lòng trống vắng như cái lồng vậy.

Giây phút “thành viên chính thức trong gia đình, không thể thiếu” quay trở về, hót vang trên vòm cây trước nhà, tất cả mọi người đều vui vẻ, phấn khởi. Cả nhà cùng reo lên, cùng ngước cổ nhìn lên. Họ hạnh phúc, vui sướng đón chào một thành viên đi xa, nay đã trở lại. Dường như, lúc này đây, gia đình “tôi” đang vỡ òa trong niềm xúc động. Chỉ riêng có “tôi” là trầm ngâm suy nghĩ về tiếng hót buồn rượi của con vật. “Tôi” liên tưởng đến hình ảnh đứa con bỏ nhà ra đi rồi ân hận trở về nhưng lại không đủ dũng cảm bước vào ngôi nhà thân thương. Một ý nghĩ thật sâu sắc làm sao!

Khi con vật từ vòm lá buông cánh sà vào lồng, cả nhà “tôi” vội vàng lao ra khỏi chỗ nấp. Họ giành nhau bưng cái lồng như thể muốn ôm trọn nó vào lòng. Hành động “vừa lao ra vừa reo lên” không hề thể hiện sự vui vẻ vì nhốt được con khướu mà là niềm hân hoan khi có thể giữ nó ở riêng bên mình. Việc chim sổ lồng bay đi rồi bay về là chuyện hiếm thấy. Phải chăng, con khướu thực sự coi gia đình “tôi” là ngôi nhà, người thân của mình? Hay giống như những gì “tôi” đã nghĩ: chiếc lồng giam hãm con khướu quá lâu, khiến nó cảm thấy chới với khi bay ra bên ngoài rộng lớn.

Lần thứ hai con chim bay đi, cả gia đình không còn lo lắng, trằn trọc như lần đầu nữa. Họ tin rằng nó sẽ quay trở lại, sẽ sà vào chiếc lồng và hót vang. Có thể thấy, niềm tin ấy được dựng xây, phát triển nhờ lòng gắn kết, thấu hiểu. Cậu con trai lớn của nhân vật “tôi” lại hành động giống lần trước, mang chiếc lồng ra treo ngoài trời để đón thành viên gia đình trở về.

Không ai phập phồng, trông mong từng giây từng phút khoảnh khắc con chim bay vào lồng nữa, ngoại trừ con trai út. Chuyện con khướu bay đi mất rồi quay trở về đã chẳng còn là câu chuyện li kì, hấp dẫn sự bàn tán của mọi người. Cậu chuyện ấy bình thường đến mức người ta có thể bình thản đối diện, không chút vội vã hay cuống quýt.

Khi con khướu cánh kề cánh cùng chim mái, bay vút lên trời cao rồi từ đó, không bay về nữa, nhân vật người con lớn vẫn kiên nhẫn chờ. Một sự đợi chờ trong vô vọng, trong tối tăm. Ai cũng tưởng rằng con chim sẽ thuộc lối về, bay đi rồi bay về. Nhưng không, ở thế giới bao la ngoài kia, nó đã tìm được nơi đáng sống.

Cuối cùng, giống như bao lần trước, chỉ có người ba – nhân vật “tôi” mới thực sự bừng tỉnh và thấu hiểu. “Tôi” cảm thấy bản thân có thể cho nó chiếc lồng đầy đủ, tiện nghi nhưng không thể cho nó tự do và đôi cánh tình yêu. Sau cùng, chim thì phải bay, phải cất cao đôi cánh tự do trên bầu trời xa xăm kia. Những ý nghĩ của “tôi” ở kết thúc truyện đã cho thấy nhận thức đúng đắn của nhân vật.

Bằng việc sử dụng thành công ngôi kể thứ nhất, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu và hình ảnh gần gũi, thân thuộc, Nguyễn Quang Sáng đã sáng tạo nên một câu chuyện hết sức hấp dẫn. Hình ảnh con khướu bay đi rồi lại trở về chính là biểu tượng của thiên nhiên tươi đẹp. Thông qua hình tượng này, nhà văn khéo léo bày tỏ thông điệp ý nghĩa về việc yêu, trân trọng tự nhiên cùng cuộc sống.

“Con khướu sổ lồng” không có quá nhiều tình tiết cao trào, kịch tính nhưng nó vẫn có sức cuốn hút, hấp dẫn nhất định. Từ đây, Nguyễn Quang Sáng muốn nhắn nhủ mỗi người hãy biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên từ tấm lòng, tâm hồn cao đẹp.

Xem thêm 👉 Viết Bài Văn Phân Tích Một Tác Phẩm Văn Học 

Phân Tích Con Khướu Sổ Lồng Lớp 10 Chi Tiết

“Con khướu sổ lồng,” là một trích đoạn đặc sắc từ tập truyện “Con mèo của Phu-gi-ta,” một tác phẩm xuất sắc của tác giả nổi tiếng Nguyễn Quang Sáng, người đã ghi dấu ấn trong văn học và biên kịch. Sử dụng một ngòi bút tinh tế và tâm hồn nhạy cảm, tác giả đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, về cả nội dung và hình thức.

Truyện ngắn này kể về một con khướu mà một gia đình nuôi dưỡng. Con khướu này có khả năng hót rất đẹp. Trong một sự không chú ý, con trai lớn của nhân vật chính đã để cho con chim bay đi. May mắn thay, con khướu đã trở về sau lần đó. Nhưng lần thứ hai nó thoát ra khỏi lồng, nó không quay lại nữa. Từ đó, nhân vật chính tỉnh táo và hiểu rằng “và nó là chim – chim thì phải bay.” “Tôi” đã học cách yêu thương, trân trọng tự nhiên, và điều này chính là chủ đề chung của tác phẩm.

Trước hết, con khướu – nhân vật chính trong câu chuyện – được miêu tả một cách chi tiết và cụ thể. Nó sống trong một chiếc lồng đẹp mắt, “cái lồng tre nổi tiếng của Lạng Sơn,” có mái lồng như mái đình và được trang trí với hình hoa văn. Từ bên trong chiếc lồng này, con khướu có thể thấy khoảng trời bát ngát thông qua mảnh vườn.

Cuộc sống của nó hàng ngày rất tĩnh lặng, với đầy đủ thức ăn và nước uống, chỉ cần tập trung vào việc hót. Bên cạnh việc nêu rõ điều kiện sống, tác giả còn mô tả ngoại hình của con khướu với một lớp lông đen và cái chóp trắng trên đầu. Sự phân biệt giữa ngoại hình và âm thanh của con khướu làm cho nó trở nên độc đáo và đặc biệt.

Lối sống của con khướu trong gia đình tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa nó và gia đình. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, đem lại niềm vui cho gia đình.

Sự mất đi của con khướu lần đầu đã tạo ra sự bất ổn, lo lắng trong gia đình, đặc biệt là con trai lớn. Cuộc sống gia đình trở nên không bình thường, và “tôi” tỏ ra buồn bã. Tuy nhiên, khi con khướu quay trở về lần đầu tiên, niềm vui và sự hạnh phúc lan tỏa trong gia đình, tạo ra một bầu không khí ấm áp. Mọi người đều đón chào nó về như một thành viên quý báu trở lại. Tác giả sử dụng tình cảm này để thể hiện sự gắn kết và lòng yêu thương trong gia đình.

Tuy nhiên, lần thứ hai khi con khướu bay đi, gia đình đã trở nên thấp thoáng lo lắng hơn. Họ không còn lo sợ mất nó như lần trước, mà tin tưởng rằng nó sẽ quay trở lại. Con trai lớn của “tôi” vẫn treo lồng để đón chào nó. Sự lặp lại của tình huống này phản ánh sự phát triển của tình cảm và niềm tin trong gia đình.

Cuối cùng, khi con khướu không quay trở lại, nhân vật “tôi” cảm thấy tràn ngập sự thấu hiểu. Ông nhận thức được rằng tự do của con khướu là điều quan trọng, và “tôi” đã hiểu rằng không thể giam giữ nó. Sự kết thúc của câu chuyện phản ánh sự thay đổi trong tâm hồn và nhận thức của “tôi.”

Nguyễn Quang Sáng đã sử dụng một ngôn ngữ đẹp và hình ảnh sống động để tạo ra một câu chuyện sâu sắc về tình cảm, sự kết nối và sự thay đổi trong cuộc sống.

Gợi ý cách 👉 Viết Bài Văn Giới Thiệu Một Cuốn Sách Yêu Thích

Viết một bình luận