Phân Tích Một Tác Phẩm Truyện (Cách Làm + 20 Mẫu Hay)

Tổng hợp 20 mẫu văn phân tích một tác phẩm truyện hay nhất, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như là: Ếch ngồi đáy giếng, cô bé bán diêm,..

NỘI DUNG CHÍNH

Phân Tích Một Tác Phẩm Truyện Là Gì?

Phân tích một tác phẩm truyện là dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm được thể hiện qua những yếu tố cơ bản của thế loại truyện như cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện….

Đón đọc thêm 🔰 Phân Tích Một Tác Phẩm Văn Học 🔰

Cách Phân Tích Một Tác Phẩm Truyện

Tiếp theo sau đây là gợi ý về cách phân tích một tác phẩm truyện để bạn có thể tham khảo.

  • Bước 1. Xác định tác phẩm truyện cần phân tích
    • Có những trường hợp, người ra đề đã ấn định tác phẩm truyện cụ thể trong đề bài
    • Nếu được tự chọn tác phẩm để phân tích, cần liệt kê các tác phẩm mà mình đã học, đã đọc và chọn trong số đó một truyện mà em ấn tượng nhất. Hãy ghi vắn tắt một số thông tin cơ bản: tên tác phẩm, tác giả, thể loại (truyện ngắn hay tiểu thuyết)…
  • Bước 2. Tìm ý
    • Đọc tác phẩm, em có cảm xúc như thế nào? Em ấn tượng nhất với tác phẩm ở điều gì?
    • Nội dung chính của tác phẩm là gì?
    • Chủ đề của truyện là gì?
    • Tác phẩm có những nét đặc sắc gì về hình thức nghệ thuật? Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung?
    • Tác phẩm truyện có ý nghĩa, giá trị gì?
  • Bước 3. Lập dàn ý

Khám phá thêm 🔻 Đẽo Cày Giữa Đường 🔻 phân tích tác phẩm

Dàn Ý Phân Tích Tác Phẩm Truyện

Tham khảo ngay dàn ý phân tích tác phẩm truyện được chia sẻ dưới đây để có thể triển khai bài viết logic nhất.

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm trong đoạn trích bạn vẫn đi cần nghị luận

II. Thân bài:

+ Luận điểm một khái quát chung Nêu hoàn cảnh sáng tác giá trị nội dung khái quát của tác phẩm hoặc Nêu vị trí dẫn dắt nội dung của tác phẩm đến nội dung của đoạn trích

+ Luận điểm hai làm rõ vấn đề nghị luận phân tích làm sáng tỏ vấn đề nghị luận theo yêu cầu của chủ đề chia vấn đề thành các luận điểm và lấy các chi tiết hình ảnh nhân vật để làm sáng tỏ cho luận điểm hoặc phân tích cảm nhận bình luận về một vấn đề trong phạm vi của một đoạn trích

+ Luận điểm 3 đánh giá chung khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích hoặc của tác phẩm

III. Kết bài: Khái quát khẳng định vấn đề nghị luận

Có thể bạn sẽ yêu thích tác phẩm 🌷 Sông Thương Tóc Dài 🌷

20+ Mẫu Phân Tích Tác Phẩm Truyện Ngắn Gọn Hay Nhất

Thohay.vn tuyển chọn 20+ mẫu phân tích tác phẩm truyện ngắn gọn với các tác phẩm nổi tiếng dưới đây.

Phân Tích 1 Tác Phẩm Truyện Chi Tiết – Đi San Mặt Đất

Trong cuộc hành trình của con người trên hành tinh này, việc tìm hiểu về nguồn gốc và cách mà chúng ta kết nối với thiên nhiên luôn là một chủ đề đầy lòng tò mò và sự khám phá. Truyện “Đi san mặt đất” của người Lô Lô không chỉ là một câu chuyện cổ tích, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, là góc nhìn độc đáo vào quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Khi đọc “Đi san mặt đất”, chúng ta được đưa về thời kỳ xa xưa, vào một thế giới đầy huyền bí và phép màu. Truyện kể về hành trình của người Lô Lô xưa trong việc cải tạo thế giới xung quanh, nơi con người và động vật sống chung hòa thuận. Điều này là một minh chứng cho sự kỳ diệu và lòng biết ơn của con người đối với thiên nhiên, và cũng là một biểu hiện của sự chung lòng và tinh thần đồng lòng góp sức của cộng đồng.

Truyện không chỉ mô tả về quá trình cải tạo mặt đất, mà còn là câu chuyện về lòng đoàn kết và sự khôn ngoan trong việc sử dụng tài nguyên. Khi đối mặt với thách thức của một môi trường hoang sơ và khắc nghiệt, người Lô Lô xưa đã tìm ra cách để tận dụng sức mạnh của cộng đồng và của thiên nhiên xung quanh. Họ không chỉ là những người đi san mặt đất, mà còn là những người thầy dạy chúng ta về lòng chung hiến và lòng biết ơn đối với môi trường.

Với sự sáng tạo trong lối diễn đạt và việc sử dụng ngôn ngữ gần gũi, truyện “Đi san mặt đất” không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một bài học sâu sắc về lòng trung hiếu và lòng đoàn kết của con người với thiên nhiên. Đọc truyện này, chúng ta không chỉ cảm thấy kích thích bởi câu chuyện hấp dẫn, mà còn nhận ra giá trị của sự đồng lòng góp sức và lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày.

“Đi san mặt đất” là một hành trình đưa chúng ta trở về nguyên thể, đến những nguồn gốc của cuộc sống và lòng đoàn kết của con người với thiên nhiên. Truyện là một minh chứng cho sức mạnh của truyền thống và lòng biết ơn, là một lời nhắc nhở về giá trị của việc giữ gìn và tôn trọng môi trường xung quanh. Đọc truyện này, chúng ta không chỉ nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu biết và tôn trọng thiên nhiên, mà còn được nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người trong việc duy trì và bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sống.

Đọc chi tiết hơn tác phẩm👉 Đi San Mặt Đất

Phân Tích Một Tác Phẩm Hay Nhất – Những Ngôi Sao Xa Xôi

Để có một cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay những thế hệ cha anh chúng ta đã phải đánh đổi biết bao máu xương và tuổi trẻ của họ. Họ là những chiến sĩ thanh niên xung phong đã chẳng vất vả hy sinh tuổi xuân để lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc. Những con người trân quý ấy đã được nữ nhà văn Lê Minh Khuê phác họa lại trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” để chúng ta, những người được hưởng nền hòa bình độc lập tự do ngày hôm nay được biết đến và dành cho họ những tình cảm, sự tri ân chân thành nhất.

Tác phẩm là câu chuyện về ba người con gái sống dưới hang đá ngày đêm làm những công việc vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm. Những tưởng công việc phá bom, đo lượng đất đá là để dành cho những đấng mày râu sức dài vai rộng vậy mà ở đây những cô gái lại có thể làm tốt công việc này. Đó là ba cô gái Phương Định, chị Nho và Thao.

Họ đều có chung một vẻ đẹp là gan dạ và dũng cảm trên chiến trường. Họ được gọi là tổ trinh sát mặt đường. Họ gỡ mìn dứt khoát, luôn lo lắng cho nhau và nhận trách nhiệm về mình. Sau những giờ căng thẳng trên cao xạ, họ trở về hang giống như một con người khác. Họ chơi đùa với nhau, họ đều có mơ ước, đều mơ mộng và vui vẻ.

Phương Định là cô gái khá xinh, đôi mắt giống như những ngôi sao trên bầu trời vậy. Cô thường nhớ về quá khứ của mình, nơi Hà Nội cổ kính, cô thường hát nghêu ngao khiến cho bác sĩ già bên cạnh không thể nào ngủ nổi. Cô vui khi có cơn mưa đá ở Hà Nội. Cô nhớ về mẹ, nhớ những nếp nhà mái đỏ. Cô thích hát nhưng chẳng thuộc bài nào ra hồn, có lúc cô chế cả lời bài hát. Cô ước mơ mai nay trở thành một người hát trong đội đồng ca hoặc một kiến trúc sư.

Chị Thao đã có chồng, chị mong muốn mai này chồng của mình sẽ làm đại úy còn mình thì làm y sĩ. Chị không biết hát nhưng thích chép lời bài hát, thậm chí còn chép cả lời bịa của Phương Định. Chị gan dạ trên chiến trường nhưng lại sợ con vắt. Chị thích tỉa tót đôi lông mày của mình nhỏ như tăm.

Nhân vật thứ ba là Nho. Cô nàng này rất cá tính và đôi chút bướng bỉnh. Nho thích thêu thùa nhưng toàn thêu những thứ hoa lòe loẹt, mỗi khi người khác chê Nho mặc kệ cùng lắm Nho chỉ nói để cho nó nổi. Nho không thích lấy chồng, hàng ngày vẫn có anh chàng nọ viết thư cho cô. Cô ước mơ mai này trở thành một tay bóng chuyền trong đội tuyển quốc gia.

Ba nhân vật, ba tính cách khác nhau thế nhưng họ đều đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ, gan dạ kiên cường trên chiến trường nhưng cũng lạc quan, yêu đời và mơ mộng những lúc không có bom đạn. Họ như những ngôi sao sáng của bầu trời cách mạng Việt Nam.

Đọc ngay tác phẩm ✅  Những Ngôi Sao Xa Xôi ✅ 

Phân Tích Đánh Giá Một Tác Phẩm Truyện Tiêu Biểu – Chiếc Lá Cuối Cùng

Chiếc lá cuối cùng thuộc phần cuối trong tác phẩm cùng tên của nhà văn người Mĩ O Hen-ri. Truyện là bài ca, ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh tình người giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Đồng thời tác phẩm còn gửi gắm những thông điệp nghệ thuật ý nghĩa.

Trong tác phẩm gồm ba nhân vật chính: Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-men, các nhân vật này được chia làm hai tuyến chính: Giôn-xi sống trong tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá để chờ đến lúc mình lìa đời, cụ Bơ-men và Xiu ra sức chăm sóc và giúp đỡ Giôn-xi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Giôn-xi là một cô họa sĩ nghèo sống trong một nhà trọ tồi tàn ở ngoại ô, cô sống trong cảnh nghèo khổ và bệnh tật (bệnh sưng phổi), đây không phải là căn bệnh khó chữa, nhưng cô đã mất hết niềm tin vào cuộc sống nên bệnh tình ngày càng xấu đi, cô không buồn uống thuốc, chán nản, chỉ đếm những chiếc lá trên cây thường xuân. Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô lìa xa cuộc sống này.

Qua một đêm mưa gió vùi dập, khi chiếc mành cửa được kéo lên, cô vẫn thấy một chiếc lá bám trên tường gạch. Đó quả là một điều khó tin vì đêm qua mưa gió, bão tuyết lớn, vậy mà chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám trên cành cây như vậy. Chính chiếc lá cuối cùng đã làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi, giúp cô lấy lại được nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy, cô đã vượt qua bệnh tật, tiếp tục mang trong mình những ước mơ, hoài bão.

Xiu là bạn cùng phòng với Giôn-xi, cũng là một họa sĩ nghèo, trong những ngày bạn ốm, Xiu đã hết lòng thương yêu, chăm sóc: nấu cháo, lời nói dịu dàng, cử chỉ ân cần dỗ dành Giôn-xi mong cho bạn lấy lại tinh thần, bệnh tật sớm qua khỏi. Trong những ngày Giôn-xi ốm, điều cô lo sợ nhất chính là mở tấm mành cửa lên và thấy chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống.

Vào đêm mưa gió, Xiu không thể ngủ được, cô lo sợ chiếc lá ngoài kia đã bị mưa gió cuốn đi và người bạn Giôn-xi sẽ rời xa mình mãi mãi. Bởi vậy, sáng hôm đó, khi nhận lệnh của Giôn-xi cô chán nản, tuyệt vọng, đầy lo lắng kéo tấm mành lên. Và cô đã vui biết nhường nào khi chiếc lá vẫn còn đó, cô nấu cháo, gọi bác sĩ đến khám bệnh cho Giôn-xi. Chính tình yêu thương, sự quan tâm chân thành của Xiu đã phần nào tiếp thêm động lực sống cho Giôn-xi.

Cụ Bơ-men chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, nhưng tấm lòng, sự hi sinh của cụ lại có ý nghĩa quan trọng nhất với Giôn-xi. Cụ Bơ-men là một họa sĩ già, đã ngoài sáu mươi tuổi, kiếm sống bằng cách ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ trẻ. Hơn bốn mươi năm trong nghề cụ chỉ có một khao khát tột cùng đó là vẽ được một kiệt tác.

Khi biết được tâm trạng chán chường, tuyệt vọng của Giôn-xi cụ hết sức lo lắng và tìm cách cứu sống Giôn-xi. Tình yêu thương của cụ dành cho Giôn-xi thật sâu sắc và cao thượng. Trong đêm tối mưa to gió lớn cụ đã không quản gió lạnh, không lo nghĩ cho sức khỏe, tính mạng mình mà thức suốt đêm bí mật vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng để cứu sống Giôn-xi.

Người họa sĩ già ấy đã quên mình vì người khác – một sự hi sinh thầm lặng, cao cả mà lớn lao. Chiếc lá cuối cùng của cụ xứng đáng là một kiệt tác không chỉ vì nó giống chiếc lá thật đến nỗi khiến cả Giôn-xi và Xiu không nhận ra, mà nó còn chứa đựng niềm hi vọng sống.

Chiếc lá được vẽ bằng cả tài năng và tấm lòng, sự hi sinh cao thượng của cụ Bơ-men. Đồng thời kiệt tác của cụ cũng chứa đựng thông điệp nghệ thuật giàu ý nghĩa: một tác phẩm nghệ thuật thực sự là tác phẩm được tạo ra để phục vụ con người.

Tác phẩm được thuật lại bằng lối kể chuyện hấp dẫn, giàu kịch tính với những chi tiết được lựa chọn kĩ càng, đặc biệt là ở tình huống truyện đảo ngược hai lần. Giôn -xi từ chỗ tuyệt vọng, không còn niềm tin vào cuộc sống đến chỗ lấy lại niềm tin, khỏi bệnh và sống vui vẻ; cụ Bơ-men từ chỗ khỏe mạnh đến chỗ mất đi một cách đột ngột. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Ba nhân vật có cảnh ngộ gần gũi, nhưng mỗi người đều có tính cách riêng. Kết thúc bất ngờ, giàu ý nghĩa tạo dư âm sâu đậm trong lòng người đọc.

Với kết cấu truyện đầy kịch tính, bất ngờ tác phẩm đã cho thấy tình yêu thương cao cả có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Ngoài ra cũng thấy được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật chân chính sinh ra là để phục vụ, vì cuộc sống con người.

Thohay.vn chia sẻ tác phẩm 💫 Chiếc Lá Cuối Cùng 💫

Nghị Luận Phân Tích Đánh Giá Một Tác Phẩm Truyện Nổi Tiếng – Lão Hạc

Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Hai mảng đề tài chính trong các tác phẩm của ông là người nông dân và tri thức nghèo. Một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân là truyện ngắn Lão Hạc.

“Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó để tự tử.

Nhân vật chính trong truyện là lão Hạc, một người nông dân nghèo khổ nhưng sống tình cảm. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của lão khi phải bán đi cậu Vàng. Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu thương con hết mực, luôn nghĩ cho con và dành dụm cho con. Không chỉ vậy, Lão cũng là một người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh hưởng, phiền hà đến bất cứ ai.

Nhân vật ông giáo xuất hiện với vai trò người kể chuyện, xưng “tôi”. Nhân vật này là hàng xóm cũng có thể coi là người bạn tâm giao của lão Hạc. Ông giáo là người được lão Hạc tin tưởng. Lão kể cho ông giáo nghe về việc bán con chó Vàng, lão nhờ ông giáo giữ hô số tiền bán mảnh vườn và con chó để khi con trai của lão trở về sẽ giao lại. Không chỉ vậy, qua nhân vật ông giáo, Nam Cao cũng gửi gắm một số triết lí về cuộc sống, tư tưởng sâu sắc.

Bên cạnh những thành công về nội dung, truyện ngắn còn gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật tác giả sử dụng vô cùng đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Lấy hình ảnh một con người để nói đến một bộ phận người. Tiếp đến là nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật vô cùng tài tình. Sự kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện. Có lúc là giọng văn tự sự mẫu mực, có lúc lại khiến người đọc rưng rưng xúc động với những xúc cảm do tác giả thể hiện.

Lão Hạc của nhà văn Nam Cao xứng đáng là một tác phẩm hay. Truyện không chỉ thành công bởi những giá trị về nội dung mà còn cả bởi giá trị về nghệ thuật.

Đón đọc thêm 🔰 Lão Hạc 🔰 của Nam Cao

Phân Tích Đánh Giá Về Một Tác Phẩm Truyện Ấn Tượng – Tôi Đi Học

Thanh Tịnh đã diễn tả được những kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, đặc biệt là buổi đầu đi học qua dòng suy tư, hồi tưởng của nhân vật tôi trong truyện ngắn “Tôi đi học”.

Mở đầu, tôi đã nhắc đến cơ sở để nhớ lại những kỉ niệm của buổi tựu trường. Đó là thời gian, không gian quen thuộc: “hằng năm cứ vào cuối thu khi lá ngoài đường rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc” hay hình ảnh vẫn thường thấy: “những em bé núp dưới nón mẹ trong buổi đầu đến trường”.

Trong lòng của nhân vật tôi lúc này: “lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man”, “quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy”, “lòng tôi lại tưng bừng rộn rã”. Các từ láy được sử dụng để diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật khi nhớ lại buổi tựu trường như nao nức, mơn man, tưng bừng, rộn rã,… đã góp phần thể hiện sự chuyển biến của tâm trạng từ trong sâu kín đang dần bộc lộ ra bên ngoài. Đó là những cảm xúc trong sáng, thuần khiết biết bao.

Tiếp đến, nhân vật tôi hồi tưởng lại kỉ niệm khi cùng mẹ đến trường. Cảnh vật, con đường vốn đi lại nhiều lần nhưng hôm nay bỗng nhiên thấy lạ. Tôi cũng cảm nhận thấy bản thân dường như đã thay đổi: “Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn hơn”. Đặc biệt suy nghĩ của tôi khi muốn thử sức tự cầm sách vở. Và chính bản thân tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ trong buổi đầu đến trường.

Khi đến trường, khung cảnh trước sân trường Mĩ Lí dày đặc người, ai cũng quần áo sạch sẽ. Không khí tựu trường vui tươi, nhộn nhịp. Điều đó khiến tôi cảm thấy bỡ ngỡ, có chút rụt rè. Đến khi ông đốc gọi tên, tôi lo sợ và nép vào lòng mẹ bật khóc. Nhưng những lời an ủi của ông đốc vang lên khiến đám học sinh an tâm hơn, theo thầy giáo bước vào lớp học.

Khi ngồi trong lớp học, tôi đã cảm thấy mùi hương lạ xông vào lớp học, ngắm nhìn mọi vật xung quanh, không cảm thấy xa lạ với người bạn bên cạnh, nhìn theo cánh chim ngoài kia để nhớ lại kỉ niệm cũ. Và rồi, tôi trở lại với không khí của lớp học: “Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc: Bài viết tập: Tôi đi học”. Đó là cách kết thúc tự nhiên, bất ngờ. Dòng chữ: “Tôi đi học” khép lại truyện ngắn nhưng mở ra một bầu trời mới.

Văn bản Tôi đi học đã nói hộ được những suy nghĩ và tình cảm của rất nhiều người đọc: những cảm xúc của buổi đầu tựu trường, gợi lên trong mỗi người nhớ về những kỉ niệm đó.

Xem thêm tác phẩm 🍀 Tôi Đi Học 🍀 phân tích chi tiết

Viết Bài Văn Phân Tích 1 Tác Phẩm Truyện Ngắn Gọn – Thần Gió

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, câu chuyện Thần Gió được coi là một tác phẩm thần thoại độc đáo, phản ánh tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người và tự nhiên. Tác phẩm này không chỉ mang tính giải trí mà còn thể hiện tinh thần tôn trọng, biết ơn và thấu hiểu đối với những yếu tố vô hình trong cuộc sống hàng ngày.

Trong câu chuyện, Thần Gió được mô tả có hình dáng không đầu và có bảo bối là một chiếc quạt mầu nhiệm. Hình tượng kỳ quặc của Thần Gió thể hiện tính khó lường, khó đoán của tự nhiên. Thần Gió có khả năng điều khiển gió, từ việc tạo ra những cơn gió nhẹ cho đến những cơn bão dữ dội.

Khả năng này thể hiện sự quyền năng và ảnh hưởng của tự nhiên đối với cuộc sống con người. Việc Thần Gió làm gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tùy theo lệnh Ngọc Hoàng phản ánh vai trò của tự nhiên đối với việc sản xuất, thời tiết và sinh kế của người dân. Những hiện tượng thiên nhiên như gió, mưa, sét không chỉ ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp mà còn là một phần không thể thiếu của tự nhiên.

Một phần quan trọng của câu chuyện là sự hiểu lầm của con thần Gió khiến người dân gặp khó khăn và bất hạnh. Sự nghịch ngợm của con thần đã làm rơi bát gạo quý báu vào ao bùn, gây ra mất mùa và thiếu thốn cho một người nông dân. Đây chính là hình ảnh ẩn dụ mưa bão khiến cho người dân mất mùa đói kém. Nó chỉ là một “hiểu lầm” vô tình do sự nghịch ngợm của thần Gió, nhưng hậu quả nó để lại vô cùng to lớn cho những sinh linh dưới mặt đất.

Thần Gió trong văn hóa dân gian Việt Nam là một tác phẩm thần thoại tương đối phong phú, tương tác giữa con người và tự nhiên được thể hiện qua hình tượng Thần Gió và việc ẩn dụ với những thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, không một ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của những cơn gió tinh nghịch ấy.

Xem thêm bài viết đầy đủ về tác phẩm 🌱 Truyện Về Các Vị Thần Sáng Tạo Thế Giới 🌱

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Cuộc Chia Tay Của Những Con Búp Bê Ngắn Nhất

Khánh Hoài là một nhà văn giàu tình yêu thương với trẻ em. Một trong những tác phẩm tiêu biểu đó là truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê”. Từ cuộc chia tay xúc động của hai anh em Thành và Thủy, tác giả đã gửi gắm một bài học ý nghĩa trong cuộc sống.

Câu chuyện kể về một gia đình có hai anh em là Thành và Thủy. Nhưng vì bố mẹ ly hôn nên hai anh em không thể tiếp tục sống với nhau được nữa. Khánh Hoài đã xây dựng một tình huống đặc biệt để cho thấy tình cảm sâu sắc của Thành và Thủy.

Người mẹ yêu cầu hai anh em phải đem đồ chơi ra chia. Nghe thấy tiếng mẹ nói chia đồ chơi mà Thủy không kìm nổi nỗi sợ hãi “bất giác run lên bần bật, kinh hoàng”. Còn Thành thì thầm nghĩ: “Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này”.

Đối mặt với cuộc chia tay, Thành và Thủy đều cảm thấy buồn bã và thật nặng nề. Nhưng điều đó không làm tình cảm của cả hai mất đi. Đến tận bây giờ, hai anh em vẫn nhường nhịn và dành những điều tốt nhất cho nhau, thật đáng trân trọng.

Thành dành hầu hết số đồ chơi cho em: bộ tú lơ khơ, bàn cá ngựa, những con ốc biển và bộ chỉ màu và ngay cả hai con búp bê là Em Nhỏ và Vệ Sĩ. Khi hai anh em về đến nhà thì đã nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, cuộc chia tay quá đột ngột khiến cả hai bàng hoàng. Thủy chạy vào nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho Thành để nó gác cho anh ngủ. Nhưng sau đó, cô bé lại đem cả con Em Nhỏ lại cho anh và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau nữa.

Sau khi chia đồ chơi, Thành đưa em đến trường tạm biệt thầy cô và bạn bè. Khung cảnh ngôi trường hôm nay sao mà thân thương đến vậy. Cô tặng cho Thủy một quyển sổ và một chiếc bút mực nhưng Thủy không dám nhận vì không còn được đi học nữa.

Sau khi từ trường về nhà, Thành và Thủy nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, cuộc chia tay quá đột ngột khiến cả hai bàng hoàng. Thủy chạy vào nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho Thành để nó gác cho anh ngủ. Nhưng sau đó, cô bé lại đem cả con Em Nhỏ lại cho anh và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau nữa.

Dường như đó cũng chính là mong muốn của Thủy. Em mong rằng mình và anh trai sẽ không phải xa cách nhau nữa. Cuộc chia tay diễn ra đẫm nước mắt, buồn bã và đau thương. Cả hai anh em đều sẽ không biết bao giờ mới có thể gặp lại nhau.

Cuộc chia tay của những con búp bê đã gợi cho người lớn bao suy nghĩ về trách nhiệm của mình, về việc gìn giữ mái ấm hạnh phúc để cho con cái được vui vẻ, trọn vẹn yêu thương.

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Chiếc Thuyền Ngoài Xa Đặc Sắc

Nguyễn Minh Châu là “nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” đã thể hiện nhiều quan niệm sâu sắc về con người và nghệ thuật.

Theo yêu cầu của trưởng phòng, nhiếp ảnh Phùng quyết định đi về một vùng biển cách Hà Nội ngoài sáu trăm cây số để thực hiện một bộ sưu tập chuyên đề về thuyền và biển. Nhân chuyến đi, anh cũng muốn thăm người đồng đội cũ của mình là Đẩu – nay đã là chánh án của một tòa án huyện. Phùng đã phục kích mấy buổi sáng mà vẫn chưa chụp được bức ảnh nào.

Sau nhiều ngày, anh đã chớp được ra một cảnh trời cho đắt giá mà trong cảm nhận của Phùng nó giống như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Trước vẻ đẹp đó, Phùng cảm thấy bối rối: “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”, nhận ra rằng “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Đó chính là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi bắt gặp cái đẹp khiến anh nhận ra vai trò thực sự của nghệ thuật.

Nhưng đằng sau vẻ đẹp đó, Phùng lại chứng kiến một cảnh tượng đau lòng. Từ chiếc thuyền nhỏ đẹp đẽ vừa rồi, một người đàn bà thô kệch xấu xí, mặt đầy sự mệt mỏi bước ra và một lão chồng với tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ, đôi mắt độc dữ cùng bước ra từ con thuyền.

Ông chồng đã “dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, “vừa đánh vừa nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”. Chứng kiến cảnh tượng đó, Phùng cảm thấy kinh ngạc. Anh ngỡ ngàng nhận ra bản chất thực sự của cái đẹp anh vừa bắt được. Qua hai phát hiện này, Nguyễn Minh Châu muốn nói đến đằng sau cái đẹp của ngoại cảnh là cái xấu xa của cuộc sống bị khuất lấp. Người họa sĩ cần phải có cái nhìn đa diện trước cuộc sống.

Câu chuyện về người đàn bà hàng chài tiếp tục được gợi mở. Mấy ngày sau đó, chị ta được chánh án Đẩu mời lên tòa. Tại đây Đẩu khuyên chị hãy bỏ người chồng vũ phu: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu.

Chị nghĩ thế nào?”. Thế nhưng, khi chánh án Đẩu nhắc đến chuyện ly hôn, chị ta lại van xin “Con lạy quý tòa … Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”. Câu trả lời của người đàn bà hàng chài khiến cho Phùng cảm thấy gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt và phải bước ra. Sự xuất hiện của anh đã khiến người đàn bà cảm thấy lo sợ.

Nhưng khi nghe Đẩu nói, trái với vẻ sợ sệt lúc ban đầu, người đàn bà hiện lên là một người phụ nữ từng trải: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu phải là người làm ăn…”. Chị đã nhận mọi lỗi lầm về mình “Giá tôi đẻ ít đi…”, hiểu được nỗi khổ của chồng “người đàn ông bản chất vốn không phải kẻ vũ phu, độc ác, anh ta chỉ là nạn nhân của cuộc sống đói khổ. Người chồng là chỗ dựa khi có biển động…”.

Và chấp nhận hy sinh vì các con: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ…”, “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con chúng nó được ăn no”… Hình ảnh người đàn bà hàng chài chính là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói khổ, cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường.

Nhưng ở chị ta lại có một tâm hồn vị tha, tình yêu thương tha thiết và là người từng trải, sâu sắc. Sau câu chuyện này, Phùng đã hiểu ra không thể đơn giản, một chiều mà phải có cái nhìn đa chiều đa diện để hiểu đúng bản chất của đối tượng và phát hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn sâu xa sau lớp vẻ ngoài xù xì, thô nhám của cuộc sống.

Như vậy, Chiếc thuyền ngoài xa đã gửi gắm một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

Cập nhật cho bạn đọc tác phẩm 🍀 Chiếc Thuyền Ngoài Xa 🍀

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Vợ Chồng A Phủ Nâng Cao

Tô Hoài là một trong những tác giả lớn của nền văn học Việt Nam. Với vốn hiểu biết sâu rộng, phong phú, ông đã để lại cho đời vô số tác phẩm giàu ý nghĩa. Trong đó, không thể không kể đến “Vợ chồng A Phủ”. Truyện ngắn đã tái hiện thành công hình ảnh đẹp đẽ, giàu sức sống của nhân dân Tây Bắc. Đồng thời, phê phán sự lộng hành của bọn cường quyền ác bá.

“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn được rút ra từ tập “Tây Bắc”. Với lối trần thuật tự nhiên cùng vốn từ vựng rộng, bình dân, thông tục, Tô Hoài đã đem đến cho độc giả câu chuyện về Mị và A Phủ.

Đây là những con người lương thiện, phải chịu cảnh đau khổ vì chế độ thực dân, bị bọn chủ đất ức hiếp, chèn ép. Họ đã dám vùng lên chống trả, tìm đến tương lai tự do, hạnh phúc cho chính mình. Qua hai nhân vật chính, tác giả đồng thời bày tỏ tình yêu thương dành cho bà con dân tộc trên vùng núi Tây Bắc.

Thể hiện rõ nhất tư tưởng chủ đề của tác phẩm phải kể đến Mị. Đây vốn là một cô gái xinh đẹp, vui tươi, yêu đời. Vì món nợ của gia đình, cô buộc phải chấp nhận về làm dâu nhà thống lí Pá Tra. Từ đó, cuộc sống của Mị trở nên tù túng, khổ đau hơn bao giờ hết.

Cô không chỉ phải chịu tra tấn về thể xác mà còn cả về tinh thần. Mị bị bắt làm việc bất kể ngày đêm, chẳng bằng con trâu, con ngựa. A Sử – chồng của Mị, cũng thường xuyên đánh đập, chửi mắng cô không thương tiếc. Trong đêm tình mùa xuân, với tâm hồn tươi trẻ, Mị muốn đi chơi, muốn được hòa mình vào không khí vui tươi ngoài kia. Ấy vậy mà A Sử lại đánh Mị, trói cô vào cột.

Lúc này đây. Mị đã tuyệt vọng hoàn toàn. Cô không còn chút hi vọng nào về một cuộc sống tươi đẹp, tự do như những ngày xưa cũ nữa. Giờ đây, cô phải chấp nhận sống trong chốn “ngục tù” đầy rẫy đau khổ này. Tận khi nhìn A Phủ bị trói đứng, cô vẫn “thản nhiên thổi lửa hơ tay”. Mị biết số phận của anh ta và Mị giống nhau, làm sao có thể vượt thoát ra được.

Nhưng rồi, thấy giọt nước mắt lăn trên “hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị chợt thức tỉnh. Cô đau đớn, xót xa nghĩ về cuộc đời mình, về những đắng cay, tủi cực đã chịu đựng bao năm qua, về cả sự độc ác của nhà thống lí. Và cô đã quyết định cắt dây trói, thả A Phủ đi rồi cũng chạy vụt theo, tránh xa khỏi nơi tăm tối này. Có thể nói, Mị chính là đại diện cho những số phận bé nhỏ bị chà đạp, không có cả quyền làm người trong cái xã hội đầy bất công ấy.

Bên cạnh đó, nhân vật A Phủ cũng góp phần không nhỏ truyền tải tư tưởng của tác phẩm. Mất cha mẹ từ nhỏ, A Phủ bị coi như một món hàng để đem ra trao đổi. Không muốn chịu đựng cảnh đó , anh đã bỏ trốn rồi lưu lạc đến Hồng Ngài.

Tuy có cuộc sống khốn khó nhưng anh chưa bao giờ mất đi những phẩm chất đáng quý. A Phủ mạnh mẽ, tính tình phóng khoáng, giàu nghị lực và khát vọng sống. Bằng hai bàn tay trắng, anh tự mình lao động, làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ấy vậy nhưng xã hội bấy giờ đâu có tha cho những con người lương thiện.

Anh cũng phải vào làm người ở trong nhà thống lí để trừ nợ, thường xuyên bị đánh đập, hành hạ không thương tiếc. Rồi chỉ vì để hổ bắt mất bò, A Phủ bị phạt trói đứng vào cột nhà, bỏ mặc cho chết đói, chết khát. Dù đã sức cùng lực kiệt nhưng khi thấy cơ hội vượt thoát khỏi cái chốn ngục tù này, anh vẫn “quật sức vùng lên, chạy”. Hành động đó đã cho độc giả thấy được khát vọng sống mãnh liệt tiềm tàng trong mỗi con người.

Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã phản ánh vô cùng chân thực những mảnh đời bất hạnh dưới sự áp bức, thống trị mà bọn thực dân, chúa đất gây nên. Đồng thời, ca ngợi tinh thần phản kháng, sức sống mãnh liệt của bà con nhân dân Tây Bắc. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế cùng cách miêu tả giàu tính tạo hình, đậm chất thơ và phong vị dân tộc, nhà văn đã đem đến bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” chính là minh chứng cho tài năng vượt trội của Tô Hoài về mảng văn xuôi. Với tác phẩm, ông đã khẳng định được vị thế của mình trong dòng chảy không ngừng của văn học. Qua đó, thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả cùng sự phê phán, tố cáo chế độ cai trị tàn bạo đã hành hạ, chèn ép con người khi xưa.

Đọc thêm tác phẩm  ✅ Vợ Chồng A Phủ  ✅

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh Chọn Lọc

Trong kho tàng truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian Việt Nam. Câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là một câu chuyện gắn bó với tuổi thơ của nước ta, mà không một bạn nhỏ nào không biết. Nó cũng là một câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm nhất là nhân vật Sơn Tinh.

Mỗi chi tiết của nhân vật này đều mang những ý nghĩa riêng của nó. Nó đã giải thích và nói lên tất cả ý chí của con người không bao giờ khuất phục sức mạnh của thiên nhiên. Người nông dân của nước ta là những người kiên cường, chiến thắng nhiều thiên tai lũ lụt, chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược lớn mạnh.

Nếu như nhân vật Thủy Tinh là đại diện cho tự nhiên, thiên tai gió bão, lũ lụt. Thì nhân vật Sơn Tinh lại chính là nhân vật đại diện của người dân của nước ta, kiên cường bất khuất, anh dũng, mưu trí, không chịu đầu hàng số phận, thiên nhiên. Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh mang tính truyền thuyết được kể lại truyền miệng từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên dù ở thế hệ nào thì nội dung ý nghĩa của câu chuyện vẫn là một hình ảnh vô cùng tươi đẹp trong sáng trong nền văn học của nước ta.

Truyện truyền thuyết bắt đầu khi vua Hùng Vương đời thứ 18 có người con gái vô cùng xinh đẹp nết na, được vạn người mê tên là Mị Nương. Nàng xinh như tiên nữ giáng trần, tính nết vô cùng thục nữ, lại may vá thêu thùa nữ công gia chánh đều tài giỏi hoàn mỹ.

Do đó, vua Hùng Vương muốn kén cho nàng một người chồng như ý. Rồi một ngày nhà vua Hùng Vương gặp được hai chàng trai, một người từ vùng biển cả mênh mông, vô cùng tài giỏi, xuất chúng hô mưa gọi gió, vô cùng thần thông quảng đại. Một người là tướng lĩnh của vùng non cao, có thể xây núi lấp sông, dựng thành xây lũy cũng không kém phần tuấn tú và tài giỏi.

Hai chàng trai mười phân vẹn mười làm cho vua Hùng Vương vô cùng suy nghĩ không biết chọn ai. Rồi cuối cùng vua Hùng Vương nói hai người đều tài giỏi cả, mà ta chỉ có duy nhất một cô con gái vì vậy ta đưa ra sính lễ như sau. Ai mang tới trước ta gả con gái ta cho người đó.

Sính lễ bao gồm “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Lễ vật là thứ xưa nay khó kiếm trong nhân gian nên cả hai chàng trai Sơn Tinh và Thủy Tinh đều vất vả mới có thể tìm thấy. Tuy nhiên, nhưng do Sơn Tinh tới trước nên vua Hùng Vương đã giữ lời gả con gái của mình là Mị Nương cho chàng trai núi Tản Viên này.

Thủy Tinh tới chậm hơn, không lấy được vợ nên vô cùng tức giận, năm nào cũng đến hẹn lại lên Thủy Tinh đều hô mưa gọi gió, gây thiên tai, bão lũ cho người dân trong vùng nhằm nhấn chìm núi Tản Viên cướp Mị Nương về tay mình. Tuy nhiên, Thủy Tinh tài giỏi bao nhiêu thì Sơn Tinh anh hùng, kiên cường bấy nhiêu. Nước dâng cao bao nhiêu thì Sơn Tinh cho núi cao thêm bấy nhiêu, nên sau nhiều năm giao chiến nhưng năm nào Thủy Tinh cũng thua trận và không cướp được Mị Nương về tay mình.

Nhân vật Sơn Tinh anh hùng kiên cường trước gió bão, lũ lụt, chính là những người dân lao động của nước ta. Năm nào họ cũng phải chống chọi lại với những trận chiến từ thiên nhiên, chịu nhiều thiên tai dội xuống đầu, nhưng không bao giờ người dân thua cuộc. Họ luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. Thông qua nhân vật Sơn Tinh và câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh người đọc có thể thấy được truyền thống tốt đẹp của người nông dân nước ta. Trong khó khăn họ thường xuyên đoàn kết, yêu thương nhau, cùng nhau chống lại sức mạnh thiên nhiên vượt lên thiên tai khắc nghiệt.

Dù cuộc sống con người sẽ có những lúc gặp khó khăn nhưng những khó khăn đó chỉ là những thử thách khiến cho chúng ta kiên cường, trưởng thành hơn mà thôi. Nó không bao giờ là cho người dân của nước ta nhụt chí. Thông qua nhân vật Sơn Tinh làm cho người đọc cảm thấy vô cùng khâm phục những ý chí, lòng quyết tâm, sự kiên cường mà người nông dân thời xưa phải đối diện trong cuộc sống của mình. Dù trong hoàn cảnh nào họ cũng không bao giờ chịu khuất phục mà luôn chiến thắng.

Đọc thêm  🔰 Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh 🔰 nội dung phân tích

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Dế Mèn Phiêu Lưu Ký Hay Nhất

Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm xuất sắc và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài về thế giới của loài vật, dành cho độc giả thiếu nhi. Trong truyện, Dế Mèn là nhân vật chính đã trải qua những cuộc phiêu lưu thú vị và đầy mạo hiểm.

Sự trải nghiệm cuộc đời của Dế Mèn, những bài học mà chú rút ra qua những khó khăn và thách thức là hành trang quý báu giúp Mèn trở thành một chú Dế cao thượng. Cuộc đời của Dế Mèn là một bài học lớn – đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Từ những ngày đầu, Dế Mèn được mẹ cho ra ở riêng, sống độc lập. Trải qua những thử thách, Dế Mèn nhận thức được cuộc sống phức tạp. Sự mất mát đau lòng của Dế Choắt là bài học quan trọng, làm Mèn nhận ra lỗi lầm và học được từ trải nghiệm đau khổ. Dế Mèn đã trải qua những thay đổi tính cách và quyết tâm sửa chữa bản thân.

Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn không chỉ là hành trình vượt qua khó khăn mà còn là bài học về tình bạn, lòng nhân ái và niềm tin vào cuộc sống. Dế Mèn đã trưởng thành, học được từ những sai lầm, và trở thành một con dế có trái tim cao thượng. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn là hành trình của sự lớn lên, nhận thức và yêu thương đời sống.

Tác phẩm này giúp chúng ta nhận ra rằng trường đời chính là ngôi trường quý giá nhất để rèn luyện con người. Dế Mèn đã đi qua những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, học được những bài học quý báu, và trở thành một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong truyện đồng thoại của Tô Hoài.

Xem ngay tác phẩm ✅ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký ✅phân tích chi tiết

Phân Tích Truyện Bức Tranh Của Em Gái Tôi Đầy Đủ Ý

Một trong những tác phẩm khá tiêu biểu khi viết về tình cảm gia đình đó là truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của nhà văn Tạ Duy Anh.

Truyện xoay quanh hai nhân vật: người anh và cô em gái – Kiều Phương, một cô bé có tài năng hội hoạ. Kiều Phương cũng giống như biết bao đứa trẻ cùng tuổi khác là một cô bé nghịch ngợm, và đối với người anh trai đó là một chuyện rất bình thường và gọi em gái là Mèo.

Nhưng đến khi chú Tiến Lê – một họa sĩ, là bạn thân của bố Kiều Phương phát hiện ra tài năng hội họa của Kiều Phương. Mọi người trong gia đình đi từ ngạc nhiên, đến bất ngờ, rồi đổ dồn mọi sự chú ý đến người em. Điều đó khiến người anh bỗng cảm thấy tự ti, mặc cảm vì mình không có bất cứ một tài năng nào cả. Thậm chí, người anh còn cảm thấy ghen ghét, đố kỵ với em gái mình.

Chỉ đến khi được nhìn thấy bức tranh đạt giải Nhất của Kiều Phương, người anh đã đi từ ngỡ ngàng đến hãnh diện và sau cùng là xấu hổ. Kiều Phương đã vẽ anh trai mình. Tác giả đã thật tinh tế khi miêu tả: “Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh.

Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa” để từ đó bộc lộ tâm trạng của người anh. Cậu “giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ”. Người anh đã tự hỏi chính mình rằng: “Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư?”. Và cũng chính nhờ bức tranh mà người anh đã nhận ra được lỗi lầm của mình.

Truyện được kể lại theo ngôi thứ nhất, với điểm nhìn của người anh. Lối kể hồn nhiên này đã góp phần tạo độ tin cậy và tính chân thực cho người đọc. Đặc biệt trong truyện tác giả đã miêu tả rất tinh tế diễn biến tâm lí nhân vật. Người đọc như được hóa thân thành nhân vật qua từng câu chữ của tác giả. Ngôn ngữ trong truyện hết sức tự nhiên, góp phần bộc lộ được tình cảm của các nhân vật.

Như vậy, truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” là một câu chuyện đầy ý nghĩa về tình cảm anh em. Tác phẩm đã thể hiện được những nét phong cách riêng của nhà văn Tạ Duy Anh.

Đừng vội bỏ lỡ phân tích 🌸 Bức Tranh Của Em Gái Tôi 🌸

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Xe Đêm Ngắn Gọn

Côn-xtan-tin Pau-xtốp-xki là nhà văn nổi tiếng người Nga. Truyện ngắn Xe đêm là một tác phẩm tiêu biểu của ông.

Nội dung của truyện kể về cuộc gặp gỡ của nhà văn An-đéc-xen với ba cô gái. Trên chuyến xe đêm từ Vơ-ni-dơ đến Vê-rô-na, An-đéc-xen cùng đi với hai hành khách khác là một nhà tu hành, một thiếu phụ. Họ tình cờ gặp ba cô gái muốn lên xe nhưng không có tiền. Vì vậy, An-đéc-xen đã giúp trả tiền cho họ.

Sau khi lên xe, để góp vui, An-đéc-xen đã trò chuyện với ba cô gái, thử tượng tượng về cuộc sống, tiên đoán về hạnh phúc và tương lai của họ. Với Ni-cô-li-a, An-đéc-xen tiên đoán “nếu chẳng may có chuyện gì không lành xảy ra với người yêu của cô, cô sẽ chẳng đắn đo suy tính, lên đường, vượt qua ngàn dặm, qua núi tuyết và sa mạc khô cằn để gặp chàng, cứu chàng khỏi cơn nguy khốn”.

Với Ma-ri-a, An-đéc-xen tiên đoán cô sẽ “gặp được một người xứng đáng với trái tim nhiều mong muốn của cô” và “người đó tất nhiên phải là một người tuyệt vời”, “có một tâm hồn lớn lao”. Với An-na, An-đéc-xen tiên đoán cô sẽ hạnh phúc với sự bận bịu khi chăm sóc những đứa con và chồng tương lai sẽ “đỡ cô một tay trong mọi việc”. Họ say sưa lắng nghe cho đến khi đến nơi. Trong những lời tiên tri của mình, An-đéc-xen đã gửi gắm tình cảm đôn hậu, dịu dàng, mong muốn các cô gái đều có tương lai tốt đẹp.

Qua truyện ngắn Xe đêm, nhà văn đã bộc lộ thái độ trân trọng, yêu mến dành cho An-đéc-xen. Truyện gửi gắm thông điệp về sức mạnh của trí tưởng tượng và ảnh hưởng của nó trong văn chương cũng như trong đời sống. Bên cạnh giá trị nội dung, truyện còn thành công nhờ giá trị nghệ thuật.

Tác giả đã sử dụng kết hợp hiện thực và tưởng tượng, nhân vật An-đéc-xen hiện lên qua cả những dấu ấn trong đời thực và những tưởng tượng, hư cấu. Nhân vật trong truyện hiện lên vừa sống động, vừa sắc nét qua lời đối thoại, vừa có chiều sâu qua lời người kể chuyện. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ trong sáng, đậm chất thơ cùng với nghệ thuật tạo dựng không gian, thời gian đã góp phần làm nên nét độc đáo trong truyện.

Xe đêm mang đậm phong cách sáng tác của nhà văn Côn-xtan-tin Pau-xtốp-xki. Truyện gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc.

Chia sẻ 💚 Truyện Xe Đêm 💚 phân tích tác phẩm chi tiết

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Chiếc Lược Ngà Chi Tiết

Nguyễn Quang Sáng viết tác phẩm “Chiếc lược ngà” khi mà miền Bắc nước ta đã giải phóng đang tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, tăng gia sản xuất và chi viện cho tiền tuyến Miền Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nam – Bắc chia hai nhiều người con miền Bắc đã phải đi bộ dọc rừng Trường Sơn để vào Miền Nam đánh Mỹ cứu nước thống nhất nước nhà, nhiều gia đình vì thế mà ly biệt.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” tố cáo tội ác của chiến tranh, tố cáo chiến tranh phi nghĩa mà giặc Mỹ đã gieo xuống dân tộc ta, làm cho đất nước ta phải chia hai. Nhiều người con phải xa cha, người vợ xa chồng.

Truyện ngắn kể về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của anh Sáu một chiến sĩ cách mạng với ba ngày nghỉ phép về thăm nhà, được gặp cô con gái đầu lòng chưa từng nhìn thấy mặt. Con bé Thu không nhận ra ba mình, bởi nó chỉ nhìn thấy hình ảnh anh Sáu qua bức ảnh chụp ngày ba mẹ cưới nhau. Còn anh Sáu hiện tại thì già hơn, sương gió hơn, đặc biệt là vết sẹo do chiến tranh để lại làm khuôn mặt anh có nhiều biến dạng.

Thu là một có bé cá tính, có chút ngang ngạnh, gai góc. Nhưng cũng là người sống vô cùng nội tâm, sâu sắc. Những ngày anh Sáu về phép nó nhất quyết không chịu nhận anh làm ba. Nói năng với anh chỉ trống không. Nhưng khi anh sắp phải lên đường đi công tác nhận nhiệm vụ mới, thì nó òa khóc. Ôm chầm lấy ba mà nói “Không cho ba đi. Ba phải ở nhà với con”. Tình cảm cha con thật thiêng liêng, xúc động khiến nhiều người đọc phải nghẹn ngào bật khóc.

Tác giả Nguyễn Quang Sáng đã vô cùng tinh tế khi khắc họa cô bé Thu láu lỉnh, gai góc nhưng có cá tính riêng, nội tâm sâu sắc. Anh Sáu là người cha thương con, nhẫn nhịn thể hiện tình cảm cha con bền chặt, ruột thịt gắn bó không gì có thể chia cắt được.

Những ngày ở khu căn cứ, anh Sáu đã dành thời gian tình cảm của mình làm tặng cho con gái một chiếc lược ngà để tặng cô con gái bé bỏng. Trong một trận càn của giặc, không may anh Sáu bị thương nặng. Trước lúc nhắm mắt, anh chỉ biết trao cây lược ngà cho người bạn thân, đồng đội chiến đấu của mình để mang về tặng cô con gái giúp mình.

Món quà đầu tiên và cũng là cuối cùng chứa đựng biết bao tình cảm sâu sắc, thiêng liêng của người cha dành cho con. Tình huống truyện vô cùng độc đáo, thể hiện nỗi đau của chiến tranh khi đã làm tan nát nhiều gia đình hạnh phúc, yên ấm.

Tình huống truyện được tác giả Nguyễn Quang Sáng thể hiện vô cùng khéo léo, tinh tế: Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai cha sau bao năm xa cách. Bé Thu là một cô bé mong muốn có cha, luôn khao khát gặp ba. Nhưng khi gặp ba thì em lại không nhận ra. Sự lạnh nhạt của em dành cho ba ông Sáu trong những ngày nghỉ phép thể hiện sự trẻ con của một cô bé tám tuổi.

Anh Sáu khi được nghỉ phép về nhà nhìn thấy con gái anh vui mừng ôm chầm lấy con bằng tình cảm nồng nàn của người cha phải xa đứa con gái bé bỏng lâu ngày. Nhưng đáp lại tình cảm của anh con bé Thu chỉ hững hờ tránh né, tỏ vẻ xa lánh và coi anh như người lạ.

Khi má bảo gọi bà vào ăn cơm con bé chỉ ra ngoài và đáp trống không “Vô ăn cơm”. Kể cả khi má không có nhà nó muốn nhờ anh Sáu bỏ bớt nước nồi cơm cho mình nhưng không biết xưng hô như thế nào. Nó cũng nói trống không nhất quyết không gọi anh Sáu bằng ba. Không nhờ anh Sáu. Anh Sáu im lặng chú ý xem con định làm như thế nào thì con bé nhanh nhẹn lấy muôi múc từng ít nước bỏ đi cho cơm khỏi nhão.

Trong bữa ăn cơm anh Sáu thương con gắp thức ăn cho nó nhưng nó hất tay anh ra làm cho miếng thức ăn rơi xuống đất, hành động của nó khiến anh giận dữ và đánh cho con bé một cái vào mông. Con bé bỏ cơm rồi chèo thuyền sang nhà bà ngoại.

Diễn biến tâm lý của cô bé Thu được tác giả Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất sinh động chi tiết, khiến người đọc cảm nhận được cô bé là người cá tính, gai góc giống như một con nhím nhỏ luôn xù lông của mình ra để bảo vệ lớp thịt mềm yếu bên trong. Nội tâm của con bé Thu vô cùng sâu sắc, tình cảm.

Trong thái độ cứng đầu của bé Thu thể hiện tình cảm thiêng liêng mãnh liệt của cô bé dành cho cha mình, bởi cô bé không biết ông Sáu mặt có vết sẹo kia chính là ông Sáu trong bức hình chụp cùng mẹ ngày cưới. Nên cô bé mới có thái độ chống đối như vậy mà thôi.

Ba ngày phép ngắn ngủi rồi cũng qua, ngày ông Sáu chuẩn bị lên đường đang bịn rịn chia tay người nhà thì bất chợt cô bé Thu cất tiếng gọi rồi nó lao vào ôm ba “không cho ba đi” vừa nói nó vừa khóc, nghe thật cảm động xót xa, thể hiện tình cảm của một người con không muốn ba mình đi xa. Tiếng ba mà cô bé Thu gọi thể hiện sự dồn nén bao lâu trong tâm hồn cô bé. Nó là tiếng gọi tha thiết từ đáy lòng của người con dành cho ba của mình.

Tác phẩm Chiếc lược ngà hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản nhưng chặt chẽ. Tác giả đã khai thác tâm lý nhân vật vô cùng tinh tế, thể hiện sự chuyển đổi tâm lý nhân vật vô cùng sâu sắc, khắc họa thành công nhân vật bé Thu vừa trẻ con ngây thơ, vừa người lớn gan góc cứng đầu. Nhưng dù ở hướng nào thì cô bé Thu cũng là người con vô cùng đáng yêu.

Sự hy sinh của anh Sáu và kỷ vật mà anh để lại cho con gái mình khiến cho nhiều người đọc cảm thấy xót xa, nghẹn ngào, tội ác của chiến tranh là vô cùng to lớn. Chính chiến tranh đã làm cho những người con không được gần cha, nhiều người vợ không được gần chồng. Nhiều gia đình ly tán.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” đã miêu tả thành công, xúc động sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật bé Thu và tình cảm sâu sắc của người cha anh Sáu dành cho cô con gái bé bỏng của mình.

Đọc thêm tác phẩm 👉 Chiếc Lược Ngà 👉 phân tích tác phẩm truyện

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Gió Lạnh Đầu Mùa Siêu Hay

Thạch Lam là một nhà văn lãng mạn khá nổi tiếng. Trong các tác phẩm của ông, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa đã gây được nhiều ấn tượng, mang đậm dấu ấn của nhà văn này.

Truyện xoay quanh nhân vật chính là Sơn và Lan. Mở đầu tác phẩm, nhà văn đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên lúc giao mùa – thời tiết chuyển sang mùa đông.

Nhân vật Sơn ngủ dậy thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị… đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Những câu văn miêu tả đầy tinh tế, khéo léo.

Tiếp đến, tác giả đã khắc họa khung cảnh sinh hoạt của gia đình Sơn lúc sáng sớm. Khi Sơn thức dậy thì mọi người trong nhà đều đã dậy từ lâu. Mẹ Sơn và chị Lan đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Thấy Sơn, mẹ Sơn liền bảo Lan bê thúng quần áo ra.

Nhìn chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành, mẹ Sơn nói: “Đây là cái áo của cô Duyên đấy”. Còn người vú già “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Nghe vậy, Sơn cũng “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Cái áo bông chính là kỉ vật gợi lên tình cảm mẫu tử thiêng liêng, tình anh em sâu đậm và tình thương của vú già nhân hậu.

Sơn được mặc cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm. Sơn rủ chị Lan ra chợ chơi cùng lũ trẻ em sống ở gần chợ. Khi nhìn thấy chị em Sơn với những chiếc áo ấm thì liền đến gần xuýt xoa khen ngợi. Hình ảnh những đứa trẻ nghèo hiện lên đầy chân thực mà xót xa. Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc vẫn mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”.

Đặc biệt nhất là hình ảnh của cô bé Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Thấy vậy, Sơn đã “động lòng thương” và chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Hai chị em bàn nhau về nhà lấy chiếc áo bông cũ đem cho Hiên. Chiếc áo chứa đựng biết bao tình người, thể hiện tình cảm san sẻ của một đứa trẻ có một trái tim giàu tình yêu thương.

Phần cuối truyện trở nên hấp dẫn hơn khi Sơn và Lan về nhà nghe người vú già nói mẹ đã biết chuyện. Cả hai lo sợ nên sang tìm Hiên để đòi lại chiếc áo nhưng không thấy cô bé đâu. Đến khi về nhà đã thấy mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả mẹ của Sơn.

Hành động này thể cho thấy có những con người trong xã hội xưa, dù sống khó khăn, khổ cực nhưng vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Mẹ Sơn biết rõ mọi chuyện, cũng đã cho mẹ Hiên vay tiền để may áo cho con. Điều đó thể hiện được tấm lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương thật đáng trân trọng và khâm phục. Có lẽ, Sơn và Lan có được tấm lòng nhân hậu đó từ người mẹ của mình.

Qua Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam đã ca ngợi tình yêu thương, tấm lòng nhân ái của con người. Với giọng văn nhẹ nhàng, ngôn ngữ bình dị, nhưng truyện lại để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Cô Bé Bán Diêm Xuất Sắc

Truyện ngắn Cô bé bán diêm của nhà văn An-đéc-xen đã để lại những dư âm, ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Không chỉ vậy đó còn là niềm cảm thương vô hạn cho số phận bất hạnh, đầy bi thương của nhà văn với cô bé bán diêm.

Hoàn cảnh của cô bé vô cùng thương cảm, ngay từ những lời đầu tiên giới thiệu về hoàn cảnh của cô bé đã khiến người đọc phải rơi nước mắt: bà và mẹ những người yêu thương em nhất đều đã qua đời, em sống chui rúc với bố trong một căn gác tối tăm, chật chội. Người bố có lẽ vì cuộc sống nghèo túng, khó khăn nên đâm ra khó tính, đối xử tệ bạc với em: hay mắng nhiếc, chửi rủa em.

Trong đêm đông giá rét em phải mang những phong diêm đi bán để kiếm sống nuôi bản thân. Mặc dù có nhà song em không dám về vì nếu về mà không mang được đồng xu nào tất sẽ bị cha em mắng chửi. Người cha vô lương tâm, lời lẽ hành động thiếu tình thương đã khiến cô bé bất hạnh phải ở bên ngoài trong đêm đông giá lạnh, trong gió và mưa tuyết mỗi lúc một nhiều.

Xót thương biết bao trong ngày cuối cùng của năm ai ai cũng được quay quần bên gia đình còn cô bé thì đầu trần, chân đất lang thang ngoài trời đông giá rét, tuyết phủ trắng xóa. Xung quanh em đường phố, nhà cửa đã lên đèn, không gian thật ấm cúng, hạnh phúc, mùi ngỗng sực nức khắp nơi, còn em đã đi cả ngày mà không bán được bao diêm nào. Những hình ảnh tương phản không chỉ làm nổi bật thiếu thốn, khó khăn về vật chất của em mà còn nói đến những mất mát, thiếu thốn về mặt tinh thần.

Trong cái giá rét của mùa đông, cô bé liều mình quẹt từng que diêm để sưởi ấm cơ thể. Hình ảnh ngọn lửa diêm mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trước hết ngọn lửa diêm xua tan cái lạnh lẽo, tăm tối để em bé có thể quên đi những bất hạnh, cay đắng của cuộc đời.

Ngọn lửa diêm đã thắp sáng những mơ ước đẹp đẽ, những khao khát mãnh liệt, đem đến thế giới mộng tưởng với niềm vui, hạnh phúc. Đó còn là ngọn lửa của mơ ước về cuộc sống gia đình hạnh phúc, được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, ông bà. Hình ảnh ngọn lửa diêm như con thuyền đầy tinh thần nhân văn của tác giả, thể hiện sự cảm thông, trân trọng những ước mơ giản dị, diệu kì của trẻ nhỏ.

Mỗi lần quẹt diêm, cô bé tội nghiệp lại được sống trong giây phút hạnh phúc, chìm đắm trong thế giới cổ tích, thoát khỏi thực tại tăm tối. Lần quẹt diêm thứ nhất, em thấy lò sưởi, vì trong đêm đông giá lạnh em cần được sưởi ấm. Khi que diêm vụt tắt, lò sưởi biến mất, nỗi sợ hãi mơ hồ lại xâm chiếm em “đêm nay về nhà thế nào cũng bị cha mắng”. Em lại lấy can đảm quẹt diêm lần thứ 2, lần này em thấy một bàn ăn thịnh soạn,… sự tưởng tượng của em thật hài hước, cho thấy mơ ước lớn nhất lúc này của em là được ăn no.

Trong đêm giao thừa gia đình nào cũng quây quần bên mâm cơm, còn em lại đói lả đi trong cái giá lạnh. Chi tiết gây xúc động sâu sắc đến người đọc, nó gợi lên những ám ảnh day dứt khôn nguôi. Lần thứ ba, trong không khí đêm giáng sinh, em thấy hình ảnh của cây thông. Đó chính là biểu tượng của mái ấm gia đình hạnh phúc, là những ước mơ trong sáng của tuổi thơ.

Lần thứ 4, giữa cái đói rét và cô độc, em khao khát có tình yêu thương và chỉ có bà là người yêu thương em nhất. Trong giây phút đó bà hiện lên thật ấm áp, đẹp đẽ. Cô bé khẩn thiết van xin bà cho đi cùng, bởi cô bé hiểu khi ngọn lửa diêm tắt đi bà cũng biến mất. Ước nguyện của cô bé thật đáng thương, cô bé muốn được che chở, được yêu thương biết nhường nào.

Lần cuối cùng em quẹt hết số diêm còn lại để nhìn thấy bà và thật kì lạ ước nguyện cuối cùng của em đã trở thành hiện thực. Em không còn phải đối mặt với đòn roi, những lời mắng nhiếc, sự đói rét, nỗi buồn nữa, em đã được đến một thế giới khác, thế giới có bà ở bên. Qua những lần mộng tưởng của cô bé ta thấy cô bé là người có tâm hồn trong sáng, ngây thơ.

Trong đói rét em không hề oán trách một ai vì đã thờ ơ trước cảnh ngộ của mình. Tâm hồn em thật trong sáng và nhân hậu biết chừng nào. Đó là một cô bé giàu mơ ước, vượt lên hoàn cảnh thực tại đói rét, cô đơn. Những mơ ước ấy giản dị mà cũng thật lãng mạn, diệu kì.

Xem thêm bài viết đầy đủ về truyện 🌱Cô Bé Bán Diêm 🌱 phân tích tác phẩm

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Tí Bụi Ngắn Nhất

Nhà văn Quế Hương là một tác giả truyện ngắn nữ, tác phẩm của cô nồng ấm và dịu dàng như chính con người của mình. Quế Hương tin rằng văn chương không chỉ tái hiện cuộc sống mà còn là cõi đất tái tạo.

Các tác phẩm của Quế Hương được ví như “những giấc mơ cuộc đời trên giấy” – là những ước mơ, khát vọng về con người và cuộc sống. Cô thường viết về thế giới của trẻ em, nơi họ tự do bay bổng với những suy nghĩ riêng. “Tí bụi” là một ví dụ, nơi Quế Hương kể về sự vươn lên và tự chăm sóc của đứa trẻ giữa những khó khăn.

Trong “Tí bụi”, câu chuyện xoay quanh cuộc sống khó khăn của những đứa trẻ lang thang trên đường phố. Tí bụi, một đứa bé không cha, sống với mẹ điên trong một căn lều nhỏ. Tí có một người bạn chó, Win, mà cậu huấn luyện để ăn cắp đồ. Tình bạn trung thành giữa Tí và Win là điểm sáng trong câu chuyện, nhưng mọi điều tốt lành dường như tan biến khi Win bị mất trong một vụ cướp chó.

Câu chuyện được kể từ góc nhìn của một cô giáo mới chuyển đến khu vực này, thể hiện lòng nhân ái và sự thông cảm với Tí bụi và Win, dù họ có lỗi. Qua đó, câu chuyện truyền tải thông điệp về tình thương và sự chia sẻ giữa con người và động vật, thậm chí trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Tí bụi được mô tả chân thực và sống động, với những đặc điểm tính cách đa dạng. Mặc cho cuộc sống khó khăn, Tí vẫn giữ trái tim ấm áp và lòng nhân ái. Chi tiết như cô giáo đưa thức ăn cho Win sau khi chú bị đánh là một ví dụ cho sự nhân từ của con người. Cuối cùng, hình ảnh của Tí bụi chăm sóc đàn chó con sau khi mất đi người bạn thân thiết cũng là một biểu hiện rõ ràng về lòng nhân ái và sự quan tâm đến những sinh vật yếu đuối.

Mặc dù câu chuyện có kết thúc, nó để lại trong lòng người đọc những suy tư về cuộc sống khó khăn của trẻ em và tình cảm nhân ái đẹp đẽ giữa con người và động vật.

Đọc thêm tác phẩm🌱 Tí Bụi 🌱của tác giả Quế Hương

Phân Tích Tác Phẩm Truyện Ếch Ngồi Đáy Giếng Cực Hay

Truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” vốn đã rất quen thuộc. Tuy dung lượng ngắn gọn, nhưng truyện gửi gắm bài học nhân văn sâu sắc.

Cũng giống như các truyện ngụ ngôn khác, Ếch ngồi đáy giếng cũng mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người. Nhân vật chính là một con ếch – một loài lưỡng cư có thân hình nhỏ bé, thường sống ở các vùng đầm lầy.

Trong truyện, ếch được xây dựng có hoàn cảnh sống là một cái giếng, xung quanh là những con vật nhỏ bé như nhái, cua, ốc. Mỗi khi ếch cất tiếng kêu “ộp… ộp…” lại khiến các con vật xung quanh cảm thấy sợ hãi. Điều đó khiến nó trở nghĩ rằng bản thân là một vị chúa tể, còn bầu trời chỉ bé như một chiếc vung. Chính môi trường sống nhỏ bé đã ảnh hưởng đến suy nghĩ và tầm nhìn của ếch. Nó không nghĩ rằng cái giếng chỉ là một phần nhỏ của thế giới rộng lớn.

Một sự việc bất ngờ đã xảy ra. Một năm, trời mưa to làm nước trong giếng dềnh lên, đưa ếch ta ra ngoài. Quen thói cũ, ếch nghênh ngang đi lại và cất tiếng kêu. Nó nhâng nháo đưa cặp mắt nhìn lên bầu trời, không để ý xung quanh nên bị một con trâu giẫm bẹp.

Rõ ràng môi trường đã thay đổi. Không còn là một cái giếng nhỏ bé nữa, cũng không còn những loài vật nhỏ bé nữa. Thế giới bên ngoài rộng lớn hơn, các loài vật cũng to lớn hơn. Nhưng ếch vẫn tỏ ra kiêu ngạo mà không biết khiêm tốn, tầm nhìn của nó vẫn hạn hẹp như vậy. Để rồi cuối cùng, ếch phải nhận lại một kết cục đáng thương.

Câu chuyện về chú ếch cũng nhằm phê phán những người có thói tự kiêu, khuyên răn con người nên mở rộng hơn tầm nhìn hạn hẹp của mình. Trong giếng sâu, tiếng kêu của ếch thì âm vang mà giếng lại quá nhỏ không đủ để cho ếch nhận ra sự hống hách và kém hiểu biết của bản thân.

Chính vì vậy, cơn mưa hay con trâu không phải là nguyên nhân gây nên cái chết của ếch mà chính và thói chủ quan không coi ai ra gì của nó gián tiếp gây nên. Bài học rút ra từ câu chuyện là môi trường sống nhỏ bé sẽ khiến tầm nhìn trở nên hạn hẹp. Từ đó, truyện phê phán những kẻ hiểu biết nông cạn mà lại huênh hoang. Con người cần phải biết nhìn xa trông rộng dù môi trường sống có giới hạn và không nên chủ quan, kiêu ngạo mà coi thường những người xung quanh.

Như vậy, Ếch ngồi đáy giếng quả là một truyện ngụ ngôn hấp dẫn, ý nghĩa. Bài học được gửi gắm qua đó vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Viết Bài Văn Phân Tích 1 Tác Phẩm Truyện Mắt Sói Điểm 10

Đa-ni-en Pen-nắc, một tác giả lớn của nền văn học Pháp, ra đời vào năm 1944, đã trải qua một cuộc sống rất đa dạng về địa lý khi lớn lên trong một gia đình di cư qua Châu Âu, châu Á và châu Phi. Những trải nghiệm phong phú từ những môi trường khác nhau này đã trở thành nguồn cảm hứng quý báu cho tác phẩm của ông sau này.

Ông đã ghi danh với nhiều thể loại văn học như tiểu luận, tự truyện, tiểu thuyết, truyện tranh và kịch bản phim. Những tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, như “Cún bụi đời” (1982), “Mắt sói” (1984), với “Mắt sói” là một trong những tác phẩm tiêu biểu và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

“Mắt sói” là một tiểu thuyết đầy ấn tượng, với cấu trúc gồm bốn chương. Chương 1 mở đầu với cuộc gặp gỡ đầy bí ẩn giữa cậu bé Phi Châu và Sói Lam trong vườn bách thú. Chương 2 và chương 3 liên tục khám phá về nhân vật Sói Lam và Phi Châu, mỗi chương đều rút ra những câu chuyện sâu sắc về cuộc sống và cảm xúc của họ.

Trong chương 2, tác giả mô tả chi tiết về đôi mắt đặc biệt của Phi Châu, với một con mắt vàng tròn xoe, một biểu tượng của sự bí ẩn và nỗi buồn khó nói. Trong chương 3, sự tập trung dồn vào những suy tư, cảm xúc và hoài bão của Phi Châu, một cậu bé đầy tình cảm và sự hiểu biết về thế giới xung quanh.

Mỗi trang của “Mắt sói” đều rộng lớn với những hình ảnh sâu sắc và tình cảm, như một cuộc phiêu lưu vào thế giới tâm hồn của nhân vật. Sói Lam, với tình yêu và sự bảo vệ dành cho em gái Ánh Vàng, là biểu tượng của tình anh em không thể phai mờ. Trái lại, Phi Châu và Báo thể hiện một mối quan hệ bạn bè thân thiết, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống.

Ngoài ra, tác giả cũng tạo ra những nhân vật phụ đầy màu sắc, như con lạc đà Hàng Xén, mang lại một lớp thêm sâu sắc cho câu chuyện. Sự chăm sóc và tận tụy của Phi Châu với đàn cừu, cũng như cuộc trò chuyện đặc biệt giữa anh và Báo, là minh chứng cho một tâm hồn nhân từ và hiểu biết.

“Mắt sói” không chỉ là một câu chuyện, mà còn là một hành trình khám phá về tình bạn, tình anh em và sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Đây thực sự là một tác phẩm văn học đáng để đọc và suy ngẫm.

Chia sẻ cho bạn đọc bài 💚 Mắt Sói 💚 phân tích tác phẩm truyện

Viết Bài Văn Phân Tích 1 Tác Phẩm Truyện Văn 8 Đơn Giản

Nguyễn Ngọc Tư không còn là cái tên xa lạ với những bạn thích thể loại truyện ngắn. Với phong cách viết văn giản dị mà tình cảm, “Người mẹ vườn cau” đã trở thành một tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng và đem lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.

Viết về mẹ, chắc chắn là không thể có từ ngữ nào có thể kể hết công lao nuôi dưỡng sinh thành và tình cảm thiêng liêng của mẹ giành cho con. Chính vì lý do đó mà mở đầu truyện ngắn, nhắc đến việc làm văn về mẹ, với đề bài mở nhưng nhân vật “tôi” vẫn không thể nghĩ ra không nên bắt đầu như nào.

Với suy nghĩ ngây ngô của trẻ con, “tôi” không thể hiểu sao mình chỉ có một mẹ còn bố thì lại có hai mẹ, làm cho “tôi” có hai nội: Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau. Khi còn nhỏ, “tôi” đã được về nhà Nội ở vườn cau chơi. Con đường đến nhà bà là con đường đất, những khi trời mưa đường bùn ướt nhẹp. Nhà Nội là nhà mái lá nhỏ xíu.

Nội gầy gò, cười phô cả lợi những vẫn luôn lo lắng cho các con các cháu, sợ trời mưa mấy đứa sẽ bị cảm. Hôm ấy nhà “tôi” về nhà Nội là do có giỗ của chú Sơn. Bữa cơm giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng đơn giản những vẫn rất ngon và ấm áp. Cảnh ba gắp thức ăn cho bà rồi bà lại gắp thức ăn cho “tôi” và bà xoa đầu bảo tôi ăn cho chóng lớn đã cho thấy khung cảnh gia đình ấm áp và hạnh phúc.

Trời tạnh mưa cũng là lúc mị người ào ào về nhà Nội tụ tập. Tiếng gọi “má Tư” cứ liên tục vang vong khiến “tôi” thắc mắc rằng sao Nội lại nhiều con như thế. Mọi người tụ tập và cùng nhau nhậu một bữa. Lớn bằng ấy nhưng các chú vẫn phải xin phép bà.

Mọi người cùng hàn huyên chuyện cũ, tiếng cười vang vọng khắp gian nhà nhỏ. “Tôi” được nội dẫn ra vườn cau. Vườn cau nhà Nội thật thú vị, chắc cũng vì lý do này, bố gọi nội là “Mẹ vườn cau”. Ở vườn, cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Đêm hôm ấy, tôi được Nội mắc mùng cho ngủ, nhưng vì lạ giường mà mãi không ngủ được,

Nội liền kể cho tôi nghe về câu chuyện của bà. Người trên bàn thờ hôm nay là hai đồng chí thân thiết với bố, các chú đều là những người hiên ngang và anh hùng, và bà chính là mẹ anh hùng, tuy chỉ là người nhặt ve chai, không có súng cũng không cao to, khỏe mạnh nhưng vẫn làm anh hùng. Làm anh hùng tuy tự hào, tuy vui nhưng Nội rất buồn, nếu các chú ấy còn sống thì giờ Nội đã không phải ở một mình.

Do ba chuyển công tác nên gia đình cũng chuyển công tác lên phố luôn. Đã lâu lắm không trở về thăm lại Nội vườn cau nhưng bố vẫn không lo lắng vì ở dưới đó có các chú lo.

Chỉ đến khi chú Biểu đến nhà, nghe câu chú nói mình bạc, bố mới thấy nằm suy nghĩ và quyết định mai về lại “Người mẹ vườn cau”. Đó là những kỉ niệm về mẹ vườn cau của bố còn với mẹ của “tôi” thì chỉ “Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc”. Bài văn tuy 4 điểm nhưng “tôi” cũng không hề buồn vì tả về mẹ đâu chỉ bằng vài câu.

Câu chuyện tuy ngắn nhưng nó lại mang giá trị nhân văn sâu sắc. Ngôn từ giản dị nhưng dạt dào cảm xúc, truyện ngắn “Người mẹ vườn cau” đã mang gợi đến cho mỗi chúng ta những kỉ niệm hạnh phúc về mẹ và những bài học về việc báo đáp công ơn mẹ. Mỗi chúng ta có thể có nhiều mẹ, nhưng mẹ sinh ra và nuôi dưỡng ta chỉ có một mà thôi. Ai rồi cũng có gia đình riêng nhưng mái ấm với mẹ chờ luôn là ngôi nhà mà chúng ta nên trở về nhất.

Đừng vội bỏ lỡ phân tích 💚 Con Chó Bấc 💚 ngắn gọn

Viết một bình luận