Nội Dung Tập Đọc Út Vịnh Lớp 5, Soạn Bài, Cảm Thụ. Chia Sẻ Bố Cục, Ý Nghĩa Tác Phẩm, Hướng Dẫn Tập Đọc, Giáo Án Chi Tiết.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Bài Út Vịnh
Bài “Út Vịnh” được viết bởi tác giả Tô Phương, là một bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2 trang 136. Câu chuyện kể về một cậu bé tên là Út Vịnh, người đã nhận nhiệm vụ thuyết phục các bạn trong xóm không chơi trên đường tàu để đảm bảo an toàn cho mọi người. Út Vịnh đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi thuyết phục bạn Sơn, một cậu bé rất nghịch ngợm và thường chạy trên đường tàu thả diều.
Câu chuyện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác, cũng như sự kiên trì và lòng dũng cảm của Út Vịnh trong việc thuyết phục bạn bè.
Nội Dung Bài Út Vịnh Lớp 5
Nội dung bài Út Vịnh nhằm đề cao lòng dũng cảm tốt đẹp của cậu bé Vịnh, sẵn sàng cứu giúp bạn khi thấy bạn gặp nguy hiểm
Út Vịnh
Tác giả: Tô Phương
Nhà Út Vịnh ở ngay bên đường sắt. Mấy năm nay, đoạn đường này thường có sự cố. Lúc thì đá tảng nằm chềnh ềnh trên đường tàu chạy, lúc thì ai đó tháo cả ốc gắn các thanh ray. Lắm khi, trẻ chăn trâu còn ném đá lên tàu.
Tháng trước, trường của Út Vịnh đã phát động phong trào Em yêu đường sắt quê em. Học sinh cam kết không chơi trên đường tàu, không ném đá lên tàu và đường tàu, cùng nhau bảo vệ an toàn cho những chuyến tàu qua. Vịnh nhận việc khó nhất là thuyết phục Sơn – một bạn rất nghịch, thường chạy trên đường tàu thả diều. Thuyết phục mãi, Sơn mới hiểu ra và không chơi dại như vậy nữa.
Một buổi chiều đẹp trời, gió từ sông Cái thổi vào mát rượi. Vịnh đang ngồi học bài, bỗng nghe thấy tiếng còi tàu vang lên từng hồi dài như giục giã. Chưa bao giờ tiếng còi lại kéo dài như vậy. Thấy lạ, Vịnh nhìn ra đường tàu. Thì ra hai cô bé Hoa và Lan đang ngồi chơi chuyền thẻ trên đó. Vịnh lao ra như tên bắn, la lớn:
– Hoa, Lan, tàu hỏa đến!
Nghe tiếng la, bé Hoa giật mình, ngã lăn khỏi đường tàu, còn bé Lan đứng ngây người, khóc thét.
Đoàn tàu vừa réo còi vừa ầm ầm lao tới. Không chút do dự, Vịnh nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng, cứu sống cô bé trước cái chết trong gang tấc.
Biết tin, ba mẹ Lan chạy đến. Cả hai cô chú ôm chầm lấy Vịnh, xúc động không nói nên lời.
Đọc hiểu bài ❤️️Tiếng Rao Đêm Lớp 5 ❤️️ Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ
Bố Cục Bài Út Vịnh
Bố cục bài Út Vịnh có thể chia thành 4 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu đến còn ném đá lên tàu
- Đoạn 2: Từ Tháng trước đến hứa không chơi dại như vậy nữa
- Đoạn 3: Từ Một buổi chiều đẹp trời đến tàu hỏa đến
- Đoạn 4: Phần còn lại
Tìm hiểu bài đọc 🌷 Trí Dũng Song Toàn 🌷 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ
Hướng Dẫn Tập Đọc Út Vịnh
Thohay.vn hướng dẫn cách tập đọc bài Út Vịnh cho bạn tham khảo.
- Đọc lưu loát, diễn cảm bài văn.
- Diễn cảm bài văn, giọng kể chậm rãi, thong thả ở đoạn đầu, hồi hộp dồn dập ở đoạn cuối.
- Chú ý nhấn giọng các từ ngữ Chềnh ềnh, tháo cả ốc, ném đá (đoạn đầu), những từ ngữ thể hiện sự phản ứng nhanh, kịp thời hành động dũng cảm cứu em nhỏ của út Vịnh lao ra như tên bắn, la lớn, nhào tới (đoạn cuối).
Từ khó:
- Thanh ray: Thanh thép hoặc sắt ghép nối với nhau thành hai đường song song để tạo thành đường cho tàu hỏa, tàu điện hay xe goòng chạy qua
Ý Nghĩa Bài Út Vịnh
Ý nghĩa bài Út Vịnh nhằm ca ngợi ý thức của một chủ nhân tương lai, cậu bé đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an toàn đường sắt, dũng cảm cứu em nhỏ. Từ đó cũng muốn khuyên các bạn nhỏ nên biết quan tâm và giúp đỡ mọi người xung quanh theo khả năng của mình.
Đọc thêm 🌿 Bài Thơ Bầm Ơi [Tố Hữu] 🌿 Tìm hiểu chi tiết
Đọc Hiểu Tác Phẩm Út Vịnh
Dưới đây là nội dung đọc hiểu tác phẩm Út Vịnh mà chúng tôi đã tổng hợp giúp các em học sinh và quý phụ huynh có nguồn tham khảo chất lượng nhất
👉Câu 1. Mấy năm nay đoạn đường sắt gần nhà Út Vịnh thường có những sự cố gì?
a. Tảng đá name chềnh ềnh trên đường tàu, ốc gắn các thanh ray bị tháo ra.
b. Trẻ chăn trâu ném đá lên tàu.
c. Cả hai ý trên đều đúng.
👉Câu 2. Trong phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, Út Vịnh đã nhận nhiệm vụ gì?
a. Thuyết phục Sơn không chạy trên đường tàu thả diều.
b. Cam kết không chơi trên đường tàu, không ném đá lên tàu.
c. Bảo vệ an toàn cho những chuyến tàu qua.
👉Câu 3. Nghe thấy tiếng còi tàu vang lên từng hồi như giục giã, Út Vịnh đã thấy điều gì?
a. Sơn chạy trên đường tàu thả diều.
b. Hoa và Lan đang ngồi chơi chuyền thẻ trên đường tàu.
c. Bọn trẻ chăn trâu ném đá lên tàu.
👉Câu 4. Út Vịnh đã hành động như thế nào để cứu hai em nhỏ đang chơi trên đường tàu?
a. Lao ra như tên bắn, la lớn báo cho hai em nhỏ.
b. Nhào tới ômLan lăn xuống mếp ruộng.
c. Cả hai ý trên đều đúng.
👉Câu 5. Qua câu chuyện này, em học tập được điều gì ở Út Vịnh? Viết câu trả lời vào chỗ trống.
………………………………………………………………………………………………………………
👉Câu 6. Dấu hai chấm trong câu “Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.” có tác dụng gì?
a. Báo hiệu bộ phận đứng sau giải thích cho bộ phận trước.
b. Để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.
c. Báo hiệu một sự liệt kê
👉Câu 7. Dấu gạch ngang trong câu “Vịnh nhận việc khó nhất là thuyết phục Sơn – một bạn rất nghịch, thường chạy trên đường tàu thả diều.” có tác dụng gì?
a. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật.
b. Đánh dấu phần chú thích trong câu.
c. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.
👉Câu 8. Từ nào đồng nghĩa với từ tàu hoả?
a. Tàu bay.
b. Phi cơ.
c. Xe lửa.
👉Câu 9. Trong câu “Không chút do dự, Vịnh nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng, cứu sống cô bé trước cái chết trong gang tấc.” có mấy cặp từ trái nghĩa?
a. Một cặp từ
b. Hai cặp từ
c. Ba cặp từ
👉Câu 10. Dấu phẩy trong câu: “Học sinh cam kết không chơi trên đường tàu, không ném đá lên tàu và đường tàu, cùng nhau bảo vệ an toàn cho những chuyến tàu qua.” có tác dụng gì?
a. Ngăn cách các vế trong câu ghép.
b. Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ.
c. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ, vị ngữ.
Đáp án:
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đáp án | c | a | b | c | a | b | c | a | b |
Soạn Bài Út Vịnh Lớp 5
Hướng dẫn soạn bài Út Vịnh lớp 5 bao gồm hướng dẫn và lời giải chi tiết sẽ giúp các em học sinh ghi nhớ cũng như tiếp thu các kiến thức trong bài học nhanh và dễ dàng hơn
👉Câu 1 (trang 137 sgk Tiếng Việt 5): Đoạn đường sắt gần nhà Út Vịnh mấy năm nay thường có những sự cố gì?
Đáp án: Đoạn đường sắt gần nhà Út Vịnh mấy năm nay thường có những sự cố lúc thì tảng đá nằm chềnh ềnh trên đường tàu chạy, lúc thi ai đó tháo cả ốc gắn các thanh ray. Nhiều khi bọn trẻ chăn trâu còn ném đá lên tàu khi tàu chạy qua.
👉Câu 2 (trang 137 sgk Tiếng Việt 5): Út Vịnh đã làm gì để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an toàn đường sắt?
Đáp án: Để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an toàn đường sắt, Vịnh đã tham gia phong trào Em yêu đường sắt quê em, nhận việc thuyết phục Sơn – một bạn thường chạy thả diều trên đường tàu và đã thuyết phục bạn này không thả diều trên đường tàu nữa.
👉Câu 3 (trang 137 sgk Tiếng Việt 5): Út Vịnh đã hành động như thế nào để cứu hai em nhỏ đang chơi trên đường tàu?
Đáp án: Để cứu hai bạn nhỏ đang chơi trên dường tàu, Vịnh lao ra khỏi nhà như tên bắn, la lớn báo tàu hỏa đến. Hoa giật mình ngã lăn khỏi đường tàu, còn Lan đứng ngây người khóc thét.. Đoàn tàu ầm ầm lao tới. Vịnh nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng.
👉Câu 4 (trang 137 sgk Tiếng Việt 5): Em học tập được ở Út Vịnh điều gì?
Đáp án: Em học tập được ở út Vịnh ý thức trách nhiệm, tôn trọng quy định về an toàn giao thông, tinh thần dũng cảm cứu các em nhỏ.
Gửi cho bạn đọc bài thơ 🌼 Cánh Cam Lạc Mẹ 🌼 Nội Dung Tác Phẩm, Soạn Bài
Giáo Án Út Vịnh Lớp 5
Chia sẻ cho các thầy cô giáo mẫu giáo án giảng dạy bài Út Vịnh lớp 5 chi tiết.
I. Mục đích – yêu cầu:
- Biết đọc diễn cảm được một đoạn hoặc toàn bộ bài văn.
- Hiểu ý nghĩa: Ca ngợi tấm gương giữ gìn ATGT đường sắt và hành động dũng cảm cứu em nhỏ của Út Vịnh.
- Có ý thức học tập bạn nhỏ và thực hiện giữ gìn ATGT thông, yêu thương em nhỏ.
- Trả lời được các câu hỏi trong sách giáo khoa.
II. Đồ dùng:
Tranh minh hoạ bài đọc.
III. Các hoạt động dạy – học:
GV | HS |
1. KT bài cũ: Mời 2 học sinh đọc thuộc lòng bài thơ Bầm ơi, trả lời câu hỏi về nội dung bài. – GV nhận xét, ghi điểm. 2. Bài mới: Giới thiệu bài: – GV giới thiệu chủ điểm, tranh minh hoạ bài đọc. HĐ1: Hướng dẫn hs luyện đọc: – Mời 1- 2 học sinh khá đọc bài văn. – GV yêu cầu học sinh chia đoạn. – Mời 4 học sinh đọc nối tiếp, cả lớp lắng nghe tìm từ khó đọc, luyện đọc từ khó. – Giúp hs hiểu nghĩa một số từ khó. – GV giảng thêm: Chuyền thẻ: trò chơi dân gian vừa đếm que vừa tung bóng. – YC học sinh luyện đọc theo cặp. – Mời 2 học sinh đọc cả bài. – GV hướng dẫn đọc và đọc diễn cảm: Giọng kể chậm rãi (đoạn đầu), hồi hộp, dồn dập (đoạn cuối), đọc đúng tiếng la: Lan, Hoa, tàu hoả đến! HĐ2. Hướng dẫn hs tìm hiểu bài: + Đoạn đường sắt gần nhà Út Vịnh mấy năm nay thường có sự cố gì? + Út Vịnh làm thế nào thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an tòan đường sắt? + Khi nghe tiếng còi tàu vang lên từng hồi gục giã, Ut Vịnh nhìn ra đường sắt và thấy điều gì? + Út Vịnh đã hành động như thế nào để cứu hai em nhỏ đang chơi trên đường tàu? + Em học tập được ở Út Vịnh điều gì? – Bài văn muốn nói lên điều gì? HĐ3. Hướng dẫn hs luyện đọc diễn cảm: – Mời 4 học sinh đọc nối tiếp, giáo viên cùng cả lớp nhận xét. – GV hướng dẫn HS luyện đọc đoạn sau: Thấy lạ, Vịnh nhìn ra đường tàu. Thì ra hai cô bé Lan và Hoa đang ngồi chơi chuyền thẻ trên đó. Vịnh lao ra như tên bắn, la lớn: – Hoa, Lan, tàu hoả đến! Nghe tiếng la, bé Hoa giật mình, ngã lăn khỏi đường tàu, còn bé Lan đứng ngây người, khóc thét. Đoàn tàu vừa réo còi ầm ầm lao tới, Vịnh nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng, cứu sống cô bé trước cái chết trong gang tấc. – YC học sinh luyện đọc, thi đọc diễn cảm. 3. Củng cố – Mời học sinh nhắc lại nội dung câu chuyện. – Qua câu chuyện trên em học tập được gì ở bạn Út Vịnh? 4. Dặn dò. – Dặn học sinh học bài và chuẩn bị bài: Những cánh buồm. – GV nhắc nhở ý thức của học sinh, nhận xét tiết học. | – 2 học sinh đọc thuộc lòng, cả lớp nhận xét, đặt câu hỏi cho bạn về nội dung bài. – HS quan sát, lắng nghe. – 2 học sinh đọc bài. – Bài chia 4 đoạn: + Đoạn 1: Từ đầu … còn ném đá lên tàu. + Đoạn 2: Tiếp theo ..hứa không chơi dại như vậy nữa. + Đoạn 3: Tiếp theo ….tàu hoả đến. + Đoạn 4: Còn lại. – 4 HS đọc nối tiếp, luyện đọc đúng các từ: sự cố, thuyết phục … luyện đọc – 1 học sinh đọc mục chú giải. – HS luyện đọc theo cặp. – 2 học sinh đọc cả bài. – HS lắng nghe. – Lúc thì đá tảng nằm chềnh ềng trên đường tàu chạy, lúc thì ai đó tháo cả ốc gắn các thanh ray. Nhiều khi trả chăn trâu còn ném đá lên tàu khi tàu đi qua. – Vịnh đã tham gia phong trào Em yêu đường sắt quê em; nhận nhiệm vụ thuyết phục Sơn- một bạn thường chạy trên đường tàu thả diều; đã thuyết phục được Sơn không chạy trên đường tàu thả diều. – Vịnh thấy Hoa và Lan đang ngồi chơi chuyền thẻ trên đường tàu. – Vịnh lao ra khỏi nhà như tên bắn, la lớn báo tàu hoả đến, Hoa giật mình ngã lăn khỏi đường tàu, còn Lan đứng ngây người khóc thét. Đoàn tàu ầm ầm lao tới, Vịnh nhào nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng. – Ý thức trách nhiệm, tôn trọng quy định về an toàn giao thông, tinh thần dũng cảm cứu em nhỏ. *Nội dung: Ca ngợi tấm gương giữ gìn ATGT đường sắt và hành động dũng cảm cứu em nhỏ của Út Vịnh. – 4 học sinh đọc bài, tìm giọng đọc. – HS lắng nghe. – HS luyện đọc, thi đọc. |
4 Mẫu Cảm Thụ Út Vịnh Hay Nhất
Sưu tầm một số mẫu cảm thụ về Út Vịnh hay nhất, mời bạn cùng tham khảo.
Mẫu Cảm Thụ Út Vịnh Hay – Mẫu 1
Trong bài đọc Út Vịnh, em thực sự rất ngưỡng mộ cậu bé Vịnh, cậu là tấm gương sáng để nhiều thiếu nhi khác noi theo
Út Vịnh là một bạn nhỏ có ý thức công dân rất cao. Út Vịnh đã thực hiện tốt những quy định về an toàn giao thông, tham gia vào việc bảo vệ an toàn đường sắt quê nhà. Vịnh thuyết phục được Sơn – một bạn rất nghịch, hay thả diều trên đường ray. Nhờ sự thuyết phục của Vịnh, Sơn mới hiểu ra và không chơi dại như vậy nữa.
Không những vậy, Vịnh còn là một chú bé dũng cảm. Em đã cứu sống được bé Lan và bé Hoa trong gang tấc.: “Đoàn tàu vừa réo còi vừa ầm ầm lao tới. Không chút do dự, Vịnh nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng, cứu sống cô bé trước cái chết trong gang tấc.”
Cậu bé Út Vịnh thật đáng khen, xứng đáng là tấm gương để mọi người xung quanh học hỏi, noi theo
Mẫu Cảm Thụ Út Vịnh Hay Đặc Sắc – Mẫu 2
Út Vịnh trong bài đọc cùng tên là một bạn học sinh chấp hành nghiêm chỉnh phong trào Em yêu đường sắt quê em ở địa phương.
Câu bé hưởng ứng phong trào của toàn trường, Út Vịnh đã chịu khó mất rất nhiều công sức để thuyết phục được bạn Sơn, là một người thường xuyên mải mê chơi thả diều ở trên đường tàu.
Không những thế, Út Vịnh còn là một chàng trai cực kỳ nghĩa hiệp khi cậu bé đã nhanh chóng báo hiệu cho Lan và Hoa đang mải mê chơi chuyền thẻ trên đường tàu là tàu đang đến. Đáng quý hơn, cậu bé đã sẵn sàng lăn xả và cực kỳ dũng cảm lăn xả đến cứu cô bé Lan thoát chết trong gang tấc.
Tóm lại, Út Vịnh không chỉ là một công dân tốt mà còn có tinh thần nghĩa hiệp, xả thân cứu người vô cùng đáng trân trọng.
Mẫu Cảm Thụ Út Vịnh Chọn Lọc – Mẫu 3
Út Vịnh làm một cậu bé chăm ngoan, gương mẫu và tích cực trong mọi hoạt động của trường
Tuy còn nhỏ nhưng Út Vịnh đã có ý thức trách nhiệm của một công dân. Vịnh không những thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an toàn đường sắt mà còn thuyết phục được Sơn không chơi dại thả diều trên đường tàu.
Không những thế, em còn rất dũng cảm. Điều đó thể hiện ở việc em quên mình lao ra đường tàu cứu bé Lan. Hành động đó của Vịnh rất đáng khâm phục. Là học sinh, chúng ta nên học tập theo Vịnh.
Qua câu chuyện Út Vịnh chúng ta càng thêm cảm phục và hoan nghênh tinh thần dũng cảm ấy của cậu. Út Vịnh là một tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Mẫu Cảm Thụ Út Vịnh Ngắn Hay – Mẫu 4
Em rất thích cậu bé Út Vịnh trong bài tập đọc cùng tên, cậu là tấm gương sáng để các bạn nhỏ cùng noi theo.
Út Vịnh là một thiếu nhi có lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào tha thiết. Út Vịnh tham gia tích cực phong trào “Em yêu đường sắt quê em”.
Vịnh còn thuyết phục mọi người hãy chung tay hành động tốt bảo vệ đường sắt quê hương. Út Vịnh là tấm gương dũng cảm bảo vệ tính mạng cho hai em nhỏ là bé Hoa và bé Lan. Sự xúc động đến lặng người của bố mẹ bé Lan đã nói lên thật nhiều lời khen ngợi, sự khâm phục và biết ơn dành cho Út Vịnh.
Riêng em, em rất quý trọng Út Vịnh. Em nguyện sẽ học tập tấm gương đẹp đẽ đó của Út Vịnh.
Sưu tầm văn mẫu cảm thụ về bài đọc🌱Công Việc Đầu Tiên Lớp 5 🌱 Hay, ý nghĩa