Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh Của Nguyễn Du [Nội Dung + Ý Nghĩa]

Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh [Nguyễn Du] ❤️️ Nội Dung, Ý Nghĩa ✅ Tìm Hiểu Chi Tiết Về Nội Dung, Ý Nghĩa Văn Tế Của Nguyễn Du.

Thập Loại Chúng Sinh Là Gì

Thập loại chúng sinh là gì? Thập loại chúng sinh theo nghĩa đen có nghĩa là mười loại chúng sinh, tuy nhiên khi dùng cụm từ này thì có nghĩa là toàn bộ tất thảy mọi loài chúng sinh, chứ chẳng phải là 10 loại chúng sinh. Mỗi chúng sinh là một tập hợp của năm uẩn, đều trải qua nhiều lần sinh tử cho nên gọi là chúng sinh.

Chia sẻ thông tin về 🔰Thơ Nguyễn Du 🔰 Đầy đủ nhất

Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh Là Gì

Văn tế thập loại chúng sinh là gì? Đây là một bài văn khấn tế, đề cập đến xã hội hồn ma một cách thảm thương nhất. Đó là hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế, song khác biệt cơ bản ở chỗ không có đối lập giàu nghèo, sang hèn. Chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn nên nhà thơ xót thương tất cả..

Văn tế thập loại chúng sinh thường dùng trì tụng để cúng thí thực cho các vong linh còn đang đau khổ, đặc biệt là trong dịp tháng Bảy Âm Lịch với mong muốn siêu thoát cho các cô hồn trong lục đạo được ăn uống tránh đói khổ, siêu sinh lên cõi trời thanh tịnh, lạc đạo.

Bài Văn tế thập loại chúng sinh (gọi tắt là Văn tế) tương truyền là của Nguyễn Du không những chủ yếu trong nghi thức mà còn là một tác phẩm văn học Nôm có giá trị.

10 Loại Người Trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh

Như đã chia sẻ thì Thập loại chúng sinh có nghĩa là toàn bộ tất thảy mọi loài chúng sinh. Dưới đây là một số loại chúng sinh cụ thể được đại thi hào Nguyễn Du đề cập đến trong bài Văn tế thập loại chúng sinh của mình.

  • Cô hồn: Chỉ chung các hồn cô độc không nơi nương tựa, không thân thích.
  • Vương hầu khanh tướng: Người quyền thế có địa vị xã hội cao, có quân binh.
  • Phản thần tặc tử: Kẻ có quyền binh trong tay mưu phản gây loạn chiếm quyền.
  • Chiến sĩ: Người chiến đấu vì lý tưởng nào đó, có kỹ năng chiến đấu, thường bỏ mạng nơi chiến trường.
  • Binh tốt: Thường dân bị bắt làm lính, ít có kỹ năng chiến đấu.
  • Kỹ nữ: Người dùng kỹ nghệ, nhan sắc, thân thể mình bán vui mưu sinh.
  • Phu nhân: Vợ hoặc thân nhân của người có quyền cao chức trọng, có người hầu và quyền lực trong tay.
  • Cung nga: Cung nữ thấp cổ bé họng trong cung cấm, nữ hầu của các nhà quyền quý.
  • Phi tần: Ái thiếp của vua, có người hầu và quyền uy.
  • Vương hậu: Vợ chính của vua một nước, nắm toàn quyền hậu cung trong tay.
  • Văn sĩ: Người có tài năng văn chương, dùng bút làm lợi khí cho mình.
  • Thư sinh: Người có học thức nhưng chưa chắc được đời công nhận hoặc học thức ấy có ứng dụng được việc gì không.
  • Thương nhân phú gia: Người buôn bán, dành sức cả đời kiếm tiền, có tiền của nhiều.
  • Tiểu thương: Người buôn bán nhỏ, gánh hàng rong hoặc sạp, quầy.
  • Ngư phủ: Người đi sông biển đánh bắt thủy hải sản kiếm sống.
  • Quỷ hỏa: Lửa ma trơi.
  • Vô thủ quỷ: Người chết bị mất đầu.
  • Hành khất: Người đi ăn xin sống lay lất qua ngày nhờ sự bố thí của người khác.
  • Nịch tử giả, nịch quỷ: Người bị chết chìm dưới nước ở sông biển, ao hồ.
  • Lạc thụ tử giả, lạc thụ quỷ: Người bị chết do té cây.
  • Lạc tỉnh tử giả, lạc tỉnh quỷ: Người bị chết do té giếng.
  • Đồng tử, tiểu quỷ: Đứa trẻ bị sẩy thai hoặc bị phá bỏ, hoặc trẻ chết khi từ 12 tuổi trở xuống.
  • Sản nữ, mẫu tử quỷ: Người mẹ chết lúc sinh con hoặc đang mang thai.
  • Oan hình nạn giả: Người bị ghép tội oan uổng, cầm tù rồi chết khi chưa được giải oan.
  • Hỏa tai nạn giả: Người bị chết do nạn lửa cháy.
  • Tinh quái nạn giả: Người bị chết do sơn tinh thủy quái, tà linh tinh quái sát hại.
  • Hung thú nạn giả: Người bị chết do thú dữ tấn công.
  • Hồng thủy nạn giả: Người bị chết do nạn lũ lụt cuốn trôi.
  • Đồng hoang chi linh: Âm linh cư ngụ nơi đồng hoang.
  • Mộ hoang chi linh: Âm linh cư ngụ ở mộ hoang.
  • Trúc tùng chi linh: Âm linh cư ngụ ở bụi tre trúc.
  • Thảo tùng chi linh: Âm linh cu ngụ ở bụi cỏ lùm cây.
  • Thụ ảnh chi linh: Âm linh cư ngụ dưới bóng râm của cây lớn.
  • Phố thị chi linh: Âm linh cư ngụ ở nơi phố chợ.
  • Khách điếm chi linh: Âm linh cư ngụ ở quán trọ, hàng quán xá.
  • Thánh sở chi linh: Âm linh cư ngụ ở chùa chiền đền miếu.
  • Kiều hạ chi linh: Âm linh cư ngụ ở dưới gầm cầu có bóng râm.
  • Giang hà chi linh: Âm linh cư ngụ ở miền sông nước.
  • Bộc bố chi linh: Âm linh cư ngụ ở nơi thác nước.
  • Vân sơn chi linh: Âm linh cư ngụ ở nơi đồi núi cao có mây lãng đãng.

Tìm hiểu chi tiết về 🔰Thơ Chữ Nôm Của Nguyễn Du 🔰Những bài thơ hay nhất

Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh Của Nguyễn Du

Tiếp theo, hãy cùng Thohay.vn tìm hiểu chi tiết về Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du nhé!

  • Văn tế thập loại chúng sinh, còn gọi là Văn chiêu hồn, đã giúp hậu thế hiểu thêm tầm vĩ đại của tư tưởng Nguyễn Du.
  • Tác phẩm mang màu sắc Phật giáo, lưu truyền trong những ngôi chùa cổ; hoà quyện cùng tiếng mõ, lời kinh. Càng nghe, càng chiêm nghiệm, ta càng nhận ra âm vang, màu sắc của cõi đời.
  • Trong tác phẩm, nhà thơ đâu hẳn nói về thế giới bên kia. Khóc người chết mà hóa ra thương người đang sống. Âm vang tác phẩm vượt khỏi xứ Phật, lan khắp cõi trần ai, thấm thật sâu vào buồng tim nhân ái của vạn triệu con người.
  • Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm. Theo Đặng Thị Hảo, có thể chia bài văn thành bốn phần:
    • Phần một (20 câu): tả cảnh một chiều thu tháng Bảy mưa dầm buồn bã, khiến nhà thơ chạnh lòng thương đến các chúng sinh đang lạnh lẽo, bơ vơ nơi cõi âm mà lập đàn cầu siêu…
    • Phần hai (116 câu): nêu rõ tên và nguyên nhân thiệt mạng của mười loại cô hồn.
    • Phần ba (20 câu): miêu tả cảnh sống thê lương thảm thiết của các cô hồn.
    • Phần cuối (28 câu): lời thỉnh cầu phép Phật nhiệm mầu giúp cho họ được giải thoát. Cuối cùng là lời mời các cô hồn tới nhận phần lễ cúng để lên đàng thăng thiên….
  • Cả bốn phần đều với giọng văn thê thiết, vạch hướng con người đi vào con đường từ bi lương thiện để thoát khỏi cảnh tai ương khổ ai của kiếp nhân quả luân hồi.

Nội Dung Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh

Ngoài Truyện Kiều nổi tiếng, đại thi hào Nguyễn Du còn là tác giả của một tác phẩm mà không mùa Vu Lan nào không được nhắc đến, đó là bài “Văn tế thập loại chúng sinh”. Sau đây là nội dung của bài văn tế:

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lăm cướp gánh non sông,
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.
Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở
Khôn đem mình làm đứa sất phu,
Lớn sang giàu nặng oán thù,
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu than khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan!
Cũng có kẻ màn lan trướng huệ,
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới cầu nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi,
Khi sao đông đúc vui cười,
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
Đau đớn nhẽ không hương không khói,
Luống ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo, một đêm một rầu.
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay,
Kinh luân găm một túi đầy,
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh,
Nghìn vàng khôn đổi được mình
Lầu ca, viện hát, tan tành còn đâu?
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang,
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hoá sinh.
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung.
Gió mưa sấm sét đùng đùng,
Dãi thây trăm họ nên công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc,
Bãi sa trường thịt nát máu rơi,
Bơ vơ góc bể chân trời,
Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét,
Khí âm huyền mờ mịt trước sau,
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
Cũng có kẻ tính đường trí phú,
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn,
Ruột rà không kẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ,
Của phù du dẫu có như không,
Sống thời tiền chảy bạc ròng,
Thác không đem được một đồng nào đi.
Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm
Ngẩn ngơ trong quãng đồng chiêm,
Nén hương giọt nước, biết tìm vào đâu?
Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý
Dấn mình vào thành thị lân la,
Mấy thu lìa cửa lìa nhà,
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân?
Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng,
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng,
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng,
Anh em thiên hạ láng giềng người dưng.
Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang,
Cô hồn nhờ gửi tha phương,
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng.
Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng,
Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê.
Cũng có kẻ đi về buôn bán,
Đòn gánh tre chín dạn hai vai,
Gặp cơn mưa nắng giữa trời,
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?
Cũng có kẻ mắc vào khoá lính,
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,
Nước khe cơm ống gian nan,
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập loè ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Đâu chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,
Thương thay cũng một kiếp người,
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh.
Nắm xương chôn rấp góc thành,
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha.
Lấy ai bồng bế vào ra,
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,
Cũng có người sẩy cối sa cây,
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thuỷ quái
Người thì sa nanh sói ngà voi,
Có người hay đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy, có người khốn thương.

Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,
Hoặc là nương ngọn suối chân mây,
Hoặc là bụi cỏ bóng cây,
Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ.
Hoặc là nương thần từ, Phật tự
Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không,
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre.
Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,
Gan héo khô dạ rét căm căm,
Dãi dầu trong mấy mươi năm,
Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương.
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra,
Lôi thôi bồng trẻ dắt già,
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.

Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u,
Rắp hoà tứ hải quần chu,
Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại,
Chuyển pháp luân tam giới thập phương,
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương,
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh,
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao,
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,
Của có chi bát cháo nén nhang,
Gọi là manh áo thoi vàng,
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sình.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.

Đừng bỏ lỡ chùm 🌿Thơ Nguyễn Du Về Tình Yêu 🌿 Những Câu Thơ Tình Hay Nhất

Ý Nghĩa Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh Nguyễn Du

Ý nghĩa Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du là gì? Xem ngay lời giải dưới đây để biết chi tiết.

Bài Văn tế thập loại chúng sinh thể hiện tinh thần nhân văn của Nguyễn Du. Chính tinh thần nhân văn ấy đã khiến nhà thơ ngậm ngùi, suy tưởng về cõi dương thế, nơi những người xấu số đã trải qua. Ông viết về cõi âm của những oan hồn, nhưng lại lấy cõi người, con người làm trọng. Mỗi dòng thơ của ông là một dòng nước mắt, khóc cho nỗi nhọc nhằn, cơ cực của đời người.

Càng suy gẫm về những kiếp người cơ cực trong Văn chiêu hồn, ta càng sững sờ trước tầm nhìn thấu “sáu cõi” của nhà thơ. Nguyễn Du vẫn luôn là người đi trước thời đại.

Nói tóm lại, Văn tế thập loại chúng sinh hay Văn chiêu hồn là một tác phẩm tràn đầy tinh thần nhân văn. Tác phẩm là biểu hiện sống động cho chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du:

  • Nhà thơ khóc người đã khuất, nhưng hóa ra, nghẹn ngào tâm sự với người đang sống.
  • Nhà thơ làm cuộc hành trình đến cõi âm, nhưng cuối cùng, làm cuộc khúc xạ, quay ngược về “chốn trần ai”.
  • Ông nói về quá khứ, nhưng kỳ thực, đang nhìn hiện tại và nghĩ tận ngày mai.
  • Bài văn tế còn mang ý nghĩa một lời dự báo: ngày nào còn cái xã hội đầy bão giông biến động này, ngày ấy con người sẽ còn sa vào hố sâu bất hạnh. Rồi đây, con người sẽ còn chịu cảnh trầm luân cùng “thập loại chúng sinh”, nếu không kịp thời bừng tỉnh, thoát khỏi vòng mê đắm của phú quý vinh hoa,…

Đón đọc trọn bộ👉 3254 Câu Thơ Truyện Kiều 👈 Có Chú Giải, Bình Giải

Viết một bình luận