Yêu Lắm Quê Hương ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận ✅ Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Hoàn Cảnh Sáng Tác, Nghệ Thuật, Cách Đọc Hiểu Tác Phẩm.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương Của Hoàng Thanh Tâm
Với chủ đề quê hương, nhà thơ Hoàng Thanh Tâm đã sáng tác nên bài thơ Yêu lắm quê hương với ngôn ngữ rất bình dị, thân thương. Dưới đây là nội dung bài thơ, mời bạn đọc cùng thưởng thức.
Yêu lắm quê hương
Tác giả: Hoàng Thanh Tâm
Em yêu từng sợi nắng cong
Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò
Em yêu chao liệng cánh cò
Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm
Em yêu khói bếp vương vương
Xám màu mái lá mấy tầng mây cao
Em yêu mơ ước đủ màu
Cầu vồng ẩn hiện mưa rào vừa qua
Em yêu câu hát ơi à
Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa
Em yêu cánh võng đong đưa
Cánh diều no gió chiều chưa muốn về
Đàn trâu thong thả đường đê
Chon von lá hát vọng về cỏ lau
Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên
Em đi cuối đất cùng miền
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân.
Xem thêm bài thơ 🍃Quê Hương [Nguyễn Đình Huân]🍃 Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương
Tác giả Hoàng Thanh Tâm viết bài thơ Yêu lắm quê hương nhằm thể hiện tình cảm yêu quý, gắn bó thiết tha của mình đối với cảnh vật quê hương bình dị. Tuy nhiên về hoàn cảnh và thời gian cụ thể sáng tác nên bài thơ thì hiện chưa có thông tin rõ ràng.
Ý Nghĩa Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương
Với góc nhìn và sự quan sát rất hồn nhiên, tác giả đã tái hiện nên bức tranh đa dạng về cảnh vật quê hương với những gam màu tươi sáng. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để mỗi con người phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước mỗi ngày thêm giàu đẹp. Thông qua bài thơ, tác giả giãi bày tình yêu quê hương đất nước tha thiết của mình.
Tặng bạn bài 🌿Quê Hương [Đỗ Trung Quân]🌿 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Đọc Hiểu Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương
Đọc hiểu bài thơ Yêu lắm quê hương dễ dàng hơn với các câu hỏi có đáp án dưới đây.
👉Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên.
Đáp án: Phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên là biểu cảm
👉Câu 2. Trong bài thơ, cảnh vật quê hương được tác giả cảm nhận bằng những giác quan nào?
Đáp án: Trong bài thơ, cảnh vật quê hương được tác giả cảm nhận bằng những giác quan: thị giác, xúc giác, thính giác
👉Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung các dòng thơ sau?
Đàn trâu thong thả đường đê
Chon von lá hát vọng về cỏ lau
Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên.
Đáp án: Đoạn thơ miêu tả cuộc sống yên bình của con người.
- Đàn trâu thong thả trên đường đê trở về nhà.
- Lá như ca hát, hòa quyện với gió.
- Trăng bắt đầu lên tạo nên một cánh đồng sao.
- Dòng sông quê êm đềm trôi tạo nên sự trù phú, tốt tươi cho cảnh vật.
=> Đó là một vẻ đẹp hết sức giản dị và quen thuộc của làng quê Việt Nam: đàn trâu, trăng cùng làn gió mát rười rượi. Và vẻ đẹp ấy như hòa quyện vào nhau, như tô điểm cho nhau để làm nên một vùng quê đẹp đẽ, yên bình.
👉Câu 4. Hai câu thơ sau gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
“Em đi cuối đất cùng miền
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân.”
Đáp án: Tình yêu quê hương của chủ thể trữ tình không bó hẹp ở một miền đất cụ thể mà mở rộng đến nhiều miền quê, vùng đất khác của đất nước. Qua đó gợi cho em nhiều suy nghĩ về lòng yêu quê hương, đất nước – là một tình cảm thiêng liêng, gắn bó con người với thiên nhiên và nguồn cội của mình.
Đọc và tìm hiểu 🍀Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính🍀 Nội Dung, Phân Tích
Nghệ Thuật Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương
Chia sẻ thêm các giá trị nghệ thuật trong bài thơ Yêu lắm quê hương cho bạn tham khảo.
- Sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc, gần gũi.
- Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.
- Ngôn ngữ thơ gần gũi, mộc mạc, bình dị, gợi cảm giác thân thuộc, hồi tưởng.
- Phép điệp: điệp từ: “yêu” (9 lần), “em yêu” (6 lần). Ẩn dụ: Sợi nắng cong (ẩn dụ chuyển đổi cảm giác). Ngoài ra còn sử dụng nhiều từ láy. Mục đích: Gây ấn tượng, làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ, đồng thời nhấn mạnh, làm nổi bật tình cảm yêu quý, gắn bó thiết tha của tác giả đối với cảnh vật bình dị quê hương của mình.
3 Mẫu Phân Tích, Cảm Nhận Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương Hay Nhất
Tiếp theo, Thohay.vn xin gửi đến bạn một số mẫu văn phân tích, cảm nhận về bài thơ Yêu lắm quê hương hay nhất. Cùng đón đọc ngay nhé!
Mẫu Phân Tích, Cảm Nhận Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương Hay – Mẫu 1
Chủ đề về quê hương, đất nước luôn rực cháy trong thơ ca của những nhà thi sĩ yêu nước. Một trong những tác phẩm nổi bật không thể không nhắc đến bài thơ “Yêu lắm quê hương” của Trần Thanh Tâm với ca từ mộc mạc, đằm thắm, gợi nhớ tình thương yêu trìu mến, những cảm xúc không thể nào quên.
Trong bài thơ “Yêu lắm quê hương”, thứ tình cảm với quê hương, đất nước không xuất phát từ những gì lớn lao mà nó bắt nguồn từ những điều đơn sơ, giản dị và gần gũi nhưng không kém phần phong phú, đa dạng bởi cảnh sắc thiên nhiên trữ tình đầy tha thiết. Mở đầu tác phẩm là bức tranh đồng quê hiện lên tươi đẹp dưới mắt nhìn của trẻ thơ:
Em yêu từng sợi nắng cong
Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò
Em yêu chao liệng cánh cò
Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm
Từng sợi nắng là bấy nhiêu sợi tình. Sợi tình đó chất chứa những hình ảnh tiêu biểu của quê hương Việt Nam: dòng sông con đò, chao liệng cánh cò, cánh đồng mùa gặt vàng ươm. Những hình ảnh đó hiện lên quá đỗi yên bình, tươi mới và đặc biệt dưới con mắt trẻ thơ, chúng gợi lên vẻ đẹp nên thơ, huyền diệu.
Không chỉ xoay quanh khung cảnh trước mắt, cảnh vật được mở rộng ra với không gian bao la, bát ngát mây trời:
Em yêu khói bếp vương vương
Xám màu mái lá mấy tầng mây cao
Em yêu mơ ước đủ màu
Cầu vồng ẩn hiện mưa rào vừa qua
Nét chữ tình đều hiện hiện từ những điều giản đơn nhất. Từ khói xám nơi gian bếp thân quen phảng phất lơ lửng đến mấy tầng mây cao. Từ những màu sắc rực rỡ của ánh cầu vồng sau những trận mưa rào.
Tác giả lặp từ “em yêu” nhằm nhấn mạnh cảm xúc, tình cảm đối với “mơ ước đủ màu” cũng chính là mơ về một cuộc sống ngập tràn tươi vui, muôn màu muôn vẻ. Và tình yêu đó không chỉ dừng lại ở những hình ảnh cụ thể, nó còn ẩn chứa trong con người, đặc biệt là trong tấm lòng của đấng sinh thành cao cả:
Em yêu câu hát ơi à
Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa
Em yêu cánh võng đong đưa
Cánh diều no gió chiều chưa muốn về
Đàn trâu thong thả đường đê
Chon von lá hát vọng về cỏ lau
Chỉ bằng cái nhìn của tâm hồn bé bỏng, trong trắng nhưng đã lột tả hết được bức tranh làng quê bằng ba giác quan. Thị giác với hình ảnh cánh võng đong đưa, đàn trâu thong thả. Vị giác là vị mặn mà của mồ hôi cha mẹ, cánh diều no gió chiều và cuối cùng là thính giác với tiếng hát ơi à, tiếng chon von lá hát vọng. Thiên nhiên trong bài thơ không chỉ được hiện hữu lúc ban ngày mà còn được cảm nhận vào cả ban đêm:
Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên
Thay vì dùng từ ngôi sao, tác giả khéo léo dùng từ “hạt sao” để miêu tả sự rộng lớn của bầu trời với những vì sao nhỏ bé. Nhân vật trữ tình “em” trong bài thơ đã có cái nhìn tinh tế, sắc nét và nhạy bén về âm hưởng êm dịu, ngọt ngào, sâu lắng từ cảnh vật đến không gian, từ màu sắc đến âm thanh du dương của lời du, tiếng hát, cho đến sự kỳ ảo của bầu trời sao đêm hòa cùng nét suy tư đằm thắm của gió sông rười rượi. Tất cả những điều đó thật dễ dàng làm lay động tâm hồn người.
Hai câu kết bài góp phần tô đậm lên tình yêu quê hương, đất nước không chỉ giới hạn trong hình ảnh làng quê mà được ví von đến mọi vùng miền của tổ quốc:
Em đi cuối đất cùng miền
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân
Từ “yêu” xuất hiện hai lần trong một câu cho thấy tình yêu quê hương song hành với tình yêu đất nước. Hai thứ tình cảm thiêng liêng đó là cơ sở, là hành trang vững vàng để tạo nên sức mạnh cá nhân giúp mỗi con người hoàn thành tốt nghĩa vụ trong sứ mệnh cao cả của đất nước. Từ đó tạo dựng nên sức mạnh con người toàn dân tộc, xây dựng quê hương, tiến đến một xã hội tươi đẹp.
Bằng lời thơ mộc mạc, chân thành và thể thơ lục bát giàu cảm xúc, qua bức tranh thiên nhiên trù phú, “Yêu lắm quê hương” khơi gợi cho triệu trái tim người đọc một cảm xúc lâng lâng khó nói thành lời. Cảm xúc đó là tình yêu thương trìu mến, sâu nặng với quê hương đất nước. Tình cảm đó chính là nguồn mạch chảy không ngừng trong tâm hồn con em Việt Nam anh hùng.
Qua đó, tác giả muốn nhắc nhở chúng ta rằng, dù ở bất cứ nơi đâu, hãy luôn ghi nhớ về cội nguồn của mình và phải sống để cống hiến, để tạo dựng nên những giá trị tốt đẹp vào công cuộc xây dựng đất nước.
Mẫu Phân Tích, Cảm Nhận Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương Ngắn Hay – Mẫu 2
Tình yêu quê hương đất nước là nguồn mạch chảy không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn người Việt. Điều đó đã được thể hiện phần nào qua tác phẩm Yêu lắm quê hương của Hoàng Thanh Tâm.
Trong bài thơ, tình yêu quê hương đất nước không chung chung hay xa vời mà bắt đầu từ những sự vật gần gũi, dòng sông, cánh cò, cánh đồng, cánh võng, đàn trâu.
Với góc nhìn và sự quan sát của con trẻ rất hồn nhiên, tác giả phác họa nên bức tranh đa dạng về cảnh vật quê hương đẹp đẽ với những gam màu tươi sáng:
“Em yêu từng sợi nắng cong
Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò
Em yêu chao liệng cánh cò
Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm”.
Yêu quê hương còn là yêu gian bếp thân thuộc, mỗi chiều ấm lửa làn khói bay cao đến mấy tầng mây. “Yêu quê yêu đất” sẽ chính là hành trang, là động lực tiếp thêm sức mạnh để mỗi con người phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước mình mỗi ngày thêm giàu đẹp.
Với thể thơ lục bát, lời thơ chân thành, giàu cảm xúc, hình ảnh thơ bình dị, thân thương, bài thơ đã tái hiện nên những bức tranh thiên nhiên đa dạng, qua đó tác giả giãi bày tình yêu quê hương đất nước tha thiết.
“Yêu lắm quê hương” của tác giả Hoàng Thanh Tâm là bài thơ hay, đã khơi gợi cho chúng ta những cảm xúc, ấn tượng khó quên.
Mẫu Phân Tích, Cảm Nhận Bài Thơ Yêu Lắm Quê Hương Chọn Lọc – Mẫu 3
Ai sinh ra và lớn lên cũng có một quê hương để yêu thương và gắn bó. Tình yêu quê hương đất nước là nguồn mạch chảy không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn người Việt. Thơ ca hiện đại có nhiều bài hay về chủ đề này. Trong số đó, bài thơ “Yêu lắm quê hương” của tác giả Hoàng Thanh Tâm đã khơi gợi cho tôi những cảm xúc, ấn tượng thật khó quên.
Nhan đề của bài đã tạo ấn tượng đáng nhớ vì người viết dùng phép đảo ngữ đưa vị ngữ “Yêu lắm” lên trước chủ thể “quê hương”, nhờ đó tình yêu đối với quê hương được nhấn mạnh hơn.
Trong bài, với góc nhìn và sự quan sát của con trẻ rất hồn nhiên, tác giả phác họa nên bức tranh đa dạng về cảnh vật quê hương đẹp đẽ với những gam màu tươi sáng:
“Em yêu từng sợi nắng cong
Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò
Em yêu chao liệng cánh cò
Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm”.
Nhiều hình ảnh đại diện cho quê hương được chọn lọc liên tiếp xuất hiện: dòng sông con đò, những cánh cò chấp chới chao liệng trên cánh đồng vàng ươm mùa gặt. Đáng chú ý hơn là hình ảnh “từng sợi nắng cong” ngộ nghĩnh và đáng yêu dưới cái nhìn con trẻ. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp thiên nhiên bình dị song cũng rất đỗi vui tươi và nên thơ.
Không chỉ yêu cảnh vật trong không gian rộng mở bên ngoài, chủ thể trữ tình càng yêu hơn những sự vật gần gũi:
“Em yêu khói bếp vương vương
Xám màu mái lá mấy tầng mây cao”.
Tình yêu quê hương đất nước không chung chung hay xa vời mà trái lại bắt đầu từ những sự vật gần gũi, đó là gian bếp thân thuộc, mỗi chiều ấm lửa làn khói bay cao đến mấy tầng mây. Bên cạnh đó, “em yêu” có khi rất cụ thể, khi lại rất mộng mơ: mơ ước đủ màu, cầu vồng, mưa rào.
Đoạn thơ sau càng gợi tả phong phú hơn những đối tượng em yêu em quý, yêu cảnh vật, yêu người thân, đặc biệt là đấng sinh thành đã đổ bao mồ hôi nuôi em khôn lớn: “Em yêu câu hát ơi à/ Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa/ Em yêu cánh võng đong đưa/ Cánh diều no gió chiều chưa muốn về/ Đàn trâu thong thả đường đê/ Chon von lá hát vọng về cỏ lau”.
Đoạn thơ xuất hiện nhiều hình ảnh chỉ có ở làng quê: câu hát ơi à, mồ hôi mặn mà của mẹ cha, cánh võng đong đưa, cánh diều no gió, đàn trâu thong thả đường đê. Cảnh vật quê hương được cảm nhận không chỉ bằng thị giác, vị giác và cả thính giác.
Thiên nhiên quê hương không những được đón nhận vào ban ngày mà cả ban đêm nữa:
“Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên”.
Cách dùng từ “hạt sao” thật mới mẻ để chỉ vì sao nhỏ li ti trên bầu trời đêm. Rõ ràng nhân vật trữ tình “em” trong bài có tâm hồn thật phong phú, giác quan nhạy bén, tinh tế. Đáng chú ý là việc dùng thể thơ lục bát trong bài tạo cho thi phẩm có âm hưởng êm đềm, ngọt ngào như lời ru của bà, của mẹ càng dễ đi vào lòng người.
Mặt khác, tác giả dùng nhiều điệp từ: “yêu” lại càng khắc sâu thêm tình cảm mến yêu quê sâu sắc. Bên cạnh đó, các từ láy tượng hình: vương vương, mặn mà, đong đưa, thong thả, chon von, lốm đốm, rười rượi càng làm tăng thêm sắc thái biểu cảm yêu tha thiết quê hương của chủ thể trữ tình.
Hai câu kết của bài: “Em đi cuối đất cùng miền/ Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân” cho thấy rõ: tình yêu quê hương của chủ thể trữ tình không bó hẹp ở một miền đất cụ thể mà mở rộng đến nhiều miền quê, vùng đất khác của đất nước.
Tác giả đã khéo sử dụng hai từ yêu trong vế đầu câu thơ “Yêu quê yêu đất” để nói lên tình yêu song hành ấy là hành trang, là động lực tiếp thêm sức mạnh để mỗi con người mang theo mình trong suốt hành trình tạo dựng cuộc sống, góp phần dựng xây quê hương, đất nước mình mỗi ngày thêm giàu đẹp.
Tham khảo thêm 🍃Bài Thơ Quê Hương Của Giang Nam🍃Hay, ý nghĩa