Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính [Nội Dung + Phân Tích]

Nội Dung Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính, Đọc Hiểu, Phân Tích, Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Gợi Ý Cách Phân Tích Tác Phẩm Chi Tiết.

Giới Thiệu Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính

Bài thơ “Quê Hương” của Nguyễn Bính là một tác phẩm nổi bật trong nền văn học Việt Nam, thể hiện tình yêu sâu sắc và niềm tự hào về quê hương. Nguyễn Bính, với phong cách thơ mộc mạc và dân dã, đã khắc họa hình ảnh quê hương qua những câu thơ giản dị nhưng đầy cảm xúc.

Trong bài thơ, Nguyễn Bính không chỉ miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nhắc đến những nhân vật lịch sử và văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như bà Trưng, bà Triệu, Lê Lợi, và Hưng Đạo Vương. Những hình ảnh này không chỉ gợi lên niềm tự hào dân tộc mà còn thể hiện sự gắn bó sâu sắc với quê hương.

Bài thơ “Quê Hương” của Nguyễn Bính là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ lãng mạn và dân dã của ông, mang đến cho người đọc cảm giác gần gũi và thân thuộc với làng quê Việt Nam.

Nội Dung Bài Thơ Quê Hương

Cách đây 48 năm, vào mùa xuân Bính Ngọ, thi sĩ Nguyễn Bính đã viết nên “Bài thơ quê hương”. Bài thơ tuy được ít người biết đến nhưng lại mang một ý nghĩa rất hay, rất sâu sắc.

Bài thơ quê hương
Tác giả: Nguyễn Bính

Trải nghìn dặm trời mây bạn tới.
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng!
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa.
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương.

…Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang…”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.

Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.

Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.

Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.

Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.

Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tầu.

Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn…”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.

Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.

Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng…

Quê tôi đó – bạn ơi! – là thế đó.
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao! Bỗng một ngày: có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương.

Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình!
Và từ đây, núi sông và cuộc sống.
Và quê hương mới thực sự của minh.

Cuộc đời mới con người cũng mới,
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ,
“Đoàn quân Việt Nam đi… chung lòng cứu quốc…”
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu.

Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy.
Những bài ca điệu múa lại vui tươi.
Những trận khóc đêm dài không có nữa.
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười.

Trong luỹ tre xanh vui mùa hợp tác,
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng.
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung.

Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội.
Những chủ nhân là chính những công nhân.
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát,
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm!

Những nhà thơ được tự do ca ngợi,
Quê hương. Tổ quốc, con người…
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ.
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi!

Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật,
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô…
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất,
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa.

Khi con người được tự do giải phóng.
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn.
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt,
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương.

Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào.
Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị,
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào.

Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới,
Khung trời quê mọc những nóc lò cao.
Dây “cao thế” đã chăng dài khắp nẻo,
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao).

Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ,
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân.
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần.

Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện.
Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây!
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại,
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay.

Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở,
Chuyện “kháng chiến trường kỳ” ai cũng nhớ nhập tâm.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần.

Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử,
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm.
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ,
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam.

Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo;
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời.
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi.

Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét.
Bạn trở về xin kể mọi người hay.
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn,
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay.

Đón đọc thêm bài 🌸Xuân Về [Nguyễn Bính] 🌸 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Đọc Hiểu Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính

Gợi ý cách đọc hiểu Bài thơ quê hương của Nguyễn Bính, bạn đọc có thể tham khảo ngay nhé!

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

(1) Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang…”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người may túi đúng ba gang.
(2) Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kì kháng chiến,
Hưng Đạo Vương đã mở hội Diên Hồng.
(3) Quê hương tôi có hát xòe, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”
(Trích Bài thơ quê hương – Nguyễn Bính)

👉Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là gì?

Đáp án: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

👉Câu 2: Hãy chỉ ra ba truyện cổ tích được gợi nhớ trong khổ (1) và những sự kiện lịch sử được khởi nhớ trong khổ (2)

Đáp án:

  • Ba truyện cổ tích: Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây khế
  • Những sự kiện lịch sử được gợi ra: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, khởi nghĩa Lam Sơn, hội nghị Diên Hồng.

👉Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của hai trong số các biện pháp nghệ thuật của đoạn thơ.

Đáp án:

– Nghệ thuật: liệt kê, điệp ngữ

– Tác dụng:

  • Nhấn mạnh tình cảm của tác giả đối với những di sản tinh thần của dân tộc
  • Câu thơ giàu hình ảnh, nhịp điệu

👉Câu 4: Anh(chị) có nhận xét gì về tình cảm của tác giả đối với những di sản tinh thần của dân tộc thể hiện qua khổ (3)

Đáp án: Tình cảm của tác giả với những di sản tinh thần của dân tộc: yêu mến, trân trọng, thể hiện qua cách khẳng định bằng điệp ngữ “quê hương tôi”, qua giọng điệu say sưa, tự hào.

Ý Nghĩa Của Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính

Bài thơ Quê hương của Nguyễn Bính chính là sự tự hào của ông về quê hương, đất nước của mình. Mọi câu truyện cổ tích của ông bà kể, những đại thi hào, những anh hùng dân tộc dựng nước và giữ nước, những trang sử hào hùng của dân tộc và cuộc cách mạng canh tân đời sống,…đều được hiện rõ qua từng câu thơ.

Chia sẻ chi tiết về tác phẩm🌱Tương Tư [Nguyễn Bính] 🌱 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích Bài Thơ 

Chùm Thơ Nguyễn Bính Về Quê Hương Hay

Ngoài Bài thơ quê hương, Thohay.vn còn sưu tầm thêm chùm thơ Nguyễn Bính về quê hương hay nhất sau đây gửi đến bạn đọc cùng thưởng thức.

Quê Tôi

Quê tôi có gió bốn mùa
Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, giăng rằm:
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.
Tôi về đây, đã lâu rồi,
Nằm trong cô tịch nhớ người phồn hoa
Tóc tơ, mình liễu da ngà,
Một người càng nhớ, càng xa một người
Ngày trông mây trắng bay hoài,
Đêm mơ áo trắng bay dài năm canh
Lòng vàng lạc cánh chim xanh,
Lạc từ cái ý chung tình lạc đi.
Chẳng điên chẳng dại là gì.
Bổng dưng mà biệt mà ly mọi người.
Chưa xa đã nhớ nhau rồi.
Nữa là hơn một tháng giời xa nhau.

Người đi nghỉ mát những đâu,
Đồ Sơn, Tam Đảo, nhà lầu xe hơi:
Ở đây, tôi chỉ đợi giời,
Mưa vàng một trận là tôi lên đường.
Sông ngang, núi trái bất thường,
Buồng the chẳng xót dậm trường thì thôi.
Mai ngày tôi bỏ quê tôi,
Bỏ giăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa.
Đem thân đi với giang hồ,
Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh.
Quê hương chẳng nhớ cũng đành,
Cũng xin dâng cả chân tình cho ai.

Năm năm mây trắng bay hoài,
Hồn tôi áo trắng tang dài đêm đêm.

Trở Về Quê Cũ

Đi đã mười năm mới trở về
Tâm tình tràn ngập bước đường quê
Nghe sao nao nức như hồi trẻ
Níu áo theo cha buổi hội hè!

Dãy núi Trang Nghiêm đứng chống trời
Mười năm núi vẫn đợi chờ tôi
Sườn cao rêu phủ xanh đồn giặc
Tôi đã về đây: núi mỉm cười!

Ruộng vỡ đường cày, ngõ trải rơm
Phải đây Văn Miếu lối vào thôn?
Đi lâu quên cả màu hoa đại
Quên cả mùi hương gạo tám thơm!

Ngõ xuống bờ ao chơi ú tim
Nhà em hàng xóm biết đâu tìm?
Biết đâu vườn táo cành sai quả
Giếng đá trăng vàng đâu bóng em?

Một cơn khói lửa mấy tơi bời
Cảnh cũ làng xưa khác cả rồi
Ngước mắt trông lên trời cũng lạ
Nhà ai đây chứ phải nhà tôi!

Hỏi tên nhận mặt nhớ ra rồi
Mừng tủi bâng khuâng khóc lẫn cười
Trẻ xóm mười năm giờ lớn bổng
Mười năm mất mát biết bao người…

Mẹ cha khuất núi mấy thu tròn
Vườn táo cô mình đã bốn con
Nhớ thuở hội xuân chèo dóng trống
Xin mình giấy đỏ đánh môi son

Nháo nhác đầu hồi chim sẻ kêu
Mưa thưa trắng lạnh nửa ao bèo
Sửa sai câu chuyện với trầu mặn…
Giọng kể cô tôi nặng bóng chiều!

Đất nước qua bao trận mất còn
Vàng son vẫn vẹn giá vàng son
Cô mừng trẻ lại năm mười tuổi,
Chẳng uổng công mình, xương máu con.

Xuân này vui tết lại vui quê
Lại chuyện làm ăn, chuyện hội hè,
Xanh biếc đầu xuân nương mạ sớm
Dậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe.

Vào đám làng tôi mở trống chèo
Bay cờ, lộng gió, đỏ đuôi nheo
Lớp màn Thị Kính nuôi con mọn
Tôi biết người xem lệ chảy nhiều…

Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng
Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan:
Xóm giềng tiễn biệt, cô đưa cháu
Đến mãi đầu thôn cạnh giếng làng.

Dãy núi Trang Nghiêm nhích lại gần
Trời cao vời vợi một màu xuân
Ta đi, chào núi, ta đi nhé!
Phơi phới tình quê buổi xuất quân…

Chân Quê

Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Xóm Làng Xanh

Bóng tre trùm bóng chuối,
Hương mít trộn hương cau.
Đặt gánh, nón thay quạt,
Ngực căng tròn áo nâu.

Bờ ruộng mòn mới xoá,
Trâu hợp tác đương cày.
Nước nông giang cuồn cuộn,
Theo nắng chảy về đây.

Gái thôn Đông, thôn Bắc,
Cấy “thửa ruộng miền Nam”.
Mạ cắm theo lời hát,
Chữ nhất thẳng từng hàng.

Giọng kẻng làm rộn rã,
Hồi trống học giòn tan.
Chuỗi cười tươi xướng mạ,
Bài giảng ấm trường làng.

Con đê dài lực lưỡng,
Sừng sững bức trường thành.
Sườn cao um biếc cỏ,
Ôm chặt xóm làng xanh.

Anh tân binh hết phép
Vui bước trên đường đồng.
Lùm cây xa, sẫm bóng,
Mái nhà ga đỏ hồng.

Xóm Cũ

Tôi về xóm cũ một chiều,
Ngõ đi vẫn vắng nhưng nhiều hoa xoan.
Có cô con gái người làng,
Đêm giăng hát ví vọng sang đầu hồi.

Anh Về Quê Cũ

Anh về quê cũ: thôn Vân
Sau khi đã biết phong trần ra sao.
Từ nay lại tắm ao đào
Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi.
Giang hồ sót lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men.
Nam Kỳ rồi lại Cao Miên
Tắm trong một cái biển tiền người ta…
Biển tiền, ôi biển bao la
Mình không bẩn được vẫn là tay không…
Thôn Vân có biếc, có hồng
Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều.
Đê cao có đất thả diều
Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay.
Quả lành nặng trĩu từng cây
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen.
Hiu hiu gió quạt, trăng đèn
Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ta chơi.
Ăn gỏi cá, đánh cờ người
Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân.

Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Phương nào kết dải mây Tần cho ta
Từ nay, khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân.

Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Anh em ly tán, lầu dần thành ra,
Không còn ai ở lại nhà,
Hỏi còn ai nữa? Để hoa đầy vườn,
Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn,
Anh về quê cũ có buồn không anh?

Ngoài Tìm Hiểu Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính, Xem Thêm 🌺Bài Thơ Mưa Xuân Nguyễn Bính 🌺Hay Đặc Sắc

Phân Tích Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính Hay

Bạn đọc có thể theo dõi mẫu phân tích Bài thơ quê hương của Nguyễn Bính hay dưới đây để hiểu thêm về nội dung, ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt.

“Bài thơ quê hương” của Nguyễn Bính là một bài thơ mà ít người biết đến, thậm chí ngay cả các nhà phê bình cũng ít khi nói về nó, mặc dù tên tuổi của Nguyễn Bính đã nổi danh thi đàn Việt đến tận hôm nay.

Nguyễn Bính viết “Bài thơ quê hương” vào tết Bính Ngọ (1966). Đọc nhiều bài thơ của ông tôi khá ngạc nhiên về sự dài hơi và phong cách kề cà diễn ra ở tác phẩm này. Bài thơ này rất dài, dàn trải, nhiều khổ vỏ ngôn ngữ không trùng, nhưng ý thơ lặp.  Đọc nó, nhiều lúc cứ ngỡ không phải thơ ông. Có lẽ vì lý do đó mà không mấy ai biết thi sỹ Nguyễn Bính có bài thơ này giữa các bài thơ nổi tiếng cùng đề tài. 

Bài thơ cấu tạo hình thức là câu chuyện về quê hương “Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương”, tác giả kể cho người bạn “Trải nghìn dặm” tới thăm Việt Nam.

Ấn tượng sâu đậm nhất tôi gặp là những dòng thơ mà Nguyễn viết về mạch nguồn dân tộc. Dường như ông gửi vào đó cả một vốn kiến thức dân gian và khát khao cái khí quyển dân gian nghìn đời ấy. Những khổ thơ này tràn ngập một thế giới cổ tích ca dao. Dường như trong mỗi câu thơ đều chất chứa một thứ “Điển tích” nào đó.

Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng đàn kêu tích tịch tình tang…
Có cô Tấm náu mình trong quả thị
Có người em may túi đúng ba gang.

Cây bầu, Cây nhị, hai loại nhạc cụ dân gian đặc biệt của Việt Nam, riêng cây đàn bầu với một sợi dây (Độc huyền) đã làm rung động nhiều tâm hồn người trên thế giới. Thanh âm của nó trong thơ Nguyễn Bính là cả một không gian chuyện cổ Thạch Sanh. Chàng trai dũng cảm nhân hậu  như một biểu tượng văn hóa Việt cổ.

Là câu chuyện về Cô Tấm dịu hiền quằn quại hóa thân khẳng định mình chống cái ác. Đó cũng là phẩm chất cao đẹp của con người Việt cổ xa xưa biết tiết chế dục vọng từ bỏ lòng tham “Có người em may túi đúng ba gang”.

Câu chuyện cổ tích “Cây khế” hiện diện trọng xã hội xưa như một câu chuyện tiêu biểu, còn câu thơ Nguyễn nói về nó trong một dòng thơ. Rất thú vị khi Nguyễn dùng từ “Đúng”. Đó là một từ biểu thị lý tính. Ở đây diễn tả sự khiêm tốn, về thói không tham phúc lộc trời ban tặng của người em trai khi chim nói “ Ta ăn một quả, ta trả cục vàng/May túi ba gang, mang đi mà đựng”. Nó cũng là bài học Khổng Khâu dạy các đệ tử khi lý giải cái lọ đựng nước vì sao mà đứng vững “Nhiều quá thì đổ, ít quá cũng đổ, nhưng vừa thì đứng”.

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

Vẫn là mạch dân gian chảy, ở đây là những áng ca dao đậm đà ý vị, là những câu tục ngữ sáng lên lý trí Việt, những bài đồng giao con trẻ đêm trăng. Thiên nhiên hòa quyện với cuộc sống con người. Và thiên nhiên như trang sách vĩnh cửu ghi lại trên mình, trong mình những câu chuyện nồng nàn tình yêu chung thủy.

Không chỉ có mạch dân gian, hình ảnh dân tộc còn ngời sáng trong những áng văn thơ lấp lánh tình người trong đó. Những câu thơ của Vua Trần sau trận mạc như niềm cảm khái một thuở non sông chinh chiến và niềm tự hào chiến thắng, niềm tin vào bền vững trường tồn. Đó là nỗi khắc khoải hoài vọng quá khứ của Bà Huyện Thanh Quan mà giờ đây là Nguyễn Bính:

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.

….

Và tình yêu cũng rất Việt. Nguyễn Bính dùng bốn câu nói về tình yêu của người con gái. Thật phi thường. Chấp nhận gian khổ và chấp nhận những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua. Cái không thể được người con gái biến thành cái có thể nhờ ở sức mạnh phi vật chất; đó tình yêu phi thường chân thật mà lại mềm mại ý vị:

Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn…”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.

Một không gian Quê hương hiện dậy ngọt ngào với những mảnh tâm hồn quê kiểng nhưng bay bổng tiếng thơ và mênh mông câu hát dân ca:

Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.

Cái hơn của Nguyễn Bính là cách nói thậm xưng “Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát”, lối nói quá này tài tình ở chỗ nó vẫn diễn tả được cái thật.  Đó là mạch máu chảy nối đời nối kiếp, là thứ siêu gen di truyền mang tên gọi Việt Nam.

Người Việt thích làm thơ mà ngâm ngợi, mà nghĩ suy, vui đùa và chiến đấu…Trong ngôn ngữ giao tiếp, đôi khi trong những bài phát biểu của các chính khách cũng xuất hiện những câu thơ. Đó là tâm hồn Việt, một chút lãng đãng thăng hoa bay ra ngoài hiện thực để tích một thứ năng lượng nào đấy rồi quay về với hiện thực.

Phong cách giao tiếp người Việt nó lãng đãng một tý, hồ đồ một tý, bay bổng, để rồi tỉnh táo. Cái chất lãng mạn ấy được cấu thành trong tâm hồn Việt ngay từ trong nôi.

Sữa mẹ và dòng sữa ca dao đồng thời nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn Việt, một thứ tâm hồn gắn với văn minh lúa nước hiền dịu hòa nhập với thiên nhiên bình dị êm ả; những cánh cò đưa bay lả, những áng mây xanh mây trắng mây vàng và những mùa hoa nở kế tiếp…

Câu chuyện mà tác giả kể cho bạn trong bài thơ dài này là cả một câu chuyện về đất nước con người Việt xa xưa và hiện tại. Đọc bài thơ, so sánh với phong cách của Nguyễn Bính như nhận xét của. Giáo sư Lê Đình Kỵ: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu,…”

Nguyễn Bính có những sự thay đổi trong cách viết sau vụ Nhân văn giai phẩm và Báo Trăm hoa của ông bị giải tán. Ở thời kỳ này ông vẫn có nhiều bài thơ rất hay. Trường hợp những tác phẩm như “Bài thơ quê hương” rất hiểm gặp ở Nguyễn Bính. Tuy nhiên, đọc lại chúng ta vẫn tìm thấy trong đó những mảnh hồn của ông sáng lên, lấp lánh một thứ hồn Việt đậm sắc màu đồng quê, xao xác một bầu trời chuyện cổ, rì rầm một dòng sông ca dao trong tâm thức.

Xem thêm chùm ❤️️Thơ Ghen Nguyễn Bính, Xuân Diệu ❤️️Bên Cạnh Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính

2 bình luận về “Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính [Nội Dung + Phân Tích]”

    • Trong bài thơ “Quê Hương” của tác giả Ngọc Bích, chủ thể trữ tình là nhân vật “tôi” – người thể hiện tình cảm và cảm xúc của mình qua từng câu thơ. Đối tượng trữ tình là “quê hương” – nơi gắn bó với những kỷ niệm và tình cảm sâu sắc của nhân vật “tôi”

      Bình luận

Viết một bình luận