Bài Thơ Lá Diêu Bông [Hoàng Cầm] ❤️️ Nghệ Thuật, Phân Tích ✅ Chia Sẻ Chi Tiết Về Ý Nghĩa, Hoàn Cảnh Sáng Tác, Cách Đọc Hiểu Tác Phẩm.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Lá Diêu Bông Của Hoàng Cầm
Hoàng Cầm cũng là môt trong những ông hoàng về thơ tình Việt Nam từ 50 năm nay. Bài thơ Lá diêu bông là một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của ông, khiến tên tuổi của ông bay xa, bay cao trên thi đàn Việt Nam. Sau đây là nội dung bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm.
Lá diêu bông
Tác giả: Hoàng Cầm
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
– Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày sau Em tìm thấy lá
Chị chau mày
– Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời!…
…ới Diêu Bông!…
Đọc thêm bài thơ 🔰Bên Kia Sông Đuống [Hoàng Cầm]🔰 Nội Dung, Phân Tích
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Lá Diêu Bông
Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Lá diêu bông, thi sĩ Hoàng Cầm đã chia sẻ câu chuyện như sau:
Bài thơ “Lá diêu bông” tôi viết về một câu chuyện có thật, câu chuyện về mối tình đầu trong đời tôi. Quá nửa đêm mùa rét năm 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn 6 (oát), bên cạnh người vợ đang ngủ ngon và các con cũng đang ngủ say ở giường bên, tôi không gây một tiếng động khả dĩ làm mất giấc ngủ của những người thân.
Đêm nào khi lên giường nằm, tôi cũng để sẵn một tập giấy trắng và một cây bút chì. Nếu ngủ được thì tốt, nhưng thường về đêm, tôi cứ hay bị thao thức, trằn trọc vô cớ. Chẳng có chuyện gì phải lo nghĩ, chẳng có ý định gì trong đầu mà sao về quá nửa đêm một mùa rét ấy tôi vẫn không ngủ được. Bốn bề yên tĩnh.
Nhà tôi ở vào một phố nhỏ, lại lùi tít vào bên trong nên tiếng xe cộ thưa thớt bên ngoài đường cũng không lọt được vào tai. Im lặng. Chợt bên tai vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…
Tôi xoay người trong chăn về phía bên trái và ghi ngay. Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bẫng hẳn, một lát sau tôi ngủ thiếp đi.
Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xóa mất chữ khác. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua. Và đó là cách bài thơ ‘Lá diêu bông’ ra đời.
Ý Nghĩa Bài Thơ Lá Diêu Bông
Bài thơ Lá diêu bông thể hiện nỗi khát khao không được thỏa mãn về một tình yêu đích thực, là sự tái lặp nỗi đau bi kịch của tình yêu cha mẹ và là sự vô vọng của hành trình đi tìm bản ngã đích thực của tác giả. Đồng thời thông qua bài thơ, Hoàng Cầm còn muốn gửi một thông điệp đến bạn đọc để giãi bày cái đau tình, đau đời mà Thi sỹ ẩn nhẫn câm nín bao ngày không nói ra được.
Chia sẻ thêm 🌿Chùa Hương [Nguyễn Nhược Pháp]🌿Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Đọc Hiểu Bài Thơ Lá Diêu Bông
Đừng nên bỏ qua nội dung phần đọc hiểu bài thơ Lá diêu bông sau đây nhé!
👉Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Nêu tác dụng của thể thơ đó.
Đáp án: Thể thơ tự do giúp tác giả thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình một cách chân thành, xúc động mà không bị gò bó
👉Câu 2: Xác định những phương thức biểu đạt chủ yếu của bài thơ.
Đáp án: Bài thơ có phương thức biểu đạt chính là biểu cảm kết hợp tự sự.
👉Câu 3: Hình tượng Lá diêu bông trong bài thơ có ý nghĩa gì:
Đáp án: Lá diêu bông là một loại lá không hề tồn tại trên thế gian, hình tượng lá diêu bông tượng trưng cho cái đẹp tiêu biểu của tình yêu đơn phương.
Tác giả Hoàng Cầm khi viết bài thơ này với mong muốn diễn tả được một cách chân thật nhất về mối tình tuổi thơ của một người con tra ít tuổi hơn dành cho một người chị gần nhà đã từng chơi chung với mình ở thủa nhỏ.
Chị đó từng nói rằng nếu như ai có thể tìm thấy được chiếc lá diêu bông thì chị sẽ lấy làm chồng. Nhưng đấy chỉ là một câu nói đùa của người chị hàng xóm, nhưng cậu bé lại tin là thật. Từ đó cậu luôn cố gắng tìm cho bằng được chiếc lá diêu bông để có thể lấy chị làm vợ.
Nghệ Thuật Bài Thơ Lá Diêu Bông
Tổng kết các giá trị nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ Lá diêu bông.
- Bài thơ Lá Diêu Bông được làm theo thể thơ tự do, không gò bó luật lệ, số lượng âm tiết từng dòng không cố định, dài ngắn khác nhau.
- Nhịp điệu của bài thơ mang âm hưởng dân ca Quan họ, vô cùng du dương, tha thiết.
- Hình tượng thơ “Lá Diêu Bông” huyền ảo gây mê hoặc lòng người, cặp sóng đôi “chị” – “em” làm nổi bật nỗi đau, bi kịch của nhân vật trữ tình.
- Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, tự nhiên như lời kể chuyện.
Tìm hiểu chi tiết🍃Bài Thơ Nhớ Con Sông Quê Hương [Tế Hanh]🍃 Nội Dung, Phân Tích
3+ Bài Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lá Diêu Bông Hay Nhất
Tham khảo ngay các bài văn mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm hay nhất dưới đây nhé!
Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lá Diêu Bông Hay – Mẫu 1
Hoàng Cầm đã từng chói sáng với “Bên kia sông Đuống”- đỉnh cao của thơ ca kháng chiến. Nhưng ông nổi, là nổi ở bài “Lá Diêu Bông”. Bài thơ được ra đời trong một hoàn cảnh lạ, rất đặc biệt, từ những năm 60 của thế kỉ trước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mãi đến thời kì đổi mới, chân giá trị bài thơ càng được khẳng định.
Bài thơ “Lá Diêu Bông” đã trở thành một thi phẩm sáng giá, được nhiều người đọc yêu thích và quan tâm đặc biệt. Ở đây, thi nhân đã đẩy tình yêu cá nhân đơn phương lên điểm đỉnh của sự nhân bản, thăng hoa thành tình yêu siêu lạ Hoàng Cầm.
Phần lớn bài thơ sử dụng thể thơ dân tộc, có sự kết hợp hài hoà giữa tính truyền thống và tính hiện đại. Qua tay ông, thơ truyền thống được tinh luyện, trở nên phong phú vô cùng và được thể hiện ở rất nhiều dạng vẻ. Việc biến thơ lục bát truyền thống, sang thể bảy chữ và cách chú trọng dùng thanh điệu (dấu câu) đã khiến“Lá Diêu Bông” trở nên hấp dẫn đặc biệt. Ngay từ câu đầu, ta đã bắt gặp hình ảnh người Chị rất ấn tượng với trang phục:
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ
đi tìm
đồng chiều,
cuống rạ
Chị bảo:
-đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay, Chị gọi là chồng”.
Nếu từ “Bảng” nhẹ tênh được dùng bằng dấu hỏi, thì từ “võng” nặng trịch, được dùng bằng dấu ngã, đứng cuối câu, làm cho ý thơ càng trĩu xuống, tạo ra một âm điệu nặng nề cho câu thơ. Vì thế, lời thơ như dự báo về một điều gì đó không đơn giản, ngược lại, rất khó lường.
Câu đầu, bảy chữ, rất truyền thống. Nhưng hai câu tiếp theo, lại được ngắt làm nhiều dòng tự do, nên rất hiện đại. Tứ thơ, nhằm diễn tả câu chuyện tình được bắt đầu từ Lá- “Lá Diêu Bông”. Vậy hình tượng “Lá” mang ý nghĩa gì?
Mỗi người đọc lại có một cách hiểu riêng về hình tượng này. Mặc dù có rất nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng đều cùng thống nhất ở một ý nghĩa biểu trưng, đó là “cái Lá định mệnh của Tình yêu- một tình yêu tuyệt vọng và ẩn chứa cả hi vọng nữa”. “Lá” vừa thể hiện sự thách đố Tình yêu, vừa thể hiện một sự đam mê đi tìm Tình yêu, hạnh phúc. Dù là ảo mộng siêu thoát, thì câu thơ vẫn đầy ắp yếu tố tự sự về câu chuyện tình của thằng Em hơn mười tuổi yêu một Chị, rất đam mê.
Để khéo léo diễn tả ghềnh thác trên bước đường tìm Tình yêu, Hoàng Cầm sáng tạo độc đáo ra hình ảnh tìm đố “Lá Diêu Bông”. Nhân vật Chị được xuất hiện với dáng vẻ Chị Hai Quan họ- người gái quê Kinh Bắc qua trang phục váy Đình Bảng. Hình ảnh người Chị đi tìm “Lá” hay đi tìm hạnh phúc tình yêu? Qua những tình tiết thách đố, ta càng thấy người Chị có những diễn biến tâm trạng đầy uẩn khúc, khó hiểu và có cả sự xao động, không bình thường. Tâm trạng của Chị qua bốn lần nhận Lá được diễn tả ở những cung bậc tình cảm khác nhau:
Hai ngày sau Em tìm thấy lá
Chị chau mày
– Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn
Để diễn tả lần thứ nhất Em đưa Lá, câu thơ đã chỉ ra thời gian rất ngắn – “Hai ngày sau Em tìm thấy Lá”. Vẫn là thơ lục bát, nhưng cách ngắt nhịp 3/4 và cách sử dụng thanh điệu lại không theo lối truyền thống, bởi năm thanh bằng đứng đầu và hai thanh trắc- “thấy Lá” đứng cuối, hai danh từ Em và Lá được viết hoa. Điều đó đã cho thấy tình thực của Em khá rõ- rất yêu Chị.
Chẳng theo vẫn chân, vần lưng của thơ truyền thống, câu bát tiếp theo được tách làm đôi, nhịp 1/2/2/3, đứng hai dòng đã trả lời sự giải đố của thằng Em. Chị “chau mày” là thể hiện một thái độ giận dữ, và như vậy Chị không thừa nhận tình yêu của thằng Em, nên phủ định-“đâu phải Lá Diêu Bông!”.
Vẫn trong sự sáng tạo của cách dùng thơ lục bát, ở những lần đối thoại sau, Hoàng Cầm đều diễn tả theo những cung bậc tình cảm rất khác nhau của Chị. Riêng đứa Em, sau trước vẫn thuỷ chung.
Lần thứ hai, Em đưa Lá vào thời gian sau một năm. Vậy là từ “hai ngày” sang “mùa đông năm sau”, cái “lắc đầu” của Chị có cảm giác nhẹ hơn cái giận dữ ban đầu, Chị đã lờ đi như một sự phủ nhận. Đến ngày cưới, thì thực sự Chị đã yên phận. Trong cái yên phận ấy dường như còn có cả niềm vui bên trong nên “ Chị cười, xe chỉ ấm trôn kim”.
Nhưng khi “Chị ba con” việc đưa Lá của Em hoàn toàn khiến Chị thấy khác hẳn những lần trước. Chị xoè lòng bàn tay, nhìn thời gian trôi đi như cả đời người vậy qua kẽ những ngón tay ấp vào mặt. Động tác ấy của Chị như để che dấu một điều gì.
Câu thơ bảy chữ “Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn” đứng một dòng, không bị tách ra nữa, mang lại rất nhiều nghĩa: có thể là Chị không nhìn, hoặc không dám nhìn; cũng có thể là không muốn nhìn hoặc cho qua hết không còn cái gì là quan trọng cả. Chả nhẽ bốn lần Em tìm cảm xúc của Chị, chỉ có thế thôi à!
Những lần trước Chị từ trối chối vì Chị còn sức mạnh của tuổi trẻ, còn vẻ đẹp rực rở của tuổi con gái dậy thì. Còn lần này, Chị thừa nhận một cách âm thầm, đau khổ, không nói ra cho Em biết, cũng không dám nhìn vì sợ nhìn thì càng đau khổ thêm. Cũng có thể lần này, Chị thấy tình của Em chân thật quá, vĩ đại trùm lấp cả Chị.
Đến khổ cuối, cảm xúc của nhà thơ đã được thể hiện bằng cách tự buông những từ ngữ, nhịp điệu, âm hưởng diễn tả sự tuyệt vọng:
“Từ thủa ấy
Em cầm chiếc Lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời!…
-ơi Diêu Bông!…”
Các từ dài ngắn nối tiếp tạo âm hưởng vừa vút cao, vừa lan nhẹ hoà vào vũ trụ trong tiếng ru dìu dặt của “Diêu Bông hời!…-ơi Diêu Bông!…” Cách dùng từ cảm thán và dấu ba chấm đã khẳng định không còn hi vọng, chỉ có tuyệt vọng mà thôi.
Vậy là từ hình tượng nghệ thuật Lá Diêu Bông, ta thấy nhân vật trữ tình – Chị và Em, hiện ra thật độc đáo. Người Chị mang dáng vẻ duyên dáng của Gái quê Kinh Bắc, có tâm trạng đầy uẩn khúc qua việc thách đố đi tìm Lá Diêu Bông. Sau mỗi lần nhận Lá, tâm trạng của Chị lại được diễn tả ở những cung bậc tình cảm khác nhau, đọng ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Còn nhân vật Em, bộc lộ một tình yêu say đắm- suốt một đời đi tìm tình yêu Chị.
Từ tình yêu trẻ thơ, với hình ảnh cậu bé lẽo đẽo cầm Lá đi theo Chị, để rồi qua bốn lần đưa Lá, chứng tỏ cuộc săn tìm tình yêu của nhân vật Em thật mãnh liệt trớ trêu, đơn phương đầy nghiệt ngã và thật quá cay đắng. Tình yêu ấy xuyên suốt cuộc đời của nhân vật Em, khiến cho Em phải “một đời nợ suốt Diêu Bông”. Mặc dầu biết Diêu Bông là không thực, nhưng Lá “cứ chập chờn ẩn hiện tháng năm” ngự trong suy tư của Em- “Rằng xưa… ai biết vì sao?.. Lá gì lại gọi thế nào…Diêu Bông…!”
Hình ảnh cậu Em cầm chiếc Lá “đi đầu non cuối bể”… rồi tan loãng vào không gian đồng chiều cuống rạ, vào nắng, vào gió quê vi vút, cho thấy tình của thằng Em rất chân thật, lớn lao quá, mà cũng khó khăn quá. Vậy hình ảnh nhân vật Em cho thấy, đây là niềm hi vọng hay là tuyệt vọng? Người đọc tự chọn nghĩa để hiểu, để sẻ chia cái cảm thông của mình.
“Lá Diêu Bông” là câu chuyện tình của đứa Em 12 tuổi chạy theo yêu một Chị. Tình yêu đó chỉ là ước mơ. Mà một khi đã là ước mơ thì đều đẹp đẽ cả. “Lá Diêu Bông” tượng trưng cho cái đẹp lý tưởng của tình yêu. Trong cuộc đời, việc đi tìm lý tưởng luôn đầy gian lao vất vả, cũng lắm thác nhiều ghềnh. Điều nhà thơ muốn nhấn ở đây là ý nghĩa mơ ước cuộc đời, là một tình yêu đẹp. Vì thế bài thơ bộc lộ ý nghĩa nhân bản lớn, chứ không chỉ đơn giản là câu chuyện tình.
Về mặt nghệ thuật, bài thơ thể hiện phong cách độc đáo, rất riêng của Hoàng Cầm. Nhịp điệu của bài thơ mang âm hưởng dân ca Quan họ, dặt dìu, tha thiết. Cách ngắt nhịp rất sáng tạo uyển chuyển. Sự ngắt một câu thơ ra làm nhiều dòng, thường được Hoàng Cầm dùng nhiều trong các tập thơ. Bởi ông quan niệm “nhịp điệu, chính là chiếc xe chở cái hồn của bài thơ đi, để nhập, để hoà với hồn người đọc”.
Tứ của bài thơ cũng rất lạ. Đây là trường hợp duy nhất và cũng kì diệu nhất do thần linh giọng nữ cao đọc và nhà thơ ghi lại từ đầu cho đến cuối. Nên có thể xem, đây là bài thơ siêu thực rất tiêu biểu mà cũng là đẹp trên cả hai mặt, tiềm thức và giấc mơ. Hoàng Cầm quan niệm: “cái tứ” của thơ là phải đọc được ngoài lời. Có nhiều bài thơ mang tứ rất lạ, rất khó giảng, khó bình, mà nhiều khi chỉ cảm nhận được thôi. Có lẽ “Lá Diêu Bông” là trường hợp đặc biệt này.
Hình tượng “Lá Diêu Bông” tượng trưng cho cái đẹp tiêu biểu của tình yêu đơn phương. Nó không chỉ đơn giản là sự tuyệt vọng, là câu chuyện tình yêu, mà lớn hơn thế, nó nêu một vấn đề phổ quát về khát vọng hạnh phúc, ước mơ cuộc đời. Ai chẳng ước mơ một tình yêu đẹp, nhưng con đường để thực hiện nó đầy chông gai, trắc trở, nhiều khi đi tìm cả cuộc đời cũng không thấy.Vì vậy mà bài thơ có giá trị nhân bản sâu sắc và có sức hấp dẫn lớn.
Bài “Lá Diêu Bông” từ lâu, đã được đông đảo độc giả Việt Nam và nước ngoài tìm đến, mến mộ. Có lẽ là vì Hoàng Cầm đã giỏi hoà quyện chất dân gian truyền thống với hồn thơ Kinh Bắc, văn hoá Kinh Bắc, để làm thành lối thơ- siêu thực Hoàng Cầm- dân gian- mà hiện đại.
Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lá Diêu Bông Ngắn Hay – Mẫu 2
Mùa đông 1959, trong một đêm giá lạnh và sự vô thức đến kì lạ, người nghệ sĩ Hoàng Cầm xuất thần sáng tác nên bài thơ Lá Diêu bông. “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, tiếng thơ mang bóng hình tự vạn kỉ, đã ra đi nhưng đêm ấy bỗng chốc quay trở về và xúc tác nên một thi phẩm nghẹn ngào về mối tình đơn phương giữa cậu bé mười tuổi với cô thiếu nữ hàng xóm. Tình đầu, bất cứ ai trong chúng ta đâu phải dễ dàng muốn quên là quên.
Lá Diêu bông vì thế bỗng có sức ám ảnh tột độ, khi từng câu từng chữ vang lên lại khiến trái tim người đọc run rẩy. Bởi dấu lặng trầm buồn. Và bởi họ nhận ra hình như một phần của bản thân đang phảng phất trong ý tứ tác phẩm. Người ta bảo, Lá Diêu bông đọc thì dễ, mà cắt nghĩa lại khó biết chừng nào. Tiếp cận bài thơ, thiết nghĩ bạn đọc không nên quá câu nệ đến vấn đề lí trí, mà hãy để cảm giác và con tim mở đường dẫn lối.
Làm nên sự thành công của Lá Diêu bông, bên cạnh những hình tượng như Lá Diêu bông, cặp sóng đôi “chị” – “em”,… cách thức tổ chức không gian và thời gian trong tác phẩm cũng góp phần không nhỏ đến sức sống lâu bền của tác phẩm.
Như bất cứ tác phẩm nghệ thuật, Lá Diêu bông mở ra trước mắt độc giả một chiều không gian – thời gian khác biệt với thực tại. Không gian và thời gian trong Lá Diêu bông mang tính nghệ thuật, và loại hình không – thời gian ấy từng trở đi trở lại trong thơ Hoàng Cầm như một ám ảnh, chỉ sai khác ở màu sắc tâm tư giữa từng bài thơ.
Hoàng Cầm tái dựng trong Lá Diêu bông không gian của làng quê miền Kinh Bắc với địa danh cụ thể là Đình Bảng, và những thành phần không gian đậm đà màu sắc quê hương Bắc Bộ: đồng chiều, cuống rạ, nắng, sông, gió quê,… Tất cả đều có thể gắn liền với hậu tố “quê” ở đằng sau (đồng quê, nắng quê, sông quê, gió quê,…).
Dù đang sống ở thị thành, nhưng trong cái đêm mùa đông huyền nhiệm ấy, tâm tưởng Hoàng Cầm vụt tan khỏi không gian thành phố để rồi trở lại với những hình dung của làng cảnh quê hương. Quê hương gắn bó với Hoàng Cầm, trở đi trở lại trong tâm trí, trở thành nền cảnh nhuốm màu tâm trạng, góp phần làm cho hai đối tượng nghệ thuật (“chị” và “em”) được khắc họa nổi bật.
Có lẽ, chỉ khi được đặt vào không gian làng quê Kinh Bắc, hai chủ thể “chị” và “em” mới hội tụ đầy đủ khả năng để biểu hiện tất cả những tâm tư tình cảm về mối tình đơn phương của Hoàng Cầm.
Không gian làng quê Kinh Bắc như đã nói ở trên không phải được xuất hiện trong thực tại. Tình yêu một phía từ cậu bé mười tuổi Bùi Tằng Việt không thể khiến người đọc thấm thía nhói đau, nếu như thứ tình đơn phương ấy không bị đẩy lui về quá khứ. Độc giả chợt ngỡ ngàng: sự xa cách về không gian đã là nỗi đau khổ, nhưng ở đây mối tình ấy còn bị giãn cách bởi sự cách trở ở cả bốn chiều kích (ba chiều không gian và một chiều thời gian).
Dĩ nhiên, chỉ có quá khứ mới đủ khả năng thấm đẫm cái ý vị ngậm ngùi của mối tình dở dang đã hóa màu kỉ niệm, một kỉ niệm chưa bao giờ được trọn vẹn. Trục thời gian có tính vận động: từ hôm nay (thời điểm “chị” thách ai đó tìm được Lá Diêu bông) đến hàng loạt những thời điểm sau đó (hai ngày, mùa đông năm ấy, ngày cưới chị, ngày chị ba mặt con – em mang Lá Diêu bông đến và rồi chị đều chối từ).
Thời gian ngày càng được kéo giãn, cậu bé càng trở nên kiên nhẫn miệt mài trong công việc tìm chiếc lá tưởng tượng, nhưng tỉ lệ thuận với sự giãn cách của thời gian lại là sự chối từ ngày càng tăng cấp (chau mày, lắc đầu, cưới) để dứt khoát chấm dứt nỗ lực của kẻ tình si (xòe tay phủ mặt không nhìn). Ngay cả đến liếc mắt trông ra chị còn không muốn, đó chẳng phải dấu hiệu rõ ràng nhất cho sự phủ định tình yêu?
Nhưng quá khứ – thời gian trong Lá Diêu bông – không dừng lại ở một thời đã xa. Tuy nhiên, là quá khứ nhưng không hoàn thành, vì xét cho kĩ, thời gian được dựng trong tác phẩm lại là quá khứ vắt sang hiện tai. Hiện tại vẫn xuất hiện và dường như không có điểm kết trong khổ thơ cuối.
Ai biết hạn định của “Từ thuở ấy” ở nơi đâu? Cái trục thời gian quá khứ vắt sang hiện tại như một ý đồ nghệ thuật: một mặt phản ánh sự trường tồn của “kinh thành kí ức” (như đã nói, tình đầu nào mấy ai lãng quên), mặt khác càng khắc sâu, dai dẳng hóa sự thẫn thờ và vô vọng của mối tình đơn lẻ. Trong dòng chảy thời gian, hình ảnh tình đầu và cả nỗi đau mà tình đầu mang đến, tất cả sau mấy mươi năm sao cứ còn vẹn nguyên?
Như thế, không gian và thời gian trong Lá Diêu bông đều góp phần thể hiện ý đồ nghệ thuật của Hoàng Cầm. Bối cảnh không gian Kinh Bắc quê hương và cái xa xôi của thời gian niên thiếu thật sự phù hợp cho việc khắc họa những nét vẽ – khi đậm khi nhạt – về mối tình đầu đơn phương.
Đến nay, tong khoảng thời gian tương ứng với một đời người ấy, Lá Diêu bông đã được hết thế hệ độc giả này đến thế hệ bạn đọc khác cảm nhận bằng cả trái tim. Bài thơ có sức sống mãnh liệt nhờ những tâm tư chân thành đan xen trong sự hồi tưởng tình cảm sau bao năm dài xa cách, càng khẳng định thêm cho sự bền vững của kinh thành kí ức – tình đầu – không chỉ ở nhà thơ mà còn của cả chúng ta.
Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lá Diêu Bông Sâu sắc – Mẫu 3
“Lá Diêu Bông” là một bài thơ tiêu biểu được rút ra trong tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một nhân tố quan trọng góp phần nên thành công của bài thơ nói riêng cũng như tập thơ nói chung, trở thành nhân vật huyền thoại của bao mối tình dang dở.
Nhân vật trữ tình của bài thơ được đặt trong một bối cảnh không gian thời gian đầy huyền thoại, hư ảo; nó chính là hiện thân của tác giả; trong hành trình tìm kiếm tình yêu đầy khát vọng cũng như đi tìm cái Đẹp đã mất, với những khoảnh khắc vụt hiện của dòng ý thức.
Cũng như nhiều bài thơ khác trong tập “Về Kinh Bắc”, tâm thế sáng tạo của thi sĩ Hoàng Cầm khi viết “Lá Diêu Bông” là trong tình trạng chìm về quá khứ, vào sâu cõi tâm linh. Về với Kinh Bắc, thi sĩ như chìm đắm, lắng sâu trong tâm tư của riêng mình, nửa trầm tư hoài niệm nửa khát vọng sẻ chia. Không gian là mảnh đất Kinh Bắc….. nhưng lại là Kinh Bắc trong tâm tưởng, trong sự hồi cố của tác giả. Không gian ấy vĩnh cửu và nằm ngoài mọi thời gian lịch sử.
Thời gian cũng là thời gian quá khứ, thời gian hồi cố, thời gian tâm linh mơ hồ, huyễn hoặc. Trong tâm thế sáng tạo ấy, nhân vật và thiên nhiên đều ít khi tồn tại với ý nghĩa đen mà là hình ảnh của thế giới hồi tưởng, thế giới cảm giác hoặc trở thành những ý niệm, kí ức, biểu tượng không thể nhận thấy, không thể nắm bắt: “Chỉ với 24 dòng thơ thôi, thi sĩ đã dệt nên một câu chuyện tình đượm màu cổ tích và thấm đẫm tính huyền thoại. Đọc “Lá Diêu Bông”, độc giả như đang phiêu cùng nhân vật trữ tình trên cái ranh giới của ảo và thực”.
“Em” là nhân vật trữ tình của bài thơ, là hình tượng người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. “Em” đặt trong mối tương quan với nhân vật “Chị”, là nguồn cơn của mọi cảm xúc, suy nghĩ và hành động của nhân vật trữ tình. Mối quan hệ “Chị-Em” sẽ xuyên suốt tác phẩm như một cảm hứng chủ đạo.
Câu chuyện xưa bắt đầu từ một buổi chiều quê Bắc Ninh như tác giả từng chia sẻ “một buổi chiều mùa đông…Chị đi về phía cánh động chiều còn trơ cuống rạ. Những dãy núi xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẩn hơ tìm đồng chiều cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng theo sau lưng: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng…” .
Câu nói ấy in sâu vào tâm trí “Em”, như một lời nguyền nhức nhối đi theo suốt cả cuộc đời. “Em” vì câu nói “bâng quơ” của “Chị” đã mải miết kiếm tìm. Thời gian sắp đặt nối tiếp với khoảng cách tăng dần: Hai ngày sau…mùa đông sau…Ngày cưới chị…Chị ba con… cho ta thấy nỗ lực của nhân vật trữ tình trên hành trình kiếm tìm chiếc lá Diêu Bông.
Thời gian phát triển từ thời gian thực tại đến thời gian tâm lý thể hiện sự kiên nhẫn, niềm hi vọng tưởng chừng không bao giờ cạn của nhân vật trữ tình. Em đi tìm như muốn khẳng định điều có thể của những thứ không thể. Bốn lần đi tìm, bốn lần đều tìm thấy lá, nhưng sắc điệu cảm xúc lại khác nhau.
Lần đầu là vui mừng của người chiến thắng, những lần sau là sự khấp khởi hi vọng. Chị đố lá để tìm tình yêu, Em kiếm lá cũng để tìm tình yêu nhưng hai hành trình kiếm tìm tình yêu của hai chị em lại chỉ như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp thấy điểm chung. Trò chơi đố lá bỗng trở nên nghiệt ngã.
Trong mối tương quan với nhân vật trữ tình, bốn lần Em tìm thấy lá với các sắc điệu cảm xúc khác nhau thì cảm xúc của Chị cũng ngày một hiện ra rõ nét hơn: Từ “chau mày” không chấp nhận chiếc lá đầu tiên em tìm là lá Diêu Bông, “lắc đầu” thẫn thờ “trông nắng vãn bên sông”, cười gượng gạo “xe chỉ ấn trôn kim” đến đau khổ “xòe tay phủ mặt Chị không nhìn”. Mỗi lần em tìm thấy là mỗi lần nỗi đau chị tăng lên.
Rõ ràng “Chị-Em” là cặp đại từ nhân xưng đặc biệt, được viết hoa và thể hiện mối quan hệ bất thường. Nó vừa là danh từ riêng chỉ người, vừa là cặp đại từ xưng hô của nhân vật trữ tình dành cho người con gái lớn tuổi hơn mình nhưng mình lại đem lòng thương mến. Cặp từ xưng hô ấy lại trở thành rào cản, khiến cho khoảng cách của hai nhân vật ngày một xa hơn.
Chị mượn hình ảnh lá Diêu Bông đố em đi tìm nhưng nào đâu có chiếc lá đó. Trò chơi tìm lá hay phải chăng là lời chối từ ý nhị của Chị khi biết em có tình cảm với mình, hay là nỗi đau của Chị khi không thể vượt qua được những rào cản, định kiến của xã hội. Tất cả đều mông lung trong thế giới huyền ảo của nhân vật trữ tình cũng là những hồi ức quá vãng của tác giả.
Lá Diêu Bông là bài thơ giàu tính nhạc với nhiều cách tổ chức nhịp điệu như hiệp các vần “ông”, “im” giữa các câu “võng… chồng… Bông…sông”, “tìm… kim… nhìn” ; điệp cấu trúc “thời gian + em tìm thấy lá”;… Cấu trúc ngữ pháp lặp lại 4 lần có ý nghĩa nhấn mạnh hành trình nỗ lực kiếm tìm không mệt mỏi của nhân vật trữ tình.
Bài thơ rất khéo léo trong việc tạo ra một kết cấu đặc biệt. Với thể thơ tự do phóng túng, tác giả sắp đặt 25 câu thơ dài ngắn khác nhau thành ba phần. Phần đầu gồm 7 câu thơ, là lời thách đố của Chị đồng thời cũng là khởi nguồn cho câu chuyện của nhân vật trữ tình. 12 câu thơ tiếp theo là hành trình song hành của hai chị em còn 6 câu thơ cuối cùng là dư âm của em.
Chị mở đầu câu chuyện, Em kết thúc câu chuyện và xuyên suốt từ đầu đến cuối là hình ảnh lá Diêu Bông. Đến đây người đọc thấy nhân vật trữ tình đã một lần nữa dùng hình ảnh lá Diêu Bông làm vĩ thanh cho câu chuyện tình của mình.
Lá Diêu Bông thành nỗi ám ảnh cho Em, trong cái ngẩn ngơ, khắc khoải, da diết. 6 câu thơ đã khép lại bài thơ nhưng chuyện tình của nhân vật Em thì dường như chưa kết thúc. Lá Diêu Bông ám ảnh nhân vật trữ tình hay ám ảnh bạn đọc về hình ảnh một chàng thi sĩ không biết từ bao giờ cứ cầm chiếc lá như giữ bên mình kỉ niệm tuổi thơ, về hình bóng Chị xưa… để đi khắp mọi miền đất nước.
Em là nhân vật trữ tình trong bài thơ, là Hoàng Cầm năm 12 tuổi với mối tình non thơ mà khắc khoải nhưng bạn đọc hẳn không trách cứ được tâm hồn trong trắng và thật thà ấy bởi ta bắt gặp một phần nào đó sự đồng điệu trong tâm hồn mình. Có phải chăng tình yêu trong “Lá Diêu Bông” chỉ đơn thuần là tình Em-Chị, tình trẻ con- người lớn?
Tiếng lòng của Em cũng là tiếng lòng của tác giả, chàng thơ si tình biết cảm, biết yêu sớm với cuộc đời. Nhưng nếu chỉ có thế thì câu chuyện tình yêu trầm buồn ấy không có sức sống lâu bền và lay động nhiều thế hệ đến thế.
Nhân vật trữ tình Em trong “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm hẳn phải mang tính khái quát cao hơn. Nó phải phản ánh được gương mặt tinh thần của xã hội. Hoàng Cầm khi viết Lá Diêu Bông chắc hẳn cũng không chỉ để giãi bày câu chuyện tình cá nhân của mình thông qua nhân vật trữ tình Em mà còn muốn chạm đến một thứ tình cảm lớn lao, cao đẹp hơn.
Lá Diêu Bông là biểu tượng rất quan trọng của bài thơ cũng như của nhân vật trữ tình. Đây không chỉ là sợi chỉ gắn kết mọi sự việc, mọi mối quan hệ, mọi nhân vật vào trong một câu chuyện tình buồn. Nó còn là một biểu tượng đa nghĩa, biểu trưng cho mối tình hư ảo, lá bùa tình yêu… và cũng biểu trưng cho cái Đẹp.
Trong tập thơ “Về Kinh Bắc” cùng với “Lá Diêu Bông” ta bắt gặp nhiều bài thơ có cái nhìn đồng điệu ấy như “Cây tam cúc”, “Quả vườn ổi”, “Cỏ Bồng Thi”… Sự hoài niệm của tác giả, một mặt là hồi tưởng kỉ niệm quá khứ, mặt khác còn mang ý nghĩa tìm về với truyền thống và cội nguồn, với quê hương và hồn xưa dân tộc như sự trở về với những giá trị đạo đức thẩm mĩ mang tính lâu bền, vĩnh cửu.
Lá Diêu Bông được viết bằng thể thơ tự do, không gò bó luật lệ, số lượng âm tiết từng dòng không cố định, dài ngắn khác nhau. Trong bài thơ Lá Diêu Bông còn xuất hiện nhiều khoảng trống, dấu lặng từ sự xuống dòng đột ngột, xé câu, tạo hình thang câu chữ, hay của sự vô ngôn, lời nói bị hãm đột ngột và dấu … của sự im lặng. Thủ pháp độc đáo này đã giúp cho thế giới nhân vật trữ tình trong Lá Diêu Bông là thế giới của giấc mơ.
Con người luôn hiện tồn trong hai thế giới chủ quan và khách quan. Thơ ca là cuộc dấn thân khai phá thế giới chủ quan của con người, một miền đất vẫn được coi là tế vi, bí ẩn, khó nắm bắt. Thơ ca tìm tòi bằng chính sự tinh tế mơ hồ của cảm xúc trữ tình, của nhân vật trữ tình.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm có thể nói đã chạm đến những cảm xúc nguyên sơ, mỏng manh nhất của tâm hồn con người, khơi sâu hơn vào những “vùng miền mờ lí tính” như vậy. Đây là một nhân vật bí ấn, đa chiều và chính nó là một trong những nhân tố chủ đạo góp phần tạo nên thành công cũng như sự trường tồn bất tử với thời gian cho bài thơ.
Đừng bỏ lỡ 🔰Yêu Lắm Quê Hương 🔰Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận