Chùa Hương Của Nguyễn Nhược Pháp [Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích]

Chùa Hương [Nguyễn Nhược Pháp] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích ✅ Đừng Bỏ Lỡ Các Chia Sẻ Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa, Nghệ Thuật Bài Thơ.

Nội Dung Bài Thơ Em Đi Chùa Hương Của Nguyễn Nhược Pháp

Bài thơ Chùa Hương là thi phẩm nổi tiếng nhất của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài thơ về sau được nghệ sĩ Trung Đức phổ nhạc, thêm bớt lời để thành bài hát Em đi chùa Hương nổi tiếng. Dưới đây là nội dung bài thơ, thưởng thức ngay nhé!

Chùa Hương
Tác giả: Nguyễn Nhược Pháp

Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”

– Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
(Ý đợi người tài trai).

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi chen!”

Chàng thưa: “Vâng, thuyền đông!”
Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: “Hay! Hay quá!”
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
“Nam vô A-di-đà!”

Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói toả mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
“Mai mới vào chùa trong.”

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
“Mai ta vào chùa trong!”

Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều… Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: “Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm bồ tát
Là tha hồ đi mau!”

Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).

Khi qua chùa Giải Oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay, lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen: “Hay!
Chữ đẹp như rồng bay.”
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Me vui mừng hả hê:
“Tặc! Con đường mà ghê!”
Thầy kêu: “Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về.”

Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên giời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.

Tặng bạn 🌿Chùm Thơ Về Chùa Hương Hay Nhất❤️️

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Em Đi Chùa Hương

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Em đi chùa Hướng của tác giả Nguyễn Nhược Pháp được diễn ra rất kỳ thú. Cụ thể như sau:

Hội Chùa Hương năm 1934, Nguyễn Nhược Pháp cùng nhà văn Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm Phật “Nam mô cứu khổ quan thế âm Bồ Tát”. Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi.

Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi. “Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm Phật nữa?”. Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Hai người bạn gái gọi hai chàng thi sĩ để đi tiếp nhưng họ đã bị hớp hồn, tai đâu còn nghe thấy. Giận dỗi, họ bỏ đi.

Lúc bừng tỉnh, hai chàng trai không thấy các cô đâu vội len thốc len tháo, lách qua những dòng người đang trẩy hội nhưng tìm đâu cho thấy. Mệt và ngán ngẩm, hai thi sĩ quay lại tìm cô gái chân quê thì cả hai mẹ con cũng đã lẫn vào dòng người.

Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp không thể ngủ được và hình ảnh cô gái chân quê đi Chùa Hương khiến ông xúc động viết lên những vần thơ ấy.

👉 Đọc thêm chùm thơ về chùa Hương tại đây: Thơ Về Chùa Hương Hay Nhất

Hình Ảnh Cô Gái Trong Bài Thơ Chùa Hương

Hình ảnh cô gái trong bài thơ Chùa Hương thực tế là ai? Cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Theo nhà văn Nguyễn Giang, cô gái trong bài thơ Chùa Hương chính là người Nguyễn Nhược Pháp “thầm yêu trộm nhớ”. Đó là một tiểu thơ khuê các, lúc ấy được coi là “mỹ nhân đất Hà Thành” tên Đỗ Thị Bính, ở số nhà 67 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Hôm nào Nguyễn Nhược Pháp cũng lặng lẽ đi qua số nhà 67 Nguyễn Thái Học. Tiếc rằng, số phận nghiệt ngã đã khiến ông sớm qua đời khi còn rất trẻ, tài năng đang ở độ chín. Và mối tình của ông cũng kết thúc từ đó.

Đọc hiểu 🔰Bài Thơ Các Vị La Hán Chùa Tây Phương🔰Nội Dung, Phân Tích

Ý Nghĩa Bài Thơ Em Đi Chùa Hương

Bài thơ Em đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp chính là những tâm tình, tình cảm của người con gái mới lớn dành cho chàng văn nhân trong lần đầu gặp mặt. Tình cảm ấy thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không ủy mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế.

Đọc Hiểu Bài Thơ Chùa Hương

Gợi ý cách trả lời câu hỏi đọc hiểu bài thơ Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.

Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:

Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.
Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

👉Câu 1: Xác định hình tượng nhân vật trữ tình trong đoạn thơ?

Đáp án: Hình tượng trữ tình là người con gái xinh đẹp cùng bố mẹ đi lễ chùa Hương.

👉Câu 2: Trong đoạn thơ cô gái đang ở độ tuổi nào?

Đáp án: cô gái ở độ tuổi 15

👉Câu 3: Cảm nhận về vẻ đẹp của cô gái trong khổ thơ sau:

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Đáp án: Trang phục “yếm đào, quần lĩnh, áo the, nón quai thao” thời ấy phải con nhà khá giả mới có thể được diện những loại trang phục này. Cô gái đã phải dậy sớm diện trang phục, vấn đầu soi gương, ắt hẵn đó là một cô gái vô cùng xinh đẹp, dịu dàng.

👉Câu 4: Nhận xét của anh chị về giọng điệu của tác giả trong đoạn thơ?

Đáp án: Giọng điệu bài thơ tươi vui, khỏe khoắn, khẩn trương khiến cho khung cảnh trở nên nhộn nhịp, náo nức tới kì lạ.

Giới thiệu chùm 🔰Thơ Hay Về Vãn Cảnh Chùa🔰

Nghệ Thuật Bài Thơ Đi Chùa Hương

Tổng kết những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Chùa Hương:

  • Vần thơ có sắc màu tươi vui, hình ảnh ngộ nghĩnh, cả hồn người lẫn vẻ đẹp của ngày xưa hiện lên trên từng câu, từng chữ.
  • Cách gieo vần, nhịp kết hợp với thể thơ năm chữ tạo tiết tấu, âm hưởng rộn rã.
  • Giọng điệu bài thơ như khúc hát mê say hào hứng, cách gieo vần biến hóa linh hoạt.
  • Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm kết hợp tự sự, miêu tả.

Tặng mọi người 🌻 Những Câu Thơ Hay Về Đi Chùa Lễ Phật 🌻 ý nghĩa.

2 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Em Đi Chùa Hương Hay Nhất

Nhất định không nên bỏ qua 2 mẫu văn cảm nhận, phân tích bài thơ Em đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp hay nhất dưới đây.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Em Đi Chùa Hương Hay – Mẫu 1

Nét đặc thù trước hết của bài thơ Chùa Hương chính là ở chỗ đây là một bài thơ kể chuyện, hay có thể gọi đây là một truyện thơ nho nhỏ. Cái hay của bài thơ vì thế trước hết cũng nằm trong tính truyện của nó.

Tất cả ở đây đều được nhìn qua đôi mắt của người kể chuyện: đấy là một cô gái “ngày xưa”, con nhà gia giáo và đang ở tuổi mới lớn. Toàn bộ cách cảm, cách nghĩ và lời ăn tiếng nói đều mang rõ dấu ấn và bộc lộ tính cách của nhân vật này. Đó là cái nhìn hồn nhiên, ngơ ngác của người lần đầu đi chơi xa mà lại là đi hội, một lễ hội rất lớn – hội chùa Hương:

Em đi cùng với me
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Người đọc, nhất là những thế hệ sau này, có cái thú là được sống lại, nói đúng hơn là được khám phá lại một cuộc sống đã lùi vào dĩ vãng, không chỉ về cảnh sắc, phong tục mà đến cả tâm lý, tâm hồn của lớp người xưa:

Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao.
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm

Đó còn là cái ngây thơ đáng yêu của lứa tuổi già trẻ con non người lớn :

Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con voi phục
Có đủ cả đầu đuôi

Và nhất là câu này: “Lên cửa chùa em thấy/Hơn một trăm ăn mày – đúng là cách cân đong đo đếm tò mò kiểu trẻ em.

Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu.

Thực như vẽ ra trước mắt ta tính cách của nhân vật trong bối cảnh của nó, khiến người đọc không nén được một nụ cười thích thú và cảm mến.

Và cứ lần theo mạch chuyện được nhân vật kể lại hết sức chân thực và hồn nhiên đến ngộ nghĩnh, ta dần dà bị cuốn vào thế giới tâm tình rất đỗi đáng yêu và thú vị của cô gái, không chỉ trong các chi tiết về phong cảnh và lễ hội, mà quan trọng hơn nhiều là mối tình mới nhóm trong lòng cô gái dành cho chàng văn nhân “tướng mạo trông phi thường”, một mối tình đầy chất sét đánh, đến ngay vào tuổi đầu đời lại diễn ra giữa một cảnh trí nên thơ và say lòng hiếm có.

Có thể nói, người kể chuyện đã dựng dậy tất cả biểu hiện vừa diễn ra rất nhanh, nhưng vẫn rất có trật tự, lớp lang của một quá trình của một cảm xúc tình yêu. Kể ra thì dài dòng, nhưng tựu trung là câu chuyện gồm hết các cung bậc tình cảm; từ ngạc nhiên cảm mến, đến bất chợt “ngẩn ngơ”, từ một thứ cảm tình tựa như duyên số không thể cắt nghĩa, đến nhận thứ lý tính “Chàng cũng cho như thế/Ra ta hợp tâm đầu”, từ niềm vui thầm khấp khởi khi lửa tình mới nhóm:

Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng.

Nhà phê bình Hoài Thanh đã lưu ý đến cái âm “ừng” với dấu huyền cuối mấy câu trên nó gợi về một cảm xúc gì đó vừa đang dâng lên, lại vừa như bị nén lại trong lòng – đọc kỹ, ta sẽ cảm thấy lời bình là có lý và, cho đến cuối cùng, như một tất yếu trong tình yêu, một nỗi buồn da diết đã chờ sẵn ở cuối đường:

Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy
Thoảng ngày vui qua rồi!

Hình như đó là một thứ định mệnh khắc nghiệt cho mọi thứ gì quá đẹp, cũng chẳng nên đổ tại một nguyên nhân xã hội hay ngoại cảnh nào – từ thuở nàng Kiều “bây giờ rõ mặt đôi ta/ biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” cho đến Huy Cận của Thơ Mới “chân hết đường thì lòng cũng hết yêu” và đến tận Xuân Quỳnh sau bao năm cách mạng “lời yêu mỏng manh như mầu khói/ai biết lòng anh có đổi thay”…

Tình yêu là thế và thân phận con người là thế”, thôi đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Nhưng trong thất vọng tột cùng, con người vẫn không tuyệt vọng, con người vẫn tin rằng bằng sức mình rồi ra vẫn có thể giành lại được một chút gì, và họ còn tin hơn vào một lẽ công bằng hóa thân trong Giời Phật:

Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng

Và chàng thi sĩ cũng đang tuổi măng tơ đã theo dõi từng bước đi của nhân vật của mình với mối thiện cảm không giấu giếm đã thay đấng Hóa công làm việc ấy, chàng dành cho cô lời tiên đoán kết cục vui vẻ, nghịch ngợm và có duyên đến nỗi mấy lời chú thích ấy đã thành ra một bộ phận không thể tách rời của bài thơ!

“Văn tức là người” – chỉ với một bài thơ xinh xắn và có duyên như Chùa Hương, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã khiến hậu thế yêu mến chàng biết chừng nào, nhất là khi ta biết chàng trai đa tài, đa cảm và tinh tế nhường ấy lại phải giã biệt cõi đời quá sớm, đến nỗi những bậc thức giả nghiêm ngắn như các tác giả Thi nhân Việt Nam cũng phải ngậm ngùi thốt lên: “người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ”.

Gửi tặng bạn chùm 🌻 Thơ Lục Bát Đi Chùa Lễ Phật 🌻 hay nhất.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Em Đi Chùa Hương Chọn Lọc – Mẫu 2

Ai yêu thơ Việt chắc hẳn đều biết đến bài thơ Chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ra đời năm 1934 cùng với làn sóng Thơ Mới tràn vô dòng chảy thi ca Việt Nam. Bài thơ được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi lời tựa: “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa.”. Một Thiên ký sự ra đời cách đây gần 90 năm nhưng nó vẫn làm sao xuyến biết bao trái tim của người yêu thơ cho tới tận hôm nay, và có lẽ còn nhiều năm sau nữa.

Một bài thơ dài tới 34 khổ, mỗi khổ bốn câu, với những lời thơ trong veo như tâm hồn của cô gái tuổi 15. Đã đưa ta trở lại những năm 30 của thế kỷ trước. Bắt đầu đồng hành với câu chuyện kể của nhà thơ. Nhân vật chính là một thiếu nữ lần đầu theo cha mẹ đi trảy hội Chùa Hương. Lễ Hội nơi “thâm sơn cùng cốc” với thắng cảnh “Động Hương Tích” đẹp như chốn thần tiên, nhưng phải đi từ rất sớm.

Mở đầu câu chuyện Nhà Thơ viết:

Hôm nay đi Chùa Hương,
……
Tay cầm nón quai thao.

Trang phục “yếm đào, quần lĩnh, áo the, nón quai thao” thời ấy phải con nhà khá giả hoặc chức sắc mới có. Và cô bé đã dậy sớm diện trang phục , vấn đầu soi gương. Chắc hẳn cô bé xinh lắm. Và nhà cô bé cho ta cảm giác một tổ ấm hạnh phúc, khi nghe cuộc trò chuyện của Me em nói với Thầy em và hỏi con gái:

Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”
…..
Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).

Trong xã hội phong kiến với quan niệm : “Nữ thập tam, nam thập lục” . chứ không giống như bây giờ. Nữ 18, nam 20 mới được lập gia đình. Và ở trong Thiên Tình Sử này thì cô bé cũng chỉ mới 15 tuổi. “nhưng đã lắm người thăm”. Nhiều người mai mối, nhưng “em chưa lấy ai” bởi vì Thầy em bảo. “Rằng em còn bé lắm”. Và đây là ý nghĩ của cô bé sau khi nghe cha mình từ chối người mai mối: (“ý đợi người trai tài”). Một câu này thôi cho ta thấy cô bé chắc cũng là người tài sắc.

Chưng diện xong, cả gia đình cô gái lên đường trảy hội Chùa Hương:

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
…..
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Đoạn thơ này Nguyễn Nhược Pháp thêm một lần khẳng định cô gái con nhà “danh gia vọng tộc” bởi người dân thường thì đi lễ thường đi bộ. Còn ở đây “Me em ngồi cáng tre” . và “Thầy theo sau cưỡi ngựa. Thắt lưng dài đỏ hoe”. Còn em thì vô tư hồn nhiên mơ màng “nhìn sông nước”. Một suy nghĩ rất người lớn so với cô gái tuổi 15 là “mơ xa lại nghĩ gần. Đời mấy kẻ tri âm”…rồi khi thuyền vừa rời bến “Em thấy một văn nhân”.

Có lẽ bởi đang trong tâm trạng mơ màng, tìm kiếm “kẻ tri âm”. Nên trong mắt em cảm nhận và đánh giá “người văn nhân” ngay rằng: “người đâu thanh lạ thường! tướng mạo trông phi thường. Lưng cao, dài trán rộng.” với em có lẽ đây là người mà em vẫn hằng mơ ước :

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!”
……

Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
“Nam vô A-Di-Đà!”

Một cuộc đối thoại giữa “Me em” và “người văn nhân” cho thấy Chàng ngoài dáng dấp là một văn nhân, còn là một thi sĩ . Tình cảm giành cho người văn nhân” tiến thêm một chút nữa có lẽ bắt đầu từ lời khen của thầy “Hay! Hay quá”.

Cô gái giờ đây không chỉ mơ màng mà những lời thơ của chàng làm cho “ngẩn ngơ” mà còn biết thẹn thùng khi có người khác nhìn nữa. Phải chăng khi có “người ra” thì em lại không nói “Nam mô A Di Đà”. Là em sợ “người ra” cũng nhìn thấy trong lòng em đang “mơ màng” hay đang “ngẩn ngơ” vì chàng và những lời thơ hay của chàng.

Câu Chuyện Cô Gái Chùa Hương, giờ đây mới bắt đầu miêu tả cảnh hai bên đường đến Chùa Hương.

Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
…..
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Những lời thơ đơn giản nhưng chứa đựng tâm hồn ngây thơ trong vắt của cô bé. Đặc biệt là sau “một ngày” ngồi trên thuyền. Ngắm cảnh hai bên bờ Suối Yến cô cảm nhận nó “đẹp như tranh” . Và mỗi ngọn núi có một tên gọi theo lễ vật mà Phật Tử hay mang cúng ngày ấy như Oản Gà Xôi,rồi Núi Voi, Mà thấp thoáng trên núi có “bao nhiêu là khỉ ngồi”. Rồi mới tới “Chùa lấp sau rừng cây”. Tới chùa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt cô bé là rất nhiều “ăn mày” .Và ,với sự lạ lẫm lần đầu tiên cô bé có lẽ đã thầm đếm mới biết có “hơn một trăm ăn mày”.

Và rồi Thiên Tình Sử thì vẫn tiếp diễn bên cạnh việc Lễ Chùa:

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
…..
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!

Sau một ngày trên thuyền cùng Thầy Me và “Người Văn nhân”, mơ màng và ngơ ngẩn theo cảnh sắc hai bên đường và những câu thơ hay của chàng. Bước lên bờ và leo dốc vào Chùa, cô gái đã cảm nhận được rằng Chàng cũng để ý mình nên mới “không dám đi nhanh” khi mà “Chàng đi sau” vì “sợ chàng chê hấp tấp. Số gian nan không giàu”.

Sau một hồi chen lấn trong “lớp sóng người lô nhô” cô gái và Thầy Me cũng như chàng cũng đã “lễ xong”. Có lẽ là mới lễ được ở Chùa Thiên Trù, nên Thầy me sau khi về “nhà ngang” thì quyết định : “Mai ta vào chùa trong”.

Một tín hiệu vui cho cô gái là “chàng hai má đỏ hồng”, có lẽ chàng cũng ngượng ngùng chăng? Rồi “kêu với thằng tiểu đồng” : “Mai ta vào chùa trong”. Tín hiệu vui thôi! Chứ chàng cũng có nói gì với em đâu? Nhưng “đêm hôm ấy” “em nằm nghe tiếng mõ”, thấy dễ thương và “em mừng”. Em nằm không chỉ nghe tiếng Mõ không mà còn nghe được cả “tiếng chim trong rừng” nữa! Và rồi “em mơ, em yêu đời” em mơ…và cùng với nỗi vui mừng, nỗi rạo rực của trái tim, cô gái còn lo nếu có ai nhìn em lúc này thì “đến nực cười”….Thế rồi:

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
……
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).

Ở đoạn này của Thiên Tình Sử ngoài việc Thầy Me sắm sửa lễ vào chùa trong, với đường đi cheo leo. Có hai tín hiệu vui của chàng giành cho em nữa: vì lo Me em mệt nên chàng đi theo để săn sóc, và hai là sau khi Me dặn leo đường đá ghập ghềnh, sẽ mệt mỏi hãy niệm câu: “Nam mô A Di Đà thì sẽ hết mệt. Nhưng cả hai người Em và Chàng đều “tâm đầu ý hợp” rằng “không cầu” mà : “Đường vẫn thấy đi mau”.

Chàng vẫn chưa nói chuyện với em. Khi đến chùa Giải Oan chàng thêm một lần trổ tài “ thảo bài thơ liên hoàn” và bài thơ này cũng được “tấm tắc thầy khen Hay. Chữ đẹp như Rồng bay” còn em thì sau khi Chàng thảo xong lập tức: “bài thơ này em nhớ”.

Thông thường leo lên tới “chùa trong” là mọi người thường mệt còn em thì reo lên với giọng vui tươi chẳng tỏ chút mệt mỏi:

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
…..
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.

Vào đến chùa trong dù mẹ phải “Tặc ! con đường thấy mà ghê.” Nhưng lời thầy mới làm cho cô bé chết điếng hồn : “mau nhé chiều ta về”

Mặc dầu cho tới bây giờ thì Chàng vẫn chưa nói gì với em. Nhưng Thiên Tình Sử của cô gái có “mái tóc đuôi gà” này thì đã yêu say đắm “người văn nhân”. khi nghe lời Thầy nói “chiều ta về” , cô đã “bỗng rụng rời” cảm thấy “ngày vui luống qua rồi!” và “nhìn ai thấy “nghẹn lời”. Cô bé mơ màng với khát vọng được “ Tựa vai” , sánh bước cùng chàng trên “đường đây kia lên trời”.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Ngày vui nào cũng qua, nhưng hy vọng thì tràn đầy trong tâm hồn trắng trong đang rạo rực vì yêu của cô bé!

Bây giờ Thiên Tình Sử của cô gái đi trảy hội Chùa Hương mới bắt đầu làm công việc như mọi người. Ai tới đây cũng làm với mục đích là “cầu trời khấn phật”. Lời khấn của cô bé cũng là lời kết của Thiên Tình Sử. “Nghi ngút khói hương vàng. Say trong khói mơ màng. Em cầu xin Trời Phật. Sao em lấy được Chàng?!.

Không biết chàng trai khấn nguyện điều gì, chỉ biết nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi mấy lời cuối bài thơ như sau: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện, tháng 6-1934”.

Cho tới hôm nay! Gần 90 năm bài thơ ra đời. Thi sĩ cũng ra người thiên cổ, cô bé ngày ấy bị tiếng sét ái tình đánh trúng, hôm nay nếu còn, bà cũng gần một trăm tuổi. Cháu chắt của bà hôm nay cũng bước vào tuổi cập kê như bà thủa ấy!

Và ,có lẽ trong dòng người đang kéo về trảy hội Chùa Hương kia có không ít người cùng tuổi cháu chắt bà hôm nay cũng như bà ngày ấy, đang ngân nga giai điệu ca khúc Em Đi Chùa Hương được phổ nhạc từ bài thơ này. Và cũng có không ít người già có, trẻ có,lẩm nhẩm đọc đôi câu thơ trong Thiên Tình Sử Cô Gái Chùa Hương của Thi Sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp.

Gửi tặng bạn bài thơ 🍃Quê Hương [Nguyễn Đình Huân]🍃Bên Cạnh Bài Chùa Hương Nguyễn Nhược Pháp

Viết một bình luận