Bài Thơ Nhớ Bắc Của Huỳnh Văn Nghệ ❤️️ Nội Dung, Cảm Nhận Phân Tích ✅ Tổng Hợp Ý Nghĩa, Hoàn Cảnh, Bố Cục, Nghệ Thuật Bài Thơ Nhớ Bắc.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Nhớ Bắc Của Huỳnh Văn Nghệ
Bài thơ “Nhớ Bắc” của “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ đã trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Mời bạn đọc cùng thưởng thức nội dung bài thơ ngay sau đây.
Nhớ Bắc
Tác giả: Huỳnh Văn Nghệ
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta
Đọc thêm 🌿Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang🌿 Nội Dung, Ý Nghĩa, Phân Tích
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Nhớ Bắc
Về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nhớ Bắc hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Một bên thì cho rằng bài thơ được Huỳnh Văn Nghệ sáng tác tại Chiến khu Đ năm 1946 trong thời kỳ ông chỉ huy lực lượng kháng Pháp ở đó. Một bên thì trong cuốn sách “Huỳnh Văn Nghệ-tác giả và tác phẩm” do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2008, tác giả Bùi Quang Huy lại cho rằng, bài thơ này ra đời từ năm 1940 ở Sài Gòn.
Tuy nhiên theo chia sẻ của ông Ông Huỳnh Văn Nam, là trưởng nam của Huỳnh Văn Nghệ thì bài thơ Nhớ Bắc ban đầu có tên là “Tiễn bạn về Bắc”, đề năm sáng tác là 1940, tại ga Sài Gòn.
Kết hợp với nhiều nguồn tư liệu khác thì hoàn cảnh ra đời bài thơ là thế này:
- Vào năm 1940, thực dân Pháp khánh thành tuyến xe lửa từ Nam ra Bắc đầu tiên. Nhân sự kiện quan trọng này, Sở Hỏa xa Sài Gòn có chủ trương ưu tiên vé cho nhân viên đang công tác tại sở được đi tham quan Hà Nội bằng xe lửa. Do lượng người đăng ký quá đông, trong lúc vé ưu tiên có hạn nên Sở Hỏa xa Sài Gòn phải tổ chức bốc thăm.
- Ông Huỳnh Văn Nghệ may mắn bốc trúng thăm được đi. Tuy nhiên, đến phút chót thì ông quyết định nhường vé cho một người bạn cùng phòng vì thương bạn. Khi tiễn bạn ra ga lên tàu, từ tâm trạng bồi hồi, xúc động, ông đã sáng tác bài thơ này.
Ý Nghĩa Bài Thơ Nhớ Bắc
Ý nghĩa bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ là gì? Cùng tham khảo gợi ý dưới đây nhé!
Huỳnh Văn Nghệ mượn hình ảnh chúa Nguyễn Hoàng để tự giãi bày nỗi lòng mình. Ông luôn tự nhắc mình cũng như những người Nam bộ khác nhớ về gốc gác của mình là ở “xứ Bắc”, ông luôn khẳng định tổ tiên của ông là người Bắc đã theo chúa Nguyễn vào Nam “mở cõi”. Bài thơ chính là lời bộc bạch tình cảm của một người con xa xứ nhớ về cố hương.
Phân tích tác phẩm🌿Chân Quê Nguyễn Bính🌿 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Bố Cục Bài Thơ Nhớ Bắc
Bố cục bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ có thể chia thành 5 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “thương nhớ đất Thăng Long”
- Phần 2: Tiếp theo đến “Rồng Tiên nặng nhớ thương”
- Phần 3: Tiếp theo đến “phảng phất hương sầu riêng”
- Phần 4: Tiếp theo đến “mơ cảnh tiên”
- Phần 5: Phần còn lại
Nghệ Thuật Bài Thơ Nhớ Bắc
Tìm hiểu về các đặc điểm nghệ thuật trong bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ.
- Bài thơ được sáng tác theo thể thơ 7 chữ, phù hợp với nhịp điệu tâm tình mà tác giả muốn truyền tải.
- Ngôn ngữ thơ đa dạng, lời thơ tha thiết, chân thành.
- Sử dụng từ ngữ gợi tả gợi cảm
- Hình ảnh thơ chân thực, gần gũi với mỗi con người.
Giới thiệu thêm 🌿Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính🌿 Bên Cạnh Bài Thơ Nhớ Bắc Của Huỳnh Văn Nghệ
Từ Độ Mang Gươm Đi Mở Cõi Là Gì
“Từ độ mang gươm đi mở cõi” là một câu trong bài thơ “Nhớ Bắc” của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ. Câu này nói về sự khởi đầu của việc mở rộng lãnh thổ phía Nam của đất nước Việt Nam. Cụ thể, đây là câu chép lại hành trình của Chúa Nguyễn Hoàng khi ông dẫn quân sang Nam mở rộng lãnh thổ và đặt chân đến vùng đất Trấn Biên – Phiên Trấn
3 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nhớ Bắc Hay Nhất
Sưu tầm một số mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Nhớ Bắc hay nhất chia sẻ cho bạn cùng tham khảo dưới đây.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nhớ Bắc Hay – Mẫu 1
Đọc bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ đã lâu, bây giờ đọc lại vẫn còn nguyên trong tôi những cảm xúc của ngày đầu tiên tiếp nhận thi phẩm. Lúc bắt đầu cho đến bây giờ tôi vẫn cứ ám ảnh bởi nỗi nhớ của thi nhân – chinh nhân trong bài thơ mà tác giả gói gọn lại và gửi trong một tựa đề hết sức giản dị nhưng không thể khác hơn: “Nhớ Bắc”!
Tôi tẩn mẩn ngồi đếm: một, hai, ba, bốn, năm, có đúng năm từ “nhớ” trong một bài thơ chỉ có 5 khổ. Sẽ không có gì để nói, nếu nỗi nhớ ấy không gắn với hình ảnh của một thi nhân-chinh nhân-một người con miền Nam nhớ về cội nguồn tiên tổ.
Người thi sĩ ấy, đồng thời cũng là người chiến sĩ, một vị tướng tài, là một thi tướng – người con của làng Tân Tịnh vẫn đau đáu với sứ mệnh của dân tộc trong cơn binh lửa hung tàn. Dù “chinh Nam” nặng gánh giang sơn vẫn trĩu lòng một khao khát khôn nguôi hướng về Thăng Long địa linh nhân kiệt nơi thu hút tráng khí bốn phương muôn đời:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Câu thơ mở đầu đoạn thơ mới đọc lên nghe như một lời nói buột miệng phát ra hơn là một câu thơ: chỉ 6 âm tiết, đọc nghe không thuận tai trong mối tương quan với các câu thơ khác trong toàn bài. Đó có lẽ là câu thơ đảo phách duy nhất trong thi phẩm vốn mang hồn phách của một tác phẩm thất ngôn mẫu mực như bài Nhớ Bắc.
Đọc kỹ tôi lại thấy có một sự thảng thốt của lòng chợt dấy lên khi từ đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn thi nhân bỗng nhớ về Bắc, nhớ về Thăng Long kinh kỳ mà người con ở tận xứ cuối cõi này chưa một lần đặt chân đến.
Cái thảng thốt ấy không phải là cái thảng thốt của người con ly hương nhớ về đất tổ. Đó là tình cảm thiêng liêng sâu thẳm của một công dân của miền Nam nhớ về kinh đô của muôn đời đế vương trong những năm tháng “mang gươm đi mở cõi” như cách nói của Huỳnh Văn Nghệ.
Thế mới biết con người Việt Nam vốn ở đâu cũng gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”, tự hào đều là nòi giống Tiên Rồng; ở đâu họ cũng luôn hướng về phương Bắc bằng tất cả sự ngưỡng vọng, đặc biệt là trong những ngày binh lửa khôn nguôi làm đường về Bắc xa quá muôn trùng. Nên câu thơ thảng thốt kia của thi nhân không chỉ là lời nữa, mà là lời lòng, là khát vọng của người mang sứ mạng đi mở cõi:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Hai câu thơ đã trở thành kinh điển, nghe vọng vang âm hưởng của tiền nhân kiếp nào chứ không phải là câu thơ của một thi tướng thời kháng Pháp mới đây. Có lẽ cái niềm thơ lai láng sự hào sảng ấy chảy miên man suốt dọc dài lịch sử, truyền lưu từ ngàn xưa tiền bối cho tận đến hậu sinh, đã gặp gỡ, tụ về trong tráng khí của Huỳnh Văn Nghệ để vút lên thành cảm hứng tráng ca đầy chất sử thi.
Từ trời Nam thương nhớ về Thăng Long, nỗi nhớ đặc biệt ấy là cái ngang nối của tâm tình, của tư tưởng, gắn non sông liền một dải mà sứ mệnh cao cả của người chinh nhân là chiến đấu và hy sinh để có một ngày đường về Bắc không phải dài trong nỗi nhớ mong chờ, mà là thênh thang con đường thiên lý của người chiến thắng trở về báo công với tiên tổ muôn đời.
Trong nguồn mạch của nỗi nhớ, Thăng Long đã trở thành tâm điểm của cảm hứng thi ca, của cảm hứng lịch sử, làm nên cảm hứng sử thi cho bài thơ. Bởi vậy, từ Thăng Long, cảm xúc của thi sỹ-chiến sỹ Huỳnh Văn Nghệ nhập vào cảm xúc trong hành trình mở cõi với nỗi nhớ hàm ơn tiền bối mở nghiệp:
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Bước chân của Nguyễn Hoàng và các bậc tiền bối khác đã cho thi nhân mảnh đất yêu dấu để chào đời, để lớn lên lòng nặng gánh non sông khi khói lửa đao binh vẫn phủ kín bốn phương trời, khiến trong lòng người, trong máu thịt mang tâm sự một nỗi “buồn xa xứ”, “nặng nhớ thương” về “non nước Rồng Tiên”.
Nỗi nhớ của Huỳnh Văn Nghệ cứ đan cài nhiều cung bậc, nhiều sắc thái, không chỉ gắn với những gì cao cả nhất mà còn vương mang những hình ảnh giản dị của cây trái lịm ngọt hai miền, của những làn điệu dân ca mềm lòng xứ sở:
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng
Tiếng hát quan họ phương Bắc đắm say tình tứ vẫn ngân nga nhịp cùng điệu buồn câu vọng cổ phương Nam, thành tiếng nhớ tiếng thương quặn lòng người đi chinh chiến; và cũng thế, cây thơm trái ngọt vương hương quê nhà vẫn trìu mến cùng cây súng trên vai áo của người ra trận. Nỗi nhớ điệp trùng nỗi nhớ, nỗi nhớ không làm lòng người rũ xuống mà nỗi nhớ nâng tâm hồn chinh nhân bay bổng trong cuộc “chinh Nam”, làm say bước người ra trận suốt dặm dài Tổ quốc.
Nỗi nhớ song hành cùng sứ mạng ngàn thu đã tụ dồn trong cốt cách của người thi sỹ-chiến sỹ, trở thành trách nhiệm công dân với ý thức cao nhất, thành niềm say mê chiến trận:
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
Nhưng đường về quê, đường về kinh đô xa muôn dặm hồ dễ sớm quay về, dẫu “muốn trở về quê” cũng đành nhờ trí tưởng tượng giàu chất mơ mộng trên đôi cánh tiên mà tìm về cõi nhớ. Bởi chinh chiến vẫn bời bời khói lửa, đường về Bắc vẫn khao khát dặm dài, biết bao giờ binh lửa mới phai phôi:
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta
Khổ cuối bài thơ không một lần nhắc đến từ nhớ, nhưng một loạt địa danh, linh thần (Cổ Loa, Hoàn Kiếm, Linh Quy) của Thăng Long được nhắc đến trong đó còn hơn cả nỗi nhớ, bởi nó là máu thịt trong tâm khảm của mỗi một người con nặng lòng cùng đất nước.
Câu hỏi đau đáu trong câu thơ cuối là niềm khát vọng khôn nguôi về một ngày “giặc nước đuổi xong rồi trời xanh thành tiếng hát”. Là nỗi nhớ xuyên suốt trái tim trong hành trình của người nơi cuối cõi hướng về Thăng Long đầu cõi nước non nhà.
Huỳnh Văn Nghệ đã nâng cái cảm xúc quen thuộc trong thi hứng của thi sỹ bao đời về Thăng Long – Hà Nội thành cảm hứng giàu chất sử thi hoành tráng, khiến nỗi nhớ của riêng mình thành nỗi nhớ của muôn người trong cuộc trường chinh vẫn mơ về “Hà Nội ơi một trái tim hồng”. Nhớ Bắc, vì thế đã là nỗi nhớ làm nên dáng vóc thi sỹ-thi tướng Huỳnh Văn Nghệ!
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nhớ Bắc Hay Đặc Sắc – Mẫu 2
Bài thơ “ Nhớ Bắc” được các cán bộ và chiến sĩ chiến khu Đ thuộc và lan truyền khắp miền Đông Nam Bộ ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Khổ thơ đầu của bài thơ đã trở thành ca dao kháng chiến mà người dân Nam Bộ nào cũng thuộc. Cho đến tận bây giờ, âm vang “Nhớ Bắc” vẫn ngân nga trong tâm hồn các thế hệ yêu thơ.
Trong lịch sử thơ ca thời hiện đại ít có những bài thơ mà sức lôi cuốn, lan truyền rộng rãi và rung động lòng người bền lâu như thế.
Khổ thơ đầu mở ra với giọng thơ rắn rỏi, hào sảng, thể hiện sự lựa chọn dứt khoát của đồng bào Nam Bộ luôn hướng về miền Bắc, hướng về nguồn cội dân tộc:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Ông Huỳnh Văn Nghệ có kể lại với con trai là Huỳnh Văn Nam về việc ông là người duy nhất trong văn phòng Sở Hỏa xa Sài Gòn bốc thăm được tấm vé đi chuyến xe lửa đầu tiên thông đường sắt Nam- Bắc, thật sung sướng vô biên vì chưa bao giờ ông được đặt chân lên đất Thăng Long – Hà Nội mà ông sớm nặng lòng thương nhớ. Nhưng rồi nhìn dáng ngẩn ngơ hoài hương của người bạn tâm giao quê ở Hà Nội, thương bạn quá, ông tặng bạn tấm vé quý giá ấy.
Rồi buổi chiều Sài Gòn tiễn bạn lên tàu về Bắc, nhìn theo con tàu chở người bạn xa dần vào xa xăm, ông bồi hồi phóng bút viết bài thơ có tựa đề “Tiễn bạn về Bắc”. Bài thơ mở đầu bằng tiếng gọi tha thiết : “Ai về xứ Bắc ta theo với”, từ “xứ” mà tác giả nói ở đây phải hiểu là “ xứ sở”, là nguồn cội, là nơi phát tích của dòng giống Lạc Hồng.
Nếu đặt bài thơ này vào hệ thống những bài thơ có chủ đề tiễn biệt khá phổ biến trên thi đàn đương thời, ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong thần hứng của các tác giả.
Khổ thơ đầu của “Nhớ Bắc” mở ra với cái cao rộng, hào sảng, một cuộc tiễn bạn về Bắc vời vợi nỗi thương nhớ về cội nguồn cao quý của dân tộc mình. Lời thơ như hồn người Việt “ bay trên đầu thế kỷ nhân gian”, như dự cảm tương lai trên “non sông giống Lạc Hồng” sẽ có kỳ tích “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lời thơ của Huỳnh Văn Nghệ đầy tự hào, trân quý với Tổ tông nguồn cội muôn đời của mình. “ Con người có tổ, có tông – Như cây có cội, như sông có nguồn”. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nước. Cả nước có chung ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Việc coi quốc gia, dân tộc như một “ gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, dòng tộc tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có.
Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định “Lòng ta chung một Thủ đô – Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Hôm nay nỗi thương nhớ ấy vượt lên cái bình thường, thành nỗi thương nhớ thiêng liêng, vĩ đại : đây là “Trời” thương nhớ “Đất”. “ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Mỗi người dân Việt đã sống có “Trời”, có “Đất” có trăng sao, sông núi, có cội có nguồn, có thương, có nhớ, gắn kết, chia sẻ vui buồn.
Sự đan cài chữ nghĩa trong câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ thật chặt chẽ, tinh tế, giầu ý nghĩa . “Thăm lại non sông giống Lạc Hồng”, nhắc ta ý thức sâu sắc nòi giống cao quý của dân mình (Lạc Việt – Hồng Bàng).
Hai tiếng “non sông” gọi nhớ “Sông núi nước Nam Hoàng đế nước Nam ở – Rành rành định phận ở sách trời”, gợi nhắc tới lời “Thề Non Nước” thủy chung và “ Lời thề Độc lập” mới đây thôi từ Quảng trường Ba Đình vang dội cả non sông, từ Bắc vô Nam. Rồi đây tiếng “thương”, tiếng “nhớ” ấy sẽ như sơi chỉ hồng xuyên suốt cả bài thơ.
Trong năm khổ thơ thì có ba từ “ Ai” đứng đầu ba dòng thơ, để gọi chung những người dân Việt. Câu thơ mở đầu khổ thơ thứ hai được tác giả bẻ đôi ra, nửa đầu là một câu hỏi tu từ, hỏi mà không cần trả lời, hỏi để lay động ý thức, gọi dậy nỗi nhớ sâu thẳm trong lịch sử. Câu hỏi biến thành lời tri ân của những ai yêu nước thương nòi đối với công lao của những bậc tiền bối, nhắc nhở đạo lí truyền thống bền vững truyền đời của dân tộc ta “ Uống nước nhớ nguồn”.
Nửa sau của câu thơ bản lề này, tác giả giành riêng để khắc lên tấm bia lịch sử vinh danh Chúa Nguyễn Hoàng, người tiên phong “mang gươm đi mở cõi” để chúng ta có thăm thẳm trời cao, dài rộng đất dầy, mênh mông biển cả như ngày hôm nay.
Độ lùi của lịch sử làm sáng lên công lao to lớn của triều Nguyễn mà Huỳnh Văn Nghệ sớm nhận ra và táo bạo khắc ghi vào bài thơ để đời của mình. Đọc câu thơ lại có cảm giác như đang được thành kính đứng trước vườn hoa trái Nam Bộ ngắm tượng đài Chúa Nguyễn Hoàng, giống như người dân Thăng Long – Hà Nội dâng hương hoa chiêm bái trước tượng đài Lý Thái Tổ sừng sững giữa Thủ đô.
Những câu thơ tiếp theo trong khổ thơ này mang âm hưởng hướng nội, là sự tự ý thức chân tâm , chân cảm của tác giả và thế hệ đương thời, là ý thức về bổn phận và trách nhiệm đối với các bậc tiên liệt và non nước giống Tiên Rồng.
Câu thơ “ Mà ta con cháu mấy đời hoang”, thoạt nghe cảm thấy như có chút khinh bạc khi nói về hậu thế, trong đó có mình, nếu đắc tội lãng quên lịch sử. Nhưng ngẫm nghĩ kĩ thì thấy đó lại là chân tâm đáng quý, một lời lòng tự dặn lòng để lớn lên xứng đáng với cha ông. Hai câu thơ sau nâng đỡ lấy câu mở đoạn cho khỏi “sái”:
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Cái cách “câu thơ trước rước câu thơ sau, những câu thơ sau nâng đỡ câu thơ trước” vào thơ của Huỳnh Văn Nghệ rất tự nhiên, không tì vết kĩ xảo đã diễn tả một cách thâm trầm, lắng sâu sự tiếp nhận của hậu thế với anh linh của tiền bối.
Hai câu thơ “mang nặng nhớ thương”, tình nghĩa ấy gợi lên không khí trang nghiêm thành kính trong khói nhang đền đài thờ cúng các bậc tiên liệt. Thật là “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, “hồn xa xứ” của người xưa đã thấm sâu vào dòng máu của các thế hệ mai sau trong sự lắng nghe trân trọng.
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng
Khổ thơ thứ ba có kết cấu xen kẽ, đan cài đặc biệt tạo ra ý nghĩa gắn bó keo sơn không thể chia lìa Bắc Nam. Câu thơ mở đoạn hướng về Bắc lắng nghe tiếng hát thời quan họ ngọt ngào, câu thơ thứ hai hướng về Nam lắng nghe “nhịp từng câu vọng cổ buồn”. Cặp câu thơ ba và bốn song hành “mùa vải đỏ” với “hương sầu riêng” ngọt bùi như sự hòa quyện giữa Nam và Bắc. Đúng là vui buồn, chua cay, ngọt bùi, sống chết Nam Bắc vẫn có nhau.
Ba từ ‘Vẫn” cũng đan cài với nhau:“ Vẫn nghe”, “Vẫn thương, vẫn nhớ”. Sắp xếp từ ngữ vừa tự nhiên vừa giàu ý nghĩa như thế mới thấy vị Thi tướng này tinh tế biết bao.
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
Khổ thơ thứ tư là niềm tự hào cảm động về sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ Tiên giao phó cho hậu thế “ Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên”. Không phải là gánh nặng lịch sử đè nặng lên đôi vai làm mỏi mệt các thế hệ con Lạc, cháu Hồng, mà hẳn hoi là một “sứ mạng ngàn thu” thiêng liêng mà bổn phận, trách nhiệm vinh dự, tự hào hậu thế tự nguyện kính cẩn đón lấy để nâng lên một tầng cao mới, đi xa hơn: “Chinh Nam say bước quá xa miền”.
“Sứ mạng ngàn thu”thiêng liêng này đã gắn kết muôn con dân đất Việt này thành một khối đời vĩ đại để “mang đất nước đi xa đến những tháng ngày mơ mộng”. Nhưng “Dù ai buôn đâu, bán đâu – Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”, “Dù có đi bốn phương trời – Lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ lại dẫn ta về nỗi nhớ cội nguồn thần tiên quê cũ:
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
Người dân Nam Bộ ghi nhớ mãi hình ảnh kiêu hùng của bộ đôi Nam – Bắc: Trung tướng Nguyễn Bình, Quân khu trưởng khu VII và Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ, Phó Chỉ huy khu VII , sóng đôi trên lưng ngựa, gươm súng bên hông xông pha chiến trận trong những ngày miền Đông gian lao mà anh dũng.
Có những kẻ hôi mồm, thọc gậy bánh xe, khích bác ông, rằng sao đấng anh hào Nam Bộ phải chịu làm phó cho người xứ Bắc! Huỳnh Văn Nghệ khẳng khái đáp trả, rằng: “Ba trăm năm trước, tôi là người đất Bắc”! Đúng là khẩu khí của đấng anh hào trượng nghĩa không bao giờ quên nguồn cội thiêng liêng của mình “Quê hương nếu ai không nhớ – Sẽ không lớn nổi thành người “!
Quê hương trong tâm hồn người Việt, bao giờ cũng là “cảnh tiên”, đẹp như mơ, mỗi khi đi xa, ai cũng “Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên”. Những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ như thế có phải đã chạm tới cõi sâu thẳm của lòng người ?
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?
Khổ thơ kết bài có hai ý rõ rệt là “thăm” và” hỏi”, trình tự là “thăm” trước và “hỏi” sau. Những câu thơ bảy chữ làm cho những lời thăm hỏi trở nên trang trọng, vì đây là lời thăm hỏi vào sâu thẳm lịch sử của quê nhà, thăm hỏi “Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa”.
Lời thơ thăm hỏi làm tòa thành chống giặc kì vĩ đứng đầu cả nước thời tiền sử mang “hồn cũ anh hùng” hiện lên lấp lánh vàng son giữa mây mù huyền thoại và lung linh trong kí ức, tưởng tượng của bao thế hệ, làm đẹp cho trang sử thời tiền Thăng Long.
Nhắc tới đất thiêng Cổ Loa, “hồn cũ anh hùng”, trường liên tưởng của thi sĩ nối ngay với “linh quy” và “Hoàn Kiếm hồ” như dòng lịch sử của một dân tộc anh hùng không đứt đoạn bao giờ. Và câu hỏi kết bài thơ vang lên lại không cần trả lời, mà như một hành động tuốt gươm thiêng ra khỏi vỏ và chỉ tra gươm vào vỏ, hoặc giả “Hoàn Gươm” lại cho Linh Quy khi non sông sạch bóng giặc.
Ta mới hiểu vì sao Huỳnh Văn Nghệ bên cạnh khẩu súng, bên hông vẫn đeo thanh gươm đã tuốt trần, không phải để tạo dáng anh hùng cho oai phong lẫm liệt, mà để thực thi “Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên”, như ông đã thề dưới gươm thiêng cứu quốc. Và đó cũng là cách ông làm theo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ kính yêu: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có súng, có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gây gộc. . . Hễ ai là người Việt Nam yêu nước thì phải đứng lên đánh giặc cứu nước”.
Thi sĩ của “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, “Thi tướng rừng xanh” của đồng bào Nam Bộ mến yêu mãi mãi sống trong lòng nhân dân cả nước và Thi đàn Việt Nam.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nhớ Bắc Chọn Lọc – Mẫu 3
Bài thơ Nhớ Bắc là một thi phẩm xuất sắc của Huỳnh Văn Nghệ. Đặt bài thơ vào bối cảnh những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa hết sức to lớn của nó.
Nền độc lập dân tộc mà đồng bào ta vừa giành được đang ngàn cân treo sợi tóc. Hai mươi vạn quân Tưởng đã tràn vào miền Bắc. Ở miền Nam, với âm mưu tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam, thực dân Pháp đã thành lập nhà nước Nam Kỳ tự trị do địa chủ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu.
Để chống lại âm mưu của kẻ thù, ngày 6-3-1946, Hồ Chủ tịch đã ký Hiệp định sơ bộ, đồng ý cho Pháp đưa quân viễn chinh ra miền Bắc. Với quyết định táo bạo này, chúng ta đã đuổi được quân Tưởng ra khỏi bờ cõi.
Cùng thời gian ấy, với tư cách làm thượng khách, Bác cũng chuẩn bị sang Pháp để đấu tranh ngoại giao bảo vệ nước Việt Nam mới khai sinh. Trước lúc lên đường, Người đã họp báo và khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Khi đến Pháp, Bác lại đanh thép tuyên bố: “Nam Bộ là miếng đất của Việt Nam. Đó là thịt của thịt chúng tôi, máu của máu chúng tôi. Sự đòi hỏi đó dựa trên những nguyên nhân về chủng tộc, lịch sử và văn hóa. Trước khi Corse trở nên đất Pháp thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam rồi”.
Những lời tuyên bố cháy bỏng của Hồ Chủ tịch đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Từ chiến khu Đ (Tây Ninh), Huỳnh Văn Nghệ đã sáng tác bài thơ bất hủ này. Mở đầu bài thơ là câu lục ngôn:
“Ai về Bắc ta đi với”
Câu thơ ngắt nhịp 3/3, có giọng điệu rắn rỏi, thể hiện sự lựa chọn dứt khoát của đồng bào Nam Bộ là hướng về Bắc. Hướng về cội nguồn dân tộc chứ nhất định không theo Pháp, dù chúng có giở thủ đoạn nào đi chăng nữa. Bởi với người Việt Nam, dù sống ở đâu cũng đều là con cháu Lạc Hồng.
Phát tích từ vùng đất tổ Hùng Vương, người Việt từ đời này qua đời khác đã bền bỉ Nam tiến để mở cõi biên thùy. Trong sâu thẳm tâm hồn những người tiên phong ấy, hình ảnh “đế đô muôn đời” (Lý Công Uẩn) luôn là khoảng trời chứa chan niềm nhung nhớ:
“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
Trong suốt bài thơ, từ “nhớ” được lặp lại năm lần. Và nó đặc biệt xúc động khi kết hợp với từ “thương” để thành: “nhớ thương”, “thương nhớ”. Thủ pháp nghệ thuật này đã tạo nên những đợt sóng tình cảm càng lúc càng dâng lên mãnh liệt trong tâm hồn bạn đọc.
Ở khổ thơ thứ ba có một kết cấu khá đặc biệt. Câu thứ nhất nhớ về Bắc: “Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ”, câu thứ hai hướng về Nam: “Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn”, câu thứ ba lại nhớ về Bắc: “Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ”, câu cuối cùng lại hướng về Nam: “Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng”.
Lối kết cấu xen kẽ hai hình như vậy tạo nên sự gắn bó keo sơn, không thể chia lìa giữa hai miền Nam – Bắc. Ba từ “vẫn nghe”, “vẫn nhớ”, “vẫn thương” là lời khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt của đồng bào Nam Bộ với “non nước rồng tiên” của mình.
Ở phần kết tác phẩm, Huỳnh Văn Nghệ thể hiện đầy cảm động niềm tự hào của người dân Nam Bộ về “sứ mạng ngàn thu” gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong khi luôn canh cánh bên lòng niềm hoài hương khắc khoải:
“Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên”
“Kinh đô” đó là Thăng Long ngàn năm yêu dấu, là nơi hội tụ của hồn thiêng dân tộc, là niềm tự hào của mọi người dân trên đất nước Việt Nam này. Nhớ kinh đô là nhớ quê hương, là sự thể hiện sâu sắc nỗi lòng với Tổ quốc của người dân Nam Bộ.
Dòng cuối, tác giả ghi “Chiến khu Đ, 1946”. Không gian và thời gian ấy thật có ý nghĩa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân Nam Bộ đã lập chiến khu, anh dũng đứng lên chiến đấu chống lại âm mưu xâm lược của kẻ thù để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.
Có thể nói, đây là bài thơ mở đầu cho dòng thơ viết về khát vọng thống nhất non sông từ những ngày đầu chống Pháp năm 1946 đến ngày thắng Mỹ xâm lược năm 1975 của lịch sử văn học nước nhà.
Văn mẫu phân tích tác phẩm🌱Tương Tư [Nguyễn Bính]🌱 Nội Dung, Nghệ Thuật