Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang [Nội Dung + Ý Nghĩa + Phân Tích]

Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang ❤️️ Nội Dung, Ý Nghĩa, Phân Tích ✅ Chia Sẻ Cho Bạn Đọc Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa, Nghệ Thuật Tác Phẩm.

Nội Dung Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang

Nguyễn Bính là tác giả có vị trí đặc biệt trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung và phong trào thơ Mới nói riêng. Sự nghiệp thơ ca của ông có sức hấp dẫn mãnh liệt không chỉ đối với người yêu thơ mà còn cả với các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Trong đó, Lỡ bước sang ngang là bài thơ tiêu biểu. Dưới đây là nội dung bài thơ:

Lỡ bước sang ngang
Tác giả: Nguyễn Bính

“- Em ơi, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
Mẹ già một nắng hai sương,
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
Cậy em, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.

Hôm nay xác pháo đầy đường,
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng.
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay.
Rượu hồng em uống cho say,
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.
(Rồi đây sóng gió ngang sông,
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ)
Miếu thiêng vụng kén người thờ,
Nhà hương khói lạnh, chị nhờ cậy em.
Đêm qua là trắng ba đêm,
Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn.
Một vai gánh lấy giang san…
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.
Mắt quầng, tóc rối tơ vương,
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi,
Là không hẹn một lần về nữa đâu.
Cách mấy mươi con sông sâu,
Và trăm nghìn vạn dịp cầu chênh vênh.
Cũng là thôi… cũng là đành…
Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào,
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa, em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bẩy nổi ba chìm,
Trăm cay, ngàn đắng, con tim héo dần.
Dù em thương chị mười phần,
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi.”

Chị tôi nước mắt đầm đìa,
Chào hai họ để đi về nhà ai…
Mẹ trông theo, mẹ thở dài,
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran.
Tôi ra đứng ở đầu làng,
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa.

Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bẩy tuổi chị đi lấy chồng.
Người ta: pháo đỏ rượu hồng,
Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang.
Lần đầu chị bước sang ngang,
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường.
Ở nhà, em nhớ mẹ thương,
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ.
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ,
Thời thường nhắc: Chị mày giờ ra sao?
“- Chị bây giờ”… Nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang.
Chị từ lỡ bước sang ngang,
Trời dông bão, giữa tràng giang, lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên,
Đưa thân thế chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường,
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đám một mình,
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
Mười năm lòng lạnh như tiền,
Tim đi hết máu, cái duyên không về.

“Nhưng em ơi, một đêm hè,
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân trên bến sông buồn,
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
Đoái thương, thân chị lỡ làng.
Đoái thương phận chị dở dang những ngày.
Rồi… rồi… chị nói sao đây!
Em ơi, nói nhỏ câu này với em…
…Thế rồi máu trở về tim,
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi.
Chị nay lòng ấm lại rồi,
Mối tình chết đã có người hồi sinh.
Chị từ dan díu với tình,
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.

“Tim ai khắc một chữ “nàng”
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo.
Nhưng yêu chỉ để mà yêu,
Chị còn dám ước một điều gì hơn.
Một lầm hai lỡ keo sơn,
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung.
Rồi đêm kia, lệ ròng ròng,
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về.
“Tháng ngày qua cửa buồng the.
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.”

Úp mặt vào hai bàn tay,
Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm.

“- Đã đành máu trở về tim,
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ.
Người đi xây dựng cơ đồ…
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
Người đi khoác áo phong trần,
Chị về may áo liệm dần nhớ thương.
Hồn trinh ôm chặt chân giường,
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.
Năm xưa đêm ấy giường này,
Nghiến răng… nhắm mắt… cau mày… cực chưa!
Thế là tàn một giấc mơ,
Thế là cả một bài thơ não nùng!
Tuổi son má đỏ môi hồng,
Bước chân về đến nhà chồng là thôi!
Đêm qua mưa gió đầy giời,
Trong hồn chị, có một người đi qua…

Em về thương lấy mẹ già,
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng bằng không,
Coi như chị đã ngang sông đắm đò.”

Đón đọc thêm bài 🌿Chân Quê Nguyễn Bính🌿 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang

Bài thơ “Lỡ bước sáng ngang” được đăng lần đầu trên Tiểu thuyết thứ năm năm 1939, sau đó được in trong tập thơ đầu của Nguyễn Bính, cùng tựa Lỡ Bước Sang Ngang, năm 1940. Sau khi đăng báo, bài thơ được mọi người thuộc đủ tầng lớp, từ bình dân đến trí thức say mê và Nguyễn Bính nổi danh khắp nơi. Vì vậy sau đó tập thơ Lỡ bước sang ngang ra đời đã được đón nhận rộng rãi.

Ý Nghĩa Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang

Bài thơ Lỡ bước sang ngang là lời tâm sự của một cô gái vì hoàn cảnh phải đi lấy chồng, bỏ lại mối tình đầu. Qua đó nói lên vấn đề lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận những người phụ nữ trong xã hội xưa. Suốt cả đêm dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó. Nguyễn Bính đã thay mặt hàng triệu tâm hồn người phụ nữ để phát biểu với toàn thể cộng đồng vấn đề bức xúc ấy.

Chia sẻ chi tiết về🌿Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính🌿 Nội Dung, Phân Tích

Bố Cục Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang

Bố cục bài thơ Lỡ bước sáng ngang được chia thành 3 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “khuất ngàn dâu thưa.”
  • Phần 2: Tiếp theo đến “cánh hoa lê cuối mùa”
  • Phần 3: Phần còn lại của bài thơ.

Nghệ Thuật Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang

Điểm qua các giá trị nghệ thuật được sử dụng trong bài Lỡ bước sáng ngang của Nguyễn Bính.

  • Bài thơ được làm theo thể thơ lục bát, đậm đà tính dân tộc, mang tính chất biểu cảm nồng nàn, thể hiện tâm tình tha thiết.
  • Ngôn ngữ bài thơ bình dị, mộc mạc, gần gũi, mang đậm chất quê.
  • Thi liệu dân gian: Bài thơ mang vẻ đẹp chân quê, tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính.
  • Bài thơ được gieo vần chân, chẳng hạn như vần “ương”, vần “ang”, vần “ay”, vần “âu”,…

Đọc hiểu bài thơ 🌸Xuân Về [Nguyễn Bính]🌸 Nội Dung, Nghệ Thuật

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lỡ Bước Sang Ngang Ngắn Hay

Gửi đến bạn đọc mẫu văn cảm nhận bài thơ Lỡ bước sáng ngang ngắn hay dưới đây, tham khảo ngay nhé!

Bài thơ Lỡ Bước Sang Ngang Nguyễn Bính mang đến cho người đọc sự chân thật, giản dị và sống động vô cùng. Đọc những vần thơ này ta thấy sự xót thương đối với những người phụ nữ ở thế hệ xưa. Khi tình yêu trắc trở bắt buộc họ phải làm lại cuộc đời và có khi phải lỡ bước sang ngang.

Gần 80 năm trôi qua, tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Bính và giá trị của tập “Lỡ bước sang ngang” vẫn được nhiều thế hệ độc giả yêu mến đón nhận. 

Có lẽ một phần lớn bắt nguồn từ câu chuyện xúc động về cuộc đời của người con gái trong tập thơ. Cô bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không yêu, phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh “Rồi đây sóng gió ngang sông/Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ”.

Đọc Lỡ bước sang ngang ta cảm thấy lòng mình bỗng xốn xang và trào lên một niềm cảm xúc khó tả. Đó cũng chính là cách thơ Nguyễn Bính chinh phục người hâm mộ.

Nguyễn Bính am hiểu sâu sắc công việc của nhà nông. Đặc biệt là công việc của những người chăn tằm, hái dâu nổi tiếng. Bởi thức ăn chính của tằm là lá dâu. Và sau một đợt thu hái lá cho tằm ăn cần phải “đốn” dâu để có được đợt lá mới cho tăm ăn.

Ở đây ta cảm nhận được chất riêng của nhà thơ, bởi ông đã lăn mình vào cuộc sống của người dân và đưa hơi thở đó vào thơ ca. Có như vậy thơ của ông mới sống động, sâu lắng và được nhân dân yêu chuộng.

“Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương…”

Lỡ bước sang ngang cũng chính là nỗi quằn quại về số phận của những người phụ nữ khi tình yêu trắc trở. Và họ phải làm lại cuộc đời và có khi phải lỡ bước sang ngang, dằn vặt, đau đớn khôn nguôi. Chính những thói đời, thủ tục cũng như chế độ xưa đã kìm ép người phụ nữ. Và cũng không ít trường hợp rơi vào cảnh lầm than đau đớn cõi lòng.

“Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
….
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em…

Thơ Nguyễn Bính bình dân, nhưng không quê mùa. Nguyễn Bính đã nhập hồn người dân quê, hồn người phụ nữ, để viết lại đời sống quê hương và dân tộc mình, bằng một giọng bình dân.

Bình dân được như Nguyễn Bính không phải dễ. Nguyễn Bính nói hộ cả một thế hệ đàn bà, một thế hệ lỡ bước trong những cuộc hôn nhân dàn xếp, nói bằng ngôn ngữ của họ, bằng những thổn thức của họ.

Đêm qua là trắng ba đêm,
Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn.
…….
Dù em thương chị mười phần,
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi.”

Đọc những vần thơ này ta cảm thấy dâng lên một niềm xúc động không nói thành lời. Đó là sự thương cảm đối với xã hội xưa đầy những luật lệ và hà khắc. Chính những câu thơ xé lòng của Nguyễn Bính đã chạm vào trái tim của người đọc. Và đây cũng chính là mạch cảm xúc chủ đạo trong nhiều tác phẩm thơ ca lúc bấy giờ. Tuy nhiên trong chùm thơ ca ấy ta vẫn tìm thấy được hình dáng, nét riêng của thơ Nguyễn Bính.

Chị tôi nước mắt đầm đìa,
Chào hai họ để đi về nhà ai…
…….
Mười năm lòng lạnh như tiền,
Tim đi hết máu, cái duyên không về.

Nguyễn Bính nói thơ chứ không làm thơ. Ngôn ngữ thơ của ông là ngôn ngữ đối thoại giữa hai người, hoặc một người độc thoại với chính mình. Cấu trúc thi thoại, gồm đối thoại và độc thoại đã tạo nên thi ca Nguyễn Bính.

“Nhưng em ơi, một đêm hè,
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn.
…..
“Tháng ngày qua cửa buồng the.
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.”

Đấy là câu chuyện riêng của người con gái – nhân vật chị trong bài thơ Lỡ bước sang ngang nhưng cũng đồng thời là câu chuyện chung của hàng vạn, hàng triệu người con gái khác sống dưới chế độ gia đình phong kiến, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng tam tòng tứ đức.

“- Đã đành máu trở về tim,
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ.
……
Chị giờ sống cũng bằng không,
Coi như chị đã ngang sông đắm đò.”

Lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận họ, đè nặng lên những kiếp người. Cả một khoảng thời gian dài, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó.

Bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính là một bài thơ dài nhưng lại không thừa một chữ nào cả. Đọc ta cảm giác xúc động không nói nên lời về một thế hệ phụ nữ xưa. Và mỗi câu thơ lại như chạm vào trái tim và dấy lên biết bao cảm xúc xốn xang khó tả thành lời.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay Lỡ bước sang ngang không còn làm xúc động nhiều người như xưa nữa, vì thời đại phong kiến đã trôi qua, tình yêu lứa đôi được giải phóng. Giờ đây những đôi trai gái yêu nhau đã được tự do lựa chọn hôn nhân cho mình. Tình cảnh lỡ bước sang ngang chỉ còn trong quá khứ đau buồn của một thời. Tuy nhiên ta không phủ nhận Lỡ bước sang ngang là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính và có một thời là bài thơ hay của thi ca Việt Nam.

Chia sẻ văn mẫu phân tích bài🌱Tương Tư [Nguyễn Bính]🌱 Nội Dung, Nghệ Thuật

Viết một bình luận