Bài Thơ Thăm Lúa Của Trần Hữu Thung [Nội Dung + Cảm Nhận]

Bài Thơ Thăm Lúa Của Trần Hữu Thung ❤️️ Nội Dung, Cảm Nhận ✅ Chia Sẻ Đến Bạn Đọc Hoàn Cảnh Sáng Tác, Bố Cục, Ý Nghĩa Tác Phẩm.

Nội Dung Bài Thơ Thăm Lúa Của Trần Hữu Thung

Bài thơ “Thăm lúa” là một bài thơ hay của nhà thơ Trần Hữu Thung. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Thohay.vn tìm hiểu chi tiết về nội dung và ý nghĩa của bài thơ nhé!

Thăm lúa
Tác giả: Trần Hữu Thung

Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn gió
Sương lại càng long lanh.

Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao cùng hót
Tiếng chim nghe thánh thót
Văng vẳng khắp cánh đồng

Đứng chống cuộc em trông
Em thấy lòng khấp khởi
Bởi vì em nhớ lại
Một buổi sớm mai ri

Anh tình nguyện ra đi
Chiền chiện cao cùng hót
Lúa cũng vừa sẫm hột
Em tiễn anh lên đường
Chiếc xắc mây anh mang

Em nách mo cơm nếp
Lúa níu anh trật dép
Anh cúi sửa vội vàng
Vượt cánh đồng tắt ngang

Đến bờ ni anh bảo
“Ruộng mình quên cày xáo
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt”

Xa xa nghe tiếng hát
Anh thấy rộn trong lòng
Sắp đến chỗ người dông
Anh bảo em ngoái lại

Cam ba lần ra trái
Bưởi ba lần ra hoa
Anh bước chân đi ra
Từ ngày đầu phòng ngự

Bước qua kì cầm cự
Anh có gửi lời về
Cầm thư anh mân mê
Bụng em giừ phấp phới

Anh đang mùa thắng lợi
Lúa em cũng chín rồi
Lúa tốt lắm anh ơi
Giải thi đua em giật

Xoè bàn tay bấm đốt
Tính cũng bốn năm ròng
Ai cũng bảo đừng mong
Riêng em thì vẫn nhớ

Chuối đầu vườn đã lổ
Cam đầu ngõ đã vàng
Em nhớ ruộng nhớ vườn
Không nhớ anh răng được

Mùa sau kề mùa trước
Em vác cuốc thăm đồng
Lúa sây hạt nặng bông
Thấy vui vẻ trong lòng
Em mong ngày chiến thắng.

Đọc thêm 🌿Bài Thơ Anh Chủ Nhiệm 🌿Nội Dung, Nghệ Thuật, Cảm Nhận

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thăm Lúa

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Thăm lúa như thế nào? Bài thơ được tác giả viết vào năm 1950 khi cuộc chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, thời điểm này chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 đang bước vào thời kỳ cao điểm. Trên chiến trường, quân ta đang có những bước phát triển còn ở hậu phương lo tăng gia sản xuất thi đua với tiền phương.

Ý Nghĩa Bài Thơ Thăm Lúa

Bài thơ mang dấu ấn, không khí của những năm cả nước kháng chiến – cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện. Thông qua bài thơ, ta có thể cảm nhận được nỗi niềm nhớ thương tha thiết của người vợ đảm đang, thủy chung ở hậu phương luôn hướng về người chồng đang anh dũng chiến đấu chống giặc nơi tiền tuyến.

Đọc hiểu 🌸 Bài Thơ Có Một Nghề Như Thế 🌸 Nội Dung, Nghệ Thuật

Bố Cục Bài Thơ Thăm Lúa

Bố cục bài thơ Thăm lúa có thể được chia thành 4 đoạn như sau:

  • Đoạn 1: Từ đầu đến “khắp cánh đồng”
  • Đoạn 2: Tiếp theo đến “cánh đồng tắt ngang”
  • Đoạn 3: Tiếp theo đến “ngày đầu phòng ngự”
  • Đoạn 4: Phần còn lại

Nghệ Thuật Bài Thơ Thăm Lúa

Chia sẻ cho bạn các giá trị nghệ thuật trong bài thơ Thăm lúa.

  • Sử dụng thể thơ 5 chữ vừa gần gũi với những câu hát dặm Nghệ Tĩnh vừa mang âm hưởng dân gian.
  • Ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, gần gũi với lời nói hàng ngày của người dân xứ Nghệ Tĩnh.
  • Hình tượng người phụ nữ nông dân hiện ra tươi tắn, khỏe khoắn và mới mẻ, hình ảnh này rất ít gặp trong thơ đương thời.
  • Sử dụng các từ ngữ địa phương như: Ri, ni, giừ, răng.

Gợi ý cách phân tích 🍀Dấu Chân Qua Trảng Cỏ 🍀Chi tiết

Bài Thơ Thăm Lúa Của Hoàng Trung Thông Hay Trần Hữu Thung

Bài thơ Thăm lúa của Hoàng Trung Thông hay Trần Hữu Thung? Có rất nhiều bạn hiểu nhầm về tác giả của bài thơ, tuy nhiên Thohay.vn xin chia sẻ lại cho bạn đọc rằng đây là bài thơ của tác giả Trần Hữu Thông được sáng tác vào năm 1950.

Soạn Bài Thăm Lúa Lớp 9

Hướng dẫn soạn bài Thăm lúa lớp 9, các em học sinh nên tham khảo nhé!

👉Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Đáp án: Nhân vật trữ tình là người phụ nữ có chồng đi kháng chiến

👉Câu 2: Cảm hứng chính của bài thơ là gì? Mạch cảm xúc trong bài thơ được triển khai như thế nào?

Đáp án: Cảm hứng chính là tình yêu đối với quê hương, con người xứ Nghệ. Mạch cảm xúc của bài thơ: Từ hiện tại hồi tưởng kỷ niệm quá khứ rồi trở về hiện tại.

👉Câu 3: Chỉ ra những dấu hiệu chứng tỏ “Thăm lúa” thấm đẫm chất Nghệ? Tác dụng của các yếu tố Nghệ đó là gì?

Đáp án:

Chất Nghệ:

  • Thể thơ 5 chữ gần với hát dặm Nghệ Tĩnh
  • Cảnh vật, tâm hồn con người mang đặc trưng xứ Nghệ

=> Diễn tả cảnh sắc quê hương, con người xứ Nghệ, tình yêu, sự gắn bó với quê hương.

👉Câu 4: Em có cảm nhận gì về khung cảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình ở đây? Khung cảnh như thế nào?

Đáp án: Cảnh bình dị, trong trẻo, ấm áp, không gian gợi nhớ, gợi thương. Khung cảnh của một cánh đồng quê sắp vào mùa trong một buổi sáng đẹp trời, với một không gian thoáng đãng, trong trẻo, đầy sức sống => Không gian ruộng đồng rất thân thuộc với mỗi con người Việt nói chung và con người xứ Nghệ nói riêng.

Giới thiệu tác phẩm🌿Đây Thôn Vĩ Dạ🌿 Các mẫu phân tích hay nhất

3 Mẫu Cảm Nhận Bài Thơ Thăm Lúa Hay

Chia sẻ một số mẫu văn cảm nhận về bài thơ Thăm lúa hay đặc sắc dưới đây.

Cảm Nhận Bài Thơ Thăm Lúa Ngắn Hay – Mẫu 1

Bài thơ Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung có nội dung giống như một truyện ngắn. Có nhân vật, có cốt truyện mạch lạc và có cả tính cách nhân vật, anh chồng là một chàng trai bẽn lẽn (Sắp tới chỗ người đông/ Anh bảo em ngoái lại) và chị vợ là người tần tảo, đảm đang, thuỷ chung, nồng nàn. Vậy thì bài thơ sống được chính là vì cái “chất truyện” thấm đẫm trong hồn cốt và nhờ cái giọng thơ mộc mạc, chân chất, cái điệu thơ như một bài ví dặm của xứ Nghệ quê hương nhà thơ!

Nhân vật và tâm trạng của các nhân vật trong cuộc đưa tiễn trong thơ Trần Hữu Thung gần gũi với chúng ta, và nhất là tình người trong cảnh chia ly:

Cái sắc mây anh mang
Em nách mo cơm nếp
… Xa xa nghe tiếng hát
Anh thấy rộn trong lòng…

Chia tay người vợ để ra trận, đi chiến đấu cho một lý tưởng tốt đẹp là giải phóng đất nước, thì cái “mo cơm nếp” của người vợ và đôi dép cao su của người chồng (lúa níu anh trật dép) của Trần Hữu Thung, những chi tiết ấy cũng chỉ là cái hiện đại bên ngoài, cái vẻ ngoài của vợ chồng người chiến sỹ mà thôi. Cái hiện đại đích thực nằm bên trong, nghĩa là trong tâm hồn và bản lĩnh của con người hiện đại. Ra đi rồi, người lính dặn vợ ở lại điều gì. Thì đây, điều quan thiết nhất của anh là:

“Ruộng mình quên cày xáo
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt!”

Nếu có một lỗi lo âu còn vướng bận trong lòng người chiến sỹ nông dân ấy thì đó là nỗi lo cho ruộng đồng, cho mùa màng mà thôi! Bản chất tính cách và tâm hồn nhân vật thơ được thể hiện rõ ràng, được khắc hoạ rất điển hình trong lời đối thoại kia. Không những thế, để thể hiện bản chất của người đàn ông “ra đi không vướng thê nhi”, nhà thơ chỉ biết hai câu rất nhẹ nhàng, giản dị:

Sắp đến chỗ người đông
Anh bảo em ngoái lại

Viết hai câu thơ trên, tôi cứ nghĩ nhà thơ sẽ mỉm cười hóm hỉnh và tự chiêu một ngụm nước chè, nếu không phải là một ly rượu!

Nửa bài thơ còn lại, nhà thơ giành để mô tả người vợ nơi quê nhà, thể hiện tâm trạng, tình cảm của một “nàng vọng phu” mới. Nàng vọng phu hiện đại đếm tháng ngày xa chồng bằng mùa vụ cây trồng, hơn thế, nàng còn đếm những tháng năm xa bằng những “mùa chiến dịch”.

Cam ba lần có trái
Bưởi ba lần ra hoa
Anh bước chân ra đi
Từ ngày đầu phòng ngự
Bước qua kỳ cầm cự…

Thật là một cách đếm tháng ngày vô chừng độc đáo, có một không hai, mà có lẽ duy chỉ có những người phụ nữ xa chồng (người xứ Nghệ) mới đếm được! Đợi mãi rồi cũng nhận được một lá thư từ chiến trường gửi về, niềm vui vô hạn ấy được thể hiện lặng lẽ và kín đáo làm sao: Cầm thư anh mân mê /Bụng em giừ phấp phới. Trong niềm vui ấy, người phụ nữ hậu phương liền ngầm nảy ra ý định thi đua với chồng nơi tiền tuyến:

Anh đang mùa thắng lợi
Lúa em cũng chín rồi
Lúa tốt lắm anh ơi
Giải thi đua em giật

Thế rồi, một năm nữa lại trôi đi, nỗi nhớ thương trong lòng người thiếu phụ nơi quê nhà càng thêm cháy bỏng. Chị lại bắt đầu đếm từng ngày, từng ngày trôi qua trên những đốt ngón tay:

Xòe bàn tay bấm đốt
Tính đã bốn năm ròng
Người ta bảo không trông
Ai cũng nhủ đừng mong
Riêng em thì em nhớ

Trong những câu thơ trên, Trần Hữu Thung tỏ ra rất lão luỵên và tinh diệu trong xử lý ngôn ngữ. Ba tiếng trông, mong, nhớ được nhà thơ sử dụng với ba màu sắc tình cảm khác nhau. Nếu như trông và mong có quan hệ tương tác giữa hai đầu thương nhớ, có thể làm cho người ở nơi xa kia nóng ruột, thì người phụ nữ thương chồng này chỉ chọn chữ “nhớ” thôi. Nhớ nghĩa là chỉ từ một phía, phía chủ thể, phía chủ quan, phía hi sinh hứng chịu, phía đợi chờ…

Nỗi nhớ sẽ không ảnh hưởng gì đến người được nhớ, để người ấy yên tâm mà đánh giặc, không máy mắt, không nóng ruột, sốt lòng. Rõ ràng biện pháp tu từ ở đây là hết sức tự giác, thể hiện một bản lĩnh rất cao cường. Sự phân trần tiếp sau đó của người thiếu phụ mới chân thành và cảm động lòng người làm sao:

Chuối đầu vườn đã lổ
Cam đầu ngõ đã vàng
Em nhớ ruộng, nhớ vườn
Không nhớ anh răng được?!

Bài thơ khép lại bằng khổ thơ cuối thanh thản hơn, tự tin và cũng tin tưởng hơn vào ngày thắng lợi. Dường như chịu đựng mãi rồi cũng quen, người phụ nữ không đếm từng ngày nữa. Nhìn vào mùa màng bội thu, biết công sức của mình đã được đền đáp, chị chỉ còn trông chờ vào ngày chiến thắng anh sẽ về.

Mùa sau kề mùa trước
Em vác cuốc thăm đồng
Lúa sây hạt nặng bông
Thấy vui vẻ trong lòng
Em trông ngày chiến thắng!

Giống như các nhà thơ cùng thời, trong bài thơ Thăm lúa, nhà thơ Trần Hữu Thung cũng sử dụng rất nhiều từ địa phương (vùng Nghệ Tĩnh). Nào là: Sáng mai ni, đến bờ ni, nào là: bụng em chừ, ai cũng nhủ, chuối … đã lổ, răng được… Những từ ngữ địa phương ấy không những không làm “địa phương hoá” bài thơ mà còn tạo được một nét duyên thầm cho phong cách thơ, tạo nên sự chân thực của cảm xúc, màu sắc riêng tư của tác giả để bài thơ trở nên đặc sắc, riêng biệt, không thể trộn lẫn.

Cảm Nhận Bài Thơ Thăm Lúa Chọn Lọc – Mẫu 2

Lâu nay, khi nói đến bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung, chúng ta thường chỉ lưu ý đến yếu tố thơ thông qua câu chữ, hình ảnh mà chưa chú ý đến một yếu tố hiện hữu trong đó là chất họa vốn rất rõ nét.

Yếu tố hội họa của bài thơ được tác giả thể hiện ngay hai khổ thơ đầu:

Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
……
Đứng chống cuộc em trông
Em thấy lòng khấp khởi

Rõ ràng Trần Hữu Thung đã rất có ý thức khi vẽ nên phong cảnh một ban mai mùa hè trên cánh đồng lúa chín vô cùng đẹp, vô cùng rực rỡ với đường nét, màu sắc của một bức tranh hiển hiện trong con mắt người đọc.

Bức tranh đó có viễn cảnh mênh mông, xa vời mơ màng phần mờ ảo của một cánh đồng lúc bình minh ló dạng. Chúng ta có thể hình dung thấy đây là cái nền để sau đó họa sĩ sẽ phác lên những hình ảnh, đường nét, sắc màu trên nền toan; công đoạn đầu tiên làm nên bức tranh sẽ được nối tiếp với những hình ảnh cụ thể.

Tiếp đến, họa sĩ đưa cọ vẽ những hình ảnh, đường nét cần thiết mô tả bình minh trên cánh đồng lúa bao la điểm xuyết trong cái nền của bức tranh; đó là vừng mặt trời, là bông lúa chín vàng, và thật đẹp, tinh vi là giọt sương trong veo long lanh treo đầu ngọn cỏ. Sinh động hơn, giàu sức sống hơn là một cánh chim chiền chiện đặc tả không dừng lại một chỗ, mà chao liệng, vút thẳng lên trời xanh cất cao tiếng hót, trong vắt, ngọt ngào, xao động cả cánh đồng.

Cảnh ở đây vừa tĩnh, vừa động, vừa có âm thanh, đường nét đậm nhạt, vừa bảo đảm luật xa gần… Cần chú ý tác giả đã pha màu rất khéo để tạo nên bức tranh rất đặc sắc, có mặt trời đỏ, bông lúa vàng, bầu trời xanh… Bức tranh chứa đủ những màu cơ bản giàu sức sống, tươi vui chứ không dùng những gam màu ảm đạm.

Thế rồi trên cái khung cảnh nên thơ ấy nhà họa sĩ dĩ nhiên đã dành chỗ xứng đáng cho một hình ảnh trung tâm của bức họa. Đó là con người. Không như nhà danh họa Levitan chỉ vẽ phong cảnh; ở đây họa sĩ đã đặt vào trung tâm bức tranh một con người, một cô gái, một thôn nữ đẹp, sinh động. Tác giả không đặc tả khuôn mặt hay ánh mắt, nhưng chúng ta có thể thấy rõ tâm trạng của nhân vật:

Đứng chống cuốc em trông
Em thấy lòng khấp khởi.

Người con gái với tư thế thật đẹp, đầy chất tạo hình: Cuốc thì chống trong tay, đặc biệt lòng khấp khởi. Nhà họa sĩ không vẽ thêm chi tiết nào nữa nhưng chúng ta có thể cảm nhận được ánh mắt, gương mặt, tư thế… con người ở đây.

Con người ở đây hoàn toàn phù hợp với thiên nhiên: bầu trời trong xanh cao vời ấy, cánh chim chiền chiện vút cao ấy, bông lúa chín vàng và giọt sương trong treo đầu chút mút cỏ ấy không thể không xuất hiện một con người yêu đời, với nét đẹp tự nhiên, hồn hậu, một cô gái mà tâm trạng tràn ngập nhiều nỗi niềm xốn xang, vui sướng…

Cận cảnh của bức tranh thật nổi bật, đúng luật hội họa; luật xa gần được vận dụng tài tình khiến bức tranh không thể thêm bớt bất cứ hình ảnh nào. Người và cảnh ở đây vừa đủ, vừa tinh, không rậm rạp, thô ráp, mà dung lượng trọn vẹn, vừa phù hợp với sắc thái biểu cảm mà bức tranh cần phải có…

Trên cơ sở một bức tranh đẹp, tâm trạng con người được nhà thơ bộc lộ dần qua hồi ức xen lẫn hiện tại. Những khổ thơ sau, nhà thơ không tiếp tục dùng yếu tố hội họa nữa, mà chỉ là các yếu tố của thi ca để diễn tả tâm trạng nhân vật. Nhưng cần thấy những nhớ nhung, tin tưởng, trông ngóng, đợi chờ… của thôn nữ được thể hiện rõ qua câu chữ một phần lớn là được yếu tố hội họa ở hai khổ thơ đầu hỗ trợ rất đắc lực.

Chúng ta thấy rõ tâm trạng nhân vật dĩ nhiên qua ngôn ngữ, hình ảnh của phần sau của bài thơ một phần là nhờ những cảm nhận mang lại từ yếu tố hội họa, từ chất tạo hình mà tác giả đã rất có ý thức trong việc vẽ nên ở đầu bài thơ. Đó chính là sự tương hỗ giữa thơ và họa, sự tác động của chất hội họa trong thơ.

Có thể nói, nếu không có yếu tố hội họa đưa vào, thì bài thơ sẽ mờ ảo hơn, không rõ nét, không tác động mạnh đến tâm lý, cảm thụ của độc giả nhường kia; ngược lại, phải khẳng định chính nhờ tác giả đã khéo léo vận dụng yếu tố hội họa, đã hiểu rõ “thi trung hữu họa” và đã cao tay trong việc sử dụng cây cọ vô hình để tăng thêm vẻ đẹp của bài thơ…

Thăm lúa là bài thơ rất nổi tiếng, bởi bên cạnh chất thơ, bên cạnh ngôn ngữ thơ điêu luyện còn có yếu tố họa rất bắt mắt với đường nét, màu sắc tác giả đã khéo sử dụng, khéo kết hợp với câu chữ khiến bài thơ sống mãi với thời gian…

Cảm Nhận Bài Thơ Thăm Lúa Tiêu Biểu – Mẫu 3

Bài thơ “ Thăm lúa” của Trần Hữu Thung là một bài thơ tiêu biểu viết về cuộc sống lao động đầy bình dị nhưng toát lên vẻ đẹp hữu tình. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong nhịp điệu của công việc bình dị, cùng với những tâm sự đầy chân thành, da diết đối với “anh”- người thương cũng là người chiến sĩ Cách mạng.

Mở đầu bài thơ “ Thăm lúa”, nhà thơ Trần Hữu Thung đã vẽ ra một khung cảnh cánh đồng bát ngát, rộn ràng âm thanh và sắc màu. Đó là sự kết hợp màu sắc của thiên nhiên đất trời và những vẻ đẹp bình dị, dân giã nơi cánh đồng quê:

“Mặt trời càng lên tỏ
…..
Văng vẳng khắp cánh đồng”

Trong không gian cao và rộng của bầu trời, mặt trời đã lên cao mà khoác lên mình vạn vật những tia nắng vàng ấm áp, dưới mặt đất, những bông lúa cũng đã chín vàng, những giọt sương đọng trên kẽ lá cũng trở lên long lanh, rực rỡ hơn. Không chỉ rực sáng bởi vẻ đẹp của khung cảnh, màu sắc tươi mới, tinh khôi của ánh nắng, của những bông lúa vàng, mà bức tranh thơ còn được nhà thơ gợi ra đầy âm thanh vui nhộn.

Đó chính là âm thanh của những chú chim chiền chiện, tiếng hót trong trẻo, “thánh thót” làm nhộn lên cả không gian của cánh đồng “Văng vẳng khắp cánh đồng”. Không gian làng quê như rộn rã hơn bởi những tiếng chim ca, khung cảnh thơ mộng cùng âm thanh tuyệt diệu của tự nhiên thật khiến người ta muốn thưởng ngoạn, nhìn ngắm và cảm nhận một cách trọn vẹn nhất.

“Đứng chống cuộc em trông
……
Chiếc xắc mây anh mang”

Trong không gian rộng lớn, trong cảnh sắc hữu tình của cánh đồng, trong không gian nhộn tiếng chim ca. Hình ảnh của người phụ nữ xuất hiện với dòng hồi ức hướng về nhân vật “anh”.

Ngày hôm đó cũng vào một buổi sớm mai như hôm nay, đó là ngày em tiễn anh lên lên đường thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm với Tổ quốc. Hành động “tình nguyện ra đi” của anh dường như cũng được thiên nhiên đất trời cổ vũ, động viên, chiền chiện hót vang như khúc nhạc đưa tiễn bước chân anh lên đường, lúa cũng đã chín nặng hạt, vào mùa thu hoạch.

Trong không gian ấy, “em” đã ngậm ngùi tiễn bước chân anh lên đường. Những bước chân lặng lẽ nhưng đầy cao đẹp, “anh” ra đi là thực hiện lí tưởng lớn, thực hiện phần trách nhiệm cần phải có của mỗi người dân Việt Nam thời kì đấu tranh, đó chính là cầm súng đấu tranh bảo vệ nền hòa bình, đánh đuổi quân ngoại xâm, giữ gìn trọn vẹn khung cảnh tươi đẹp, thơ mộng nhưng vẫn rất giản dị, chân quê của cánh đồng lúa chín vàng.

“Em nách mo cơm nếp
…..
Nhà cố làm cho tốt”

Để làm quà hậu phương cho “anh” mang ra tiền tuyến, người phụ nữ đã mang theo “mo cơm nếp”. Hình ảnh mo cơm nếp rất có ý nghĩa bởi nó là món quà của quê nhà, là món ăn thân thuộc, mang hương vị của đồng quê. Tiễn bước chân anh đi lính, lúa dường như cũng lưu luyến mà “níu” lấy chân anh. “Anh cúi xuống vội vàng” vừa là hành động sửa lại hành trang để tiếp tục lên đường, vừa là hành động từ biệt của “anh” với những hạt lúa thân quen

Khi những bước chân nhanh nhẹn “Vượt cánh đồng tắt ngang”, anh có quay lại dặn dò tỉ mỉ. Rằng do không cày xới cẩn thận nên ruộng lúa tuy chín nhưng không đều màu, chỗ chín chỗ chưa, cùng với đó là lời dặn dò về lao động sản xuất sau khi anh đi. Muốn lúa chín, hạt đều màu thì cần làm mọi khâu tỉ mỉ, cần mẫn ngay từ đầu.

“Xa xa nghe tiếng hát
……
Anh bảo em ngoái lại”

Sắp đến nơi tập trung quân, tiếng hát xa văng vẳng lại gần, làm lòng anh nhộn nhịp. Sự rộn rã trong lòng của nhân vật anh cũng làm lên hình ảnh thật đẹp về người chiến sĩ Cách mạng, bởi với anh thì được làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước không phải là trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc, niềm hân hoan vô bờ bến. Cuộc sống xa “anh”, người phụ nữ tính ngày, tính đêm trông ngóng tin tức của “anh”. Tuy nhiên, cách tính thời gian của người phụ nữ cũng thật độc đáo, khác lạ.

“Cam ba lần ra trái
…..
Từ ngày đầu phòng ngự”

Người phụ nữ ấy không tính theo ngày, tháng thông thường mà tính thời gian anh đi theo mùa vụ cây ra trái, đơm hoa “Cam ba lần ra trái/ Bưởi ba lần ra hoa”. Cách tính thời gian của người phụ nữ cũng gắn liền với cuộc sống lao động nơi thôn quê.

Chị ấy tính thời gian theo từng mùa cam ra hoa, mùa bưởi kết quả. Sự tỉ mỉ trong cách tính thời gian cũng thể hiện được nỗi nhớ da diết của chị ta hướng về người chồng của mình. Sự chờ đợi, ngóng trông ấy của người phụ nữ cuối cùng cũng vỡ òa hạnh phúc vì nhận được lá thư người chồng gửi về từ nơi chiến trận:

“Bước qua kì cầm cự
……
Bụng em giừ phấp phới

Cầm thư anh trong tay mà lòng em “phấp phới” nỗi hân hoan, vui mừng. Trong thời kì chiến tranh, trong không khí mưa bom bão đạn nơi chiến trường mà nói, một bức thư không chỉ thỏa lòng nhớ mong của người hậu phương với người ở tiền tuyến, mà nó còn là một tin báo “sống”, bởi cuộc sống nơi chiến trường, mạng sống của con người như “ngàn cân treo sợi tóc”, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Hiểu như vậy, ta có thể phần nào hiểu được niềm hân hoan, hạnh phúc của người phụ nữ này.

“Anh đang mùa thắng lợi
……
Giải thi đua em giật”

Không chỉ anh gửi tin chiến thắng về và trong hoạt động sản xuất, “em” cũng đạt được thành tích vang dội khi “lúa tốt lắm anh ơi” và trong hoạt động thi đua sản xuất thì “giải thi đua em giật”. Người phụ nữ đã kể những câu chuyện sản xuất đầy háo hức, vui tươi như thể muốn chia sẻ với người thương của mình niềm hân hoan ấy.

“Xòe bàn tay bấm đốt
……
Riêng em thì vẫn nhớ”

Thời gian thấm thoắt trôi, mới đó mà “anh” đã đi lính được “bốn năm ròng”. Thời gian bốn năm là một khoảng thời gian không dài, nhưng đối với những người lính ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, chết chóc lại không có tin tức từ tiền tuyến, mọi người ai cũng nói “đừng mong”, đừng hi vọng nhưng tấm lòng của người phụ nữ ấy đầu cuối vẫn thủy chung không đổi “Riêng thì em vẫn nhớ”. “ Vẫn nhớ” không chỉ là tình thương mà còn là niềm tin, niềm hi vọng mãnh liệt về người chồng của mình.

Nếu lúc người chồng đi thì cây trái mới ra hoa, bây giờ đã vào mùa thu hoạch “Chuối đầu vườn đã lổ/ Cam đầu ngõ đã vàng”. Tình cảm người phụ nữ dành cho ruộng vườn nhiều như vậy thì lẽ nào lại không nhớ về anh.

Câu hỏi tu từ đã khẳng định được tình thương của “em” đối với “anh”. Nỗi nhớ ấy tuy không bộ lộ ra bên ngoài nhưng lại luôn cháy bỏng nơi trái tim, nỗi nhớ thầm kín ấy nhưng lại da diết, mạnh mẽ khiến cho người đọc cảm nhận được sự chân thành nơi người phụ nữ ấy. Khổ thơ cũng khắc họa được tấm lòng của người phụ nữ dành cho người chồng của mình, thủy chung, son sắc.

“Mùa sau kề mùa trước
….
Em mong ngày chiến thắng”

Thời gian vẫn trôi, tin tức về anh vẫn “ bặt vô âm tín”, cuộc sống lao động của em vẫn đều đều tiếp diễn, năng suất mùa vụ vẫn thành công như thế, niềm vui nhen nhóm trong lòng em và em khát khao đến ngày chiến thắng, ngày anh có thể trở về. Hi vọng ấy luôn cháy bỏng trong tâm trí, ngày chiến thắng, dân tộc Việt Nam được giải phóng, người chồng sẽ trở về mang theo niềm hân hoan, vui sướng đến tột cùng. Qua đây ta cũng thấy được sức sống mạnh mẽ nơi người phụ nữ ấy.

Như vậy, bài thơ “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung đã khắc họa được hình ảnh thật đẹp của người phụ nữ Việt Nam, với đầy đủ vẻ đẹp về phẩm chất: cần cù, chịu thương chịu khó, yêu cuộc sống lao động bình dị, với người chồng của mình thì người phụ nữ ấy thủy chung son sắc, một lòng yêu thương, mong ngóng chồng trở về và niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của dân tộc.

Đừng bỏ qua tác phẩm 💌 Tràng Giang [Huy Cận] 💌 Nội Dung, Nghệ Thuật

Viết một bình luận