Bàn Về Đọc Sách ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích ✅ Mời Bạn Đọc Xem Thêm Về Tóm Tắt, Ý Nghĩa Nhan Đề, Giá Trị Tác Phẩm, Dàn Ý.
NỘI DUNG CHÍNH
Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh Sáng Tác Bàn Về Đọc Sách
Tác phẩm “Bàn về đọc sách” là bài luận của tác giả Chu Quang Tiềm là một trong những tác phẩm chính luận tiêu biểu của ông. Tác phẩm được in trong cuốn “Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui, nỗi buồn của việc đọc sách” tại Bắc Kinh năm 1995 và được nhà văn Trần Đình Sử dịch ra tiếng Việt.
Tham khảo tác phẩm 💌 Chiếc Lược Ngà 💌 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích
Nội Dung Bàn Về Đọc Sách
Bài viết “Bàn về đọc sách” của tác giả Chu Quang Tiềm là một bài viết thể hiện được cái nhìn sâu sắc về việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay. Cùng đọc hết nội dung Bàn về đọc sách bên dưới nhé.
Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.
Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới.
Lịch sử càng tiến lên, di sản tinh thần nhân loại càng phong phú, sách vở tích luỹ càng nhiều, thì việc đọc sách cũng ngày càng không dễ. Sách tất nhiên là đáng quý, nhưng cũng chỉ là một thứ tích luỹ. Nó có thể làm trở ngại cho nghiên cứu học vấn. Ít nhất có hai cái hại thường gặp. Một là, sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu. Các học giả Trung Hoa thời cổ đại do sách khó kiếm, một đời đến bạc đầu mới đọc hết quyển kinh. Sách tuy đọc được ít, nhưng đọc quyển nào ra quyển ấy, miệng đọc, tâm ghi, nghiền ngẫm đến thuộc lòng, thấm vào xương tuỷ, biến thành một nguồn động lực tinh thần, cả đời dùng mãi không cạn. Giờ đây sách dễ kiếm, một học giả trẻ đã có thể khoe khoang từng đọc hàng vạn cuốn sách. “Liếc qua” tuy rất nhiều, nhưng “đọng lại” thì rất ít, giống như ăn uống, các thứ không tiêu hoá được tích càng nhiều, thì càng dễ sinh ra bệnh đau dạ dày, nhiều thói xấu hư danh nông cạn đều do lối ăn tươi nuốt sống đó mà sinh ra cả. Hai là, sách nhiều khiến người đọc lạc hướng. Bất cứ lĩnh vực học vấn nào ngày nay đều đã có sách vở chất đầy thư viện, trong đó, những tác phẩm cơ bản, đích thực, nhất thiết phải đọc chẳng qua cũng mấy nghìn quyển, thậm chí chỉ mấy quyển. Nhiều người mới học tham nhiều mà không vụ thực chất, đã lãng phí thời gian và sức lực trên những cuốn sách vô thưởng vô phạt, nên không tránh khỏi bỏ lỡ mất dịp đọc những cuốn sách quan trọng, cơ bản. Chiếm lĩnh học vấn giống như đánh trận, cần phải đánh vào thành trì kiên cố, đánh bại quân địch tinh nhuệ, chiếm cứ mặt trận xung yếu. Mục tiêu quá nhiều, che lấp mất vị trí kiên cố, chỉ đá bên đông, đấm bên tây, hoá ra thành lối đánh “tự tiêu hao lực lượng”.
Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thực sự có giá trị. Nếu đọc được 10 quyển sách mà chỉ liếc qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách.
Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ để lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém.
Sách đọc nên chia làm mấy loại, một loại là sách đọc để có kiến thức phổ thông mà mọi công dân thế giới hiện nay đều phải biết, một loại là sách đọc để trau dồi học vấn chuyên môn. Muốn có kiến thức phổ thông, hiện nay các bài học ở trung học và năm đầu đại học, nếu chăm chỉ học tập thì cũng đủ dùng. Nếu chăm chỉ học tập mà chỉ đọc thuộc giáo trình thì chẳng có ích lợi gì, mỗi môn phải chọn lấy từ 3 đến 5 quyển xem cho kĩ. Môn học kiến thức phổ thông tổng số không quá mười mấy môn, mỗi môn chọn từ 3 đến 5 quyển, tổng cộng số sách cần đọc cũng chẳng qua trên dưới 50 quyển. Đây không thể xem là đòi hỏi quá đáng. Nói chung, số sách mà một người đã đọc, phần lớn không chỉ có thế, nếu họ không thu được lợi ích thật sự là do họ thiếu lựa chọn, khi đọc lẽ ra đọc kĩ thì họ lại đọc qua loa.
Kiến thức phổ thông không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại, mà ngay nhà học giả chuyên môn cũng không thể thiếu được. Khoa học cận đại phân loại chặt chẽ, những người chỉ chuyên một học vấn phần nhiều khép kín trong phạm vi của mình, lấy cớ là chuyên môn, không muốn biết đến các học vấn liên quan. Điều này đối với việc phân công nghiên cứu có thể là cần thiết, nhưng đối với việc đào tạo chuyên sâu thì lại là một sự hi sinh. Vũ trụ vốn là một thể hữu cơ, các quy luật bên trong vốn liên quan mật thiết với nhau, động vào bất cứ chỗ nào đều tất liên quan đến cái khác, do đó, các loại học vấn nghiên cứu quy luật, tuy bề ngoài có phân biệt, mà trên thực tế thì không thể tách rời. Trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác. Ví như chính trị học thì phải liên quan đến lịch sử, kinh tế, pháp luật, triết học, tâm lý học, cho đến ngoại giao, quân sự… Nếu một người đối với các học vấn liên quan này mà không biết đến, chỉ có học một mình chính trị học thôi, thì càng tiến lên càng gặp khó khăn, giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát. Các học vấn khác đại khái cũng như vậy, không biết rộng thì không thể chuyên, không thông thái thì không thể nắm gọn. Trước hãy biết rộng rồi sau mới nắm chắc, đó là trình tự để nắm vững bất cứ học vấn nào. Trong lịch sử học thuật, phàm là người có thành tựu lớn trong bất kì một lĩnh vực nào, đều phải có cơ sở sâu sắc của nhiều môn học vấn khác.
Cùng cập nhật tác phẩm HOT ✨ Những Đứa Trẻ [M. Go-Rơ-Ki] ✨ Nội Dung, Giá Trị, Phân Tích
Tóm Tắt Bàn Về Đọc Sách
Đừng bỏ qua bản tóm tắt Bàn về đọc sách ngắn gọn.
Sách là kho tàng quý báu cất giữ những di sản tinh thần của nhân loại, là cột mốc trên con đường tiến hoá của nhân loại. Sách đã ghi chép cô đúc và lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà loài người tìm tòi, tích luỹ được qua từng thời đại. Lịch sử càng tiến lên, sách vở tích lũy càng nhiều, việc đọc sách cũng ngày càng không dễ. Vì vậy, cần có cách lựa chọn và cách đọc sách sao cho đúng đắn.
Về Tác Giả Chu Quang Tiềm
Khám phá đôi nét thông tin về tác giả Chu Quang Tiềm ngay sau đây.
- Chu Quang Tiềm sinh năm 1897, mất năm 1986.
- Quê quán: Trung Quốc
- Sự nghiệp sáng tác:
- Ông là nhà mĩ học và lí luận học nổi tiếng của Trung Quốc
- Ông là danh nhân lớn, học vấn cao, là tác giả của nhiều bài chính luận nổi tiếng
- Những bài chính luận của Chu Quang Tiềm mang phong cách nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy đủ lí lẽ xác đáng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động và có tính thuyết phục sâu sắc.
- Một số tác phẩm tiêu biểu của Chu Quang Tiềm như: “Tâm lí học văn nghệ”, “Bàn về thơ”, “Bàn về đọc sách”…
Khám phá thêm tác phẩm 🌿 Cố Hương [Lỗ Tấn] 🌿 Nội Dung, Nghệ Thuật
Về Tác Phẩm Bàn Về Đọc Sách
Về tác phẩm Bàn về đọc sách, đây là một tác phẩm nghị luận xuất sắc của Chu Quang Tiềm đề cập đến một vấn đề thiết yếu và quan trọng để phát triển con người: Đọc sách.
Trong bài viết, tác giả nêu tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đọc sách; các khó khăn, các nguy hại dễ gặp của việc đọc sách trong tình hình hiện nay và cách lựa chọn sách cần đọc, cách đọc như thế nào cho hiệu quả.
Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Bàn Về Đọc Sách
Cùng tìm hiểu ý nghĩa nhan đề tác phẩm Bàn về đọc sách.
Nhan đề “Bàn về đọc sách” thể hiện trực tiếp nội dung sẽ đề cập trong tác phẩm. Vấn đề nghị luận của bài viết là: Đọc sách là con đường quan trọng để chúng ta tích lũy, nâng cao học vấn, đọc sách có những khó khăn và phải có phương pháp đọc hiệu quả.
Bố Cục Văn Bản Bàn Về Đọc Sách
Bố cục văn bản Bàn về đọc sách bao gồm 3 phần chính:
- Phần 1. Từ đầu đến “ nhằm phát hiện thế giới mới ”: Tầm quan trọng của việc đọc sách.
- Phần 2. Tiếp theo đến “ tự tiêu hao lực lượng ”: Những khó khăn của việc đọc sách hiện nay.
- Phần 3. Còn lại: Phương pháp chọn và đọc sách mang lại hiệu quả.
Nhất định đừng bỏ lỡ tác phẩm ⚡ Lặng Lẽ Sa Pa ⚡ Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích
Đọc Hiểu Tác Phẩm Bàn Về Đọc Sách
Thohay.vn chia sẻ cho bạn đọc nội dung đọc hiểu tác phẩm Bàn về đọc sách.
1. Tầm quan trọng của việc đọc sách
– Muốn phát triển và trưởng thành, con người phải tiếp thu, kế thừa có sáng tạo những tri thức, kinh nghiệm, thành tựu mà loài người đã tìm tòi, tích lũy được trong suốt quá trình phát triển lịch sử. Sách là kho tàng kinh nghiệm, là di sản tinh thần quý báu của loài người.
– Đối với mỗi con người, đọc sách là cách tốt nhất để tiếp thu kinh nghiệm xã hội, kinh nghiệm sống. Đọc sách còn là sự chuẩn bị để tiến hành cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, tích luỹ tri thức, khám phá và chinh phục thế giới.
2. Những khó khăn của việc đọc sách hiện nay
– Lượng sách in ra ngày càng nhiều, nếu không có sự lựa chọn, xử lý thông tin khoa học, con người dễ bối rối trước kho tàng tri thức khổng lồ mà nhân loại đã tích luỹ được. Chu Quang Tiềm đã chỉ ra một cách xác đáng những nguy hại thường gặp:
- Sách nhiều khiến cho người ta không chuyên sâu, dễ sa vào lối “ăn tươi nuốt sống” chứ không kịp tiêu hoá, không biết nghiền ngẫm.
- Sách nhiều khiến người đọc khó chọn lựa, lãng phí thời gian và sức lực với những cuốn không thật có ích.
3. Phương pháp (cách lựa chọn) và cách đọc sách mang lại hiệu quả
* Phương pháp chọn sách:
– Không tham đọc nhiều, đọc lung tung mà phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ những quyển sách thực sự có giá trị, có ích cho mình.
– Cần đọc kỹ các cuốn sách, tài liệu cơ bản thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu của mình.
– Trong khi đọc chuyên sâu, không nên xem thường những loại sách thường thức, gần gũi với chuyên môn của mình. Tác giả khẳng định: “Trên đời không có học vấn nào là cô lập, không có liên hệ kế cận”, vì thế “không biết thông thì không thể chuyên, không biết rộng thì không thể nắm gọn. Trước biết rộng rồi sau mới nắm chắc, đó là trình tự để nắm vững bất cứ học vấn nào”.
* Cách đọc sách hiệu quả:
– Không nên đọc lướt qua, vừa đọc phải vừa suy ngẫm, “trầm ngâm tích luỹ tưởng tượng”, nhất là với các cuốn sách có giá trị.
– Không nên đọc một cách tràn lan, quyển nào có cũng đọc mà phải đọc một cách có kế hoạch và hệ thống. Có thể coi đọc sách là một công việc rèn luyện, một cuộc chuẩn bị âm thầm và gian khổ.
– Cũng theo tác giả, đọc sách không chỉ là việc học tập tri thức mà còn là chuyện rèn luyện tính cách, chuyện học làm người.
Giá Trị Văn Bản Bàn Về Đọc Sách
Sau đây là những giá trị văn bản Bàn về đọc sách.
Giá trị nội dung
- Chu Quang Tiềm trong bài viết đã khẳng định đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn.
- Từ việc đưa ra những sai lầm trong việc đọc sách, tác giả hướng tới cách đọc sách khoa học, hợp lí cho con người
Giá trị nghệ thuật
- Luận điểm rõ ràng, thuyết phục.
- Bố cục bài viết hợp lí, chặt chẽ, các ý được dẫn dắt tự nhiên.
- Lối viết giàu hình ảnh, nhiều so sánh thú vị
Xem thêm bài viết đầy đủ 💚 Làng [Kim Lân] 💚 Sơ đồ tư duy, phân tích hay nhất
Soạn Bài Bàn Về Đọc Sách
Có thể bạn sẽ cần gợi ý soạn bài Bàn về đọc sách.
👉Câu 1 (trang 6 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Vấn đề nghị luận : Đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn, đọc sách có những khó khăn và phải có phương pháp đọc hiệu quả.
(Ba luận điểm của bài viết là nội dung ba phần trong mục Bố cục đã nêu trên).
👉Câu 2 (trang 6 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
– Tầm quan trọng của việc đọc sách : ghi chép, lưu truyền mọi tri thức, thành tựu ; Sách là những cột mốc trên con đường phát triển học thuật.
– Ý nghĩa của việc đọc sách : là con đường quan trọng của học vấn, sự chuẩn bị cho cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, phát triển thế giới mới.
👉Câu 3 (trang 6 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
– Trước tiên phải lựa sách mà đọc vì sách nhiều cũng có những nguy hại của nó :
+ Sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu, không biết nghiền ngẫm.
+ Sách nhiều khó lựa chọn, người đọc dễ lạc hướng, lãng phí thời gian.
– Cách chọn lựa sách mà tác giả đưa ra :
+ Không tham đọc nhiều, đọc lung tung, phải đọc kĩ những cuốn thực sự có giá trị.
+ Đọc kĩ về sách, tài liệu thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình.
+ Khi đọc chuyên sâu, không thể xem thường loại sách gần gũi với chuyên môn.
👉Câu 4 (trang 7 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Lời bàn của tác giả về phương pháp đọc sách :
– Không nên đọc lướt mà phải đọc kĩ, vừa đọc vừa suy ngẫm.
– Không đọc một cách tràn lan kiểu hứng thú mà phải đọc có hệ thống.
→ Đọc sách là học tập tri thức, hơn thế còn là rèn luyện tính cách, học làm người.
👉Câu 5 (trang 7 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Yếu tố tạo nên sức thuyết phục cho bài văn :
– Bố cục chặt chẽ, hợp lí. Cách viết giàu hình ảnh, ví von cụ thể, thú vị.
– Phân tích cụ thể, dẫn dắt tự nhiên bằng giọng trò chuyện, tâm tình của một học giả uy tín. Nội dung các lời bàn rất đúng đắn, có tính triết lí sâu sắc.
Xem thêm về phân tích 🍀 Tôi Có Một Giấc Mơ 🍀 Sơ Đồ Tư Duy, Các Mẫu Phân Tích
Giáo Án Bàn Về Đọc Sách
Chia sẻ nội dung giáo án Bàn về đọc sách cho bạn đọc.
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
– Hướng dẫn học sinh đọc, tìm hiểu tác giả, từ khó, bố cục văn bản. Hiểu được ý nghĩa và tầm quan của việc đọc sách qua bài nghị luận sâu sắc, giàu tính thuyết phục. trọn
– Phương pháp đọc sách cho có hiệu quả
2. Kĩ năng
– Rèn kĩ năng tìm và phân tích luận điểm, luận chứng trong văn bản nghị luận.
– Nhận ra bố cục chặt chẽ, hệ thống luận điểm rõ ràng trong 1 văn bản nghị luận
– Rèn luyện thêm cách viết 1 văn bản nghị luận.
3. Thái độ
– Có thái độ đọc sách đúng đắn nghiêm túc với từng hs.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
– SGK. Sgv, Đọc các tài liệu tham khảo liên quan, chuẩn kiến thức kĩ năng, soạn bài.
2. Học sinh
– Chuẩn bị bài: đọc tìm luận điểm lí lẽ, dẫn chứng cho từng phần, trả lời các câu hỏi trong mục đọc hiểu.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Sĩ số:
2. Kiểm tra đầu giờ
Kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh.
– Giới thiệu chương trình học kì II.
3. Bài mới
– Bước chân vào trường học các em đã được tiếp xúc và làm quen với sách, những cuốn sách đã trở thành người bạn thân thiết của mỗi người học trò. Nhưng liệu các em đã hiểu hết giá trị của sách, cách đọc sách hiệu quả, những hiệu quả tác dụng mà khi đọc sách con người ta có được khi đọc sách.
Để hiểu sâu hơn về cách đọc sách, vai trò tác dụng của việc đọc sách, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sự cần thiết của việc đọc sách và pp đọc sách của nhà văn Chu Quang Tiềm trong văn bản : Bàn về đọc sách.
Hoạt động của GV và HS | Kiến thức cần đạt |
---|---|
HĐ1. HDHS đọc và tìm hiểu chú thích : – Giáo viên đọc mẫu, hướng dẫn đọc, nêu yêu cầu đọc,hướng dẫn học sinh đọc, gọi học sinh đọc bài. – Đọc rõ ràng rành mạch,nhưng vẫn với giọng tâm tình, nhẹ nhàng như lời trò chuyện. | I. Đọc và tìm hiểu chú thích 1. Đọc: |
– Chú ý hình ảnh so sánh trong bài. H: Nêu những hiểu biết của em về tác giả? H: Nêu vài nét về văn bản : Bàn về đọc sách? H: Giải nghĩa các từ khó SGK | 2. Chú thích: a. Tác giả:- Chu Quang Tiềm (1897 – 1986) là nhà mĩ học và lí luận văn nổi tiếng của TQuốc. b. Tác phẩm: Trích trong cuốn danh nhân TQuốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách. c. Từ khó(SGK) |
HĐ 2. HDHS đọc và tìm hiểu chú thích : H: Văn bản thuộc thể loại gì ? | II. Đọc hiểu văn bản: 1. Kiểu văn bản:- Văn bản nghị luận (lập luận giải thích một vấn đề xã hội) |
H: Vấn đề nghị luận của bài viết này là gì? H: Văn bản có bố cục mấy phần? Nêu ý mỗi phần. | 2. Bố cục: 2 phần – Tác giả bàn về đọc sách + P1: Đầu → phát hiện thế giới mới:Sau khi vào bài tgiả khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách. + P2: tiếp → tiêu hao lực lượng. Nêu các khó khăn, nguy hại dễ gặp của việc đọc sách trong tình trạng hiện nay + P3: Còn lại. Bàn về phương pháp đọc sách (Bao gồm cách lựa chọn sách cần đọc và cách đọc ntn cho hiệu quả) |
– Theo dõi phần đầu văn bản và cho biết: H: Bàn về sự cần thiết của việc đọc sách, tác giả đưa ra luận điểm căn bản nào? H: Qua lời bàn của Chu Quang Tiềm em thấy sách có tầm quan trọng ntn? | 3. Phân tích: 1. Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách *Luận điểm: “Đọc sách là 1 con đường quan trọng của học vấn” – Tầm quan trọng của sách: + Sách ghi chép , cô đúc và lưu truyền mọi tri thức + Sách có giá trị được xem là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại + Sách trở thành kho tàng quý báu của di sản tinh thần mà loài người thu được qua mấy nghìn năm |
H: Đọc sách có ý nghĩa ntn trong cuộc sống? H: Đối với mỗi người thì đọc sách có ý nghĩa gì? H: Em có nhận xét gì về cách lập luận của đoạn văn? H: Em được bồi dưỡng những gì từ việc đọc sách Ngữ văn để chuẩn bị cho học vấn của mình? | – Ý nghĩa của việc đọc sách: + Đọc sách là con đường tích luỹ,nâng cao vốn tri thức + Đọc sách là trả nợ quá khứ, ôn lại kinh nghiệm loài người + Đọc sách đối với mỗi người còn là sự chuẩn bị để tiến hành cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn đi phát hiện tgiới mới ⇒ Lập luận chặt chẽ, hợp lí, lô gíc giúp người đọc thấy rõ tầm quan trọng của việc đọc sách |
4. Củng cố, luyện tập:
– Hệ thống toàn bài.
H: Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách.
H: Đọc sách có ý nghĩa ntn trong cuộc sống?
– Học sinh nhắc lại nội dung cơ bản vừa học.
5. Hướng dẫn HS về nhà:
– Về nhà học bài và trả lời các câu hỏi còn lại trong bài.
Sơ Đồ Tư Duy Bàn Về Đọc Sách
Tổng hợp các sơ đồ tư duy Bàn về đọc sách mới nhất.
Cập nhật thêm cho bạn đọc 🌷 Chị Em Thúy Kiều 🌷 phân tích đầy đủ nhất
5 Mẫu Phân Tích Bàn Về Đọc Sách Hay Nhất
Cuối cùng là 5 mẫu phân tích Bàn về đọc sách hay nhất.
Phân Tích Bàn Về Đọc Sách Nổi Bật – Mẫu 1
Từ xưa đến nay, sách luôn được đánh giá là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Đó là nơi lưu trữ lại những tinh hoa và trí tuệ của lớp người đi trước đến hậu thế. Tất cả các nhà khoa học, nhà văn nhà thơ, các tỷ phú đề nói về chuyện cần thiết của việc đọc sách. Thế nhưng bàn về đọc sách một cách nhẹ nhàng, xác đáng, lập luận chặt chẽ thì nhất định phải kể đến tác phẩm “Bàn về đọc sách” của tác giả Chu Quang Tiềm.
Tác phẩm Bàn về đọc sách được in trong tập Danh nhân Trung Quốc bàn về việc đọc sách. Trong tác phẩm này, tác giả đã nêu ra lợi ích và tầm quan trọng của việc đọc sách và phương pháp đọc sách hiệu quả. Chu Quang Tiềm đưa vào tác phẩm những lí lẽ xác đáng, nhiều kinh nghiệm thực tế, trình bày bố cục, nêu luận điểm mạch lạc.
Sau khi nói về chuyện học vấn, tác giả khẳng định ngay tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đọc sách. Sau đó là các khó khăn dễ gặp phải của việc đọc sách trong tình hình hiện nay. Và cuối cùng là tác giả trình bày về các phương pháp đọc sách đúng đắn và hiệu quả. Bằng những phân tích ngắn gọn, ví dụ cụ thể, dễ hiểu, tác giả đã làm sáng tỏ ý nghĩa của sách với sự phát triển của nhân loại.
Ngay từ đầu đoạn trích, tác giả đã khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách: Học vấn không chỉ có chuyên đọc sách, nhưng đọc sách rốt cuộc là một con đường quan trọng của học vấn”. Học vấn là vốn hiểu biết tích lũy được qua quá trình lâu dài, có rất nhiều con đường để có được học vấn, và Chu Quang Tiềm khẳng định một trong những con đường quan trọng đó không gì khác ngoài “đọc sách”.
Thế nhưng sách là gì? Sách được tác giả định nghĩa như “kho tàng quý báu của di sản tinh thần nhân loại” đã được “ghi chép mà lưu truyền lại” được tác giả so sánh như “cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật”. Có thể thấy, nhờ có sách mà con người ta có thể hiểu được con người, xã hội trước.
Chẳng phải từ Truyện Kiều của Nguyễn Du mà ta hiểu và thêm yêu quý, trân trọng những số phận đau khổ của xã hội cũ hay sao? Những phát minh tiến hóa từ nhỏ đến vĩ đại của loài người ta đều có thể tìm đến được qua sách. Từ việc chế tạo chiếc bóng đèn đến đưa con người lên mặt trăng… sách đều có thể cung cấp cho ta tri thức. Đây đúng là “con đường quan trọng nhất” để nâng cao học vấn như tác giả đã khẳng định.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, kho tàng sách vở được tích lũy ngày càng phong phú, trên thị trường càng ngày càng có nhiều loại sách, những điều này đã dẫn người đọc đến hai cái khó, mà sau đó tác giả đã chỉ ra rất cụ thể.
Một là sách ngày một nhiều khiến người đọc không thể chuyên sâu. Tác giả có so sánh việc đọc sách ngày nay với việc đọc sách của các học giả Trung Hoa thờ cổ đại để thấy rõ việc đọc sách nên trọng về chất lượng chứ không trọng về số lượng.
Chỉ cần một quyển sách mà có thể dùng cả đời cũng không hết. Để cho sâu sắc và dễ nhớ hơn, Chu Quang Tiềm còn so sánh việc đọc sách với việc “ăn uống” các thứ không có lợi càng tích nhiều càng dễ “sinh bệnh”. Bên cạnh đó ông còn châm biếm các học giả trẻ đọc sách một cách “liếc qua” tuy nhiều mà “lưu tâm” thì rất ít, “hư danh nông cạn”.
Khó khăn thứ hai được tác giả chỉ ra cho việc đọc sách ở thời điểm hiện tại là việc trước thư viện hàng biển sách, núi sách. Việc nhiều sách như vậy dễ làm người đọc hoang mang, mất thời gian và đọc một cách thiếu định hướng. Tác giả còn so sánh việc đọc sách giống như đánh trận để thấy được đây là một việc vô cùng khó khăn và phải có những quyết định, phương pháp đúng đắn.
Chu Quang Tiềm khuyên độc giả phải “đánh vào thành trì kiên cố, chiếm cứ mặt trận xung yếu”. Tức là việc đọc sách cũng phải có mục tiêu, xác định được thứ mình muốn và những quyển sách thực sự cần, tránh “tự tiêu hao lực lượng”.
Từ hai khó khăn bên trên, tác giả có dẫn người đọc đến hai phương pháp đọc để đem lại nhiều hiệu quả nhất. Đó là việc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tức là “đọc sách không cần nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Có đọc lướt qua 10 lần 1 quyển cũng không bằng đọc kĩ một quyển sách 10 lần, đọc và ngẫm đi ngẫm lại giống như cách bậc hiền nhân đời trước: “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán / Thuộc lòng, ngâm kĩ một mình hay”.
Đọc nhiều chưa hẳn đã vinh, đọc ít chưa hẳn đã xấu hổ. Tác giả còn đem so sánh việc đọc sách chỉ lấy nhiều, khoe mẽ với việc “cưỡi ngựa đi qua chợ…”, “kẻ trọc phú khoe của ” để châm biếm những kẻ đọc mà không ngẫm nghĩ, chỉ lấy thành tích và số lượng.
Ngoài ra, tác giả còn khuyên người đọc sách nên chia sách thành hai loại là sách để thường thức, một loại đọc để làm học vấn chuyên sâu. Loại sách để thưởng thức, theo tác giả là những sách gần gũi hàng ngày, ai cũng cần phải biết, đó là các bài học ở trung học và năm đầu đại học, ai cũng phải mỗi môn “chọn kĩ từ 3 đến 5 quyển xem cho kĩ”.
Chu Quang Tiềm đặc biệt đề cao việc có những kiến thức thường thức. Ông cho rằng nó “không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại” mà đối với các nhà học giả chuyên môn “cũng không thể thiếu được”. Bởi theo ông, các bộ môn, cách ngành khoa học đều có quan hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời.
Nếu chỉ biết nghiên cứu cho môn khoa học của mình mà không có các kiến thức liên quan thì “giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát”. Tác giả nêu lên phương châm trong học vấn “phải biết rộng rồi sau mới nắm chắc”, khuyến khích người ta đọc rộng, tìm tòi và tăng thêm vốn hiểu biết đang dạng hơn cho mình.
Bàn về đọc sách không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên dưới sự thể hiện của tác giả Chu Quang Tiềm thì lại đem đến cho người đọc những cảm xúc, cách nhìn nhận mới và độc đáo hơn. Bởi, trong tác phẩm, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật đều được trình bày thấu lí đạt tình.
Các nhận định, ý kiến của Chu Quang Tiềm đưa ra đều xác đáng, hợp lẽ. Giọng điệu sử dụng trong tác phẩm vừa như chuyện trò, tâm tình thân ái, kết hợp với việc so sánh, ví dụ một cách mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ.
Bàn về đọc sách của tác giả Chu Quang Tiềm ra đời cách đây khá lâu, nhưng ta có thể thấy những lí lẽ và lời khuyên răn trong đó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà việc đọc sách ngày càng trở nên cần thiết hơn.
Phân Tích Bàn Về Đọc Sách Chọn Lọc – Mẫu 2
Ai trong mỗi chúng ta đều biết đọc sách để mở mang kiến thức, vai trò và vị trí của nó trong con đường học vấn là vô cùng quan trọng. Chu Quang Tiềm đã khuyên dạy chúng ta rằng: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn”.
Câu nói của ông như một lí thuyết một chiều trong toán học: từ cái này dẫn đến cái kia là đúng và ngược lại có thể là sai. Từ đó ta thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách.
Vậy học vấn là gì? Học vấn là những hiểu biết thu nhận được qua quá trình học tập và rèn luyện. Chúng ta có thể tiếp nhận được kiến thức qua những lời dạy của thầy cô trong trường lớp, qua bạn bè hoặc qua những kinh nghiệm mà chính mình đã từng trải. Do đó, “học vấn không chỉ là việc đọc sách”, ta vẫn có thể tích lũy, nâng cao học vấn, tiếp nhận tinh hoa của nhân loại bằng những cách khác, qua nhiều nguồn khác, kể cả việc đọc sách.
Tuy nhiên “đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn”, Bởi sách là kho tàng tri thức quí báu được tìm hiểu, ghi chép, cô đúc, lưu truyền qua những thăng trầm lịch sử, là “di sản tinh thần của nhân loại”.
Sách vô cùng có ích cho tất cả mọi người, trong đó có học sinh, sinh viên nói riêng và các tầng lớp tri thức nói chung. Sách dạy ta những điều hay ý đẹp, dạy ta những bài học làm người, ca ngợi những con người khuyết tật vượt khó; những người lính Cách mạng dũng cảm, bất khuất; những anh hùng liệt sĩ xả thân mình vì quê hương đất nước.
Sách còn giúp ta tiếp cận những nền văn minh của các quốc gia mà ta chưa hề đặt chân đến; cảm nhận từng câu chữ, lời văn mang những cung bậc cảm xúc khác nhau trong các tác phẩm văn học nước ngoài… Dù bất cứ lợi ích gì, sách đều giúp con người trưởng thành về nhận thức, sâu sắc về tư tưởng, chín chắn về suy nghĩ.
Đọc sách đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích mà ta không thể kể hết. Đầu tiên, thay vì chúng ta phải mất thêm mấy trăm năm cho công cuộc tìm kiếm, ghi chép những thông tin cần tìm, thì ta chỉ mất vài giờ thông qua việc đọc sách. Qua đó, đọc sách là con đường ngắn nhất nhưng không kém phần quan trọng để tích lũy, lĩnh hội, nâng cao kinh nghiệm, vốn tri thức mà người xưa đã lưu truyền lại.
Sách chính là bậc thang đưa chúng ta đến với thành công trong cuộc sống. Sách giúp ta hoàn thiện kiến thức phổ thông đã học và nâng cao, chuyên sâu vào chúng. Sách là người bạn thân thiết, gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời, luôn cần thiết cho nhân loại cho dù khoa học kĩ thuật, công nghệ có phát triển và ngày càng hiện đại đến đâu.
Không những thế, sách còn là hành trang kiến thức để con người chuẩn bị cho “cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới”. Ta không thể thu được những thành tựu mới nếu không biết kế thừa những thành tựu của các thời kì đã qua.
Đọc sách là một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của con người, do đó ta phải biết phương pháp đọc sách sao cho đúng, có ích cho học vấn. Trước hết, ta phải biết chọn sách mà đọc sao cho phù hợp với yêu cầu học tập của chúng ta, tránh lãng phí thời gian và sức lực của chính mình. Khi đọc sách, ta nên đọc chậm rãi, đọc đi đọc lại nhiều lần để từng câu chữ trong sách ngấm dần vào suy nghĩ của ta, ăn sâu vào xương cốt, ắt ta sẽ hiểu và nhớ lâu.
Đọc ít mà đọc kĩ còn hơn là đọc nhanh, lướt qua hay học thuộc như một chiếc máy thì chẳng khác như “Nước đổ lá môn”, hoặc hiểu sơ lược được ngày một ngày hai là quên hết. Không chỉ vậy, ta cần phải tích cực tư duy suy nghĩ khi đọc sách sẽ giúp ta hiểu được vấn đề sâu sắc, tích lũy ngày càng nhiều kiến thức khó có thể quên trên con đường học vấn.
Ngoài ra, mỗi con người chúng ta cần có thói quen ghi chép lại những điều quan trọng cơ bản một cách tóm gọn, đơn giản, dễ học, dễ hiểu để sau này khi cần thiết ta có thể xem lại.
Những học sinh, sinh viên đang học phổ thông, đại học là lứa tuổi góp phần phát triển đất nước nên rất cần phải đọc sách. Trong quá trình đọc nên chia sách ra làm hai loại chính: sách phổ thông và sách chuyên sâu.
Đối với sách phổ thông, ta nên xem một cách tóm lược tất cả các kiến thức trong quá trình học tập, để rồi nâng cao chúng qua việc xem sách chuyên sâu. Đó là cách đọc sách có hệ thống giúp học sinh, sinh viên suy nghĩ tư duy và nắm rõ vấn đề.
Sách vô cùng quan trọng trong cuộc sống của nhân loại mà không gì có thể thay thế được. Tuy nhiên, bên cạnh những người chuyên tâm vào công việc chọn đọc những cuốn sách hay và bổ ích, lại có một số người, phần lớn là giới trẻ học sinh ngày nay, vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách, không chịu đọc sách để làm giàu vốn tri thức của mình, hay chưa biết phương pháp đọc sách làm tốn thời gian, sức lực dẫn đến không chuyên sâu, lâu hiểu, nhanh quên.
Ngoài ra, một số bạn trẻ chọn những cuốn sách có nội dung không lành mạnh, vô thưởng vô phạt, không đem lại lợi ích gì cho bản thân và sự phát triển của xã hội. Vì vậy, để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chúng ta cần chỉ ra phương pháp đọc sách đúng đắn, chứng minh cho họ thấy tầm quan trọng lớn lao của sách trong quá trình học vấn và phải biết chọn đúng loại sách.
Tóm lại, qua câu nói “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn.” của Chu Quang Tiềm đã cho ta thấy đọc sách là nhu cầu cần thiết đối với mỗi con người.
Mặc dù có nhiều cách để học mà không bao gồm việc đọc sách, nhưng nó vẫn là con đường quan trọng nhất giúp ta thành công trên con đường học tập. Chính Đại thi hào Nga Pu-skin cũng khuyên dạy chúng ta rằng “Đọc sách là cách học tốt nhất”, từ đó càng khẳng định rõ vai trò của sách trong đời sống hiện đại.
Phân Tích Bàn Về Đọc Sách Ấn Tượng – Mẫu 3
Làm người, muốn mau trưởng thành thì phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Đối với tuổi trẻ chúng ta, học tập là nhiệm vụ hàng đầu, có tầm quan trọng đặc biệt. Có học tập chăm chỉ, thường xuyên, mới có học vấn, có kiến thức, từ đó mà rèn luyện trí tuệ, tâm hồn, đạo đức để tiến bộ.
Để có học vấn, chúng ta cắp sách tới trường, tiếp thu lời thầy cô giảng dạy, trao đổi với bạn bè. Để có học vấn, chúng ta lắng nghe và suy ngẫm những điều cha mẹ, ông bà, anh, chị em trong gia đình dạy bảo, góp ý. Và chúng ta cũng có thể tích lũy vốn kiến thức trong quá trình giao tiếp xã hội. Trước mặt chúng ta, bao nhiêu con đường mở ra, đưa chúng ta tới kho tàng trí tuệ, giúp chúng ta nâng cao học vấn. Trong những con đường ấy, có một con đường…
Nó im lặng, vắng vẻ, âm thầm, không bóng người, không tiếng nói, nhưng nó lại chứa đầy ánh sáng, ngân vang những âm thanh để soi sáng cho ta, giục giã, dẫn dắt chúng ta. Con đường đó là… đọc sách. Đối với con người nói chung, tuổi trẻ nói riêng, việc đọc sách có một ý nghĩa, tác dụng đặc biệt.
Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn. Muốn hiểu thấu công việc mang tính trí tuệ – văn hoá này, chúng ta hãy tìm đọc và suy ngẫm những ý kiến của nhà mĩ học Trung Hoa Chu Quang Tiềm trong bài chính luận đặc sắc Bàn về đọc sách.
Bài viết khá dài, bao gồm bảy đoạn với những lí lẽ phong phú, sâu sắc, kết hợp những hình ảnh so sánh, liên tưởng sinh động hấp dẫn, dễ hiểu.
Ta có thể chia văn bản ấy thành ba phần: Phần 1 (từ đầu đến “…bàn chưa hết”): Tác giả nêu vấn đề mình sẽ “kiến giải” – bàn về việc đọc sách. Phần 2 (từ “Học vấn….” đến “… phát hiện thế giới mới”): Tác giả phân tích ý nghĩa, tác dụng của việc đọc sách. Phần 3 (từ “Lịch sử càng tiến lên…” đến hết): Tác giả hướng dẫn vài cách đọc sách.
Xem xét bố cục, nội dung và cách thể hiện, ta thấy đây là một văn bản chính luận – nghị luận về một vấn đề xã hội – khá sáng tỏ, mạch lạc, chặt chẽ. Phần 1 là đặt vấn đề, phần 2, 3 giải quyết vấn để, không có phần kết thúc vấn đề, do đây là bài trích, chứ không phải một văn bản trọn vẹn. Đọc văn bản này, chúng ta hiểu và suy ngẫm thú vị nhất là hai phần cuối của đoạn trích.
Sách là kho tàng quý báu, di sản tinh thần, những cột mốc trên con đường tiến hoá của nhân loại:
Về giá trị của sách và ý nghĩa, tác dụng trong việc đọc sách, nhà mĩ học viết như thế. Và ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát”.
Điều đó nghĩa là việc đọc sách giúp chúng ta khám phá và sử dụng kho tàng tinh thần của nhân loại, từ những thành tựu – những hiểu biết, những việc làm và cách làm để thúc đẩy cuộc sống tiến lên – chúng ta “xuất phát”, chúng ta đi tiếp con đường nhân loại đã đi, đã đạt tới từng “cột mốc”, từng chặng, từng chặng, ngắn, dài khác nhau. Chu tiên sinh còn nhấn mạnh thêm: “Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ…”.
Điều đó nghĩa là thế nào? Phải chăng mỗi quyển sách, trăm ngàn quyển sách thuộc các môn khoa học, văn học, nghệ thuật đã tích tụ kinh nghiệm và tư tưởng của cha ông hàng nghìn năm để tặng lại cho chúng ta – những người thuộc thế hệ sau – biết bao điều quý báu, bao lời dạy thiết thực?
Đọc sách, lắng nghe và làm theo những lời dạy đó, thế hệ trẻ ngày nay sẽ làm vừa lòng thế hệ đi trước, đáp lại thịnh tình của cha ông, giải tỏa giúp cha ông những trăn trở, những khao khát thể hiện trong sách. Đọc sách, làm theo lời dạy, rút kinh nghiệm theo những điều nhân loại đã đúc kết để nối tiếp con đường nhân loại đang đi chính là cách mà những người được hưởng thụ di sản tinh thần nhân loại đền ơn, đáp nghĩa thế hệ đi trước.
Cũng có thể nói đó là “trả món nợ” cho quá khứ. Tóm lại, đọc sách có ý nghĩa và tác dụng vô cùng to lớn. Đó là cách chuẩn bị thiết thực, chủ động, hiệu quả để mỗi chúng ta “làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới”.
Chu Quang Tiềm sơ kết về ý nghĩa, tác dụng của việc đọc sách bằng một hình ảnh ví ngầm “làm được cuộc trường chinh vạn dặm” thật thú vị. Việc đọc sách nhằm nâng cao nhận thức, bồi bổ trí tuệ, phát triển tâm hồn, tình cảm, rèn giũa hành động,… để lớn lên về tinh thần, trưởng thành trong cuộc sống của mỗi người chúng ta vốn là một ý niệm trừu tượng, trở nên cụ thể, dễ hiểu, lôi cuốn, hấp dẫn biết bao!
Theo Chu Quang Tiềm, muốn đọc sách đạt hiệu quả cao, chúng ta cần:
Tránh “hai cái hại”: Một là đọc không sâu, đọc “liếc qua” thì rất nhiều, nhưng lưu tâm thì rất ít. Học sinh Trung học cơ sở thường hay đọc sách kiểu” cưỡi ngựa xem hoa”.
Cầm cuốn truyện, hay tập sách về khoa học, nhiều bạn đưa mắt, lướt qua trang này, trang khác, hình vẽ này tiếp hình vẽ khác, xem nhân vật này ra sao, xấu đẹp thế nào, gặp ai, “đánh đấm” hay trêu chọc, tán tỉnh ai, nhằm thỏa trí tò mò, chứ không chú ý tới lời văn, câu thơ, sự việc, hình ảnh… nhất là ý nghĩa sâu xa, ý tưởng thâm thuý của câu chuyện, của tập sách.
Có một số bạn lại chỉ háo hức, ham mê xem loại “tranh truyện”, khoái chí với các pha “đùng đoàng”, những hình vẽ kì quặc, lạ mắt. Các bạn ấy, một ngày ngốn hàng chục cuốn sách, đến mức mắt hoa, óc mệt, chẳng thu lượm được điều gì bổ ích. Khi đọc sách giáo khoa, xem vào bài tập thì… trí tuệ mịt mờ, chẳng hiểu gì. Kiểu đọc sách ấy là kiểu “ăn không tiêu”, dễ sinh “đau dạ dày”, đúng như Chu Quang Tiềm cảnh báo.
Thứ hai, tác giả cảnh báo: đó là bệnh “đọc lạc hướng”, thiếu lựa chọn sách, gặp sách nào đọc sách ấy mà không tìm những cuốn sách bổ sung, phụ trợ và nâng cao học vấn mình đang cần tiếp nhận, trao đổi. Cách đọc sách ấy, ông Chu ví như người chiến sĩ đánh trận không tìm đúng mục tiêu, “chỉ đá bên đông, đấm bên tây”, hậu quả là “tự tiêu hao lực lượng”.
Rất nhiều bạn học sinh chúng ta – nhất là các học sinh ở thành phố – đã bị cuốn vào lối đọc này. Nào truyện tranh, báo cười, tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết tâm lý, lại cả thơ tình yêu, cả những hỏi đáp về chuyện nọ, chuyện kia và… thậm chí có bạn tìm đọc một số sách bói toán nữa,…
Đọc sách kiểu ấy thì không chỉ tự tiêu hao lực lượng mà có khi lại bị những quyển sách có nội dung xấu, nội dung không phù hợp… đánh gục. Người xưa từng nói: “Đa thư loạn mục” (đọc nhiều sách thì rối mắt). Lời cảnh báo của ông Chu tuy chỉ là một cách so sánh nhẹ nhàng đủ gợi cho chúng ta liên hệ tới biết bao thực tế nặng nề, khiến chúng ta giật mình, lo sợ.
Theo “hai điều lợi”: Ở phần cuối văn bản, ông Chu gợi ý và hướng dẫn chúng ta nên theo một vài cách đọc sách hữu ích. Một là “đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Với học sinh, có lẽ chúng ta nên lựa chọn những sách nào – bao gồm cả sách văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật, tin học, ngoại ngữ, y học, đời sống – sát hợp lứa tuổi, trình độ và yêu cầu học vấn của từng lớp, từng cấp học.
Trong quá trình đọc mỗi cuốn sách, ta biết “Đọc – Hiểu – Suy ngẫm” ở từng bài, từng chương, thậm chí ở từng từ ngữ, câu, từng sự việc, hình ảnh. Có vậy mới thu lượm được phần tinh túy, cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của người viết sách gửi cho ta.
Sách cũ trăm lần xem chẳng chán
Thuộc lòng, ngâm nghĩ một mình hay.
Ông Chu đã tóm tắt lợi ích của việc đọc sách đúng đắn – đọc kĩ, đọc sâu – bằng hai câu thơ thú vị. Đúng là “Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất”. Đọc ít, đọc kĩ có tác dụng lớn lao như vậy. Còn biết bao cách đọc ít, đọc kĩ với biết bao tác dụng khác nữa mà mỗi người đọc sách có ý thức, chủ động, nhằm một mục đích đúng đắn có thể tự tìm ra được.
Cách thứ hai của việc đọc sách chủ động, hữu ích mà ông Chu Quang Tiềm gợi ý: Phải biết lựa chọn sách. Theo ông Chu, nên chia sách làm hai loại: loại chuyên sâu và loại thưởng thức. Chúng ta hiểu điều đó thế nào? Loại sách “chuyên sâu” là sách đi sâu vào những chuyên ngành khoa học, kĩ thuật, sách văn học tập trung vào một chủ đề, có chung thể loại.
Với học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, sách “chuyên sâu” chính là những cuốn sách giáo khoa của các bộ môn khoa học tự nhiên (sách Toán, Lý, Hoá, Sinh, Kĩ thuật), bộ môn khoa học xã hội nhân văn (sách Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ) và một vài tác phẩm tham khảo, ngoại khóa phục vụ cho nội khoá.
Còn loại “sách thường thức”, đối với học sinh chúng ta là những cuốn bàn về cuộc sống, những tờ báo, tạp chí thông tin và hướng dẫn chúng ta về thời trang, về cách ứng xử và biết bao điều khác trong cuộc sống ở gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội,…
Tuỳ hoàn cảnh, tùy năng lực mỗi người mà phối hợp, lựa chọn hai loại sách “chuyên sâu” và “thường thức”. Đối với học sinh lớp cuối cấp Trung học cơ sở, có lẽ chúng ta nên tập trung ưu tiên đọc loại sách có ích nhất, loại “chuyên sâu” của học sinh Trung học cơ sở.
Từ đó mà mở rộng tầm nhìn, đọc thêm một số sách thông thường. Đó là một cách “học tập chăm chỉ”, một cách đọc sách khoa học nhất, đúng như ông Chu nhắc nhở “không biết rộng thì không thể chuyên, không thông thái thì không thể nắm gọn”.
Bàn về việc đọc sách là điều thật thú vị. Biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu danh nhân cổ kim, trong nước, trên thế giới từng có nhiều lời vàng ngọc khuyên dạy chúng ta. Cụ Nguyễn Trãi đã từng nói: “Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách” và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng viết:
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương, ấy dại khôn.
Đọc bài Bàn về đọc sách của ông Chu Quang Tiềm, chúng ta hiểu rằng: Đọc sách là một con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Cần kết hợp giữa đọc rộng và đọc sâu, giữa loại sách thường thức và loại sách chuyên môn. Việc đọc sách phải có kế hoạch, có mục đích kiên định, chứ không thể tùy hứng và phải vừa đọc, vừa nghiền ngẫm kĩ.
Tác giả đã trình bày những ý kiến xác đáng ấy bằng bài viết có lí lẽ chặt chẽ, có dẫn chứng và những ví von, so sánh rất sinh động. Trong thời đại văn hóa, các phương tiện nghe nhìn đang bùng nổ hiện nay, việc đọc sách đối với học sinh là biểu hiện của một phong cách văn hóa kiên định, bản lĩnh, vô cùng bổ ích mà mỗi chúng ta không thể thờ ơ, không thể coi thường.
Phân Tích Bàn Về Đọc Sách Đặc Sắc – Mẫu 4
Sách là nguồn tri thức về xã hội và tự nhiên vô cùng lớn. Để làm nên những cuốn sách hay là cả một sự lao động vất vả của những nhà nghiên cứu. M.Gorki từng nhận định rằng: “Mỗi cuốn sách là những bậc thang nhỏ mà khi bước lên…tôi tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất…”.
Điều đó cho thấy được vai trò của sách đối với cuộc sống của chúng ta. Cũng nói về điều này, Chu Quang Tiềm đã trình bày những suy ngẫm của mình về sách trong tác phẩm Bàn về đọc sách.
Thứ nhất, tác giả đề cập đến sự cần thiết và ý nghĩa của việc đọc sách. Theo đó, sách không chỉ ghi chép lưu giữ những tri thức, thành tựu mà sách còn ghi dấu những cột mốc trên con đường phát triển học thuật. Chính vì thế sách có tầm quan trọng trong việc lưu giữ những di sản tinh thần của nhân loại.
Từ tầm quan trọng ấy, sách có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống con người. Thứ nhất, sách là phương tiện quan trọng trên con đường quan trọng để phát triển học vấn. Thứ hai, sách là cuộc trường chinh phát hiện thế giới mới. Vì thế đọc sách chính là thừa hưởng những giá trị tinh hoa của nhân loại.
Thứ hai, tác giả trình bày vấn đề khó khăn và những thiên hướng sai lệch trong đọc sách. Điều thứ nhất dễ mắc phải khi ta đọc sách là đọc không chuyên sâu. Khi đọc lướt qua như kiểu ăn tươi nuốt sống, đọc rất nhiều sách nhưng đọng lại ít thì chẳng làm được gì.
Thứ hai là đọc bị lạc hướng, khi chúng ta đặt ra quá nhiều mục tiêu đọc nhiều thứ, tham nhiều mà không vụ thực chất thì cũng không có hiệu quả. Kết quả là chúng ta chỉ lãng phí thời gian và sức lực chứ không thu lại được lợi ích gì. Thậm chí còn dễ sa vào thói hư danh nông cạn.
Thứ ba, Chu Quang Tiềm bàn về phương pháp đọc sách và chọn sách cho hiệu quả. Về cách lựa chọn sách thì cần không tham đọc nhiều mà phải đọc cho tinh cho kĩ những cuốn sách có giá trị có lợi cho mình. Bên cạnh đó cần phải đọc kĩ những cuốn sách cơ bản liên quan đến lĩnh vực và chuyên môn của mình.
Đồng thời khi đọc những cuốn sách tài liệu chuyên sâu cũng cần phải đọc những cuốn thường thức. Về cách đọc sách, tác giả cho rằng không nên đọc lướt qua mà phải đọc kĩ, vừa đọc vừa suy nghĩ nhất là những cuốn sách có giá trị; không nên đọc một cách tràn lan, theo hứng thú mà phải đọc có kế hoạch và có hệ thống; đọc sách không chỉ chuyện học trí thức mà còn là học nhân cách con người, học chuyện làm người.
Tóm lại qua tác phẩm Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm ta thấy được tầm quan trọng và vai trò ý nghĩa của sách đối với cuộc sống của chúng ta. Để phát huy được vai trò đó thì chúng ta cần phải biết cách đọc sách hiệu quả, chọn sách phù hợp để không bị sa những điều vô bổ.
Phân Tích Bàn Về Đọc Sách Tiêu Biểu – Mẫu 5
Cuộc sống của chúng ta như một đại dương mênh mông vô tận, là sa mạc rộng lớn trải dài mà mỗi con người chỉ là một giọt nước hòa trong ngàn giọt nước biển cả, một hạt cát vô danh trong hàng triệu con người.
Để sống và tỏa sáng như một ngôi sao thực thụ, bạn phải thực sự khác biệt. Và điều làm cho mỗi người nổi bật, để bước tới thành công và hạnh phúc chính là sách. Những lợi ích của việc đọc sách đã được Chu Quang Tiềm khẳng định trong bài “Bàn về đọc sách”.
Sách là nơi lưu trữ kiến thức, nguồn tri thức vô tận của con người và được truyền lại cho thế hệ khác qua những kí tự được viết trên trang giấy. Đọc sách chính là hành động tiếp thu những kiến thức ấy vào mình qua cách cảm nhận và thực hành. Qua bài “Bàn về đọc sách”, tác giả đã chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đọc.
Ông khẳng định rằng, sách là kho tàng quý báu, cất giữ những giá trị của lịch sử nhân loại, là cột mốc tiến hóa của cả nhân loại. Sách là sự chuẩn bị trên con đường trường chinh vạn dặm trên con đường tri thức … Đó là những lí do trên lí thuyết: đọc sách để tích lũy tri thức, tăng thêm hiểu biết.
Nhưng để làm gì? Cuộc sống ngày nay là những guồng quay với sự đào thải bất kì ai không có năng lực. Bạn cần phải đọc sách vì đó mới là con đường thay đổi cuộc đời bạn, không phải tri thức bạn.
Thứ nhất, sách là con đường đơn giản nhất để bạn trở nên khác biệt trong thế giới mà con người đang ngày càng hòa lẫn vào nhau như những hạt cát vô danh. Giới trẻ vẫn thường nói: “Ngoại hình và đầu óc, ít nhất phải có một cái chứ”. Bạn không thể quyết định mình trở nên xinh đẹp nhưng bạn có thể khiến mình nổi bật nhờ “cái đầu” của mình. Khoa học đã chứng minh, đọc sách rèn cho con người tư duy và khả năng suy luận nhạy bén hơn.
Nếu không, bạn cũng có thể phát huy được trí tưởng tượng phong phú của mình. Sách mang đến cho bạn thứ còn quan trọng hơn cả kiến thức, đó là trí tưởng tượng: Kiến thức thì duy trì thế giới nhưng trí tưởng tượng mới là thứ tạo nên thế giới và thay đổi thế giới. Kiến thức thì có giới hạn còn trí tưởng tượng thì không. Có những nơi đôi mắt không thể đến được, đôi chân không thể tới được, nhưng con chữ thì có thể.
Đọc sách hẳn là việc đơn giản, dễ thực hiện nhất… trong tất cả những việc nên làm. Thử so sánh với việc tập thể thao, nuôi động vật, nấu ăn, chơi nhạc cụ, từ bỏ chất gây nghiện… mà xem. Để đọc sách, đơn giản, bạn chỉ cần biết chữ!
Nói chuyện với một người, bạn có thể gây ấn tượng với người đối diện bởi sự hài hước nhờ bạn đọc một quyển truyện cười nào đó, sự uyên bác bởi những điều bạn đọc được từ một cuốn sách khoa học. Để tương lai, thay vì mệt mỏi nói về nào những cơm, áo, gạo tiền, dầu, muối, xăng, xe với người yêu, bạn còn có thể nói về cầm, kì, thi, họa, phong, hoa. Và bạn trở nên khác biệt hoàn toàn với những người khác!
Thứ hai, sách chắc chắn là thứ rẻ tiền nhất giúp bản thân bạn trở nên đáng giá. Hãy thử so sánh với những thứ đồ như trang phục, trang sức, đồ công nghệ, xe cộ… hay bất cứ thứ gì bạn muốn sở hữu đi. Mua một vài quyển sách không thấm vào đâu so với số tiền bạn mua một chiếc váy bình thường cả.
Sau này, học thêm một chút kiến thức, sẽ ít đi một câu xin xỏ, nhờ vả người khác. Những cô gái sẽ thích lấy một người có thể lo cho cả đời cô ấy hơn là một người chỉ có thể để ngắm.
Số trang sách ngày hôm nay tôi lật, chính là số tiền mà ngày mai tôi được đếm. Mười năm sau, hai mươi năm sau có họp lớp, tôi không muốn gặp phải xấu hổ trước mặt bất cứ ai. Khi mua đồ, không cần phải cân nhắc rồi hạ đồ xuống khi nghĩ đến ví tiền. Khi cha mẹ già đi, tôi không muốn vì mình từng lười biếng mà họ không thể giúp họ tuổi già an nhàn.
Thứ ba, khi bạn đã có sẵn những khác biệt là tố chất rồi, sách chính là con đường nhanh nhất để có được thành công. Con đường nhanh nhất để đi đến với thành công là không cần phải bắt đầu từ vạch xuất phát, đi lên những dấu chân mà lịch sử đã đi qua mà là bước tiếp những bước chân mà những người xưa đang dừng lại, là khai phá ra những nơi không có dấu chân người.
Ta không nhất thiết phải vấp ngã tại những nơi người khác đã ngã, thất bại ở những nơi không cần thiết. Và làm được điều đó cũng chỉ có sách. Edison có phải lần mò từ đầu để sáng chế ra đèn điện? Không, ông biết đọc sách để tiếp thu những gì người đi trước để lại, để ông tạo ra thứ tốt hơn đèn dầu lúc bấy giờ.
Marie Curie có thể là người phụ nữ duy nhất trên thế giới nhận 2 giải Nobel nếu không dành hầu hết tuổi thơ mình để đọc sách? Rất nhiều những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời người khác và nhất định sẽ có một cuốn sách thay đổi cuộc đời bạn!
Và sách chính là từ khóa duy nhất dù bạn có gõ google bao nhiêu lần đi nữa cũng không thể tìm được kết quả nào cho từ khóa “hối hận vì đọc sách”. Không bao giờ phải hối hận khi cầm một cuốn sách trên tay cả. Nếu cuốn sách ấy không hay, đó là do bạn không biết chọn sách, ngoài kia vẫn còn nhiều cuốn sách hay cơ mà. Bạn không cần phải phí thời gian vào quyển sách không xứng đáng.
Và nếu có cơ hội, hãy đọc thật nhiều và mua thật nhiều sách. Những cuốn sách đến tay con cháu bạn, vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó. Nhưng đọc sách cũng chỉ là một phần.
Đọc phải đi với hiểu và làm. Những điều nói trên đây đều đi liền với hành động của nó: đọc cuốn sách có thể kể cho người yêu nghe, đọc cuốn sách phải biến nó thành tài sản của mình, là thành tựu của toàn thế giới. Như thế bạn mới trả lại được những gì bạn lấy đi từ những cuốn sách.
Bây giờ trên tay bạn có cuốn sách nào không. Nếu muốn cuộc đời mình phải hối hận, hãy cứ ngồi đó. Sách không kì thị bất kì ai, chỉ có những người không nhận ra giá trị thực của nó mà thôi.