Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích ✅ Gửi Đến Bạn Ý Nghĩa Tác Phẩm, Gợi Ý Cách Phân Tích, Đọc Hiểu Chi Tiết.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong
Trong thời gian tham gia chiến đấu chống Mỹ tại tuyến đường Trường Sơn, Phạm Tiến Duật cho ra đời rất nhiều bài thơ hay, trong đó có tác phẩm Gửi em cô thanh niên xung phong.
Gửi em cô thanh niên xung phong
Tác giả: Phạm Tiến Duật
Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”
Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Ðất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân.
Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?
Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Ðêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
Cạnh giếng nước có bom từ trường
En không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy…
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới ta xây
Ðã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường xá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.
Đón đọc tác phẩm 🍃Khoảng Trời, Hố Bom🍃Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong
Gửi bạn thông tin về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong chi tiết.
Bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tại Đức Thọ năm 1968, thời gian này, ông sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Nguyên mẫu cô gái thanh niên xung phong trong bài chính là o Nhị.
Năm 1965, địch ném bom miền Bắc, Hà Tĩnh mà đặc biệt là ngã ba Đồng Lộc là một túi bom của Bắc miền Trung. Một năm sau, theo tiếng gọi thiêng, o Nhị và bạn bè lên đường, người đi bộ đội vào các chiến trường, người vào thanh niên xung phong đến với những trọng điểm bị địch bắn phá ác liệt, để bảo vệ những tuyến giao thông nối từng phút lộ trình Bắc-Nam. O Nhị vào ngã ba Đồng Lộc, thuộc quân số của C4- Tổng đội TNXP 55 khi o tròn 20 tuổi.
Ý Nghĩa Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong
Là một thi phẩm nổi tiếng của Phạm Tiến Duật, bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong mang ý nghĩa rất đặc sắc. Cụ thể:
Bài thơ thể hiện sức sống mãnh liệt tuổi thanh xuân của một lớp người trưởng thành từ thực tế chiến đấu. Họ là “những bông hoa trên tuyến lửa”, bom đạn không tài nào dập được lòng tin chiến thắng, gian khổ không thể bắt họ im tiếng cười lạc quan của tuổi trẻ.
“Gửi em cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật là khúc tráng ca giàu tính nhân văn và lãng mạn cách mạng, là bài ca giàu tính sử thi, là vũ khí tinh thần cho tuổi trẻ lên đường chống Mỹ.
Xem thêm bài thơ 🔰Cuộc Chia Ly Màu Đỏ🔰 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Đọc Hiểu Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong
Bạn đọc có thể tham khảo cách trả lời các câu hỏi đọc hiểu trong bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong dưới đây.
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”
Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.
…..
Cạnh giếng nước có bom từ trường
En không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy…
👉 Câu 1: Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?
Đáp án:
- Thể thơ: Tự do
- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
👉 Câu 2: Hình ảnh nhân vật “em” trong đoạn thơ có điều gì thú vị?
Đáp án: Điều thú vị trong hình ảnh nhân vật “Em”:
Người tinh nghịch là anh dễ thân
…
Em không rửa ngủ ngày châm lấm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
👉 Câu 3: Những hình ảnh : bom từ trường, bom nổ chậm giúp em cảm nhận gì về cuộc sống chiến đấu của những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mỹ?
Đáp án: Hình ảnh: Bom từ trường, bom nổ chậm giúp hình dung được công việc của các nữ thanh niên xung phong vô cùng nguy hiểm, nơi sự sống – cái chết cách nhau một danh giới mong manh.
👉 Câu 4: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp điệp ngữ trong đoạn thơ?
Đáp án: Biện pháp tu từ: Điệp ngữ (thương em….) nhắc lại 3 lần
– Tác dụng:
- Làm tăng sức gợi cảm cho lời thơ.
- Nhấn mạnh tình cảm của tác giả đối với các nữ thanh niên xung phong với thái độ: Trân trọng, khâm phục, yêu mến, cảm thông…
👉 Câu 5: Tại sao nhà thơ lại bày tỏ cảm xúc : “Có lẽ nào anh lại mê em ” đối với các cô thanh niên xung phong?
Đáp án: Trước những khó khăn gian khổ của chiến tranh, hình ảnh những cô thanh niên xung phong giàu lòng quả cảm đã để lại trong tâm trí nhà thơ sự khâm phục ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ cuộc gặp gỡ cụ thể ấy, nhà thơ đã nâng tầm nhân vật trữ tình thành bức tượng đài nghệ thuật ngôn từ về lực lượng thanh niên xung phong thời chống Mỹ.
Đọc hiểu chi tiết 🌿Bài Thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây 🌿 Nội Dung, Phân Tích
Nghệ Thuật Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong
Điểm qua những nét nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong.
- Bài thơ được viết theo thể tự do, có những câu 7 chữ, 8 chữ và 10 chữ.
- Sử dụng biện pháp liệt kê: bụi, nước, mùa hanh, mùa lũ, đêm rộng dài, đêm không ngủ nhằm khắc họa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vất vả luôn cận kề của các cô gái thanh niên nhưng họ vẫn hiên ngang, dũng cảm để đảm bảo cho tuyến đường ngày đêm.
- Điệp ngữ “thương em” nhằm nhấn mạnh thái độ trân trọng, khâm phục, yêu mến của tác giả đối với các nữ thanh niên xung phong.
2+ Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong Hay Nhất
Tham khảo các mẫu văn cảm nhận, phân tích bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong hay nhất.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong Hay
Trong niềm vui tự do, độc lập hôm nay, chúng ta không bao giờ quên máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống để tô đậm cho non nước Việt Nam mãi mãi những mùa xuân.
Công lao to lớn đó có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ lớp lớp nam, nữ thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho trái tim của Tổ quốc không thể ngừng đập, cho mạch máu giao thông trên mọi miền của Tổ quốc không bao giờ ngừng chảy. Và Tổ quốc Việt Nam lại không bao giờ quên các thế hệ cầm bút đã xả thân mình trên những tuyến đường vận tải, các chiến trường ác liệt cận kề với cái chết.
Một trong số đó, ta phải nói đến, đó là Phạm Tiến Duật – người chiến sĩ cầm bút đã chứng kiến thực tế cảnh Trường Sơn ác liệt mà có nhà thơ đã thốt lên rằng: “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.
“Gửi em cô thanh niên xung phong” là khúc tráng ca giàu tính nhân văn và lãng mạn cách mạng, là bài ca giàu tính sử thi, là vũ khí tinh thần cho tuổi trẻ lên đường chống Mĩ.
Con người sinh ra là để yêu, để sống, để học tập và cống hiến cho quê hương đất nước. Nếu như trong mỗi chúng ta không có tình yêu thì bầu trời này làm gì có mùa xuân ấm áp. Và những cô thanh niên xung phong xả thân dưới làn mưa bom của kẻ thù cũng là để giành lấy tình yêu bất diệt đó…!
“Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất”
Đọc khổ thơ đầu, nếu như ai đó đã từng lăn lộn ở chiến trường thời chống Mĩ và đã từng yêu trong hoàn cảnh của chiến tranh thì sẽ lại càng đồng cảm với Phạm Tiến Duật, thương em gái thanh niên xung phong trong hoàn cảnh đó.
Khi gặp em gái thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật mới 27 tuổi, nếu ở giai đoạn bây giờ có lẽ nhà thơ 27 tuổi đã được nếm trải cảm giác nồng nàn thi vị của tình yêu… nhưng ở giai đoạn mà cả nước dốc lòng đánh Mĩ, thì thi vị của tình yêu là giọng nói, là cái liếc nhìn, là những kỉ niệm sâu xa…
“Có lẽ nào anh lại mê em?”, nhà thơ tự đặt cho mình một dấu chấm hỏi, dấu chấm hỏi đó là cái tình được giấu trong trái tim nồng nàn lãng mạn của tác giả: “Người tinh nghịch là anh dễ thân/ Bởi vì thế có em đứng gần/ Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn…”.
Thật tinh nghịch dễ thương bởi cái giọng Hà Tĩnh chân chất, mặn mà dễ cảm. Một hôm tối trời năm 1968, đoàn xe của đường dây vận tải 559 đi qua vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh thì gặp một đại đội thanh niên xung phong đang san lấp hố bom, một anh bộ đội trẻ, đẹp trai có cái sống mũi thẳng với giọng Bắc ngọt lịm hỏi cô gái thanh niên xung phong đứng gần nhất: “Quê em ở đâu?”. Cô gái trả lời: “Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch Nhọn enh nờ” (tức là anh ạ).
Bằng những cảm xúc chân thành khó tả trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra ác liệt, bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” ra đời và hình ảnh em gái thanh niên xung phong được tác giả mang đi khắp mọi miền của Tổ quốc. O Nhị là nguyên mẫu cô thanh niên xung phong trong bài thơ và những năm cuối đời tác giả lâm bệnh hiểm nghèo, O Nhị đã đến bên giường bệnh và không cầm được nước mắt…!
Trở lại bài thơ: “… Em đóng cọc rào quanh hố bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn em cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để/ Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”. Ở đây, tác giả đã xây dựng một tình cảm thật trực tiếp và cũng rất gián tiếp, nhưng cốt lõi là một tình cảm lớn: “Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”.
Là một nhà thơ và là một phóng viên trở lại chiến trường miền Nam hay trở ra miền Bắc hậu phương, trên đường đi rất nguy hiểm, nhưng đối với cách mạng thì sự cống hiến đó, Phạm Tiến Duật cho là rất bình thường. Và con người đó là con người thật, vẫn biết cái chết là trở về cõi vĩnh hằng muôn thuở, nhưng trái tim vẫn rung lên khi gặp những âm thanh cùng nhịp đập: “Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”.
Tiếng ru ở đây là khát vọng sống, khát vọng tình yêu của một chiến sĩ tốt nghiệp Văn khoa, viết đơn tình nguyện vào chiến trường cầm bút để chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc: “Em ơi em hãy nghe anh hỏi/ Xong đoạn đường này các em làm đâu?”.
Lại một lần nữa tác giả không tự hỏi mình như khổ thơ trước mà lần này tác giả trực tiếp hỏi em gái thanh niên xung phong. Điều này đã minh chứng rõ nét trong muôn vàn sự vận động của tự nhiên đã có những vấn đề sinh học trùng hợp. Và: “Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu/ Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn/ Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm/ Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều”.
Đọc đến đây, ta sẽ thấy hơn tình yêu cách mạng và sự tin tưởng vào thắng lợi ngày mai của cuộc kháng chiến ác liệt: “Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều”. Là thi sĩ, là phóng viên chiến trường, Phạm Tiến Duật đã đi và bất chấp hiểm nguy để đến với các đơn vị bộ đội, các đơn vị thanh niên xung phong và đã chứng kiến biết bao đau thương, hiểm nguy, gian khổ của những người lính, những em gái thanh niên xung phong tuổi đời mới mười tám đôi mươi.
Ông đã chứng minh được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của tuổi trẻ, nhưng hình ảnh em gái thanh niên xung phong ở Thạch Nhọn, Thạch Kim vẫn đau đáu trong tâm hồn ông: “Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều/ Những con đường như tình yêu mới mẻ/ Ðất rất hồng và người rất trẻ/ Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim”.
Giặc Mĩ ném xuống những con đường mỗi ngày hàng ngàn tấn bom đạn và sự hi sinh xương máu của thế hệ trẻ thanh niên xung phong không phải ít, nhưng điều gì để thi sĩ trẻ khẳng định: “Những con đường như tình yêu mới mẻ/ Ðất rất hồng và người rất trẻ”. Đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào chân lí Việt Nam sẽ thắng Mĩ.
Nhưng chúng ta không thể không rung cảm và có một sự đồng cảm lớn đối với thi sĩ, với em gái Thạch Nhọn, Thạch Kim: “Ðất rất hồng và người rất trẻ/ Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim”. Những câu thơ này buộc tôi phải nhắc lại nhiều lần mong được bạn đọc cảm thông bởi vì, những câu thơ nói lên tình cảm vô tư và bất diệt mà chỉ có thời chống Mĩ mới có.
Cái nhìn của Phạm Tiến Duật là cái nhìn về sự gian khổ đầy ắp, nhưng cũng là sức sống mãnh liệt của thế hệ trẻ, một thế hệ đã làm nên lịch sử không những ở Việt Nam mà đã làm rung chuyển cả lầu Năm Góc: “Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng, xoong nồi xủng xoảng/ Rực rỡ mặt đất bình minh/ Hấp hối chân trời pháo sáng/ Ðường trong tim anh in những dấu chân”.
Đế quốc Mĩ xâm lược có thể mạnh hơn ta gấp bội về sức mạnh bom đạn, nhưng sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh của chân lí, của lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước: “Rực rỡ mặt đất bình minh/ Hấp hối chân trời pháo sáng” và ta lại càng thương và quý trọng Phạm Tiến Duật: “Đường trong tim anh in những dấu chân”. Tác giả dùng cụm từ “hấp hối” để chỉ thế yếu của quân thù.
Thơ Phạm Tiến Duật rất có tố chất lãng mạn cách mạng, đọc những dòng thơ ông như đưa ta trở lại những kỉ niệm đẹp của một thời đã qua, cũng là tình cảm, tình yêu, lẽ sống, nhưng nó không nặng nề về những thứ vật chất phồn hoa. Nó “ngây thơ” trong trắng, nhưng sự “ngây thơ” trong trắng đó lại là hướng đi đúng đắn trên con đường chống Mĩ: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà”.
Là một chiến sĩ cầm bút, ông có một tình thương yêu và sự quan sát tỉ mỉ về cuộc sống của những chiến sĩ thanh niên xung phong, “Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim” mà đã tạo cho ông một sức mạnh vĩ đại để nhìn, để viết, để thương: “Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa/ Thương em, thương em, thương em biết mấy…”.
Thơ Phạm Tiến Duật không những có giá trị về Văn học mà còn có giá trị to lớn về Lịch sử, có lúc lại nghiêng về góc độ tự nhiên học để cho ta ngược dòng Lịch sử nhìn rõ về quá khứ và tương lai: “Ðã có độ dài hơn cả độ dài/ Của đường sá đời xưa để lại/ Sẽ ra về bao nhiêu cô gái/ Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ/ Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ/ Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất”.
Không thể nói hết sự hi sinh của các cô gái, các thế hệ thanh niên xung phong và bây giờ ai còn ai mất…! Cũng có người trở về sống trong nỗi cô đơn …! Người nằm lại bên những hố bom năm xưa, nhưng ở đâu trên đất nước Việt Nam này, họ đều được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các thế hệ con cháu. Và bên nén hương thơm, họ vẫn vẳng nghe: “Ơi em gái chưa một lần rõ mặt/ Có lẽ nào anh lại mê em/ Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim/ Tên em đã thành tên chung anh gọi/ Em là cô thanh niên xung phong”.
Phạm Tiến Duật là một nhà thơ lớn viết rất nhiều về cuộc sống gian khổ, nhưng rất đẹp và đầy ắp yêu thương về cuộc kháng chiến chống Mĩ. “Gửi em cô thanh niên xung phong” là một trong những bài thơ đã đưa ông lên vị trí hàng đầu của nền thơ ca Việt Nam thời chống Mĩ. Với giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt IV năm 2012, thân thế và sự nghiệp của ông sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Gửi Em Cô Thanh Niên Xung Phong Hay Đặc Sắc
Gửi em cô thanh niên xung phong có thể chưa phải là một bài thơ tình như bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” nhưng lại là một bài thơ rất nặng tình đồng đội khác giới. Tình đồng đội nói chung vốn đã rất thiêng liêng, tình đồng đội khác giới còn có thêm chút xao xuyến, bâng khuâng rất khó gọi tên cho chính xác. Là tình đồng chí hoàn toàn vô tư ư? Không hẳn thế. Là tình yêu ư? Cũng chưa chắc!
Câu thơ mở đầu “Có lẽ nào anh lại mê em” đã gọi ra đúng cái tâm trạng của người con trai. Câu này được lặp lại ở khổ cuối giống như một lời tự vấn da diết: “Đây có phải là một tình yêu đích thực hay không?”.
Lấp hố bom vào ban đêm mà “Áo em hình như trắng nhất” thì có một cái gì đó không bình thường. Nếu diện thì thật vô lí, bởi trong bóng đêm, công việc hối hả, ai có thời gian để ngắm áo trắng? Và cái áo màu trắng hay áo màu rêu thì cũng chẳng liên quan gì đến nhan sắc của cô gái cả.
Đẹp thì nâu sồng cũng đẹp. Xấu thì lụa là vẫn xấu. Nhưng ở đây, cái áo trắng này có ít nhất hai nghĩa. Thứ nhất, nó thể hiện tính cách của cô gái, lúc nào cũng phải mặc cái áo đẹp nhất, bởi biết đâu nhờ cái áo mà có chàng trai nào đó mặc quân phục màu rêu (dĩ nhiên) để ý mình. Thứ hai, mặc cái áo đẹp nhất để luôn chuẩn bị cho một tư thế hi sinh đàng hoàng nhất.
Quả nhiên, tính cách của cô gái đã gây sự chú ý cho người con trai. Nhờ cái áo trắng mà người con trai biết đây là một cô gái có cá tính. Nhờ cái “lừa anh” Thạch Kim – Thạch Nhọn mà có cái xao xuyến bồi hồi “Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón”.
Trong bóng đêm, không nhìn rõ mặt nhau, cũng không thể nói bằng ánh mắt thì tiếng nói gần như là phương tiện duy nhất để cô gái bộc lộ cá tính của mình:
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Trong bài thơ “Lửa đèn”, tác giả nói rõ hơn cái ý này:
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải nhờ giọng nói
Nói để cho bạn “cười giòn” được đâu có dễ? Phải là người có học vấn, có duyên mới làm được việc đó. Người con trai hình như cũng bật cười “Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để”, nhưng ngay sau đó lại:
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru
Tại sao lại “lặng người như trôi trong tiếng ru”? Có thể đây là nỗi xót xa. Thương một người con gái giỏi giang như vậy mà có thể bị bom đạn cướp đi bất cứ lúc nào. Thương một người lẽ ra có thể sẽ là một người mẹ tuyệt vời…
Cơ hội duy nhất để người con trai và những cô gái có thể nhìn rõ mặt nhau trong khoảnh khắc là:
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Nên nhớ ánh sáng đèn dù có thể khiến ta nhìn rõ mọi vật như ban ngày, thế cho nên ai cũng “tranh thủ” để “vội nhìn” và “tò mò nhìn”. Có lẽ sau cái tia chớp những ánh mắt chợt bắp gặp nhau, tình cảm dường như vỡ oà, nhưng là thứ vỡ oà câm lặng, người con trai ngẩn ngơ:
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?
Và người con trai đã:
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
…
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn, Thạch Kim
…
Ở đâu em tinh nghịch của anh?
Người con trai đã cất công lặn lội đến tận “đại bản doanh” của “cô gái áo trắng”, nhưng tiếc rằng không gặp, chỉ được nghe đồng đội của cô gái kể về cô gái ấy:
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Trong lời kể trên có nhiều sự việc khá lạ lùng. Thứ nhất, đó là lòng dũng cảm và những chiến công của cô gái với “Ngày em phá nhiều bom nổ chậm”. Nên nhớ bom nổ chậm tức là bom có thể phát nổ bất kì lúc nào, cho nên người phá bom nổ chậm coi như cầm chắc cái chết. Có thể chết ngay từ quả đầu tiên và cũng có thể phá tới 100 quả trót lọt, để rồi sẽ tan xác pháo ở quả thứ 101.
Cũng như người lính bộ binh, trận nào cũng là trận đầu tiên với tất cả những âu lo, hồi hộp về cái chết. Và người lính lái xe Trường Sơn cũng vậy. Bước lên ca-bin lần đầu cũng có thể là lần cuối… Như vậy, “Ngày em phá nhiều bom nổ chậm” là một ngày cực kì căng thẳng, nhiều lần cận kề cái chết nhưng em vẫn tỉnh táo và dũng cảm để hoàn thành một nhiệm vụ cân não dường như quá sức chịu đựng của con người bình thường.
Thứ hai, sau những lần phá bom nổ chậm ngàn cân treo sợi tóc, ban ngày thì “Em không rửa ngủ ngày chân lấm”, còn ban đêm thì “nằm mơ nói mớ vang nhà” – cái cách “ngủ ngày chân lấm” và “nói mớ vang nhà” xem ra có vẻ rất “vô duyên”; nhưng nó lại nói rất đúng cái sự thật trần trụi của hoàn cảnh chiến tranh và đặc tả một khía cạnh khác của sự hi sinh: các cô gái không có cả cái cơ hội được làm duyên như một người con gái bình thường.
Chính qua những lời kể của đồng đội cô gái mà người con trai càng thương xót cô gái hơn:
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy…
Tác giả điệp cụm từ “thương em” tới ba lần hẳn là có dụng ý? Phải chăng, đây vừa là sự đồng cảm của những người lính cùng chiến hào, vừa là một khát vọng được gắn bó, chia sẻ? Có thể đó là những cảm xúc đầu tiên, những ấn tượng đầu tiên của một tình yêu?
Từ sự cảm mến cá tính của cô gái, người con trai đã bày tỏ sự cảm phục và ghi nhận công lao to lớn của những cô gái thanh niên xung phong:
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới ta xây
Đã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại
Và người con trai cũng không giấu giếm một nỗi buồn man mác bâng khuâng:
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất
Dự cảm “sẽ ra về bao nhiêu cô gái” đã có câu trả lời buồn trong trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” sau này. Và dự cảm “Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ” cũng có câu trả lời trong thực tế cuộc sống hôm nay.
Thi sĩ có tài thường có một mẫn cảm tuyệt vời khi dự báo về tương lai. Tất cả những gì Phạm Tiến Duật viết trong bài thơ này sẽ vẫn còn tươi ròng sự sống đối với những ai luôn nặng lòng với quá khứ hào hùng và bi tráng của dân tộc, và sẽ là xa lạ đối với những kẻ dửng dưng vô cảm với mọi nỗi buồn vui của một thời máu lửa đã lùi xa hơn 50 năm (so với thời điểm bài thơ ra đời).
Thời ấy mới có cái tình cảm xao xuyến như tình yêu, nhưng lại chưa hẳn là tình yêu:
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Thời ấy mới có sự tôn vinh chân thành, vô tư, trong sáng của người con trai dành cho người con gái:
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong
Bởi vì họ là đồng đội của nhau. Và cũng bởi vì trời phú cho những kẻ khác giới những trái tim luôn thổn thức vì nhau, cho dù đó là những trái tim mặc thường phục hay quân phục… Dù chưa phải thơ tình, nhưng bài thơ này vẫn ngợi ca tình yêu. Một tình yêu cao thượng và thánh thiện. Một tình yêu dang dở trong khói lửa chiến tranh…
Gửi tặng tập thơ 🍃Vầng Trăng Quầng Lửa 🍃Hay đặc sắc