Kì Diệu Rừng Xanh Lớp 5: Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Giáo Án

Nội Dung Tập Đọc Kì Diệu Rừng Xanh Lớp 5, Đọc Hiểu, Soạn Bài, Cảm Thụ. Chia Sẻ Ý Nghĩa Tác Phẩm, Cách Soạn Bài Và Giáo Án Cụ Thể.

Giới Thiệu Bài Tập Đọc Kì Diệu Rừng Xanh

Bài tập đọc Kì diệu rừng xanh được in trong SGK Tiếng việt lớp 5 tập 1 trang 75-76 với nội dung chính như sau:

Tác phẩm này miêu tả vẻ đẹp kỳ diệu và bí ẩn của rừng xanh, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và sự ngưỡng mộ của tác giả đối với vẻ đẹp của rừng.

Nội Dung Chính: Bài văn kể về một chuyến đi vào rừng, nơi tác giả khám phá và cảm nhận vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên:

  • Những Cây Nấm Rừng: Tác giả liên tưởng những cây nấm rừng như một thành phố nấm, mỗi chiếc nấm như một lâu đài kiến trúc tân kỳ, tạo nên một cảnh tượng lãng mạn và thần bí
  • Muông Thú Trong Rừng: Những con vượn bạc má, chồn sóc, và mang vàng được miêu tả sống động, làm cho cảnh rừng trở nên sống động và đầy bất ngờ
  • Rừng Khộp: Được gọi là “giang sơn vàng rợi” vì sự phối hợp của nhiều sắc vàng rực rỡ trong không gian rộng lớn, từ lá vàng trên cây đến thảm lá dưới gốc và ánh nắng vàng

Ý Nghĩa

  • Vẻ Đẹp Thiên Nhiên: Bài văn giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp kỳ thú và bí ẩn của rừng xanh.
  • Tình Yêu Thiên Nhiên: Tác phẩm thể hiện tình cảm yêu mến và ngưỡng mộ của tác giả đối với vẻ đẹp của rừng, khơi gợi lòng yêu thiên nhiên trong mỗi người

Giá Trị Nghệ Thuật

  • Ngôn Ngữ Miêu Tả Tinh Tế: Tác giả sử dụng ngôn ngữ miêu tả tinh tế để khắc họa vẻ đẹp của rừng xanh, từ những chi tiết nhỏ như cây nấm đến cảnh tượng rộng lớn của rừng khộp
  • Hình Ảnh Sinh Động: Các hình ảnh trong bài văn được miêu tả sinh động, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc và cảm xúc

Nội Dung Tập Đọc Kì Diệu Rừng Xanh Lớp 5

Thiên nhiên quanh ta không chỉ đẹp mà còn vô cùng bao la và rộng lớn. Điều đó đã được miêu tả rõ nét trong bài Tập đọc Kì diệu rừng xanh Tiếng Việt lớp 5, sau đây là nội dung của bài đọc.

Kì diệu rừng xanh
Tác giả: Nguyễn Phan Hách

Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố lúp xúp dưới bóng cây thưa. Những chiếc ấm to bằng cái ấm tích, màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác mình là một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.            

Nắng trưa đã rọi xuống đỉnh đầu mà rừng sâu vẫn ẩm lạnh, ánh nắng lọt qua lá trong xanh. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.           

Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu. Tôi dụi mắt. Những sắc vàng động đậy. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng đang giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.          

Tôi có cảm giác mình lạc vào một thế giới thần bí. 

Tìm hiểu chi tiết bài 🍀Tiếng Đàn Ba-La-Lai-Ca Trên Sông Đà 🍀 Nội Dung Bài Thơ, Soạn Bài

Bố Cục Bài Kì Diệu Rừng Xanh

Bố cục bài Kì diệu rừng xanh được chia thành 3 phần như sau:

  • Đoạn 1: Từ đầu đến “lúp xúp dưới chân”: Vương quốc nấm trong rừng
  • Đoạn 2: Từ “Nắng trưa” đến” “đưa mắt nhìn theo”: khung cảnh nắng trưa
  • Đoạn 3: Phần còn lại: khung cảnh rừng khộp

Đọc thêm 👉Bài Thơ Con Là [Y Phương] 👈 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Hướng Dẫn Tập Đọc Kì Diệu Rừng Xanh

Thohay.vn hướng dẫn các em học sinh tập đọc bài Kì diệu rừng xanh:

  • Đọc toàn bài với giọng nhẹ nhàng, thể hiện cảm xúc ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của rừng.
  • Nhấn giọng những từ ngữ gợi tả.

Chú thích:

  • Lúp xúp: ở liền nhau, thấp và sàn sàn như nhau.
  • Ấm tích: ấm to bằng sứ dùng để đựng nước uống.
  • Tân kì: mới lạ.
  • Vượn bạc má: một loài vượn có chòm long trắng như bông ở hai má.
  • Khộp: cây thân gỗ thẳng, họ dầu, lá to và rụng sớm vào mùa khô.
  • Con mang (con hoẵng): loài thú rừng cùng họ với hươu, sừng bé có hai nhánh, lông màu vàng đỏ.

Ý Nghĩa Bài Kì Diệu Rừng Xanh

Ý nghĩa bài Kì diệu rừng xanh mà bạn đọc nên lưu lại:

Bài đọc đã tái hiện lại thành công vẻ đẹp bí ẩn của rừng thẳm qua mỗi bước chân của tác giả. Chính những vẻ đẹp ấy đã thể hiện phần nào tình yêu thiên nhiên tác giả.

=>Từ đó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tầm quan trọng của rừng, của cây cối. Chúng chính là sự sống còn của nhân loại. Vì vậy phải luôn yêu quý, trân trọng và bảo vệ rừng xanh, bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của nhân loại.

Sưu tầm văn mẫu cảm nhận về 🍀Việt Nam Thân Yêu 🍀Hay nhất

Đọc Hiểu Tác Phẩm Kì Diệu Rừng Xanh

Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Kì diệu rừng xanh thông qua bộ câu hỏi trắc nghiệm dưới đây.

👉Câu 1. Khi loanh quanh trong rừng, tác giả đã bắt gặp điều gì?

A. Một lối đi đầy hoa và ong bướm bay lượn

B. Một ngôi nhà khang trang sạch sẽ

C. Một chiếc cầu xinh xắn bắc ngang một dòng sông thơ mộng

D. Mối lối đi đầy nấm dại

ĐÁP ÁN: D

👉Câu 2. Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì?

A. Tác giả thấy vạt nấm rừng như một thành phố nấm.

B. Tác giả thấy vạt nấm rừng như những chiếc ô nhỏ xinh với màu sắc sặc sỡ.

C. Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì.

D. Bản thân mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon với những đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân.

ĐÁP ÁN: A,C,D

👉Câu 3. Nhờ những liên tưởng ấy mà cảnh vật đẹp thêm như thế nào?

A. Làm cho cảnh vật trong rừng trở nên lãng mạn, thần bí như trong truyện cổ tích.

B. Làm cho những cây nấm gần gũi hơn với con người.

C. Làm cho cảnh vật trong rừng khiến người khác sợ hãi, cẩn trọng hơn khi bước vào.

D. Cả A và C

ĐÁP ÁN: A

👉Câu 4. Những muông thú trong rừng được miêu tả như thế nào? có thể chọn nhiều đáp án

1. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp.

2. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.

3. Mấy chú chim non hót ríu rít sau những bụi cây.

4. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non.

5. Những chú bướm xinh xắn đang bay lượn hết từ khóm hoa này tới khóm hoa khác.

6. Những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó.

ĐÁP ÁN: 1,2,4,6.

👉Câu 5. Sự có mặt của muông thú mang lại vẻ đẹp gì cho cánh rừng?

A. Sự xuất hiện của muông thú làm cho cánh rừng thêm sôi động bởi những âm thanh, tiếng kêu của chúng.

B. Sự xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện của muông thú làm cho cảnh rừng trở nên sống động, đầy những điều bất ngờ và kì thú.

C. Sự xuất hiện của muông thú khiến con người thêm e dè và đề phòng mỗi khi bước chân vào khu rừng.

D. Sự xuất hiện của muông thú khiến con người thấy yên tâm hơn rất nhiều khi bước vào cánh rừng.

ĐÁP ÁN: B

👉Câu 6. Vì sao rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi”?

A. Vì trong rừng toàn một sắc xanh, chỉ có một cái cây lá vàng rợi ở nơi trung tâm.

B. Vì có sự phối hợp của rất nhiều sắc vàng trong một không gian rộng lớn.

C. Vì người dân đặt tên “vàng rợi” theo màu sắc yêu thích của người đã tìm ra khu rừng này.

D. Vì “vàng rợi” là màu sắc đem lại sự may mắn nên người dân đặt tên cho rừng khộp như vậy là mong mọi người luôn gặp may mắn trong cuộc sống

ĐÁP ÁN: B

👉Câu 7. Câu văn sau sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? “Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì”.

A. Điệp ngữ

B. So sánh

C. Nhân hóa

D. Liệt kê

ĐÁP ÁN: B

👉Câu 8. Nhân vật “tôi” thấy mình lạc vào một thế giới như thế nào?

A. thần bí

B. thần thánh

C. thần đồng

D. thần kì

ĐÁP ÁN: A

👉Câu 9. Trong rừng có sự xuất hiện của những sự vật nào?

1. Nấm dại

2. Lâu đài kiến trúc tân kì

3. Đền đài, miếu mạo, cung điện

4. Vượn bạc má.

5. Chồn sóc

6. Cây khộp

7. Những con mang

ĐÁP ÁN: 1,4,5,6,7

👉Câu 10. Tác giả cảm thấy như thế nào khi bước vào khu rừng?

A. Cảm giác gần gũi như đang ở nhà mình.

B. Cảm giác lo sợ, rợm ngợp khi bước vào chốn rừng núi hoang dã.

C. Cảm giác đang lạc vào một thế giới thần bí.

D. Cảm giác tò mò muốn khám phá thiên nhiên.

ĐÁP ÁN: C

👉Câu 11. Ý nghĩa của bài văn Sự kì diệu của rừng xanh?

A. Cảm nhận được vẻ đẹp kì thú của rừng; tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của tác giả đối với vẻ đẹp của rừng.

B. Cảm nhận được sự hoang xơ, kì bí của rừng. Cẩn trọng hơn khi bước chân vào những khu rừng như thế này.

C. Cảm nhận được thiên nhiên kì thú từ đó thêm yêu thiên nhiên hơn.

D. Cảm nhận được những nguy hiểm ẩn nấp trong khu rừng kì bí từ đó mà chú ý tới việc an toàn khi bước chân vào rừng.

Đáp án: A

Soạn Bài Kì Diệu Rừng Xanh Lớp 5

Tham khảo ngay cách soạn bài Kì diệu rừng xanh lớp 5 sau đây nhé!

👉Câu 1 trang 76 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Những cây nám rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì? Nhờ những liên tưởng ấy mà cảnh vật đẹp thêm như thế nào?

Đáp án:

  • Tác giả đã thấy vạt nấm rừng như một thành phố nấm, mỗi chiếc nấm nhỏ một lâu đài kiến trúc tân kì, bản thân mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon với những đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân.
  • Nhờ những liên tưởng ấy mà cảnh đẹp trở nên huyền hoặc, kì ảo như một thế giới cổ tích.

👉Câu 2 trang 76 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Những muông thú trong rừng được miêu tả như thế nào? Sự có mặt của chúng mang lại vẻ đẹp gì cho cảnh rừng?

Đáp án:

  • Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo. Mấy con mang vàng hệt như mùa lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó.
  • Sự xuất hiện của chúng thoắt ẩn, thoắt hiện làm cho cảnh rừng trở nên sinh động, làm cho rừng đầy những bất ngờ và thú vị.

👉Câu 3 (trang 76 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 1): Vì sao rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi”?

Đáp án:

“Vàng rợi”: màu vàng ngời sáng, rực rỡ, đều khắp, rất đẹp mắt.

=>Rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi” vì có sự hòa quyện của rất nhiều sắc vàng trong một không gian rộng lớn. Lá úa vàng như cảnh mùa thu. Những sắc vàng động đậy; mấy con mang vàng, chân vàng giẫm lên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó…

👉Câu 4 (trang 76 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 1): Hãy nói cảm nghĩ của em khi đọc bài văn trên.

Đáp án:

  • Vẻ đẹp của rừng qua cái nhìn của tác giả thật kì diệu.
  • Bài văn hay và đẹp khiến em yêu mến hơn những cánh rừng và mong muốn mọi người chung sức bảo vệ thiên nhiên.
  • Khu rừng mà tác giả miêu tả đẹp như một khu vườn cổ tích, em ao ước một lần mình được lạc vào thế giới diệu kì ấy.
  • Qua góc nhìn của tác giả, rừng xanh hiện lên với một không gian rực rỡ sắc màu của cây cối, của những loài động vật. Bài đọc khiến em thêm yêu mến thiên nhiên và mong muốn một lần được đi vào khu rừng cổ tích ấy.
  • Các em có thể trả lời theo ý hiểu của mình.

Nhất định không nên bỏ lỡ bài🌱 Thư Gửi Các Học Sinh 🌱 Tìm hiểu chi tiết

Giáo Án Kì Diệu Rừng Xanh Lớp 5

Các thầy cô nếu cần tham khảo mẫu giáo án Kì diệu rừng xanh lớp 5 thì hãy xem ngay phần chia sẻ Của Thohay.vn dưới đây.

I. Mục tiêu

1. Đọc thành tiếng

  • Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương. Đọc trôi chảy toàn bài, đọc ngắt nghỉ hơi đúng theo các dấu câu và giữa các cụm từ.
  • Biết đọc diễn cảm bài với giọng tả nhẹ nhàng, biết nhấn giọng vào những từ ngữ miêu tả vẻ đẹp rất lạ, những tình tiết bất ngờ, thú vị của cảnh vật trong rừng, sự ngưỡng mộ của tác giả với vẻ đẹp của rừng.

2. Đọc hiểu

  • Hiểu các từ ngữ trong bài.
  • Hiểu được nội dung bài văn: Cảm nhận được vẻ đẹp kì diệu của rừng; tình cảm yêu mến và sự ngưỡng mộ của tác giả đối trước vẻ đẹp của rừng.

II. Đồ dùng dạy – học

– Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to). Sưu tầm thêm những tranh ảnh nói về cảnh đẹp của rừng, những động thực vật có nói đến trong bài (nếu có).

III. Các hoạt động dạy – học

Hoạt động dạyHoạt động học
A. Kiểm tra bài cũ
– Gọi hai HS lên bảng đọc thuộc lòng bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà sau đó trả lời câu hỏi về nội dung.
– Nhận xét và cho điểm HS.
– HS thực hiện theo yêu cầu của GV.
B. Dạy bài mới
1. Giới thiệu bài
– GV đưa ra các tranh ảnh giới thiệu về rừng và nói: Vẻ đẹp của rừng xanh từ bao đời nay luôn luôn hấp dẫn con người. Để xem rừng đẹp và hấp dẫn như thế nào chúng ta cùng học bài tập đọc Kì diệu rừng xanh của nhà văn Nguyễn Phan Hách.– HS quan sát và lắng nghe.
– GV ghi tên bài lên bảng.– HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở
2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài
a) Luyện đọc đúng
– GV yêu cầu một HS đọc toàn bài.– Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK.
– GV hướng dẫn HS nhận biết các đoạn của bài– HS nhận biết các đoạn của bài:
* Đoạn 1: Từ đầu đến…lúp xúp dưới chân.
* Đoạn 2: Tiếp đến …đưa mắt nhìn theo.
* Đoạn 3: Còn lại.
– GV gọi ba HS tiếp nối nhau đọc từng đoạn của bài, GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có).– Ba HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài.
– GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện phát âm cho HS.– HS luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp
– Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2.– Ba HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.
– GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK.
– GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết.
– Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK.
– HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa.
– Yêu cầu HS luyện đọc theo cặp.– Hai HS ngồi cùng bàn nối tiếp nhau đọc từng đoạn của bài.
– Gọi HS đọc toàn bài.– Ba HS nối tiếp nhau đọc từng đoạn của bài trước lớp.
– GV đọc diễn cảm toàn bài: đọc bài với giọng tả, nhẹ nhàng, cảm hứng ngợi ca ngưỡng mộ vẻ đẹp của rừng; nhấn giọng vào những từ ngữ miêu tả vẻ đẹp rất lạ, những tình tiết bất ngờ thú vị của cảnh vật trong rừng.– HS theo dõi giọng đọc của GV.
b) Tìm hiểu bài
– Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 1 và suy nghĩ trả lời câu hỏi: Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì?– HS đọc thầm và trả lời: Nấm nhiều như một thành phố nấm lúp xúp dưới bóng cây thưa. Nấm như một tòa lâu đài kiến trúc tân kì. Tác giả như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của một vương quốc tí hon với những đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân.
– Những liên tưởng ấy làm cảnh vật trong khu rừng trở nên đẹp như thế nào?– Sự liên tưởng ấy đã làm cho cảnh vật trong khu rừng trở nên đẹp một vẻ đẹp huyền bí, lãng mạn. Cảnh vật khu rừng thật là hấp dẫn, nó như một thế giới xa xưa của những câu chuyện cổ tích và thần thoại với những ông vua, hoàng tử, công chúa …và những phép thần thông biến hóa.
– Tìm những chi tiết mà tác giả miêu tả muông thú trong bài?– HS trả lời: Những muông thú trong rừng dưới nắng trưa được miêu tả bằng màu sắc, dáng vẻ, hoạt động của chúng; mỗi con vật có một nét riêng:
+ Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp.
+ Những con chồn sóc với chùm lông đuôi ta đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
+ Những con mang vàng đang ăn cỏ non, những chiếc chân vàng giấm trên thảm lá vàng…
– Qua các chi tiết miêu tả về muông thú giúp em cảm nhận được điều gì?– Muông thú trong rừng thật nhanh nhẹn, dễ thương, đáng yêu. Sự thoắt ẩn, thoắt hiện của chúng làm nổi bật sức sống, vẻ đẹp hoang dã, sống động, đầy hấp dẫn kì thú của rừng xanh.
– Rừng khộp hiện lên với màu sắc đẹp và hấp dẫn như thế nào?– Rừng khộp hiện lên với màu sắc vàng hòa quyện vào nhau rất đẹp: lá khộp úa vàng, những con mang vàng như màu lá khộp, thảm lá rụng màu vàng, sắc nắng vàng. Toàn khu rừng là một giang sơn vàng rợi. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc càng tôn thêm màu vàng của rừng khộp.
– Em hiểu “giang sơn vàng rợi” nghĩa là như thế nào?– Nghĩa là một không gian bao la rộng lớn toàn là màu vàng ngời sáng, rực rỡ, đều khắp và rất đẹp mắt.
– Hãy nói cảm nghĩ của em khi đọc đoạn văn trên.– HS phát biểu tự do:
+ Vẻ đẹp khu rừng thật hấp dẫn.
+ Khu rừng đẹp diệu kì.
+ Em rất thích cảnh đẹp của khu rừng.
+ Em muốn được vào rừng ngắm cảnh đẹp thiên nhiên.
c) Luyện đọc diễn cảm
– Gọi ba HS đọc nối tiếp từng đoạn của bài. Yêu cầu cả lớp theo dõi, bạn đọc.– Ba HS đọc nối tiếp diễn cảm ba đoạn của bài. Cả lớp theo dõi bạn đọc.
– GV hướng dẫn HS nhận xét để xác lập kĩ thuật giọng đọc diễn cảm của bài.– HS nhận xét, tìm ra giọng đọc của bài. Cụ thể:
*Đoạn1: đọc giọng tả thể hiện sự ngỡ ngàng, háo hức; nhấn giọng vào những từ ngữ miêu tả, liên tưởng vẻ đẹp của nấm.
* Đoạn 2: đọc nhanh hơn; nhấn giọng vào những từ ngữ gợi tả sự thoắt hiện, thoắt biến của mông thú.
* Đoạn 3: đọc với giọng ngỡ ngàng, ngạc nhiên, ngưỡng mộ nhấn giọng vào những từ ngữ gợi tả màu sắc và tâm trạng của tác giả.
– GV hướng dẫn HS luyện đọc diễn cảm đoạn văn (GV có thể chọn đoạn khác):– HS luyện đọc theo yêu cầu của GV.
Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố nấm lúp xúp /dưới bóng cây thưa. Những chiếc nấm to bằng cái ấm tích / màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm / là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác / mình là một người khổng lồ / đi lạc vào kinh đô của một vương quốc tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ / lúp xúp dưới chân.
– Yêu cầu HS luyện đọc diễn cảm toàn bài theo nhóm.– HS luyện đọc diễn cảm theo nhóm đôi.
– Gọi đại diện một số nhóm thi đọc diễn cảm, từng đoạn, toàn bài.– Bốn đến năm HS thi đọc diễn cảm từng đoạn, toàn bài.
– GV nhận xét cho điểm từng HS.
3. Củng cố, dặn dò
– Nội dung bài tập đọc Kì diệu rừng xanh nói lên điều gì?– Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của rừng xanh với một tình cảm yêu mến và đầy ngưỡng mộ.
– GV nhận xét giờ học, dặn HS về nhà tiếp tục luyện đọc bài tập đọc và đọc trước bài tập đọc tiếp theo.– HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.

Giới thiệu tác phẩm 🌼 Con Muốn Làm Một Cái Cây 🌼 Nội Dung, Giá Trị, Phân Tích

2 Mẫu Cảm Thụ Kì Diệu Rừng Xanh Hay Nhất

Gửi tặng bạn đọc các mẫu cảm thụ Kì diệu rừng xanh hay nhất không nên bỏ lỡ.

Mẫu Cảm Thụ Kì Diệu Rừng Xanh Hay – Mẫu 1

“Kì diệu rừng xanh” là một bài văn tả cảnh đặc sắc. Cây rừng, thú rừng được Nguyễn Phan Hách quan sát và ngắm nhìn, cảm nhận với tất cả, tình yêu rừng, yêu thiên nhiên tha thiết.

Trước hết, tác giả nói về nấm dại trong rừng xanh. Nấm dại “lúp xúp”, có cây nấm to bằng cái ấm tích “màu sặc sỡ rực lên”. Bước vào khu rừng nấm, tác giả cảm thấy bước vào “một thành phố nấm” mà mỗi chiếc nấm là “một lâu đài kiến trúc tân kì”. Đi giữa khu rừng mọc đầy nấm, các bạn trẻ có cảm giác “mình là một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của một vương quốc tí hon ”, mà “đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân”.
 
“Thành phố nấm ”, “lâu đài kiến trúc tân kì”, “kinh đô cua một vương quốc tí hon”, “đền đài miếu mạo” là những so sánh khá ngộ nghĩnh gợi lên một nét đẹp Kì diệu rừng xanh.
 
Nét kì diệu thứ hai của rừng xanh là những con thú rừng “rào rào chuyển động” trong “ánh nắng lọt qua lá trong xanh”. Đó là những con vượn bạc má “ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp”. Đó là những con chồn sóc “với chùm lông đuôi to đẹp vút qua… ”. Đó là mấy con mang vàng đang ăn cỏ non, với những chân vàng giẫm trên thảm “lá vàng”, lưng cũng “rực vàng” trong sắc nắng. Nguyễn Phan Hách đã mở ra một trường liên tưởng về hình ảnh con nai vàng trong bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư bảy mươi năm về trước:

“Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”.
 
Rừng xanh có muôn ngàn thứ cây. Ở đây, các bạn trẻ chỉ chú ý đến bãi cây khộp “lá úa vàng như cảnh mùa thu”. Rừng khộp đã góp phần tô điểm thêm “cái giang sơn vàng rợi”.
 
Đến với rừng xanh, cảm nhận bao vẻ đẹp kì diệu, tác giả “có cảm giác mình lạc vào một thế giới thần bí”. Cái dư vị của thiên nhiên, tình yêu thiên nhiên đã tạo nên cảm giác đó. Bài văn “Kì diệu rừng xanh” đầy chất thơ, biểu lộ một cách viết tài hoa. Quả là trong văn có vẽ.

Mẫu Cảm Thụ Kì Diệu Rừng Xanh Chọn Lọc – Mẫu 2

Những cánh rừng trên khắp đất nước Việt Nam đều xanh tốt đem lại khí sự dịu mát cho đất và người. Nhờ khí hậu ôn đới nóng ẩm thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại rừng, cũng là nơi tốt nhất để cư trú cho vô số loài động vật hoang dã. Mỗi cánh rừng chứa đựng những vẻ đẹp kì bí hoang sơ đến lạ, vẻ đẹp diệu kì mà mẹ thiên nhiên muốn dành cho tất cả chúng ta những ai biết quan sát, yêu và khám phá thiên nhiên.

Trong khu rừng ấy có quá nhiều cảnh đẹp và ấn tượng. Bắt đầu bước vào rừng, ta đi loanh quanh giữa bao la thiên nhiên huyền diệu và tươi mát. Bao trùm là đoạn đường đất ẩm là nấm. Nấm mọc rất tốt. Những cây nấm rừng giống như một thành phố nấm, mỗi chiếc nấm như một lâu đài kiến trúc tân kì. Tác giả cứ ngỡ mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon với những đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân.

Khung cảnh trở nên hết sức huyền bí giống như lạc vào một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn An-đéc-xen vậy. Ngôn từ ở đây nổi bật vì tác giả sử dụng biện pháp so sánh rất tài tình. Vì là rừng hoang dã cho nên những tầng lá to và che phủ toàn mặt đất có cảm giác không rõ về thời gian, nắng rọi qua kẽ lá soi xuống mặt đất những ánh nắng của thời ban trưa.

Tiến sâu vào khu rừng âm thanh bắt đầu được phát lên bất ngờ, không phải là sự im lìm đến huyền bí như chúng ta thoáng nghĩ. Những loài muông thú chuyền cành và di chuyển dưới mặt đất thoắt ẩn thoắt hiện rất sinh động. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.

Những con nai vàng đang ăn cỏ non, giẫm trên thảm lá vàng tuyệt đẹp làm sao. Chỉ cần như vậy cảnh rừng đã hứa hẹn đầy những điều bất ngờ lí thú. Đi tiếp, ta sẽ tìm thấy khu rừng khộp nổi tiếng với vẻ đẹp như rừng mùa thu. Tác giả phát hiện nó với niềm thích thú, trầm trồ. Nhà văn không tin vào mắt mình nữa ông phải lấy tay dụi mắt mới dám tin bởi bao trùm toàn khung cảnh ấy là màu vàng.

Cảnh vật nhuốm màu vàng ấm áp. Khung cảnh ấy bình yên và không hề thiếu sức sống với những điểm nhấn ấn tượng của thảm lá xanh rì hiện lên giữa khung cảnh. Rừng được ví như là “giang sơn vàng rợi”. Tác phẩm ” Kì diệu của rừng xanh” dù chỉ là là một đoạn văn nói về một cánh rừng với những cảnh đẹp nguyên sơ nhưng cũng hết sức đẹp đẽ, thơ mộng của nhà văn Nguyễn Phan Hách.

Phải có óc quan sát tinh tế, sự miêu tả rất gần gũi, tác giả mới khiến độc giả dễ cảm nhận tác phẩm yêu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, huyền bí ấy. Đọc xong tác phẩm khiến em thêm mở mang trí tưởng tượng, yêu mến hơn những cánh rừng. Em mong sao mọi người cùng chung sức bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của rừng để những cánh rừng chúng ta mãi mãi xanh tươi.

Qua góc nhìn của tác giả, rừng xanh hiện lên với một không gian rực rỡ sắc màu của cây cối, của những loài động vật.  Bài đọc khiến em thêm yêu thiên nhiên và mong muốn một lần được lạc vào khu rừng cổ tích ấy.

Tìm hiểu về tác phẩm🌱 Lẵng Quả Thông 🌱 Chi tiết

Viết một bình luận