Lời Mẹ Dặn Của Phùng Quán [Nội Dung Bài Thơ + Cảm Nhận]

Lời Mẹ Dặn [Phùng Quán] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận ✅ Gợi Ý Tìm Hiểu Về Ý Nghĩa Bài Thơ, Hoàn Cảnh Sáng Tác, Những Nét Nghệ Thuật Nổi Bật.

Nội Dung Bài Thơ Lời Mẹ Dặn Của Phùng Quán

Nhắc đến Phùng Quán thì không thể không nhắc đến bài thơ nổi tiếng Lời mẹ dặn. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Thohay.vn tìm hiểu chi tiết về nội dung, ý nghĩa bài thơ này nhé!

Lời mẹ dặn
Tác giả: Phùng Quán

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
– Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
– Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
– Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Đón đọc 🔰Tự Hát [Xuân Quỳnh]🔰Nội Dung, Nghệ Thuật

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Lời Mẹ Dặn

Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Lời mẹ dặn, tác phẩm này được Phùng Quán viết khi ông 25 tuổi (năm 1957), đăng trên báo Văn số 21, ra ngày 27 tháng 9 năm 1959. Ngay sau khi bài thơ ra đời, nó gây xôn xao trong dư luận, được nhiều người thuộc và chép truyền tay nhau.

Ý Nghĩa Bài Thơ Lời Mẹ Dặn

Lời mẹ dặn là một thi phẩm hay mang ý nghĩa vô cùng to lớn của nhà thơ Phùng Quán. Qua vần thơ đậm chất trữ tình tác giả kể lại lời mẹ dặn hãy luôn làm người chân thật, khẳng định bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ của mình.

Tác giả nhắn nhủ con người hãy luôn chân thật với bản thân và mọi người. Lời nhắn nhủ ấy có ý nghĩa sâu sắc với cuộc sống mỗi con người, giúp cho con người được sống là chính mình, sống hạnh phúc, thành thật với mọi người.

Đọc hiểu tác phẩm 🔰Nói Cùng Anh [Xuân Quỳnh] 🔰Gợi Ý Cảm Nhận

Đọc Hiểu Bài Thơ Lời Mẹ Dặn

Gợi ý bạn đọc cách đọc hiểu bài thơ Lời mẹ dặn chi tiết theo bộ câu hỏi sau:

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi cho ở dưới:

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(Lời mẹ dặn – Phùng Quán)

👉 Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?

Đáp án: Thể thơ của đoạn thơ đã cho là: tự do

👉 Câu 2. Những từ ngữ, câu thơ nào của đoạn thơ trên thể hiện cho ta thấy tính cách của nhân vật tôi? Tính cách ấy là thể hiện cho vẻ đẹp gì?

Đáp án:

  • Tính cách của nhân vật tôi được hiện lên qua những từ ngữ, câu thơ: yêu – ghét; không nói yêu thành ghét – không nói ghét thành yêu; muốn làm nhà văn chân thật; Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi – Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
  • Tính cách ấy là thể hiện cho vẻ đẹp của con người: yêu ghét rõ ràng, khao khát làm người sống chân thật; sống hiên ngang, kiên cường, bản lĩnh.

👉 Câu 3. Chỉ ra biện pháp tu từ và nêu tác dụng của nó trong:

“Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.”

Đáp án:

  • Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc câu : “Dù ai – cũng không”.
  • Tác dụng: Làm đoạn thơ trở nên giàu nhịp điệu, giàu tính nhạc; làm hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên sinh động, hấp dẫn. Qua đó làm nổi bật sự kiên định, dứt khoát, sự bản lĩnh của tác giả trước những cám dỗ, cũng như sự cứng rắn, kiên cường trước quyền thế. Bốn câu thơ cũng thể hiện sự dũng cảm của con người chân thật, bộc lộ khao khát mãnh liệt được làm một nhà văn chân thật để dùng ngòi bút của mình đấu tranh với cái ác, cái xấu, cái giả dối lọc lừa để bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý và lẽ phải.

👉 Câu 4. Từ nội dung đoạn thơ trên, anh/chị thấy bản thân mình cần sống và rèn luyện như thế nào để trở thành người chân thật.

Đáp án:

– Nội dung của đoạn thơ: Dù biết làm “nhà văn chân thật” là vô cùng khó khăn. Nhưng với bản lĩnh, sự kiên cường, dũng cảm của bản thân, tác giả đã bộc lộ quyết tâm bảo vệ nghề cầm bút, quyết tâm làm một nhà văn chân thật.

–   Qua nội dung trên, em thấy bản thân mình cần phải:

  • Sống ngay thẳng, thật thà, không dối dá, tôn trọng sự thật.
  • Luôn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, không chùn bước, không sợ hãi trước cái xấu, cái ác; không để vật chất và lời ngon ngọt cám dỗ.
  • Luôn luôn nói đúng sự thật, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
  • Sống lành mạnh, cảm xúc trong sáng, sống bản lĩnh, dũng cảm.

Hướng dẫn phân tích tác phẩm 🔰Người Đàn Bà Ngồi Đan🔰 Nội Dung, Ý Nghĩa

Nghệ Thuật Bài Thơ Lời Mẹ Dặn

Điểm qua các nét nghệ thuật nổi bật trong bài thơ Lời mẹ dặn.

  • Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, nhịp điệu thơ đa dạng. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
  • Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm kết hợp tự sự.
  • Các biện pháp nghệ thuật làm cho bài thơ trở nên sinh động, gợi cảm, nhấn mạnh và làm rõ quan niệm sống làm người chân thật.
    • Liệt kê, điệp từ: vui, yêu, ghét
    • Đối lập: cười – khóc; yêu – ghét; ngon ngọt nuông chiều – cầm dao dọa giết.
    • Điệp cấu trúc: Dù… cũng không…

Những Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lời Mẹ Dặn Hay Nhất

Sưu tầm những mẫu văn cảm nhận, phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của tác giả Phùng Quán hay nhất.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lời Mẹ Dặn Hay

Bài thơ “Chống tham ô lãng phí” trong Giai phẩm mùa Thu tập II (9-1956) của Phùng Quán được những nguời cực đoan thời đó đánh giá là một bài thơ “nói xấu chế độ”. Sau nhiều lần học tập, viết bản tự kiểm điểm, bị “đấu tố”, Phùng Quán có nguy cơ bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn, bị đưa ra khỏi biên chế Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Đối với người miền Nam xa quê hương, thân cô thế cô giữa phố phường Hà Nội như Phùng Quán, nguy cơ bị kỷ luật như thế là rất đáng sợ. Bị coi là “phản động”, ai cũng tìm cách xa lánh, lại bị tách khỏi môi trường lính quen thuộc, xa đồng chí, bạn bè, dễ làm người trẻ tuổi trở nên hoang mang tuyệt vọng, dẫn đến bệnh tâm thần hoặc tìm đến cái chết.

Nhưng Phùng Quán thì không! Anh vẫn sống và sáng tác hay hơn, quyết liệt hơn. Sau khi các báo Nhân văn, Giai phẩm bị đình bản, năm 1957 nhà nước cho phép Hội Văn nghệ xuất bản tuần báo Văn do nhà văn Nguyễn Công Hoan làm chủ bút với mục đích chấn chỉnh lại tình hình văn nghệ. Phùng Quán đã xuất hiện trên báo Văn số 21, ra ngày 27-9-1957 với bài thơ “Lời mẹ dặn” gây xôn xao dư luận.

Lập tức bài thơ được nhiều người chép, thuộc như là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn cầm bút của trí thức văn nghệ sĩ.

“Lời mẹ dặn” là bài thơ tự sự rất dễ hiểu, dễ thuộc, không có gì mới lạ về cấu trúc, ngôn ngữ thơ, nhưng lại chứa đựng một tư tưởng nhân văn cực kỳ lớn lao, thể hiện bản lĩnh cao cường của tác giả trước cuộc đời. Vì thế nó đã trở thành một kiệt tác thơ Việt thế kỷ XX.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ kể chuyện tỉ tê rất văn xuôi như không có gì đáng chú ý: “Tôi mồ côi cha năm hai tuổi/ Mẹ tôi thương tôi không lấy chồng…/ Ngày ấy tôi mới lên năm/ Có lần tôi nói dối mẹ/ Hôm sau tưởng phải ăn đòn / Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn/ Ôm tôi hôn lên mái tóc…”.

” Con ơi… trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật ”

Đến đây thì tư tưởng bài thơ bắt đầu xuất hiện. “Mẹ ơi chân thật là gì?” – Đúng là câu hỏi rất ngây thơ của một đứa trẻ lên năm, nhưng lại là một câu hỏi lớn, rất khó trả lời đối với không ít người lớn giữa trường đời. “Chân thật”, bản tính hồn nhiên của con người đang bị méo mó, mai một, biến dạng dần đi do mọi người phải tìm cách bon chen, nịnh hót, nói dối để tồn tại hoặc để được vinh thân. Thậm chí có người đã không chân thật rồi, lại còn ghét những người chân thật.

Tục ngữ ta có câu “Nói thật mất lòng”. Đó là thực tế vô cùng trớ trêu của con người. Nhớ lời mẹ dặn, từ nhỏ, người lớn hỏi Phùng Quán: “Bé ơi, bé yêu ai nhất?/ Bé yêu những người chân thật.” Từ chỗ phải làm người chân thật đến thái độ “yêu những người chân thật” là đi từ mình đến xã hội.

” Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc ”

Câu giải thích bước đầu của người mẹ cho con vô cũng dễ hiểu. Thấy vui muốn cười là cười – thấy buồn muốn khóc là khóc. Vì con người từ khi lọt lòng mẹ là thế, đó là bản tính tự nhiên không thể khác được. Nhưng chân lý giản đơn ấy làm nhiều người ngạc nhiên tán thưởng, bởi vì đã từ lâu con người luôn sống ngược lại với ý nghĩ của mình, không dám nói thật ý nghĩ của mình. Có khi vui mà dối lòng không cười được. Khi buồn lại nén lòng mà cười để vui lòng người khác. Sống dối lòng như thế con người dần dà bị biến thành một kẻ dối trá!

” Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét ”

Nhắc đến nhà thơ Phùng Quán là người ta nhớ ngay đến “Yêu ai cứ bảo là yêu – Ghét ai cứ bảo là ghét…”. Yêu ghét rạch ròi là thái độ sống của người quân tử, của kẻ sĩ ở đời. Thái độ dứt khoát thể hiện ở động từ “cứ bảo”. Cứ bảo là nói ngay, nói không cần đắn đo, suy tính.

Nhưng sự đời không phải bao giờ cũng “Yêu ai cứ bảo là yêu – Ghét ai cứ bảo là ghét” được, mà có rất nhiều sức ép buộc con người phải nói khác ý mình đi, dối trá, biến mình thành tôi tớ , “nói theo nói leo” làm lợi cho những người có thế lực. Vấn đề là anh có đủ dũng khí để yêu là nói yêu, ghét là nói ghét hay không! Đoạn thơ sau đây là một cung bậc cao hơn, có thể gọi là thái độ bất khuất, không chịu luồn cúi của tác giả trước những thế lực cường quyền:

” Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu ”

Đây là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ, đã thành chân lý vĩnh hằng trong lòng người yêu thơ Việt Nam từ 50 năm qua, đọc lên nghe như kinh nguyện. Nói yêu thành ghét – nói ghét thành yêu chính là bản chất của những kẻ cơ hội, tâm địa xấu xa, hèn yếu. Chỉ cần kẻ xấu “ngon ngọt nuông chiều”, hứa hẹn tiền tài địa vị hoặc “cầm dao dọa giết” là ngoan ngoan nói và làm theo chúng.

Lịch sử Việt Nam đã có nhiều danh liệt nêu tấm gương trung nghĩa, không khuất phục trước cường quyền như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản, Cao Bá Quát, Lê Lợi, Trương Định, Vua Hàm Nghi, v.v

Chỉ mấy câu thơ của Lý Thường Kiệt trước quân nhà Tống phương Bắc cách đây gần 1000 năm thôi, cũng đủ nói lên ý chí chí đó của người quân tử nước Nam: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Ngược lại, nhiều việc nói theo người cầm quyền, làm theo ý đồ ngoại bang đã gây ra những thảm hoạ đau thương cho nhân dân, đất nước.

Từ chỗ sợ sệt, người ta trở nên hèn nhát. Một thời xứ ta sinh ra không ít “trí thức hèn”, “nhà văn hèn”. Những “Đại nhân hèn” ấy không dám mở miệng nói chính kiến của mình, dù biết cấp trên sai, vẫn ngoan ngoãn vâng lời, đã đào tạo ra nhiều thế hệ “người hèn”, “gọi: dạ, bảo: vâng”, không có tính độc lập suy nghĩ.

” Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
……
Đi trọn đời trên con đường chân thật ”

Đoạn thơ này chứng tỏ Phùng Quán nhận thức rất rõ một điều: Vì làm nhà văn chân thật là rất khó, nên đã có không ít nhà văn không đi trọn đời trên con đường chân thật. Trước sức ép của cường quyền, nhiều nhà văn đã cam tâm “bẻ cong ngòi bút”, phục vụ cho những mục đích xấu xa. Ca ngợi cái xấu, đả kích cái tốt. Tập thơ Chân dung của Xuân Sách vẽ rất rõ chân dung méo mó, khốn khổ của hàng trăm nhà văn Việt Nam một thời, vì lý do này lý do khác, đã không đi trọn đời trên con đường chân thật!

Còn Phùng Quán thì tuyên chiến với thói nịnh bợ, giả dối:

Tôi muốn làm nhà thơ chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Phùng Quán viết rằng yêu ai, ghét ai phải nói cho thật lòng, sống cho thật lòng.

Mỗi bài thơ đều có số phận của nó. “Lời mẹ dặn” là một tuyệt tác thơ của dân tộc, dù bị chửi bới, vùi dập, nó vẫn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng người yêu thơ. Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai cầm dao doạ giết… Cũng không nói ghét thành yêu…

Lời mẹ dặn của nhà thơ Phùng Quán mang một ý nghĩa đặc sắc được bạn đọc yêu thích và tìm kiếm. Bài thơ được xem là một thi phẩm mang giá trị to lớn và vẹn nguyên đến ngày hôm nay. Qua bài thơ chúng ta cảm nhận được lòng kiên quyết cùng khí phách của nhà thơ Phùng Quán.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lời Mẹ Dặn Chọn Lọc

Bài thơ mang tính tự sự, như một lời kể chân thành, mộc mạc. Nhân vật “Tôi” trong bài thơ không ai khác chính là tác giả, nhà thơ Phùng Quán. Ông sinh ra ở Huế, mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ:

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
……
Phải làm một người chân thật.

Biểu hiện ở người chân thật, trước hết là sự hồn nhiên, cảm tính, thậm chí còn mang tính chất bản năng: “Thấy vui muốn cười cứ cười/Thấy buồn muốn khóc là khóc”- cũng tựa như người ta khi đói thì ăn, khi khát thì uống vậy!

Không dừng ở chân thật trong buồn, vui, mang nặng cảm tính, hồn nhiên. Những dòng thơ tiếp theo, yêu cầu để “làm người chân thật” được đẩy lên cao hơn một bước. Đó là chân thật trong suy nghĩ: “Yêu ai cứ bảo rằng yêu/Ghét ai cứ bảo rằng ghét”. Hai câu thơ có cấu trúc giống nhau, được rút gọn, làm cho câu thơ chắc, khỏe. Từ “cứ” được lặp lại, như một sự khẳng định thật dứt khoát!

Nhưng ở đời, con người ta muốn sống đúng là mình đâu có đơn giản? Buồn, vui thì còn hồn nhiên biểu lộ ra được, không ai ngăn cấm vì đó chỉ là tâm trạng của riêng mình, không liên quan đến người khác. Nhưng khi nói đến yêu, ghét thì lại khác, nó luôn gắn với một đối tượng cụ thể nào đó. Và lòng trung thực ở đây lại được đẩy lên cấp độ cao hơn nữa: đặt trước một thách thức lớn!

Từ “ai”- đối tượng mang tính phiếm chỉ, nhưng với đầy quyền năng ở hai thái cực trái ngược: “ngon ngọt nuông chiều” và “cầm dao dọa giết”! Ở đây, lòng trung thực bị đẩy đến một thách thức lớn, rất khó vượt qua. Câu thơ có sự hiệp vần cùng thanh trắc đứng cạnh nhau “cầm dao dọa giết”, đọc lên nghe “lạnh tóc gáy”!

Đoạn thơ nói về “lời mẹ” là tâm điểm của bài thơ. Với 9 dòng, từ ngữ mộc mạc, dễ hiểu (hạn chế đến mức thấp nhất những từ Hán Việt). Cũng không hề có biện pháp tu từ, không hình ảnh. Câu thơ là lời nói trực tiếp, viết theo lối khẩu ngữ, trong sáng và giản dị. Tất cả, tạo ấn tượng: như lời mẹ dạy- cụ thể, rành mạch, rõ ràng.

Để chuyển tải nội dung giản dị, chân thật, có lẽ không có hình thức chân thành, giản dị nào hơn thế! Lấy giản dị, tự nhiên làm đẹp, bài thơ đạt đến độ tinh luyện, khó tìm thấy một dấu vết nào của sự dụng công?

Diễn tả lòng trung thực ở con người, nhưng ý thơ phát triển qua ba cấp độ, làm cho ý thơ không lặp, tạo nên sự vận động của tứ thơ. Không dừng lại ở đó. Từ trung thực trong cuộc sống, Phùng Quán liên hệ đến sự trung thực ở một nhà văn, tạo nên sự thay đổi bất ngờ mà vẫn hợp lý trong sự phát triển của tứ thơ. Từ đó, tác giả có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về nghệ thuật (mà đây mới là cảm hứng chủ đạo của nhà thơ) một cách tự nhiên:

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
……
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Mới đọc qua đoạn thơ trên, người đọc cảm nhận ở đây có gì lộn xộn, bề bộn, đan xen. Phải chăng, ở đây có sự đan xen giữa thay đổi và bất biến, qua thời gian? Cái thay đổi từ “cậu bé năm tuổi” thì nay đã “hai mươi nhăm tuổi”, giữa “đứa trẻ mồ côi” nay đã “thành nhà văn”. Nhưng lời mẹ dặn thì vẫn bất di bất dịch và thiêng liêng, “nguyên vẹn màu son chói đỏ”.

Câu thơ diễn tả “lời mẹ dặn xưa” được tái hiện nguyên vẹn “ở thì hiện tại”, với một bối cảnh nguy hiểm mà tác giả ý thức rất rõ: nhà văn “như làm xiếc trên dây”, bởi những “sét nổ trên đầu” đe dọa, cùng “đường mật công danh” quyến rũ. Đó phải chăng là bút pháp “đồng hiện” gây hiệu quả ấn tượng?

Bài thơ kết thúc với câu thơ thật lẫm liệt khí phách, đầy thách thức và như một lời tuyên chiến: “Bút giấy tôi ai cướp giật đi/Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”. Trước bài thơ này, trong bài “Chống tham ô lãng phí”, ông có những vần thơ thật quyết liệt: “Bọn tham ô lãng phí quan liêu/ Đảng đã phê bình trên báo/ Còn bao nhiêu tên chưa ai biết ai hay/ Lớn bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy…/ Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!”

Và Phùng Quán nguyện biến thơ mình thành “viên đạn”! Cho đến tận cuối đời, Phùng Quán vẫn một lòng tâm nguyện làm theo “lời mẹ dặn”. Ông giãi bày trong bài thơ “Trăng hoàng cung”, viết khi ông đã về sống ở Huế: “Là nhà văn/ Tôi yêu tha thiết/ Sự ngay thẳng tột cùng/ Ngay thẳng thủy chung/ Của mỗi dòng chữ viết”. Có thể nói, sống chân thật, viết chân thật đã trở thành triết lý sống và viết nhất quán, bất di bất dịch trong thơ Phùng Quán!

Bài thơ “Lời mẹ dặn” thật đa tầng ý nghĩa: là triết lý nhân sinh cao đẹp (sống trung thực với chính mình, với mọi người). Đó cũng là đạo đức, nhân cách sống (không xu nịnh để vụ lợi, dám đấu tranh, không sợ hãi). Và, đó cũng chính là khát vọng sống tự do. Nhưng, chủ đề chính của “Lời mẹ dặn” và giá trị của bài thơ là thái độ và trách nhiệm công dân của một nghệ sĩ chân chính trước cuộc sống!

Đặt bài thơ trong bối cảnh mà nó ra đời mới thấy được tính phức tạp của vấn đề và bản lĩnh của một cây bút trẻ đang khát khao sống chân thực và cống hiến.

Đó là cuộc đấu tranh tư tưởng, giữa một bên là những văn nghệ sĩ đã từng đi theo kháng chiến nay muốn được nới lỏng tự do trong sáng tạo nghệ thuật để có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và sáng tạo phục vụ cách mạng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống mới, với một bên là những người quản lý văn nghệ, văn nghệ sĩ còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, giáo điều, suy nghĩ hẹp hòi và thành kiến.

“Lời mẹ dạy” thật giản dị, sao khiến nhiều người xúc động? Có phải có thân phận nhà thơ trong đó? Và hình ảnh ân cần mà cao cả của mẹ? Hay do bài thơ được “thiêng hóa” qua di huấn của cha? Có lẽ là tất cả!

Bài thơ viết theo thể tự do, phù hợp với diễn tả tư tưởng phóng khoáng. Cái tôi trữ tình nhà thơ và nhân vật trữ tình hòa làm một; lời thơ vừa là sự tỏ lòng vừa là lời đối thoại.

Bây giờ đọc lại bài thơ ở độ lùi hơn nửa thế kỷ mới thấy, trong thời đại mà nền thi ca cảm hứng chủ đạo là sử thi, muôn người chung một điệu nói, các nhà văn nhà thơ bày tỏ giác ngộ “sáng mắt sáng lòng” đều nhờ ở thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Thế mà Phùng Quán lại đưa ra “lời mẹ dặn” và xác quyết đó là “đức tin” của một tín đồ đạo Mẫu thì ông quả là một thi sĩ chân thật đến hồn nhiên và lạc lõng!

Đã hơn 60 năm đã qua, nhưng “Lời mẹ dặn” vẫn nguyên giá trị và càng có tính thời sự hôm nay. Ngày nay, giá trị trong các sáng tác của ông đã được thừa nhận qua các giải thưởng văn chương. Năm 2007, Phùng Quán được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán từng được Trung tâm Văn hóa doanh nhân phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục bình chọn là một trong một trăm bài thơ Việt hay nhất Thế kỷ XX.

Xem thêm phân tích 🍃Khoảng Trời, Hố Bom🍃 Những mẫu phân tích hay

Viết một bình luận