Người Đàn Bà Ngồi Đan: Nội Dung Bài Thơ + Cảm Nhận

Người Đàn Bà Ngồi Đan ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận ✅ Chia Sẻ Cho Bạn Ý Nghĩa, Nghệ Thuật, Hoàn Cảnh Ra Đời Của Bài Thơ.

Nội Dung Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan

Xuất hiện từ thời chống Mỹ nhưng chủ yếu khẳng định bút lực ở thời hậu chiến và đổi mới, Ý Nhi là một trong những cây bút nữ xuất sắc của thơ ca đương đại. Trong đó tác phẩm đánh dấu thành công của Ý Nhi là bài thơ “Người đàn bà ngồi đan”.

Người đàn bà ngồi đan
Tác giả: Ý Nhi

Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót

Không thở dài
không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực

Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng

Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộn len như quả cầu xanh
Đang lăn những vòng chậm rãi

Đọc thêm tác phẩm 🍃Khoảng Trời, Hố Bom🍃 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan

Tìm hiểu chi tiết về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Người đàn bà ngồi đan.

Dấn thân trên đường thơ, cũng là dấn thân vào cái bể đời ấy, Ý Nhi đã nhận ra, những giá trị nhân bản cho thơ ca chỉ có thể tìm được trong cả sự được và mất, cả nỗi chán chường và niềm hy vọng, cả đau thương và hạnh phúc, cả trong sự sống và cái chết của người đời. Và chị đã viết được Người đàn bà ngồi đan vào tháng 1/1984.

Nhân vật của bài thơ là người đàn bà trầm tĩnh khác thường, tâm trạng u ẩn lạ lùng”ngồi đan bên cửa sổ. Người đàn bà này được Ý Nhi tạo nên bằng ngôn ngữ thơ trầm sâu, độc đáo.

Ý Nghĩa Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan

Bài thơ Người đàn bà ngồi đan miêu tả công việc đời thường của người đàn bà rất Á Đông. Bài thơ là một lời nhắc khẽ, rằng cuộc đời không chỉ là những quy luật giản ước hay những gì ta nhìn không hẳn là những gì ta thấy. Chỉ khi cố gắng bước ra khỏi định kiến và thói quen đơn giản hóa, ta mới có thể nhìn thấy một hiện thực khác, đầy nghịch lý và không dễ giản ước.

Chia sẻ bài thơ 🔰Chợ Đồng [Nguyễn Khuyến] 🔰 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích

Đọc Hiểu Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi trong phần đọc hiểu bài thơ Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi.

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới :

“ Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót.
Không thở dài
Không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực.
Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia li
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộc len như quả cầu xanh
Đang lăn những vòng chậm rãi.
( Ý Nhi, Người đàn bà ngồi đan)

👉 Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Đáp án: Thể thơ tự do

👉 Câu 2 : Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ?

Đáp án: Phương thức biểu đạt chính : Biểu cảm, tự sự và miêu tả.

👉 Câu 3: Xác định các từ ngữ thể hiện tâm trạng trong bài thơ?

Đáp án: Các từ ngữ thể hiện tâm trạng trong bài thơ : Đau thương, ngờ vực, hân hoan, lo âu, chán chường….

👉 Câu 4: Theo anh ( chị ) tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ này được thể hiện như thế nào? Hãy nêu vắn tắt ấn tượng của anh ( chị ) về giọng điệu của bài thơ?

Đáp án: Tâm trạng của nhân vật khá phức tạp chứ không đơn giản. Không thể khẳng định là người đàn bà buồn hay vui, hi vọng hay chán chường. Cuộc sống vốn thế, đan xen giữa các cảm xúc, các tâm trạng trái ngược. Đây chính là cách nhìn riêng trong thơ Ý Nhi.

Gợi ý phân tích bài thơ 🔰Nơi Dựa [Nguyễn Đình Thi]🔰Nội dung, ý nghĩa

Nghệ Thuật Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan

Điểm qua những nét nghệ thuật chính trong bài thơ Người đàn bà ngồi đan của tác giả Ý Nhi.

  • Bài thơ được viết theo thể tự do, nhịp thơ đa dạng.
  • Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm kết hợp miêu tả và tự sự.
  • Bài thơ có kết cấu chặt chẽ, kiệm lời, giàu triết lí. 
  • Những hình ảnh, câu chữ giản dị, thấm đượm nỗi âu lo, lòng trắc ẩn.
  • Điệp ngữ “người đàn bà ngồi đan” nhằm nhấn mạnh hình tượng thơ.

2+ Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan Hay Nhất

Thohay.vn gửi bạn một số mẫu văn cảm nhận, phân tích bài thơ Người đàn bà ngồi đan hay nhất.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan Hay

Đọc thơ Ý Nhi, tôi thường nghĩ đến hình ảnh Người đàn bà ngồi đan. Sao vừa gần lại vừa xa. Vừa sôi nổi nồng nàn vừa lạnh lùng khép kín. Có cái gì đơn độc mà kiêu hãnh trong dáng vẻ người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ, trong chiều lạnh, dưới chân, cuộn len như quả cầu xanh/ đang lăn những vòng chậm rãi…

Người đàn bà ngồi đan trong bài thơ cùng tên của Ý Nhi là ai? Ta không biết. Nhà thơ cũng không nói. Nhà thơ chỉ lặng lẽ “trình bày” trước chúng ta một khung cảnh (dường như) khách quan. Việc của chúng ta là men theo những mô tả – chỉ dẫn, bắt đầu thả lỏng trí tưởng tượng và liên tưởng.

Im lặng đến bất thường, người đàn bà lặng lẽ ngồi đan, chỉ đôi tay và cuộn len chuyển động một cách nhịp nhàng, đơn điệu. Phần cơ thể còn lại dường như bất động. Không gian xung quanh con người chừng như cũng ngưng đọng trong im lặng và cả (có lẽ) bóng tối của buổi chiều. Chi tiết mô tả được giản lược, nhằm hướng độc giả tập trung vào tính chất đơn nhất, sáng rõ của hình tượng.

Nhưng hình ảnh càng lộ sáng càng gợi vùng mờ; càng ổn định càng gợi bất ổn; càng lặng lẽ càng gây “ngờ vực”. Đã thế, thay vì thổ lộ trực tiếp cảm xúc, suy nghĩ hoặc đưa ra nhận xét mang tính “chốt hạ” về đối tượng, tác giả chỉ liên tiếp đặt ra những câu hỏi đầy hồ nghi:

Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là là ngờ vực

Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt/ Hay sau buổi chia ly/ Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu/ trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng?…

Bằng cách đặt ra những câu hỏi/ tình huống giả định trái ngược (đang/ hay là), tác giả đã tạo nên vô số hình ảnh chuyển động mờ chồng lên người đàn bà ngồi đan. Chuyển động của hình thể. Chuyển động của tâm trạng, suy tưởng. Đối tượng mô tả giờ đây không còn là cái bóng im lặng bên cửa sổ, trong chiều lạnh. Những câu hỏi đã kích hoạt vô số liên tưởng trái chiều (và hoàn toàn có khả năng là sự thật như nhau) của cảnh ngộ, số phận, xúc cảm.

Nhưng việc đặt câu hỏi không nhằm tìm kiếm câu trả lời. Mục đích của nó là nhằm nêu lên một tình huống đời sống “có vấn đề”. Đó là một tình huống giả định, hàm chứa vô số khả năng xảy ra, và bởi vậy, câu trả lời theo kiểu loại trừ có/không sẽ chỉ bộc lộ cách nhìn hời hợt, phiến diện.

Rõ ràng, nhà thơ không muốn (và chị biết rõ là cũng không thể) đóng vai “người biết tuốt” trước biết bao tình huống phức tạp của cuộc đời mà người đàn bà ngồi đan kia chỉ là một ví dụ. Bởi vì nhiều khi, vì quá tự tin, ta thường thâu tóm cuộc đời vào một số quy luật chung nhất, và bằng những kết luận như đinh đóng cột, ta tin chắc rằng đã nắm được bản chất của nó trong lòng bàn tay.

Người đàn bà ngồi đan là một lời nhắc khẽ, rằng thông minh thôi là chưa đủ. Cuộc đời không chỉ là những quy luật đơn giản hay niềm tin được đóng gói và những gì ta nhìn không hẳn là những gì ta thấy. Chỉ khi ta cố gắng bước ra khỏi định kiến và thói quen đơn giản hóa, ta mới có thể nhìn thấy một hiện thực khác, bề bộn, đầy nghịch lý và không dễ giản ước. Nhưng có lẽ, đó mới chính là đời sống của con người.

Nhận ra nghịch lí ngay cả trong những gì đã thành phổ biến, được xem là logic tất yếu, dường như là một đặc điểm tư duy của nhà thơ này. Tuy nhiên, Ý Nhi không cực đoan. Dù nhạy cảm và giàu rung động, xúc cảm trong thơ Ý Nhi thường được tiết chế, nhằm đảm bảo sự mạch lạc, tỉnh táo trong cái nhìn về đời sống.

Hình ảnh những người phụ nữ đan len, cuộn thuốc lá, hay bóc lạc thuê… và vô số những công việc tay chân lam lũ để cải thiện kinh tế gia đình có lẽ không xa lạ gì với những người Việt Nam từng sống qua thời hậu chiến. Đấy có thể là chính những người phụ nữ cùng thế hệ với Ý Nhi, và cũng, rất có thể, là hình ảnh của chính tác giả, trong một hoạt động “ngày thường”.

Ta có thể dễ dàng thấy sự khác biệt ở đề tài và hình tượng thơ này so với những sáng tác thơ thời chống Mỹ trước đó (chủ yếu viết về đề tài chiến tranh, trong đó, hình tượng phụ nữ thường được mô tả như những người anh hùng, với những phẩm chất phi thường, gắn liền đặc thù thời chiến).

Sự thay đổi này không phải ngẫu nhiên. Nó gắn liền với quan niệm về cái hàng ngày, cái đời thường như một đối tượng thẩm mỹ (một thay đổi có tính bước ngoặt trong quan niệm của nhiều nhà văn Việt Nam giai đoạn hậu chiến và tiền Đổi mới), và gắn liền nhu cầu nghĩ khác, viết khác của tác giả (vốn cũng thuộc thế hệ chống Mỹ).

Thơ Ý Nhi chặt chẽ, kiệm lời, giàu triết lí. Càng về sau, tính triết lý trong thơ chị càng lặn sâu hơn vào xúc cảm, hình tượng. Ở đó, dưới những hình ảnh, câu chữ giản dị, thấm đượm nỗi âu lo, lòng trắc ẩn.

Có thể nói, người đàn bà ngồi đan là một phẩm tính độc đáo của thơ Ý Nhi đã được hình tượng hóa. Việc chọn điểm nhìn mô tả từ bên ngoài cho phép nhà thơ có được khoảng gián cách cần thiết với cảm xúc chủ quan và tập trung hơn vào việc mô tả, suy ngẫm.

Điều này khiến Người đàn bà ngồi đan hiện lên với đủ đặc điểm hình thể, diện mạo, hành động… mà dường như vẫn “bảo lưu” nguyên vẹn nỗi u uẩn, niềm cô độc. Ở đây, ta nhận ra nhu cầu nhận thức sự thật, một cảm hứng mạnh mẽ trong sáng tác của Ý Nhi. Ta cũng nhận ra trái tim nhiều bất an và âu lo của chị, từng bộc lộ trong nhiều bài thơ khác:

Tôi không sao tránh được lo âu trước mỗi độ thu
trước chiếc lá chợt ánh vàng
trước ngọn gió may
và đường chân trời xám bạc
nỗi lo âu vốn có trong mỗi niềm hạnh phúc

(Mùa thu)

Tựa như một hình ảnh trong gương, Người đàn bà ngồi đan là sự phản chiếu tính cách và nội tâm của cái tôi trữ tình. Giản dị, sáng tỏ và trầm lặng, con người ấy bình thản đón đợi và chấp nhận: Không chờ đợi sự tha thứ cho lỗi lầm/ Không chờ đợi lời an ủi cho nỗi khổ/ Không chờ đợi niềm vui nồng nhiệt/ Tôi mong được yên tĩnh cùng miền đất cũ (Về Thái Nguyên)…

Hình tượng Người đàn bà ngồi đan, một cách rất tự nhiên, cũng gợi nhắc đến hình tượng những Người đàn bà Viết/ sáng tạo trong thơ Ý Nhi, những nữ nghệ sĩ, với vẻ đẹp “không tàn lụi trong oán hờn”.

Nếu so sánh với giọng tráng ca quen thuộc của thơ Cách mạng, vẫn còn vang vọng khá mạnh mẽ trong giai đoạn từ 1975 – 1985, giọng “nói nhỏ”, mang tính tự vấn của người đàn bà ngồi đan quả thực có ý nghĩa đặc biệt, cả về phương diện nhận thức lẫn thi pháp.

Sự khác biệt trong cái nhìn nghệ thuật và bút pháp thể hiện đã khẳng định vị thế riêng của Ý Nhi trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhưng tôi nghĩ, việc tìm tòi những lối viết, kỹ thuật viết tân kì, hiện đại không phải là chủ đích của Ý Nhi.

Lắng nghe đời sống từ những rung động sâu kín, lặng lẽ, phát hiện những vẻ đẹp tuyệt vời nở hoa ngay trên vực thẳm của nỗi lo âu, sự bất an, ngay trong mỗi “ngày thường” hằng sống và cố gắng diễn tả tất cả những điều đó – cái đẹp, sự rung động, nỗi khao khát, cả nỗi bất an, sợ hãi… – bằng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên nhất có thể, đấy mới là cái đích sáng tạo thực sự của tác giả này.

Đọc thêm🌿Lá Đỏ [Nguyễn Đình Thi]🌿 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Người Đàn Bà Ngồi Đan Chọn Lọc

Bài thơ Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi đem ra cái lạnh của không gian đất trời và cái hạn hẹp của không-gian-nhà để mà tượng hình lên chân dung “Người đàn bà ngồi đan”. Tư thế và tâm thế của một nhân vật trữ tình cụ thể hiện lên trong công việc đời thường – công việc của người đàn bà rất Á Đông. Nếu kể cả tên bài thơ, hình ảnh đầy chất gợi cảm và gợi suy, được tác giả điệp lại tới ba lần. Và, hình ảnh ấy vừa chạm khắc nên hình, lại vừa tỏa lan tâm tình đi suốt bài thơ.

Ý Nhi như “bắt mạch” ra tâm tư nhân vật thơ của mình-ấy là những trạng thái nhất quán và trái chiều, đồng nhất và khác biệt của con người “ngồi đan bên cửa sổ” với vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã; cả niềm hân hoan hay nỗi lo âu; và, với cả Trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng…

Có một thời gian và không gian xác định của sự hiện diện hình ảnh Người đàn bà ngồi đan. Con người lặng thầm với công việc của mình kia giữa chiều lạnh. Một chiều lạnh hay nhiều buổi chiều như thế của đời người, làm sao mà đo đếm hết được !

Bài thơ của Ý Nhi vẽ ra cảnh tượng con người trong đời sống lành thường, quen thuộc. Từ tả công việc ngồi đan của người đàn bà, nhà thơ với xúc cảm phụ nữ mà đan tiếp, dệt tiếp vào chiều sâu nội tâm của Người đàn bà. Bao nhiêu là chiều hướng tâm sự ẩn sâu bên trong cái vẻ ngoài nhẫn nại – nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời.

Mượn cái không của vẻ ngoài người đàn bà: Không thở dài/ không mỉm cười/…không một lần chị ngẩng nhìn lên, để rồi nhà thơ gợi mở cho sự khám phá của người đọc thơ về khả năng vô tận, muôn chiều của cái có trong tâm tư nhân vật trữ tình.

Những cái có thực sự ắp đầy và trào dâng trong chiều sâu nội tâm của người đàn bà giữa đời thường. Song, điều đáng nói là ở chỗ những cái có trong tâm tư ấy, lại hiện hữu ở hai chiều tương phản, đối lập: đau thương hay hạnh phúc, nềm tin hay ngờ vực, gặp mặt hay chia li, hân hoan hay lo âu…

Những trạng thái tâm tư trái chiều ấy, có mặt ở mọi nơi từ phía người đàn bà ngồi đan. Từ tâm tư ẩn chứa mà chị đang giữ kín, từ trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng của chị, tâm tư bộn bề và phức điệu ấy dường như cũng nương náu, trú ngụ cả trong mũi kim kia ẩn giấu…

Hình ảnh người đàn bà ngồi đan với cả hai tầng diện mạo : diện mạo bên ngoài và diện mạo nội tâm, được nhà thơ nữ lặng lẽ quan sát. Lặng lẽ ghi nhận và đồng cảm để rồi đan dệt nên những lời thơ bình dị mà rất đỗi sâu xa, gợi nghĩ như hơi thở của cuộc sống thường nhật :

Chị đang giữ kín đau thương
Hay hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay ngờ vực
…Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan
Hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng

Mượn hàng loạt những yếu tố không xác định, cứ chơi vơi, lửng lơ theo hai hướng: được – mất; buồn -vui; hợp – tan…, nhà thơ như muốn nhìn sâu vào hiện thực nhân sinh để khái quát về sự tất yếu khách quan – sự tất yếu nằm ngoài mọi toan tính chủ quan của chính con người. Bài thơ khép lại bằng một hình ảnh được ví như quả cầu xanh-Đang lăn những vòng chậm rãi- cuộn len lăn ngoài vòng đời !

Phải chăng những điều “ý tại ngôn ngoại” mà nhà thơ muốn tâm tình và nhắn nhủ : con người biết sống giữa cuộc đời bởi chính khả năng tự tại, tự ý thức của mình. Bài thơ của Ý Nhi dường như cũng giấu đi những lời khen, chê, bình luận về cuộc sống và phận người. Mà, để cho ta tự ngẫm thêm về hính ảnh Người đàn bà ngồi đan giữa chiều lạnh cuộc đời.

Viết một bình luận