Tự Hát [Xuân Quỳnh] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật, Phân Tích ✅ Tham Khảo Cách Đọc Hiểu, Gợi Ý Cách Phân Tích, Nêu Cảm Nhận Về Bài Thơ.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Tự Hát Của Xuân Quỳnh
Thơ của Xuân Quỳnh như nhật ký trái tim của chị, từ những buồn vui, trăn trở của mình, chị đã khắc họa nên những bài thơ mang giá trị, phẩm chất tiêu biểu nhất của người phụ nữ Việt Nam, làm rung động bao trái tim của các thế hệ độc giả, trong đó có thi phẩm Tự hát.
Tự hát
Tác giả: Xuân Quỳnh
Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Đọc hiểu bài thơ 🔰Nói Cùng Anh [Xuân Quỳnh] 🔰Gợi Ý Cảm Nhận
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Tự Hát
Bài thơ Tự hát của Xuân Quỳnh nằm trong tập thơ cùng tên ra đời năm 1984. Đây là thời điểm đất nước đang bắt đầu “chuyển mình” sang một kỷ nguyên mới: hòa bình, thống nhất và hoàn toàn độc lập. Tư tưởng phong kiến khắt khe đã dần bị đẩy lùi. Con người bước đầu đã được tự do suy nghĩ và hành động theo tiếng nói cá nhân với những nhu cầu bản ngã.
Tập thơ “Tự hát” là điển hình cho khuynh hướng tự do, là tập hợp những khúc ca tự bạch trọn vẹn cái chất phụ nữ của Xuân Quỳnh. Trong đó bài thơ “Tự hát” có lẽ được Xuân Quỳnh viết trong tâm trạng dạt dào hạnh phúc của một người phụ nữ đang yêu và được yêu.
Xem thêm tuyển tập thơ bất hủ của thi sĩ Xuân Quỳnh:
- Bài Thơ Con Yêu Mẹ Của Xuân Quỳnh
- Bài Thơ Có Một Thời Như Thế
- Bài Thơ Lời Ru Của Mẹ
- Bài Thơ Mẹ Của Anh
- Bài Thơ Vì Sao
- Sóng
- Lời Ru Trên Mặt Đất
- Bài Thơ Trời Xanh Của Mỗi Người
- Bài Thơ Ngày Em Vào Đội
- Chuyện Cổ Tích Về Loài Người
- Bài Thơ Con Chả Biết Được Đâu
Ý Nghĩa Bài Thơ Tự Hát
Về ý nghĩa bài thơ Tự hát của Xuân Quỳnh, bài thơ đã thể hiện tất cả các cung bậc cảm xúc của trái tim người phụ nữ yêu đời, thiết tha với cuộc đời và những băn khoăn trở về những diều còn vướng mắc mà bản thân chưa thể nào giải tỏa.
Bài thơ là khúc tự tình của trái tim Xuân Quỳnh, qua đó chị nói hộ hết tâm tư cho mọi người phụ nữ, bởi chính chị là một tâm hồn phụ nữ Việt Nam tiêu biểu. Những câu “Tự hát” của chị đã mở đường cho tiếng nói phụ nữ vang lên dõng dạc, mạnh mẽ trong thơ ca đổi mới.
Tìm hiểu bài thơ 🔰Thơ Tình Cuối Mùa Thu Xuân Quỳnh🔰 Nội Dung, Cảm Nhận
Đọc Hiểu Bài Thơ Tự Hát
Hướng dẫn trả lời các câu hỏi đọc hiểu trong bài thơ Tự hát của thi sĩ Xuân Quỳnh.
Đọc đoạn thơ sau đây:
Tự hát (Xuân Quỳnh)
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em anh đã từng biết đó
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay.
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Em chở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Em chở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết súc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu..
👉 Câu 1. Phát hiện và chữa các lỗi chính tả trong bài.
Đáp án: Lỗi chính tả trong các chữ: “chở”, “súc” ở các câu thơ:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
….
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
👉 Câu 2. Những thông tin sau đây đúng hay sai:
- Bài thơ thuộc đề tài tình yêu
- Tác giả là một nhà thơ thời chống Pháp.
- Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú
- Bài thơ viết theo ngôn ngữ tự sự
Đáp án: Đ-S-S-S
👉 Câu 3. Tác giả sử dụng phương thức liên kết nào trong ba khổ thơ?
Đáp án: Lặp- thế- nối
👉 Câu 4. Trong bài thơ, hình ảnh ” trái tim” được dùng với những ý nghĩa gì?
Đáp án: Ẩn dụ cho tình yêu
👉 Câu 5. Xác định hình thức ngôn ngữ biểu đạt trong bài thơ? Hình thức ngôn ngữ biểu đạt này được phát huy tác dụng bởi những thủ pháp nghệ thuật nào là chủ yếu?
Đáp án: Ngôn ngữ biểu cảm – phép điệp khiến sắc thái biểu cảm thêm tha thiết.
👉 Câu 6. “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” hay “Tấm lòng vàng” là những thành ngữ thường dùng để chỉ điều gì? Từ “vàng” trong câu thơ đầu có cùng ý nghĩa với từ “vàng” trong thành ngữ trên hay không?
Đáp án:
- Thành ngữ ” tấm lòng vàng” thường dành chỉ những người tốt bụng, luôn biết sẻ chia, giúp đỡ mọi người xung quanh bằng tấm lòng nồng hậu, chân thành.
- Thành ngữ ” Một túp lều tranh hai trái tim vàng” là ẩn dụ cho những tình yêu cao quí, thuần khiết vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn nghèo khổ.
- Từ vàng trong câu thơ XQ có sự luân chuyển tinh tế từ nét nghĩa ẩn dụ trong thành ngữ sang tầng nghĩa thực, từ sự quí giá của tấm lòng, tình cảm sang sự quí giá của bạc vàng, vật chất.
👉 Câu 7. Nhận xét về mối quan hệ giữa hai câu thơ: “Biết làm sống những hồng cầu đã chết – Biết lấy lại những gì đã mất”? Từ mối quan hệ đó, em hiểu hãy chỉ ra nội dung chính của khổ thơ?
Đáp án: Hai câu thơ: “Biết làm sống những hồng cầu đã chết- Biết lấy lại những gì đã mất” có mối quan hệ tương đồng. Trái tim dẫn truyền máu, duy trì sự sống cho con người giống như tình yêu có thể giúp tìm lại những mất mát, xoa dịu những tổn thương, làm hồi sinh những xúc cảm tưởng đã khô cằn, rút ngắn những khoảng cách trong chính tình yêu…
👉 Câu 8. Ý nghĩa phủ định trong hai khổ đầu cùng với tâm nguyện trong hai khổ sau thể hiện quan niệm của nhà thơ về tình yêu như thế nào?
Đáp án: Ý nghĩa phủ định trong hai khổ đầu và tâm nguyện trong hai khổ sau thể hiện quan niệm đẹp đẽ, cao thượng, vừa truyền thống, vừa hiện đại, mới mẻ của XQ trong tình yêu. Theo XQ, mục đích của tình yêu không phải để hướng tìm sự quí giá của vật chất hay rực rỡ chói lòa của danh vọng; đó đều là những cái ngoại thân để có thể bán đổi, là những cái phù du để tồn tại thoáng chốc…; tình yêu cần hướng tới sự đồng điệu, đồng cảm, sự chia sẻ chân thành, sự tận tụy hi sinh, cần mãnh liệt để yêu và tinh tế để cảm nhận…
👉 Câu 9. Ý nghĩa nhan đề Tự hát?
Đáp án: Nhan đề Tự hát vừa nồng nàn xúc cảm trong việc bộc lộ tình yêu, vừa sâu sắc bởi hành trình tự nhận thức, tự tìm kiếm giá trị đích thực của tình yêu. Nhan đề cho thấy toàn bộ bài thơ là lời bày tỏ tha thiết đắm say những tâm nguyện tình yêu của người phụ nữ hồn hậu chân thành, giàu đức hi sinh và lòng vị tha, người phụ nữ luôn khao khát được dâng hiến, yêu thương, khao khát bến bờ bình yên, hạnh phúc của tình yêu.
👉 Câu 10. Từ hai câu thơ của Xuân Quỳnh:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước,
Hãy viết một bài văn khoảng 200 từ trình bày quan niệm của em về cái tôi của người phụ nữ trong tình yêu.
Đáp án: Từ ý thơ của XQ, bài luận về cái tôi của người phụ nữ trong tình yêu có thể hướng tới một số gợi ý sau đây:
- Tình yêu đích thực luôn cần sự đồng cảm, chia sẻ, cảm thông, cần trái tim vị tha, giàu đức hi sinh… để có thể “khao khát điều anh mơ ước”!
- Tuy nhiên, tình yêu không chỉ cần tri ân mà còn cần sự tôn trọng, không thể chỉ là sự hi sinh một phía mà phải có cả sự quan tâm, thấu hiểu từ hai chiều, vì vậy, người phụ nữ không chỉ “khao khát điều anh mơ ước” mà còn cần biết sống với Bản Ngã của chính mình; không chỉ cần một trái tim biết yêu thương mà còn rất cần một trí tuệ thông minh để nhận ra trái tim mình không hi sinh cho một con người vị kỉ.
- Hãy biết hi sinh cho tình yêu cao thượng và đừng đánh mất mình trong tình yêu mù quáng!
Nghệ Thuật Bài Thơ Tự Hát
Tổng kết các giá trị nghệ thuật trong bài thơ Tự hát của Xuân Quỳnh.
- Thể thơ tự do, có câu 7 chữ, câu 8 chữ, cách gieo vần có sự biến hoá linh hoạt. Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm.
- Thơ sử dụng nhiều biện pháp tu từ như điệp từ, ẩn dụ,… nhằm nhấn mạnh, làm nổi bật suy nghĩ, quan điểm của tác giả về tình yêu.
- Ngôn ngữ thơ đời thường, như chẳng phải thơ mà là một câu bộc bạch chân tình thế thôi, nên có thể thấy chất nữ tính thể hiện thật tự nhiên.
Đón đọc thêm ❤️️Bài Thơ Mẹ Của Anh [Xuân Quỳnh]❤️️Tìm hiểu ý nghĩa
Cảm Nhận Về Đoạn Thơ Em Trở Về Đúng Nghĩa Trái Tim Em Hay Đặc Sắc
Gợi ý cách nêu cảm nhận về đoạn thơ “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” hay đặc sắc, cùng tham khảo ngay nhé!
Câu thơ Em trở về đúng nghĩa trái tim em là một trong những câu thơ được đánh giá đắt nhất trong bài thơ “Tự hát” của Xuân Quỳnh. Thật khó để cảm nhận nếu đặt câu thơ đó ra ngoài mạch cảm xúc của bài thơ. Bởi các câu trong bài thơ này đều bổ sung cho nhau và làm tròn đầy cho nhau hơn.
Câu thơ Em trở về đúng nghĩa trái tim em được lặp lại tới 3 lần trong bài thơ, đó cũng chính là một cách để nhấn mạnh ý nghĩa của nó. Đó là một khao khát về một tình yêu bình dị. Cái bình dị trong thơ Xuân Quỳnh lại rất khác, có cảm nhận được toàn bộ bài thơ ta mới có thể hiểu hết được dụng ý của nó. Bởi thực chất em chỉ muốn trái tim em là trái tim thôi không hơn thua. Đơn giản là vậy: Em trở về đúng nghĩa trái tim
Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Quỳnh viết Em trở về đúng nghĩa trái tim em. Bởi lẽ trong bất cứ lĩnh vực nào người ta cũng sẽ “chả dại gì” chứ đừng nói đến trái tim, là tình cảm. Bởi chẳng ai lại dại thế bao giờ cả.
Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong nhà thơ viết về tình yêu rất nổi tiếng. Trong những vần thơ ấy ta cảm nhận được một tình yêu khi thì ồn ào, khi thì dịu êm. Và các quy luật thể hiện trong thơ cũng khác nhau rất nhiều. Điều này đòi hỏi độc giả cần phải đọc thật kỹ nếu không sẽ không hiểu hết dụng ý mà nhà thơ muốn chuyển đạt. Tức là anh cũng biết đấy chẳng dại gì em ước nó bằng vàng bởi vàng là một thứ quý giá nhưng đó cũng không phải là thức quý giá nhất.
Trái tim là một bộ phận của cơ thể. Và để duy trì được sự sống cần phải có một vai trò hết sức quan trọng được gắn kết bởi tình cảm. Và đó cũng chính là lý do cô ước trái tim mình không phải bằng vàng. Bởi nếu người yêu cô là một người coi thường của cải thì khi cần sẽ bán đi ngay. Đó cũng chính là bản tính của đàn ông, họ có thể trân trọng những thứ họ đang cần nhưng cũng có thể vứt bỏ mọi thứ nếu không cần nữa.
Cũng không dại gì khi ước trái tim là mặt trời. Bởi mặt trời dù luôn tỏa sáng và thiếu đi nó cuộc sống sẽ không còn tồn tại. Nhưng phải chấp nhận một điều rằng khi hoàng hôn buông xuống thì mặt trời không còn tỏa sáng nữa. Và đó cũng không phải là một tình yêu mà họ cần. Bởi cô gái mong muốn tình yêu và hình dáng của người mình yêu luôn xuất hiện bên cạnh minh.
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Mỗi một phút giây yêu đương đều tưởng chừng như dài cả thế kỷ. Chính vì vậy sẽ rất khó để vượt qua màn đêm dài tĩnh lăng. Bởi với nhà thơ mặt trời có sáng chói đến đâu cũng không thể ví bằng trái tim của em. Vì vậy không mong ước trái tim là mặt trời cũng không mong ước nó là vàng.
Những dòng thơ tiếp theo với câu Em trở về đúng nghĩa trái tim em là một trong những phần hay nhất của bài thơ. Thực chất mong muốn của nhà thơ rất đơn giản chỉ mong trái tim cũng chính là trái tim. Với ý nghĩa đó chỉ mong trái tim đập đều đặn để nuôi sống cơ thể và biết rung động với tình yêu. Ở đoạn này Xuân Quỳnh đã dành tới 6 lần dùng từ “biết”. Dẫu em chỉ có một trái tim nhưng em biết làm rất nhiều điều.
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Đó là biết khao khát những điều em mơ ước bởi lẽ ước mơ của anh cũng chính là ước mơ của em. Đó chính là sự đồng điệu trong tâm hồn. Và cũng biết xúc động qua nhiều nhận thức, biết yêu anh và biết được anh yêu. Đó là những phạm trù khác nhau. Bởi lẽ đôi khi ta tưởng ta đã yêu nhưng đó lại không phải là tình yêu.
Phần trước Xuân Quỳnh đang đề cập tới Em trở về đúng nghĩa trái tim em thì phần tiếp lại chuyển tải một ý nghĩa rất riêng. Đó chính là cảm giác và những rào cản trong tình yêu. Phải suy ngẫm thật kỹ ta mới cảm nhận được sự liên kết này. Đó chính là những bão giông hay cũng chính là tình yêu của em cũng rất nhiều trắc trở. Đó cũng chính là những con tàu chẳng đóng cửa, hay là đồng cỏ hang….
Sự lo lắng ấy được thể hiện ở khổ tiếp. Ở đây nhà thơ thể hiện người con gái ấy lo âu chứ không lo sợ. Cô lo âu cho tình yêu của mình và những điều không thể nói. Nhưng vẫn rung lên những rung động đẹp đẽ, một niềm tin vào một tương lai tươi sáng, hạnh phúc.
Đoạn cuối lại một lần nữa khẳng định em trở về đúng nghĩa trái tim em. Nó cũng như những trái tim của những người con gái khác, ai cũng có và nó cũng sẽ vẫn đập trong lồng ngực. Trái tim ấy cũng sẽ ngừng đập khi cuộc sống không còn nữa nhưng có một điều phi thường đó chính là biết yêu anh khi đã chết đi rồi.
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Em trở về đúng nghĩa trái tim em gợi lên một khát khao về một cuộc sống bình thường mà giản dị đến khiêm nhường. Ở đó ta cảm nhận được một khát khao về một tình yêu mãnh liệt của người con gái.
Tuyển tập ❤️️ Thơ Xuân Quỳnh Về Tình Yêu Và Nổi Nhớ ❤️️ hay
Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Tự Hát Hay Nhất
Sưu tầm những bài văn mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Tự hát hay nhất của Xuân Quỳnh.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Tự Hát Hay
Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc của những năm cuối thế kỉ XX, thơ của bà đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống bằng những trải nghiệm cá nhân rất riêng. Thơ tình của Xuân Quỳnh rất giàu nữ tính, đó là sự e ấp, nhẹ nhàng nhưng đầy những trăn trở về tình yêu, về hạnh phúc. Yêu như là lẽ sống và nhìn nhận tình yêu bằng cả trái tim mình.
Nếu như phần nhiều bài thơ tình của các tác giả khác chỉ dừng lại ở việc chinh phục tình yêu, ca ngợi tình yêu hoặc thể hiện tình yêu thì với Xuân Quỳnh, việc nuôi dưỡng, chăm chút cho tình yêu là vấn đề được nhà thơ quan tâm hơn cả. Tự hát là một bài thơ như thế.
Bài thơ được viết năm 1984, in trong tập thơ cùng tên do nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành.
Khổ thơ đầu tiên được bắt đầu bằng một sự cân nhắc như trước khi quyết định một vấn đề quan trọng:
Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Tác giả không mong muốn trái tim mình bằng vàng? Vì sao vậy? Người ta chả bảo “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” đó thôi? Nhưng đọc cả khổ thơ người đọc sẽ thấy, vàng mà tác giả nhắc đến ở đây là vàng kim loại- có giá trị cao về mặt kinh tế. Bởi vì anh là đàn ông, mà người đàn ông cụ thể là anh thì coi thường của cải. Vật chất dù có là quý giá thì cũng phải dùng đến khi cần.
“Chả dại gì” là cách nói có tính nhấn mạnh, nhằm khẳng định một điều em không mơ ước trái tim mình như vàng thật. Còn “anh đã từng biết đấy” là cách nói nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ của người nghe đối với người nói. Khổ thơ vì thế mà sinh động hơn như là một đoạn đối thoại.
Không mơ ước trái tim mình bằng vàng, vậy thì so với Mặt trời thì sao?
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Bởi sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Mặt trời thì rực rỡ thật đấy, chói sáng thật đấy, nóng bỏng thật đấy nhưng chỉ là ban ngày thôi, còn ban đêm bóng tối bao phủ, khi đó em cũng không thể có anh ở bên, một mình anh với sự im lặng, cô đơn em cũng không có anh ở bên.
Cái mà em quan tâm, cái mà em cần đó là anh. Em muốn bên anh cả ban ngày, cả ban đêm, cả khi vui, cả những lúc buồn. Ánh hào quang của mặt trời có thể giúp anh chói sáng, nhưng cái chói sáng đó cũng không bền. Không ít những người đàn ông thành đạt là nhờ vợ, nhưng những thành quả đó người vợ có được hưởng không? Ít lắm.
Hai khổ thơ đầu đã làm rõ một mong muốn còn cao hơn, đó là em được ở bên anh thường xuyên trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vàng tượng trưng cho vật chất, mặt trời tượng trưng cho danh vọng. Mang vật chất và danh vọng để đắp xây hạnh phúc đều là những phương án bất khả thi.
Không là vàng, cũng không là mặt trời, vậy thì tác giả xác định trái tim mình là gì?
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Nếu như trái tim được coi là biểu trưng của tình yêu thì chức năng của nó là duy trì sự sống. Trái tim không thể làm sống lại những hồng cầu đã chết xét về mặt khoa học, nhưng trái tim có khả năng làm cho sự sống sinh sôi, nảy nở, câu thơ “Biết làm sống những hồng cầu đã chết” hoàn toàn có lí. Người ta nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Một mái ấm gia đình hạnh phúc không thể thiếu bàn tay của người phụ nữ biết vun vén, đảm đang, lo lắng cho những người thân trong gia đình đặc biệt là người chồng.
Xin trở lại với học thuyết phân tâm của Sigmun Freud, lần thất bại thứ nhất trong hôn nhân đã khiến tác giả hoang mang lo sợ và mất định hướng khi tiếp tục yêu. Vẫn con người ấy, vẫn tính cách ấy, vẫn trái tim ấy nhưng đã không thể có một mái ấm hoàn hảo. Những vô thức cá nhân dù cố tránh cũng vẫn bộc lộ, tác giả luôn lo lắng, luôn canh cánh trong lòng chức năng của mình và mình phải làm gì để có hạnh phúc.
Đúng, phải là một trái tim hoàn thiện mới mong có được một tình yêu thực sự. Gia đình bất hạnh cũng như một dòng máu thiếu hồng cầu khiến cơ thể xanh xao vàng vọt, hạnh phúc mất vì khoảng cách giữa em và anh quá xa. Cái làm nên sự xa cách đó chính là thiếu đi tình yêu thương, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.
Và đây nữa, tác giả tiếp tuc khẳng định:
Em trở về đúng nghĩa trái-tim
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Đọc khổ thơ, ta thấy hiện lên chân dung một người phụ nữ cổ điển với nhiệm vụ là “nâng khăn, sửa túi cho chồng”. Nếu như trong gia đình hiện đại, vợ chồng có nhiệm vụ kiếm tiền và nuôi con bình đẳng thì với quan niệm gia đình truyền thống, người vợ có nhiệm vụ chăm lo cho chồng con, phục vụ gia đình.
Trở về đúng nghĩa trái tim nghĩa là chăm lo cho chồng, cho những ước mơ của anh. “Đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ đảm đang” là như thế. Em mong muốn anh hạnh phúc, vậy thì những gì anh mơ ước em cũng quan tâm và mong nó thành công. Đó là điều cốt yếu của một lứa đôi hạnh phúc, biết quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Qua những gì em nhận thức được làm cho trái tim em cảm động, đó là khi em nhận biết được những gì anh đã làm em hạnh phúc hơn. Sự tương tác qua lại, giúp đỡ lẫn nhau được thể hiện qua những câu thơ đó. Rồi “Biết yêu anh và biết được anh yêu”. Yêu và biết yêu là hoàn toàn khác nhau.
Có người không biết thể hiện tình yêu của mình bằng những hành động cụ thể thì cũng không thể gọi là biết yêu. Có người được yêu nhưng không cảm nhận được, không biết đón nhận, như thế tình yêu cũng không thể gọi là trọn vẹn. Khổ thơ cho thấy một triết lí: Trong tình yêu, trong gia đình, vợ chồng phải biết quan tâm, chia sẻ với nhau, phải biết thể hiện tình yêu và đón nhận tình yêu.
Hai khổ thơ ở trên có 8 câu thì có đến 6 câu được bắt đầu bằng “biết”. Đó là những hành động cụ thể có ý nghĩa thiết thực để có một tình yêu bền vững. Nhưng đạt được như vậy phải đâu dễ dàng thực hiện được, bởi vì thế giới khách quan và cuộc sống luôn tồn tại những rủi ro, những khó khăn không lường hết được:
Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Bão giông thường xảy ra vào mùa hè. Bây giờ đã là mùa thu mà giông bão chưa yên. Hình ảnh “Những cửa sổ con tàu chẳng đóng” là điều kiện bất lợi khi giông bão đến. Ngoài kia “Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm” càng làm cho người khách đi tàu thêm lo lắng.
Tác giả so sánh mình với một hành khách đi tàu, con tàu sẽ tới ga cuối cùng có tên là “Hạnh Phúc”. Nhưng trên hành trình của nó thì khó khăn quá, mong manh quá, nếu có xảy ra vấn đề gì thì ở bên ngoài cũng chỉ là dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm ấy sẽ không có người đến giúp đỡ. Một mình trước nguy cơ phong ba bão tố, biết tính sao đây.
Tất cả để chỉ sự cô đơn, sự lạc loài khi em dấn thân vào cuộc đời anh. Anh cũng khó lường như đại dương, bình yên đó mà bão tố đó. Đàn ông là một thế giới bí hiểm khôn lường. Vì vậy mà em hoang mang lo lắng khả năng và sức mạnh của mình có vượt qua được hay không.
Khổ thơ này khác với hai khổ thơ đầu. Nếu như hai khổ thơ đầu là sự cân nhắc, đắn đo khi lựa chọn cách thức để đi tìm hạnh phúc thì trong khổ thơ này, những khó khăn, thử thách được đặt liên tục, hết lớp này đến lớp khác, sự khó khăn càng cao hơn, càng chồng chất lên. Đúng vậy, cuộc sống là như thế, có khi nào bình yên.
Em lo âu trước xa tắp đời mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn
Cuộc đời thì dài, những lo toan không khi nào hết. Làm thế nào để giải quyết được hết những khó khăn đó? Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc đó, em không có bạn đồng hành. Có cách nào giúp em vượt qua những khó khăn đó không? “Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn” phản ánh cái tâm trạng hoang mang đến vô cùng, lo lắng đến vô cùng.
Lo lắng chứ không lo sợ, em vẫn tìm cách vượt lên mà không hề có ý định quay lại hay chối bỏ. Em dám đương đầu với mọi hiểm nguy. “Trái tim đập cồn cào cơn đói”. Một sự thúc giục từ bên trong để thoả mãn nhu cầu của mình. Cái đói cũng là cái thiếu, là cái mình cần. Em cần có hạnh phúc, em cần có anh.
Trở lại với hai khổ thơ đầu, nếu trái tim em là vàng, là mặt trời thì biết đâu có thể giải quyết được. Những lo toan vật chất đã có vàng thay thế, khi chỉ cần một ngọn lửa le lói thì đã có hẳn một vầng mặt trời rực rỡ? Nhưng không, tác giả có lí do của mình:
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Dù thế nào em cũng chỉ cần trái tim mình theo đúng nghĩa. Xét về mặt sinh học nó cũng là máu thịt, nếu trái tim ấy ngừng lại thì có nghĩa là cơ thể sẽ chết. Ba câu thơ ấy hàm chứa một sự so sánh. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, họ cũng có trái tim bằng máu thịt, họ cũng phải trải qua những khó khăn thử thách khắc nghiệt rồi họ cũng đến được bến bờ hạnh phúc. Vậy tại sao ta lại không làm được?
Nếu như hai câu đầu trong khổ thơ thứ ba và thứ tư được nhấn mạnh “Em trở về đúng nghĩa trái tim” thì ở khổ thơ này, câu thơ ấy có sự phát triển “Em trở về đúng nghĩa trái tim – em”. Ở hai câu trên là trái tim chung chung còn ở câu thơ đầu trong khổ thơ này, tác giả chỉ rõ “trái tim em”. Trái tim em khác với những trái tim khác ở chỗ “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
Vàng không mua chuộc được, danh vọng không làm mờ mắt, khó khăn vất vả không làm em chùn bước, kể cả khi em không còn sống nữa thì tình yêu yêu em vẫn dành cho anh. Chao ôi! Một trái tim yêu đến như thế chắc chắn là mức độ yêu tuyệt đối, không thể còn có ai yêu mãnh liệt hơn thế. Yêu anh cả khi đã về thế giới bên kia. Một tình yêu sắt son chung thuỷ, yêu như một con chiên ngoan đạo yêu chúa, yêu như là tình yêu máu thịt. Câu thơ đọc lên mà thấy rưng rưng.
Tự hát, tự mình hát lên bài ca về tình yêu, tự mình nói nên nỗi lòng mình, những phút trải lòng của một người đàn bà đã qua những thăng trầm trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc không thể dùng vàng mà mua, không thể dùng hào quang mà chiếm đoạt, hạnh phúc không thể trông chờ vào may rủi, hạnh phúc là chia sẻ, là gánh vác, là trách nhiệm, là một hành trình phải vượt qua những thử thách cam go và yêu cả khi chết đi rồi. Đó chính là tình yêu của Xuân Quỳnh và chính là triết lí về yêu của Xuân Quỳnh.
K.G. Paustopski, nhà thơ Nga đã nói: “Hạnh phúc sẽ tự mất đi khi nào người ta tự thoả mãn về nó. Hạnh phúc sẽ chỉ bền vững khi người ta luôn luôn vươn tới và hoàn toàn khát vọng.” Hãy khát vọng và tìm cách đạt được bằng chính trái tim mình, đó là cách để người ta yêu. Tình yêu làm cho cuộc sống đẹp hơn và đáng sống hơn.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Tự Hát Chọn Lọc
“Nhà thơ có thân phận của mình”. Và điều ấy thật đúng với Xuân Quỳnh. Tâm hồn “đời thường” của Xuân Quỳnh quấn quyện vào tâm hồn thơ làm một, như được in ấn rành rẽ trên trang sách. Chẳng có gì của đời mình mà không được Xuân Quỳnh đưa vào thơ với lòng yêu thương tha thiết: hát ru cho con ngủ, hát về tình yêu, về nỗi nhớ, rồi về cả bàn tay thô ráp của mình.
Ðã có lúc tôi gọi chị là “Người đàn bà hát” bởi đơn giản một điều, thơ chị, dù đời thường đến “cái xô nhựa chậu men” cũng được ấp ủ thành vần, thành điệu, mà lạ kỳ thay, vẫn cứ réo rắt, ngân vang, chứa chan cảm xúc. Xuân Quỳnh yêu đời, trọn vẹn với đời.
“Tự hát” dường như là một bài thơ “điển hình” cho chất phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh: “Dữ dội mà dịu êm- ồn ào mà lặng lẽ”- một Xuân Quỳnh sôi nổi, hổn hển nhựa sống, cũng là một Xuân Quỳnh âu lo, bất thường. Chỉ có điều chị bao giờ cũng hát, như tiếng của đại dương.
Nổi bật lên trong bài thơ là một Xuân Quỳnh đầy thách thức, đầy tự tin:
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Em phủ định cả giá trị bạc vàng, cả cái vĩnh cửu của mặt trời, để cuối cùng trở về với cái riêng Em:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai cũng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Ðọc bài thơ, người ta bắt gặp ở đó một sự đánh đổi, phủ nhận cái vĩnh cửu của vũ trụ để khẳng định cái Vĩnh cửu của tình yêu. Tình yêu chân chính là mãi mãi. Ðó là cái Xuân Quỳnh khác với truyền thống. Xuân Quỳnh không vươn lên tới vũ trụ để chế ngự tình yêu, Xuân Quỳnh “chế ngự” tình yêu bằng chính sự tận tuỵ của mình. Bởi với chị, tình yêu phải là sự thấu hiểu:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Bao giờ em cũng lặng lẽ đi sâu vào tâm hồn anh để nhận thức, để “biết làm sống”, “biết xúc động”, “biết yêu anh”. Ðó là một người thơ luôn vận động, luôn đắm say; đó là một trái tim không ngừng nghỉ với tình yêu để mãi được hoà nhập trong anh. Xuân Quỳnh chính là như thế, lúc nào cũng dịu dàng, lặng lẽ mà không hề bé nhỏ, mà tự tin vfi đã dâng trọn tình yêu và biết “được anh yêu”. Một sự hy sinh không bao giờ oán trách và tuyệt vọng.
Không phải không có lúc Xuân Quỳnh rơi vào hoảng loạn:
Em lạc giữa sâu thẳm rừng anh…
Em lo âu trước xa tắp đường anh…
Bởi vì tâm hồn con người là một bí ẩn, nhưng chị vẫn hát. Tôi cho rằng, bài thơ chính là cuộc tìm đường đi đến tình yêu đích thực. Xuân Quỳnh so sánh với vũ trụ, rồi Xuân Quỳnh lại rơi trong những bất ổn của tâm hồn, để trở về với mình trong nóng hổi một niềm tin, một sự sống, một tin tưởng, ý thức vào sự bất diệt của tình yêu.
“Tự hát” là hát về mình nhưng thực chất là hát về tình yêu của muôn người trong cuộc đời. ấy là lời của trái tim, lời của nồng say. Ðọc một bài thơ, ta gặp một con người. Ðó là một Xuân Quỳnh suốt đời tìm kiếm, nó thể hiện trong sự vận động của từ ngữ, của cấu tứ. Bài thơ sử dụng rất nhiều động từ chỉ sự nhận thức, cấu tứ vận động theo bước chân kiếm tìm chân lý của người thơ, đi từ mênh mông cuộc đời, từ giá trị của vũ trụ, đến cái tôi- giá trị của chính mình.
Bài thơ triết lý mà không khô khan, mạnh mẽ mà không xơ cứng bởi vì trong đó còn chứa rất nhiều tình, rất nhiều chất nữ tính. Bằng nét riêng của mình, Xuân Quỳnh đã lặng lẽ làm một cuộc biến đổi cuộc sống, biến đổi nhận thức trong tình yêu. Thơ ấy làm cho người ta tin hơn cuộc sống.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Tự Hát Ngắn Gọn
Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là một trong những gương mặt thơ nữ xuất sắc nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ tình Xuân Quỳnh có đủ các cung bậc cảm xúc, có vị trí xứng đáng trong lòng độc giả bao nhiêu thế hệ bởi sự giản dị, tinh tế mà cao thượng. Điều đó thể hiện rõ qua “Tự hát” (1984). Bài thơ này có lẽ đượcviết trong tâm trạng dạt dào hạnh phúc của một người phụ nữ đang yêu và được yêu.
Nhan đề “Tự hát” có lẽ đã thể hiện một trạng thái tâm lý hưng phấn của con người, một tâm hồn thơ được “hát” lên về một bản lĩnh đầy tự tin, một trái tim yêu say đắm, một lời ngỏ về tình yêu trọn vẹn hiến dâng, vừa nồng nàn xúc cảm bộc lộ tình yêu vừa sâu sắc trong hành trình tự nhận thức giá trị của tình yêu. Bài thơ là lời bày tỏ tha thiết đắm say những tâm nguyện khi yêu của một người phụ nữ hồn hậu, chân thành.
Xuất phát từ tình yêu sâu sắc và sự tôn trọng với người mình yêu, tác giả lập luận theo hình thức nêu ra giả định để khẳng định cao hơn. Xuân Quỳnh đã mở đầu bài thơ theo cách rất tự nhiên mà độc đáo: “Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/ Trái tim em anh đã từng biết đấy/ Anh là người coi thường của cải/ Nên nếu cần anh bán nó đi ngay”.
Ở đây nhân vật trữ tình muốn khẳng định trái tim yêu của mình không phải là “vàng” quý giá, cũng chẳng là “mặt trời” cao cả, dù hai thứ đó luôn được người đời ao ước, đem ra để định danh tình yêu. Từ “vàng” ở câu thơ có sự luân chuyển sáng tạo từ nét nghĩa ẩn dụ trong tục ngữ (“Một túp lều tranh hai trái tim vàng”) sang tầng nghĩa thực: sự quý giá của tấm lòng, tình cảm sang sự quý giá của bạc vàng, vật chất.
Từ đó, nhà thơ nói lên nguyện vọng chân thành, tha thiết nhất của mình: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết làm sống những hồng cầu đã chết/ Biết lấy lại những gì đã mất/ Biết rút gần khoảng cách của yêu tin”. Và còn đây nữa: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết khao khát những điều anh mơ ước/ Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu”.
Đáng lưu ý là câu thơ “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” được lặp lại tới ba lần cùng với điệp ngữ “trái tim” tới bảy lần không phải là ngẫu nhiên mà có dụng ý rõ rệt nhằm nhấn mạnh: Trái tim phụ nữ khi yêu hãy biết sẻ chia, đồng cảm, dâng hiến và hi sinh cho tình yêu cao thượng nhưng đừng làm nô lệ cho tình yêu mù quáng.
Tình yêu và hôn nhân không chỉ có tri ân mà còn cần sự tôn trọng, không chỉ là sự hi sinh mà phải có cả sự quan tâm, thấu hiểu từ hai phía. Vì vậy, người phụ nữ không chỉ “khao khát điều anh mơ ước” mà còn cần biết sống với bản ngã thực của mình.
Bằng sự nhạy cảm của một trái tim phụ nữ từng trải, phần sau của bài thơ là những âu lo, dự cảm về những thách thức trên đường đời: “Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn. Em trở về đúng nghĩa trái – tim – em/ Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/ Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
Bạn đọc không thể ngờ linh cảm của nhân vật trữ tình qua những câu thơ trên lại đúng đến thế! Tai nạn giao thông thảm khốc ở Hải Phòng 8/1988 đã cướp đi sinh mạng của cả một gia đình nghệ sỹ. Xuân Quỳnh (cùng người chồng Lưu Quang Vũ và người con Lưu Quỳnh Thơ) tuy mất đi nhưng những bài thơ thể hiện những giá trị và phong cách riêng của nữ thi sỹ sẽ sống mãi.
Điều này bắt nguồn bởi chính tính cách luôn sống hết mình, thẳng thắn, rõ ràng từ trong cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ. Bài thơ “Tự hát” được đánh giá là một trong những thi phẩm hay, rất giàu nữ tính và thật đậm chất Xuân Quỳnh chính vì lẽ đó.
Hướng dẫn soạn bài 🔰Tiếng Gà Trưa [Xuân Quỳnh]🔰Nội Dung, Ý Nghĩa
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Tự Hát Ngắn Hay
Xuân Quỳnh (1942-1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ đời đầu của làng thơ hiện đại Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà là một trong những nhà thơ để lại dấu ấn sâu sắc nhất đối với độc giả nhờ vào những bài thơ gần gũi bình dị và đi sâu vào lòng người.
Một số tác phẩm gây nên tiếng vang của bà đó là: Sóng, tự hát, thuyền và biển,… Và một trong số đó phải kể đến đó chính là bài thơ tự hát, đây là bài thơ có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của tác giả mang đậm chất Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về một trái tim yêu của một cô gái trong những buổi chiều Cách Mạng cực kỳ gian khó.
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
….
Mà lòng anh xa cách với lòng em.
8 câu thơ đầu là lời của một người phụ nữ đang trong giai đoạn yêu đương cực kỳ nồng nhiệt và say đắm. Tuy nhiên cùng với đó là sự thấp thỏm lo âu về những buồn bực và cực nhọc do người mình yêu thay lòng đổi dạ và cũng là sự bất lực của trái tim của một cô gái đa cảm.
Đoạn thơ nói lên trạng thái hưng phấn của một con người, tự hát lên chính khúc hát của cuộc đời mình một cuộc đời đầy thách thức nhưng vẫn sẽ cứng cỏi vượt qua.
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Cô gái trong bài thơ như muốn nói trái tim của cô không phải là vàng cũng chẳng phải là mặt trời ở trên cao để dẫn đến sự xa cách và chi lìa giữa lòng anh và lòng em.
Nỗi niềm nhớ nhung da diết ngày đêm giày vò người phụ nữ nhưng trái ngược với nỗi nhớ của cô thì chàng trai lại dửng dưng vô cảm.
“ Em trở về đúng nghĩa trái tim
…
Biết yêu anh và biết được anh yêu”
Nếu 2 khổ thơ trên là nỗi nhớ là tình yêu da diết của người nữ dành cho người nam nhưng không được hồi đáp thì 2 khổ thơ dưới lại hoàn toàn đối lập lại.
Người con gái đã trở về với đúng nghĩa trái tim một trái tim khi yêu rất nồng say tuy nhiên vẫn rất tỉnh táo và đủ thông minh biết cách đạt được những điều mình muốn chứ không phải ngồi im nhìn người mình thương và chỉ biết nhớ nhung da diết.
Cô gái muốn khẳng định lại một lần nữa là tình yêu phải đến từ 2 phía để biết yêu anh và biết được anh yêu cả 2 đều đồng lòng và tự nguyện thì đó mới chính là một tình yêu vĩnh cửu.
“Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
…
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”
Khổ thơ này như là một lời dự báo tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi theo thời gian. lo lắng về tình yêu sẽ không được trọn vẹn sẽ gặp nhiều bất trắc. Mùa thu năm nay bão giông sao nhiều quá. Hơn nữa những cửa sổ và những con tàu lại chẳng đóng. Tất cả đều mang một màu u tối.
Em đã bị lạc mà không phải là lạc bình thường mà là lạc loài, cảm giác buông thõng, bất lực của cô gái khi chính bản thân mình đang lạc loài giữa lòng anh, giữa bao người đối với anh thì cô chẳng là gì cả.
“ Em lo âu trước xa tắp đường mình
…
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”
Cô gái bắt đầu lo âu rất nhiều về chuyện tình của mình khi mà đường đi đến cuộc tình giờ đây rất xa thẳm. Bởi vì sự lo lắng ấy mà trái tim cô đập liên tục và cồn cào.
Biện pháp nhân hóa, tác giả muốn nói trái tim không thể nói và tái tim đập như trong cơn đói. Điều này cho thấy mức độ dồn dập của tình yêu. Cô gái đang cực kỳ khó chịu và lo lắng trước tình yêu của chàng trai.
Em trở về với đúng nghĩa trái tim em
…
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
Trái tim yêu của cô gái chính là một trái tim mãnh liệt, cô chính là cô khi yêu vẫn tỉnh táo và biết được mình đang làm gì và như thế nào cô mong muốn được sống và được mất với tình yêu của mình. Trái tim yêu của cô như là một quy luật của tự nhiên, cô có thể sống hoặc có thể chết duy chỉ có trái tim là vẫn mãi đập vì anh để khẳng định lại một lần nữa tình yêu đẹp và vĩnh cửu của mình.
Với hình ảnh gần gũi bình dị, bài thơ đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người nhờ vào ngữ điệu vừa dịu dàng da diết lại mạnh mẽ dứt khoát và quyết liệt biết bao nhiêu. Giọng thơ phong phú tác giả đã thành công khơi gợi lên một tình yêu đầy lo âu tuyệt vọng của một người con gái mang lòng thương với một người con trai mà lòng chẳng hướng về mình. Đây là một bài thơ khẳng định tình yêu vĩnh cửu không thay lòng đổi dạ dù là có chết đi chăng nữa