Bài Thơ Ngày Em Vào Đội [Nội Dung + Cảm Nhận]

Bài Thơ Ngày Em Vào Đội ❤️️ Nội Dung + 4 Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Ngày Em Vào Đội Hay Nhất ✅ Bài Thơ Đã Diễn Tả Được Niềm Vui Sướng Hân Hoan Của Một Đội Viên Mới Được Kết Nạp.

Nội Dung Bài Thơ Ngày Em Vào Đội

Bài thơ Ngày em vào Đội
Tác giả: Xuân Quỳnh

Chị đã qua tuổi Đoàn
Em hôm nay vào Đội
Màu khăn đỏ dắt em
Bước qua thời thơ dại

Màu khăn tuổi thiếu niên
Suốt đời tươi thắm mãi
Như lời ru vời vợi
Chẳng bao giờ cách xa

Này em, mở cửa ra
Một trời xanh vẫn đợi
Cánh buồm là tiếng gọi
Mặt biển và dòng sông

Nắng vườn trưa mênh mông
Bướm bay như lời hát
Con tàu là đất nước
Đưa ta tới bến xa

Những ngày chị đi qua
Những ngày em đang tới
Khao khát lại bắt đầu
Từ màu khăn đỏ chói.

Tặng bạn trọn bộ🍃Thơ Xuân Quỳnh 🍃Tuyển tập thơ

Ý Nghĩa Bài Thơ Ngày Em Vào Đội

Đây là một bài thơ ca ngợi niềm vui sướng và hân hoan của một đội viên mới được kết nạp vào Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh. Ý nghĩa bài thơ Ngày Em Vào Đội có thể được phân tích như sau:

  • Bài thơ thể hiện sự tự hào và sung sướng của người chị gái khi đứa em thương yêu đã được vào Đội, bước qua thời thơ dại, bắt đầu một hành trình mới với màu khăn đỏ tuổi thiếu niên
  • Bài thơ cũng thể hiện sự gắn kết và đoàn kết của các đội viên với nhau, với quê hương, đất nước và dân tộc.
  • Bài thơ cũng thể hiện sự khát khao và ước mơ của các đội viên về một tương lai tươi sáng, hạnh phúc. Bài thơ sử dụng nhiều hình ảnh, so sánh, ẩn dụ, tu từ để tạo nên sự sinh động, hùng tráng và cảm xúc cho bài thơ. Ví dụ, hình ảnh “trời xanh”, “cánh buồm”, “mặt biển”, “dòng sông”, “nắng vườn trưa”, “bướm bay”, “con tàu”, “bến xa” đều gợi lên sự mở rộng, mênh mông, tươi đẹp và hấp dẫn của thế giới bên ngoài, đang chờ đón các đội viên khám phá và chinh phục .

Tặng bạn 👉 Chùm Thơ Về Đoàn Hay Nhất

4 Bài Cảm Nhận Về Bài Thơ Ngày Em Vào Đội

Sau đây là văn mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Ngày Em Vào Đội Ngắn hay nhất mà thohay.vn đã chọn lọc giúp cho các em làm tài liệu tham khảo hữu ích cho kỳ thi sắp tới.

Cảm Nhận Về Bài Thơ Ngày Em Vào Đội Hay

Xuân Quỳnh (1942-1988) không chỉ nổi tiếng với những bài thơ tình (Sóng, Thuyền và biển, Hoa cúc xanh, Mùa hoa doi,…), mà nữ sĩ còn có nhiều bài thơ được thiếu niên, nhi đồng yêu thích (Tuổi ngựa, Chuyện cổ tích về loài người, Lời ru của mẹ, Tiếng gà trưa, Ngày em vào Đội, v.v…).

Bài thơ “Ngày em vào Đội” vừa thể hiện niềm vui sướng tự hào của người chị đối với em thơ, vừa nói lên những ước mơ đẹp đẽ của các em thiếu niên nhi đồng, thế hệ tương lai của dân tộc.

Hai khổ thơ đầu nói về chuyện đứa em nhỏ thương yêu đã được vào Đội. Chị gái như sống lại tuổi thơ của mình, sung sướng vì cảm thấy đứa em đã khôn lớn:

Màu khăn đỏ dắt em
Bước qua thời thơ dại.
Màu khăn tuổi thiếu niên
Suốt đời tươi thắm mãi.

Hai khổ thơ 3, 4 tiếp theo có hình tượng đẹp và giàu ý nghĩa. Lời chị khuyên em sâu lắng, thiết tha:

Này em, mở cửa ra
Một trời xanh vẫn đợi
Cánh buồm là tiếng gọi
Mặt biển và dòng sông.

Em hãy “mở cửa ra” nghĩa là mở rộng cửa tâm hồn để cảm nhận và đón nhận mọi chân trời xa xôi, mọi không gian mênh mông, tươi đẹp. Là “trời xanh”, “mặt biển”, là “dòng sông”. Tất cả đều ở phía trước đã và đang “vẫn đợi”, đã và đang cất “tiếng gọi” lên đường.

Phía trước thật kì diệu. Hãy mơ ước và nuôi dưỡng khát vọng lên đường. Lời thơ đẹp được liên kết bằng nhiều ẩn dụ, tượng trưng. Vào đội và trên đường đi tới tương lai là vươn tới hạnh phúc:

Nắng vườn trưa mênh mông
Bướm bay như lời hát
Con tàu là đất nước
Đưa ta tới bến xa…

“Nắng vườn trưa”, “bướm bay”, “con tàu”, “bến xa” là những sáng tạo nghệ thuật đầy chất thơ nói về ước mơ và khát vọng của các đội viên thiếu niên tiền phong với màu khăn đỏ “Suốt đời tươi thắm mãi”.

Khổ thơ cuối nói lên đôi điều tâm tư của chị gái. Em vào Đội mà chị sung sướng bồi hồi như được sống lại tuổi thơ đẹp của mình. Hãy sống với bao “khao khát”. Chị muốn được đồng hành cùng em, hăm hở vươn tới Ngày mai:

Những ngày chị đi qua
Những ngày em đang tới
Khao khát lại bắt đầu
Từ màu khăn đỏ chói.

Bài thơ “Ngày em vào Đội” là bài ca giàu ý vị nói về ước mơ đẹp, khát vọng đẹp của tuổi thơ, của thiếu niên nhi đồng.

Tuyển tập ❤️️ Thơ Về Chủ Đề Thực Vật ❤️️ hay nhất cho bé

Phân Tích Bài Thơ Ngày Em Vào Đội Ngắn Hay

“Ngày em vào Đội” là một bài thơ rất hay và ý nghĩa của tác giả Xuân Quỳnh, nhiều năm liền được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa bậc tiểu học, vì thế rất quen thuộc với nhiều thế hệ bạn nhỏ.

Để được kết nạp vào Đội, các bạn học sinh cần phải chăm chỉ học tập, ngoan ngoan, lễ phép và đoàn kết với bạn bè. Vào Đội sẽ khiến các bạn nhỏ trưởng thành hơn. Vì thế, bài thơ “Ngày em vào Đội” không chỉ thể hiện niềm vui sướng tự hào của người chị đối với em thơ, mà còn nói lên những ước mơ đẹp đẽ, khát vọng đẹp của tuổi thơ, của thiếu niên nhi đồng, thế hệ tương lai của dân tộc.

Người chị đã chia sẻ với em niềm vui, ước mơ của người Đội viên qua những hình ảnh: trời xanh, cánh buồm, mặt biển, dòng sông, nắng trưa, bướm bay, con tàu, v.v… Thông qua những lời lời nhắn nhủ ấy, người em sẽ cảm nhận được niềm tin, sự mong mỏi của chị dành cho mình.

Cảm Nhận Bài Thơ Ngày Em Vào Đội Ngắn Gọn

Bài thơ Ngày em vào Đội đã diễn tả được niềm vui sướng và hân hoan của một đội viên mới được kết nạp.  Bài thơ với từ ngữ giản dị, mộc mạc đã thể hiện được niềm vui ấy.

Màu khăn đỏ đội viên không chỉ dìu dắt những đội viên đi qua những năm tháng ngây thơ hồn nhiên mà còn có ý nghĩa lớn lao. Hình ảnh so sánh “như lời ru vời vợi, chẳng bao giờ cách xa” đã nhấn mạnh được ý nghĩa tốt đẹp êm đềm của khăn quàng đội viên. Khi người đội viên mở cánh cửa tương lai, phía trước là cả một thế giới tốt đẹp, bao la và rộng lớn.

Ở đó có bầu trời xanh, tiếng gọi cánh buồm, mặt biển, dòng sông, nắng trưa trong vườn, bướm bay,… Hình ảnh ở những dòng thơ cuối là những hình ảnh đẹp:

“Những ngày chị đi qua  
Những ngày em đang tới
Khao khát lại bắt đầu  
Từ màu khăn đỏ chói”.

Từ chiếc khăn quàng đội viên, chị và em cùng nhau xây đắp tương lai, vun đắp khát vọng và đi đến chân trời rộng mở phía trước. Đất nước được xây dựng từ những người đội viên ưu tú – chủ nhân tương lai của đất nước.

Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️ Bài Thơ Khế ❤️️ Nội Dung, Hình Ảnh, Giáo Án

Cảm Nhận Về Bài Thơ Ngày Em Vào Đội Hay Nhất

Không chỉ là thi sĩ của những cảm thức đầy nữ tính sâu lắng về tình yêu, Xuân Quỳnh còn là một nhà thơ quen thuộc của thiếu nhi. Thơ của Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi vừa có sự trong trẻo tinh khôi của cảm xúc vừa đầy ắp trí tuệ và lòng nhân hậu dịu dàng của người mẹ, người chị.

Lựa chọn thể thơ ngũ ngôn quen thuộc, ngắn gọn và dễ nhớ. Bài thơ chỉ gồm 5 khổ, mỗi khổ có bốn câu thơ nhưng chứa đựng cảm xúc tha thiết về sự kiện quan trọng của tuổi nhỏ – trở thành Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Chiếc khăn quàng đỏ nhỏ bé trở thành biểu tượng, vật chứng cho sự trưởng thành đầy tự hào ấy.

Chị đã qua tuổi Đoàn
Em hôm nay vào Đội
Màu khăn đỏ dắt em
Bước qua thời thơ dại

Câu thơ mở ra một không gian gần gụi, thân mật của tình cảm chị em. Chọn ngôi xưng là Chị, Xuân Quỳnh mượn lời tâm tình thủ thỉ của người đi trước với người tiếp nối theo sau, của người chị mến thương với em tuổi nhỏ về sự chuyển giao, dấu mốc lớn lao trong giai đoạn niên thiếu: Chị đã qua tuổi Đoàn/ Em hôm nay vào Đội.

“Chị đã qua tuổi Đoàn” tức là chị đã lớn, đã trưởng thành, chín chắn về nhận thức, tư tưởng, tình cảm. Có thể chị đã là sinh viên, Đảng viên… đã đi qua những năm tháng vô tư hồn nhiên của thời học sinh. Cụm từ “đã qua” như vẫn phảng phất niềm nuối tiếc, ước ao sống lại thời tuổi nhỏ. Bởi trong sự “đã qua” ấy gói ghém biết bao điều: những ước mơ, những kỉ niệm vui buồn; những thầy cô, bạn bè; những tháng ngày náo nức… của chị.

Nhìn chiếc khăn thắm trên vai em, người chị sống dậy với tuổi niên thiếu đầy ắp kỉ niệm và ước mơ. Chiếc khăn trở thành cầu nối để chị giãi bày, sẻ chia và gửi trao tình cảm cho người em nhỏ.

Câu thơ thứ 2 hướng đến một sự chuyển biến, thay đổi quan trọng với Em: Em hôm nay vào Đội. Hôm nay, Em đã bắt đầu tiếp nối, bước đi trên chặng đường “đã qua” của chị. Đây là dấu mốc quan trọng trong tuổi học sinh Cấp 1 của Em. Từ hôm nay, em đã chính thức là Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đứng cùng đội ngũ các bạn là nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng hậu bị tin cậy của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Cách nói “vào Đội” thật thân mật gần gũi mà vẫn chan chứa niềm tự hào của Chị về Em. Một giai đoạn mới đã bắt đầu với người em bé bỏng ngày nào của Chị. Chứng kiến sự trưởng thành ấy, Chị không khỏi xúc động, bồi hồi. Không khí trang trọng, xúc động của Lễ kết nạp Đội viên như thước phim quay chậm từ từ sắc nét trong tâm khảm người Chị.

Ngày ấy, cũng như “Em hôm nay” chị hạnh phúc biết bao khi được gắn lên ngực huy hiệu Măng non, quàng trên vai chiếc khăn thắm đỏ, miệng hô vang khẩu hiệu “Sẵn sàng”. Phút giây ấy, chị đã từng nghẹn ngào đến trào nước mắt…

Đồng hành với mỗi Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là chiếc khăn màu đỏ thắm. Màu đỏ của lá cờ Tổ Quốc, màu của lý tưởng bỗng thân thiết gần gũi như bàn tay yêu thương của thầy cô, cha mẹ dìu dắt em đi qua thời ngây thơ tuổi nhỏ. Nghệ thuật nhân hóa biến hai cánh của chiếc khăn đỏ thành đôi bàn tay trí tuệ và thương yêu, thành đôi cánh nâng đỡ ước mơ và khát vọng của em.

Màu đỏ cứ thủy chung bền bỉ “tươi thắm mãi” cùng thời gian, cùng kỉ niệm. Hình ảnh so sánh: “Như lời ru vời vợi” nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của màu khăn quàng. Đây cũng là hình ảnh liên tưởng rất đẹp của nhà thơ. Màu thắm tươi bề bỉ sắt son thiêng liêng, gần gũi thân thương như lời ru bên cánh võng, như tiếng hát đưa nôi của mẹ, của bà.

Tính từ “vời vợi” diễn tả sắc thái mênh mang sâu thẳm của lời ru. Đó là những vui buồn, ước vọng lấp lánh từ cuộc đời còn nhiều vất vả kết tinh thành thơ thành nhạc, thành lời ru đậm đà tình nghĩa. Lời ru là ấn tượng đậm sâu trong tâm thức của chị đã trở thành thước đo chiều dài từ hiện tại đến quá khứ, đo sự bền bỉ thắm sắc của chiếc khăn như lời thề hứa không phai. Thanh âm “vời vợi” cứ thiết tha vấn vít gắn bó mãi với cuộc đời ta như cách nói khẳng định:“Chẳng bao giờ cách xa”.Từ màu khăn thắm, từ khi trở thành Đội viên bao điều mới mẻ đang chào đón, vẫy gọi Em.

Hai khổ thơ sau nói lên điều đó:

Này em, mở cửa ra
Một trời xanh vẫn đợi
Cánh buồm là tiếng gọi
Mặt biển và dòng sông

Nắng vườn trưa mênh mông
Bướm bay như lời hát
Con tàu là đất nước
Đưa ta tới bến xa

Câu thơ “Này em, mở cửa ra” có giọng điệu của sự thôi thúc, hối hả như kêu gọi, giục giã đầy gấp gáp. Cách nói “mở cửa ra” chính là ẩn dụ mở cánh cửa tâm hồn, cánh cửa trí tuệ, cánh cửa trái tim. Em hãy mở lòng mình, tâm hồn mình để cảm nhận sự đẹp đẽ, rộng lớn, vĩnh cửu của thiên nhiên, đất nước, cuộc đời. Ở nơi ấy, ngay sau cánh cửa “Một trời xanh vẫn đợi”.

Một loạt cách hình ảnh: Trời xanh, cánh buồm, dòng sông, mặt biển, nắng vườn, bướm bay, bến xa… vừa gợi vẻ phong phú kì ảo rộng lớn của thế giới tự nhiên vừa ẩn dụ cho những điều đẹp đẽ, mới mẻ đầy khát khao mà em sắp được nâng cánh khám phá khi vào Đội. Bởi Em đã lớn hơn, đã trưởng thành, đã ý thức về sứ mệnh với bản thân, bạn bè, gia đình, quê hương, cuộc sống. Các em chính là tương lai tươi sáng của Đất nước, Nhân loại.

Hình ảnh Cánh buồm trong câu thơ gợi liên tưởng Cánh buồm đỏ thắm và những ước mơ đẹp của cô bé Axon trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nga Aleksandr Grin. Cánh buồm ở đây mang tính biểu tượng, ẩn dụ cho khát vọng lên đường, đi xa. Không gian ngoài kia, từ dòng sông gần gũi đến biển khơi rộng lớn đang vẫy gọi Em.

Tiếng gọi mạnh mẽ tha thiết từ cánh buồm đang thôi thúc Em bước đến với hành trình cảm nhận, trải nghiệm và khám phá những chân trời mới rộng mở của trí tuệ, cuộc đời. Bức tranh cuộc sống ngoài kia bỗng trở nên sinh động với đầy những hình ảnh màu sắc và âm thanh rộn rã:

Nắng vườn trưa mênh mông
Bướm bay như lời hát.

Khu vườn đẹp đẽ ngoài kia chính là khu vườn tâm hồn, tình cảm của em sau khi vào Đội. Khu vườn ấy ngập tràn ánh sáng sắc hương, hòa thơ hòa nhạc. Nắng trưa là nắng ở cường độ sáng chói nhất, soi rọi tỏa chiếu xuống khu vườn. Đó cũng là ánh sáng của lí tưởng soi chiếu tâm hồn, tư tưởng khiến nó ngời lên vẻ đẹp phong phú có hình sắc có điệu hồn. Hình ảnh so sánh: Bướm bay như lời hát gợi vũ điệu múa lượn dập dờn, nhịp nhàng, quyến rũ bên hoa thơm.

Lấy yếu tố hữu thanh vô hình “Lời hát” để diễn tả vẻ đẹp hữu hình “bướm bay”, Xuân Quỳnh đã lan tỏa vào tâm hồn người đọc niềm say sưa, hân hoan ngập tràn. Hình sắc như gọi dậy âm thanh. Cánh bướm bay đến đâu, âm thanh lời hát như ngân nga tỏa lan đến đó.

Sự tương giao kì diệu của ánh sáng, hình ảnh, vận động và thanh âm gợi sự phong phú đẹp đẽ của tâm hồn con người được soi sáng ở nhận thức, lí tưởng. Vấn đề thuộc về lí trí, nhận thức vốn khô khan, cứng nhắc được hữu hình hóa đẹp đẽ đầy nữ tính và giàu chất thơ.
Trên hành trình lớn vượt sông dài ra biển rộng ấy, Đất nước hóa thành con tàu lớn vững chãi và bao dung: Đưa ta tới bến xa.

Câu thơ ngắn gọn mà chứa đựng nhiều suy tưởng. Không còn là Chị, là Em mà là Ta. Ta là đại từ nhân xưng ngôi một số nhiều, có thể là chị và em, cũng có thể là tất cả mọi người trong cùng một dân tộc, đất nước. Lời thơ giản dị nhưng ý thơ thấm thía. Quê hương, đất nước vun đắp cho ta thật nhiều những giá trị vật chất và tinh thần; nuôi nấng bao bọc ta từ thơ ấu nay khi ta lớn lên lại chở ta đi, đưa ta cập tới những “bến xa”. Ẩn dụ “bến xa” gọi nhiều liên tưởng phong phú.

Đó có thể là bến bờ của tự nhiên, của tri thức, ước mơ, hoài bão. Đó cũng có thể là bến bờ của những điều mới mẻ vượt ra khỏi giới hạn mà con người chưa khám phá. Trên con tàu Đất Nước vững chãi lớn lao, Ta vượt qua những khó khăn, thử thách, những ranh giới, cập đến nhiều bến bờ khát khao. Ta được bay cao bay xa đến những chân trời vẫy gọi. Nhà thơ Xuân Diệu cũng từng có hình dung tưởng tượng đẹp đẽ như vậy về Con tàu Đất Nước: Tổ Quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau.

Cảm xúc đạt đến độ dâng trào thông qua hệ thống hình ảnh đẹp đẽ ở khổ 3,4 đã lắng xuống và khép lại ở khổ thơ cuối. Vẫn trở lại là điệu tâm tình thủ thỉ:

Những ngày chị đi qua
Những ngày em đang tới

Phép điệp từ ngữ, cấu trúc câu kết hợp với đối lập “Đi qua/đang tới” tạo nên sự tiếp nối, liên tiến của thời gian. Thời gian vừa như được tính đếm cụ thể bằng ngày với độ dài về lượng vừa gợi sự bắt đầu, tiếp nối, đổi thay và trưởng thành của con người. Ở người chị, có thể nhận thấy độ chín của nhận thức, cảm xúc khi nhìn lại “Những ngày chị đi qua”.

Cái nhìn soi mình lại quá khứ, chiêm nghiệm và cảm nhận những bài học lớn đã hun đúc, tạo tác nên mình trong ngày hôm nay. Cái nhìn lại không buồn bã, nuối tiếc mà tự hào, vui sướng. Hạnh phúc hơn vì trên hành trình Chị đã bước qua, có Em đang tới. Sự tiếp nối giữa hai thế hệ như cây cối mọc trong vườn nhà thân quen, trong rừng già đất nước rộng lớn. Cây cổ thụ, cây trưởng thành tiếp sức cho mầm xanh mạnh mẽ vươn cao. Em hôm nay là hiện thân của Chị hôm qua. Và cứ thế:

Khao khát lại bắt đầu
Từ màu khăn đỏ chói…

Bài thơ mở đầu và kết thúc bằng cùng một hình ảnh “màu khăn đỏ” tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng vòng tròn. Nhưng kết lại bằng hình ảnh gây ấn tượng mạnh hơn: “màu khăn đỏ chói”. Ấn tượng đặc biệt về màu sắc được nhấn mạnh và tô đậm trong từ “ chói” chứa thanh trắc như vút bay lên. Màu đỏ tươi rực rỡ của khăn thắm đang ngời lên vai em dưới ánh nắng mùa thu tháng Tám tựu trường cũng có thể là sắc màu của tâm tưởng và kỷ niệm hòa điệu.

Chiếc khăn nối quá khứ “Những ngày chị đi qua” đến hiện tại Những ngày em đang tới và cả tương lai sẽ đến những “bến xa”. Hiện tại và quá khứ đang nối tiếp rồi đan cài trùng khít và ánh chiếu sáng rực cả không gian bài thơ. Tất cả đang chói ngời đầy khát khao, tự hào và rực màu hy vọng. Bài thơ khép lại nhưng mở ra niềm tin về tương lai được kiến tạo bởi lớp Măng non, được đắp xây bởi tuổi trẻ. Tất cả đang mạnh mẽ bắt đầu Từ màu khăn đỏ chói.

Xem thêm chùm thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh:

Viết một bình luận