Bài Thơ Mẹ Của Anh [Xuân Quỳnh] ❤️️ Nội Dung, Cảm Nhận, Phân Tích ✅ Gợi Ý Cách Đọc Hiểu Tác Phẩm, Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Nghệ Thuật Bài Thơ.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Mẹ Của Anh Của Xuân Quỳnh
Nội dung bài thơ Mẹ của anh của Xuân Quỳnh là bài thơ tặng mẹ chồng hay nhất trong nền thi ca Việt Nam hiện đại ngày nay. Bài thơ được nhiều người yêu thích vì lời thơ chân tình, mộc mạc, chất thơ đằm thắm, ý thơ ý nhị mà sâu xa.
Mẹ của anh
Tác giả: Xuân Quỳnh
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh, mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Truyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
Nào là hoa bưởi, hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa…
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu tự những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Tham khảo thêm thông tin về🍃Thơ Xuân Quỳnh 🍃Tác Giả, Tác Phẩm
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Mẹ Của Anh
Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mẹ của anh chính là vào thời điểm trước khi Xuân Quỳnh về làm dâu bà Vũ Thị Khánh (mẹ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) năm 1973. Cả bài thơ là lời thủ thỉ tâm tình như lời ru, với giai điệu chủ đạo là ngợi ca, tự hào và biết ơn mẹ của cô con dâu Xuân Quỳnh.
Xem thêm 👉 Chùm Thơ Xuân Quỳnh Về Tình Yêu Và Nổi Nhớ
Ý Nghĩa Bài Thơ Mẹ Của Anh
Bài thơ Mẹ của anh thể hiện sự thấu hiểu và tình yêu thương, quý trọng của người con dâu dành cho mẹ của chồng. Nhờ có mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc mà người chồng mới trở thành một người tốt đẹp như hôm nay. Qua bài thơ, ta thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên thật đẹp biết mấy.
Đọc thêm ❤️️Những Bài Thơ Hay Về Mẹ Của Xuân Quỳnh ❤️️Những Bài Hay Nhất
Nghệ Thuật Bài Thơ Mẹ Của Anh
Điểm qua một số đặc sắc nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ Mẹ của anh của cố thi sĩ Xuân Quỳnh.
- Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát.
- Lời thơ hết sức mộc mạc, giản dị, tự nhiên.
- Hình ảnh thơ rất gần gũi với người đọc.
- Sử dụng biện pháp đối lập ở các câu thơ để tôn vinh công ơn của mẹ
Gợi ý soạn bài 🔰Tiếng Gà Trưa [Xuân Quỳnh] 🔰Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
5+ Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Mẹ Của Anh Hay Nhất
Sưu tầm gửi tới bạn đọc một số mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Mẹ của anh hay nhất.
Xem thêm chùm thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh:
- Bài Thơ Con Yêu Mẹ Của Xuân Quỳnh
- Bài Thơ Có Một Thời Như Thế
- Bài Thơ Lời Ru Của Mẹ
- Bài Thơ Vì Sao
- Lời Ru Trên Mặt Đất
- Bài Thơ Trời Xanh Của Mỗi Người
- Bài Thơ Ngày Em Vào Đội
- Chuyện Cổ Tích Về Loài Người
- Bài Thơ Con Chả Biết Được Đâu
Phân Tích Bài Thơ Mẹ Của Anh Hay
” Mẹ của anh” – bài thơ có đề tài chạm đến một vấn đề rất quen thuộc trong đời sống của phụ nữ chúng ta. Đề tài viết về mẹ, nhưng là mẹ của một nửa kia. Bài thơ thật ấm áp và chan chứa nghĩa tình.
Ngay từ khổ thơ đầu tiên nhà thơ đã tâm tình với chúng ta những điều vô cùng có ý nghĩa:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Mẹ không phải của riêng anh đâu, mẹ là của chung chúng mình đấy. Mẹ tuy không đẻ không nuôi em nhưng em ơn mẹ suốt đời vì nhờ có mẹ em mới có anh. Mà sự hàm ơn ấy suốt cả cuộc đời em trả mẹ cũng chưa xong. Lí lẽ của Xuân Quỳnh thật giản dị và đúng như chân lí.
Những câu thơ tiếp theo Xuân Quỳnh điểm lại những nỗi vất vả truân chuyên trong cuộc đời của mẹ bằng một sự cảm thông rất sâu sắc:
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Ngày xưa mẹ cũng từng nhan sắc như bao người con gái khác, nhưng vì thức bên anh qua từng cơn đau nên giờ đây tóc mẹ đã bạc trắng. Cách viết rất hay với biện pháp đối lập Xuân Quỳnh đã tôn vinh công ơn của mẹ, và người đọc sẽ thấu hiểu sâu sắc vô cùng một điều mà ai cũng biết nhưng đôi lúc lại lãng quên:
“Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen”.
Cuộc sống nhiều vất vả của mẹ cũng được tái hiện qua những hình ảnh quen thuộc: con đường dốc nắng, chợ xa gánh nặng. Mẹ tảo tần sớm khuya để anh khôn lớn, để bây giờ em có anh chính vì lẽ đó mà:
” Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao”.
Xuân Quỳnh thật đằm thắm và tình nghĩa khi viết những câu thơ trên. Em thương anh em cũng thương từng bước chân của mẹ đã từng lặn lội năm xưa.
Thời gian trôi qua, anh đã thành nhà thơ, bóng dáng của mẹ có trong thơ anh, trong sự trưởng thành của anh:
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Ở đây ta bắt gặp những lí thuyết khoa học rất quen thuộc: Di truyền học và Môi trường học. Mẹ di truyền cho anh nguồn gen của mình để anh có cái tinh tế, thông minh của một nhà thơ. Mẹ tạo ra môi trường để anh phát triển được tài năng của mình. Vì thế:
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Đừng dối mẹ nhé anh. Dù là dối mẹ để yêu em. Lời khuyên là sự hi sinh của người con gái nhưng sự hi sinh ấy thể hiện nhân cách rất đẹp của người con gái ấy. Xuân Quỳnh không chỉ là nhà thơ viết bằng cảm xúc mà chị còn viết bằng trí tuệ và hiểu biết, điều này lí giải tại sao thơ Xuân Quỳnh có sức sống lâu bền đến thế.
Xuân Quỳnh bằng tình cảm và trí tuệ đã chỉ rõ tình cảm của mẹ đối với mình- nàng dâu:
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Mẹ không ghét bỏ em, em biết rõ điều đó. Em yêu anh nên em đã làm dâu của mẹ. ” Dâu là con” và em đã là con của mẹ. Thật chí lí và sâu sắc.
Từ tình cảm với mẹ Xuân Quỳnh nghĩ về tình yêu của mình:
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Em xin được hát tiếp lời ca của mẹ để ru anh sau bao nỗi lo âu nhọc nhằn của cuộc đời. Tình yêu của chúng mình thật nhỏ nhoi giữa không gian mênh mông và cuộc đời rộng lớn, giữa biếc xanh của hoa cỏ , núi sông và đặc biệt cũng thật nhỏ bé so với lòng thương yêu vô bờ bến của mẹ.
Hai câu kết của bài thơ thật giản dị mà sâu lắng:
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Từ những nhọc nhằn, từ những chắt chiu của ngày xa xưa mẹ đã sinh anh cho em, chính vì vậy mẹ là ân nhân vĩ đại nhất của cuộc đời em. Anh yêu em bao nhiêu, anh tuyệt vời bao nhiêu, em càng ơn mẹ bấy nhiêu. Tình yêu của em giành cho anh tỉ lệ thuận với tình cảm em giành cho mẹ. Có còn gì xúc động hơn tấm lòng của con dâu giành cho mẹ ở những câu thơ này.
Trong ” truyền kỳ mạn lục”, Nguyễn Dữ cũng đã viết về một người con dâu hiếu thảo là nàng Vũ Nương. Nàng đã thay chồng chăm mẹ trong những năn tháng chồng đi chinh chiến vô cùng chu đáo. Chính mẹ chồng nàng đã nói với nàng rằng : trời xanh kia không bao giờ phụ lòng tốt của con. Rồi nàng Cúc Hoa trong vở chèo ” Tống Trân – Cúc Hoa” đã lấy thịt của mình cho mẹ chồng ăn qua cơn đói khi bị lạc trong rừng.
Từ những câu chuyện cảm động đó ta thấy bài thơ ” Mẹ của anh” của Xuân Quỳnh không phải chỉ thể hiện tấm lòng của nhà thơ mà còn là bài học đạo đức, là lời khuyên về cách sống cách cư xử đối với bạn đọc.
” Mẹ của anh” là bài thơ viết về tình cảm của con giành cho mẹ, nhưng không chỉ như thế bài thơ còn là tình đời, tình người sâu sắc. Vượt qua mọi giới hạn của thời gian, bài thơ mãi mãi thiêng liêng, mãi mãi có dư âm vang vọng trong lòng bạn đọc chính vì giá trị nhân văn đẹp đẽ của nó.
Chia sẻ nội dung, ý nghĩa 🔰Thơ Tình Cuối Mùa Thu Xuân Quỳnh 🔰Chi tiết nhất
Phân Tích Bài Thơ Mẹ Của Anh Nâng Cao
Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ tài hoa của thế kỷ XX đã đi xa hai mươi mấy năm rồi nhưng di sản thơ của Chị còn lại mãi với đời. Viết về “mẹ” là đề tài muôn thuở của thi sĩ, còn viết về “mẹ chồng” chân thành, tự nhiên và hay như Chị thì quả là hiếm có.
Ta hãy thử đến với bài thơ “Mẹ của Anh” để cảm nhận một góc chân dung nhà thơ trong vai trò cô dâu Việt Nam mới, với tình cảm mới, quan điểm mới trong cuộc sống mới. Ba cái tên được nói đến trong bài thơ này gồm: Em, Anh và Mẹ, ngay từ tựa đề đã cho bạn đọc biết nội dung không nói về Em, cũng không nói về Anh mà nói về Mẹ. Mở đầu Chị viết:
“Phái đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đó thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.”
Rõ ràng Chị đang nói, đang ghen với Anh, nhưng thực ra đó chỉ là cái cớ để bày tỏ tình cảm của mình đối với Mẹ cho tự nhiên, cho hợp lẽ. Chị khéo léo giới thiệu (khoe) với mọi người về “mẹ của chúng mình đó thôi”.
Mẹ không sinh thành, dưỡng dục mà Chị phải chịu ơn mẹ cả một đời chưa hết, bởi Mẹ đã ban tặng Chị đứa con trai yêu dấu của mình, ban tặng Chị một nửa bên kia cuộc dời mà tạo hoá đã vô tình hoặc cố tình để quên khi tạo ra loài người, ban tặng niềm khát khao hạnh phúc cháy bỏng của chị.
“Ngày xưa má mẹ cũng hồng
…..
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao”
Hình ảnh người mẹ một thời xuân sắc, suốt đời tảo tần, lam lũ, hy sinh tất cả tất thảy vì con, đã hiện dần lên theo từng con chữ mộc mạc, chan chứa ân tình của Chị.
Mẹ đã từng một thời con gái làm bao chàng trai say đắm. Lấy chồng, sinh con mẹ dồn tất cả tình thương cho con, như “thân cò lặn lội…”, như “cá chuối đắm đuối vì con”. Đêm khuya mẹ thức trắng bên con mỗi khi con đau ốm, rồi mặt khi mặt trời chưa kịp thức, bước chân mẹ đã tất bật trên đôi vai trĩu nặng, mua khoai chợ gần, bán sắn chợ xa để lo miếng ăn hàng ngày cho cả nhà trong những năm khốn khó.
“Lời ru mẹ hát thuở nào
….
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau”
Anh – Lưu Quang Vũ, người chồng hào hoa, tài hoa thân yêu của Chị nổi tiếng một phần nhờ sự lao động miệt mài say mê sáng tạo, một phần nhờ ảnh hưởng sâu xa từ gen di truyền, từ những lời ru ngọt ngào, những câu chuyện cổ tích thấm đẫm tính nhân văn mà đêm đêm Mẹ đã thổi vào tâm hồn Anh ngay từ thời thơ bé.
Những người đã từng làm “mẹ chồng” nói chung và mẹ chồng của Chị nói riêng, khi đọc những lời tâm sự của “nàng dâu” Xuân Quỳnh, thử hỏi có ai không xốn xang, xúc động?
‘Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh, em đã là dâu trong nhà”
Chị đang nói với Anh đấy ư? không! Chị đang nói với Mẹ đấy.
Như con chim đậu phải cành cong, cuộc hôn nhân một lần dang dở nhưng Chị vẫn can đảm, tự tin khẳng định điều này, bởi Chị tin vào sự chân thành, trách nhiệm làm dâu của bản thân, bởi Chị hiểu, cảm nhận những đức tính cao đẹp, lòng bao dung, sự cảm thông sâu sắc, Mẹ của Chị đã vượt lên quan niệm phong kiến lỗi thời đang đè nặng lên nếp nghĩ cố hữu của không ít “mẹ chồng” thời nay để thuơng con dâu hiếu thảo như chính con gái của mình.
Chị đã thay Anh bộc bạch nỗi niềm với Mẹ trong hoàn cảnh người đàn ông “đứng giữa” không thể trực tiếp nói ra mà nếu có thể nói ra cũng không dễ gì mang lại hiệu quả. Cái lý lẽ Chị đưa ra phù hợp với quy luật tâm lý tình cảm nên dễ thuyết phục lòng người. Tôi đồ rằng trong sâu thẳm trái tim mình, Anh ngàn lần cám ơn Chị.
“Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa có núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ”
Giới thiệu Mẹ với mọi người, đồng thời Chị nguyện làm tròn bổn phận của người vợ, xứng đáng với tình yêu mà Anh đã dành cho Chị.Tình yêu, hạnh phúc mong manh, nhỏ nhoi của Anh Chị nằm trong hạnh phúc lớn lao chung của dân tộc, hoà mình với thiên nhiên, núi sông, cây cỏ và trong hạnh phúc mênh mông, vô bờ của Mẹ.
Chính sự chân thực một cách hồn nhiên, thoải mái, tâm hồn đa cảm, hóm hĩnh nhưng luôn tư duy sắc sảo, lý trí tỉnh táo đã định hình một phong cách, giọng điệu thơ riêng không lẫn với ai. Đọc thơ Chị, độc giả thấy một Xuân Quỳnh yêu thương hết lòng; lo âu, trăn trở hết lòng và mường tượng thấy bóng dáng mình trong đó.
Thơ lục bát mà ngỡ như không phải lục bát.Tứ thơ hay, gọn, nội dung thể hiện đặc sắc hình như đã che khuất yếu tố kỹ thuật. Bởi công bằng mà nói, bài thơ còn những hạt sạn, nhưng có lẽ sau khi soi xét kỹ lưỡng, các nhà chuyên môn, phần lớn đều đồng cảm, chia sẻ với Chị và không nỡ bắt bẻ tác giả các lỗi nhỏ về niêm luật.
Như viên ngọc quý, nó càng trở nên long lanh hơn mỗi khi có tia sáng rọi vào, tôn thêm vẻ đẹp của bài thơ.
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em…”
Hai câu kết chân chất, đơn sơ mà vô cùng sâu lắng. Mẹ là cội nguồn hạnh phúc. Đó là lời tri ân chân thành của Chị, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trước mắt ta, Xuân Quỳnh duờng như không còn là “nhà thơ” nữa, Chị đã hoá thân và thực sự là một người con dâu mẫu mực, một cô Tấm thảo hiền.
Xem bài thơ hay 👉 Nói Cùng Anh Của Xuân Quỳnh
Cảm Nhận Bài Thơ Mẹ Của Anh Súc Tích
Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ chân thành, đằm thắm, luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Mẹ của anh là một bài thơ hay của Xuân Quỳnh. Bài thơ là tấm lòng chân thành, là món quà tinh thần chị dành tặng cho người phụ nữ mà chị suốt đời mang ơn.
Bài thơ lục bát này của Xuân Quỳnh là một lời tâm tình thủ thỉ, nhẹ nhàng của một tâm hồn đa cảm, giàu yêu thương. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên thật đẹp qua lời thơ của chị! Trước hết ta cảm nhận được vẻ đẹp đáng quý của người mẹ Việt Nam. Đó là người mẹ vất vả, tảo tần, giàu đức hi sinh:
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Đó còn là người mẹ có đời sống tâm hồn phong phú, giàu tình yêu với văn hóa dân gian, giàu tình yêu với cuộc đời. Bao nhiêu tình thương mến mẹ gửi trọn vào lời ca, câu hát để ru con, để nuôi lớn tâm hồn con:
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Mẹ của anh – hình mẫu đẹp của người mẹ Việt Nam thầm lặng hi sinh, không chỉ nuôi anh khôn lớn, trưởng thành mà còn có công nuôi dưỡng hồn thơ anh đơm hoa kết trái.
Phải đâu của riêng anh, mẹ còn là mẹ của em nữa chứ. Mẹ không ghét bỏ em đâu bởi mẹ là một người mẹ chồng bao dung, độ lượng. Mẹ là mẹ của chúng mình, là người mẹ Việt Nam đáng kính !
Đọc kĩ từng lời tâm sự của Xuân Quỳnh, ta càng thêm trân trọng tấm lòng thơm thảo của một nàng dâu.
Xuân Quỳnh ý thức rất rõ vị trí, trách nhiệm và tình cảm của mình :
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Nên chị tự hào :
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Dâu là con. Nàng dâu ấy, người con ấy thấu hiểu nỗi vất vả, sự tảo tần và đức hi sinh của mẹ, chị dành cho mẹ một tình cảm đặc biệt, đó là lòng thương mẹ mênh mông không bờ . Chị không chỉ quý mến, trân trọng mà còn biết ơn mẹ:
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Bởi chị đã rất sâu sắc thấu hiểu rằng người phụ nữ ấy đã trao tặng cho mình món quà quý giá nhất của cuộc đời này:
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em
Nàng dâu hiếu thảo ấy xin hát tiếp lời ca của mẹ để được giữ gìn, phát huy những vẻ đẹp truyền thống của người mẹ Việt Nam.
Mẹ của anh không chỉ khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng và nàng dâu mà còn lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu, tình nghĩa lứa đôi.
Nhân vật em nhẹ nhàng tâm sự : Thương anh thương cả bước chân. Tình yêu gắn với tình thương để rồi người phụ nữ ấy bao giờ cũng ở bên để mang lại hạnh phúc cho người đàn ông yêu quý của cuộc đời chị:
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Chị là một người phụ nữ nhạy cảm, biết thấu hiểu, biết sẻ chia, biết yêu thương, biết nâng niu, trân trọng tình yêu và hạnh phúc bình dị đời thường.
Với lời thơ nhẹ nhàng, tình thơ tha thiết, lắng đọng, bài thơ Mẹ của anh là một bông hoa mang vẻ đẹp riêng mà Xuân Quỳnh gửi tặng cho cuộc đời. Xuân Quỳnh đã hát tiếp lời ca để ca ngợi vẻ đẹp muôn đời của người phụ nữ Việt Nam. Bạn đọc sẽ có thêm những điều bổ ích từ lời ca của chị.
Xem bài thơ hay 👉 Bài Thơ Thuyền Và Biển
Phân Tích Bài Thơ Mẹ Của Anh Cảm Xúc Nhất
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC
Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh ngày 6-10-1942 tại làng La Khê, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Là diễn viên của Đoàn Ca múa nhân dân trung ương, nhưng chị lại có năng khiếu về thơ. 21 tuổi, Xuân Quỳnh đã có tập thơ đầu tay “Tơ tằm, Chồi biếc” (in chung) với giọng điệu trẻ trung, tươi mới, giàu khát vọng. Cùng thời gian đó, chị về làm biên tập viên cho báo Văn nghệ. 25 tuổi được kết nạp vào Hội Nhà văn; 31 tuổi chị là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa III). Những năm chiến tranh, bất chấp bom đạn, Xuân Quỳnh vẫn lặn lội, xông xáo vào tận vùng tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh và đường Trường Sơn. Các tập thơ “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng” là kết quả của những chuyến đi ấy.
Năm 1980, chị chuyển sang làm biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn). Xuân Quỳnh để lại hàng chục tập thơ và truyện, trong đó có nhiều tác phẩm đặc sắc viết cho thiếu nhi, thể hiện tấm lòng tha thiết yêu con trẻ. Thơ chị được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Hai bài: “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, làm đắm say lòng người.
Thơ tình là một mảng rất phong phú, đặc sắc và tiêu biểu cho thi pháp của Xuân Quỳnh. Vì vậy, nói Xuân Quỳnh là bà chúa thơ tình cũng không ngoa. Tiếc thay, một tai nạn giao thông thảm khốc ngày 29-8-1988 tại chân cầu Phú Lương, Hải Dương, đã cướp đi cả một gia đình tài hoa: nhà thơ Xuân Quỳnh và người bạn đời, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia Lưu Quang Vũ cùng cháu Lưu Quỳnh Thơ 13 tuổi!
Gần trọn 30 năm chị đi xa, nhưng thơ Xuân Quỳnh vẫn sống mãi. Và đây, “Mẹ của anh” là một trong những bài thơ như thế.
Từng có không ít những vần thơ hay viết về mẹ, nhưng hầu hết đó là cảm xúc của những đứa con viết về người mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục mình nên người. Những vần thơ ấy bao giờ cũng thấm đậm tình yêu thương, bao hàm cả sự biết ơn và lòng kính trọng, bởi mẹ là tất cả. Mẹ là hình bóng của quê hương, đất nước. Mẹ là ngọn nguồn của mọi sự sáng tạo, của cái Đẹp!
Xưa nay trong xã hội ta, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu thường chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội tại. “Thương nhau cũng thể mẹ chồng, nàng dâu!”. Vậy mà Xuân Quỳnh lại có được một bài thơ hay viết về mẹ chồng thì quả là độc đáo.
Mang hơi hướng của ca dao, nên bài thơ rất nhuần nhị, dễ đọc và dễ đi vào lòng người. Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong. Câu thơ mang chút nũng nịu đầy nữ tính, mới dễ thương làm sao. Phải yêu chồng đến độ nào thì người phụ nữ mới có thể thốt lên những lời chân thành như rút từ gan ruột vậy.
Anh có biết: Ngày xưa má mẹ cũng hồng/ Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau/ Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen. Không chỉ mang nặng, đẻ đau, mẹ là người hôm sớm lo cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ vất vả tảo tần là thế, cả đời người bù trì cho những đứa con. Em gợi lại là để nhắc anh nhớ, để chúng mình có trách nhiệm hiếu đễ với mẹ, làm vui lòng mẹ. Đâu con dốc nắng đường quen/ Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần/ Thương anh thương cả bước chân/ Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao. Phảng phất đâu đây phong vị của câu ca dao: “Yêu nhau, yêu cả đường đi”. Xuân Quỳnh là một trong số các nhà thơ Việt Nam luôn có ý thức tìm tòi trong vốn cổ của cha ông để lại, từ đó kế thừa và phát triển lên một bước mới.
Em yêu anh, em yêu cả cái nét tảo tần giống mẹ ở nơi anh. Nhưng ở đây có lẽ còn lớn hơn cả tình yêu, ấy là sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của đứa con dâu hiền thục đối với mẹ chồng. Nét đẹp truyền thống đạo lý được thi sĩ bổ sung thêm một khía cạnh rất mới mẻ, đó là quan hệ mẹ chồng nàng dâu được soi rọi dưới góc nhìn mới mẻ, đầy tính nhân văn. Nói về mẹ cũng chính là để nói về anh, khẳng định tình yêu của em đối với anh. Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau/ Mẹ không ghét bỏ em đâu/ Yêu anh em đã là dâu trong nhà. Lời thơ dung dị mà hàm súc, chan chứa tình cảm, mà tự nhiên.
Bởi có mẹ rồi mới có anh, nên ân tình ấy làm sao em quên cho được? Vậy nên: Em xin hát tiếp bài ca/ Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn/ Hát tình yêu của chúng mình/Nhỏ nhoi giữa mặt trời xanh không cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ. Nhưng nói gì thì nói, tất cả vẫn quy tụ về nơi mẹ. Tình yêu của chúng mình cũng khởi nguồn từ sự yêu thương của mẹ và tình yêu ấy lớn lên trong tình thương mênh mông của mẹ. Cái câu kết của bài thơ mới thật bất ngờ và không kém phần táo bạo. Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Quả thật, tình yêu đã nâng đỡ con người và khiến cho con người sống tốt hơn lên rất nhiều. “Mẹ của anh” giờ đây đã trở thành của chung với tất cả những người phụ nữ yêu chồng, luôn có ý thức vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Bởi đó cũng chính là “mẹ của chúng mình đấy thôi”!
Xem chùm ❤️️Thơ Lưu Quang Vũ Viết Cho Xuân Quỳnh ❤️️
Cảm Nhận Về Bài Thơ Mẹ Của Anh Siêu Hay
Mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu luôn là điều gì đó phức tạp, khó hòa hợp. Người xưa đã rất dí dỏm, hài hước và không kém phần sâu cay khi khắc họa mối quan hệ giữa bố mẹ chồng – nàng dâu qua nhiều câu ca dao, tục ngữ mà đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi, phổ biến với nhiều dị bản khác nhau như:
“Mẹ chồng là cái lông con phượng
Bố chồng là bức tượng mới tô
Con dâu là cái bồ đựng chửi”.
Nhiều câu nói mang tính mỉa mai, châm chọc:
“Thật thà như thể lái trâu
Thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”.
Xuất hiện trong những câu ca dao, tục ngữ, vè nói ngược ấy, mối quan hệ giữa bố mẹ chồng – nàng dâu luôn được diễn tả trong mối quan hệ đối nghịch, mâu thuẫn. Chính bởi điều đó, mỗi khi đọc bài thơ “Mẹ của anh”, độc giả càng thêm yêu mến, trân trọng, cảm phục tấm lòng, tài năng, nhân cách của nữ sĩ Xuân Quỳnh:
“Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”.
Hai câu thơ mở đầu bài thơ “Mẹ của anh” tựa như tiếng lòng thỏ thẻ tâm sự của người vợ khi đang đầu gối tay ấp bên chồng. Sau một ngày quay cuồng, bận rộn, hai vợ chồng bên nhau trên chiếc giường hạnh phúc, nhỏ to bao chuyện trong cuộc sống. Ở đó có câu chuyện về những đứa con kháu khỉnh, hồn nhiên vui đùa, có chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện vụn vặt ở cơ quan, về đồng nghiệp. Và một phần rất riêng tư, đó là câu chuyện về mẹ và em – hai người đàn bà quan trọng nhất trong cuôc đời anh:
“Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.
Em dịu dàng và hiểu chuyện nên lời em nói mang cảm giác ấm áp, chân thành, sâu sắc. Em cất lời nói xuất phát từ trái tim căng tràn nhịp đập yêu thương, từ tấm lòng thơm thảo, thấu hiểu của em chứ không phải là sự ve vuốt, hoa mỹ:
“Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh, mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen”.
Công lao, sự hy sinh to lớn của mẹ được gợi lên từ những nét dung dị, mộc mạc đời thường mà sâu sắc. Lời thơ càng ý nghĩa hơn khi bật lên từ tấm lòng, nghĩ suy, trăn trở của người con dâu dành cho mẹ chồng. Hai vế đối lập: “Ngày xưa” và “bây giờ”, hình ảnh nhận diện “tóc mẹ trắng phau” và “mái tóc trên đầu anh đen” đã khắc họa đậm nét hình ảnh người mẹ hết lòng vì con, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ của ngày xưa cũng đã từng là người con gái thanh tân, đẹp rạng rỡ. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì thiên chức của người mẹ, người vợ, mẹ gửi lại nét xuân thì của mình ở lại với thời gian. Trên hành trình khôn lớn, trưởng thành của anh không bao giờ thiếu sự yêu thương, che chở, chăm sóc của mẹ. Hành trình ấy có cả niềm vui, hạnh phúc và cũng có cả mồ hôi, nước mắt cùng bao nỗi nhọc nhằn:
“Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần”.
Có hiểu thì mới có cảm thông, yêu thương. Con đường đi từ trái tim đến trái tim đâu cần những gạch nối, chỉ dấu phức tạp, màu mè:
“Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao”.
Chỉ với hai câu thơ cũng đủ cho thấy cái tâm – cái tầm của người thi sĩ. Ở một khía cạnh nào đó, chữ thương đã cao hơn một bậc so với chữ yêu. Yêu là cảm giác, thương là cả quá trình. Ai đó đã từng đưa ra so sánh: Nếu chữ “yêu” nói lên tình cảm nồng nàn, da diết thì chữ “thương” hòa quyện cả sự bao dung, nhẫn nại, âm thầm nhưng bền bỉ. Trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, chữ “thương” ấy càng trở nên quý giá.
Mẹ nặng gánh mưu sinh vun vén cho đời anh tươi tắn, rạng ngời. Mẹ nuôi dạy anh bằng tình yêu thương, răn dạy anh đạo lý, lẽ sống ở đời từ những điều giản dị, gần gũi nhất:
“Lời ru mẹ hát thuở nào.
Truyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi, hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa…”.
Chính bởi chữ yêu, chữ thương, từ những thấu hiểu ấy nên em càng có thêm động lực, niềm tin, càng không nỡ làm điều gì khiến mẹ phải buồn:
“Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà”.
“Yêu anh em đã là dâu trong nhà” – câu thơ giản dị mà sao đọc lên lại cảm thấy rưng rưng xúc động. “Làm dâu” đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Hạnh phúc hay đau khổ cũng đều bắt nguồn từ hai chữ “làm dâu” ấy. Bởi lẽ, yêu đương là chuyện của hai người nhưng khi “đã là dâu trong nhà” thì câu chuyện hoàn toàn khác. Tổ ấm nhỏ đối diện với những mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, nội tộc, ngoại tộc… Ở đó, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong mọi mối quan hệ và không dễ gì để hài hòa tất cả. Nhưng em vẫn luôn tin, bởi vì yêu anh, vì tình yêu của chúng ta, mẹ sẽ không ghét bỏ em, sẽ thương yêu em như thành viên trong gia đình.
Em cũng hiểu hơn ai hết một điều: Em và mẹ có một tình yêu chung – đó là anh. Bởi vậy, khi em dành hết tình yêu của mình cho anh, cho tổ ấm nhỏ của chúng ta chính là cách để em đáp đền công ơn của mẹ. Đó là “cảnh giới” cao nhất của nhận thức, của tấm lòng:
“Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu tự những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.
Khép lại bài thơ, bạn đọc như hình dung thấy nụ cười, ánh mắt ấm áp, dịu dàng của Xuân Quỳnh ghi dấu giữa bão giông cuộc đời, đúng như những nhận định tài hoa, sắc sảo của nhà phê bình Chu Văn Sơn: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời… Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng.
Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm…”.
Xã hội ngày càng phát triển, trình độ, nhận thức, tư tưởng được nâng cao nên mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng dần vượt qua định kiến, hài hòa, thăng hoa hơn. Và những vần thơ trong tác phẩm “Mẹ của anh” vẫn luôn vang vọng trong ngôi nhà nhỏ – nơi ấm áp tình thân, nơi chỉ có yêu thương và sẻ chia, nơi mà “mọi bão giông dừng sau cánh cửa”…
Theo Nguyên Linh
Xem bình giảng 🔰Tự Hát [Xuân Quỳnh]🔰 Tìm Hiểu, Phân Tích
Phân Tích Bài Thơ Mẹ Của Anh Ngắn Hay
Với bài thơ “Mẹ của anh”, Xuân Quỳnh đã góp thêm vào bản hòa tấu thơ tình yêu của mình một thanh âm đầy dịu dàng từ một trái tim nhân hậu, vị tha, biết “sống cho tình yêu, chết cho tình yêu”.
Em “yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát), vì thế Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong, bởi:
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Làm sao em có thể không ơn mẹ cho được khi mẹ đã mang nặng chín tháng mười ngày tạc nên hình hài anh, rồi hao gầy mẹ đánh đổi phổng phao anh ngày tháng, cả cuộc đời, mẹ quên phía mình để đau đáu phía đời anh?
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
…Bây giờ tóc mẹ trắng phau;
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Cặp từ ngày xưa – bây giờ được điệp hai lần đi kèm với những hình ảnh tương phản đối lập má hồng – tóc trắng phau gợi được độ dài của thời gian, dựng được cả quá trình chắt chiu, hy sinh thầm lặng của người mẹ đối với đứa con yêu dấu.
Hai chữ trắng phau diễn đạt sự hy sinh đến tuyệt đối, sự vắt-kiệt-mình. Từ ngày xưa đến bây giờ, đếm làm sao hết số lần Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau, số lần mẹ tảo tần đặt bàn chân lên con dốc nắng những ngày chợ xa gánh nặng?
Mẹ không chỉ có công “dưỡng”, mà hơn thế, còn có công “dục”. Nếu bàn tay của mẹ nâng cơ thể anh phổng phao thì lời ru, lời kể của mẹ tưới đẫm vườn hồn anh tươi tốt, vườn thơ anh non xanh: Nào là hoa bưởi hoa chanh/ Nào câu quan họ mái đình cây đa… Công lao mẹ, tình thương mẹ như biển Thái Bình, dạt dào…, như nước trong nguồn chảy ra, vô biên, vô tận…
Sản phẩm của mẹ là đây: Anh của hôm nay – người mà trái tim em đã chọn. Làm sao em có thể không ơn mẹ cho được? “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Yêu anh, làm sao em có thể không yêu mẹ của anh? Mà Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi bởi từ lâu “mình với ta tuy hai mà một”!
Em tự nguyện đến bên đời anh, hiến dâng đời mình cho anh để hát tiếp lời ca của mẹ, ru anh, làm dịu êm, thăng bằng hóa tâm hồn anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn. Hãy ca lên khúc đồng ca tình yêu của chúng mình để cùng đồng vọng giữa một trời xanh khôn cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ…
Với Mẹ của anh, Xuân Quỳnh dường như đã lộn trái con tim yêu của mình ra để phơi trải, để dâng hiến. Đọc thơ tình yêu của chị, ta như nghe bên mình lời thủ thỉ: “Cuộc đời ơi, khi tôi đã chết rồi/ Thì trong cái vắng lặng của người/ Chỉ một lời này còn lại: Tôi đã từng yêu” (R.Ta-go).
Chia sẻ chi tiết về bài 🌊Sóng [Xuân Quỳnh] 🌊Nội dung, ý nghĩa