Thơ Ý Nhi ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay Nhất ✅ Giới Thiệu Tuyển Tập Những Tác Phẩm Hay Nhất Của Tác Giả Ý Nhi.
NỘI DUNG CHÍNH
Tiểu Sử Cuộc Đời Tác Giả Ý Nhi
Ý Nhi là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam, thơ của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các nhà nghiên cứu thơ phương Tây đánh giá là một trong những nhà thơ Việt Nam đương đại tiên phong sau Đổi mới. Để hiểu hơn về tiểu sử cuộc đời tác giả Ý Nhi thì bạn có thể xem ngay thông tin chia sẻ sau đây:
- Ý Nhi (18/9/1944), tên thật là Hoàng Thị Ý Nhi, sinh tại thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống nho học. Bà là một trong những nữ nhà thơ hiện đại nổi tiếng ở Việt Nam.
- Nhà thơ là con gái lớn của giáo sư Hoàng Châu Ký, một người hoạt động cách mạng đồng thời là một nhà nghiên cứu về nghệ thuật tuồng.
- Năm 1954, bà theo gia đình tập kết ra Bắc, bà học tại Trường học sinh miền Nam ở TP Hải Phòng.
- Bà lớn lên tại Hà Nội và tốt nghiệp cử nhân khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968, sau đó về công tác tại Viện văn học (thuộc UBKHXH Việt Nam).
- Sau đó, bà chuyển sang làm cán bộ biên tập NXB Văn nghệ giải phóng, rồi NXB Hội nhà văn, thường trú tại TP Hồ Chí Minh.
Giới thiệu các thông tin về 🔰Thơ Phan Thị Thanh Nhàn🔰 Tác Giả, Tác Phẩm
Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Ý Nhi
Khái quát sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Ý Nhi chia sẻ cho những bạn đang quan tâm:
- Xuất hiện vào những năm cuối của thời kỳ chống Mỹ, Ý Nhi là một trong những cây bút có bản sắc riêng.
- Từ 1967, lúc đang là sinh viên năm thứ hai, bà đã có thơ đăng báo Văn Nghệ. Ra trường, làm việc tại Hà Nội, Ý Nhi nhanh chóng “nhập hội” với những Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, rồi Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Tô Hà, Phạm Tiến Duật, …những tên tuổi trẻ trung tụ hội mỗi lúc mỗi đông trên các trang báo in thơ, các diễn đàn thơ ở Hà Nội.
- Cho đến nay, nhà thơ Ý Nhi đã có cho mình 10 tập thơ và 2 tập in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ và Xuân Quỳnh.
- Một số tác phẩm nổi tiếng đã xuất bản: Trái tim – Nỗi nhớ (thơ, in chung – 1974), Đến với dòng sông (thơ – 1978), Lời ru của mẹ (thơ, in chung – 1979), Cáy trong phố – Chờ trăng (thơ, ín chung – 1981), Người đàn bà ngồi đan (thơ – 1985), Ngày thường (thơ – 1987), Mưa tuyết (thơ – 1991), Gương mặt (thơ – 1991).
- “Người đàn bà ngồi đan” là tập thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Ý Nhi. Tập thơ đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong công việc sáng tạo của tác giả. Tập thơ gồm 20 bài, không tập trung theo một đề tài nào cụ thể. Cuộc sống với tất cả sự phong phú đa dạng và phức tạp của nó là toàn bộ mảng hiện thực trong Người đàn bà ngồi đan.
- Nếu ở thời kỳ đầu, thơ Ý Nhi đôi khi còn bộc lộ dấu vết của sự vay mượn, “sách vở” thì giai đoạn sau này, thơ bà ngày càng tinh tế, nhuần nhị hơn, xúc cảm được dồn nén, tâm trạng được triển khai đến tận cùng.
Vinh danh:
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 với tập thơ “Người đàn bà ngồi đan”.
- Giải thưởng Văn chương Cikada của Thụy Điển năm 2015.
Phong Cách Sáng Tác Của Ý Nhi
Điểm qua những nét chính trong phong cách sáng tác của nhà thơ Ý Nhi.
- Thơ Ý Nhi mang phong cách giản dị nhưng đậm chất trí tuệ, giọng điệu thơ trầm lắng, suy tư, thiết tha mà chua xót.
- Với ngôn ngữ đậm chất triết luận, thơ của bà là sự ký thác sâu lắng của một trái tim không khi nào thôi khắc khoải trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời.
=> Có thể nhận xét rằng, thơ Ý Nhi là thơ của một tâm hồn “xao xác giữa ngày yên”. Bà luôn luôn trăn trở để tìm cho mình một hướng đi mới và quan niệm rằng : với thơ, phẩm chất cao nhất là thành thực.
Trọn bộ các bài 🔰Thơ Tú Mỡ🔰 Tuyển Tập Thơ Hay
Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Nhà Thơ Ý Nhi
Tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Ý Nhi, cùng theo dõi đón đọc nhé!
*Người đàn bà ngồi đan (1985)
- Biển
- Cà Mau
- Cát
- Chiều
- Chiều Tuyên Quang
- Ghi chép
- Hai người
- Hải Phòng, tháng 11 năm 1979
- Kính gửi mẹ
- Một buổi chiều ở Praha
- Mùa thu
- Mùa thu chưa tới
- Mùa thu ở Bratislava
- Nghe mưa
- Người đàn bà ngồi đan
- Người lính
- Nhớ Hải Phòng
- Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang
- Quảng Bình
- Rau me đất
- Sông
- Sông Trà
- Thơ tặng cháu
- Thư mùa đông
- Trò chuyện
- Trung du
- Tưởng nhớ
- Về Thái Nguyên
- Với Lệ
*Các tác phẩm khác
- Ban mai
- Bên thềm nhà Pasternak
- Biển chiều
- Biển miền Trung
- Chùa trong phố
- Con
- Dẫu chỉ là cơn mưa
- Dự cảm
- Đắc đạo
- Đêm mùa đông đường Hoàng Diệu
- Đêm trước ngày lập xuân
- Đôi khi
- Mưa dạo tháng mười
- Ngã ba sông
- Ngày đại hàn
- Ngày thường (I)
- Ngày thường (II)
- Nguyễn Du, 1813
- Những tia nắng
- Tháng ba
- Tháng mười
- Tháng mười hai
- Thơ tặng
- Thơ Tháng Chạp
- Thư
- Tiểu dẫn
- Trong ánh chớp số phận (Năm lời của bài hát)
- Tự tình với Đà Lạt
- Và vườn trong phố
- Vườn
- Xe trâu
- Nỗi nhớ con đường
- Đến với dòng sông
- Cây trong phố chờ trăng
- Mưa tuyết
- Gương mặt
- Thơ tuyển (2000)
- Ý Nhi tuyển tập (2011)
- Có gió chuông sẽ reo (2014,truyện ngắn)
15+ Bài Thơ Hay Nhất Của Thi Sĩ Ý Nhi
Sưu tầm danh sách 15 bài thơ hay nhất của thi sĩ Ý Nhi, cùng thưởng thức ngay nhé!
Người Đàn Bà Ngồi Đan
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực
Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộn len như quả cầu xanh
Đang lăn những vòng chậm rãi
Vườn
Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn
Em muốn trốn vào sự bình yên
Em muốn trốn sâu mãi, sâu mãi vào tình yêu của anh
Đôi lần
Em nhìn tán cây mà ứa nước mắt
Vì màu xanh
Đôi lần
Em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt
Vì sự trong trẻo
Rồi em khóc vì đốm nắng lan trên vạt cỏ
Vì bông hoa trắng như hạt lệ
Vì phiến đá dần tan trong ly nước mùa hè
Rồi em nhớ miên man tới bến sông chiều
Tới cơn mưa trên mái đầu trần
Tới chiếc võng đơn sơ ngoài hiên vắng
Lời bản tình ca cầu ước sum vầy
Rồi em muốn được ra đi như thế
Ra đi mà tràn đầy biết ơn
Ra đi
Mà từ đôi mi đã khép
Còn lăn chảy giọt nước mắt hân hoan
Ban Mai
Thôi đừng buồn nữa anh
Ngày đã ban mai
Ðây ly nước trong
Em mang đến mời anh
Giọt sóng sánh tràn qua mặt gỗ
Ðây thếp giấy tinh nguyên
Em đặt bên bàn
Như nỗi đợi từng ô cửa mở
Ðây tay em
Trong tay anh lặng lẽ
Lời yêu thương, quấn quít chẳng rời xa
Anh nhìn em
Chú chim nhỏ lại về
Thanh thỏa đứng giữa cành mai tứ quý
Một vệt nắng ửng vàng bên lối cỏ
Thôi đừng buồn
Anh nhé
Đã ban mai
Mùa Thu
Tôi không sao tránh được lo âu trước mỗi độ thu
Trước chiếc lá chợ ánh vàng
Trước ngọn gió may
Và đường chân trời xám bạc
Nỗi lo âu vốn có trong mỗi niềm hạnh phúc
Mỗi khi lòng ta đối diện với những gì trong sạch
Những gì như mùa thu
Tôi thường đợi mùa thu với nỗi lòng không xác thực
Vừa hân hoan vừa ưu phiền
Vừa mong ngóng vừa ngại ngùng
Như tôi đang đứng trước cuộc hẹn hò
Với linh cảm, điều lớn lao sẽ xảy ra trong thời khắc ấy
Là vòm trời xanh dịu kia
Bay là cơn bão lớn, mùa thu.
Nghe Mưa
Sau những căn nhà kia
Sau nhưng bến sông kia
Sau những con tàu lô nhô ngoài cảng
Tuổi thơ tôi ra tít tắp
Thuở ấy tôi mặc áo rộng thùng thình
Và tóc tết đuôi sam
Thuở ấy tôi đi lang thang giữa thành phố của mình
Chưa biết đến niềm vui làm ta rơi nước mắt
Chưa có nụ cười nào xa xót nở trên môi
Lời ca của ngày xưa tôi đã quên rồi
Giữa bao bài hát mới
Bao màu hoa đã che khuất một màu hoa dại
Ngọn sóng trắng buổi nào vùi lấp giữa ngàn khơi
Tiếng còi tàu vang suốt tuổi thơ tôi
Đã chìm lẫn giữa ồn ào, náo động
Tôi đi gần cuộc đời, giữa muôn nghìn mất, còn chết, sống
Nào nhớ gì ngày tháng đã xa xôi
Sao hôm nay tôi muốn được là tôi
Với tóc tết đuôi sam
Với áo rộng thùng thình
Đi lang thang qua phố nhà, sông nước
Được nhìn thấy tuổi thơ ta tít tắp
Đang mỉm cười, tha thứ, chở che.
Trung Du
Màu cọ xanh thảng thốt giờ chiều đông
Đó là trung du qua năm tháng
Đó là trung du qua bao miền cây, qua bao bờ cát trắng
Cái đốm xanh không dễ phai mờ
Trên đường dài bất chợt tán cây thưa
Bước chững lại tưởng gặp màu lá cọ
Lòng se lại trước buổi chiều lắm gió
Ngỡ gió mỗi năm ấy thổi qua đây
Trên mặt phố mùa đông lá đã rụng đầy
Ngoài sông cạn cát phơi vàng nhớ nắng
Tàu điện lanh canh giữa lòng phố vắng
Tôi một mình nhớ mãi tận trung du
Tôi một mình đến với nẻo đường kia
Chạy hun hút qua dải đồng đất cũ
Và đột ngột trong sương mù, trong gió.
Cây mở xòe một cánh lá tươi non
Ngỡ như mình đã qua hết mùa đông
Đã qua hết bờ lau trắng bạc
Đã qua hết những nhà ga hoang vu, những bến phà đông chật
Trở về bên ánh mắt ngóng chờ ta
Đã bao lần nhớ đến tán cây kia
Tôi tìm gặp một chút gì yên tĩnh
Một chút gì chở che thương mến
Trong nắng nôi, bão gió của đời mình.
Tự Tình Với Đà Lạt
Tôi đã yêu những màu hoa xứ núi
Và yêu màu đất đỏ thiết tha
Những con dốc bâng khuâng mùa sương muối
Áo lụa hồng thấp thoáng bên đường hoa.
Trời xứ núi quanh năm hoa thắm
Đoá tranh đài như điểm trang thêm
Đường xứ núi gió về vương tóc rối
Mở lòng ta một sáng tơ mềm
Khi lòng nhớ tới… lời đất đỏ
Như lơì ca ru mãi giọng thông hiền
Bầu mắt nai như lòng con suối nhỏ
Cho bốn mùa cây cỏ lớn bình yên.
Tôi và núi đã bình yên năm tháng
Núi lớn lên, tôi cũng lớn thêm lên
Mùa kết trái, áo lụa hồng nhuộm nắng
Đầy bên trời, mây trắng nổi mông mênh
Tôi đã yêu những màu hoa xứ núi
Để nghe rừng thông hát ban trưa
Và nhớ mãi những con đường đá sỏi…
Hoa vẫn cười bên phiến lá đong đưa.
Ngày Thường (I)
Tiếng trẻ reo ngoài vườn
láng giềng qua trước ngõ
rau muống đầu mùa lên cao
hoa cuối xuân giá hạ
ai mở phòng tranh trên phố Ngô Quyền
anh bán rắn ngồi ngoài hồ Thuyền Quang
người ngơ ngẩn trước quầy xổ số
người xếp hàng mua thuốc lá Sa Pa.
Loay hoay trang sách cũ
lời bình từ năm xưa
thơ cộng tác viên dày cộp
đọc từ mùa nắng sang mùa mưa
quần của con cần xuống gấu
gạo hết, lo xếp hàng
cành lá trên rèm cửa sổ
xanh từ ngày sang đêm.
Lòng chợt ước ao
một tiếng gõ bất thường sau cánh cửa.
Ngày Thường (II)
Tôi cầm những đồng tiền lẻ
Như nhà thơ cầm giữ từ ngữ
Những đồng tiền nhàu nát
Như những từ ngữ đã được dùng bao thế kỷ
Tôi tính cách tiêu tiền
Khó khăn như nhà thơ tìm tứ thi
Tôi đứng giữa chợ
Cô độc như nhà thơ
Đấu tranh cho sự công bằng của giá cả
Của cân, đo, đong, đếm
Tôi tìm đến cái tươi mới của thực phẩm
Tìm đến sắc màu của rau cỏ
Sự tương phản, cái đối chọi của mùi vị
Và trong gian bếp nhỏ
Như một nhà thơ biết tiết chế
Tôi vừa đun nấu trên ngọn lửa bếp dầu
chút thức ăn ít ỏi
Vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của bữa ăn
Niềm hạnh phúc tôi có thể đem lại cho mọi người.
Mùa Thu Chưa Tới
Có những gì chờ đợi phía xa kia
Nơi đầu nguồn sông, nơi tận cùng biển lớn
Mùa thu ngủ yên giữa tầng lá thắm
Gió trong xanh như nước chảy qua rừng
Hạt cát vàng của bao chuyện thần tiên
Nằm nghe sóng ồn ào qua bãi vắng
Nơi anh và em chúng mình chưa đến
Chỉ bao lần ta đã nói cùng nhau
Đang chờ ta, cây lá tháng năm sau
Đâu sông nước, bầu trời, bờ bến mới
Ta sẽ bước chân trần trên đá sỏi
Những buồn vui gay gắt dưới mặt trời
(bài hát của người kéo thuyền ngược sông,
người dẫn gỗ về xuôi
Lửa nhen nhúm sau mùa mưa bão lớn
Ngụm nước ngọt của những miền cát lấn
Gương mặt người khi cuộc chiến tranh qua)
Có những gì ở phía xa kia
Bao mùa thu đã đi mãi, còn một mùa thu chưa tới.
Biển Miền Trung
Tôi sững sờ trước một sắc nước xanh
như trời thẳm như vô cùng cây lá
mà chẳng phải, chẳng phải là như thế
xanh lạ kỳ nước biển miền Trung
Thoắt biến đi thoắt lại hiện bên đường
như chạy trốn như gọi mời đùa nghịch
sau mỗi cung đường biển oà lên bất chợt
sóng ngời ngời ánh mắt trẻ thơ
Thoáng chút gì như nỗi ưu tư
khi ngày hết trong bóng chiều sẫm tối
một chút gì như niềm bối rối
trước chân trời mênh mông
nhưng lớn lao thanh thản vô cùng
là điều biển cho tôi nhiều nhất
Lòng cảm động nghẹn ngào trước đất
đất khổ nghèo cay cực miền trung
những cây cằn những ruộng nắng cháy lưng
những đồng hẹp bãi cát dài loá mắt
củ khoai gầy với căn nhà mái thấp
con đường dài giữa những cánh đồng hoang
đất nhọc nhằn bao nỗi lo toan
lại chiu chắt cho người biển cả
Hai Người
Giữa dòng người xuôi ngược
Giữa những hàng quân
Giữa những ánh nhìn căng thẳng
Những bước đi vội vã
Những áo choàng đúng mốt
Tôi nhìn thấy một người đàn bà mặc áo đen
Và bên chị, là người đàn ông mù
Tay trong tay
Họ đi rất chậm như vừa đi vừa dò tìm.
Có thể gương mặt cuối cùng anh nhìn thấy là gương mặt người đồng Chí đã hy sinh
Anh đã qua những ngày tưởng như không thể qua dù trong giây phút
Anh đã bước những bước đầu tiên trên phố phường này như đi trên lửa
Và có thể
Chị đã từng bị phản bội
Chị đã mất những đứa con chị đáng được có trong đời
Đã phải bước qua con đường không định trước
Đã từ lâu rồi, chỉ còn lại trong anh khoảng đen vô tận
Đã từ lâu rồi chị nhìn mọi điều với ánh nhìn hơi khép lại
Không phải để tránh những đau thương
Mà để che giữ trước bao nhiêu ánh nhìn
Nỗi đau thương của chị
Tay trong tay
Họ bước đi rất chậm
Chị nói điều chi với nụ cười dịu dàng
Và trên gương mặt anh
Lan toả niềm vui.
Người Lính
Trên con đường từ mặt trận đến mặt trận
Người lính đi qua một thành phố lớn
Cái thành phố khổng lồ, rối ren, náo động
Bỗng hiện ra tĩnh lặng trước đời anh
Cây bên đường im phắc một màu xanh
Toa xe điện như trôi giữa lòng đường phố hẹp
Không có tiếng động cơ, xe lao đi vun vút
Và bao người bước lặng dưới nhà cao
Họ khóc cười, chia biệt, đón chờ nhau
Anh cảm biết mọi điều qua ánh mắt
Nhưng lời chuyện trò, anh không nghe thấy được
Anh không nghe tiếng khóc, tiếng cười kia
Ôi cuộc đời thường nhật đã hiện ra
Đúng như thể bao lần anh mong mỏi
Nhưng đó là giấc mơ
Đó là điều anh chưa thể tới
Chưa bao giờ anh có đủ thời gian
Trong những lán che, trong những căn hầm
Anh qua tháng ngày của mình trong đạn lửa
Trong cơn sốt, trong cái đói giày vò, trong làn súng kẻ thù đe doạ
Anh giữ nơi tay ngọn cờ xung trận
Anh đã nghĩ đến cái chết
Như bao lần anh nghĩ về cách sống
Tiếng còi tàu đã vang lên như tiếng còi báo động
Anh quay nhìn thành phố
Và thoáng qua gương mặt anh lời từ biệt
Ở cửa ga
Người soát vé vừa dúi vào tay anh mảnh bìa con vừa thét to giải thích
Đó là chứng từ thanh toán của chuyến đi
Anh mỉm cười
Hờ hững nhét mẩu vé tàu vào túi ngực
Biển
1.
Tôi biết đâu chính chỗ cuối con đường
Tôi lại gặp biển lớn lao, cô độc
Lòng ta những bàng hoàng, choáng ngợp
Những dịu dàng, xa xót trước trùng khơi
Tự khi nao biển đã đứng bên trời
Xanh thăm thẳm một màu chờ đợi
Và tôi đến như thể là biển gọi
Sau dải bờ cát ướt, nắng mùa đông
Tôi đã qua gại cỏ, đất bùn
Qua cánh rừng của cây, đồng bằng của lúa
Có lúc sướng vui, lúc mỏi mòn, kiệt quệ
Nhưng chưa bao giờ như trước biển chiều nay
Có thể nào nói đến nỗi đắng cay
Được giấu kín sau màu xanh trầm mặc
Và tất cả nỗi niềm hạnh phúc
Nơi nhưng triền sóng mặn dẫn về xa
Có điều gì đã vỡ nát trong ta
Đang kết là dưới mặt trời như muối trắng
Bài ca đã lãng quên bỗng thốt lời thương mến
Như thể là gió biển hát qua môi.
2.
Biển bao giờ cung đột ngột hiện ra
Ở phía trước những bến bờ cát bỏng
Chân đã bước bồn chồn lên nhịp sóng
Lòng cơ hồ chưa hết nỗi chia xa
Nắng trên đường, mây gió tháng năm qua
Bước thành bại giữa đời nhiều xoay trở
Như đã xa, như chưa bao giờ có
Chỉ còn màu nước biếc đến muôn khơi
Tuổi dễ yêu, dễ hờn giận, qua rồi
Ngày ngắn lại, vui buồn như đá khắc
Lòng gắn bó với mất, còn, tan, hợp
Suốt một đời của biển chẳng nguôi yên
Đâu chân trời cháy rực lúc ngày lên
Miền đất trẻ giọng nói cười mới lạ
Niềm khao khát đón nhận từ biển cả
Côn rung trong nhịp đập tim mình
Dù thời gian rồi sẽ khắc nghiệt hơn
Ta đã có những tháng ngày của biển
Người đã hát qua muôn trùng mưa nắng
Một bài ca xanh thẳm nước non này.
Xe Trâu
Lọc cà lọc cọc
Đi ra Đại Từ
Đi về Lục Ba
Lọc cà lọc cọc
Trâu bước nhẩn nha
Trâu chở ngói đỏ
Về lợp trường em
Trường như hoa nở
Giữa rừng cây xanh
Trâu chở vải hoa
Về may áo mới
Cái Thuý, cái Yên
Mặt vui rời rỡi
Trâu còn chở muối
Cho mẹ nấu canh
Bát canh cua đồng
Gạch vàng béo ngậy
Trâu giỏi lắm đấy
Chở cả cuốc, dao
Chị Loan làm rẫy
Phát cây rào rào
Rồi một hôm nào
Máy bay Mỹ cháy
Bắt thằng giặc lái
Ngồi trên xe trâu
Trâu đi thủng thỉnh
Cái sừng vênh cao
Tìm hiểu chi tiết về 🔰Thơ Trần Nhuận Minh🔰 Tuyển Tập Thơ Hay
Những Đánh Giá, Nhận Định Về Nhà Thơ Ý Nhi
Tổng hợp những đánh giá, nhận định của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng về tác giả Ý Nhi.
- Với bài thơ và tập thơ “Người đàn bà ngồi đan“, nhà thơ Hoàng Hưng xác định: “thơ Ý Nhi là một kiểu trữ tình gián cách”, người viết “để nguội hết những cảm xúc tức thời, những cảm xúc bột khởi”, “hờ hững với đời sống bản năng”, nhiều bài thơ “vững chãi trên một cấu tứ khúc chiết, để bật ra bất ngờ ở cuối kết một chiêm nghiệm dễ được đồng cảm”.
- “Văn bản truyện ngắn Ý Nhi “đan kết những lời kể, lời độc thoại và đối thoại không đứt đoạn.[….] Những truyện về sau [….] cho thấy tác giả vận dụng kỹ thuật chồng lắp thực tại và ảo giác, ý thức nhân vật hòa trộn với tiềm thức và vô thức, ám tượng và ám thanh, tưởng tượng và hoang tưởng; văn bản trở thành một bức tranh đan dệt bằng những sợi tơ mỏng manh của hiện thực và phi thực”. – Lại Nguyên Ân.
- Dù rất hiện đại về cả giọng điệu và hình thức, thơ Ý Nhi vẫn chất chứa sự nhẹ nhàng, im lặng và nỗi lòng của một người phụ nữ đã trải nghiệm những nỗi buồn sâu sắc trong cuộc đời. – Nhà thơ – dịch giả Nguyễn Đỗ.
- “Thơ chị chiếm đầu bảng trong dòng thơ phái nữ phía Nam ở ta. Không nhiều du dương cảm xúc nhưng khác biệt ở chỗ nó nghĩ ngợi trở qua trở lại, nó lay thức người đọc. Thơ khiến ta thấu hiểu. Không mấy ai có thể bỏ qua, có thể thờ ơ với những nhân vật thơ của chị. Người đàn bà ngồi đan sống thế nào trong đời thực? Hình bóng của ai đây? Thường ra đó là câu hỏi dành cho nhân vật văn xuôi. Nhưng đây là thơ. Thơ của chị là của ý tứ của ngôn từ, thường ta ít thuộc được thơ tự do nhưng Ý Nhi, thơ chị, lại bất chợt đến với ta trong những lúc ta đơn độc..” – Nhà văn Lê Minh Khuê.
- “Ý Nhi làm được những việc rất khác biệt nhờ truyện ngắn. Chị đứng ở vị trí người đàn ông – hầu hết nhân vật – để có cơ hội bộc lộ hết những thông minh sắc sảo, vừa cứng cỏi vừa yếu đuối của con người. Truyện của chị ít tình huống phức tạp nhưng chật chội tâm trạng tâm thế”.- Nhà văn Lê Minh Khuê.
Tổng hợp các thông tin về 🍃Thơ Sóng Hồng🍃Chùm thơ hay nhất