Thơ Phùng Quán: Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay

Thơ Phùng Quán ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay ✅ Đón Đọc Những Bài Thơ Hay, Nổi Tiếng Của Tác Giả Phùng Quán.

Tiểu Sử Cuộc Đời Tác Giả Phùng Quán

Trong bài viết hôm nay, Thohay.vn xin giới thiệu đến bạn một nhà thơ tài năng nhưng có cuộc đời đầy phong ba, trắc trở – nhà thơ Phùng Quán.

  • Phùng Quán (1/1932 – 22/1/1995) là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam có tiếng. Ông là cháu của nhà thơ Tố Hữu bằng cậu (Tố Hữu với mẹ của Phùng Quán là hai anh em cô cậu ruột, theo cách gọi của người miền Bắc là bác).
  • Quê gốc: xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. 
  • Năm 1945, Phùng Quán tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.
  • Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).
  • Không lâu sau đó, ông tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm bằng hai bài thơ “Lời mẹ dặn” và “Chống tham ô lãng phí” (1957).
  • Khi phong trào này chấm dứt, Phùng Quán bị kỷ luật, ra khỏi quân đội, sau đó mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động thực tế ở nhiều nơi.
  • Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống.
  • Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó.
  • Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội.

Đọc thêm về ☀️Thơ Việt Phương☀️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ

Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Phùng Quán

Cuộc đời Phùng Quán đã tận hiến cho văn nghiệp nhưng trên tất cả là một nhân cách cao quý, một trái tim nhân ái sâu nặng ân tình, một con người khí khái, một hồn thơ trữ tình, một kiếp tằm “đến thác vẫn còn vương tơ”. Hãy đọc ngay phần khái quát sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Phùng Quán sau đây để biết thêm chi tiết về ông:

  • Phùng Quán bắt đầu làm thơ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhưng cho đến năm 1955, khi tiểu thuyết Vượt Côn Đảo ra đời mới thực sự ghi một dấu ấn quan trọng trên con đường hoạt động văn học của ông.
  • Trong vòng ba năm, từ 1955 đến 1957, cuốn sách Vượt Côn Đảo đã được tái bản tới bốn lần, chiếm con số kỷ lục thời bấy giờ. Cuốn sách được đánh giá cao và được nhận Giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam.
  • Một thành công nữa trong đời văn của Phùng Quán là bộ tiểu thuyết dành cho thiếu nhi Tuổi thơ dữ dội (1988) gồm 3 tập : Tập 1 : Đi tìm thuốc cho mẹ. Tập 2 : Ba lần vượt ngục. Tập 3 : Núi mẹ con em Mừng.
  • Là nhà thơ có sở trường về thể loại thơ dài, mang tính chất tráng ca. Ngay từ năm 1954, ông đã sáng tác trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo ca ngợi gương hy sinh bất khuất của chị Võ Thị Sáu, sau này là Trường ca cây cà, Bài ca anh Trỗi, Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình bằng thơ)…
  • Ngoài ra, ông còn là tác giả của những bài thơ được nhiều người nhắc đến như Lời mẹ dặn, Hôn… là những tác phẩm từng đem đến cho ông nhiều phiền phức.

Giải thưởng:

  • Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2007 cho tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho tác phẩm “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” năm 2007.
  • Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”, 1988.

Phong Cách Sáng Tác Của Phùng Quán

Về phong cách sáng tác của nhà thơ Phùng Quán, ta có thể tổng kết các nét chính như sau:

  • Thơ Phùng Quán hàm súc, mộc mạc, giản dị. Những quan niệm về cuộc sống, về con người được ông thể hiện bằng một ngôn ngữ thơ chắc khỏe và giàu tính biểu cảm.
  • Văn cũng như thơ của ông bao giờ cũng là tiếng nói của một con người nồng nhiệt và tâm huyết, say mê văn chương và những điều tốt đẹp của cuộc đời.

Gửi thêm cho bạn tập 🌿Thơ Hoàng Lộc🌿 Tác Giả, Tác Phẩm

Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Nhà Thơ Phùng Quán

Tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Phùng Quán vừa được Thohay.vn tổng hợp được.

Tuyển Tập Thơ

  • Bài ca Nguyễn Văn Trỗi
  • Bài thơ ru con gái của bà mẹ công nhân kiến trúc
  • Bài thơ ru con trai của bà mẹ công nhân kiến trúc
  • Cảm tạ
  • Cây cọ
  • Cây dứa
  • Cây mận Vĩnh Linh
  • Cây sao sao
  • Cây vạn niên thanh
  • Cây xương rồng
  • Chiều hành quân
  • Chống tham ô lãng phí
  • Chưa có đề
  • Cỏ
  • Di chúc chiến sĩ
  • Đánh chiếm tim em
  • Đất
  • Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe
  • Đói
  • Giấc mơ ngư thuỷ
  • Hoa cứt lợn
  • Hoa giọt lệ của trái tim
  • Hoa sen
  • Hồ tiêu Vĩnh Linh
  • Hôn
  • Huyệt
  • Kinh cầu nguyện buổi sáng
  • Lá khổ sâm
  • Lời mẹ dặn
  • Mời rượu
  • Nghe tiếng cuốc kêu
  • Sám hối
  • Say
  • Tạ
  • Tặng Xuân Quỳnh
  • Thi sĩ và công nhân
  • Thơ cái chổi – Chống tham ô lãng phí
  • Thơ chơi
  • Thơ đề trên nỏ
  • Thơ tặng Nguyễn Đức
  • Thơ viết cho con gái chưa đầy tuổi tôi
  • Thơ vĩnh biệt mẹ
  • Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo
  • Tím
  • Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ giòng
  • Tôi dịch Ét-xê-nhin
  • Tôi yêu
  • Trái thơ
  • Trăng
  • Trầm
  • Tự bạch
  • Tự kiểm điểm
  • Viết thơ tặng thi hữu Vĩnh Tôn
  • Xưng tụng cây chổi

Văn Xuôi, Truyện

  • Vượt Côn Đảo, Tiểu thuyết
  • Thạch Sanh cháu Bác Hồ, Truyện thiếu nhi
  • Bên bờ Hiền Lương, Bút ký
  • Cuộc đời một đôi dép cao su, Truyện thiếu nhi
  • Như con cò vàng trong cổ tích
  • Vĩnh Linh, lịch sử văn hóa
  • Dũng sĩ chép còm, truyện thiếu nhi
  • Tuổi thơ dữ dội, Tiểu thuyết
  • Người du kích hói đầu, truyện thiếu nhi
  • Tiếng đàn trong rừng thẳm, truyện thiếu nhi
  • Đôi bạn tật nguyền kỳ lạ, truyện thiếu nhi
  • Bản hùng ca về 17 Vệ quốc Đoàn
  • Trăng hoàng cung, Tiểu thuyết thơ
  • Ba phút sự thật, Ký
  • Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?, hồi ký
  • Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè

15+ Bài Thơ Hay Nhất Của Thi Sĩ Phùng Quán

Cùng đọc và chiêm nghiệm ý nghĩa 15 bài thơ hay nhất của thi sĩ Phùng Quán.

Tiếng Hát Trên Địa Ngục Côn Đảo

Bóng đêm chùm Côn Đảo,
Sóng bể réo ầm ầm.
Gió hun hút đồi thông,
Trại giam nằm như chết.
Trập trùng lưới dây thép,
Trăng in bóng tháp canh,
Côn Đảo bỗng rùng mình.
Ai cất lên tiếng hát?
Tiếng hát ngân cao vút.
Bay bổng giữa trời đêm
Tiếng hát của chúng mình:
“…Cờ pha máu chiến thắng…”
Trại giam đang yên lặng.
Tù nhân ngồi cả lên.
Nín thở ho thật êm.
Nghe tiếng hát dội thấm qua vách đá.
Bóng một lá cờ đỏ
Chói lọi như mặt trời.
Theo tiếng hát chơi vơi.
Mọc lên giữa địa ngục.
Tiếng người nào đang hát?
– Một đồng chí của ta.
Giặc đem đến hôm qua.
Giam ở ngục đá xám,
Đợi ngày mai đem bắn.

Đảo càng khuya càng vắng,
Tiếng hát càng ngân cao.
Anh em khóc nghẹn ngào:
– Hát một đêm cuối cùng để mai chết.
Đồng chí ơi còn bài gì hát tiếp,
Hai ngàn chúng tôi thức suốt cả đêm nay!
Hàng ngàn bộ xương gầy,
Rít lên trong bóng tối.
Những người bị xiềng trói
Cựa mình xích kêu vang.
Muốn vùng dậy bẻ tan
Chạy đến người đang hát
Tên lính Phi đứng gác
Trước cửa ngục tử hình
Nghe tiếng hát lặng thinh,
Chống cằm lên mũi súng.
Người tù sắp xử bắn,
Vẫn hát mắt mở to.
Trong bóng tối sáng loà
Hai vì sao Bắc đẩu.
Người đang hát: chị Sáu,
Một cô gái miền Nam.
Năm nay mười bảy tuổi tròn
Hiền như bông lúa chín thơm giữa đồng.
Đêm hôm nay xích sắt cùm hai chân.
Ngồi trên đá như ngồi trên đống tuyết
Ngồi suốt đêm nay đợi ngày mai giặc giết,
Tóc chưa chấm vai, đời đẹp tựa trăng lên.
Nhưng mắt Sáu vẫn long lanh,
Vẫn thấy như mình sống giữa tự do.
Trên đường vào đảo hôm qua
Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung,
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê.
Bọn lính giặc như mê.
Trợn mắt nhìn cô gái,
Sắp chết mặt vẫn tươi roi rói,
Môi không tắt nụ cười:
– Trên cành chim hót chim ơi,
Ta làm cách mạng ta vui đến cùng,
Ngày mai chim đến mà ăn
Nhà tù Côn Đảo thành đồng lúa thơm.
Chim tìm bông lúa ngát hương,
Đặt lên nấm mộ đất vàng cho ta.
Nghe tiếng hát thiết tha
Của người tù sắp chết,
Tên chúa đảo quen ăn gan uống huyết,
Chiều hôm qua phải sởn ốc rùng mình.
Đêm hôm nay giữa lao tối vắng tanh,
Sáu hát mãi, căm thù chan chứa.
Hát bao nhiêu bài không nhớ nữa
Tiếng hát gợi lên những chuỗi ngày:
Sáu còn bé bỏng thơ ngây,
Một sớm nắng đẹp cờ bay đỏ làng.
Từ đó Sáu được đến trường,
Đêm thu trăng đẹp hát vang sân đình.
Rồi Tây đánh chiếm làng mình
Giếng trong đỏ máu, ruộng xanh cháy vàng,
Một đêm Sáu nằn nì xin me:
– Cho con làm liên lạc Công an.
Năm ấy mười bốn tuổi,
Mật thám chăng đầy lưới
Giữa thành phố Sài Gòn
Treo cờ đỏ sao vàng,
Giết Tây bằng lựu đạn
Ban ngày trong khách sạn
Tan xác bốn quan ba.
Lần cuối cùng sa cơ,
Sáu lọt vào tay giặc,
Đời trắng trong xanh ngắt,
Mới mười sáu tuổi đầu.
Chịu bao nhiêu thương đau.
Lê dương thay nhau hiếp,
Kìm gắp từng miếng thịt.
Cắt vú, đốt cửa mình.
Nghiến răng chịu nhục hình,
Sáu nhổ vào mặt chúng:
– Chúng tao làm cách mạng,
Không sợ chết sợ đau.
Thù chúng mày giết tao,
Đồng chí tao sẽ trả.
Ra toàn án áo đỏ
Chúng kết án tử hình,
Mắt Sáu vẫn long lanh
Thản nhiên nghe tuyên án
Có gan ném lựu đạn
Giết Tây giữa Sài Gòn,
Có gan đứng hiên ngang
Trưóc những giờ phút cuối.
Nhưng Sáu chưa đủ tuổi.
Chúng không thể giết càn.
Cắn răng nuốt bồ hòn,
Giam thêm hai năm nữa.
Sáu nghĩ: còn hơi thở,
Còn phục vụ nhân dân,
Mình còn sống hai năm,
Không thể xa cách mạng.

Giặc đẩy Sáu vào khám
Những tù nhân tử hình
Sống ở đây đinh ninh
Đếm từng ngày đợi chết.

Yêu Tổ quốc tha thiết,
Yêu Bác, yêu nhân dân.
Sáu không thể ngồi không,
Đợi ngày đưa đi bắn,
Ở đâu cũng có Đảng,
Ngay giữa tim kẻ thù,
Chi bộ của nhà tù,
Sáu được làm liên lạc.
Ngày nấu cơm đun nước,
Đem đến cho anh em,
Những người bị xiềng gông.
Cho đến giờ phút cuối.
Những đồng chí hấp hối,
Quằn quại kiết, ho lao,
Ngày hai buổi Sáu vào,
Nắm tay từng đồng chí,
Chuyền hơi ấm Đoàn thể,
Cho trái tim sắp ngừng,
Chuyền sức mạnh tinh thần
Cho những người, giặc sắp đưa đi bắn.
Một buổi trưa chúng vào khám
Bắt gặp Sáu đưa tin,
Chúng lồng lộn như điên,
Thét lên: Con khốn nạn,
Mày dám làm cách mạng
Đến chết vẫn không thôi!
Sáu bình thản mỉm cười:
– Lời chúng bay rất đúng!
Sáu chưa đến mười tám,
Chúng không dám để lâu,
Lén lút bỏ xuống tầu,
Đưa Sáu ra Côn Đảo
Hôm qua chúng nó bảo:
– Ngày mai sẽ giết mày.
Sáu kiêu hãnh khoanh tay:
– Ngày mai tao sẽ chết
Ngày ấy đã đến rồi!
Đêm nay qua gần hết.
Xa xa vọng vào tai
Tiếng chim rừng chiêm chiếp
Ánh sáng hiện lờ mờ,
Lọt vào ngục đá xám.
Ánh sáng báo đến giờ
Quân thù đưa đi bắn.

Sáu lấy đôi hoa tai
Của phụ nữ Nam Bộ
Tặng Sáu hôm xác Tây gục đổ
Giữa thành phố Sài Gòn,
Đeo vào vành tai nhỏ thon thon.
Tình đoàn thể dạt dào thấm thía.
Sáu vẫn hồn nhiên như đứa trẻ,
Nghiêng nghiêng đầu vuốt mái tóc rối tung.
Sáu nhớ lời mẹ bảo:
– Bao giờ tóc con chấm ngang lưng,
Mẹ mua cho chiếc khăn màu hoa thiên lý.
– Thôi mẹ đừng mua nữa!
Tóc con sẽ không bao giờ dài.
Còn mười lăm phút nữa thôi,
Tim con sẽ ngừng đập!
Tóc con, giặc nó sẽ chôn xuống đất.
Nó muốn chôn hết những gì mẹ quý mẹ thương.
Nhưng mẹ ơi đừng buồn!
Mẹ mất một mái tóc con,
Cho muôn mái tóc xanh hơn thế này.
Tóc con mục nát ở đây,
Tóc em con đẹp gió bay đến trường.

Ngoài đường xe rú vang,
Rít phanh cửa lao mở,
Sáu bước ra giữa hai hàng thú dữ.
Lên xe bình thản ngồi.
Nghe tiếng rú xe hơi
Ngàn người, hàng ngàn người
Đứng lên, đứng lên hết,
Đứng lên trong tiếng hát:
Bao chiến sĩ anh hùng…
Tiếng hát muốn lật tung
Tường đá xây song sắt.
Tiếng hát hoà nước mắt,
Đầm đìa như máu tươi.
Căm thù sùng sục sôi,
Tay chân cuồn cuộn máu
Chúng nó giết chị Sáu,
Người chị của chúng ta!
Trên địa ngục tha ma
Thêm nấm mồ đồng chí.
Chúng ta thương xót chị.
Căm thù quân dã man,
Cương quyết không đi làm.
Ngày hôm nay tuyệt thực!
– Đả đảo bọn đế quốc!
– Đả đảo quân giết người!
Trái đất còn mặt trời,
Lửa thù này chưa tắt.
Hai ngàn người cúi đầu răng nghiến chặt,
Tiễn biệt người đồng chí anh hùng.

Xa xa dưới đồi thông,
Nắng lấp lánh đầu lưỡi lê rờn rợn.
Sáu xuống xe đi giữa hai hàng súng,
Tiến thẳng ra đứng giữa hiên ngang,
Mắt sáng át lưỡi lê và thép súng.
Tên chúa đảo bắt đồng bào từ sớm,
Đến tập trung vây kín cả hai bên:
– Xem quan lớn hành hình Việt Minh,
Để chúng mày làm gương răn đe kẻ khác.
Đồng bào bưng mặt khóc,
Như xé ruột cắt lòng.
Trên trời dưới biển mênh mông
Xa Bác, xa Đảng, nhân dân đồng bào.
Thương chị nhưng biết làm sao,
Hai tay không súng không dao nhìn trời!
Sắp đến giờ bắn rồi,
Chúng nó hỏi:
– Muốn gì trước khi chết?
Sáu nhìn đồng bào mến yêu tha thiết.
– Muốn nói với đồng bào
Cắn răng nuốt nghẹn ngào,
Nói từng lời rắn rỏi:
– Chúng nó giết tôi năm nay mười bảy tuổi,
Nghĩ đến Tổ quốc tôi không sợ kẻ thù.
Nhất định có ngày bộ đội của Bác Hồ,
Sẽ đến cứu chúng ta khỏi lao tù ngục tối
Cha đạo đến đọc kinh rửa tội
Cho ngày mai con được lên Thiên đàng.
Sáu gạt đi bảo rằng
– Tôi không làm gì có tội
Và chỉ bọn giặc xung quanh như hổ đói,
Chính lũ kia mới có tội tày trời,
Ăn xương, hút tuỷ, uống máu người,
Máu chúng tôi ngập cầu Ma Thiên Lãnh
Xác chúng tôi chất đầy lao đá lạnh,
Xương nối nhau phơi trắng rợn đồi thông.
Chính chúng nó, tội ác mới vô cùng,
Chúng nó chết đời đời ở địa nguc!
Lũ giặc thét: Bịt mắt!
Bắn chết nó đi thôi!
Đồng bào có người ngất,
Rú lên: Trời đất ơi!
Sáu dõng dạc: Tao không cần bịt mắt!
Tên chúa đảo xồ đến giật mái tóc,
Phủ trùm lên đôi mắt lóng lánh đen.
Sáu hất đầu tóc loã xoã bay lên,
Và giận dữ quát vào mặt chúng nó:
– Bắn tao đi! Tao không bao giờ sợ.
Tao mở mắt to để nhìn luồng đạn chúng mày
Bắn tao đi! Mắt tao, ngực tao đây!
Bọn giặc rùng mình run tay súng.
Bốn phát chị vẫn sống.
Hai mắt vẫn mở to
Áo đỏ như mầu cờ,
Máu tuôn thành từng suói

Hai mắt vẫn sáng chói,
Nhìn cháy thịt kẻ thù.
Tiếng hô Đảng! Bác Hồ!
Gió bể mang về đất liền Tổ quốc.

Tám phát chị mới gục,
Đầu nghiêng như ngủ say.
Mái tóc gió bay bay,
Xanh rờn mười bảy tuổi…

Lời Mẹ Dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
– Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
– Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
– Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Cây Xương Rồng

Cây chi cây lạ lùng
Không cành cũng không lá
Toàn những thân với thân!
Mà thân thì dựng ngược
Như gậy gộc nghĩa quân
Toàn những góc với cạnh
Lại tua tủa gai chông!

Nhựa độc hơn bọ nẹt
Gai buốt nhọn hơn gươm
Người nghèo đem luộc kỹ
Ăn lại lành thay cơm!

Mọc lên từ cát lửa
Hồn vẫn xanh mát trong
Che chở người lương thiện
Trộm cướp đều ngại ngùng
Tên như một biểu tượng
Đời gọi cây xương rồng…

Xương Rồng ơi Xương Rồng!
Anh có thật xương rồng?
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hoá thân?…

Chiều Hành Quân

Chiều mưa hành quân
Nước đầm trấn thủ
Qua những ngôi nhà bé nhỏ
Như tổ chim mọc rải rác bên đường

Quanh bếp lửa hồng
Vợ chồng con cái
Ngồi so đũa bên nồi cơm mới xới
Trắng dẻo ngọt ngào thơm.

Chúng tôi quên mưa lạnh đường trơn.
Thấy lòng ấm lại.
Trong niềm vui no ấm của nhân dân.

Em bé bỏ bát ăn
Chạy ra cửa
Tranh nhau đếm bộ đội
Đếm ba lô
Đếm súng
Nhoẻn miệng cười, mắt sáng như trăng.
– Súng nớ của mi!
– Súng ni của tao!
– Súng tao to hơn!
– Súng tao dài hơn!

Chúng tôi cười:
– Súng của các em tất cả
Trao cho anh đi giành lại áo cơm.

Em cười như ngô rang.
Ấm cả chiều mưa lạnh.
Vành môi em lấp lánh
Cất tiếng hát tình tang:
– Hoan hô anh vệ quốc đoàn,
Ăn sương nằm đất đánh tan quân thù
Tính tình tang, tang tính tình.

Tiếng hát thanh thanh
Ngọt mùi sữa mẹ
Như nhắc chúng tôi
Giữ lấy hoà bình các anh nhé
Cho em vui hát mãi điệu tính tang.

Bài Ca Nguyễn Văn Trỗi

Ơi cô! ơi bác, ơi chị, ơi anh
Ơi trái dừa xanh, ơi con chim trắng
Ơi dòng sông nắng, ơi ngọn núi mưa
Ơi tím hoa cà, ơi vàng nong kén
Ơi mù động biển, ơi mây Trường Sơn
Ơi Cửu Long giang, ơi trang sách mở
Ơi khăn quàng đỏ, ơi ngó sen hồng
Ơi gậy tầm vông, ơi đồng hợp tác
Ơi thơ, ơi nhạc, ơi, ơi, ơi ơi!
Ai muốn tìm chi? thì tôi xin chỉ
Ai muốn tìm đất, lên vùng khai hoang
Ai muốn tìm non, thì lên Việt Bắc
Tìm rừng chôn giặc, thì vào Tây Nguyên
Tìm buồm, tìm thuyền thì đi ra biển
Muốn tìm mùa xuân thì theo cánh én
Tìm trăng kháng chiến thì vào miền nam
Tìm người trung kiên, gan vàng dạ sắt
Bốn phía thù vây, hai tay trói chặt
Mười họng súng giặc chỉa thẳng vào tim
Vẫn lấy niềm tin làm gươm chém trả
Lấy mắt làm lửa, tiếng nói làm cờ
Tấn công kẻ thù, thì tìm anh Trỗi
Ơi ai muốn tìm người thợ VIỆT NAM
Như muôn người khác,
Rất mực bình thường
Như tre đầu thôn
Như dừa cuối ngõ
Như tên trên nỏ
Như cây giữa rừng
Như gậy tầm vông
Như chông chờ giặc
Vì yêu sâu sắc
Vì thù nấu nung
Không muốn nhân dân
Sống quỳ, sống khổ
Chiều hôn tóc vợ
Đêm ra chiến trường
Sống thì xả thân
Chết thì chiếu sáng
Thì tìm Anh Trỗi
Ơi ai muốn tìm người thợ thanh niên
Mặt như gương rọi
Hạnh phúc vừa hái
Cầm chưa ấm tay
Vợ yêu chăn gối
Tuần trăng chưa đầy
Nghe nhiệm vụ gọi
Dưới cờ có ngay
Cần thì nhẫn cưới kéo thành dây bom
Cứu nguy đồng đội
Cực hình nhận phần
Đánh cầu không thắng
Thì đánh pháp trường
Biến cọc xử bắn, thành luỹ tấn công
Trên nắp áo quan, cắm cờ quyết thắng, thì tìm anh Trỗi
Anh Nguyễn Văn Trỗi
Anh Nguyễn Văn Trôi
Anh Nguyễn Văn Trội
Cả ba cách gọi
Đều là gọi anh
Như hoa, như huê, đều là thơm ngát
Như đàn như đờn đều ngân tiếng nhạc
Như hận, như hờn đều là bất khuất
Như nỏ như ná đều là giết giặc Trang 5
Như biển, như bể đều là mêng mông
Như hường, như hồng đều sắc cờ Đảng
Như đào, như điều đều là nhiễu thắm phủ lấy giá gương
Ơi cô! ơi bác, ơi chị, ơi anh
Ơi ai muốn tìm Anh Trỗi, Anh Trội
Trở ra nghĩa địa
Tìm mồ cỏ xanh
Cây thập tự trắng
Cái quan tài xanh
Một người như Anh
Chúng chôn sao nổi
Không chôn nổi núi mẹ, núi con…
Đến ngọn Trường Sơn
Chúng chôn sao nổi
Huống là chôn Anh
Anh Nguyễn Văn Trỗi
Anh Nguyễn Văn Trôi
Anh Nguyễn Văn Trội
Cả ba tên gọi
Đều là gọi Anh

Đánh Chiếm Tim Em

Anh phất cao lá cờ yêu đương
Trên nóc pháo đài tim em cố thủ
Anh thét to cảm động cả bầu trời
Xao xuyến hết các tinh cầu vũ trụ:
-Tim em anh chiếm được rồi!
Muôn thế kỷ thuộc về anh mãi mãi!

Mười tháng trời anh đánh chiếm tim em
Ngã xuống, đứng lên, chết đi, sống lại
Đâu khổ đến già đi như trái núi
Lo lắng giận buồn đại bác nã tim anh!

Em biết không em ơi
Một lời nói vô tình em lạnh nhạt
Còn hơn thuốc nổ nghìn cân
Châm lửa nghiền tim anh vỡ nát
Thơ ca mộng ước nghìn lần

Em biết không em ơi
Đôi mắt em trang nghiêm đắm đuối
Chỉ nhìn anh trong một phút thôi
Em giúp anh lột xác mình trẻ lại
Hay vượt qua lửa bỏng nước dôi

Bao nhiêu đêm anh thao thức
Trước mặt anh sừng sững luỹ tim em
Trên đỉnh tim bay lá – cờ – đôi – mắt
Đẹp vô cùng quyễn rũ khuyến khích anh

Nên tiến lên hay cúi đầu hàng phục?
Hay bỏ đi chiếm tim khác dễ hơn?
Nhưng anh nghĩ
Những pháo đài xi măng cốt sắt
Chỉ đầu hàng những người lính có gan
Và những trái tim khó khăn nhất
Chỉ dành cho những người chân thật yêu đương

Những trái tim như em
Không bao giờ chịu thua vũ khí lời đường mật
Đập đầu van lạy cầu xin
Anh đem cả tình yêu chân thành nhất
Lấy tim anh làm vũ khí chiếm tim em

Ngồi trong xe tăng tim anh vượt qua lửa bỏng
Lửa mắt em mười tháng nắng mưa
Đêm nay đêm tháng sáu trời sao lồng lộng
Trên đỉnh pháo đài tim em anh đã cắm cờ

Anh phất cao lá cờ yêu đương
Trên nóc pháo đài tim em cố thủ
Anh thét to cảm động cả bầu trời
Xao xuyến hết các tinh cầu vũ trụ
Tim em anh chiếm được rồi
Anh ở lại không bao giờ ra nữa
Nói như thế em ơi còn có nghĩa
Đời đời chung thuỷ yêu em!

Mời Rượu

Mời bác Ba Vì xích lại đây
Ta cùng tuý luý ngắm sóng say
Tôi đùa bác đấy đừng tưởng thật
Bác xích lại gần tôi cũng gay

Bác là Ba Vì tôi Phùng Quán
Bác đông khách tôi càng lắm bạn
Toàn bợm rượu coi trời bằng chai
Họ nhầm lung tung bác với tôi…

Bác đẹp ngang tàng tóc còn xanh
Gái Đông Đô sướt mướt thư tình
Gửi nhầm địa chỉ tôi chết dở
Bà vợ tôi sẽ nổi cơn ghen

Thôi, bác cứ ngồi yên ở đó
Còn tôi cứ tĩnh toạ ở đây
Tôi thì làm thơ bác làm núi
Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây.

Say

Tăm tăm tình bạn
Chếnh choáng tình đời
Líu lưỡi tình người
Nôn nao thân phận!…

Chiếu rách ta ngồi
Lắc lư thuyền sóng
Cái giường long mộng
Một giòng sông trăng…

Ta cũng Lý Bạch!
Vồ trăng đáy sông
Mạn thuyền vừa cúi
Râu tóc bỗng lừng
Mắm tôm, chanh, ớt…
Trăng ta vồ được
Một mảnh ni lông!
Ta hơn Lý Bạch
Ta vồ được trăng!
Trăng ta đem gói
Nào dồi nào lòng…

Bên ta mỹ nữ
Mặt hoa che đàn
Ta Bạch-Cư-Dị!
Khách bến Tầm Dương..
Tư mã Nghi Tàm
Lệ đầm áo rách
Câu thơ bị biếm
Mềm môi ngâm tràn

Giai nhân! Giai nhân!
Mặt hoa ửng đỏ
Vì cảm thơ ta
Hay vì men lửa
Nghiêng đàn tỳ bà
Trăng rọi mặt hoa…

Ta nhìn xuống mâm
Lòng dồi như vét…
Vừng trăng nhoe nhoét
Một đống tỳ bà!
Ta nhìn giai nhân
Té mụ nạ giòng
Ta quen biết cũ
Nghiêng đàn tỳ bà
Té ra bát đũa
Tay gắp miệng và…

Ha ha, ha ha!
Cười đâu ta khóc…
Ta cười Lý Bạch
Cười giòng sông trăng
Cười Bạch Cư Dị
Cười bến Tầm Dương
Ta cười giai nhân
Mặt hoa che đàn…
Ta cười thân ta
Thiên sinh ngã tài…
Mà ta vô ích
Vô ích! vô ích!
Ta cười rượu xoàng
Uống hoài vẫn tỉnh!…

Nghe Tiếng Cuốc Kêu

Chắc có điều chi bi thương lắm
Không bày giãi được nên phải kêu
Đêm mất ngủ, nghe cuốc kêu đứt ruột
Lòng những bàng hoàng muốn kêu theo.

Cây Dứa

Cả một đời chỉ cúi lạy hoa mai
(Nhất sinh đê thủ bái mai hoa – Cao Bá Quát)

Tôi, tôi nghiêng mình trước cây dứa.
Bao giờ tôi cũng kinh ngạc
Như đứng trước sức sáng tạo của thiên tài
Ngắm cây dứa tốt xanh trên đất cằn sỏi đá
Với những tầu lá dài màu cỏ dáng gươm.
Và lấp lánh ở giữa, một bình vàng
Ăm ắp mật dịu trăm cơn nắng lửa

Dứa ơi!
Người hãy dạy tôi
Cách chắt lọc từ khô cằn sỏi đá
Chất mật mát lành dịu nắng lửa trăm cơn
Để từ cuộc sống gian lao, bất trắc khôn lường
Tôi vẫn viết được,
Dâng tặng đời
Những trang văn đấy ắp mật.

Trăng

Trăng du đãng ngủ nhờ thềm lạnh
Muốn mời vào, nhà không chiếu chăn
Tỉnh giấc. Trăng đi còn để lại
Nước mắt đầy thềm tạ cố nhân!

Trầm

Thoạt nhìn tưởng củi mục
Cháy lên mới thấy thơm
Kiếp trước trầm đích thực
Anh hùng và thi nhân.

Sám Hối

Quỳ rạp trán trước đền Diệp lục
Tôi tạ tội cùng cỏ cây
Tôi đã mắc phải nhiều trọng tội:

Khổ đau cuộc đời mà tôi phải nếm trải
Tôi chưa đủ gan nếm trải đến tận cùng
Tôi chưa đủ tình thương
Để thương tất cả những gì cần được thương…
Tôi xin được trừng phạt!

Hãy đội lên đầu tôi một vành – gai – nước – mắt
Đóng đinh câu rút tôi lên thập – tự – tình – yêu

Hỡi bạn hữu thân sơ!
Trước khi mỉm cười với tôi
Hãy quất lên lưng trần tôi ngọn roi thương khó

Một trăm năm sau
Tôi sẽ rời thập tự
Với tấm lòng và mắt trẻ sơ sinh.

Tôi Yêu

Trái tim tôi như trái cây bị dập nát
Rụng xuống từ cành cao
Tình tuyệt vọng là ngọn sào
Chọc cho trái cây rụng xuống…
Trái cây rụng
Vẫn mơ giấc mơ… hoang tưởng
May ra được gót chân em dẫm nát
Ðể trước khi tan vào bụi đất
Còn được hôn gót chân yêu…
Nhưng em la lối phàn nàn:
– Gian phòng tôi nóng thiêu như sa mạc
Anh đến ngồi quá lâu
Càng thêm nóng bức!
Anh thở như người sắp chết khát
Chút khí trời ít ỏi của tôi!
Quá đau khổ
Tôi hóa thành lì lợm
Tôi xin em bớt giận…
Nếu không được ngồi
Thì tôi xin đứng
Cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà
Nếu không được thở…
Tôi sẽ nín thở
Như cái ngày còn đi chăn trâu cắt cỏ
Tôi suýt chết dưới đáy giếng làng
Vì mãi lặn mò con cá bống thần cô Tấm bỏ quên…
Em giận dữ la lên:
– Ðứng trong xó nhà cũng không được đứng!
… Thì tôi xin ra đứng trước hiên…
– Ðứng trước hiên cũng không được đứng!
… Thì tôi xin ra đứng đầu đường
Tôi nhìn vào khung cửa nhà em
Môi rát bỏng những lời yêu thương…
– Ðứng đầu đường cũng không được đứng!
Lời yêu thương cũng không được nói!
…Thì tôi xin chết!
Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt
Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…
Dù hỏa táng
Dù chôn chín tầng đất
Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình!

Cỏ

Giấy trắng quá

Mắt em trong quá
Liệu thơ tôi có xứng trắng trong này…
Đây đâu phải thơ
Chỉ là những tiếng tôi thì thầm lúc buồn khổ
Để nguôi đau, tôi chẳng muốn ai hay…

Nhưng em đã đến
Mắt trong và giấy trắng
Trưa Hồ Tây, mặt trời nở đỏ vườn
Chỉ một lý do ấy
Tôi đã không từ chối được
Hát cho em nghe những tiếng tôi nấc thầm…

Nếu em cứ bảo đó là thơ
Thì hãy coi thơ này hát lên từ lá cỏ
Lá cỏ vệ đường
Lá cỏ không tên
Người này lặng im nghe cỏ hát
Người kia xéo giày, dẫm đạp lên…

Nhưng không sao cả em ơi
Cỏ sinh ra là để gót giầy dẫm đạp
Để vô danh
Để xanh

Để hát.

Tìm hiểu những thông tin thú vị về🍃Thơ Ý Nhi 🍃 Tuyển tập thơ hay

Những Đánh Giá, Nhận Định Về Nhà Thơ Phùng Quán

Dưới đây là những đánh giá, nhận định về nhà thơ Phùng Quán, bạn có thể đọc thêm để có nhiều góc nhìn về thơ văn của ông.

  • Có thể nói, cuộc đời của nhà thơ Phùng Quán là một “bài thơ” bi tráng của một người lính dấn thân vì nhân dân, đất nước. Dù trải qua những năm tháng bi thương khốc liệt nhất của đời người. “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…”. Nhưng ông vẫn sắt son niềm tin vào Đảng, vào sự đổi mới phát triển của đất nước.
  • Đọc thơ Phùng Quán, ta trang trọng đọc một nhân cách làm người, một chí khí và một tấm lòng thiết tha đau đớn, trăn trở và lo toan thời cuộc. Và tuyệt nhiên ta không tìm thấy một lần trong văn chương của ông một lời nào oán hận với bất kỳ cá nhân nào. Ở đây ta chỉ gặp niềm xưng tụng thiêng liêng tình yêu Tổ quốc và nhân dân. – Khuất Bình Nguyên.
  • “Trăng hoàng cung” có lẽ là tập thơ hay nhất và kỳ lạ nhất của Phùng Quán. Đây là tác phẩm kết hợp văn xuôi với thơ, mượn văn để đưa lối đến vườn thơ nhưng đó chính là những áng văn rất thơ được chắt lọc từ những trải nghiệm của “một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ”. – Kim Phước.

Tặng bạn tập 🔰Thơ Phan Thị Thanh Nhàn🔰 Hay đặc sắc

Viết một bình luận