Thơ Nguyên Sa: Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay

Thơ Nguyên Sa ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay ✅ Cùng Tìm Hiểu Các Thông Tin Về Cuộc Đời, Sự Nghiệp Làm Thơ Của Nguyên Sa.

Tiểu Sử Nhà Thơ Nguyên Sa

Nguyên Sa là một nhà thơ, nhà báo và là một giáo sư triết học nổi tiếng. Để biết thêm về tiểu sử nhà thơ Nguyên Sa thì mời bạn theo dõi phần tóm tắt sau đây:

  • Nguyên Sa (1/3/1932 –  18/04/1998) tên thật là Trần Bích Lan, bút hiệu khác Hư Trúc, là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950.
  • Lúc nhỏ, ông học trường dòng Puginier. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, ông theo gia đình tản cư ra Vân Đình (Hà Đông), học trường Văn Lang.
  • Trong thời kỳ kháng chiến Nguyên Sa tham gia hoạt động cách mạng và bị Việt Minh bắt giam khi ông mới 15 tuổi. Sau 8 tháng bị giam giữ, điều chuyển, Nguyên Sa được thả ra với lý do “bắt nhầm người”.
  • Sau khi được thả ra, ông trở về Hà Nội được gia đình cho sang Pháp du học vào năm 1949.
  • Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, ông theo học triết tại Đại học Sorbonne.
  • Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước, sống tại Sài Gòn.
  • Khi về Việt Nam, ông dạy triết tại trường Trung học Chu Văn An và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông còn mở lớp tại nhà dạy triết cho học sinh chuẩn bị thi tú tài. Ngoài ra, ông còn hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi.
  • Nhà thơ Nguyên Sa cùng gia đình sang định cư tại bang California- Hoa Kỳ từ năm 1978. Tại đây, ông chủ trương tạp chí Đời, trung tâm băng nhạc Đời và nhà xuất bản Đời.
  • Ngày 18 tháng 4 năm 1998, ông qua đời.

Đọc thêm 🔰Thơ Phùng Quán🔰 Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay

Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Nguyên Sa

Tổng quan những nét chính trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyên Sa.

  • Nguyên Sa viết nhiều thể loại bởi chính bản thân ông “mang nhiều thể loại”, loại nào, ông cũng có những tác phẩm sáng giá.
  • Năm 1953, ông đậu tú tài ở Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.
  • Từ thập niên 70 trở đi, tên tuổi ông gây chú ý khi những bài thơ được nhiều nhạc sĩ như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Song Ngọc, Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc.
  • Các tác phẩm thơ nổi tiếng của Nguyên Sa như: “Áo lụa Hà Đông”, “Tuổi mười ba”, “Paris có gì lạ không em”, “Tháng Sáu trời mưa”,…Các bài thơ này về sau đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc.
  • Trong lĩnh vực báo chí, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại. Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.

Phong Cách Sáng Tác Của Nguyên Sa

Cùng Thohay.vn tìm hiểu chi tiết về phong cách sáng tác của nhà thơ Nguyên Sa.

  • Ngoài những tác phẩm văn xuôi, thơ của Nguyên Sa vừa có tính cách tân vừa hòa hợp, đặc điểm này ít tìm thấy trong thơ của các thi sĩ cùng thời. Về mảng thơ tình, những bài thơ của Nguyên Sa sáng tác về tình yêu tuổi ngọc được xem là độc đáo, nhiều bài được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc và được trình bày rộng khắp một thời ở miền Nam. 
  • Về phương pháp làm thơ, Nguyên Sa có thuyết cho rằng vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát hẳn, thậm chí lạc vần, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ, vẫn ra một bài thơ hay.
  • Nhà thơ Nguyên Sa từng chia sẻ rằng: “Vần thơ có vần chỉnh, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sự sử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chỉnh, vần cưỡng và ngày cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông.”

Xem thêm tập ☀️Thơ Việt Phương☀️Tuyển Tập Thơ

Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Nhà Thơ Nguyên Sa

Thohay.vn chia sẻ cho bạn tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Nguyên Sa.

Tuyển Tập Thơ

*Các tập thơ xuất bản

  • Thơ Nguyên Sa tập 1
  • Thơ Nguyên Sa tập 2
  • Thơ Nguyên Sa tập 3
  • Thơ Nguyên Sa tập 4
  • Thơ Nguyên Sa toàn tập

*Các bài thơ

  • A Tỳ
  • Áo lụa Hà Đông
  • Bài giã biệt
  • Bài hát Cửu Long
  • Bài thơ ngắn
  • Bao giờ
  • Bay đi chim bay đi
  • Bất ngờ
  • Bây giờ
  • Buổi chiều và mái tóc
  • Buổi sáng học trò
  • Cá vàng
  • Cảm tạ
  • Cắt tóc ăn Tết
  • Cần thiết
  • Chào nhau
  • Chim
  • Cho thuê
  • Chụp hình Tết, coi âm bản và làm thơ
  • Có phải em về đêm nay
  • Dặn vợ sắp cưới
  • Di chúc
  • Đám tang Nguyễn Duy Diễn
  • Đẹp
  • Đêm mưa
  • Đợi khách
  • Em gầy như liễu trong thơ cổ
  • Gọi em
  • Hai mươi
  • Hãy đưa tôi ra bờ sông
  • Hịch
  • Hoa sen và hoa đào
  • Hư ảo trăng
  • Khép
  • Kỳ diệu
  • Lúc chết
  • Mời
  • Mùa xuân buồn lắm em ơi
  • Năm ngón tay
  • Nga
  • Ngỏ ý
  • Ngoài tầm
  • Người em sống trong cô độc
  • Nước ngọt
  • Paris
  • Paris có gì lạ không em
  • Pho tượng
  • Sám hối
  • Sân bắn
  • Tâm sự
  • Tháng sáu trời mưa
  • Thơ xuân
  • Thư cho bạn
  • Tiễn biệt
  • Tình yêu đàn ông ba mươi tuổi
  • Tôi sẽ bỏ đi rất xa
  • Tôi sẽ sang thăm em
  • Tuổi mười ba
  • Tuyệt chiêu
  • Tự do
  • Tương tư
  • Xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vãng

Truyện

  • Gõ đầu trẻ (Truyện ngắn)
  • Mây bay đi (Truyện ngắn)
  • Giấc mơ 1 (Truyện dài)
  • Giấc mơ 2 (Truyện dài)
  • Giấc mơ 3 (Truyện dài)
  • Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ (Truyện dài)

Biên Khảo Triết Học Và Văn Học

  • Descartes nhìn từ phương Đông
  • Một mình một ngựa
  • Một bông hồng cho văn nghệ

Bút Ký, Hồ Ký

  • Nguyên Sa – Hồi ký
  • Cuộc hành trình tên là lục bát (Hồi ký)
  • Đông du ký (Bút ký)

Sách Giáo Khoa

  • Luận lý học
  • Tâm lý học

15+ Bài Thơ Hay Nhất Của Thi Sĩ Nguyên Sa

Đâu là những bài thơ hay nhất của thi sĩ Nguyên Sa? Cùng Thohay.vn điểm danh 15 bài thơ hay nhất của ông sau đây nhé!

Tuổi Mười Ba

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn

Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa sêu
Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế?

Tôi nói lâu rồi… nhưng ngập ngừng khe khẽ
Để giận hờn chim bướm chả dùm tôi
Nhưng rồi lòng an ủi “nắng chưa phai
Tình chưa cũ bởi vì tình chưa mới…”

Má vẫn đỏ, đỏ một màu con gái
Với những lời hiền dịu tuy chua ngoa
Lòng vẫn ngỡ ngàng: tóc ướp bằng thơ
Sao hương sắc lên mắt nhìn thi tứ?…

Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chim sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám… quay đi
Cả những giờ bên lớp học, trường thi
Tà áo khuất thì thầm: “chưa phải lúc…”

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím…

Chả có gì… sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ: hay là ai?…
Trăm bức thư lót giấy kẻ dòng đôi
Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ)

Tôi đã viết hay chỉ thầm âu yếm kể
Tôi đã nhìn hay lặng lẽ say sưa?
Nên đêm vui sao cũng chớm buồn thưa
Và lo sợ khi lòng mừng quá đỗi…

Rồi trách móc: trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá, sao mà kiêu…
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu”
Hôm nay nữa…nhưng lòng mình sao lạ quá…

Áo Lụa Hà Đông

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng

A Tỳ

Kinh dị ngày và kinh dị đêm
Hoàng hôn lạnh cóng tứ chi mềm
Mấy cành củi mục trôi về biển
Ngang cửa A Tỳ thấy chốn quen

Cứ tưởng mưa xong có nắng vàng
Tới sông tìm mãi chuyến đò ngang
Bỗng nhìn thấy ở trong lưu lạc
Có ngọn lưu đày chỗ cuối đêm

Cánh cửa ngang qua thế giới buồn
Tống biệt hồng sang tống biệt đen
Em mang điệp khúc về đâu đó
Ta tưởng chừng như giã biệt em

Chết một ngàn năm chắc phải sầu
Nhưng này thương nhớ lúc xa nhau
Mịt mù nhân thế trôi biền biệt
Giữa vị sầu nghe có vị đau.

Hoa Sen Và Hoa Đào

Em vào tắm dưới hoa sen
Những khe nước chẩy những miền hải lưu
Những thuyền lạc dưới trời sao
Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh
Chỗ đào có lá sen xanh
Bờ xa cỏ thấp nghiêng mình dáng sông
Tuyệt vời giữa một giòng trong
Đầu sông tóc ướt, lưng vòng biển khơi.

Paris Có Gì Lạ Không Em

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Em có đứng ở bên bờ sông?
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng

Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
Mỗi lần tan một chút suơng sa
Bao giờ sáng một trời sao sáng
Là mắt em nhìn trong gió đưa…

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay

Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vừng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em?

Anh sẽ đàn những phím tơ trùng
Anh đàn mà chả có thanh âm
Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
Để lúc xa vời đỡ nhớ nhung

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?…

Bay Đi Chim Bay Đi

Cho trả chiếc mũ phở
Cho trả nắm bùi nhùi
Cho trả hai cục gạch
Gắn trong mớ bùi nhùi
Đóng vai trò con mắt
Cho trả luôn cái cây
Đứng theo tư thế dọc
Cho trả luôn cái cây
Đứng theo tư thế ngang
Mặc chiếc áo vét cũ
Ngực áo có huy chương
Hai tay đưa hai bên
Bên có chuông thánh thót
Bên có khánh ngân vang
Bên có tấm bảng nhỏ

Bay đi chim bay đi
Bên có tấm bảng lớn
Bay đi chim bay đi
Bảng ở chỗ gặp nhau
Của thân cây thập tự
Ở đúng chỗ gặp gỡ
Bùi nhúi và áo vét
Chỗ có tên là cổ
Dòng chữ đã phai nhòa
Thượng đế vẫn còn sống
Thượng đế đã chết rồi
Những chữ và những chữ
Cho trả lại những chữ
Cho trả lại những bảng
Trả lại chuông và khánh
Bùi nhùi và mũ phở

Bay đi chim bay đi

Chào Nhau

Gặp em không thể chào bằng tay
Em sẽ chê là năm cành cây
Em sẽ chê là năm nòng súng lạnh
Bởi vì đau hai mươi năm nay

Gặp em không thể chào bằng mắt
Em sẽ không thể ngủ được ban đêm
Em sẽ nằm trong cơn thù hận
Em sẽ chìm sâu trong cơn điên

Gặp em không thể chào bằng môi
Chỉ còn da thịt chẳng còn hơi
Chỉ còn tiếng kêu, chỉ còn tiếng thét
Chẳng còn tiếng nói, không còn tiếng cười

Gặp em ta sẽ chào như loài kiến
Chào như loài dế, chào như loài giun
Chạm tóc vào nhau ta gục đầu xuống
Như đồng bào ta nằm trong đất đen

Gặp em chưa được chào bằng vai
Như những xác người xếp dài
Ta chỉ chào bằng hai hàng nước mắt
Từ hai mươi năm nằm im trên môi.

Tâm Sự

Mỗi lần làm xong một bài thơ
Tôi đều muốn dứt bỏ chỗ đông người
Trở về nơi sum họp của trăng sao
Mà đọc lên những lời tình ái say mê
Mà đọc lên những lời đắm đuối

Như những sao đêm sao chìm trong bóng tối
Người thuỷ thủ già vẫn lặng lẽ nhổ neo
Suốt một đời người
Tôi vẫn làm người con trai mười tám tuổi đi cầu hôn
Có người hỏi rằng: sao không chán nản van xin?
Tôi xin thưa: ngày tháng không thể làm mòn phai những lời đắm đuối
Người bảo dại khờ? Thưa vâng, tôi chỉ là một người trẻ tuổi
Nhưng nếu người trách là cuồng tín
Tôi phải xin thưa: bị lừa gạt đã nhiều
Nên nguyện suốt đời thật dạ thương yêu
Nên nguyện suốt đời vĩnh viễn làm thơ
Cho những người con gái lấy chồng
Mang theo làm vốn liếng…

Người có hỏi: chẳng có ai hẹn hò sao cứ một mình hò hẹn
Và người cười – Tôi chẳng dám hờn ghen
Tôi nói chuyện ân tình dù chẳng có quyền uy
Tôi mến, tôi yêu chứ đâu dám sắc phong cho tình ái

Còn vụng dại, thưa vâng, tôi vụng dại
Tôi dại khờ mà vẫn cứ say sưa
Chuyện đời người làm gì có lượng cân đo
Thì tình ái biết đâu mà suy tính

Nên tôi muốn một lòng thành khẩn
Dâng cuộc đời chuyện tình ái đam mê
Không phải tôi sợ lao tù
Mà chỉ vì yêu mến loài người
Nên giãi tỏ niềm riêng để cùng thông cảm

Dù người nghe, dù người chẳng muốn
Tôi biết làm sao?
Thơ không phải là một giải trí trường
Để các người rủ nhau vào du hí…

Cho đến bao giờ cả lòng người cũng yêu đương mà mở toang cửa ngõ
Nếu thấy cần tôi sẽ bỏ làm thơ
(bỏ làm thi sĩ)
Bỏ cái nghề thầy kiện già biện hộ cho tình yêu
Để cùng bạn bè bốn phương
Gục đầu trong hạnh phúc

Năm Ngón Tay

Năm ngón tay
Trên bàn tay năm ngón
Có ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
Ngón tay đếm tiền
Ngón tay lái xe
Ngón tay thử coóc-sê
Ngón tay cài khuy áo

Em còn ngón tay nào
Ðể giữ lấy tay anh?

Lúc Chết

Anh cúi mặt hôn lên lòng đất
Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng
Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không
Ðôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh

Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh
Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời
Em có ngồi mà nghe gió thu phai
Và em có thắp hương bằng mắt sáng?

Lúc ra đi hai chân anh đằng trước
Mắt đi sau còn vương vất cuộc đời
Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai
Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi

Ðôi mắt ấy đột nhiên buồn không nói
Ðột nhiên buồn chạy đến đứng trên mi
Anh chợt nghe mưa gió ở trên kia
Thân thể lạnh thu mình trong gỗ mục

Anh chợt ngứa nơi bàn chân cỏ mọc
Anh chợt đau vầng trán nặng đêm khuya
Trên tay dài giun dế rủ nhau đi
Anh lặng yên một mình nghe tóc ướt

Nằm ở đấy, hai bàn tay thấm mệt
Ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài
Những bài thơ anh đã viết trên môi
Lửa trái đất sẽ nung thành ảo ảnh

Tôi Sẽ Sang Thăm Em

Tôi sẽ sang thăm em
Để nhớ những mớ tóc màu củi chưa đun
Mầu gỗ chưa ai ghép làm thuyền
Lùa vào nhau nhóm lửa

Tôi sẽ sang thăm em
Để những ánh mắt màu sao sáng tỏ
Hay đôi mắt màu thóc đang say
Màu vàng khô pha lẫn sắc nâu gầy
Đừng nhớ những ngày còn là lúa
Để lệ trắng như gạo mềm rơi trên tay

Tôi sẽ sang thăm em
Để tình yêu đừng chua cay
Để tình yêu là sóng
Một giòng sông gặp gỡ giòng sông

Tôi sẽ sang thăm em
Dù có một nhịp cầu mới mở
Nhưng chỉ để hành quân
Tôi sẽ sang thăm em
– Ngay hôm nay –
Chờ ngày mai có thể
Chúng mình sẽ xa nhau
Chúng mình sẽ thù nhau
Chúng mình sẽ nhìn nhau bằng đôi mắt người đàn bà có tuổi

Và giòng sông có thể dài thêm nửa với
Bờ sông không đuổi kịp giòng sông
Nhịp cầu đổ gãy
Và chúng mình
Với bốn bàn tay chết đuối
Trên bờ sông
Như người đàn bà suốt đời thai nghén
Phải không em?

Tương Tư

Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?

Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương

Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa

Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em.

Pho Tượng

Khi về,
Xin em đi từng bước chậm,
Anh không còn đó,
Xin em hiểu dùm,
xin em lượm dùm.

Pho tượng mưa,
Pho tượng mùa đông,
Pho tượng mây xám,
Pho tượng tuyết trắng.

Anh không còn đó,
Dù vậy,
Pho tượng nào cũng có một đời riêng,
Pho tượng mưa và pho tượng tuyết
Pho tượng tuyết, chắc em còn nhớ có quanh cổ chiếc khăn quàng của em
Mỗi pho tượng tự tìm lấy chỗ ngồi của mình
Anh cũng tìm chỗ ngồi
Anh cũng ngồi ở đó
Lặng im
Cho đến lúc chợt biết
Mỗi pho tượng cũng có một đời riêng.

Mùa Xuân Buồn Lắm Em Ơi

Mùa xuân buồn lắm em ơi
Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
Đạp xe qua nhà em
Nhìn vào ngưỡng cửa
Nhà số 20
Anh nhớ em má hồng…

Anh nhớ nhà em có cửa sơn xanh
Có một hàng rào, có thầy, có mẹ …
Có ngựa chạy trong trường đua, người đi ngoài phố
Nên anh đạp xe đi
Rồi đạp xe về
Mà chẳng có đôi ta…

Mùa xuân buồn lắm em ơi
Mỗi lần đạp xe về anh vẫn nghe lòng bỡ ngỡ
Chiếc xe còn nguyên màu sơn xanh
Nhưng tâm hồn đã ngả sang màu sắt rỉ

Bởi vì từ Saigon lên tận trường đua Phú Thọ
Hết cả tiền uống một ly nước mía
Mà cũng không gặp em
Nên khát đắng linh hồn

Không phải anh ngại đường xá xa xôi
Anh cần gì đường dài
Anh cần gì nước mía
Anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc
Cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa biền biệt
Nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa
Để anh nghe em cười mà thấy cả mùa xuân…
Làm sao chỉ có một mình anh
Vừa đạp xe, vừa ngâm thơ (mà đường vẫn dài)
Ngửa mặt lên cao, trời xanh biêng biếc
Làm sao em không ngó xuống linh hồn?…

Sao mùa xuân mà chẳng có mưa bay
Chẳng có người đi bên cạnh cầm tay
Anh chẳng được hôn lên trán ái tình
Và nói năng những lời vô nghĩa…

Tháng Sáu Trời Mưa

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu

Không nên bỏ lỡ chùm 🌿Thơ Hoàng Lộc🌿 Tác Giả, Tác Phẩm

Những Đánh Giá, Nhận Định Về Nhà Thơ Nguyên Sa

Tổng hợp những đánh giá, nhận định về nhà thơ Nguyên Sa, bạn có thể tham khảo thêm:

  • Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại. – Mặc Lâm.
  • Trên văn đàn từ thập niên 50-60 thế kỷ trước ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyên Sa là một ngôi sao lớn có ánh sáng đặc thù trong vũ trụ thi ca. Ngoài những tác phẩm văn xuôi, thơ của Nguyên Sa vừa có tính cách tân vừa hòa hợp ít tìm thấy trong thơ của các thi sĩ cùng thời. – Mặc Lâm.
  • Trong thơ Nguyên Sa, môi trường giáo dục và tình yêu là nguyên nhân chính làm nên ý thức phái tính và sự tự tin về giới. Nguyên Sa là người mở đầu cho dòng cảm hứng lãng mạn mới trong thi ca Việt Nam giai đoạn sau 1954 ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng của các nữ sinh, của những tình yêu học trò. – Tiểu luận Nguyễn Thị Thu Trang.
  • Đọc thơ Nguyên Sa, ta thấy cảm thức xuân trong thơ ông cũng có những điều độc đáo, ẩn chứa nơi đó thế giới tâm cảm riêng có của thi nhân trong cái nhìn về vũ trụ, về thiên nhiên, trong đó có mùa xuân mà khi giải mã thi giới này ta không khỏi bất ngờ trước những ẩn ngữ đầy chất triết luận trong cảm thức xuân của Nguyên Sa, mà nếu không có một quá trình nghiệm sinh,khó có thể thấu hiểu được những mỹ cảm văn chương đầy sự mật khải này. – Trần Hoài Anh.

Gửi bạn những thông tin về 🔰Thơ Phan Thị Thanh Nhàn🔰 Chùm thơ hay nhất

Viết một bình luận