Màu Thời Gian [Đoàn Phú Tứ] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận ✅ Chia Sẻ Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa, Gợi Ý Đọc Hiểu Tác Phẩm Chi Tiết.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Màu Thời Gian Của Đoàn Phú Tứ
Màu thời gian là thi phẩm vượt thời gian, bài thơ này được khẳng định là một trong những “bài thơ tiêu biểu của thơ tượng trưng hiện đại Việt Nam. Dưới đây là nội dung của bài thơ, cùng thưởng thức ngay nhé!
Màu thời gian
Tác giả: Đoàn Phú Tứ
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Đọc hiểu thêm 🔰Bài Thơ Thời Gian [Văn Cao]🔰Nội Dung, Nghệ Thuật, Cảm Nhận
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Màu Thời Gian
Nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ thì nó bắt đầu từ câu chuyện tình của ông với cô gái tên Nguyễn Thị Vân.
Đoàn Phú Tứ phải lòng con gái thứ năm của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là Nguyễn Thị Vân. Vừa đẹp người đẹp nết lại vừa biết chơi dương cầm, Nguyễn Thị Vân hiện ra đúng nghĩa một tiểu thư khuê các trong mắt kẻ si tình bần hàn Đoàn Phú Tứ.
Trước khi kinh tế sa sút vào những năm cuối đời, thì nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh từng là một quý tộc giàu sang. Do đó, ngôi biệt thự mà Nguyễn Thị Vân cư ngụ ở phố Thụy Khuê thực sự là chốn kín cổng cao tường đối với Đoàn Phú Tứ.
Tuy nhiên, Đoàn Phú Tứ vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp, nhờ quan hệ đồng nghiệp với nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938). Là chị em cùng cha khác mẹ, Nguyễn Thị Vân lớn hơn Nguyễn Nhược Pháp đúng 1 tuổi. Đoàn Phú Tứ nhiều lần lấy cớ đến thăm Nguyễn Nhược Pháp để được gặp Nguyễn Thị Vân.
Tình chàng ý thiếp nhưng Đoàn Phú Tứ không dám mở lời, còn Nguyễn Thị Vân cũng không dám bước qua lễ nghi khoảng cách nam nữ lúc ấy vẫn mang nặng truyền thống phong kiến. Đoàn Phú Tứ chỉ có một hành động duy nhất là đứng nép bên cổng để nghe Nguyễn Thị Vân đánh đàn mỗi đêm.
Oái oăm thay, sau khi nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh qua đời thì hai chị em Nguyễn Thị Vân và Nguyễn Nhược Pháp cũng lâm trọng bệnh. Đoàn Phú Tứ hay tin liền đánh bạo đến tìm người trong mộng, nhưng Nguyễn Thị Vân lánh mặt vì không muốn xuất hiện với dung mạo tiều tụy.
Sau đó Nguyễn Thị Vân và Nguyễn Nhược Pháp đều qua đời năm 1938, chỉ cách nhau vài tháng. Đoàn Phú Tứ ôm nỗi hụt hẫng ấy mà viết bài thơ “Màu thời gian” vào năm 1939.
Ý Nghĩa Bài Thơ Màu Thời Gian
Bài thơ Màu thời gian mang một ý nghĩa tượng trưng rất hay. Đọc ngay chia sẻ sau đây để biết chi tiết nhé!
Nhà thơ đưa chúng ta vào thế giới tình sử của những thời xa xưa. Những mối tình đó không được vĩnh viễn êm đềm mà lại khá trắc trở. Tuy nhiên, dù có trải qua nhiều biến động nhưng cuộc tình nào cũng có những khoảnh khắc đẹp đẽ và chính những khoảnh khắc đó mới còn sống mãi trong ký ức.
Thông qua đó, bài thơ Màu thời gian đã cho thấy một quan niệm mới mẻ về thời gian – đối tượng đã được thơ cổ, thơ lãng mạn bàn tới. Thời gian không làm mọi vật biến mất mà là hình thức lưu giữ tình cảm con người. Tình người đã làm cho thời gian có hương, có sắc.
Chia sẻ tác phẩm 🔰 Gửi Hương Cho Gió [Xuân Diệu] 🔰 Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Đọc Hiểu Bài Thơ Màu Thời Gian
Gợi ý đọc hiểu bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ chi tiết.
👉Câu 1: Các tính từ chỉ màu sắc, âm thanh trong bài thơ đều gợi đến cái gì?
Đáp án: Các tính từ chỉ màu sắc, âm thanh đều gợi đến cái gì đó tươi sáng, nhẹ nhàng, bàng bạc giống như các từ cùng trường nghĩa: thanh, xanh, ấm, (không) lạnh, tím ngát, (không) nồng, thanh thanh.
👉Câu 2: Những từ chỉ thời gian trong bài (ngoài “sớm nay”) gợi nhắc đến thời gian quá khứ hay hiện tại?
Đáp án: Những từ chỉ thời gian (ngoài “sớm nay”) chủ yếu là chỉ thời gian quá khứ (quá khứ xa): ngàn xưa, trăm năm, một thuở. Nhưng thời gian quá khứ ấy lại gợi nhắc, liên đới tới thời gian hiện tại nhờ sự kết hợp (phủ định ý nghĩa) trong nội bộ câu thơ: không lạnh nữa, đứt đoạn, còn hương.
👉Câu 3: Tìm những câu thơ lặp, gồm lặp toàn phần và lặp lại cấu trúc?
Đáp án: Những câu thơ lặp, gồm lặp toàn phần và lặp lại cấu trúc:
- Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/
- Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh…
- Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát.
Bên cạnh đó còn có một số câu thơ đang đối với nhau như những câu thơ biền ngẫu: Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng/ Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn hương.
Tìm hiểu chi tiết về 🔰Thi Nhân Việt Nam [Hoài Thanh Hoài Chân]🔰 Nội Dung, Cảm Nhận
3 Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Màu Thời Gian Hay Nhất
Đừng bỏ qua các mẫu văn cảm nhận về bài thơ Màu thời gian hay nhất vừa được Thohay.vn tổng hợp dưới đây.
Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Màu Thời Gian Hay – Mẫu 1
Dăm bảy bài thơ, một ngòi bút không sở trường về thể loại trữ tình ấy chợt đi vào tâm thức chúng ta như dòng chảy xuôi của một con người – Đoàn Phú Tứ và dòng chảy ngược của mọi con người – chúng ta. Giống như Vũ Đình Liên, Ông đồ vẫn hiện hữu với nỗi buồn sâu thẳm, với bi kịch của một thời tàn tạ. Còn Đoàn Phú Tứ, ông cũng có làm thơ nhiều đâu, mà đọc thơ ông rồi, dẫu không hiểu vẫn biết rằng ông đang đứng đâu đó, lặng lẽ và kín đáo. Một Màu thời gian thâm trầm, sâu lắng đủ để ông trụ vững trong vô số những nhà thơ nổi tiếng.
Sớm nay tiếng chim thanh
…
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát.
Mở đầu bài thơ bằng một làn hương nhè nhẹ, Đoàn Phú Tứ khiến tôi bất giác thấy băn khoăn. Băn khoăn không phải vì đoạn thơ khó hiểu, mà băn khoăn bởi cái mở đầu thanh thoát như thế lại khiến chúng ta phải suy tư. Đó là bởi vì một tâm tư đang đè nặng lên trang thơ, mà người viết nên nó lại là một con người kín đáo. Tất cả cũng chỉ vì ông rất kín đáo.
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Vỏn vẹn ba câu thơ vậy mà cảm xúc như biến chuyển trong ông. Câu đầu năm tiếng, câu sau chỉ còn lại ba tiếng, đến câu cuối chợt dài ra bảy tiếng. Nó tựa như những sóng âm lúc nào cũng thay đổi mỗi khi bản nhạc vang lên. Nhưng ở đây lại là “sóng tâm tư”.
Sự trong sáng, nhẹ nhàng của một buổi sớm mai, cái lặng lẽ, kín đáo quanh quất đâu đó trong tiếng hát của chim. Năm chữ dài như tiếng chim vang vọng chợt phải ngưng đọng lại bởi làn gió xanh. Một câu thơ quá ngắn Trong gió xanh khiến ta nghĩ rằng: có một khoảng lặng. Tựa hồ như Đoàn Phú Tứ đang nghe bản hòa tấu của tiếng chim thanh thì bỗng dưng chợt lắng lại trong một miền suy tư xa xăm nào.
Tiếng thanh, tiếng xanh thoang thoảng mùi hương của một cuộc đời bình yên, chấm phá một bức tranh thiên nhiên còn thiếu quá nhiều để gợi trong ta cái gì trống trải. Nhưng tại sao câu thơ lại có phần đột ngột, lại vương vấn một cái gì. Riêng tư.
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ông dùng tới bảy chữ để phá vỡ cấu trúc ngắn gọn trên kia, dùng tới bảy chữ để mở đầu cho những sóng tâm tư đang trào dâng. Một sự biến chuyển bất ngờ hé mở một chữ tình. Chữ tình lắng đọng, gần mà xa. Âm điệu vương vấn, dìu dặt bởi những từ dìu, vương, thoảng. Chữ xuân, chữ ấm kéo vẻ xa xăm, dàn trải của câu thơ lại gần nhau hơn.Vì vậy câu thơ mang một tâm trạng nhớ nhung, bật lên một tiếng cười lặng lẽ.
Đoàn Phú Tứ không cố làm cái điều nối kết đoạn thơ này với đoạn thơ kia. Nhưng chính điều đó đã tạo nên một cấu tứ riêng biệt cho bài thơ của ông, một điều tưởng như không thể.
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Trở về với những điều xa xăm. Nhìn vào bài thơ, có phải ta đang nhìn chính đôi mắt Đoàn Phú Tứ, một đôi mắt vẫn còn đầy ắp những ngày xưa. Có lẽ trong ông ngàn xưa kia nhiều quá chăng.
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Câu thơ vẫn dìu dặt như cái âm điệu mà nhà thơ đã tạo nên. Chữ tình trong ông đang chuyển động và lắng lại một cách cô đọng trong hai chữ Tần phi.
Mựợn chuyện xưa để nói lòng mình, hay ông đang cố dùng lời nói để không nói gì cả. Dùng lời nói để làm cho tâm tư ông vẫn cứ còn mãi trong những nốt nhạc không vượt xa cung bậc của mình. Dù ở bất cứ đâu ông cũng đang thể hiện lòng mình với cái cách mà chúng ta nghĩ rằng chắc hẳn ông chẳng cần phải đắn đo. Chính lúc ấy hình như ông đắn đo hơn bất cứ khi nào.
Chữ ngàn, chữ lạnh phủ lên câu thơ một cái gì đắng cay. Nó kéo ông về với một quá khứ rất xa, cái quá khứ mà ông thấy được màu thời gian. Nói về người yêu, mà hình như ông chỉ dùng những gam lạnh và cô đơn. Và có chăng chính chúng ta tìm thấy những tia sáng ấm áp nào đó của chữ tình le lói trong một bức tranh có chiều sâu triết lý.
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Một âm hưởng dìu dặt nào đó khiến chúng ta có cái cảm tưởng dường như không thể tìm được một giọng đọc phù hợp với thơ của ông. Cũng phải, hình như chữ tâm và chữ thần trong ông hòa quyện một cách tự nhiên đến độ hơi thơ kia có chăng là hơi thở của thời gian.
Có chăng chỉ với một chữ lặng trong Ta lặng dâng nàng cũng khiến tôi thấy tâm ông đã thật sự đi vào một cõi bình yên. Chữ lặng nối tiếp chữ dâng hiện lên một vẻ đẹp nặng trĩu, sang trọng và kín đáo. Một Đoàn Phú Tứ chợt ẩn hiện đâu đó trong tâm thức, một con người chợt trỗi dậy đâu đó giữa những màu sắc vô hình. Tôi dùng chữ vô hình cho danh từ màu sắc bởi câu thơ bảy chữ của khổ này lại kéo tôi về với cái vẻ gì đó dài dằng dặc.
Và hàng loạt những từ phảng phất, nhuốm, thời gian lại lẳng lặng đi vào những ngăn kéo của sự triền miên một cách khó hiểu. Từ phảng phất vẫn còn đứng đấy, nhưng nó không làm đúng vai trò của một sự nhẹ nhàng vốn có. Nó trở nên bí ẩn và lại càng bí ẩn hơn khi theo sau nó lại là nhuốm thời gian.
Tôi chợt nhận ra câu thơ có quá nhiều tầng nghĩa, còn tác giả lại là một sự hòa trộn của nhiều cảm xúc. Chính điều đó đã làm nên những bậc thang thăng trầm của những triết lí vẫn còn bỏ ngỏ theo thời gian. Chữ tình yêu trong ông có còn đơn thuần là tình yêu hay không. Không, có lẽ ông đã đặt nó vào một phạm trù khác. Ở một thế giới khác. Nơi mà người ta có thể định nghĩa được thời gian, và nhìn thấy màu của thời gian, và ngửi thấy hương của thời gian.
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Nếu như thơ ông được viết trên một tờ giấy trắng, người ta sẽ dễ dàng nhận ra cái thăm thẳm, hun hút, xa xăm của những điều khiến ta phải trầm tư nhiều. Đơn giản là vì thơ ông được khắc lên đó bởi những màu sắc có thần. Một vẻ đẹp rất mới của những câu ngũ ngôn nối tiếp nằm trên cái nền hòa quyện giữa kim lẫn cổ, trên một tờ giấy trắng tinh chỉ khiến chúng ta đi vào một cõi hư ảo.
Sự láy lại Màu thời gian …– Màu thời gian…, Hương thời gian…– Hương thời gian…là những triết lí sâu sắc nào đấy mà ông đã giải ra. Và cũng có thể ông chưa giải đáp được. Cuộc sống chúng ta trôi theo bước đi của thời gian. Nếu như có một cái ngoái nhìn, nghĩa là sẽ có sự bắt gặp bước đi của thời gian.
Cũng giống như Vũ Đình Liên, ông cũng nhìn thấy những bước đi nặng trĩu của thời gian mà bao trùm lên nó là ánh hoa đào le lói sắp phải lụi tàn, sắp phải trôi trong hư ảo của cái gọi là quy luật. Mà khi đã là quy luật thì nó giống như một bi kịch.
Đoàn Phú Tứ khiến tôi bất giác nghĩ đến những giấc mơ, vì có lẽ ở đó dù chỉ một lần hình như tôi đã trông thấy màu thời gian. Nhưng màu thời gian có xanh hay không thì đó còn là một bí mật mà nhà thơ không muốn chúng ta hiểu quá nhiều. Và những giấc mơ cũng không giải đáp nổi.
Triết lí về thời gian là triết lí mà một con người bình thường, thậm chí nếu họ là những con người nghèo khổ cũng nhận ra. Nhưng triết lí của họ không nhuốm một màu sắc huyền ảo như vậy. Một đoạn thơ toàn nhắc đến màu và hương nhưng dường như tôi vẫn chưa thể nhìn thấy màu, và cũng chưa thể ngửi thấy hương. Có phải vì một Đoàn Phú Tứ quá sâu sắc, có phải vì thời gian không đủ, có phải vì không hề có màu thời gian?
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Cái lặng lẽ ngẫm nghĩ rất dài cho những suy tư của nhà thơ. Những nét chấm phá rất ấm áp và khéo léo của Đoàn Phú Tứ. Một sự kết hợp tài tình giữa cái không của gam lạnh không xanh và cái có của gam nóng tím ngát khiến màu thời gian trở nên gần gũi. Tôi thấy có một khoảng không trống vắng để nơi ấy màu thời gian có thể tồn tại và hiện lên vẻ đẹp tinh khôi có phần rực rỡ nhưng trầm buồn.
Bản thân trong chữ tím, nhuốm những nỗi buồn ưu tư. Bản thân trong chữ ngát, vốn có một hơi thơ trong sáng, nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi xuống sân thềm giữa trưa hè có ánh nắng gay gắt đang mỉm cười.
Hai chữ ấy hòa quyện chính là màu thời gian. Là một buổi trưa có ánh nắng đang mỉm cười? hay là một buổi chiều hoàng hôn có bóng người nặng trĩu những màu tím. Có khi nào màu tím của thời gian là màu của buổi hoàng hôn? Hình như Đoàn Phú Tứ chỉ chợt để ánh mắt hướng về một chân trời xa xăm nào đó để thấy màu thời gian đang chờ mình. Chính lúc ấy ông phát hiện ra:
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Cái phi thực tại kia dường như chỉ mình ông nhận ra. Ông bắt gặp và trân trọng đặt nó vào cái dìu dặt tươi sáng của từ láy thanh thanh. Lòng ông đang thanh thản bởi cái vẻ nhẹ nhàng đến điềm nhiên của nhịp thời gian, của hương thời gian.
Một cấu tứ quá lạ khiến tôi nghĩ hình như Đoàn Phú Tứ giữ trong lòng nhiều điều trăn trở và ưu tư. Lòng ông, tâm ông, cái thần của ông hình như buồn quá. Có lẽ ông không buồn vì thời gian đang trôi đi nữa mà buồn vì màu thời gian và hương thời gian quá mong manh. Buồn vì lòng ông nhuộm một sắc tím trầm mặc, vì làn gió tâm tư ông phảng phất một mùi hương thanh thanh.
Những câu thơ ngũ ngôn thường khiến chúng ta cảm thấy nó quá ngắn nhưng chính điều đó đã tạo thành bi kịch. Màu thời gian không xanh và Hương thời gian không nồng là những nốt trầm lặng lẽ, chỉ hơi buồn. Còn Màu thời gian tím ngát và Hương thời gian thanh thanh tưởng như những nốt nhạc tinh khiết nhưng niềm vui do những chữ này tạo nên lại ngắn đến nỗi chúng ta thấy có một sự hụt hẫng.
Vì cái mà ông muốn nói không đơn thuần là màu và hương thời gian mà là màu của cuộc sống và hương của những nét vẽ kì diệu hiện lên giữa cuộc sống bộn bề. Trong ông sự lạc quan và bi quan không có ranh giới.
Triết lí mà ông gửi gắm mấy ai hiểu được. Nó chỉ càng làm cho vẻ đẹp tuyệt diệu của tình yêu trong ông ngày càng xa vời vợi, để nhường chỗ cho một tình yêu lấp lánh hương sắc của thời gian. Đấy là một buổi chiều hoàng hôn màu thời gian tím ngát trải lên dòng sông lặng lờ của con người Đoàn Phú Tứ, là hương thơm thanh thoát của tia nắng rọi xuống vẻ bình thản của những cành cây vô tri ngả mình trong tiếng thời gian vang vọng.
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Mỗi lần có bóng dáng của hình ảnh người yêu là mỗi lần nhịp thơ chuyển sang một màu sắc thâm trầm, một vẻ đẹp cổ xưa. Có phải tình yêu trong ông là một quá khứ còn xa hơn cả cái quá khứ để phân biệt với hiện tại hay không. Có phải Hoài Thanh đã nắm bắt được cái thần của Đoàn Phú Tứ chăng?
Đoạn thơ được nối dài bởi những câu bảy chữ khiến cho tình yêu trong nhà thơ chảy trong một chiều sâu liên hồi. Lấy ý từ câu thơ trong Kiều Tóc mây một món dao vàng chia hai và hòa trộn giữa những chuyện xưa tích cũ, Đoàn Phú Tứ đang cố thể hiện tình yêu của mình bởi hương sắc tím trong tình yêu ông đang ẩn nấp đâu đó trong những câu chữ kia, bởi màu thời gian là màu yêu, bởi hương thời gian là hương yêu, giống như Hoài Thanh đã từng nói.
Một đóa hoa tím chỉ chực hiện lên đâu đấy trong những khoảnh khắc cuộc đời ông rồi đột nhiên trôi trong một nỗi nhớ nhung, chỉ còn lại hương thời gian. Từ Trăm năm là để ông nói chuyện xa xưa trong quá khứ hay là một chuyện ông không còn biết đặt vào đâu. Ông chỉ còn biết đặt vào lòng mình. Còn nỗi nhớ nhung xao xuyến chỉ ẩn hiện đâu đó trong sự tối tăm khó hiểu của một tình yêu không nhẹ nhàng, một tình yêu luôn đi kèm bởi những câu hỏi màu thời gian là gì, hương thời gian như thế nào.
Đoàn Phú Tứ có nói đến bi kịch hay không. Tôi không biết. Nếu có chắc ông đã cố thể hiện nó một cách có thần như thế để chúng ta chỉ nhận ra những chi tiết lắng đọng lại trong phạm trù triết học, và để tình yêu cũng bay theo hương thời gian.
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thủa còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Sóng tâm tư trong ông đã thật sự đi vào một cõi sâu thẳm của tâm hồn. Tình yêu mà ông gửi gắm quá kín đáo. Đoạn thơ cuối cùng khiến tôi có cái cảm tưởng cảm xúc của ông được lắng lại bởi khổ thứ ba và thứ tư. Lại bắt gặp hương thời gian và màu thời gian, lại bắt gặp hai chữ tình duyên. Rồi chợt nhận ra rằng ông muốn nói tình yêu và nỗi nhớ nhung của mình bằng những điều khó hiểu.
Một tình yêu không biết có còn đó hay không khi nó đã trở thành hương thời gian mãi đi vào những cõi xa xăm vốn không thuộc cuộc sống này. Hai chữ dứt đoạn nếu đứng một mình thì xót xa, bi kịch nhưng đặt vào hoàn cảnh bài thơ, tôi thấy nó đã hòa tan trong một tình yêu đẹp mà hiện tại không còn nữa. Có chăng nó chỉ còn trong hiện tại của tâm thức nhà thơ.
Một hiện tại mà ông đủ bình tĩnh, đủ trở thành một cành cây vô tri trong buổi chiều sắc tím để mà thổ lộ những điều sâu kín nhất trong một tâm hồn không có kim chỉ thời gian. Chỉ còn lại một thủa. Một thời gian không còn xác định nữa. Bài thơ kết lại thì một thủa cũng chỉ còn lại hương. Một mùi hương thanh thanh tròng trành len qua khe mũi, và cái nháy mắt còn đó để cảm nhận những điều phi thực tại.
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Khác với đoạn thơ trên, câu thơ Hương thời gian thanh thanh đứng trước câu Màu thời gian tím ngát khiến cho đoạn thơ có một sức dội ngược. Một sự dội ngược không quay đầu, không đổi chiều nữa. Toàn bài tơ bị kéo hẳn về cái quá khứ nào đấy và chìm dần đi mãi mãi. Vang vọng đâu đấy chỉ còn là những câu hỏi mơ hồ Màu thời gian tím ngát? Không biết vì điều gì khi bài thơ kết thúc, trong tôi chỉ chợt vang lên ba chữ Đoàn Phú Tứ…
Lúc đầu đọc bài thơ, tôi cứ ngỡ hình như bài thơ nói gì đó về thiên nhiên. Lúc bắt gặp màu thời gian, tôi lại ngỡ bài thơ muốn giấu một ẩn ý khác lạ gì đó liên quan đến triết học. Và lúc bắt gặp cái vẻ đìu hiu, cổ cổ của những câu bảy chữ, tôi chợt nhìn ra một tình yêu. Chìa khóa bài thơ không nằm trong sự tò mò, mà nằm trong sự cảm nhận và liên tưởng vô hồi. Tất cả đọng lại: Đoàn Phú Tứ – MÀU THỜI GIAN – Tình yêu kín đáo.
Cái đọng lại sâu sắc trong tôi có lẽ là một giọng điệu thơ hoàn toàn mới. Hình như cũng chưa hẳn là vậy. Bởi Đoàn Phú Tứ đâu có làm thơ lạ, nhưng sự kết hợp tài tình của ông đã phủ trùm lên bài thơ một điều gì huyền hoặc, khó hiểu. Mà chỉ cần một chút suy tư, một chút tĩnh trong tâm hồn là có thể nhìn thấy một tình yêu mang tên Đoàn Phú Tứ. Đoàn Phú Tứ – Một buổi chiều…
Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Màu Thời Gian Ngắn Hay – Mẫu 2
Đoàn Phú Tứ là một trong những tên tuổi quan trọng của Xuân Thu Nhã Tập – nhóm tác giả trình làng thơ năm 1942 có cùng tâm huyết về đổi mới cách tân thơ, đòi hỏi thơ phải có những cách biểu đạt mới, chú trọng tới nghệ thuật thể hiện. Ở bài thơ Màu thời gian, bằng những thể nghiệm tinh tế, có thể nói tác giả đã chạm đến cái “rung động siêu việt, trong trẻo và nhẹ nhàng”, đã làm cho thơ bước vào “nẻo đạo” của nhóm Xuân Thu.
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát…
Khẳng định màu thời gian không xanh mà là màu tím ngát, là sự khước từ cái nhìn thanh cao, mơ mộng để nhìn bằng con mắt cụ thể trần thực hơn?
Còn nói về hương thời gian thì: Hương thời gian không nồng/Hương thời gian thanh thanh… lại ngược lại, xác định một giác quan không trần thực, đúng hơn không trần tục với những nồng nàn, nồng nã mà siêu thoát, thanh tao…
Trong trạng tính khác nhau của cảm nhận thị giác và khứu giác như vậy là do, hồn thơ mang một vận động nhịp thời gian sống mới mẻ, đã hoàn toàn khác. Một nhịp thời gian mà hương vị, sắc màu hoá tượng trưng cho tình yêu, niềm hy vọng.
Ý niệm thơ mượn tình cảnh người phi Tần và bậc quân vương là cách mượn phận cảnh mang tính biểu cảm về một hệ thống xã hội sắp tàn phai, để nói về một đời sống mới, tình yêu mới đang xuất hiện: Sớm nay tiếng chim thanh/ Trong vườn xanh / Dìu hương vương ấm thoảng xuân tình …
Cái “sớm nay” này đã trở nên ý vị đẹp đẽ hơn khi nó trải qua một quãng thời gian: ngàn xưa không lạnh nữa… Có như vậy mới bộc lộ tình cảm, tâm lý tự tại trước mình, vương vấn và cảm thông trước người: tóc mây một món chiếc dao vàng, và, trăm năm tình cũ lìa không hận…
Màu thời gian – Một bài thơ trang trọng, đài các. Sự trang trọng, đài các sinh ra từ một tâm hồn an nhiên, phi thực tại.
Do vậy, tuy tình thơ nói về sự chuyển đổi mới – cũ, nhưng cái “cũ” thì vẫn trời mây phảng phất nhuốm thời gian, cõi ngàn năm dường vẫn phảng phất đâu đó; quá khứ với thực tại đã phân ngăn, khác nhau mà không hề chia lìa đứt đoạn với nhau. Ấy là cách vận nhịp thời gian vừa ngoại hình vật lý, vừa nội tại tâm lý. Và cả hai dạng thức vận nhịp này được dung thông với nhau, thực tế, như không có thời gian.
Nói duyên trăm năm đứt đoạn – sự đổi thay chỉ là đổi thay về hoàn cảnh, tâm lý, còn trong cõi tinh thần thì vẫn: Tình một thủa còn vương và hương vị, sắc màu của thời gian vẫn trong xanh, thanh sáng niềm chung thủy, viên thành.
Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Màu Thời Gian Chọn Lọc – Mẫu 3
Có những nhà thơ để lại tên trong văn học sử chỉ với một bài thơ. Đó là trường hợp của Đoàn Phú Tứ với bài “Màu thời gian” được đăng lần đầu trên báo Ngày Nay số 198 (số Tết năm Canh Thìn) ngày 27 tháng giêng năm 1940. Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận thấy ngay giá trị của tác phẩm này nên đã chọn để giới thiệu trong tập Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942.
Bài thơ làm theo thể thơ mới, với chủ yếu là những câu thơ cổ phong 5 chữ và 7 chữ. Đoạn đầu gồm ba câu. Câu đầu 5 chữ, câu cuối 7 chữ, ở giữa là một câu ngắn 3 chữ.
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Mở đầu bài thơ là tiếng chim hót trong gió. Tiếng chim được mô tả là thanh, theo nghĩa trong trẻo, thanh tao, một sắc thái sẽ còn trở lại trong bài thơ. Gió mang màu sắc xanh, là một cách cảm nhận đặc biệt của thi sĩ về thế giới bên ngoài. Tiếng chim lại dìu vương hương ấm.
Chỉ trong đoạn mở đầu mà tác giả đã đưa vào những âm thanh, màu sắc, hương vị cùng với cảm giác ấm, lạnh… Tất cả những yếu tố cùng kết hợp để định nghĩa thời gian. Sau cùng, cụm từ xuân tình báo hiệu những tình cảm nồng nàn, thắm thiết, khiến cho bài thơ ngay từ đầu đã có những nét tươi vui, nhẹ nhàng.
Đoạn thứ hai cũng được xây dựng như đoạn trước, nhưng lần này, các câu 1 và 3 là những câu 7 chữ kèm ở giữa là một câu ngắn 4 chữ.
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Đoạn thơ này, với những chữ tần phi và ta lặng dâng nàng, dẫn vào một không khí cổ xưa đượm nét nghiêm trang. Như cụm từ hương ấm của đoạn mở đầu đã báo trước, bài thơ sẽ thổi một làn hơi ấm vào một khá khứ xa xôi để “ngàn xưa không lạnh nữa”.
Các phi tần không phải là hoàng hậu, nhưng là những người đẹp được nhà vua sủng ái nhất trong cung. Một số đã có những chuyện tình thắm thiết với quân vương và để lại tên trong sử sách.
Nhà thơ sẽ đưa người đọc ngược dòng thời gian, một thời gian còn phảng phất trên cõi trời mây. Trong không gian cổ điển ba chiều mà chúng ta cảm nhận được, tức là chiều dài, chiều rộng và chiều sâu, tác giả đưa vào một chiều thứ tư là thời gian, dẫn dắt chúng ta vào một khoảng không gian bốn chiều huyền ảo.
Trong đoạn kế tiếp, nhịp thơ đổi, chuyển sang bốn câu ngũ ngôn để nói về các sắc thái của thời gian.
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Cũng như trong bài Nguyệt cầm, để cảm nhận ánh sáng cần phải phối hợp cả thị giác, thính giác lẫn xúc giác, thì đối với Đoàn Phú Tứ, thời gian cũng có màu sắc và hương vị.
Từ ngữ Việt Nam có những cụm từ ngày xanh, tuổi xanh hay tuổi xuân, nhắc nhở đến màu xanh của cây lá vào mùa xuân, là khoảng thời gian đầu tiên trong năm, tượng trưng cho tuổi trẻ. Nhưng ở đây thì màu thời gian không xanh mà tím ngát. Không phải tím ngắt, là một màu quá mạnh, quá nặng nề, mà tím ngát là một màu nhạt hơn, có một sắc thái nhẹ nhàng, thơ mộng, rất phù hợp với không khí chung của bài thơ cho đến lúc này.
Ngoài màu sắc, thời gian cũng có hương vị, nhưng cũng không phải một mùi hương mạnh và nồng, mà một mùi hương thanh thanh, nhẹ nhàng, thanh thoát. Thời gian với những đặc điểm và sắc thái như vậy chỉ có thể là một quá khứ mang những kỷ niệm của những tình yêu đẹp.
Đoạn thơ 5 chữ trên đây có nhịp điệu nhanh và rộn ràng, tiếng “thời gian” được lập lại ở mỗi câu, khiến cho đoạn thơ vang như một khúc hát vinh danh vẻ đẹp và nét thơ mộng của dòng thời gian đang trôi. Đoạn thơ 5 chữ này không ngắt nhịp 2/3 như thơ ngũ ngôn cổ phong Đường luật, mà có nhịp 3/2 làm cho nhịp câu thơ có vẻ nhanh và vui tươi hơn.
Đoạn thứ tư lại chuyển sang thể thơ thất ngôn, khiến cho đoạn này là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt cổ điển, với âm điệu rất thích hợp khi nhà thơ nhắc lại những thiên tình sử của quá khứ:
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Hai câu đầu nhắc đến sự tích Dương Quí Phi, nàng cung phi còn có tên là Dương Ngọc Hoàn, được vua Đường Huyền Tông sủng ái nhất, và là một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Hoa. Một lần, vì làm nhà vua phật ý nên Đường Huyền Tông ra lệnh trục xuất Dương Quý Phi ra khỏi cung. Nhưng nhà vua si tình quá nhớ nhung người đẹp nên sai hoạn quan Cao Lực Sĩ ra thăm hỏi tin tức. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào cho vua. Vua Đường Huyền Tông cầm lòng không được lại cho rước nàng trở về cung.
Hai câu sau nói về tình sử của Hiếu Vũ Lý Hoàng hậu, thường được gọi là Lý phu nhân, một phi tần rất được sủng ái của Hán Vũ Đế Lưu Triệt nhà Tây Hán. Bà là phi tần duy nhất trong lịch sử nhà Hán không sinh ra hoàng đế kế vị nhưng vẫn được truy phong hoàng hậu sau khi chết. Khi Lý phu nhân lâm bệnh nặng, nhà vua đến tận giường bệnh thăm, nhưng nàng lấy chăn che mặt không để nhà vua nhìn thấy dung nhan tiều tụy của mình, chỉ vì muốn Hán Vũ Đế giữ mãi trong ký ức hình ảnh sắc đẹp kiều diễm của mình như thuở nào.
Ngoài ra, Đoàn Phú Tứ còn muốn nhắc đến chuyện tình của Thúy Kiều khi lấy lại gần như nguyên văn một câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du nói về lúc Thúy Kiều cắt tóc thề nguyền cùng Kim Trọng dưới ánh trăng:
Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
Nhà thơ đưa chúng ta vào thế giới tình sử của những thời xa xưa. Lời văn trong đoạn này cũng thuộc về một thời đã qua: phụng quân vương, nép mày hoa, thiếp phụ chàng… Nhiều chi tiết được thi vị hoá cho thêm phần lãng mạn: Dương Quí Phi chỉ bị đưa ra khỏi cung mà đã cảm thấy nghìn trùng xa cách, lọn tóc cắt đi gởi nhà vua với dụng ý khiến vua nhớ mình thêm thì lại e lệ phụng quân vương; mấy năm trong hoàng cung mà Lý phu nhân đã có được trăm năm tình cũ…
Những mối tình mà nhà thơ nhắc lại từ quá khứ không phải là vĩnh viễn êm đềm, không trắc trở.
Đường Huyền Tông vì say mê Dương Quí Phi nên xao lãng việc triều đình, bị An Lộc Sơn đánh chiếm kinh thành Trường An. Đường Huyền Tông và Dương Quí Phi phải bỏ chạy về nước Thục. Trong lúc biến loạn, Dương Quí Phi chết trong lúc mới 37 tuổi. Lý phu nhân mắc bệnh nặng cũng chết rất trẻ. Thúy Kiều sau khi thề nguyền cùng Kim Trọng thì cuộc đời vương nhiều gian truân, chỉ gặp lại người xưa sau 15 năm lưu lạc.
Tuy nhiên, dù có trải qua những biến động, nhưng cuộc tình nào cũng có những khoảnh khắc đẹp đẽ, và chính những khoảnh khắc đó mới còn sống mãi trong ký ức.
Đó cũng là kết luận của bài thơ “Màu thời gian”. Đoạn chót trở về với thể thơ 5 chữ như đoạn bên trên nói về những sắc thái nhẹ nhàng của thời gian:
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Những mối tình xưa dù có gặp phải những gian nan, bất trắc, vẫn còn lưu lại những kỷ niệm đẹp không phai mờ. Hai câu chót lập lại hai câu của đoạn thơ trước và chúng ta hiểu rõ hơn tại sao hương thời gian thì thanh thanh và màu thời gian là tím ngát.
Người đọc bài thơ của Đoàn Phú Tứ vào thập niên 40 của thế kỷ 20 không chắc đã thưởng thức được hoàn toàn ý nghĩa của bài “Màu thời gian” nhưng không khỏi bị quyến rũ bởi nhịp thơ rất mới, cách chuyển rất đẹp từ thể thơ 5 chữ sang 7 chữ rồi ngược lại.
Hoài Thanh và Hoài Chân nhận thấy rất sớm tính quyến rũ đó và đã nhận xét: “Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia ra thế nào. Có khi cả ý nghĩa bài thơ cũng không hiểu rõ.”
Và tác giả kết luận: “Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ.”
Đừng bỏ lỡ tác phẩm 🌿Những Trò Lố Hay Là Varen Và Phan Bội Châu🌿 Nội Dung, Phân Tích