Một Khúc Ca Xuân [Tố Hữu] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận ✅ Mời Bạn Đọc Tìm Hiểu Nội Dung, Ý Nghĩa, Cảm Nhận Bài Thơ Bên Dưới.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Một Khúc Ca Xuân Của Tố Hữu
Bài thơ: Một khúc ca xuân
Tác giả: Tố Hữu
Có đêm mãi chập chờn mơ ước
Lại buâng khuâng… Tự hỏi, mình sau trước
Cho cuộc đời, cho Tổ quốc thương yêu
Ta đã làm gì? Và được bao nhiêu?
Nước độc lập, tự do, dân no ấm học hành
Một đời Bác, chỉ lòng ham muốn ấy
Có lẽ hôm nay, giữa giấc yên lành
Người vẫn nghĩ… Như Người hằng sống vậy.
Nhớ buổi sáng Sài Gòn giải phóng
Người anh xuống sân bay, giang hai tay ôm cả miền Nam.
Mắt cười tươi mà giọng trầm nóng bỏng:
Chớ say sưa… Nhiều việc phải làm!
Trưa tháng Năm, vừa nắng vừa mưa
Đường phố hát, nửa mừng nửa tủi
Một ngày vui đổi bao nỗi đau xưa
Hỡi em bé lang thang tóc vàng gió bụi!
Nhớ buổi chiều về thăm quê đồng khởi
Sông rạch Mỏ Cày, xúm xít thuyền ghe
Các má già Bến Tre cứ cầm tay, hờn dỗi:
Tưởng tụi bay quên lối xóm, không về!…
Đêm Vĩnh Kim, anh tìm em, Hồng Gấm
Đường vào thôn, cỏ lấp bom mìn
Người cha kể chuyện con, bữa cơm đèn đầm ấm
Tấm ảnh em đây, hai con mắt đang nhìn…
Vâng, anh hiểu, đang nói gì, đôi mắt
Mắt những người đã nhắm, vì ta
Cả bàn tay của những mẹ già
Bàn tay đã cho ta, tất cả. Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?
Tôi lại đi, như buổi đầu, tươi trẻ
Sức căng đầy máu thịt Việt Nam
Như có cánh bay, lên rừng, xuống bể
A! Biết bao công việc phải làm!
Nổi trống lên! Ta hát bài ca Kẻ Gỗ.
Cho nước hồ dâng, đẹp nước Hồng Lam
Tội nghiệp ông cha, truyền kiếp hãi hùng những quyền ma, oai hổ
Con cháu lớn rồi, sắp xếp lại giang san!
Chặn sông Đà, ta làm ra thác điện
Cho sáng núi rừng, sáng đến mai sau.
Sắt Thái Nguyên, hãy làm ra thép luyện
Cho tay ta vươn tới mạnh giàu!
Lại hành quân, như năm nào đánh Mỹ
Những sư đoàn, không súng, lại xung phong
Ta sẽ thắng, như những chàng dũng sĩ
Biến hoang vu thành cơm áo, hoa hồng.
Và biển gọi… Đã bao giờ biển gọi?
Thương Nguyễn Du xưa mỏi mắt buồn trông
Ta sẽ ra giữa đại dương, đường đường bờ cõi
Cho con cá, con tôm được trở về với sóng biển Đông!
Ta sẽ xây, phải không nhà kiến trúc
Đất nước ta rất to đẹp, đàng hoàng.
Làng phố sáng như gương. Mặt trời soi hạnh phúc
Soi cả tâm hồn ta trong trẻo, nhẹ nhàng.
Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?
Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi
Chân lý chẳng bao giờ đổi bán
Tình thương vô hạn để cho đời.
Mẹ Suốt ơi!
Giữa bom rơi, đạn nổ
Giữa sóng lớn, gió to
Ngực huân chương, mẹ vẫn chèo đò
Không chịu nghỉ. Ai ngăn cứ nói:
Tui già rồi, có chết khỏi lo
Bọn trẻ sống, còn tay bắn giỏi!
Và mẹ ngã
Bên bờ sông khói lửa.
Và em nữa
Lưng đèo Mụ Giạ.
Ai biết tên em?
Chỉ biết cô gái nhỏ anh hùng
Sống chết từng đêm
Mà lòng thanh thản lạ:
Đâu phải hy sinh. Em vinh dự vô cùng!
Tổ quốc ta!
Muôn nghìn sức mạnh,
Như hôm qua lao vào trận đánh
Ta sẽ đi.
Đi tới những ngày mai
Như một đoàn quân
Bước thẳng, bước dai.
Như một khúc ca xuân
Của một mùa xuân lớn.
Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️ Nhớ Đồng [Tố Hữu] ❤️️ Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích Bài Thơ
Ý Nghĩa Bài Thơ Một Khúc Ca
Bài thơ Một khúc ca xuân của Tố Hữu là một bài thơ ca ngợi tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống và triết lý sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Bài thơ có những ý nghĩa sau:
- Bài thơ thể hiện tâm hồn trẻ trung, nhiệt huyết và nhân văn của nhà thơ Tố Hữu, một nhà thơ cách mạng đã dâng hiến cả đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhà thơ tự nhắc mình không được say sưa, lười biếng, vì còn nhiều công việc phải làm.
- Bài thơ gợi lên những kỷ niệm đẹp của nhà thơ với các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, với các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì đất nước, với các má già Bến Tre, với người yêu Hồng Gấm. Nhà thơ bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với những người đã cho ta tất cả.
- Bài thơ truyền tải một quan niệm sống tích cực, là phải sống có ích cho xã hội, cho đời. Nhà thơ dùng hình ảnh con chim phải hót, chiếc lá phải xanh để minh hoạ cho việc mỗi người phải làm tròn bổn phận của mình. Nhà thơ cũng khẳng định rằng sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình. Đó là triết lý sống cao đẹp của người cộng sản chủ nghĩa.
- Bài thơ lan tỏa niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam. Nhà thơ kêu gọi ta hành quân, xây dựng, khai phá, bảo vệ lãnh thổ. Nhà thơ tin rằng ta sẽ thắng, sẽ biến hoang vu thành cơm áo, hoa hồng. Nhà thơ mong muốn ta xây dựng một đất nước to đẹp, đàng hoàng, sáng như gương. Nhà thơ hát lên bài ca Kẻ Gỗ để tự hào về dòng máu anh hùng của ông cha ta.
Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Một Khúc Ca Xuân Hay Nhất
Hy vọng với mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ bên dưới giúp bạn có nhiều ý tưởng trước khi làm văn.
☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Một Khúc Ca Xuân Hay Nhất
Được sinh ra trong đời sống, được cảm nhận tình yêu bao la từ cha mẹ, được thừa hưởng những giá trị mà tạo hoá ban tặng. Đó là diễm phúc của một con người bình thường. Quan trọng như không khí ta thở hằng ngày, thiêng liêng như tình mẫu tử, tình phụ tử ta có trong từng giây phút, mỗi món quà mà ta nhận được từ tạo hoá khi xuất hiện trên thế gian này đều gắn liền với một bổn phận, một trách nhiệm. Ý thức được điều này, trong bài “Một khúc ca xuân” nhà thơ Tố Hữu có viết:
“Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Bài thơ không chỉ dừng lại ở một cách sống mà cao cả hơn nó còn mở ra một quan niệm nhân sinh tích cực, hay đúng hơn là một lí tưởng sống cần có của mỗi người trong xã hội.
Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Nhà thơ Tố Hữu mượn hai thực thể chiếc lá và tiếng chim để minh hoạ cho quan niệm của mình. Tạo hoá đã tạo ra loài chim và ban cho chúng giọng hót tuyệt vời thì cũng có nghĩa rằng đã là chim thì phải hót và tương tự như vậy, chiếc lá non thì phải xanh.
Chắc hẳn ai đã từng đọc tác phẩm nổi tiếng “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” đều không thể quên hình ảnh chú chim đã dùng hết sức mình để lao vào bụi mận gai, chú chim đã bị một cây gai xuyên vào lồng ngưc nhưng chú vần cất lên tiếng hót cuối cùng – tiếng hót mà đến cả hoạ mi, sơn ca cũng phải ghen tị, tiêng hót mà cả Thượng đế trên cao nghe cũng phải mỉm cười. Và như thế đủ cho ta thấy rằng hạnh phúc nhất, sung sướng nhất chính là giây phút được cống hiến cho đời.
Còn chiếc lá kia sẽ là gì hôm nay nếu thiên nhiên không ban cho nguồn dưỡng khí để hô hấp và quang hợp. Sẽ là gì bây giờ nếu con người nhẫn tâm ngắt bỏ nó đi. Và như vậy, một khi đã được tồn tại trên cõi đời này thì lá phải có nhiệm vụ đem màu xanh tràn đầy nhựa sống ấy tô điếm cho bầu trời, cảnh vật hay đem lại bóng râm, dưỡng khí cho muôn loài.
Vậy, là con người – là kẻ đứng đầu của muôn loài, là loài động vật cao cấp nhất có tư duy, suy nghĩ, chúng ta đă làm gì để cống hiến cho xã hội?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Được tạo nên từ tình yêu thương vô bờ bến của cha và mẹ, được lớn lên, được bao bọc giữa vòng tay nhân ái của cộng đồng, rộng hơn được hít thở nguồn dường khí hằng ngày, được sống trong một đất nước hoà bình – đó là gì nếu không phải là vay mượn từ cuộc sống, từ xã hội?
Ngày nay, được học tập, được sinh hoạt giữa đất trời bình yên là gì nếu không phải mang trong mình một niềm tri ân với những thế hệ đi trước đã đánh đổi cả mùa xuân của tuổi trẻ và thậm chí là xương máu, là nước mắt để có được một cuộc sống độc lập tự do như ngày nay.
Vì vậy, đã là Người hẳn mang trong mình những trách nhiệm thiêng liêng. Đơn giản như phải học tập thật tốt để trả ơn cho cha mẹ, thầy cô đã hết lòng vì mình. Cao cả hơn như cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào sư nghiệp chung của giang sơn gấm vóc này. Đó chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ, bổn phận của mỗi con người. Hay đúng hơn nói theo Phạm Ngũ Lão: Đó là món nợ phải trả cho đời.
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
Nhìn lại ngày xưa để ngẫm lại ngày nay. Chúng ta phải làm gì đế không hổ danh là thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên, thế hệ rường cột của nước nhà. Nhỏ nhặt như giún đỡ mọi người xung quanh, sống hết mình, sống tích cực, lớn lao hơn là đưa đất nước mình sánh vai với các cường quốc, năm châu. Để làm được điều đó hãy noi gương Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng hay giản dị hơn là sống tốt để trở thành một công dân có ích cho cộng đồng.
Nếu như ai cũng hiểu rằng: “Lẽ nào vay mà không trả; Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, thì mọi người sẽ sống đẹp biết bao, tình tương thân, tương ái sẽ thắm thiết và tươi đẹp biết nhường nào!
☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Một Khúc Ca Xuân Đặc Sắc
Tố Hữu là một nhà thơ cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng ngay từ tuổi trẻ, vì say sưa với lí tưởng cách mạng mà nhiều lần ông đã vào tù, ra khám. Đến khi lớn tuổi, ông trình bày một quan niệm sống qua mấy câu thơ như sau:
Nếu làm con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Chúng ta hãy thử bàn bạc những ý thơ này hầu rút ra một bài học quý về lẽ sống.
Đoạn thơ sử dụng kiểu câu điều kiện – kết quả chứa đựng một lập luận thật sắc bén của tác giả: Nếu làm con chim, chiếc lá – Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Những hình ảnh con chim, chiếc lá tượng trưng cho các vật hết sức bé nhỏ trong thiên nhiên. Tuy bé nhỏ nhưng chúng ta đã cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho vũ trụ ấy: con chim cống hiến tiếng hót, chiếc lá cho màu xanh. Những hình ảnh ấy là tấm gương soi cho con người về cách sống:
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem ta đã vay và cần trả những gì?
Suy cho kĩ, mỗi người chúng ta đã vay rất nhiều. Vay tiền thì trả lại bằng tiền. Nhưng có những thứ ta vay mà rất khó trả, như Nguyễn Công Trứ đã viết:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
(Chí làm trai)
Lúc lọt lòng, mẹ cho ta thân thể, cha cho ta một dòng máu. Nhưng có phải thân thể ta duy nhất là của cha mẹ ta cho đâu? Nếu không có tổ tiên, bao anh hùng liệt sĩ đã đổ máu xương để xây dựng và giữ gìn đất nước, bảo vệ quê hương, chắc gì ta đã có mặt trên đời này?
Trong lòng mẹ, mẹ cho ta dòng sữa ngọt, cha cho manh, áo lành. Rời mẹ cha, ta ra công viên chơi đùa là đã chịu ơn của các người thợ xây dựng, trồng cây. Đến trường, ta lại chịu ơn của thầy cô. Vào bệnh viện, ta khỏi bệnh nhờ các y tá, bác sĩ… Nơi nơi trên đất nước này, bầu trời này, bao nhiêu người đã từng đổ mồ hôi, nước mắt và máu xương để mở đất, xây cầu, làm đường. Đó là tất cả những gì ta đã vay khi ta sống trong đời:
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Như thế tác giả đã khẳng định việc vay, trả là điều tất yếu, Quan niệm sống là cho mà Tố Hữu tổng kết đã là cách sống của tiền nhân ta. Mẹ Âu Cơ cho ta một dòng máu khỏe mạnh “khôi ngô tuấn tú, sức mạnh như thần”, rồi Lạc Long Quân dạy dân trồng trọt, mưu sinh. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và bao nhiêu nghĩa sĩ Lam Sơn, đoàn quân Tây Sơn cho đến bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu giữ nước… đã hi sinh máu xương để cho chúng ta đất trời tự do, độc lập.
Do đó, nhiệm vụ trả là nhiệm vụ của chúng ta. Đây là lẽ công bằng và hợp lí. Trả không có nghĩa là chỉ trả cho người mà ta đã vay mà phải trả cho đời. Hiểu theo cách khác là ta phải biết cống hiến khả năng, sức lực của mình cho xã hội, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước, phải hiểu việc cống hiến là trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội. Nếu ai cũng nhận thức rằng Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình, thì mọi người sẽ sống tốt đẹp biết bao, tình tương thân tương ái sẽ thắm thiết biết dường nào.
Nhưng bên cạnh những người biết sống đẹp ấy, có những kẻ sống thật ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ mà không biết phục vụ cho đời. Họ không hiểu được rằng lợi ích cá nhân phải gắn liền với lợi ích tập thể. Trong việc xây dựng đất nước hiện nay, mọi người cần đồng lòng, hiệp sức, cùng công hiến khả năng mình cho xã hội. Những kẻ chỉ đòi hỏi hưởng thụ mà thiếu trách nhiệm đối với đời chính là cản bước tiến của xã hội. Do đó ta cần nghiêm khắc lên án lối sống cá nhân ích kỉ xấu xa này.
Đồng thời ta cũng xác định cho mình một thái độ sống đúng đắn: phấn đấu rèn luyện bản thân, hiểu được ý nghĩa sống là cho đối với xã hội, với đất nước, thấy được công hiến là vinh dự, niềm vui của con người. Cho nên ngay từ lúc còn là học sinh, ta cần phải tập sống có ý thức “mình vì mọi người”, để sau này trở thành người hữu dụng, xứng đáng với bao thế hệ đi trước.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ thật đẹp, thật sâu sắc để nhắc nhở chúng ta một lẽ sống cao quý. Đó là cách sống của người thanh niên mới trong xã hội mới hôm nay.
☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Một Khúc Ca Xuân Sâu Sắc Nhất
“Cái quý giá nhất của con người là đời sống. Vì đời người chỉ sống có một lần”. Vậy phải sống sao cho “khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn?”. Để trả lời với tất cả chúng ta câu hỏi đó, trong bài “Một khúc ca xuân”, Tố Hữu đã tâm sự bằng những câu thơ giản dị mà rất sâu sắc:
…“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc là phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”
(Một khúc ca xuân)
Bằng hình ảnh “Nếu là con chim, chiếc lá / Thì con chim phải hót / chiếc là phải xanh”, Tố Hữu muốn khẳng định trước hết sống phải có ích cho đời. Là con chim không chỉ biết kêu mà cao hơn nữa phải biết cất tiếng hót ca lanh lảnh hót cho đời, tạo nên những bản nhạc rộn rã tươi vui cho đất trời. Cũng như vậy, đã là chiếc lá thì chiếc lá phải xanh tươi đưa lại sức sống cho cây cối, làm mát mắt cho đời và hút nhiều thán khí, nhả ra nhiều ô-xi đem lại sự sống cho con người và muôn loài vật trên trái đất này. Ngay cả những sinh vật hết sức nhỏ bé như thế, mà chúng còn biết hiến dâng những gì tốt đẹp nhất, có ý nghĩa nhất giúp ích cho đời.
Quả thật như vậy, con người chúng ta phải có lẽ sống đẹp. Mà sống đẹp là có “vay” có “trả” và cao hơn nữa sống là cống hiến, hy sinh cho đời. Muốn sống cho xứng đáng tên gọi thiêng liêng cao quý của mình. Mỗi chúng ta phải có lẽ sống đẹp. Nghĩa là phải biết ứng xử một cách đẹp đẽ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng, với quê hương đất nước.
Nói như Tố Hữu, lẽ sống đẹp là lẽ sống có “vay” thì có “trả”, có “nhận”, thì phải có “cho”, phải cống hiến hy sinh sức lực, tâm trí, thậm chí là cả sự sống của mình cho đời, để đời ngày một “đàng hoàng”, “tươi đẹp hơn”. Mỗi chúng ta giờ đây được sống trên đời, hít thở khí trời, đứng thẳng hai chân kiêu hãnh làm người, chúng ta đã được nhận quá nhiều từ công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà tổ tiên, từ tình yêu thương đùm bọc của bà con, đồng bào, từ sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ đã đổ máu xương để xây dựng quê hương và giữ gìn đất nước thanh bình tươi đẹp như hôm nay…
Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã được thừa hưởng biết bao thành quả của người đi trước để lại và người khác đem cho. Như thế là chúng ta đã “vay”, đã “mắc nợ” người thân, nhân dân, đất nước nhiều rồi! Là con người vốn giàu nhân cách và lòng tự trọng, chúng ta phải “trả”, hơn nữa phải “cho” nhiều hơn những gì mà chúng ta đã “vay”, đã “nhận”. Đó là hành động vừa đúng với nhân tâm, vừa hợp với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Thực tế chứng minh rằng trong sự nghiệp xây dựng chính quyền và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, ta đã có biết bao con người sống rất đẹp cho đạo lý, lẽ sống “trả”, “vay” đó, như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tử Trọng, Đặng Thùy Trâm,
Họ sẵn sàng “cho” cả cuộc đời, sẵn sàng đổ máu mình cho Tổ quốc đơm hoa Độc lập, kết trái tự do. Noi theo những tấm gương cao đẹp đó, giờ đây, những người đang sống lại tiếp tục hy sinh, cống hiến tâm trí và sức lực của mình để làm giàu cho Tổ quốc. Hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta có biết bao con người đã “cho” đi những giọt mồ hôi thấm đẫm tâm não để “nhận” lại những công trình khoa học, những sản phẩm lao động; hoặc “cho” đi những giọt máu đào nhân đạo để cho người bệnh có nụ cười ngọt ngào, vì sự sống được hồi sinh; hoặc “cho” đi những đồng tiền mà mình tiết kiệm được để cho những người nghèo, cơ nhỡ có những điều kiện vật chất tối thiểu để hướng cuộc đời về phía tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh biết bao con người ngày đêm miệt mài học tập, lao động, cống hiến tài năng sức lực cho xã hội, đất nước, thì có một bộ phận không nhỏ của thanh niên lại chỉ biết “vay” và “nhận”, thậm chí còn “nhận” quá nhiều mà không chịu “trả”. Họ đua đòi theo con đường ăn chơi hưởng lạc: đến với vũ trường, tìm đến “nàng tiên nâu”. “cái chết trắng”, để tiêu vèo hết cuộc đời trong chốc lát, vi những thú vui vô nghĩa, mà không hề biết hổ thẹn. Những người có lối sống ích kỷ và bất nhân, vô ơn bạc nghĩa ấy thật đáng phê phán, lên án, phỉ nhổ.
Nói tóm lại, những câu thơ giản dị của Tố Hữu đã thể hiện một lẽ sống biết “vay” và “trả”; “cho” và “nhận”, “cống hiến” và “thụ hưởng” đúng lương tâm và đạo lí rất đẹp của người Việt Nam xưa nay. Hiểu được lẽ sống đó, mỗi chúng ta, ở từng cương vị cuộc sống khác nhau, hãy cống hiến hết sức mình, hãy “cho” thật nhiều và gắng làm “Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời” như nhà thơ Thanh Hải đã viết:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Từ Ấy [Tố Hữu] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật, Phân Tích Bài Thơ
☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Một Khúc Ca Xuân Nâng Cao
Nếu một ngày nào đó, mặt trời không tỏa những tia nắng ấm áp, loài chim không góp khúc ca vui, loài hoa không còn phô hương sắc…? Nếu một ngày nào đó con người ích kỉ không muốn góp sức cho đời? Khi đó, nhân loại sẽ chìm trong màu xám, cuộc sống trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Nghĩ tới điều ấy, tôi chợt nhớ về những câu thơ của Tố Hữu:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải biết hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.”
Đoạn thơ của Tố Hữu mang đến một bài học về lẽ sống lớn: Hãy hiến dâng cho đời để cuộc sống này thêm tươi đẹp và có ý nghĩa. Đoạn thơ của Tố Hữu không đơn thuần chỉ là một thi phẩm nghệ thuật đặc sắc mà ẩn chứa triết lý sống lớn lao sâu sắc. “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải biết hót, chiếc lá phải xanh” câu thơ giả định và khẳng định loài chim sinh ra được tạo hóa ban cho tiếng hót, mang lại thanh âm trong trẻo cho đời và chiếc lá sinh ra có màu xanh để tô điểm sắc màu cuộc sống. Từ ý này, Tố Hữu mở rộng liên hệ với cuộc sống con người. “Vay” ở đây nghĩa là chúng ta đang thừa hưởng thành quả mà người đi trước để lại. “Trả” tức là đền đáp lại những gì mà người đi trước cho ta. Như vậy, đoạn thơ đã khẳng định: loài chim, chiếc lá cũng góp ích cho đời; vậy lẽ nào con người thừa hưởng hạnh phúc mà không biết ơn, đáp đền, cống hiến cho quê hương, Tố Hữu đã bàn về một lẽ sống lớn, ấy là “vay” phải biết “trả”, sống trước hết phải biết “cho” rồi hãy “nhận”.
Trong cuộc sống, quy luật có vay thì có trả là lẽ dĩ nhiên. Chúng ta sinh ra được chăm sóc, bảo học, yêu thương và thừa hưởng nhiều quyền lợi khác đều nhận lại từ người đi trước. Chúng ta được sống trong hòa bình là nhờ đâu? Chẳng phải nhờ sự hi sinh của những con người như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phan Bội Châu… đánh đổi máu và nước mắt để giành lấy độc lập dân tộc. Chúng ta có một hình hài hoàn chỉnh chẳng phải nhờ bố, mẹ hay sao? Chúng ta được cắp sách tới trường, được học hành, vui chơi chẳng nhờ những người không ngừng đấu tranh giành lấy quyền lợi cho trẻ em thì là ai? Tất cả những điều ấy không phải tạo hóa ban tặng mà là kết quả của những cuộc đấu tranh “dài hơi” từ thế hệ đi trước. Do đó, khắc ghi, biết ơn và tiếp nối thành quả đó là nghĩa vụ của mỗi chúng ta.
Lẽ sống đúng đắn về chân lí đừng chỉ biết nhận yêu thương mà quên việc cho đi hạnh phúc Tố Hữu đã đề cập đến trong bài thơ dường như cũng là lẽ sống của những con người đã trở thành hình mẫu lí tưởng. Người ta nói văn chương phản ánh cuộc đời, do đó những cuộc đời trong văn chương là cuộc đời có thật. Vẫn ám ảnh không nguôi giữa đêm bão tuyết, một lão họa sĩ già cần mẫn vẽ lên tường chiếc lá sự sống. Đọc “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry, thật cảm động khi tình thương lên ngôi tại nơi phố trọ nghèo.
Cụ Bơ-men đã hi sinh cả sự sống cho Giôn-xi hồi sinh – một cô gái không họ hàng thân thích. Cũng không thể quên một anh thanh niên nơi “Lặng lẽ Sa Pa” trong văn Nguyễn Thành Long – một anh thanh niên không tên hiến dâng tuổi xuân và cuộc đời. Như vậy, trong cuộc sống này, song song với việc trả ơn còn là trao đi yêu thương vô điều kiện. Chỉ khi làm được như vậy, tâm hồn bạn mới đạt tới lý tưởng đẹp đẽ nhất, cuộc sống của bạn mới trở nên đáng quý và bất tử.
Bài thơ của Tố Hữu đã nhắc nhở chúng ta phải biết sống và cống hiến. Dù là việc làm nhỏ nhặt hay lớn lao, chỉ cần giữ cho lòng mình trong sáng, tôi tin bạn đã là một thiên thần. Loài chim, bông hoa hay chiếc lá đều làm tốt vai trò đẹp đẽ của nó. Ta là người lại để thua kém một con chim hay chiếc lá ư?