Nội Dung Tập Thơ Nhật Ký Trong Tù Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Hoàn Cảnh Sáng Tác, Nội Dung, Phân Tích, Cảm Nhận Chi Tiết, Mời Bạn Đọc Cùng Thưởng Thức.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Về Tập Thơ Nhật Kí Trong Tù Của Hồ Chủ Tịch
Tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chủ Tịch là một viên ngọc quý của nền thi ca cách mạng Việt Nam. Về mặt giá trị nghệ thuật, Nhật kí trong tù được đánh giá rất cao, có nhiều bài thơ phản phất phong vị Đường thi. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tập thơ nhật ký này thì đừng bỏ lỡ phần chia sẻ thông tin dưới đây.
Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) là tập thơ chữ Hán gồm 133(không tính “Đầu từ”) bài theo thể Đường luật do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943.
Đây là một tập nhật kí bằng thơ mà trong đó Bác đã ghi chép khá tỉ mỉ, chân thực những gì Bác đã chững khiến, đã trải qua trong thời gian 13 tháng ở tù. Cũng chính vì vậy mà tập thơ có một giá trị hiện thực rất cao.
Tập thơ khép lại bằng bài thơ Mới ra tù tập leo núi viết vào tháng 9 năm 1943. Nhưng đến năm 1960, tập thơ này mới được xuất bản. Đến nay, tập thơ đã được xuất bản nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Nội dung chính của tập thơ Nhật ký trong tù:
Tập thơ thể hiện tâm hồn phong phú cao đẹp của người tử tù vĩ đại. Về phương diện này, có thể xem Nhật kí trong tù như một bức chân dung tự họa con người tinh thần của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chân dung Bác Hồ trong tập thơ là hình ảnh nhà ái quốc vĩ đại lúc nào cũng nóng lòng sốt ruột hướng về tổ quốc, khao khát tự do và là chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất. Dù bị đầy đọa trong lao tù Người vẫn ung dung tự tại, tràn trề tinh thần lạc quan, hướng đến tương lai.
Tâm hồn Bác cũng rất nhạy cảm với mọi biến đổi của thiên nhiên cho nên điều dễ hiểu là trong tập thơ Nhật kí trong tù có khá nhiều bài thơ hay của Bác viết về thiên nhiên. Có thể nói, tập thơ Nhật kí trong tù đã bộc lộ cốt cách của một người chiến sĩ kiên cường, bất khuất, của một thi nhân có tâm hồn rộng mở, một nghệ sĩ lớn.
Ngoài ra, phần cuối văn bản là bút ký đọc sách và bút ký đọc báo ghi chép tóm tắt những thông tin quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa quốc tế và Việt Nam đương thời.
Năm 2012, tập Nhật kí trong tù chính thức được công nhận là một bảo vật quốc gia, có giá trị về văn học, lịch sử sâu sắc.
Cập nhật đầy đủ 🔰Thơ Hồ Chí Minh🔰 Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ
Hoàn Cảnh Sáng Tác Tập Thơ Nhật Ký Trong Tù
Tập thơ “Nhật ký trong tù” (Ngục trung nhật ký) của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt và đầy khó khăn. Đó là thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giam cầm tại nhà tù ở Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943.
Tháng 8/1942 với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh và phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự tiếp trợ của thế giới.
Lúc đi đến thị trấn Túc Vinh – Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong suốt 13 tháng ở tù (mùa thu 1942 – mùa thu 1943), tuy bị đầy ải vô cùng cực khổ, Hồ Chí Minh vẫn giữ phong thái hết sức ung dung tự tại và vẫn làm thơ. Những bài thơ ấy sau này Người tập hợp lại thành tập Nhật kí trong tù.
Bối cảnh lịch sử
Năm 1942, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, các nước đế quốc ra sức xâm lược thuộc địa. Ở Việt Nam, phong trào cách mạng của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) từ nước ngoài trở về Việt Nam để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Trên đường đi, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ và giam cầm.
Hoàn cảnh ra đời tập thơ
Trong thời gian bị giam cầm, Bác Hồ phải trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bị đày ải trong nhiều nhà tù khác nhau. Mặc dù vậy, Người vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường và sáng tác thơ ca để ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” ra đời trong hoàn cảnh đó, là tiếng lòng của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, một nhà thơ tài ba. Những bài thơ trong tập thơ không chỉ thể hiện tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của Bác mà còn là bức tranh chân thực về cuộc sống trong tù, về lòng yêu nước, tình cảm đối với quê hương, đồng bào.
Ý nghĩa của hoàn cảnh sáng tác
Hoàn cảnh sáng tác đặc biệt đã ảnh hưởng sâu sắc đến nội dung và tinh thần của tập thơ. “Nhật ký trong tù” là minh chứng cho tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của Bác Hồ trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Tập thơ thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, tình cảm đối với quê hương, đồng bào của Bác. Dù bị giam cầm, Bác vẫn luôn hướng về Tổ quốc, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc.
“Nhật ký trong tù” là một tác phẩm văn học có giá trị to lớn, không chỉ về mặt nội dung mà còn về mặt nghệ thuật. Tập thơ thể hiện tài năng thơ ca của Bác, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam.
Ý Nghĩa Tác Phẩm Nhật Ký Trong Tù Của Bác
Ý nghĩa tác phẩm Nhật ký trong tù của Bác là gì? Tập thơ Nhật ký trong tù chính là tiếng thơ của một con người vĩ đại trong hoàn cảnh tù đày. Tập thơ có ý nghĩa rất lớn cả về mặt nghệ thuật lẫn nội dung và ý nghĩa.
Tập thơ Nhật ký trong tù đã phản ánh khá chân thực bộ mặt xấu xa, đen tối của chế độ nhà tù cũng như của xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch.
Mặt khác, qua tập thơ, người đọc cũng thấy được vất vả, gian lao của Bác trong chốn ngục tù. Từ cảnh ăn đói, mặc rét, bệnh tật cho đến những cuộc chuyển lao đầy gian khổ. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác Hồ cũng vượt lên với một ý chí nghị lực kiên cường để chiến thắng hoàn cảnh.
Nhật ký trong tù không chỉ nêu ra những khó khăn, thách thức mà mỗi người tù phải vượt qua để đạt được tự do thật sự, đạt được mục đích lớn lao của cuộc đời mình, mà còn chỉ ra phương thức và kinh nghiệm của người tù Hồ Chí Minh để vượt qua nó.
=>Thông qua đó, ta học được ở Người sự vượt lên chính mình, vượt qua mọi thử thách của một hiện thực phũ phàng cả trong tâm hồn và ý chí – “đợi đến ngày tự do” để “đấu tranh cho tự do” một cách thiết thực, hiệu quả nhất trong Nhật ký trong tù, đó là “Sống ở trên đời, người cũng vậy,/Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Những Cảm Nhận, Phân Tích Nhật Kí Trong Tù Hay Nhất
Sưu tầm những bài văn mẫu cảm nhận, phân tích tập thơ Nhật ký trong tù hay nhất. Đón đọc ngay nhé!
Mẫu Cảm Nhận Nhật Kí Trong Tù Ngắn Gọn
Tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về tư tưởng, đạo đức và nhân cách của người cộng sản. Một trong những giá trị nổi bật của tác phẩm chính là tinh thần nhân đạo rộng lớn, sâu xa. Tình cảm nhân đạo của Bác bắt nguồn từ truyền thống đạo lí Thương người như thể thương thân của dân tộc ta từ bao đời nay.
Điểm nổi bật nhất trong đạo đức Hồ Chủ tịch là lòng thương người. Chính lòng thương người đã thúc đẩy Bác ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước thoát khỏi đêm dài nô lệ của phong kiến, thực dân.
Dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, trái tim nhân ái của Bác cũng hướng tới con người với những vui buồn muôn thuở. Bác xót xa khi nghe tiếng khóc trẻ thơ vang lên trong ngục tối. Chế độ nhà tù dã man bắt giam cả những em bé vô tội:
Oa! Oa! Òa! Cha trốn không đi lính nước nhà. Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi, Phải theo mẹ đến ở nhà pha. (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)
Chứng kiến cảnh người vợ đến thăm chồng trong tù, Bác xót xa thay cho họ:
Anh đứng trong cửa sắt, Em đứng ngoài cửa sắt. Gần nhau trong tấc gang, Mà biển trời cách mặt. … Chưa nói lệ tuôn đầy, Tình cảnh đáng thương thật! (Vợ người bạn tù đến thăm chồng)
Bị giam cầm chung với đủ loại người, Bác quan tâm và thông cảm với từng số phận éo le. Bác ngậm ngùi trước cái chết tội nghiệp của một người tù cờ bạc: Đêm qua còn ngủ bên tôi, Sớm nay anh đã về nơi suối vàng. Bác chia sẻ nỗi khổ của những người tù nghèo luôn phải sống trong đói khát, đọa đày: Tù “cứng” ngày ngày no rượu thịt, Tù nghèo nước mắt bọt mồm tuôn.
Tình thương yêu của Bác bắt nguồn từ tình thương yêu giai cấp, dân tộc và nhân loại của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Bác dành trọn lòng ưu ái cho người lao động phải vất vả, nhọc nhằn kiếm sống. Trên đường bị áp giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, Bác quên nỗi đau đớn của bản thân và bày tỏ sự thông cảm đối với những người phu làm đường lam lũ:
Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi, Phu đường vất vả lắm ai ơi. Ngựa xe, hành khách thường qua lại, Biết cảm ơn anh được mấy người ? (Phu làm đường)
Mặc dù sống trong cảnh tù đày nơi đất khách, Bác vẫn coi những người nông dân ở đây như ở quê hương, đất nước mình. Bác vui cùng họ niềm vui được mùa:
Khắp chốn nông dân cười hớn hở, Đồng quê vang dậy tiếng ca vui. (Cảnh đồng nội)
Chia sẻ nỗi buồn với họ lúc mất mùa:
Nghe nói năm nay trời đại hạn, Mười phân thu hoạch chỉ vài phân. (Từ Long An đến Đồng Chính)
Trong chốn lao tù, Bác đã trải qua bao khổ cực tưởng chừng như không vượt qua nổi. Nhiều đêm, thân thể Bác bị đau đớn vì xiềng xích, gông cùm còn tinh thần thì băn khoăn, day dứt bởi suy nghĩ về tình cảnh đất nước, về nỗi đau vô tận của con người. Tình thương giúp Bác tăng thêm nghị lực để chiến thắng gian nan, thử thách và củng cố lòng tin vững chắc vào thiên lương của con người. Bác khẳng định :
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên. (Nửa đêm)
Trái tim nhạy cảm của Bác dễ dàng rung động trước những trạng thái tình cảm thật tinh vi, tế nhị của con người. Nghe tiếng sáo của người bạn tù, Bác nhận ra trong đó nỗi nhớ quê hương tha thiết và một nỗi buồn khôn tả. Bác âm thầm chia sẻ nỗi niềm tâm sự ấy và trí tưởng tượng bay bổng của Bác còn hình dung ra cảnh ở nơi xa xôi nào đó, có người thiếu phụ cô đơn đang bồi hồi ngóng trông chồng, cố bước lên cao thêm một tầng lầu nữa để nghe cho rõ tiếng người thân:
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu, Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu. Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi, Lên lầu ai đó ngóng trông nhau. (Người bạn tù thổi sáo)
Qua Nhật kí trong tù, chúng ta thấy tình thương của Bác Hồ đối với con người thật rộng lớn và sâu sắc. Tình yêu thương mênh mông như trời biển ấy ôm trùm lên cỏ cây, sông núi và nhân loại. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: Bác ơi tim Bác mênh mông thế, Ôm cả non sông mọi kiếp người. (Theo chân Bác).
Phân Tích Tập Thơ Nhật Kí Trong Tù Ngắn Hay
“Nhật ký trong tù” – một tập thơ vô cùng nổi tiếng của vị lãnh tụ nước ta, chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tập thơ với bao cảm xúc của Người kết hợp với chất thép và chất trữ tình. Đọc xong tập thơ của Người, chắc hẳn mọi người đều cảm thấy “tâm phục khẩu phục” với ý chí sắt đá của Bác. Bác luôn là một tấm gương sáng cho nghị lực của con người.
Hồ Chí Minh – một người Cha già kính yêu của dân tộc, một vị lãnh tụ đã gắn bó trọn cuộc đời với dân với nước với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam. Không chỉ vậy, Người còn là một nhà thơ, nhà văn lớn với một sự nghiệp văn học phong phú có giá trị trên nhiều mặt. Để tìm con đường giải phóng cho dân tộc, Người đã bôn ba nước ngoài nhiều năm chịu bao cảnh đày đọa nhưng vẫn bước tiếp.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” đã khắc họa lại một thời kỳ vô cùng khó khăn trong cuộc đời Bác khi bị đày tù ở nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc. Tập thơ đã nói lên tinh thần, con người của Bác, một người có ý chí quyết tâm cao, một nghị lực phi thường luôn vượt lên mọi hoàn cảnh.
Có lẽ khi đọc xong “Nhật ký trong tù”, điều mà tác phẩm muốn nhấn mạnh nhất chính là nghị lực của con người. Một khi con người có trong mình chìa khóa “nghị lực” họ có thể vượt qua nhiều thử thách. Nghị lực xuất phát từ suy nghĩ dẫn đến hành động. Suy nghĩ rằng khó khăn nào cũng qua, chỉ cần nỗ lực hết mình, luôn tìm tòi, nghĩ cách vượt qua, và bắt tay vào hành động ngay.
Như Bác Hồ khi ở trong tù phải chịu đựng bao các loại bệnh, sốt rét, ghẻ lở… nhưng Người đâu có nhụt chí vẫn có chí làm thơ, thử hỏi trong hoàn cảnh của Bác mấy người được như Bác. Tâm thế của Người luôn ở bên ngoài tù hướng về dân tộc:
“Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao”.
Dù có bị tù đày, bị hành hạ về thể xác, nhưng tình thần người vẫn luôn lạc quan, vẫn cảm nhận vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên:
“Trong tù không rượu cũng không hoa Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”
Ý chí nghị lực không bao giờ từ bỏ đã giúp Người được mọi người không chỉ nhân dân trong nước mà nhân dân toàn thế giới vô cùng khâm phục. Bởi nó đã giúp Người tìm ra ánh sáng cho dân tộc, Người cùng đồng đội lãnh đạo toàn dân kháng chiến vượt qua từng cửa ải khó khăn.
Vì vậy, nghị lực đối với con người vô cùng quan trọng. Nó giúp ta tự tin vào bản thân, bước từng bước qua chông gai và tiến tới mục đích mình đã đặt trước. Nếu có nghị lực phấn đấu, chúng ta luôn được người khác tôn trọng và yêu quý.
Bác Hồ là một tấm gương sáng về ý chí nghị lực của con người. Không chỉ mình Bác, cũng có rất nhiều tấm gương xung quanh chúng ta, họ làm được thì chúng ta cũng làm được, hãy phát triển bản thân mình thật tốt để có thể góp phần nào vào sự phát triển của đất nước.
Xin nhấn mạnh một lần nữa, nghị lực rất quan trọng với con người. Khó khăn thì được trải dài trên con đường thành công, nhưng khi đạt được rồi thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bạn sẽ luôn tự hào về bản thân khi bạn nhìn lại chặng đường mình đã qua, bạn đã đánh bại được những “con quỷ” cản đường bạn. Nhìn mục tiêu, rồi luôn cố gắng từng ngày, từng giờ, học tập và rèn luyện bản thân mình thật tốt để tạo nên một cuộc đời của chính mình thật ý nghĩa.
Văn Mẫu Cảm Nhận Nhật Kí Trong Tù Chọn Lọc
Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của văn học, đặc biệt là truyền thống thơ ca phương Đông. Là nhà thơ mà phong cách sáng tác vừa mang nét cổ điển và hiện đại, Hồ Chí Minh không thể không tìm đến với những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc ấy. Phải vậy không mà có lần GS Đặng Thai Mai từng nhận xét về “Nhật kí trong tù”: “Tập Ngục trung nhật kí đã dành cho thiên nhiên một địa vị danh dự”.
Trong số 133 bài thơ của tập Nhật kí trong tù thì có tới 20 bài thơ tả cảnh. Thậm chí ngay trong những bài thơ Bác không chủ ý tả cảnh, người đọc vẫn gặp rất nhiều hình ảnh của thiên nhiên. Qua đó, ta bắt gặp một tâm hồn thi sĩ dạt dào, rung động thiết tha với cảnh vật.
Từ bầu trời đến cánh chim, đỉnh núi đến dòng sông, ánh mặt trời đến vầng trăng tri âm tri kỉ, tất cả đều đi vào thơ Người như một phần của cuộc sống. Thiên nhiên trong thơ Bác thường hiện lên qua hai bối cảnh tiêu biểu: Khi bị tù đày và khi trên con đường chuyển ngục.
Trong bối cảnh không gian tù đày chật hẹp, thiên nhiên trở thành người bạn tri âm với Bác. Nó dường như xoa dịu và vùi lấp đi những nỗi đau ghê gớm về thể xác đang hành hạ Người. Người trò chuyện với vầng trăng qua cửa sổ như với người bạn tri âm:
Trong tù không rượu cũng không hoa, Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ. Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. (Ngắm trăng)
Một người tù bị đày đọa về thể xác nhưng lại mang tâm hồn thi sĩ đồng điệu với ánh trăng soi, trăng cũng như trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn giúp Bác vượt qua mọi khó khăn gian khổ của ngục tù. Đó quả là một tư thế ngắm trăng xưa nay chưa từng có trong thơ – một cuộc vượt ngục thú vị về mặt tinh thần.
Bên cạnh đó, Bác còn tinh tế cảm nhận hình ảnh của vầng dương sớm mọc lan tỏa khắp không gian nhà lao tối mịt. Thiên nhiên qua con mắt người tù lúc này không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn ẩn chứa khát vọng tự do, tin tưởng của Người vào tương lai tươi sáng phía trước:
Đầu non sớm sớm vầng dương mọc Khắp núi nơi nơi rực ánh hồng Chỉ bởi trước lao còn bóng tối Mặt trời chưa rọi thấu vào trong. (Cảnh buổi sớm)
Cảnh vầng dương mọc không chỉ thể hiện cái nhìn tinh tế, nỗi niềm say sưa ngắm cảnh thiên nhiên tạo vật vào buổi sớm mai của Bác mà ẩn sau đó là tâm tư của Người. Bóng tối kia là những gian lao, khó khăn, còn ánh hồng là ánh sáng của tương lai tươi đẹp phía trước. Cái nhìn lạc quan luôn hướng về phía ánh sáng, phía sự sống là nét đặc sắc làm nên chất thép trong phong cách thơ Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định, dù trong tù ngục bị đánh mất tự do, nhưng tâm hồn của Bác vẫn luôn rộng mở hướng về thiên nhiên. Qua đó, người đọc cảm nhận được phong thái ung dung tự tại, chất thép vượt lên trên mọi khó khăn để tận hưởng mọi vẻ đẹp cuộc đời của Bác.
Những lúc chuyển ngục đầy gian nan, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống của Bác lại càng được thắp sáng khi bắt gặp hiện thực trực tiếp bên ngoài. Chân tay dù bị xiềng xích gông cùm nhưng nào ngăn được tâm hồn thi sĩ tự do nhìn ngắm, thưởng thức màu sắc, âm thanh của núi rừng. Đó là cánh chim – đám mây buổi hoàng hôn như phác họa cái nhìn của thi nhân đang hướng lên phía trời cao để thấy không gian bao la rộng lớn:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không; (Chiều tối)
Cũng trên con đường chuyển ngục ấy, thiên nhiên hiện lên với vô vàn hiểm trở trập trùng. Núi cao trắc trở cứ lớp này đến lớp khác chồng xếp lên nhau không thể nào gián đoạn được tư thế đăng cao chiến thắng của người tù. Mọi khó khăn như lùi về quá khứ, hiện tại chỉ còn phong thái ung dung ngạo nghễ của con người đang đứng giữa đất trời ôm trọn thiên nhiên:
Đi đường mới biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao trập trùng; Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non. (Đi đường)
Ống kính nhìn ngắm thiên nhiên của Bác như được soi rọi rõ ràng và chân thực hơn bao giờ hết trong bài thơ “Giải đi sớm”:
Gà gáy một lần đêm chửa tan, ….. Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.
Cảnh thiên nhiên ấy có khắc nghiệt với “trận gió hàn” buốt lạnh tê tái, nhưng sau tất cả, hình ảnh mặt trời với niềm tin, hi vọng lại dẫn lối cho “thi hứng” của thi nhân. Tâm hồn Bác dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù trong nhà ngục hay trên đường chuyển ngục đều mang sắc thái lạc quan và tràn đầy tin tưởng.
Nhắc đến thơ Bác là nhắc đến thiên nhiên bởi dù trực tiếp hay gián tiếp, các hình ảnh cảnh vật vừa mang sắc thái cổ điển vừa đậm đặc hơi thở đời sống luôn xuất hiện trong “nhật kí trong tù”. Có yêu thiên nhiên đến nhường nào, Người mới tinh tế cảm nhận chúng như người bạn tri âm tri kỉ. Bởi vậy có thể nói, thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ Hồ Chí Minh.
Bài Văn Phân Tích Nhật Kí Trong Tù Nâng Cao
Hồ Chí Minh, vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc. Chúng ta kính yêu Người không chỉ bởi sự nghiệp cách mạng lớn lao mà còn bởi những cống hiến to lớn của Người cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc.
Trong các sáng tác của Hồ Chí Minh, luôn bắt gặp một tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Và ở đó, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, con người cũng vượt lên khó khăn thử thách bằng một ý chí, nghị lực phi thường, một tinh thần thép đáng trân trọng. Tập thơ “Nhật kí trong tù” là một tập thơ tiêu biểu cho tinh thần ấy.
Nhật ký trong tù là tập thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể tứ tuyệt, gồm 134 bài thơ. Bài số 1, không có tựa đề, được coi là bài đề từ cho Nhật ký. Đây không chỉ là tập thơ có ý nghĩa văn chương sâu sắc, Nhật ký trong tù còn là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Năm 1960, tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, được các tầng lớp nhân dân cả nước đón đọc và đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tác phẩm không chỉ được phổ biến sâu rộng ở trong nước, mà còn được đánh giá cao và giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng. Đặc biệt, Nhật ký trong tù còn là hiện vật độc bản, một văn bản gốc, là văn bản duy nhất có tại Việt Nam.
Tiếng thơ được ngân rung từ trái tim một con người vĩ đại trong một hoàn cảnh rất đen tối. Hoàn cảnh đó là hoàn cảnh tù đày, giam hãm, xiềng xích, tra xét. Con người mất tự do, còn là sự lo âu về sống chết, mất còn. Thế mà Bác vẫn ung dung làm thơ, làm được nhiều và làm được thơ hay.
Không phải viết bằng tiếng Việt ( tiếng mẹ đẻ) mà viết bằng chữ Hán ( tiếng Trung Quốc), bắng các thể thơ mang màu sắc cổ điển Trung Quốc, sau này được nhiều nhà văn hoá Việt Nam và nước ngoài đánh giá rất cao. Coi nhiều bài thơ của Bác có thể sánh ngang với thơ Đường, thơ Tống, thật là vinh dự lớn lao.
Bác đã có sẵn năng lực làm thơ. Từ nhỏ Người đã tập làm thơ bằng chữ Hán. Câu đối mà cũng là thơ do Người làm ra trong một buổi học chữ nho từ lúc hơn mười tuổi: “Chung Sơn vượng khí thành kiên cố/ Trắc lĩnh đa vân thị lão niên”, dịch là:” Núi Chung khí vượng nên kiên cố/ Non Lĩnh nhiều mây hoá lâu năm”, được thầy đồ Vương khen như là của một “thi nhân chân cảm” ( Nhà thơ có cảm xúc thực sự).
Khi hoạt động ở nước ngoài và về nước hoạt động Người đã làm nhiều bài thơ tiếng Việt dùng để tuyên truyền, trong đó có nhiều bài đã tạo nên bản sắc riêng rất giầu hình tượng cảm xúc, rất dễ ghi nhớ. Về chữ Hán chỉ có một bài:” Thượng sơn” ( Lên núi), có những câu:” Cử đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai. “, dịch là:” Ngẩng đầu: mặt trời đỏ/ Bên suối, một nhành mai”. Một hình tượng thơ độc đáo, đã làm mọi thi nhân bái phục cái căn cốt thơ chữ Hán của Người.
Nhưng Bác không có điều kiện làm thơ, vì phải tập trung toàn bộ trí lực để tìm cách cứu nước, cứu dân. Bị giam cầm, bức bí, Người mới làm thơ ngâm vịnh. Điều này Người đã nói rõ trong bài Khai quyển:
“Ngâm thơ ta vốn không ham Nhưng vào trong ngục biết làm chi đây Ngày dài ngâm ngợi cho khuây Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.”
Đó chính là cái lý do khách quan để có tiếng thơ này, nhưng cái lý do chủ quan là con người thi nhân trong Bác. Người đã là một nhà thơ thực thụ có khả năng viết bằng hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Trung. Dù là hai thứ tiếng nhưng hồn thơ của Người chỉ là một mà thôi. Lúc thăng hoa làm thơ, Người đinh ninh nhận mình là một nhà thơ:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.” ( Vọng nguyệt).
Nhà thơ cất lên tiếng thơ trong suốt thời gian bị giam cầm. Nhưng lại tập trung vào thời gian đầu, thời gian bức xúc nhất, vất vả nhất, phải chịu đựng những thử thách cam go nhất, chính lúc ấy nhà thơ lại xuất thần nhiều nhất, làm được nhiều thơ nhất.
Thời gian ấy là 4 tháng, Người đã bị giải, bị giam mà không có tội gì:” Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã ở qua/ Phạm tội gì đây? Ta tự hỏi/ Tội trung với nước, với dân à?” (Đến Cục chính trị chiến khu IV). Chính tại nơi đây, trong một đêm không ngủ Người đã viết:” Năm canh thao thức không nằm/ Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi”( Đêm không ngủ).
Thơ nhật ký của Người ghi lại chân thực, chi tiết chế độ nhà tù cũng như chế độ xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Đó là một chế độ thối nát, mục ruỗng, nhiều tệ nạn, nhiều bất công; con người thì cùng cực, chịu nhiều khổ đau.
Tập thơ còn tập trung phản ánh rõ nét con người Hồ Chí Minh về đời sống vật chất, đời sống tinh thần trong suốt thời gian ở tù. Trong đó có nói đến cả mối quan hệ của Người với những người cầm quyền, từ những viên cai ngục, đến những nhà chức trách của nhiều cấp của chính quyền Tưởng.
Nhưng nội dung chủ đạo của tập cả tập thơ lại thể hiện con người Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại. Như nhà thơ Viên Ưng ( Trung Quốc) đã viết khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù: “Chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng… Tôi cảm thấy trái tim vĩ đại đó đã toả ra ánh sáng chói ngời trong hoàn cảnh tối tăm“.
Thơ là tiếng nói của một tâm hồn con người. Tiếng thơ Nhật ký trong tù là tiếng nói của Hồ Chí Minh một bậc đại trí. Cái đại trí của Người là những nhận thức đúng đắn về cuộc sống nhân sinh, về thời cuộc, về đường lối chiến lược, chiến thuật của cách mạng. Trong hoàn cảnh lao tù, con người mất tự do, Người luôn hướng về tự do, nghĩ về tự do.
Tiếng thơ của Hồ Chí Minh là tiếng nói của bậc đại nhân được thể hiện rất rõ qua tấm lòng thiết tha yêu Tổ quốc, yêu thương, trân trọng con người, lòng yêu thiên nhiên, tình cảm quốc tế trong sáng của Người. Trước hết là tình yêu Tổ quốc, là tình cảm thường trực ở Người, nhiều đêm nhớ nước Người không ngủ được:
“Một canh, hai canh, lại ba canh Trằn trọc băn khăn giấc chẳng thành Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. ( Ngủ không được )
Nỗi nhớ đồng bào đồng chí canh cánh bên lòng: “Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng/ Tin tức bên nhà bữa bữa trông.” (Tức cảnh). Thế mà mình vẫn phải chịu cảnh lao tù, nơi đất khách. Lúc ốm đau, bệnh trọng nỗi nhớ thương ấy càng da diết: “Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh/ Nội thương đất Việt cảnh lầm than” (Ốm nặng). Thứ tình cảm ấy, còn là thứ tình cảm quốc tế trong sáng ở Người, càng được thể hiện rõ hơn khi trực tiếp nói lên niềm vui của người nông dân đất Quảng Tây sau mùa thu hoạch: “Khắp chốn nông dân cười hớn hở/ Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.” (Cảnh đồng nội).
Cái nhân còn ở tình cảm đối với thiên nhiên sâu sắc, hình như cái tình ấy không tách rời ra bao giờ, nó bền chặt keo sơn, tri kỷ, chí tình, khi đi đường, lúc trong nhà giam và cả khi được tự do đi du ngoạn. Có tình yêu thiên nhiên sâu sắc mới có những câu thơ đẹp:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không” ( Chiều tối)
Hay:
“Núi cao rồi lại núi cao trùng Núi cao lên tới tận cùng Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.” ( Đi đường)
Đặc biệt trong tập thơ chúng ta còn thấy cả tình cảm của Người dành cho những con người tốt, mặc dù họ là cai ngục hay quan chức các cấp của chính quyền Tưởng như trưởng ban họ Mạc, tướng quân Lương Hoa Thịnh, Hầu chủ nhiệm…. Rõ ràng những tình yêu Tổ quốc, thương đồng bào, nhân dân lao động, quần chúng cần lao, những con người tốt, tình yêu thiên nhiên và cả tình thương với những vật vô tri, con vật bình thường làm nên mẫu mực đạo đức, làm nên tấm lòng nhân ái cao cả sáng như ngọc trong con người Hồ Chí Minh.
Tiếng thơ trong Nhật ký trong tù còn thể hiện con người đại dũng Hồ Chí Minh. Con người đại dũng tập trung ở khí phách kiên cường, tinh thần vượt qua gian lao thử thách, niềm tin, lòng lạc quan cách mạng ở Người. Khí phách ấy, được nói lên ngay lời mở đầu của tập thơ:
“Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần càng phải cao.”
Trong hoàn cảnh lao tù, trước sự hành hạ, cưỡng chế, tra xét Người không hề sợ hãi, nao núng mà lại tự động viên: “Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.” (Tự khuyên mình). Trong nhà tù thử thách nhiều, bị giải đi giải lại, cơm ăn không no, áo không đủ ấm, không khí ngột ngạt, không được tắm giặt, ghẻ lở, ốm đau, thiếu thốn đủ bề, bị cùm bị xích, bị coi thường, bị bôi xấu mà Người vẫn ung dung tự tại, vượt lên, coi đó là thử thách mà để quên đi nỗi vất vả, gian nan :
“Năm mươi ba dặm, một ngày trời Áo mũ ướt dầm, dép tả tơi Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.”
Bác để tình cảm, tư tưởng hướng về thiên nhiên:
“Mặc dù bị trói chân tay Chim bay rộn núi hương bay ngát rừng Vui say, ai cấm ta đừng Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hưu.” (Trên đường)
Bác nhớ về cuộc sống con người nhân gian khi chính bản thân mình bị trói treo chân trên thuyền:
“Làng xóm ven sông đông đúc thế Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh.” (Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh).
Đó là niềm tin sắt đá vào bản thân, vào ngày mai của Người:
” Người thoát khỏi tù ra dựng nước Qua cơn hoạn nạn tỏ lòng ngay Người biết lo âu ưu điểm lớn Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay.” (Chiết tự).
Đọc Nhật ký trong tù chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy trái tim của Người toả ánh sáng ra chói ngời trong hoàn cảnh tối tăm. Hoàn cảnh trong tù là hoàn cảnh đặc biệt không bình thường. Người bị giam hãm, đoạ đầy, trói buộc, xiềng xích, bị nghi ngờ, bêu diễu, cấm đoán, mất hết cả tự do.
Tiếng thơ từ tâm hồn Người theo thời gian vẫn cất lên, bất chấp sự cùng khổ về vật chất cũng như tinh thần, coi thường cả sự hiểm nguy, dũng mãnh vượt lên gian lao thử thách, ngạo nghễ để chiến thắng, thể hiện phong thái ung dung, niềm tin tưởng lạc quan son sắt, tình cảm giao hoà với thiên nhiên; đặc biệt là tình cảm thắm thiết đối với con người.
Tiếng thơ của con người vĩ đại trong hoàn cảnh tù đầy đã thể hiện viên mãn nhân cách cao cả, lòng nhân ái bao la, bản lĩnh phi thường. Chúng ta càng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, chính Người đã làm rạng rỡ mỗi con người chúng ta, dân tộc ta, non sông đất nước ta.
Bài Văn Phân Tích Nhật Kí Trong Tù Hay
Tập thơ Nhật kí trong tù được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm trong nhà tù Trung Quốc vào những năm 1942, 1943. Người viết tập thơ này dường như không có ý làm nghệ thuật, lưu danh hậu thế mà chỉ cốt để ngâm ngợi cho khuây khỏa những tháng ngày “mất tự do”. Tuy vậy, Nhật kí trong tù đã trở thành một tác phẩm lớn có giá trị về nhiều mặt trong lịch sử văn học Việt Nam cận, hiện đại. Nó có sức hấp dẫn lâu bền với nhiều thế hệ bạn đọc ở cả trong nước lẫn ngoài nước.
Mấy chục năm qua, kể từ khi tập thơ được công bố, nhiều người đã viết về tập thơ này. Họ nhấn mạnh đến giá trị phản ánh hiện thực, sức mạnh tố cáo của Nhật kí trong tù đối với chế độ nhà tù Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch. Tuy vậy, điều quan trọng nhất cần phải thấy: trước sau đây vẫn là một tập nhật kí bằng thơ, một tập nhật kí “hướng nội”, tác giả chủ yếu viết cho mình. Do đó, sức hấp dẫn của tập thơ chính là hình tượng của nhân vật trữ tình – tác giả Hồ Chí Minh, một chiến sĩ thi sĩ.
Đọc tác phẩm Nhật kí trong tù, chúng ta bắt gặp con người Hồ Chí Minh với tất cả vẻ đẹp, phong phú, sâu sắc trong tâm hồn, trong tính cách, trong cách nhìn, cách nghĩ suy về cuộc đời và con người. Nhật kí trong tù đúng là một “bức chân dung tự họa” bằng thơ về con người tinh thần của người sáng tạo ra nó.
Qua hơn một trăm bài thơ, ta có thể nhận thấy nỗi khắc khoải nóng lòng, sốt ruột ngóng trông tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đọc còn nhớ, mùa thu 1942, với tư cách là đại biểu cho phong trào cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh có trọng trách tìm sang Trung Hoa để bàn cách phối hợp hành động chông bọn đế quốc, phát xít. Nhưng vô cớ, Người bị bọn mật vụ Quốc dân đảng bắt giữ và sau đó, bị giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác, không được xét xử.
Người cũng hoàn toàn không được biết đến bao giờ mình mới được trả tự do. Hồ Chí Minh đau khổ vô hạn và thấm thía sâu sắc nỗi “mất tự do”.
Nỗi đau khổ này được tác giả bộc lộ trong khá nhiều bài thơ. Chẳng hạn như trong một lần chuyển đổi nhà lao có bọn “cảnh binh khiêng lợn cùng đi”, Bác đã viết những câu thơ đầy cay đắng, biểu lộ một qui luật trong cuộc sống, mà qui luật này Người đã rút ra một cách thấm thìa ngay trong cuộc sống đau khổ của chính mình:
Trên đời ngàn vạn điều Gay đấng Cay đắng chi bằng mất tự do?
Bên cạnh con người nóng lòng, sốt ruột, đau khổ vô hạn vì mất tự do, người đọc còn bắt gặp trong Nhật kí trong tù một con người hoàn toàn tự chủ về mặt tinh thần, luôn bình thản ung dung, tự tại, tâm hồn như bay lượn trên bầu trời tự do, không sức mạnh của nhà tù nào giam hãm được.
Như vậy, có thể nói chúng có thể giam cầm được thể xác Bác, nhưng không khi nào chúng có thể giam cầm được tinh thần Bác, Điều này đã được chính tác giả thể hiện qua hai câu thơ mở đầu, được xem như lời đề từ của tập Nhật kí trong tù:
Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao.
Và, không ít lần, Hồ Chí Minh thấy mình là “khách tự do”, thanh thản, ung dung, tự tại như là một khách tiên. Điều này được thể hiện qua khá nhiều bài thơ như Đi Nam Ninh, Giải đi sớm, Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây, và có lẽ tiêu biểu phải kẽ đên bài Ngắm trăng sau đây:
Trong tù không rượu cũng không hoa Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Trong bài thơ này hoàn toàn không thấy tác giả nói đên nỗi đau khổ, bồn chồn vì bị mất tự do, mà chỉ thấy hình tượng một thi sĩ hết sức nhạy cảm và tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
Thực ra, trong chốn lao tù, ắt hẳn người thi sĩ đâu cố được thưởng trăng một cách thoải mái. Có lẽ, song cửa nhà lao chỉ đủ cho lọt qua một chút ánh trăng thấp thoáng mà thôi. Song, cho dù chỉ như thế, nhưng với sức tưởng tượng phong phú, với tâm hồn yêu mến thiên nhiên, Hồ Chí Minh cũng cảm thấy dạt dào thi hứng, cũng cảm thấy bồi hồi xao xuyến trước cảnh đẹp của đêm trăng. Câu thơ thứ hai nguyên văn chữ Hán là:
Đối thử lương tiêu nại nhược hà? Có nghĩa: Trước cảnh đẹp đèm nay biết thế nào?
Câu thơ dường như có một chút bối rối. Cái bối rối rất thi sĩ… Tiếc rằng câu thơ dịch “Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ đã làm mất “cái bối rối” rất thi sĩ . Người xưa thưởng trăng thường hay có rượu và hoa. Ở trong tù, Hồ Chí Minh làm sao có được những thứ này? Cho dù thế, thi hứng của nhà thơ vẫn dạt dào:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Thi nhân và ánh trăng tựa hồ như đôi bạn tri âm, tri kỉ, có sự giao hòa tuyệt diệu. Ánh trăng vô tri vô giác qua tâm hồn của người tù thi sĩ trở thành một nhân vật đáng yêu, có tâm trạng, có linh hồn. Trên đây là những câu thơ đặc biệt ý vị. Ý vị không phải chỉ xuất phát từ kĩ thuật làm thơ mà điều quan trọng nhất vần là tâm hồn, là xúc cảm của người tù thi sĩ Hồ Chí Minh…
Đúng là đọc Nhật kí trong tù chúng ta được chứng kiến nhiều cuộc vượt ngục bằng tinh thần của người tù Hồ Chì Minh. Khi thì Người thả hồn theo một áng mây trôi, một cánh chim chiều, một vầng trăng non, lúc thì Người dối theo một vầng dương buổi sớm, một cảnh làng xóm ven sông, hay cảnh buổi tối khi cô thôn nữ vừa xay xong ngô tối thì lò than đã ửng hồng.
Đặc biệt, tâm hồn của Hồ Chí Minh luôn hướng về Tổ quốc, về đồng chí, đồng bào; ngay trong giấc ngủ, Người cũng luôn mơ về đất nước thân yêu. Có những đêm, Bác trằn trọc mãi không sao ngủ dược, đến “Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt – Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.
Ngoài ra, trong “bức chân dung tự họa” của Hồ Chí Minh ta còn bắt gặp một trí tuệ lớn, một tầm tư tưởng lớn. Trí tuệ lớn trước hết thường được thể hiện qua cái nhìn đối với hiện thực. Hơn ai hết, Bác thấy rõ những bất công vô lí trong nhà tù Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch. Nhà tù này chính là nước Trung Hoa rộng lớn khi đó thu nhỏ.
Bên cạnh đó, từ những sự việc nhỏ nhoi, tầm thường hằng ngày, với trí tuệ mẫn tiệp, Hồ Chí Minh rút ra được những khái quát, tìm rạ qui luật của cuộc sống thông qua sự từng trải, sự chiêm nghiệm của chính bản thân mình. Vì vậy, một số câu thơ, bài thơ của Người có ý vị triết lí thâm trầm sâu sắc. Chẳng hạn, từ việc “Học đánh cờ”, Người rút ra tầm quan trọng của thời cơ đối với sự thành bại trong hoạt động của con người:
Lạc nước hai xe đành bỏ phí, Gặp thời một tốt củng thành công.
Đồng thời, Hồ Chí Minh cung có những chiêm nghiệm đúng đắn về “Đường đời hiểm trở”, về sự phức tạp khó khăn trong cuộc sống xã hội:
Núi cao gặp hổ mà vô sự Đường phẳng gặp người bị tống lao
Tuy nhiên, những nhận xét khái quát về cuộc đời, về con người của Hồ Chí Minh không bao giờ có ý vị yếm thế hay hư vô mà Người luôn hướng con người tới những hành động thiết thực để cải tạo con người, cải tạo hoàn cảnh. Điều đó chứng tỏ lòng tin vững chắc của nhà thơ vào bản chất lương thiện, tốt đẹp của con người.
Khi Bác khẳng định “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn – Phần nhiều do giáo dục mà nên” tức là Người dặt ra vấn đề giáo dục và tin tưởng ở kết quả xây dựng lực lượng cách mạng về sau. Những ai đã được sống gần Hồ Chí Minh đều nhận thấy sức mạnh cảm hóa của Bác. Niềm tin vào con người là hạt nhân quan trọng tạo nên niềm tin vào sự nghiệp cách mạng ở Hồ Chí Minh. Qua bài Đi đường, Bác thể hiện khá tập trung ý tưởng chinh phục khó khăn, hướng tới cuộc sông, hướng tới tương lai:
Đi đường mới biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao chập chùng. Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Ngay trong cảnh gian khổ, khó khăn, Người vẫn nhìn thấy ánh sáng của tương lai tươi sáng!
Dẫu sao, vẫn sẽ là một thiếu sót rất lớn, nếu như viết về “bức chân dung tự họa” nói trên, ta không đề cập tới lòng nhân ái bao la, sâu sắc của Bác Hồ.
Nhà thơ dễ dàng quên những đau đớn khổ sở mà mình phải chịu, nhanh chóng đồng cảm sâu sắc và phát hiện ra những bất hạnh, đau khổ của những người xung quanh để thông cảm, chia sẻ với họ.
Bác thương cảm Vợ người bạn tù đến thăm chồng, đối với Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, hay đôi với Một người tù cờ bạc vừa chết… Chỉ cần nghe “Người bạn tù thổi sáo”, Bác chẳng những thấu hiểu nỗi lòng nhớ quê của anh ta, mà còn hình dung thấy ở chôn chân trời xa xôi kia có một phụ nữ bước lên một tầng lầu nữa để ngóng trông chồng:
Bỗng nghe trong ngục sáo vỉ vu Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu. Muôn dải quan hà khôn xiết nỗi, Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
Ở con người tác giả, rõ ràng có sự thống nhất giữa các mặt đối lập. Bên cạnh sự nhạy cảm tinh tế, người đọc có thể nhận thấy ý chí sắt son, nghị lực phi thường, lớn lao, bền bí. Chất “tình” và chất “thép” được kết hợp một cách tự nhiên, hài hòa trong tập Nhật kí trong tù.
Nhật kí trong tù là một tập thơ có giá trị về nhiều phương diện. Sức hấp dẫn của tập thơ này trước hết đúng là sức hấp dẫn trong bức “chân dung tự họa con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tập thơ khẳng định tác giả của Nhật kí trong tù là một nhân vật kiệt xuất, “đại trí”, “đại nhân” và ‘đại dũng”. Tập thơ thể hiện sinh động nhân vật kiệt xuất này.
Đọc thêm những nhận định về tập thơ Nhật ký trong tù dưới đây để hiểu hơn về giá trị của tập thơ và chủ tịch Hồ Chí Minh nhé:
Quách Mạt Nhược từng nhận xét sau khi đọc xong tập thơ này: “Hồ Chí Minh là một bậc đại Trí, đại Nhân, đại Dũng”.
Theo nhà phê bình Hoài Thanh, “Thế giới quen thuộc trong thơ Bác là thế giới những hoàn cảnh cụ thể, những sự việc cụ thể trong đời sống hàng ngày: một người bạn tù không có cơm ăn, một em bé khóc, một cô gái xay ngô và rất nhiều sự việc khác có khi nhỏ nhặt, chi li. Nhưng từ những sự việc ấy, thơ Bác dẫn ra, đi sâu vào lối nhìn, lối nghĩ của người cộng sản, một cái gì rất bình thường mà vĩ đại…”. Ông còn khẳng định thêm “Tập thơ Nhật ký trong tù “đứng vô song trong văn học nước ta vì nó là những tiếng tâm hồn của Hồ Chủ tịch.
Ông Pierre Segher – Giám đốc một nhà xuất bản lớn ở Pháp và là một nhà thơ đã gửi đến một bức thư “Kính thưa Chủ tịch và thưa Nhà thơ thân mến” để xin phép Bác được in tập thơ ấy ra tiếng Pháp và nói: “Tôi có cái duyên được đọc “Nhật ký trong tù” dịch ra tiếng Pháp, những bài thơ ấy đã xáo trộn cả tâm hồn tôi”.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết “Nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược nhận thấy trong Nhật ký trong tù có một số bài rất hay, nếu đặt lẫn vào trong tập thơ của những thi nhân đời Đường, đời Tống thì khó mà phân biệt được. Dĩ nhiên, đó không phải chỉ là nhận xét về chỗ tương đồng giữa thơ Bác với thơ cổ điển của Trung Hoa về bút pháp, phong cách mà còn là một cách đánh giá cao về phẩm chất nghệ thuật của Nhật ký trong tù.
Sách giáo khoa Văn 12 đã khẳng định:’”Có thể xem Nhật kí trong tà như một bức chân dung tự họa con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nhật kí trong tù là một tập thơ có giá trị về nhiều phương diện. Sức hấp dẫn của tập thơ này trước hết đúng là sức hấp dẫn trong bức “chân dung tự họa con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hay nói cách khác, sức hấp dẫn của tập thơ chính là sức hấp dẫn của “chất người cộng sản Hồ Chí Minh” (Xuân Diệu).