Qua Thậm Thình: Nội Dung Bài Thơ, Ý Nghĩa, Phân Tích

Qua Thậm Thình ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Ý Nghĩa, Phân Tích ✅ Tổng Hợp Những Bài Văn Phân Tích, Cảm Nhận Tác Phẩm Hay Nhất.

Nội Dung Bài Thơ Qua Thậm Thình

Bài thơ: Qua Thậm Thình
Tác giả: Nguyễn Bùi Vợi

Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm

Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giày mấy đôi
Đẹp lòng, vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non

Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vời trong mây
Trời cao. Bóng toả đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây… thậm thình.

Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️ Bài Thơ Tiếng Nghệ Của Nguyễn Bùi Vợi ❤️️ Nội Dung, Cảm Nhận

Ý Nghĩa Bài Thơ Qua Thậm Thình

Bài thơ vừa như một lời tri ân vừa là một lời nhắc nhở muôn đời con cháu luôn phải biết hướng về nguồn cội. Đó cũng là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay mà bất kỳ ai cũng phải luôn gìn giữ.

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Qua Thậm Thình

Cùng thohay.vn tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Qua Thậm Thình bên dưới.

Bài thơ Qua Thậm Thình được viết vào năm 1971, khi ông đang dạy học ở Vĩnh Phúc. Một ngày, ông đi xe đạp từ Việt Trì đến Phú Thọ, trên đường ông dừng chân ở một quán bên đường và được bà cụ hàng nước kể về xóm Thậm Thình – nơi vua Hùng dựng lều giã gạo và tuyển về hàng trăm cô gái đẹp như tiên giã chày đôi chày ba.

Ông bị thu hút bởi cái tên lạ lùng và câu chuyện huyền thoại của xóm Thậm Thình, và quyết định viết một bài thơ theo thể lục bát để tưởng nhớ và ca ngợi nơi này.

Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Qua Thậm Thình Hay Nhất

Với những bài văn cảm nhận hay nhất dưới đây sẽ giúp bạn có nhiều ý tưởng khi viết văn.

☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Qua Thậm Thình Hay Nhất

Một bức tranh làng quê vừa chân thực, vừa bảng lảng khói sương của huyền thoại. Bài thơ dựa trên một huyền tích đẹp về xóm núi Thậm Thình nơi Vua Hùng dừng chân:

Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm

Trên đất nước Việt qua bốn ngàn năm, biết bao dấu tích thời vua Hùng được huyền thoại hóa thành truyền thuyết, truyện cổ xưa. Nào câu chuyện về Sơn Tinh, Thủy Tinh, về bánh chưng, bánh giày Lang Liêu, về sự tích dưa hấu Mai An Tiêm, về bến Vua nơi vua Hùng đi thuyền ngự ngang qua, rồi những câu chuyện vua dạy dân trồng lúa, hái dâu, đánh giặc, xây thành… Ngỡ tưởng những huyền tích ấy đã nằm trong kho tàng truyện cổ dân gian thì hôm nay sống dậy trong bài thơ về xóm núi Thậm Thình.

Ngang qua xóm núi Thậm Thình thời hiện đại mà tác giả bâng khuâng nghe vang vọng ký ức cổ xưa của dân tộc. Thậm Thình, cái tên đầy chất thơ của một xóm vùng trung du Phú Thọ hóa ra khởi nguồn từ lần vua Hùng cho dựng lầu giã gạo chốn này. Chất tự sự và trữ tình quyện hòa trong những dòng lục bát vừa nhuần nhuyễn vừa tinh tế của Nguyễn Bùi Vợi:

Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này…
…Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình.

Những thi ảnh đẹp, dung dị mà gợi cảm. Những từ ngữ trong sáng, giàu cảm xúc mà chọn lọc. Con người hòa quyện với thiên nhiên, vua tôi thuận hòa, đằm thắm tình người. Dường như không có khoảng cách vua với dân. Vua đi săn về dừng lại xóm núi, dân dâng bày xôi, bánh chưng, bánh giày, những sản vật dân dã mà đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Các từ như: Quả xôi đầy, bánh chưng mấy cặp, bánh giày mấy đôi… thoang thoảng mùi thơm dẻo của gạo đỗ quyện với tấm lòng thảo thơm, nghĩa tình chất đầy của những người nông dân cần cù, chất phác. Và lầu giã gạo của Hùng Vương dựng tại đây.

Đó không phải nơi lầu son gác tía với mĩ nữ cung tần mà nhộn nhịp tiếng ca hát lao dộng, tiếng chày ngày đêm của những cô gái dân quê dẻo dai giã gạo. Các từ “rập rình”, “tiếng thậm, tiếng thình” vừa tượng thanh, vừa tượng hình, vừa gợi nhịp chày giã gạo, vừa gợi những động tác giã gạo, múa hát nhịp nhàng, uyển chuyển, mềm mại của các cô thôn nữ trẻ trung, xinh đẹp.

Tứ thơ hình thành từ hai tiếng Thậm Thình, cái tên xóm núi, rồi chuyện xưa vua Hùng, nhịp chày giã gạo “thậm, thình”. Đó cũng là sự sáng tạo linh hoạt của trí tưởng tượng thi sĩ kết hợp với không khí hư ảo của văn hóa dân gian.

Đọng lại bài thơ vẫn là âm thanh thậm thình của nhịp chày giã gạo. Nhịp chày vốn không phải âm thanh lần đầu xuất hiện trong áng văn chương. Ca dao xưa từng man mác với tiếng chày giã giấy: Nhịp chày Yên Thế mặt gương Tây Hồ. Đỗ Phủ trong “Thu hứng” từng khiến người đọc nao lòng, lắng mình cảm thương với cảnh chia ly tan tác trong nội chiến với tiếng chày đập vải: Thành bạch chày vang bóng ác tà.

Hay Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ” tạo nên nhịp điệu của tình mẫu tử với Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng… Những tiếng chày nhịp nhàng cất lên như tiếng lòng của con người. Và trong bài thơ này của Nguyễn Bùi Vợi, âm thanh nhịp chày ấy là tiếng ca lao động, tiếng ca của lòng yêu đời, niềm lạc quan và sức sống dân tộc:

Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.

Cối gạo đầy nghĩa tình nước non là hình ảnh ẩn dụ hóa tuyệt đẹp của nhà thơ ngợi ca nghĩa tình của một dân tộc cần cù, son sắc, thủy chung.

Bài thơ có sự kết hợp của huyền tích và hiện thực, truyền thống và hiện đại. Cái kết đưa người đọc về với cuộc sống hôm nay:

Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Trời cao. Bóng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây… Thậm Thình

Lầu giã gạo xưa đã mất trong cuộc sống hôm nay nhưng nhịp chày ấy vẫn thoảng đâu đây… Thậm Thình. Chỉ còn tiếng chày trong tâm tưởng vọng về qua tích cũ đã mấy ngàn năm. Nhịp điệu ấy vẫn còn như chứng thực cho sự trường tồn bền bỉ của sức sống và niềm tự hào dân tộc.

Không phải là một tác giả lớn trong dòng chảy thi ca hiện đại nhưng chỉ với “Qua Thậm Thình”, Nguyễn Bùi Vợi đã cất lên một tình ca sâu lắng về truyền thống nhớ nguồn của dân tộc: “Hàng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” (Nguyễn Khoa Điềm). Một bài ca Thậm Thình đã hòa vào tình non sông, đất nước.

Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Mặt Đường Khát Vọng [Nguyễn Khoa Điềm] ❤️️Tuyển Tập Thơ

☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Qua Thậm Thình Sâu Sắc

Bài thơ lục bát giản dị như một câu chuyện kể đưa người đọc trở về với một không gian, thời gian đượm màu cổ tích: “

Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm”.

Hai câu mở đầu chỉ là nguyên cớ để khơi nguồn cảm xúc cho tứ thơ phát triển.

“Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh dầy mấy đôi”.

Hình ảnh vua Hùng đi săn hiện lên trong lời thơ, nhưng điều gây ấn tượng lại là tình cảm của vị vua sáng và dân hiền thắm thiết gần gũi và cảm động xiết bao. Giữa khung cảnh nước non thanh bình và hữu tình ấy là cảnh các bô lão dâng xôi bánh cho vua Hùng để tỏ lòng tôn kính, biết ơn của trăm dân đối với vị vua biết chăm lo cho dân nước bình yên.

Lễ vật dâng vua không phải là sơn hào hải vị mà chỉ là những vật phẩm được làm ra từ tấm lòng thơm thảo của con người nơi thôn dã. Cảm tấm lòng của trăm dân vua Hùng cho chọn đất tốt làm nơi dựng lầu đặt kho chứa gạo cho cả đất nước. Tuyển chọn các cô thôn nữ đẹp người, đẹp nết về đây giã gạo, làm ra những “hạt ngọc” trắng trong quí nhất trời đất này.

“Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”.

Âm thanh tiếng chày giã gạo ấy là âm thanh của cuộc sống ấm no, thanh bình và hạnh phúc. Ngôn ngữ bài thơ thật giản dị mà giàu sức gợi hình, gợi cảm, tiếng giã gạo thậm…thình trải qua bốn nghìn năm như còn vang vọng đâu đây, sâu nặng nghĩa tình non nước.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian lịch sử, dấu tích xưa đã bị bụi thời gian phủ mờ theo năm tháng. Nhưng tấm lòng của mỗi người con đất Việt đối với các vị vua Hùng có công lập nước vẫn còn nguyên vẹn.

“Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Nguyễn Khoa Điềm, nghĩa tình vua tôi vẫn ấm nồng như tiếng chày thậm thình còn vang vọng mãi đến mai sau.

Bài thơ Qua Thậm Thình của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi vừa như một lời tri ân vừa là một lời nhắc nhở muôn đời con cháu luôn phải biết hướng về nguồn cội. Đó cũng là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay mà mỗi người phải luôn gìn giữ.

Viết một bình luận