Thơ Bích Khê: Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay

Thơ Bích Khê ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay ✅ Gửi Cho Bạn Những Thông Tin Quan Trọng Về Cuộc Đời, Sự Nghiệp Làm Thơ Của Bích Khê.

Tiểu Sử Cuộc Đời Tác Giả Bích Khê

Trong bài viết hôm nay, Thohay.vn sẽ giới thiệu đến bạn đọc một thi sĩ có phong cách thơ độc đáo, ấn tượng và là một người bạn với thi sĩ Hàn Mặc Tử. Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này thì hãy theo dõi ngay tiểu sử cuộc đời tác giả Bích Khê dưới đây nhé!

  • Bích Khê (1916-1946), tên thật là Lê Quang Lương; là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam thời tiền chiến. Ngoài bút hiệu Bích Khê, ông còn ký bút hiệu Lê Mộng Thu khi sáng tác thơ Đường luật.
  • Ông sinh ngày 24/3/1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bích Khê xuất thân từ một gia đình Nho học có truyền thống đấu tranh yêu nước cách mạng.
  • Thuở nhỏ, Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới, học trung học ở Huế, rồi ra Hà Nội học ban tú tài nhưng nửa chừng bỏ dở.
  • Năm 1934, cùng người chị ruột tên Ngọc Sương vào Phan Thiết học thêm và mở trường dạy học tư. Năm 1936, chị Ngọc sương bị mật thám Pháp bắt, trường đóng cửa, Bích Khê trở lại quê nhà.
  • Năm 1937, bị bệnh phổi, sau khi điều trị trở về lên sống trên núi Thiên Ấn thuộc Quảng Ngãi, ông lại ngược xuôi trên một chiếc thuyền quanh các ngả Sa Kỳ – Trà Khúc.
  • Năm 1938, ông lại cùng chị Ngọc Sương (khi ấy đã được thả) vào Phan Thiết mở trường dạy học, được vài năm lại bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.
  • Năm 1941, Bích Khê dạy học ở Huế. Năm 1942, bệnh phổi của ông bị từ năm 1937 tái phát và ngày càng nặng. Ông trở về Thu Xà sống những năm tháng cuối cùng, vẫn không ngừng sáng tác thơ văn.
  • Các năm sau đó Bích Khê và gia đình đánh vật với cơn bệnh quái ác, nhưng đành chịu thất bại. Bích Khê đã lặng lẽ ra đi vào ngày 17/01/1946, lúc mới tròn 30 xuân! Ông mất sau khi được chứng kiến sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại.

Gợi ý thêm về ❤️️Thơ Trịnh Công Sơn ❤️️ Đầy đủ nhất

Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Bích Khê

Khái quát về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Bích Khê:

  • Bích Khê bước vào làng thơ rất sớm, khi còn ở tuổi thiếu niên. Từ những năm 1931 – 1932, ông đã có thơ đăng ở báo “Tiếng dân”.
  • Cuối năm 1936, nhiều bài được sáng tác theo các lối Đường luật, từ khúc và hát nói của ông đều đặn xuất hiện trên mặt báo này, và đăng ở một số báo khác như “Phụ nữ Tân Văn”, “tuần báo Đông Tây” dưới các bút danh Lê Mộng Thu, Bích Khê. “Thơ cũ” của Bích Khê nằm trong xu hướng văn chương “ưu thời mẫn thế” hồi mấy thập kỷ đầu thế kỷ 20.
  • Từ năm 1936, Bích Khê hòa mình vào phong trào Thơ Mới. Điều đó không có gì là lạ trong xu thế đổi mới tất yếu của thơ ca Việt Nam đương thời. 
  • Có thể khái quát tiến trình thơ của Bích Khê như sau: “Tinh Huyết” là phủ định của “thơ cũ”, và “Tinh Hoa” là phủ định của “Tinh Huyết” vậy!
    • Tinh Huyết (1939): tác phẩm duy nhất ra đời khi ông còn sống và rất được người yêu thơ chú ý.
    • Bốn tập thơ và một tập tự truyện chưa xuất bản, gồm:
      • Tinh Hoa (sáng tác từ 1938 đến 1944)
      • Đẹp (1939)
      • Ngũ hàng sơn; Dòng thơ cũ (1931-1936)
      • Một tập tự truyện cũng chưa xuất bản, lấy tên Lột truồng

Phong Cách Sáng Tác Của Bích Khê

Phong cách sáng tác của nhà thơ Bích Khê là gì? Cùng theo dõi ngay chia sẻ sau đây nhé!

  • Bích Khê là một đại diện của “trường thơ loạn”, phong cách thơ của ông có khá nhiều điểm tương đồng với Hàn Mặc Tử thời kỳ từ Thơ điên về sau.
  • Từ thơ Đường luật theo lối cũ (khoảng 100 bài tập hợp thành tập Mấy vần thơ cũ), Bích Khê đã dẫn thơ đi khá nhanh sang địa hạt tượng trưng, huyền diệu và phần nào nhuốm màu trụy lạc. 
  • Thế giới thơ Bích Khê được tạo nên bằng con mắt giàu mộng mơ, bằng các ảo giác, nên thường đậm màu sắc chiêm bao, vừa thực vừa hư. Trong thơ của ông, mọi vật đều có sắc màu, đều mang hương vị và thi sĩ diễn tả tài tình sự biến đổi, chuyển hóa của các yếu tố này.

=>Nhìn chung, thơ Bích Khê vào loại khó hiểu. Nhiều bài thơ của ông đượm chất nhục cảm. Song bên cạnh đó, ông cũng có không ít bài thơ giàu chất nhạc, chất họa mà trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh đánh giá “Hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”.

Đón đọc thêm🍃 Thơ Nông Quốc Chấn 🍃Tuyển tập thơ hay nhất

Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Thi Sĩ Bích Khê

Tuyển tập các tác phẩm của thi sĩ Bích Khê mà bạn không nên bỏ qua. Cùng khám phá ngay sau đây nhé!

*Tinh huyết (1939)

+Nhạc và lệ

  • Mộng cầm ca
  • Tỳ bà
  • Ảnh ấy
  • Nhạc
  • Tân hôn
  • Thi vị
  • Hiện hình
  • Cơn mê
  • Hoàng hoa
  • Cuối thu
  • Nghê thường

+Đẹp và dâm

  • Tranh loã thể
  • Mộng
  • Sắc đẹp
  • Mơ tiên
  • Bàn chân
  • Cùng một cô đào hát bộ
  • Quả măng cụt
  • Người say rượu

+Cuồng và ánh sáng

  • Ăn mày
  • Sọ người
  • Sầu lãng tử
  • Đồ mi hoa
  • Cặp mắt
  • Nàng bước tới
  • Phương Thảo
  • Mộng lạ
  • Thơ bay
  • Cô gái ngây thơ
  • Một cõi trời
  • Trái tim

+Châu

  • Châu I
  • Châu II
  • Châu III

+Những bài thơ khác

  • Xuân tượng trưng
  • Duy tân
  • Hồ Xuân Hương
  • Hàn Mạc Tử
  • Huế đa tình
  • Làng em
  • Nấm mộ

*Một số tác phẩm khác

  • Bán sầu
  • Bán thơ
  • Cảm hứng
  • Chùa Ông Thu Xà
  • Cùng người trong sách Tương Hội
  • Dặm mòn
  • Dưới trăng ngồi gảy đàn
  • Đăng lâm
  • Đây bản đàn thơ
  • Đèo Hải Vân bài 1
  • Đèo Hải Vân bài 2
  • Đề ảnh
  • Đêm xuân đến thôn Vĩ Dạ nghe đàn sáo
  • Giọt lệ trích tiên
  • Giữa cây đào
  • Gõ bồn
  • Gửi Liên Tâm
  • Hai tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn
  • Hoàng Hạc lâu
  • Không phải lúc
  • Lên Kim tinh
  • Lời tuyệt mệnh
  • Lý Thường Kiệt
  • Mộng trong hương
  • Mỹ tửu ca
  • Nam hành
  • Nghe chuông
  • Ngón giai nhân
  • Ngũ Hành Sơn
  • Ngũ Hành Sơn (hậu)
  • Ngũ Hành Sơn (tiền)
  • Nhặt hoa
  • Quán khách xuân về
  • Tấm bia trước mộ
  • Tiếng ca
  • Tiếng đàn mưa
  • Tinh chất ngàn xuân
  • Tình oán
  • Tình xuân
  • Tóc xoã đàn tơ
  • Tôi chết rồi tiếng nói như châu
  • Trăng sáng bến đò xưa
  • Trên núi Ấn nhìn sông Trà
  • Về Thu Xà cảm tác
  • Xuân hồng

Chia sẻ chi tiết về 🌿Thơ Thích Nhất Hạnh 🌿 Những Bài Kệ Nổi Tiếng Nhất

15 Bài Thơ Hay Nhất Của Bích Khê

Thưởng thức ngay chùm 15 bài thơ hay nhất của Bích Khê dưới đây để có thêm nhiều góc nhìn về phong cách thơ của ông nhé!

Tỳ Bà

Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Cây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Tôi qua tìm nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.

Tranh Loã Thể

Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,
Ô tiên nương! nàng lại ngự nơi nầy?

Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Ðến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một toà hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si…
Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu ly,
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả,
Cho tôi nàng! cho tôi nàng! tất cả.
Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao
Cho đê mê, chới với, hồn lên cao,
Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ.

Tiên nương hỡi! nàng sống trên thế hệ,
Bóng thời gian phải quỵ dưới chân nàng
Xuân muôn đời di dưỡng giữa vùng tang!
Gương phép tắc suốt soi ngàn mộng ảnh!
Cớ làm sao nâng niu bầu giá lạnh,
Ấp tranh người, lơ đãng ngắm thi nhân?
Hay nàng nhớ nhung các phượng đền lân?
Hay nàng ước mơ tình trong trắng ngọc?
Ôi! nàng ôi! Làm sao nàng chẳng khóc
Người thi nhân, vẻ đẹp của khiêu dâm
Trăng thanh tịnh còn lóng trong thơ câm,
Nhạc vô minh hằng sôi trên nét chữ?
Ôi! Nàng ôi! thốt lên, lời ngọc nữ,
Lời trân châu rúng cả phiếm lòng tôi…

Ngọc Kiều! Ngọc Kiều! Ðến cặp song đôi
Cho tôi đọ vẽ hương trời sắc nước,
Vẽ huyền diệu ứ men say lướt mướt,
Vẽ yêu tinh dồn giận thấu vô gan,
Ta thiếp đi – trong một phút mê loàn
Xuống muôn đợt rồi bay lên tột bực…

Sắc Đẹp

Mộng rất xanh, mộng rất xanh, rất xanh…
Choáng thời gian vây môn đầu thục nữ.
Hồn đê mê, trong khi lòng giận dữ,
Và tạo ra một thứ sáng hào quang:
Những mặt trời, nhan sắc đẹp như trăng
Và sắc lẻm như thanh gươm vấy máu;
Những đôi mắt, kho tàng muôn châu báu,
Có những hàng đũa ngọc gắp hương yêu;
Những môi son phản ánh một trời chiều,
Một trời chiều mà muôn hoa nín thở
Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ,
Với đôi dòng suối sửa trắng như tinh:
Ôi rất thanh! Rất thanh là rất thanh!
Ngát thinh khí vì thơm tho như xạ,
Và rùng rợn như một điểm quái lạ.
Hồn ngươi nặng bị riềng khoan sắt đỏ,
Hễ chiêm bao là thấy chuyện đau thương.
Hồn ngươi mê như sắc đẹp trên giường.

Giọt Lệ Trích Tiên

Sông dài chảy tận về đâu?
Non xanh xanh mãi bên sầu thế nhân!
Lòng này gởi Hán Vân có được
Xin gởi về non Ngọc, đài Dao
Bụi hồng cách với hoa đào,
Bụi hồng cách mấy hoa đào nẻo xưa!
Nước lạnh lùng sông đưa lá thắm,
Cuốn nỗi lòng thăm thẳm nào chăng?
Non còn mải ngó vừng trăng,
Bàn câu nhân sự sau bằng mộng mơ
Vắng tiên hạc bơ vơ dưới thế,
Gảy tiên cầm điệu lẻ trong sương;
Sông Ngân cách mấy sông Tương
Sông Ngân cách với sông Tương mấy trời!
Chưa xong một tiếng cười Bao Tự
Hẹn ngày về mấy độ chiêm bao
Gió hương đưa lại đồng sao
Trâu bày ăn tại đồng cao xanh rì
Lại đưa đến Diêu Trì thuở trước
Hội Bàn Đào chén ngọc rời tay
Ao xuân lồng bóng mây bay
Rèm châu tuyết phủ mây bay nửa lầu.

Sông dài những tương tư trời rộng
Non xanh còn đứng mộng vừng trăng.

Nhạc

Ô! nắng vàng thơm… rung rinh điệu ngọc,
Những cánh hồng đơm, – những cánh hồng đơm
Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương;
Màu trăng không gian như gờn gợn sóng.
Từ ở phương mô nhạn mang thơ về,
Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu.
Đây giây trinh bạch khóc mướt trong mơ;
Đây hồn ngọc thạch xanh sao như tờ?
Ô cõi lầu mây ánh gì kim cương,
Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường.
Thơ bay! Thơ bay vô bàn tay ngà,
Thơ ngà ngà say! Thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! Đừng động… có nhạc trong giây,
Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây;
Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,
Ô nàng tiên nương! – Hớp nhạc đầy hương.

Mộng

Ồ! Mộng đêm thu, mây vút xa,
Say sưa lộ sắc cạnh đào hoa:
A ta! Lý Bạch! Hồn ba lệ!
Rượu nốc vào: rung khúc đập ca…

Mộng trắng phau phau vót cung nga:
Xuân Hương! Người ngọc, máu say ngà!
Nhấn dây tơ loạn, – buồn lơi lả
Dường phất hương trăng nẩy điệu ra…

Muôn dặm sông Ngân, con mộng lớn,
Ô! là đài điện ánh trân châu…
Có người thi sĩ nhặt hoa rụng.
Những cánh đau thương sắp mặt lầu!


Cỏ thơm lay nguyệt thu như mướt
Đùa mộng mơ bên suối ngọc tuyền;
Trên bờ ai chết khô ra xác?
Đây Ngọc Kiều đây! Trinh tiết nguyên.

Hồ Xuân Hương

Canh sương quán lạnh nguyệt tà song
Bên gối hương lan đến ấp lòng.
Người vợ trong thơ gần cách mộng
Đêm nay chẳng biết có về không?

Văn chương quán thế không ai biết
Trong mộng mình về thưởng với tôi
Xanh liễu ngoài song thay đổi lá
Đã ghen tài sắc mấy đêm rồi?

Đêm nay nửa gối nghiêng nghiêng mộng
Muôn dặm người xa đã thấy về
Xanh liễu ngoài song vừa đổi biếc
Màu thi sắc lá đọ dung nghi.

Cô Gái Ngây Thơ

Sóng thu ba vừa dâng lên khoé mắt,
Ôi thôi rồi! Chết sững cả con ngươi…
Màn hoa trăng trang điểm cặp môi cười
Thêm ý nhị như ân tình háo hức;
Mùa nhạc gẫm nao nao trong lòng ngực;
Đôi tuyết lê ấp úng bởi e dè;
Xuân dậy thì đương độ khởi đê mê.
Ô cặp má đồng tiền ngây thơ lạ!
Hương da thịt có thơm hơn chất xạ.
Đây đàn thơ, ai sáng kiến cho ra?
Đây đàn thơ từ điệu, sắp ngân nga
Cho vàng ngọc của hồn va sảng sốt…
Hồn tôi rúng đến muôn giây thần cốt,
Phép làm sao! Như chân lí ra đời;
Như nơi đây linh diệu của muôn trời
Vừa hớn hở qui hàng bên Sắc Đẹp.
Chao ôi trời! Làm sao nàng cảm biết
Nàng ở đây hay nàng bước qua đây
Cả anh hoa là sắc tướng thơ ngây
Chưa run chạm những tơ hồng ảo não?
Men vật chất sặc lên mùi cám dỗ
Hồn nàng sao khỏi lạc giữa yên ba?
Chao ôi trời! Thế giới ánh bao la
Màu truỵ lạc vờn trong không khí mộ!

Người nghệ sĩ lòng buồn hơn cổ độ
Khóc ngây thơ, mà tóc bạc không hay…
Lòng chết đi, nhưng màu vẫn cuồng say
Nhịp cung cầm cho vang lên tiếng nhạc
Cho ngất lịm những nguồn thơm khoái lạc
Đương tượng hình một trinh nữ trong mơ…
Đây du dương vừa ngợp cả trăng sao
Hồn bay qua muôn luồng không khí nhẹ
No ứ quá, nhưng không thôi quạnh quẽ
Không thôi trào máu lệ giữa con ngươi.

Bàn Chân

Nàng! Hở nàng hãy cắn vào hồn ta.
Hồn nguyệt bạch ran lên chiều háo hức!
Tôi uống trọn cặp môi hường thơm phức.

Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!
… Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!
Mát làm sao! Mát rợn cả châu thân
Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực
Ôi! Thớ thịt có đàn lên cung bực

Hồn tôi ôm gót ngọc lắng âm thanh…

Mỹ Tửu Ca

Trăm năm vui được mấy hồi,
Rượu ngon còn đó còn mời vương tôn.
Ngựa hồng nghỉ dặm quan sơn,
Thuyền bơi: sen động, khe đờn, trăng lên.
Chén này khách hãy cạn liền,
Ngó đôi mắt ngọc thì quên bụi hồng!
Tóc mây chảy suối hương nồng,
Em là Ngọc Nữ, Kim Đồng là ai?
Chén rồi lại chén nữa đây,
Núi không, đêm tịnh, nhỡ say chớ sầu!
Xuân thơm tuy hết mặc dầu,
Rượu ngon còn mãi khách lưu lại cùng.

Gõ Bồn

Liêu trai trở lại, lánh vòng trần
Ma Phật mơ hồ mộng với thân!
Mặt ngọc bên trời tàn bóng nguyệt
Mình ta trước cửa thưởng hoa xuân
Gõ bồn chẳng thấy ai tao khách
Cách núi khôn tìm bóng cố nhân
Một tiếng trên không trong ác lặn
Hạc kêu bay lẫn đám phù vân.

Quả Măng Cụt

Chất ngọt thơm da vào giữa mắt
A ha! Mùi sữa mớm vô răng…

Ôi khồi tình! Khối mộng!
Lộ sắc tưởng mùa thu,
Màu da huyền lên nước;
Sóng mặt nổi vân nu.

Môi ai làm hoa nở
Mời mọc khách qua đường!
Ôi bàn tay rạng mở
Cả một bầu thanh hương!

Múi trắng sao như ngọc!
Múi mát tợ thịt thơm!
Môi hoa ai mời mọc –
Ngọt lịm đến linh hồn.

Những hòn răng anh ánh
(Đây không phải hòn trăng!)
Hiện ra sau múi ngọc
Cười vỡ cả không gian!

Ăn Mày

Thì ăn mày! Thì ăn mày! Ăn mày…
Hồn ta đau quá là ta ngửa tay
Lạy tứ hướng xin khắp và thiên hạ:
Nắng có nhạc chớp đầy hơi hương lạ
Nấc âm thanh chết lịm giữa triền miên
Gió mang thư bay cho đến cung thềm
Thổi chữ gấm bằng khí điên cuồng vọng;
Và trăng bỗng ngây khờ đến nổi sóng
Xuống không gian như bể sóng kim cương;
Cho ta xin trong một tối du dương
Muôn thớ đàn run trên da thịt tuyết.
Đàn và thơ kết thành dây tinh huyết
Có nguồn thương trào vọt miếng phong cầm:
Cho ta xin ý điệu của tình câm.
Là giãi hết bi huyền nương bóng tối…
Hay trộ cười trên làn môi hấp hối;
Còn đây! Còn đây! Tiếng rượu hú ma
Tứ thuốc phiện thu nhập khí mồ: hoa;
Ừ, Tội chi ta không vào địa ngục
Đặng xin nốt ngọc oan ương thề thốt,
Giam chung thân mà sáng quá thiên đường;
Đặng ngủ nhờ một đêm với Xuân Hương…
Baudelaire! Người và Vua Thi Sĩ!
Cho xin trụm bao nhiêu mùi thi vị,
Phà hơi lên, truyền nhiễm thấu trần ai…

Mộng Cầm Ca

Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
Nhựa đương lên: sức mạnh của lòng thương;
Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa;
Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương;
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
– Hồn dạ hương phơ phất ở trong sương.

Không gian tơ – không gian tơ gợn sóng;
Âm thanh gì sắp sửa… Ngọc Kiều ơi!
Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng?
Hay buồn đêm rào rạt, – ứ muôn nơi?
Không gian tơ – không gian tơ gợn sóng;
Ngọc Kiều ơi! – Hồn đến bến xa khơi!…

Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,
Ngọc Kiều ơi! – này khúc Lạc Mai Hoa.
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:
Ta đê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà;
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Còn đây em, nầy khúc Mộng Cầm Ca.

Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?
Đâu hang báu cho người ta phải khóc?
– Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm!
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
– Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm!

Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng.
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ…

Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
Ô vung lên… cắt mạch nguyệt vàng xanh!
Xẻ mạch trời, – mây xô sao, răng rắc!
Phăng mạch đêm, – hương vỡ, ứa ngầm tinh!
Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
– Ta điên rồ… múa giữa áng bình minh.

Bán Sầu

Sầu đâu sầu lạ lùng
Sầu theo lẽo đẽo ngàn trùng cũng theo

Bán sầu chi đó tệ
Xưa đã từng có kẻ bán hoàng thiên
Người bán trời không chứng mới là phiền
Còn tôi bán hàng sầu tiền chẳng lấy
Sầu nhấm ma men men khó tẩy
Sầu mời thần ngủ ngủ không ngon
Này sầu hoa sầu cỏ sầu núi non
Sầu tất cả bà con say tỉnh dở
Chưa nói đến tớ sầu vì tớ
Bôn ba mà vỡ lỡ nét tang thương
Ma dắt lối quỷ đưa đường
Sầu đây đó sầu vương chằng chịt mãi
Tôi muốn bán hàng sầu không vốn lãi
Khoẻ tinh thần hầu tính lại cuộc trăm năm
Để sầu, thêm rối ruột tằm

Giới thiệu thêm cho bạn về 🔰Thơ Chế Lan Viên 🔰Tác giả, tác phẩm

Viết một bình luận