Thơ Giang Nam: Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay Nhất

Thơ Giang Nam ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay Nhất ✅ Cùng Tham Khảo Các Thông Tin Về Cuộc Đời, Sự Nghiệp, Phong Cách Sáng Tác Của Nhà Thơ.

Tiểu Sử Cuộc Đời Tác Giả Giang Nam

Giang Nam là một nhà thơ Việt Nam, được biết nhiều qua tác phẩm nổi tiếng “Quê hương”. Ngay sau đây, hãy cùng Thohay.vn tìm hiểu thêm về tiểu sử cuộc đời tác giả Giang Nam để hiểu thêm về nhà thơ này nhé!

  • Giang Nam (2 tháng 2 năm 1929 – 23 tháng 1 năm 2023), tên thật là Nguyễn Sung, quê quán xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông sinh trong một gia đình Nho học.
  • Ngoài bút danh Giang Nam, trước đây ông còn dùng các bút danh khác như: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh khi viết trên các báo chí công khai dưới chế độ Sài Gòn thời gian từ năm 1955 đến năm 1959.
  • Trước Cách mạng tháng Tám (1945), dưới thời Pháp thuộc, sau khi học xong bậc Tiểu học tại huyện nhà, ông ra học tại trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ bằng Thành chung (1945).
  • Tháng 8/1945, Giang Nam bắt đầu tham gia Việt Minh. Ông làm công tác thông tin tuyên truyền ở xã rồi lên tỉnh rồi Phó trưởng ty Thông tin Khánh Hòa.
  • Sau 1954 ông hoạt động ở miền Nam, làm Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, ủy viên tiểu ban văn nghệ Trung ương cục, trưởng ngành văn. Có thời gian làm Trưởng tiểu ban văn nghệ, ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định.
  • Từ 1975, từng làm đại biểu Quốc hội khóa VI, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III. Tổng biên tập báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú khánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
  • Ông mất vào 5h sáng ngày 23 tháng 1 năm 2023 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa do tuổi cao.

Đón đọc thêm về 🌿Thơ Tế Hanh 🌿Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay Nhất

Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Giang Nam

Tổng quan về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Giang Nam:

  • Giang Nam bắt đầu sáng tác từ những ngày kháng chiến chống Pháp đang diễn ra gay gắt và khốc liệt tại quê nhà.
  • Làm thơ từ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng phải đến những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Giang Nam mới thực sự chiếm được sự hâm mộ của đông đảo bạn đọc trong cả nước bởi những tác phẩm nồng nàn tình yêu quê hương và chan chứa một niềm tin vào ngày mai chiến thắng.
  • Những sáng tác thơ và truyện ngắn của Giang Nam viết từ chiến trường miền Nam đã vượt qua bao nhiêu là khó khăn trở ngại để đến với công chúng độc giả trên đất Bắc, in ở báo Thống nhất, và nhà thơ cũng không ngờ rằng những sáng tác này sau đó không lâu được trao giải thưởng. 
  • Tác phẩm thơ : Tháng Tám ngày mai (1962), Quê hương (1965), Người anh hùng Đồng Tháp (1969), Vầng sáng phía chân trời (19715), Hạnh phúc từ nay (1978), Thành phố chưa dừng chân (1985).
  • Văn xuôi : Vở kịch cô giáo (tập truyện ngắn – 1962), Người giồng tre (tập truyện ký – 1969); Trên tuyến lửa (truyện ký – 1984); Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ký – 1987).
  • Bên cạnh hình ảnh người phụ nữ, nhà thơ cũng đã thể hiện khá thành công và xúc động trong nhiều tác phẩm của mình tình cảm Bắc Nam ruột thịt, nỗi đau chia cắt hai miền, lòng tin vào Bác Hồ, vào miền Bắc vào ngày mai thống nhất (Nghe em vào đại học, Gởi hậu phương, Con viết bài thơ dâng Bác, Tháng Tám: ngày mai…). 

Giải thưởng:

  • Giải 3 về truyện ngắn của Báo Thống nhất (1959), truyện Những người thợ đá.
  • Giải nhì về thơ 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ (1961), bài Quê hương.
  • Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu về Văn học Nghệ thuật của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam4, giải chính thức về thơ (1965) cho tập thơ Quê hương.
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (2001) cho 3 tập thơ: Quê hương, Hạnh phúc từ nay, Thành phố chưa dừng chân.
  • Các giải thưởng về Văn học Nghệ thuật của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà:
    • Giải thưởng 25 năm (1975-2000) về các tác phẩm và công lao đóng góp cho Văn học Nghệ thuật của tỉnh.
    • Giải thưởng năm 2002 cho trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết, giải B.
    • Giải thưởng 5 năm (2001-2005) cho 2 tác phẩm Sống và viết ở chiến trường, Sông Dinh mùa trăng khuyết, giải B.

Phong Cách Sáng Tác Của Giang Nam

Khái quát các nội dung chính trong phong cách sáng tác của nhà thơ Giang Nam.

  • Cả cuộc đời ông gắn bó và thủy chung tận cùng cho cách mạng, cho kháng chiến. Vì thế, các tác phẩm của Giang Nam mang tính chiến đấu và thể hiện lòng yêu nước sâu sắc. Chính thực tiễn sôi động của cách mạng miền Nam là nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác của Giang Nam.
  • Viết từ trong máu lửa của cuộc kháng chiến nên các tác phẩm của Giang Nam thường lấy cảm hứng từ những con người và sự việc có thật trong cuộc chiến đấu chống Mỹ. Nổi bật lên trong các tác phẩm của ông là hình ảnh người phụ nữ miền Nam chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng luôn một lòng bất khuất, kiên trung.
  • Từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay, cảm hứng chủ đạo trong thơ và trường ca của Giang Nam, một mặt tiếp tục tái hiện lại cuộc kháng chiến gian khổ mà thần thánh, với những thắng lợi vẻ vang mà chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, nước nhà thống nhất, độc lập là đỉnh điểm; mặt khác, ông còn chiêm nghiệm về quá khứ, ngợi ca hiện tại với cuộc sống mới, nhất là công cuộc đổi mới hiện nay. 
  • Bút pháp thơ Giang Nam vừa hiện thực vừa lãng mạn cách mạng; kết hợp trữ tình với tự sự, một số bài có chất trí tuệ, chính luận. Dù vậy, thơ ông vẫn là tiếng nói trữ tình đằm thắm, bình dị, có bài kết hợp trữ tình với tự sự, có bài có pha chất trí tuệ, nhưng mạch cảm xúc tình cảm vẫn là mạch chủ đạo trong thơ ông.
  • Lời thơ Giang Nam thường chân thành, giản dị, mộc mạc y như cuộc sống vốn có của nó để biểu đạt tình cảm chân thật đến thật thà.

Đừng nên bỏ lỡ 🌿Thơ Hoàng Tố Nguyên 🌿 Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ

Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Nhà Thơ Giang Nam

Tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Giang Nam, bạn đọc có thể tham khảo ngay sau đây.

Tuyển Tập Thơ

*Tháng Tám ngày mai (1962)

  • Bức thư miền Nam
  • Trước tờ giấy trắng
  • Lá thư thành phố
  • Cả miền Nam sẽ chuyển thư em
  • Bài thơ tháng tám
  • Ba sẽ không buồn, không khóc
  • Con viết bài thơ dâng Bác
  • Món quà bé nhỏ
  • Tiếng xa quay
  • Tiếng nói Việt Nam
  • Qua xóm cũ
  • Quê hương
  • Thức giữa mùa xuân
  • Mở đường
  • Bài thơ gởi bạn
  • Con vẫn sống
  • Nghe em vào đại học
  • Trước giờ chiến đấu

*Ánh chớp đêm giao thừa (1998)

  • Khúc mở đầu
  • Người con gái Sài Gòn
  • Tiếng gọi mùa xuân
  • Trước giờ xuất kích

*Một số tác phẩm khác

  • Chùm tứ tuyệt cho em
  • Em hãy về với biển đảo quê hương
  • Huyện đảo quê hương
  • Khai bút đầu xuân
  • Con về quê Bác
  • Miền Nam có Bác
  • Mùa xuân lên với bạn
  • Mùa xuân thăm chùa
  • Mười năm
  • Nghe Bác đọc tuyên ngôn
  • Nhớ một mùa xuân
  • Quy Nhơn, ngày anh về
  • Thành phố đợi anh về
  • Thăm Vạn Lý Trường Thành cảm tác
  • Thành phố chưa dừng chân
  • Thời gian
  • Tìm lại Sóc Bom Bo
  • Vào hè
  • Người anh hùng Đồng Tháp
  • Về đi em mùa xuân
  • Đến Côn Minh tìm dấu chân của Bác
  • Đọc thư Bác
  • Vầng sáng phía chân trời
  • Nghe thơ Bác ở Phan Thiết
  • Lắng nghe thời gian
  • Hạnh phúc từ nay
  • Bốn mươi năm vẫn có Bác bên mình
  • Một thời để nhớ
  • Mùa xuân trên bến Nhà Rồng
  • Thăm trường xưa Bác dạy
  • Mầu nhiệm
  • Bác còn sống mãi
  • Nơi Người đã sống
  • Về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ
  • Vô duyên
  • Đất nước còn mang hình bóng Bác
  • Sông Dinh mùa trăng khuyết (trường ca)
  • Người đi mở đất (trường ca chưa in)

Truyện

  • Vở kịch cô giáo (truyện ngắn, 1962)
  • Người Giồng Tre (truyện ngắn và ký, 1969)
  • Trên tuyến lửa (truyện ngắn và ký, 1984)
  • Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ngắn và ký, 1987)
  • Tôi đã học văn theo kiểu của mình (hồi ký, 1995)
  • Sống và viết ở chiến trường (hồi ký văn học, 2004)

Tìm hiểu thông tin về 🌷Thơ Đỗ Trọng Khơi 🌷 Tác Giả, Tác Phẩm

15 Bài Thơ Hay Nhất Của Giang Nam

Sưu tầm 15 bài thơ hay nhất của Giang Nam không nên bỏ lỡ.

Quê Hương

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích…

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại…
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…

Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa…
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi

Nghe Em Vào Đại Học

Nghe em vào đại học
Nửa tin nửa ngờ, tên lại trùng tên…
Hôm nay nhận được thư em
Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng
Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng
Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em
Ngọt gió quê hương, sông rạch dịu hiền…
Miền Nam, em ơi còn nhớ
Kháng chiến năm nào gian khổ
Đồn giặc bủa vây, thôn xóm điêu tàn
Trường, giặc đốt rồi, còn lại ánh trăng
Giữa hai trận càn, anh dạy em học chữ
Mẩu than đen vẽ lên tường gạch đỏ
Những lá cờ sao bên những vòng tròn
Đầu nghiêng nghiêng theo nét chữ run run…
Có những buổi học em học bài không thuộc
Anh không mắng nhưng em buồn em khóc!
Thương em, anh cố dỗ dành:
“Ráng học sau này cho được bằng anh
Để chép bài ca, đọc thông tin tức!”
Ôi! mơ ước tầm thường, đơn giản nhất
Sao ngày xưa vẫn quá lớn, em ơi!

“Bài ca” hôm nay em chép được rồi
Không phải bài “Đoàn quân đi…” thuở trước
Anh chưa bước chân vào trường đại học
Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên
Chưa biết vì sao ngày tối tiếp liền
Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng…
Giặc dành cho ta nhà tù, bom đạn
Bảy năm rồi trong máu lửa đấu tranh
Thầy giáo dạy em năm trước học vần
Vẫn chưa vượt quá chương trình cấp một!
Vẫn chật vật với những bài số học!
Thư viết cho em phải xóa sửa mấy lần!
Anh không buồn vì anh biết em anh
Đang ngồi thay anh dưới mái trường đại học

Mai ngày nước nhà thống nhất
Em lại về dạy chữ cho anh
Không phải bằng than vẽ, gạch thềm đình!
Không phải phập phồng giữa vòng đai giặc…
Em sẽ bảo anh: “Cố lên, gắng học!…”
Anh sẽ mỉm cười nhớ những đêm trăng…
Chế độ cho em đôi cánh chim bằng
Và vinh dự được làm người đi trước!

Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt
Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam…
Câu chuyện mở đầu: “Thuở ấy, ở quê hương
Anh chỉ học có một trường: Cách mạng…”

Tiếng Nói Việt Nam

Gửi đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam

Lời Tổ quốc êm êm như tiếng má
Bên vành nôi ru giấc ngủ con thơ
Tôi nghe giọng miền Nam thương mến lạ
Tha thiết như quen thuộc tự bao giờ!

“Đây tiếng nói Việt Nam! Đây Hà Nội”
Xa muôn trùng vẫn thầm thĩ bên tai!
Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối
Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người

Như vú mẹ không cạn nguồn sữa quý
Như dòng sông vô tận chẳng ngừng trôi
Gói trọn tâm tình trên đôi cánh nhẹ
Làn sóng đi mang nắng khắp phương trời!

Từng đoạn, từng lời, từng câu, từng chữ
Từng tiếng đọc sai, từng lỗi nhỏ thông thường
Sao vẫn ấm, ngọt ngào như hơi thở
Đẹp như lòng chung thuỷ của người thương!

Tiếng chị phát thanh viên dịu dàng, trong sáng
Báo tin mừng: một nhà máy lắp xong
Tôi tưởng thấy ngày mai vui chiến thắng
Ống khói hoà bình vươn trên nước Cửu Long!

Ôi! những buổi quân thù về càn quét
Quê hương ta – Chị đang nói bỗng dừng
Chị đã đọc bản tin nhoà trong nước mắt
Hàng triệu người nghe chị cũng rưng rưng…

Xe tăng Mỹ nghiến trên đường phố
Và những lời ca cuồng loạn dâm ô
Không ngăn được – bàn tay nào ngăn nổi
Tiếng nói Đảng ta, tiếng nói của Bác Hồ!

Khúc hát Điện Biên vẫn ấm từng khe cửa
Phá vành đai, xuyên giới tuyến, tháp canh!
Sài Gòn thức đêm đêm theo Hà Nội
Nghe tin thủ đô đập giữa tim mình!

Mười Năm

Mười năm ta lại gặp ta
Đêm về giành lại quê xa đợi người
Vui sao nghe tiếng em cười
Mảnh trăng đồng chí giữa trời sáng trưng
Con đường sỏi đỏ qua rừng
Bông cơm nếp nở thơm lừng áo anh

Đoàn quân đầu bịt khăn rằn
Súng dài chấm đất mắt quầng tay chai
Nhớ đâu dồn lại một ngày
Đồng bò máu chị dải đầy đường chuông
Em nghe biển gọi đêm buồn
Muốn hôn song cả tâm hồn chị yêu

Nhanh lên đồng chí quê nghèo chờ ta
Biết mấy trăm chiều chờ ta
Ta về từ chiến khu xa
Với mẹ nổi lửa, với cha thiêu đồn
Chắc trên hòn giữ đá bàn
Nổi mã la uống rượu cần càng say
Bắp rang còn âm bàn tay
Nuôi ta như bát nước đầy ngày xưa

Mười năm ta lại gặp ta
Vui xa ngày hội làng xa xóm gần
Đất vui giành được mùa xuân
Chị ơi! Biển vẫn thét gầm mà vui

Người đi rực rỡ bên người
Trồng trên bãi bắn hoa cười cho ai
Nghe còn sáo mở luống cầy
Nghe dòng sông động những ngày chợ phiên
Cờ bay trên ngọn sầu riêng
Cô du kích nhỏ đứng lên thật rồi

Hỡi người anh áo mòn vai
Đắng cay đã lắm ngọt bùi chưa quen
Nghĩ gì mà bỗng lặng im
Mắt rưng ngước nhìn lên Bác Hồ

Mươì năm ta lại gặp ta
Mười năm đất dạy bài ca anh hùng
Mười năm đặt chân bàn chông
Mười năm giữ những dòng sông ngọt lành
Sài Gòn đây của các anh
Ôi mùa xuân ấy ngỡ mình chiêm bao
Chưa về đá bạc cù lao
Chị ơi! Biển vẫn thét gào trong em
Từng đêm xuất kích từng đêm
Đánh giặc Mỹ bằng trái tim quê mình

Em qua vàm cỏ sóng sanh
Đạp lên miểng pháo vượt vành đai xa
Càng vui đất rộng bao la
Nhớ đêm trăng sáng cùng ta xuống đường
Mười năm hạt đã thành rừng
Cuộc hành quân vẫn chưa dừng còn đi

Trước Giờ Chiến Đấu

Một đêm nữa rồi mai ra chiến đấu
Sao lòng anh bỗng hồi hộp trăm chiều
Nằm bên em, nghe hơi thở đều đều
Cả thôn xóm đang âm thầm chuẩn bị…

Dưới mái lều xiêu, bếp còn âm ỉ
Cơm nắm rồi, cất kỹ vẫn còn lo!
Hai đứa gối chung một mảnh sao cờ
Mát dịu, thơm thơm như mùi áo mới

Gà gáy rồi sao mà trời vẫn tối
Muốn gọi em, bỗng dừng lại, tần ngần
Thương em nhiều, con mọn nách bên lưng
Tù tội, khảo tra, vẫn theo cách mạng!

Ngủ đi em! ngày mai khi trời sáng
Ta sẽ xông lên: chiến đấu mới bắt đầu
Chúng nó: súng, lê, máy chém, nhà tù
Không ngăn nổi bàn chân ta bước tới

Ngủ đi em! ngày mai bước vào trận mới
Cùng bà con, hãy xẻ khổ chia đau!
Hãy ôm ghì, hãy níu chặt lấy nhau
Đừng để kẻ thù dập vùi, chia cắt!

Mẹ có ngã dưới làn roi độc ác
Em hãy lăn vào đỡ mẹ đứng lên!
Con của chúng ta dù khát sữa cổ khan
Đã có bên em trăm bầu sữa mẹ!

Ta sẽ thắng vì sức ta trời bể
Bịt họng ca-nông, chặn đứng xe thù!
Chiến thắng về, anh sẽ bế con thơ
Hát cho em nghe như buổi đầu mới gặp

Em thức giấc rồi… cứ ngủ nữa đi em
Đã có anh canh chừng giờ chiến đấu

Thành Phố Đợi Anh Về

Gởi người em gái Sài Gòn)

Giữa Sài Gòn tìm bạn
Khó hơn lên cung trăng
Cửa khóa kỹ, có thể nào vào được!
Bạn đang ở nơi nào
Tây Nguyên hay rừng đước
Theo câu dân ca không hẹn ngày về.

Nhớ bạn nhiều, đành gói kỹ tập thơ
Ném qua cửa, lạy trời đừng mưa ướt
Cái số chúng mình suốt đời cực nhọc
Nhớ đêm lạc rừng í ới gọi nhau.

Bạn giờ đang ở tận nơi đâu
Một câu hỏi không lời đáp lại
Có thành phố rồi, trăm niềm vui mới
Lại thích về với rừng,
Với ớt bột, me chua!

Bao kỷ niệm xốn xang cái buổi trưa hè
Tầng sáu nhìn xuống đường nơi mình đã ở
Nhớ hai bạn, nhớ một thời tuổi trẻ
Quen với đạn bom,
khẩu súng chống càn.

Đọc thơ bạn, quên mọi điều buồn, giận
Biết rằng xa để được nhớ nhiều hơn
Biết rằng sách đã đến tay người nhận
Nhờ trời thương ta, nhờ “kín cổng, cao tường”.

Thôi nhé, bớt lang thang, tìm kiếm
Dù vốn dân gian ta biết: quý hơn vàng
Tuổi mơ mộng qua rồi, tóc đã nhiều sợi trắng
Để còn gặt nhau, ly rượu hàn huyên.

Thôi nhé, dù trăm người, trăm ngả,
Đường ta đi vẫn ánh sáng, tình thương
Đọc thơ bạn, ôi cái thời nghịch ngợm
Xin đổi cả cuộc đời
lầy một phút rưng rưng…

Chùm Tứ Tuyệt Cho Em

Điện nhấp nháy bờ xa, sương lạnh
Mà vẫn nghe máy nổ dưới chân đèo
Chợt nhớ sắp vào mùa gieo hạt
Đêm ở quê nhà em ngủ được bao nhiêu?
(Hồ Balatông Hunggari 1977)

Đã hẹn với nhau ngày thắng giặc
Về ven rừng cũ hái phong lan
Năm năm rồi nhỉ em còn nhớ
Tết ngoài này, lòng ở Trường Sơn.
(Hà Nội 1980)

Biển nói với em về hạnh phúc
Và với anh về những chuyến đi
Đêm không tiếng sóng nằm thao thức
Biển và em nỗi nhớ tràn đầy.
(Hà Nội 1981)

Chiều mưa Sài Gòn, gió giật những cành me
Nghe bão miền Trung thương em một mình bối rối
Bao cơn bão đi qua cuộc đời con gái
Vẫn mình em chống chọi, vẫn mình em.
(Thành phố Hồ Chí Minh 1982)

Có cái gì trong nắng, nắng vàng hơn
Có cái gì trong xôn xao sóng vỗ
Anh nhìn đâu cũng thấy màu áo đỏ
Em xa rồi, tất cả nói thay em.
(Đà Nẵng 1985)

Lá Thư Thành Phố

Ôi! dòng chữ tím nghiêng nghiêng nét
Mảnh giấy vàng hoe chẳng kẻ dòng
Anh nghe hơi ấm bàn tay nhỏ
Trên phong bì đậm dấu quê hương…

Thư em đến giữa mùa mưa gió
Hé một trời xuân nắng hửng lên
Mưa vẫn rơi nhiều trên đất đỏ
Quê nhà em ở, nhớ mông mênh!

“Con vẫn ăn chơi, em vẫn khỏe
Anh yên lòng nhé, chốn rừng xanh!
Dây bầu sai trái sau nhà đó
Vẫn đợi anh về hái nấu canh

Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ
Nó khóc làm em cũng sụt sùi
Anh nhớ gởi về manh áo cũ
Ủ con, cho mẹ ấm nhờ hơi

Em vẫn ngày ngày đi gánh mướn
Thương em các chị giữ dùm con
Bạn không ruột thịt mà yêu mến!
Em biết vì sao… Anh biết không?

Nhà ta mấy bận mưa hư nát
Mái lá tơi bời, lạnh gối chăn!
Em không buồn lắm vì em biết
Anh khổ nơi xa gấp mấy lần!

Cao su! Rừng núi sương rưng lệ
Trời! Những đêm dài lạnh cắn răng!
Em thương anh khổ vì con, vợ
Đem giọt mồ hôi, đổi miếng ăn!

Em biết giờ đây bên gốc mủ
Anh khơi dòng nhựa để ngày mai
Nhựa chảy, anh không ngừng chiến đấu
Bên anh đồng chí biết bao người…”

Anh gục đầu trên dòng chữ nhỏ
Mà lòng thổn thức suốt canh thâu
Tưởng thấy bóng em sau cánh liếp
Đêm đêm nghe gió rít qua đầu!

Nửa căn nhà trống, vài phiên chợ
Đôi cánh tay gầy, một mụn con
Mưa nắng đã phai màu áo cưới
Giấc mơ còn lại: một lưng cơm!

Vì ai em khổ, con ta khổ
Đây đó tuy gần vẫn quá xa!
Mủ cao su chảy đông thành máu
Tức nước, ngày mai phải vỡ bờ!

Em thấy không em trời hửng sáng
Đêm dài nô lệ sẽ đi qua!
Em ơi anh gởi niềm tin tưởng:
Có toàn dân tộc đứng bên ta

Tìm Lại Sóc Bom Bo

Thương nhớ nhạc sĩ Xuân Hồng

Sóc Bom Bo nay đã là thị trấn
Không còn nghe đêm vọng lại tiếng chày
Cụp cùm cum… ấm lòng người ra trận
Các con qua đây, mẹ nhớ từng ngày

Cụp cùm cum… Chỉ thấy rừng thấy suối
Muốn dừng lại lâu hơn để ôm hết vào lòng
Bếp lửa mò-o, cô em Stiêng váy đỏ
Đồng đội gọi rồi. Và mưa lạnh, đường trơn…

Hẹn với Bom Bo ngày về chiến thắng
Để thăm em, thăm mẹ, thăm rừng
Giờ anh đến, tên ai trên bia liệt sĩ
Đọc giữa chừng mà nước mắt rưng rưng

Một thị trấn trẻ trung và hiện đại
Nhiều xe ô tô, nhiều bè bạn tìm về
Thiếu một tượng đài cho anh, người nghệ sĩ
Ôi tiếng chày ghi dáng Sóc Bom Bo

Vô Duyên

Gặp bài thơ cũ viết tặng em
Giấy đã vàng chưa đến tay người nhận
Trong đáy ba-lô, giữa bao thư bè bạn
Người đã xa rồi, thơ cũng hoá vô duyên…

Miền Nam Có Bác

Bác ơi, yêu Bác vô cùng,
Khi lời Bác đến giữa lòng miền Nam:
“Sông có cạn, núi có mòn,
Bắc Nam mãi mãi là con một nhà;
Miền Nam là máu thịt ta,
Càng đau thương càng tỏ ra Thành đồng.”
Miền Nam mang Bác trong lòng
Giữa bom đạn, giữa những vòng thép gai.
Bác ơi! Yêu bác vô cùng,
Miền Nam có bác: Thành đồng sắt son.

Vào Hè

Vào hè
Tiếng ve kêu trên hàng cây phượng vĩ
Cái nắng ong ong chạy suốt tuổi học trò
Hương đồng nội lan xa
Giữa phố phường nghe có mùi hoa sen, hoa bưởi.

Vào hè
Những cơn giông, đến và đi bất chợt
Trời thoắt xanh, thoắt đen sẫm màu chì
Mới thả diều lại đùa vui bóng nước
Ôi mùa hè xin ở lại đừng đi…

Vào hè
Má em hồng hơn, tiếng cười em trong hơn
Tuổi thơ trôi qua lúc nào không nhớ
Có phải tình yêu như quả xoài chín đỏ
Trong nắng hè, anh muốn ghé môi hôn

Em Hãy Về Với Biển Đảo Quê Hương

Thế là đã tròn năm
Em đi xa
Căn phòng còn hơi ấm
Còn những tiếng cười rúc rích
của con cháu vây quanh
Em đi xa
Lời dặn ở sân bay một sáng bình minh
“Học thành tài rồi về quê hương xây dựng”
Lời dặn thiêng liêng
Trong giấc ngủ đêm đêm rì rầm tiếng sóng
Thương đảo xa
Cha ngày xưa đưa thuyền
vượt bão tố cập bờ
Biển nuôi cả gia đình
Nuôi khát vọng tự do

Mới đó mà đã tròn năm
Biển Đông ngày thêm nóng bỏng
Có những kẻ muốn dựa vào sức mạnh
Thôn tính đảo xa, thôn tính bãi bờ
Nỗi đau của gia đình
khát vọng của cha xưa
Nỗi đau của em, buổi ra đi em còn nhắc:
“Cả dân tộc quyết đập tan tội ác
Giữ vững chủ quyền” vì lịch sử, vì em…
Em hãy về lượn trên ngọn sóng xanh
Báo những tin vui cho bạn bè, đồng chí
Em hãy về góp sức với anh
Và đất nước trong những ngày lửa cháy

Qua Xóm Cũ

Nhớ hôm nào gặp em ngồi giữa nắng
– Chỗ ngày xưa hai đứa thường ngồi
Sóng biển dưới chân em sùi bọt trắng
Phủ lên đá ghềnh, lớp lớp cuốn trôi

Mắt em nhìn biển khơi bát ngát
Ngóng một bóng tàu hiện dưới chân mây
Tàu Liên Xô chuyển quân ta tập kết
Nghe tin đồn nay sẽ qua đây…

Anh bảo em: “Thôi, đừng đợi nữa
Tàu chúng mình chạy mãi ngoài khơi xa…
Bóng cây bổ trùm lên đầu hai đứa
Em vẫn ngồi im, đôi mắt thẫn thờ…

Anh nắm tay em, bàn tay bé nhỏ
“Anh đi đi!” Kìa, em lại dỗi rồi!
Anh bấm bụng ngồi nán thêm chút nữa
Cố chiều em một lần chót này thôi!

Có tiếng gà rừng xôn xao nắng xế
Sóng vẫn thì thầm vỗ dưới chân ta
“Tàu chưa đến chắc là tàu… đi trễ”
Trong tiếng cười nghe bao nỗi thiết tha

Hôm nay anh về qua xóm cũ
Đến chỗ ngày xưa, ruột thắt từng cơn
Giặc bắt em rồi, những loài thú dữ!
Biển dưới chân anh gào thét, căm hờn!

Không còn em để đợi tàu nước bạn
Không còn em để giận dỗi buồn thương!
Trước mắt anh những tàu tuần hung hãn
Như bầy cá đen khát máu ngăn đường!

Hòn Yến của ta vẫn xanh rờn cây cỏ
Nhớ ngày nào em quả quyết với anh
Tàu Liên Xô sẽ chạy qua nơi đó
Ơi, trọn niềm tin bé nhỏ chân thành!

Anh nhìn biển khơi nhớ thương da diết
Cũng khát bóng cờ sao thắm em ơi!
Sáu năm rồi, hôm nay anh mới biết
Bến lòng em, tàu bạn ghé lâu rồi!

Mở Đường

Thuở ấy mới vào nghề
Óc, tim còn bỡ ngỡ
Anh dạy tôi cầm búa
Bàn tay tôi run run

Tôi đau khổ âm thầm
Khi các bạn đùa ghẹo
Tự trách mình chậm hiểu
Bao giờ bằng các anh?

Anh biết đời tôi khổ
Cày mướn giữa bùn sâu
Anh muốn tôi làm thợ
Và bước đi thẳng đầu…

Những trưa hè nắng gắt
Trườn, lết dưới gầm xe
Anh dạy tôi chữa, lắp
Cơm gọi không chịu về

Có gì đè trên ngực
Tôi khe khẽ rùng mình
Khối thép ngăn tầm mắt
Không cho thấy trời xanh

Ngừng tay anh thở dốc
Câu nói siết vào tim:
Muốn ngày mai hạnh phúc
Đừng sợ khổ nghe em!

Những ngày xa xưa ấy
Không quên được anh ơi!
Bao giờ thành thợ máy
Nhớ ơn anh suốt đời!

Chiều nay anh bị bắt
Giữa “chiến dịch Đồng Tâm”
Tôi còn đang ngơ ngác
Còng đã khoá tay anh

Chưa kịp khoác lên người
Chiếc áo xanh lấm bụi
Nhìn chúng tôi anh cười:
“Thôi bà con ở lại!”

Những họng súng đen ngòm
Đã xô anh ngã sấp
Mắt chúng tôi trừng trừng
Ruột đau như ai cắt

– “Đứa nào là Cộng sản
Khai đi, sẽ được tha!”

Anh vẫn đứng lặng thinh
Mấy lần môi mấp máy
Một chiếc lá lìa cành
Bay ngang trời vẫy vẫy…

– “Đứa nào là Cộng sản
Ông hẳn biết hơn tôi!
Cộng sản là mặt trời!
Là áo cơm, thống nhất!”

Một lời nói chưa dứt
Anh ngã dưới đòn roi
Mắt anh vẫn sáng ngời
Một vì sao không tắt!

Giờ đây anh sống, chết?
Khám lớn hay Côn Lôn?
Tiếng máy vẫn gầm thét
Như xoáy sâu căm hờn

Chia sẻ các thông tin thú vị về 🌿Thơ Trương Nam Hương 🌿Tuyển Tập Chùm Thơ Hay

Viết một bình luận