Bài Thơ Tre Việt Nam: Nội Dung, Soạn Bài, Cảm Nhận

Bài Thơ Tre Việt Nam: Nội Dung, Soạn Bài, Cảm Nhận, Phân Tích, Kể Lại Chuyện. Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Bố Cục, Giáo Án, Hướng Dẫn Tập Đọc.

Giới Thiệu Bài Thơ Tre Việt Nam

“Tre Việt Nam” là một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy, được sáng tác vào những năm 1970-1972. Bài thơ này nằm trong tập thơ “Cát trắng” và được viết theo thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của Việt Nam.

Nội dung và ý nghĩa:

  • Bài thơ “Tre Việt Nam” ca ngợi vẻ đẹp và phẩm chất của cây tre, một biểu tượng quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam. Cây tre không chỉ là hình ảnh của thiên nhiên mà còn tượng trưng cho những đức tính cao quý của con người Việt Nam như sự kiên cường, đoàn kết và bền bỉ

Một số đoạn tiêu biểu trong bài thơ:

Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.
Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

Ý nghĩa của bài thơ:

  • Hình ảnh cây tre: Cây tre xuất hiện xuyên suốt bài thơ với hình ảnh xanh tươi, mạnh mẽ dù sống trong điều kiện khắc nghiệt. Điều này tượng trưng cho sự kiên cường và bền bỉ của con người Việt Nam.
  • Tinh thần đoàn kết: Tre mọc thành khóm, thành cụm, luôn sát cánh bên nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết và yêu thương lẫn nhau của người Việt.
  • Sự trường tồn: Dù có khó khăn, cây tre vẫn vươn lên mạnh mẽ, biểu tượng cho sự trường tồn và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam.

Bài thơ “Tre Việt Nam” không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một lời nhắc nhở về những giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Nội Dung Bài Thơ Tre Việt Nam Lớp 4

Tre Việt Nam là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Duy, bài thơ này đã được đưa vào chương trình tập đọc lớp 4, sau đây là nội dung bài thơ:

Tre Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Duy

Tre xanh, 
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
Măng non là búp măng non.
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.

Tìm hiểu bài thơ 🔰Cháu Nghe Câu Chuyện Của Bà Lớp 4 🔰Nội Dung, Ý Nghĩa

Giới Thiệu Bài Thơ Tre Việt Nam Nguyễn Duy

Giới thiệu thêm một số thông tin về bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy.

  • Bài thơ Tre Việt Nam được sáng tác theo thể thơ lục bát, sử dụng hình ảnh gần gũi, sử dụng biện pháp nhân hóa…
  • Bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy được in trong SGK Tiếng Việt 4 tâp 1 trang 41
  • Nội dung bài Tre Việt Nam: ca ngợi vẻ đẹp của cây tre. Cây tre có nhiều tính chất giống như tính cách con người Việt Nam như kiên cường, thẳng thắn. Tre đã gắn bó với người dân Việt Nam từ thuở dựng nước cho đến nay.

Bố Cục Bài Thơ Tre Việt Nam

Bố cục bài thơ Tre Việt Nam có thể chia thành 3 phần:

  • Phần 1. Từ đầu đến “Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”: Giới thiệu về cây tre.
  • Phần 2. Tiếp theo đến “Tre già măng mọc có gì lạ đâu”: Phẩm chất của cây tre Việt Nam.
  • Phần 3. Còn lại: Tre còn mãi với thời gian.

Đọc hiểu bài ❤️️Thư Thăm Bạn Lớp 4 ❤️️ Nội Dung, Soạn Bài

Hướng Dẫn Tập Đọc Tre Việt Nam

Hướng dẫn các em học sinh cách tập đọc bài thơ Tre Việt Nam:

  • Đọc đúng các tiếng, từ khó, dễ lẫn do ảnh hưởng của phương ngữ: nắng nỏ trời xanh, bão bùng, lũy thành, bao giờ
  • Đọc trôi chảy được toàn bài, ngắt nghỉ hơi đúng sau các dấu câu, giữa các cụm từ, nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm.
  • Đọc diễn cảm toàn bài, phù hợp với nội dung, cảm xúc.

Chú thích từ khó:

  • Luỹ thành: Bờ cao, thường đắp bằng đất hoặc xây bằng gạch đá để bảo vệ khu vực bên trong (luỹ tre: hàng tre trồng rất dày làm thành rào bảo vệ)

Ý Nghĩa Bài Thơ Tre Việt Nam

Ý nghĩa bài thơ: Qua việc mô tả những phẩm chất đáng quý của cây tre, ta nhận thấy rõ cây tre chính là hình mẫu tượng trưng cho con người Việt Nam. Qua hình tượng cây tre, tác giả ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: đoàn kết, giàu tình thương yêu, ngay thẳng, chính trực  từ cụ già cho đến trẻ thơ.

Chia sẻ cho bạn đọc 🌻 Người Mẹ Của 51 Đứa Con 🌻Tìm hiểu chi tiết

Đọc Hiểu Tác Phẩm Tre Việt Nam

Gợi ý cách trả lời các câu hỏi đọc hiểu tác phẩm Tre Việt Nam.

👉Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Bảy chữ

B. Lục bát

C. Tự do

D. Năm chữ

👉Câu 2. Bài thơ “Tre Việt Nam” của tác giả nào?

A. Nguyễn Bùi Vợi

B. Thép Mới

C. Nguyễn Duy

D. Tố Hữu

👉Câu 3. Những câu thơ sau gợi lên phẩm chất tốt đẹp nào của người Việt Nam?

“Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù?”

A. Cần cù

B. Đoàn kết

C. Ngay thẳng

D. Nhân hậu

👉Câu 4. Đoạn thơ sau cho thấy đức tính gì của cây tre Việt Nam?

“Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”

A. Tình yêu thương đồng loại

B. Cha truyền con nối

C. Cần cù, chịu khó

D. Ngay thẳng

👉Câu 5. Những hình ảnh về cây tre và búp măng non gợi cho con điều gì?

1. Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con
2. Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
a. Măng khỏe khoắn, ngay thẳng, khảng khái, không chịu mọc cong
b. Cái mo tre màu nâu, bao quanh cây măng lúc mới mọc như chiếc áo mà tre nhường cho con

👉Câu 6. Những hình ảnh nào của tre gợi lên phẩm chất ngay thẳng của người dân Việt Nam?

A. Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

B. Măng non là búp măng non/ Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre

C. Thương nhau tre chẳng ở riêng/ Lũy thành từ đó mà lên hỡi người.

D. Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

👉Câu 7. Câu thơ dưới đây cho thấy đức tính gì của cây tre?

“Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.”

A. Hi sinh, nhường nhịn

B. Tinh thần đoàn kết

C. Chịu khó, cần cù

D. Ngay thẳng, bất khuất

👉Câu 8. Dòng thơ dưới đây cho thấy đức tính gì của cây tre Việt Nam? “Nòi tre đâu chịu mọc cong Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.”

A. đoàn kết, đùm bọc nhau

B. khỏe khoắn, ngay thẳng, bất khuất

C. khỏe khoắn, vững chắc

D. chịu thương, chịu khó

👉Câu 9. Đoạn thơ kết bài có ý nghĩa gì?

” Mai sau,

Mai sau,

Mai sau,

Đất xanh tre mãi xanh xanh màu tre xanh”.

A. Thể hiện vẻ đẹp sự kế tiếp liên tục của các thế hệ – tre già măng mọc, giống như những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam sẽ mãi mãi nối tiếp liên tục từ thế hệ nay sang thế hệ khác.

B. Dự đoán sau này bóng tre xanh sẽ còn lan tỏa khắp các làng quê, các ruộng đồng, núi đồi, thành phố trên đất nước Việt Nam.

C. Màu xanh của tre là màu vô cùng tươi đẹp.

D. Cần có biện pháp hữu hiệu để màu xanh của tre được phủ khắp trên đất nước Việt Nam.

👉Câu 10. Con thấy được những phẩm chất tốt đẹp nào của người dân Việt Nam được hiện lên thông qua hình ảnh cây tre?

A. Cần cù, đoàn kết

B. Cần cù, đoàn kết, ngay thẳng

C. Cần cù, đoàn kết, nhân hậu, thông minh

D. Nhân hậu, thông minh

Đáp án:

Câu12345678910
Đáp ánBCAA1 – b
2 -a
A, BABAB

Soạn Bài Tre Việt Nam Lớp 4

Tham khảo ngay cách soạn bài Tre Việt Nam lớp 4 dưới đây nhé!

👉Câu 1 trang 42 Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Những hình ảnh nào của tre gợi lên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam:

a) Cần cù

b) Đoàn kết

c) Ngay thẳng

Đáp án:

Những hình của cây tre gợi lên phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam là:

a) Cần cù– Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu- Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù- Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
b) Đoàn kết– Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
c) Ngay thẳng– Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con- Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre

👉Câu 2 trang 42 Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Em thích những hình ảnh nào về cây tre và búp măng non?

Đáp án: Những hình ảnh nói về cây tre và búp măng trong bài thơ đều rất thích. Bởi mỗi hình ảnh của tre hay búp măng đều chứa đựng những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam. Đó là sự cần cù trong lao động, chịu thương chịu khó “yêu nhiều nắng nỏ trời xanh” Đó là tình thương yêu bao la giũa người với người “Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm”, “có manh áo cộc, tre nhường cho con”, “măng non là búp măng non”, ” Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”.

Đọc thêm bài thơ 🔰Những Cánh Buồm Lớp 5 🔰Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ

Giáo Án Tre Việt Nam Lớp 4

Giáo án Tre Việt Nam lớp 4 sau đây sẽ giúp các thầy cô chuẩn bị tiết dạy nhanh chóng hơn.

I. MỤC TIÊU:

1. Kiến thức

– Hiểu ND: Qua hình tượng cây tre, tác giả ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: giàu tình yêu thương, ngay thẳng, chính trực (trả lời được các câu hỏi 1,2 ; thuộc khoảng 8 dòng thơ)

2. Kĩ năng

– Đọc rành mạch, trôi chảy: bước đầu biết đọc một đoạn thơ lục bát với giọng tình cảm.

3. Thái độ

– Giáo dục tình yêu với những loài cây quen thuộc của làng quê VN, tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước.

4. Góp phần phát triển các năng lực

– NL giao tiếp và hợp tác, NL giải quyết vấn đề và sáng tạo, NL ngôn ngữ, NL thẩm mĩ.

*GDBVMT:Những hình ảnh đó vừa cho thấy vẻ đẹp của môi trường thiên nhiên, vừa mang ý nghĩa trong cuộc sống. Hãy giữ gìn môi trường sạch đẹp!

II. CHUẨN BỊ:

1. Đồ dùng

– GV: Tranh minh hoạ bài tập SGK (phóng to nếu có điều kiện).

– HS: sưu tầm các tranh, ảnh vẽ cây tre.

2. Phương pháp, kĩ thuật

– Phương pháp: Quan sát, hỏi – đáp,..

– Kĩ thuật: Làm việc nhóm, chia sẻ

III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY – HỌC:

Hoạt động của giáo viênHoạt động của học sinh
1. Khởi động:(3p)
– Hs hát kết hợp với vận động
– GV chuyển ý vào bài mới.
2. Hướng dẫn luyện đọc:(10p)
* Mục tiêu: HS đọc rành mạch, trôi chảy thể hiện đúng nhịp điệu của câu thơ, đoạn thơ.
* Cách tiến hành: Cá nhân- Nhóm – Cặp
* Luyện đọc:
– Gọi HS đọc bài (M3)
– GV lưu ý giọng đọc tha thiết, trìu mến
– GV chốt vị trí các đoạn (4 đoạn)
+ Đoạn 1: Từ đầu …..bờ tre xanh.
+ Đoạn 2: Yêu nhiều….hỡi người.
+Đoạn 3: Chẳng may….đến gì lạ đâu.
+ Đoạn 4: Mai sau….đến tre xanh
– GV kết hợp sửa cách phát âm cho HS, cách ngắt, nghỉ cho HS (M1)
– 1 HS đọc bài, cả lớp đọc thầm
– HS thảo luận nhóm 2, chia đoạn bài tập đọc và chia sẻ trước lớp
– Nhóm trưởng điều hành nhóm đọc nối tiếp đoạn lần 1.
– Luyện đọc từ khó do HS phát hiện: Đọc mẫu (M4) – Cá nhân (M1) – Lớp đọc
(Tre xanh, nắng nỏ trời xanh, khuất mình, bão bùng, lũy thành, nòi tre, lạ thường, lưng trần).
– Đọc đoạn lần 2 giải nghĩa từ khó: luỹ thành, gầy guộc, nòi tre,…
– Báo cáo việc đọc trong nhóm
– 1 HS đọc toàn bài (M4)
3. Tìm hiểu bài:(15p)
* Mục tiêu: Hs hiểu được nội dung bài thơ, từ đó có thái độ, tình cảm yêu thương, ngay thẳng, chính trực đối với mọi người xung quanh.
* Cách tiến hành: Cá nhân- Cặp đôi- Cả lớp
– GV phát phiếu học tập in sẵn các câu hỏi tìm hiểu bài cho các nhom
– TBHT điều hành nhóm trả lời dưới sự hướng dẫn của GV
+ Những câu thơ nào nói lên sự gắn bó lâu đời của cây tre với con người Việt Nam?
 GV: Tre có tự bao giờ không ai biết. Tre chứng kiến mọi chuyện xảy ra với con người tự ngàn xưa, tre là bầu bạn của người Việt Nam.
+ Đoạn 1 cho ta thấy điều gì?
+ Chi tiết nào cho thấy tre như con người?
+ Những hình ảnh nào của cây tre tượng trưng cho tình thương yêu đồng loại?
+ Những hình ảnh nào tượng trưng cho tính cần cù?
+ Những hình ảnh nào gợi lên tinh thần đoàn kết của người Việt Nam?
+ Những hình ảnh nào của cây tre tượng trưng cho tính ngay thẳng?
+ Đoạn 2,3 nói lên điều gì?
+ Đoạn thơ kết bài có ý nghĩa gì?
GV: Bài thơ kết lại bằng cách dùng điệp từ, điệp ngữ: Mai sau, xanh để thể hiện sự tài tình, sự kế tiếp liên tục của các thế hệ tre già măng mọc.
+ Qua bài thơ trên tác giả muốn ca ngợi điều gì?
+ Em thích những hình ảnh nào về cây tre và búp măng non ? Vì sao ?
GDBVMT thông qua câu hỏi 2: (Sau khi HS trả lời, GV có thể nhấn mạnh: Những hình ảnh đó vừa cho thấy vẻ đẹp của môi trường thiên nhiên, vừa mang ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống).
– GV ghi nội dung lên bảng.
– 1HS đọc to các câu hỏi
– Nhóm trưởng điều hành nhóm trả lời các câu hỏi (5p) theo kĩ thuật Khăn trải bàn
+ Câu thơ:
Tre xanh, Xanh tự bao giờ?
 Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
– Lắng nghe.
1. Sự gắn bó lâu đời của tre đối với người việt Nam.
+Chi tiết: không đứng khuất mình bóng râm
+ Hình ảnh: Bão bùng thân bọc lấy thân/Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/ Thương nhau tre chẳng ở riêng/Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con
+Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
Rễ siêng không chịu đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
+ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
+ Tre già thân gãy cành rơi mà tre vẫn truyền cái gốc cho con. Tre luôn mọc thẳng không chịu mọc cong…
2. Phẩm chất tốt đẹp của cây tre.
3. Nói lên sức sông lâu bền, mãnh liệt của cây tre.
+ Lắng nghe.
* Bài thơ ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: giàu tình thương yêu, ngay thẳng, chính trực thông qua hình tượng cây tre
HS trả lời
– HS liên hệ việc giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống trong lành
– HS ghi chép lại nội dung bài
4. Luyện đọc diễn cảm:(10p)
* Mục tiêu: HS biết đọc diễn cảm, nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm, thể hiện đúng nhịp điệu của thơ.
* Cách tiến hành:
– Yêu cầu nêu lại giọng đọc của bài
5. HĐ ứng dụng (1p)
6. HĐ sáng tạo (1p)
– 1 HS M4 đọc mẫu toàn bài.
– Nhóm trưởng điều khiển nhóm đọc diễn cảm.
– Cử đại diện đọc trước lớp
– Nhận xét, bình chọn
– Liên hệ vẻ đep của cây tre với phẩm chất của người VN
– Tìm đọc các tác phẩm viết về cây tre

4 Mẫu Phân Tích, Cảm Nhận Bài Thơ Tre Việt Nam Hay Nhất

Gửi tặng bạn đọc các mẫu phân tích, cảm nhận bài thơ Tre Việt Nam hay nhất, xem ngay đừng bỏ lỡ.

Mẫu Cảm Nhận Bài Thơ Tre Việt Nam Hay – Mẫu 1

Cây tre là một trong những loài cây quen thuộc đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân Việt Nam. Không chỉ vậy, từ vai trò, công dụng cũng như đặc tính tốt đẹp của cây tre là tre đã trở thành một biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự kiên cường, bất khuất của nhân dân, con người Việt Nam. Viết về biểu tượng cây tre, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết nên những dòng thơ gây xúc động đến người đọc, đó chính là bài thơ Tre Việt Nam.

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa…đã có bờ tre xanh

Mở đầu bài thơ, tác giả đã thể hiện sự băn khoăn chưa có lời giải đáp về nguồn gốc cũng như thời điểm xuất hiện của cây tre. Trong những câu chuyện của bà, trong những lời ca dao đầy thiết tha của mẹ,hẳn trong chúng ta ai cũng từng biết đến cây tre. Nhưng, cây tre ra đời như thế nào, có xuất xứ ra sao thì không ai biết, chỉ biết một cách mơ hồ, ước lượng rằng tre ra đời từ rất lâu rồi. Đúng như nhà thơ Nguyễn Duy thể hiện sự cảm than “Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”.

Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu

Cây tre là loài cây có thân nhỏ, mọc thẳng, một cây tre trưởng thành có thể cao từ năm đến bảy mét. Lá tre mỏng và dài. Từ những đặc điểm của cây tre, tác giả Nguyễn Duy thể hiện sự xúc động khi hình dáng mỏng manh của cây tre vẫn vươn lên tươi tốt, vẫn có thể thành luỹ, nên thành.

Tre có thể sống ở mọi địa hình, ngay cả đất đai cằn cỗi là sỏi đá tre vẫn vươn lên xanh tốt “Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu”. Từ đặc tính sinh sôi mạnh mẽ, mãnh liệt của cây tre, tác giả gợi cho người đọc hình dung về chính con người Việt Nam, đó chính là những người có khả năng thích nghi cao, có khả năng chinh phục những hoàn cảnh khó khăn để sinh tồn, phát triển.

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Lí giải cho sự kiên cường, cho sức sống mãnh liệt của cây tre, Nguyễn Duy đã minh giải bằng chính sự cần cù, chân chất của tre. Tre không ngại đất nghèo “Rễ siêng không ngại đất nghèo”, sự cần cù của tre được tác giả điển hình hoá bằng những chum rễ vững chắc của tre ăn sâu vào đất “Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”.

Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người

Tre không chỉ là biểu tượng của sức sống bền bỉ, của sự kiên cường mà cây tre còn là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó. Từ đặc tính sinh học của cây tre là thường mọc thành luỹ, thành khóm nên dù thân tre mong manh nhưng không có một cơn bão, trận giông tố nào có thể quật ngã chúng.

Trong sự miêu tả của Nguyễn Duy, những cây tre ôm ấp, bao bọc lấy nhau khi trời có bão bùng “Bão bùng thân bọc lấy thân”, những cây tre dựa vào nhau để không bị quật ngã và trong cái nhìn đầy thi vị của nhà thơ, tre như ôm tay níu để gần nhau hơn. Vì thương nhau mà tre không mọc riêng, đó cũng là cách nhà thơ lí giải nguyên nhân tre thường hay mọc thành khóm.

Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như trông lạ thường

Cây tre thường mọc thẳng, đâm cao lên bầu trời, thân tre tuy mỏng manh nhưng thực chất nó lại vô cùng cứng cáp. Ngay cả khi tre bị gãy thì nó cũng không hề lụi tàn, biến mất mà nơi cây tre ngã xuống ấy, những mầm của măng sẽ mọc lên.

Những cây tre từ khi còn là những búp măng yếu ớt thì lúc nào cũng vươn thẳng, không chịu mọc cong. Đây là một đặc trưng tiêu biểu của loài tre, và cũng từ đặc trưng ấy mà nó đã trở thành biểu tượng cho con người Việt Nam, cho đức tính ngay thẳng, không chịu luồn cúi của những người Việt Nam.

Như vậy, viết về cây tre nhưng thực chất, tác giả Nguyễn Duy đã khát quát thành biểu tượng về con người Việt Nam với những đức tính tốt đẹp: kiên cường, đoàn kết, ngay thẳng, không chịu luồn cúi dù trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách nhất.

Phân Tích Bài Thơ Tre Việt Nam Chọn Lọc – Mẫu 2

Tre Việt Nam” là bài thơ kiệt tác của Nguyễn Duy được nhiều người yêu thích. Đây là một phần tiêu biểu của bài thơ ấy. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát; trong đó câu lục đầu bài thơ được cắt thành hai dòng (2+4) và câu lục cuối bài được cắt thành ba dòng (2+2+2). Lời thơ mượt mà, có nhiều hình ảnh đẹp, giọng thơ du dương truyền cảm.

Ba dòng thơ đầu, nhà thơ ngạc nhiên hỏi về màu xanh của tre, liên tưởng đến “chuyện ngày xưa” – chuyện người anh hùng làng Gióng dùng gộc tre đánh đuổi giặc Ân. Qua đó, tác giả thể hiện rất hay sự gắn bó lâu đời giữa cây tre với đất nước và con người Việt Nam:

“Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”.

Cây tre được nhân hóa, tượng trưng cho bao phẩm chất cao quý của con nguời Việt Nam, của dân tộc Việt Nam

Cây tre, lũy tre tượng trưng cho tình thương yêu đồng loại, tinh thần đoàn kết dân tộc để vượt qua bão bùng, để làm nên lũy thành bền vững:

“Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người.”

Nguyễn Duy có nhiều cách sáng tạo hình ảnh về cây tre, măng tre để thể hiện tính ngay thẳng, tinh thần bất khuất của nhân dân ta:

“Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”.

hay:

“Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lự thường”.

hay:

“Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”.

Cây tre được nhân hóa, tượng trưng cho đức hi sinh, tình thương con bao la của người mẹ hiền:

“Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con”.

“Tre già măng mọc” là sự thật, là niềm tin về tuổi thơ, về thế hệ tương lai.

Ba chữ “xanh” trong câu cuối bài thơ cho thấy cách viết rất tài hoa của Nguyễn Duy khi ca ngợi vẻ đẹp của cây tre, ca ngợi cảnh sắc làng quê đất nước bển vững trong dòng chảy thời gian đến muôn đời mai sau:

“Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

Đọc bài thơ “Tre Việt Nam”, ta yêu thêm cây tre, lũy tre, yêu thêm vẻ đẹp quê hương đất nước, ta thêm tự hào về bao phẩm chất cao quý của con ngườ: Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Mẫu Cảm Nhận Bài Thơ Tre Việt Nam Tiêu Biểu – Mẫu 3

Bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy là một bài thơ miêu tả vẻ đẹp cây tre Việt Nam, qua hình ảnh tre tác giả thành công trong việc miêu tả tính cách của con người Việt Nam. Với lời thơ mượt mà, giọng thơ du dương truyền cảm tạo nên một bài thơ được nhiều độc giả yêu thích.

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh

Mở đầu bài thơ hiện lên hình ảnh tre xanh, hình ảnh cây tre vô cùng quen thuộc với làng quê Việt Nam. Hai tiếng tre xanh vô cùng xao xuyến. “Xanh tự bao giờ?” câu thơ là một câu hỏi, nghĩa là tre sinh ra khi nào, nhưng chẳng ai biết từ bao giờ, vì khi sinh ra đã thấy những rặng tre mọc san sát bên nhau tạo thành lũy. Với cách mở đầu này tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc về một hình ảnh cây tre vô cùng quen thuộc.

Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

Những câu thơ ngắn gọn, mộc mạc nhà thơ tiếp tục mang đến cho người đọc hình ảnh cây tre, vẻ đẹp của cây tre vô cùng cao quý như chính phẩm chất của người dân Việt Nam. Hình ảnh cây tre hiện lên “gầy guộc” “mong manh”Thế nhưng cây tre vẫn đứng thẳng hàng thành từng lũy cho dù bờ đất đai khô cằn ,trên
nền đất đá vôi bạc màu thì vẫn xanh tốt.

Qua đây nhà thơ nhằm tôn lên vr đẹp, phẩm chất của con người Việt Nam, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng thật thà, chất phác, đoàn kết và yêu thương lẫn nhau. Con người Việt Nam, dù khổ, dù đói vẫn có sức sống mãnh liệt như những cây tre vậy:

“Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”

Dù cho đất đá kia bạc màu, không có chất dinh dưỡng nhưng tre vẫn luôn xanh tươi, rễ luôn bám sâu vào đất. .Tre vươn mình đu đưa trong ngọn gió ,cứ như thế tre luôn vươn mình trên nền trời xanh mướt, tạo một màu sắc bình yên vốn có của đất nước ta.

Qua hình tượng cây tre, tác giả Nguyễn Duy muốn khắc họa lên hình ảnh, phẩm chất của người dân Việt Nam. Tuy nhỏ bé, mong manh nhưng họ không bao giờ khuất phục, chịu đầu hàng luôn đứng lên bảo vệ lẽ phải. Bão bùng thân bọc lấy thân.

Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.

Ở những câu thơ này, với việc sử dụng biện pháp nhân hóa hình ành tre giống với hình ảnh con người. Những cây tre ôm lấy nhau, bao bọc nhau cùng vượt qua gió táp bão bùng. Hình ảnh tre luôn mọc thành lũy, thành tầng để bảo vệ sự sinh tồn và phát triển nòi giống.

Hình ảnh tre được ẩn dụ thành manh áo cộc để nhường nhịn cho đàn con của mình. Cây tre giống như một người mẹ hiền hòa yêu thương đàn con vậy.

Qua hình ảnh cây tre, nhà thơ càng tô đậm vẻ đẹp, truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, luôn đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau.

Ở khổ thơ cuối cùng nhà thơ miêu tả hình ảnh măng non như biểu tượng cho những thế hệ thiếu niên nhi đồng:

Măng non là búp măng non.
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.

Với hình ảnh tre già măng mọc chính là sự thừa hưởng, sự tiếp nối của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Qua bài thơ này chúng ta thấy được không chỉ nói đến tre xanh mà tác giả còn muốn nói lên được phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam chúng ta.

Phân Tích Bài Thơ Tre Việt Nam Hay Đặc Sắc – Mẫu 4

Nhắc đến Nguyễn Duy ta thường nhớ đến bài thơ Ánh Trăng thế nhưng ngoài bài thơ ấy Nguyễn Duy còn mang đến cho chúng ta một bài thơ hay không kém và đặc biệt nó còn có ý nghĩa nói đến nhân dân ta. Đó chính là bai thơ Tre Việt Nam.

Nhà thơ bắt đầu bằng hai từ tre xanh. Và tiếp đến là câu hỏi cây tre xanh ấy có từ bao giờ:

“Tre xanh 
Xanh tự bao giờ? 
Chuyện ngày xưa. . . đã có bờ tre xanh”

Hai tiếng tre xanh gợi lên cho những con người Việt Nam chúng ta một cảm xúc vô cùng bâng khuâng chạnh lòng mà nhớ đến những huyền thoại bên cạnh những cây tre ấy. Nhà thơ hỏi tre có tự bao giờ và trả lời bằng câu có từ ngày xưa rất xưa rồi. Cách mở đầu đi thẳng vào hình ảnh tre xanh đã làm hấp dẫn người đọc bởi vì tre xanh đối với nước ta mà nói quả thật là thứ cây đại diện cho những chiến thắng những đấu tranh bền bỉ lâu dài.

Đến những câu thơ tiếp theo Nguyễn Duy vẽ lên những vẻ đẹp của tre xanh và qua những vẻ đẹp ấy ta thấy được những phẩm chất của con người Việt Nam ta:

Thứ nhất là vẻ đẹp của màu sắc, hình dáng của những cây tre xanh nước ta:

“Thân gầy guộc, lá mong manh 
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi? 
Ở đâu tre cũng xanh tươi 
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”

Cây tre Việt Nam hiện lên với thân hình gầy guộc, mong manh. Tre thanh cao, nhẹ nhàng trước gió. Những tính từ ấy khiến cho ta liên tưởng đến những khóm tre xanh lá nhỏ thân cao thẳng tắp gầy guộc nhưng lại thẳng đứng như thế đấy. Thế nhưng tre vẫn thành lũy thành bờ dù cho đất đai khô cằn, dù cho đá vôi có bạc màu đất thì tre vẫn xanh tốt như thế.

Ở đây ta thấy được phẩm chất của con người Việt Nam chúng ta, trong xã hội con người nếu như nói về thân phận thấp cổ bé họng thì chúng ta ví như củ sắn, củ khoai nhưng nói đến sự thanh cao ngoài trúc, mai ra thì chúng ta còn nhắc đến cây tre.

Dáng hình gầy guộc thẳng tắp mong manh kia như thể hiện được sự phẩm chất của con người. Đó là con người Việt Nam ta nhỏ bé nhưng lương tâm thì ngay thẳng như cây tre và dù sống ở đâu thì chúng ta vẫn cứ sống tốt dẫu cho đất đá có khô cằn thì cây tre kia vẫn xanh, con người Việt Nam vẫn sống chan hòa với nhau.

Có gì đâu, có gì đâu
…….
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.

Sức sống của tre xanh vượt qua biết bao nhiêu là sự nghèo khổ. Đất đá kia bạc màu không dưỡng chất nhưng tre vẫn xanh tươi vì rễ kia siêng tìm nguồn dinh dưỡng. Cho nên đất có nghèo thì tre vẫn xanh tốt mà thôi. Và khi ấy tre vẫn vươn mình đu đưa theo những ngọn gió, tre in mình lên những khoảng trời xanh tôn lên vẻ đẹp thanh bình của làng quê Việt Nam. Và cứ như thế tre xanh Việt Nam cao vút trên nền trời và không bao giờ đứng khuất bóng râm của một loài cây nào khác bởi chính tre cũng cao lắm rồi.

Bão bùng thân bọc lấy thân
…….
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.

Tre ở đây như được nhân hóa có tay, có tình cảm của con người. Những cây tre vẫn ôm lấy nhau níu lấy nhau vượt qua giông tố của cuộc đời. Nó thể hiện sự đùm bọc yêu thương lẫn nhau của tre. Tre không đứng một mình, không ở riêng mà sống thành lũy thành khóm. Và khi tre có gẫy cành rụng lá thì vẫn để lại cái gốc cho măng mọc lên tiếp tục sinh trưởng phát triển lên.

Hình ảnh so sánh tre như chông thể hiện sự sắc nhọn và thẳng tắp của cây tre. Hình ảnh những lá bao bọc măng của tre được ẩn dụ thành manh áo cộc thể hiện sự nhường nhịn cho con. Cây tre ấy lại như một người mẹ yêu thương con, nhường nhịn cho con. Nó cũng giống như người mẹ Việt Nam với chiếc yếm hở lưng trần, còn manh áo cộc thì nhường cho con hết.

Phẩm chất ngay thẳng, truyền thống nối nghiệp ông cha, duy trì nói giống “tre già măng mọc” của nhân dân ta được thể hiện rõ. Đồng thời qua hình ảnh cây tre ta còn thấy được sự đoàn kết của nhân dân ta, chúng ta sống thành những gia đình lớn chứ không hề ở riêng lẻ. trước những sóng gió thì bao bọc lấy nhau như “lá lành đùm lá rách”.

Khổ thơ cuối nhà thơ miêu tả hình ảnh măng non như biểu tượng cho những thế hệ thiếu niên nhi đồng:

Măng non là búp măng non.
……
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.

Sự truyền nối tre già măng mọc là truyền sinh tồn của tre, những búp măng mới nhú cũng đã mang những dáng hình của tre rồi. Và năm tháng qua đi cho đến mai sau thì thì đất vẫn mang một màu xanh của những cây tre xanh ấy.

Điệp từ mai sau kết hợp với câu thơ cuối với điệp từ “xanh” thể hiện cảnh vật nước Việt luôn xanh màu tre xanh. Con người Việt Nam những thế hệ thiếu niên nhi đồng lớn lên cũng mang những dáng hình của ông bà tổ tiên và đến mai sau nữa thì phẩm chất con người Việt Nam vẫn mãi đẹp như cây tre ấy.

Qua đây ta thấy Nguyễn Duy không nói tre xanh như Thép Mới : “Tre anh hùng lao đông, tre giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” mà đi miêu tả sức sống bình thường của tre để qua đó vẫn thấy lấp lánh những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam ta.

Đón đọc bài 🍀 Dòng Kinh Quê Hương 🍀Các bài văn cảm nhận hay nhất

Viết một bình luận